Đàn ghita của Lorca - Khó hay dễ học

H

hocmai.nguvan

[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Các em thân yêu!
Trong chương trình Ngữ văn 12, Đàn ghita của Lor-ca của nhà thơ Thanh Thảo là một bài thơ mới và được đánh giá là khó học.
Để giúp các em hiểu được bản chất của tác phẩm, những vấn đề trọng tâm để phục vụ cho các kỳ thi, chúng ta sẽ cùng tìm ra những điểm khó học của bài thơ này.
Từ đó sẽ đi tìm hiểu, phân tích những vấn đề đó để chúng ta có thể hiểu bài thơ đúng nghĩa và đúng bản chất của nó.
Các em cùng tham gia thảo luận nhé!
 
M

mickeykhotinh

Bài này nhiều ý nghĩa tượng trưng quá chị ơi, em thấy có nhiều ý kiến trái chiều.
Người thì bảo tiếng đàn ghita là tiếng đàn của Lorca, người thì bảo không được coi là như thế.
Em chẳng biết nên theo ý nào nữa..
 
H

hocmai.nguvan

Hi em, Mickeykhotinh!
Ừ, trước hết, chị cũng công nhận với em là bài này theo chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực, thế nên có nhiều hình ảnh biểu tượng. Tiếng đàn ghita là một trong những hình ảnh biểu tượng đó.
Thực ra tiếng đàn ở đây được hiểu theo 2 nghĩa.
Nghĩa thực: đó là tiếng đàn của Lorca
Nghĩa tượng trưng: là biểu tượng cho con người Lorca, cho khát khao tìm kiếm nghệ thuật của ông
Với 2 nghĩa này chúng ta sẽ nghiêng nhiều về nghĩa thứ 2. Như thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận nghĩa thứ nhất em nhé!
 
T

thuyhoa17

Còn về tiêu đề: "Đàn ghi-ta của Lor-ca" và lời đề từ: "Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn" ? Chị hocmai.nguvan nghĩ như thế nào về 2 điều trên ạ?
 
H

hocmai.nguvan

Chào em, thuyhoa17!
Với nhan đề và lời đề từ của bài thơ, chị có vài suy nghĩ như sau:
Thứ nhất: về nhan đề bài thơ: Đàn ghi ta của Lor-ca: đọc lên chúng ta có thể thấy được, hình tượng đàn ghita là hình tượng xuyên suốt bài thơ. Như vậy nhan đề bài thơ đã phần nào thể hiện được nội dung của tác phẩm. Tuy nhiên, xuyên suốt bài thơ chúng ta không chỉ thấy có âm thanh và hình ảnh tiếng đàn, đặt nhan đề bài thơ vào trong toàn bộ bài thơ chúng ta còn thấy còn có hình tượng của Lor-ca. Như vậy ở đây hai hình tượng đàn ghita và hình tượng Lor-ca song hành và hoà quyện vào nhau.
Với Lời đề từ: Khi tôi chết đi hãy chôn tôi với cây đàn. Lời đề từ chính là một câu thơ bất hủ trong bài thơ Ghi nhớ của Lorca. Như vậy, với lời đề từ ở đây chúng ta có thể hiểu theo những ý sau: Thứ nhất, nó như một lời di chúc của nhà thơ: khi chết đi mong được chôn cùng với cây đàn: thể hiện sự gắn bó với cây đàn ghi ta, gắn bó với nghệ thuật của dân tộc Tây Ban Nha. Thứ hai, cũng có thể hiểu, nhà thơ Lorca đang động viên thế hệ trẻ hãy tạo cho mình những bước đi mới trong nghệ thuật, nhà thơ không muốn những thành tựu nghệ thuật mà mình đã đạt được làm cản trở sự nghiệp nghệ thuật của người khác. Chôn cây đàn theo mình phải chăng chính là để thế hệ sau không phải mang áp lực hay gánh nặng trước một cây đại thụ trong văn nghệ như Lorca. Ở đây ta còn thấy được sự khiêm nhường của người nghệ sĩ...
Đó là một vài cách hiểu của chị về nhan đề cũng như lời đề từ của tác phẩm. ^^
 
V

viloetautumn

Em muốn hỏi thêm về hình ảnh vầng trưng trong bài thơ ạ, ở khổ đầu có hình ảnh " vầng trưng chếnh choáng"(1), còn về sau lại có "giọt nước mắt vầng trăng"(2), em nhờ chị giải đáp giùm, có phải (1) và (2) có cùng ý nghĩa, hay liên quan gì với nhau không, và đó là nghĩa đen đơn thuần là trăng hay nghĩa tượng trưng cho cái đẹp ạ? Thầy dạy văn em có nói (1) là điềm báo về cuộc đời ngắn ngủi, bất trắc của Lorca trong khi cô Tuyết lại nghiêng về ý trạng thái say cái đẹp hay tâm thế mộng du đi theo tiếng gọi của cái bí ẩn nơi tiềm thức, vậy nếu khi làm văn e kết hợp cả 2 thì có được không ạ, cảm ơn chị nhiều ơi là nhiều ^^
À, sẵn tiện chị mở luôn topic về Người lái đò sông Đà được không ạ, bài ấy cũng hay mà lại khó, thú vị lắm ạ, hjhj
 
T

takisa

Đọc bài đàn ghita của lor_ ca thì em cũng hiểu được cái ý nghĩa tượng trưng rồi, nhưng còn cái ý nghĩ siêu thực thì sao hả chị, chị và mọi người có thể giúp phân tích vấn đề này dùm được không?
 
N

nhobehattieu_9x

có thể giúp em với đề bài : Phân tích "những cách biểu đạt mới" trong bài Đàn ghita của Lorca không ạ?
 
H

hocmai.nguvan

Chào em nhobehattieu_9x!
Những cách biểu đạt mới trong bài thơ Đàn ghita của Lor-ca được thể hiện ở những khía cạnh sau:
+ Hình thức câu thơ: câu thơ dài ngắn tự do, không theo luật
+ Hình ảnh, ngôn ngữ: mới mẻ: hình ảnh mang đậm sắc thái văn hoá, từ ngữ cũng thể hiện được sự cách tân.
Em có thể tham khảo tài liêudưới đây để hiểu thêm:
ĐÀN GHI TA CỦA LOR-CA
I. TÌM HIỂU CHUNG
1. Thanh Thảo – ông vua trường ca – nhà thơ của những sáng tạo, cách tân, mới mẻ
Tên thật: Hồ Thành Công (1946)
Quê quán: Mộ Đức – Quảng Ngãi
Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, ĐH Tổng Hợp Hà Nội, công tác tại chiến trường miền Nam.
Trưởng thành trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Thanh Thảo mang đến tiếng nói riêng với những tiếng nói trung thực của một thế hệ cầm súng đầy tự giác trước lịch sử.
Vẫn là một cái tôi công dân đầy nhiệt huyết nhưng thơ Thanh Thảo nghiêng về suy tư – triết luận với tâm tình rất thực:
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì con chi Tổ quốc”
- Thơ Thanh Thảo là sự lên tiếng của người trí thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại.
- Được coi là cây bút luôn nỗ lực cách tân thơ Việt với xu hướng đào sâu vào cái tôi nội cảm, tìm kiếm cách biểu đạt mới qua hình thức câu thơ tự do, hệ thống hình ảnh, ngôn từ mới mẻ, nhịp điệu bất thường, mĩ cảm hiện đại, giải phóng mọi ràng buộc nhằm mở đường cho một cơ chế liên tưởng phóng khoáng, xóa nhòa những khuôn sáo.
* Tác phẩm tiêu biểu:
Dấu chân qua trảng cỏ(1978),
Khối vuông ru-bích(1985)
Từ một đến một trăm(1988)
* Đề tài: con người nghĩa khí,nhân cách ngời sáng
* Đặc điểm thơ: Giàu suy tư mãnh liệt, phóng túng trong cảm xúc, ít nhiều nhuốm màu sắc tượng trưng, siêu thực, luôn theo đuổi khát vọng cách tân cấu trúc thơ.
Chốt ý: Thanh Thảo thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng đã tạo được giọng điệu riêng ngay từ khi trình làng thi phẩm đầu tiên "Dấu chân qua trảng cỏ" rồi đến “Những người đi tới biển”, sau đó là “Khối vuông ru-bích”. Ông luôn tìm tòi khám phá, sáng tạo tìm cách biểu đạt mới qua hình thức câu thơ tự do, đem đến một mĩ cảm hiện đại cho thơ bằng thi ảnh và ngôn từ mới mẻ. Đàn ghita của Lorca là bài thơ tiêu biểu cho kiểu tư duy sáng tạo ấy.
2. Federico Garcia Lorca (1898 – 1936)– con chim họa mi của xứ Granada Tây Ban Nha – nhà thơcủa những giấc mơ, của những linh cảm nhoi nhói - chàng du ca cô đơn lang thang
Gaxia lorca là ai?
Một thiên tài:nhà thơ, nhạc sĩ(sáng tác rất nhiều ngẫu khúc cho guitare, và là bậc thiên sứ hát ca cùng cây đàn duyên dáng này), nhà viết kịch, nhà hoạt động sân khấu người Tây Ban Nha - đại diện cho tinh thần tự do dân chủ,và khát vọng cách tân nghệ thuật của thế kỷ XX.
Một nhân cách cao đẹp:nhà thơ hiện đại yêu nhạc dân gian, dùng tiếng đàn ghi ta để giãi bày nỗi đau buồn và khát vọng yêu thương của nhân dân, dám dũng cảm đấu tranh với một nền chính trị độc tài, nền nghệ thuật già nua, bảo thủ.
Một số phận đầy oan khuất:kẻ thù tàn nhẫn lén thủ tiêu ông, nhiều người không hiểu hết sự hy sinh cao cả của ông.Ông là nạn nhân đầu tiên của chủ nghĩa phát xít - bị bắn ngày 19/8/1936 trên miệng một vực sâu gần Granada. Sau khi hành quyết, vào một đêm không trăng, thi thể anh đã bị ném xuống nấm mộ vô danh… Đó là ngày cả đất nước Tây Ban Nha sững lặng khi nghe tin người con tài hoa của mình hy sinh khi mới 38 tuổi.
Lor ca (người thanh niên ưu tú xứ Espagna - một con người dịu dàng, vui vẻ, và đáng yêu vô chừng)là một tài năng sáng chói, một hịên tượng xuất chúng có sức ảnh hưởng to lớn tới nghệ thuật và chính trị của Tây Ban Nha lúc bấy giờ. Người du ca cô đơn lang thang này đã cùng với cây đàn ghita cất lên tiếng hát của khát vọng yêu thương, dân chủ và tự do.
Chàng thanh niên trẻ theo học triết, văn học và luật ở đai học Grenade. Bên cạnh tài văn chương, Lorca còn là một họa sĩ và nhạc sĩ hoàn thiện. Những tác phẩm âm nhạc của anh thấm đượm chất dân gian Gitan, đặc biệt là giai điệu Flamenco vốn rất được ưa chuộng ở mảnh đất Andalousie quê hương anh.
Hơi thở dân gian tiếp tục chảy xuyên suốt và lan tỏa trong những vở kịch của Lorca (Bodas de Sangre, Yerma, Las Casa de Bemarda Alba). Những cuốn sách của anh được đọc ở bất cứ nơi nào có ngôn ngữ Tây Ban Nha, và được đông đảo dân chúng Argentine, Uruguay, Cuba mến mộ. Lorca quan tâm nhiều đến đề tài tình yêu, lòng chung thủy, đam mê, thậm chí cả sự chết chóc tàn bạo – điều này như một tiên cảm định mệnh với anh.
3. Bài thơ “ĐÀN GHI TA CỦA LOR-CA”
a. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: (đề cương)
Đọc thêm để biết: Bài thơ " Đàn ghi-ta của Lorca" được ông viết trong bối cảnh( cụ thể) như thế nào ?
Thanh Thảo: Bây giờ tôi có thể nhớ lại, trong một ngày của năm 1979, tại Trại sáng tác Quân khu Năm-Đà Nẵng, vào thời điểm trại này sắp giải tán, tôi với Ngô Thế Oanh( nhà thơ) và Trần Phương Kỳ( nhà nghiên cứu nghệ thuật Chàm, nhà dịch thuật) ngồi rách việc bèn đưa thơ Pablo Neruda và thơ Lorca ra dịch, từ bản tiếng Anh. Tôi và Ngô Thế Oanh lúc ấy chưa biết tiếng Anh, chỉ Trần Phương Kỳ là giỏi ngoại ngữ này. Kỳ dịch là chính, chúng tôi chỉ...phụ họa. Sau khi Trần Phương Kỳ dịch rất hay trường ca " Trên đỉnh Macchu Picchu" của Neruda, chúng tôi xúm lại với mấy bài thơ của Lorca, trong đó có " Bài ca mộng du" và bài thơ dài " Bi ca cho Ignacia Sanches Mejias". Cùng lúc, ùa vào tôi những bài thơ Lorca qua bản dịch Hoàng Hưng mà tôi đã chép trong sổ tay và mang theo trong ba lô ra chiến trường những năm trước đó. Thực ra, Lorca đã sống trong tôi từ những năm 1969-1970 qua bản dịch chép tay mà chúng tôi truyền cho nhau. Và tôi đã viết "Đàn ghi-ta của Lorca" trong cái ngày rầu rầu của năm 1979 ấy. Bài thơ được viết rất nhanh, và gần như không sửa chữa gì thêm. Tôi đã đọc cho Ngô Thế Oanh và Trần Phương Kỳ nghe, và nhận được sự đồng cảm ngay lập tức. Trần Phương Kỳ còn là cây ghi-ta cổ điển có hạng, anh đã nhận ra ngay nhạc điệu của bài thơ này, kể cả đoạn "tremolo" lila lila lila trong bài. Chỉ vậy thôi. Bài thơ ấy tiếp tục nằm trong sổ tay của tôi cho tới năm 1985, khi tôi in tập thơ "Khối vuông ru-bích" tại NXB Tác phẩm mới-Hội nhà văn, nó mới được xuất hiện lần đầu.
Thanh Thảo đã chọn thời điểm bi phẫn nhất của cuộc đời Lorka cho cảm hứng của thi phẩm : lúc ông bị bắn chết. Lorca luôn dự cảm và bị ám ảnh khôn nguôi bởi cái chết. Nhưng ông cũng không thể ngờ cái chết phũ phàng nhất đã ập xuống thân phận mình. Đối với lòng tiếc thương, mọi cái chết đều ngang trái. Cái chết của Lorca càng ngang trái bội phần. Vì ông bị phatxit giết hại khi mới 37 tuổi, xác ông còn bị chúng quẳng xuống một cái giếng để phi tang. Mất mát kinh hoàng là thế, nhưng oái oăm thay, cái chết còn là một giải thoát. Giải thoát bất đắc dĩ nhưng hoàn toàn. Hẳn suy tư Thanh Thảo đã bị vây ám giữa những phản trái kia của cái chết. Nhất là lúc anh đọc được cái câu như một lời nguyện cuối, một di chúc viết sớm của Lorca : Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi-ta.Và thế là thi phẩm đã tự chọn cho nó một hình hài : vừa là thơ viếng vừa như một bi ca.
b. Bố cục
c. Nhan đề và lời đề từ:
 
H

hocmai.nguvan

[Tiếp]
II. ĐỌC – HIỂU THI PHẨM
Thanh Thảo đã từng viết : “Lorca là nhà thơ của những giấc mơ, của những linh cảm nhoi nhói, một nhà thơ có thể biến những giấc mơ thành nhịp điệu, có thể biến những linh cảm thành ngôn từ. Lorca siêu thực một cách tự nhiên, và hiện thực một cách tự nhiên” (Lorca trong tôi – Mãi mãi là bí mật, NXB Lao động, 2004). Một nhà thơ đã có một Lorca trong lòng như vậy, nên Đàn ghi-ta của Lorca có thể xem như là một gặp gỡ đẹp tạo thành phút “bùng nổ” của năng lượng sáng tạo Thanh Thảo. Với những bài thơ như vậy, dường như mọi lời bình giải bỗng thành... vô duyên !
Cây đàn từ chỗ mang hàm nghĩa nói về một định hướng sáng tạo gắn thơ với dòng nhạc dân gian, rộng ra, nói về một tình yêu vô bờ và khắc khoải đối với quê hương, đến Thanh Thảo, nó đã nhập một với hình tượng Lor-ca, hay nói cách khác, nó đã trở thành hình tượng "song trùng" với hình tượng Lor-ca. Cây đàn cất lên tiếng lòng của Lor-ca trước cuộc sống, trước thời đại. Nó là tinh thần thơ Lor-ca, là linh hồn, và cao hơn cả là số phận của nhà thơ vĩ đại này. Bởi thế, trên những văn bản thơ trước đây của Lor-ca là một văn bản mới của nhà thơ Việt Nam muốn làm sống dậy hình tượng người con của một đất nước, một dân tộc yêu nghệ thuật, ưa chuộng cuộc sống tự do, phóng khoáng. Hơn thế nữa, tác giả muốn hợp nhất vào đây một "văn bản" khác của đời sống chính trị Tây Ban Nha mùa thu 1936 - cái "văn bản" đã kể với chúng ta về sự bạo ngược của bọn phát xít khi chúng bắt đầu ra tay tàn phá nền văn minh nhân loại và nhẫn tâm cắt đứt cuộc đời đang ở độ thanh xuân của nhà thơ được cả châu Âu yêu quý.
Bài thơ có lối diễn đạt không viết hoa đầu dòng tạo nên một sự liền mạch như một dòng chảy của cảm xúc không có điểm dừng.
1. Hành trình đơn độc của Lorca – con người tự do, nghệ sĩ cách tân tren phông nền chính trị và nghệ thuật TBN.
- Sự tài hoa của Thanh Thảo còn làm ta liên tưởng bài thơ như một bản đàn ngân vang với âm thanh “li-la” mênh mang, dìu dặt vút cao chắp cánh đưa người nghệ sĩ bay vút lên trên tất cả bạo tàn và chết chóc.
những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la, li-la, li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chuếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
- Những câu thơ mở đầu giàu sức gợi mang đến một trường liên tưởng về một đất nước đẹp tươi luôn vang vọng tiếng đàn ghi ta làm mê say lòng người- âm thanh nức nở, thở than làm vỡ toang cốc rượu bình minh, tựa tiếng hát của một con tim bị tử thương bởi năm đầu kiếm sắc, không gì có thể bắt nó im tiếng (ý thơ trong bài Đàn ghi ta), những vũ nữ Digan với làn da rám nắng và vũ khúc Flamenco cháy bỏng, những trận đấu bò rực lửa và danh dự của người kiếm sĩ, những chàng hiệp sĩ đấu bò tót khoác trên mình tấm áo choàng đỏvà không thể thiếu những miền thảo nguyên bao la xanh bóng nắng,những vườn cam, những rặng ô-liu xanh một màu xanh huyền hoặc.
- Đọc đoạn thơ ta như được ngập mình trong phong vị, hương sắc riêng không thể nào quên được của miền quê Gra-na-đa thuộc xứ An-đa-lu-xi-a.
- Giữa nắng và gió, giữa bao la thiên địa, Lorca hiện lên ngời sáng trong thơ. Sự chuyển đổi cảm giác từ thính giác sang thị giác tạo nên « tiếng đàn bọt nước » đầy biến ảo, khi tròn to, khi phập phồng thổn thức, khi vỡ ra tức tưởi như một « thiên bạc mệnh » có tính dự báo về những chông gai, trắc trở mà số phận người nghệ sỹ sẽ phải đón nhận ở phía trước.
- Và màu «áo choàng đỏ gắt» tiếp theo sau tiếng đàn bọt nước ấy chính là những trận đấu bò sinh tử. Màu đỏ gắt của tấm áo choàng, không nghi ngờ gì, là sáng tạo của Thanh Thảo. Nó không đơn thuần là màu của một trang phục. Nó có khả năng ám gợi một điều kinh rợn sẽ được nói rõ ra trong khổ thơ sau : áo choàng bê bết đỏ - tức là tấm áo choàng đẫm máu của Lor-ca, của bao con người vốn chỉ biết hát nghêu ngao niềm yêu cuộc đời với trái tim hồn nhiên, ngây thơ, trong trắng, khi bị điệu về bãi bắn một cách tàn nhẫn, phũ phàng, phi lí (câu thơ chàng đi như người mộng du có phần thể hiện sự phi lí không thể nào nhận thức nổi này).
- Nhưng đấu trường bò tót ngay trong sự chuyển gam của Thanh Thảo đã trở thành một đấu trường chính trị khổng lồ, ngột ngạt, căng thẳng, đẫm máu của Tây Ban Nha thời đó.
- Màu áo của kiếm sĩ « đỏ gắt » lên hay nền chính trị độc tài thân phát xít đang thiêu đốt tự do dân chủ và kiềm hãm sự phát triển của một nền nghệ thuật đang già cỗi. => Đây là một trận chiến lớn giữa một bên là khát vọng dân chủ của nhân dân nói chung, của Lor-ca nói riêng với nền chính trị độc tài. Xét trong lĩnh vực nghệ thuật, đó là cuộc xung đột giữa khát vọng cách tân của nhà thơ với nền nghệ thuật già nua. Xét ở phương diện nào thì Lorca cũng là một chiến sĩ đơn độc đáng thương.
- Giữa lúc trận đấu đang căng thẳng thì bỗng vang lên âm thanh du dương, bổng trầm của tiếng đàn: li-la, li-la, li-la một thanh âm trong trẻo, thanh tao quyện hòa mùi hương hoa Lila dìu dịu, lan tỏa với những cánh hoa màu tím nồng nàn đầy sức sống giữa khung cảnh bạo tàn và chết chóc. => Đấu trường khốc liệt nhường chỗ cho sự thăng hoa của nghệ thuật.
- Ai nói nghệ thuật không có sức mạnh. Không ! Nghệ thuật chính là sức mạnh vô địch có thể hóa giải mọi hận thù. Và chàng nghệ sỹ của chúng ta đang thăng hoa trong bản hòa tấu Ghita đầy lãng mạn.
-Thú vị và bất ngờ nhất là việc khảm vào mạch ấy những âm thanh như cách diễn tấu của nhạc công khi đệm cho người hát một ca khúc. Sự có mặt của hai chuỗi li-lali-la li-laở phần đầu và phần kết là thế. Thú thực, khi mới đọc bài thơ này trong tập Khối vuông Rubic, ta thấy cái chuỗi kia là một nét lạ, nhưng nhác nghĩ : lại một trò "tân hình thức" đây. Nhưng đọc kĩ hơn thì thấy hình như có một nghĩa lý nào đó hay hay, chứ không hẳn chỉ là những con âm rỗng nghĩa. Nhưng thực hư ra sao, thì cứ tù mà tù mù. Mãi sau, đọc kĩ hơn vào cấu trúc mới vỡ lẽ : té ra đây lại là sự giao duyên kì thú của thơ và nhạc. Cụ thể là giao thoa giữa thanh âm và thi ảnh. Mở đầu là hai câu : Những tiếng đàn bọt nước / Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt. Thanh Thảo chọn hai hình ảnh này khởi đầu một thi phẩm giống như kiểu tạo những âm chủ cho một nhạc phẩm. Chúng là những tương phản kín đáo mà gay gắt : âm thanh hồn nhiên - sắc màu chói gắt, tiếng đàn thảo dân - áo choàng đấu sĩ, vẻ khiêm nhường - sự ngạo nghễ, niềm hân hoan - nỗi kinh hoàng, nghệ thuật - bạo lực, thân phận bọt bèo - thực tại tàn khốc... Cặp hình ảnh cứ ngỡ tương phùng nào ngờ lại tương tranh. Nội dung chủ đạo mà thi phẩm triển khai sẽ là phận người trong một hiện thực đầy tranh chấp đối chọi như thế. Rồi ngay sau hai câu mào đầu đó là chuỗi âm thanh li-lali-la li-la. Nó như một chuỗi nốt đàn buông do người đệm đàn (ghi ta) lướt qua hàng dây để kết thúc phần dạo (một cú vê ghita điệu nghệ), đánh dấu khoảng ngắt cho người hát chính thức bắt lời trình diễn ca khúc. Và thi phẩm cũng kết thúc bằng sự trở lại của chuỗi âm thanh ấy. Nó tựa những tiếng đàn đệm cuối cùng nhằm tạo những dư âm sau khi lời hát đã ngừng. Đấy chẳng phải là một lối phối âm quen thuộc trong diễn tấu ca khúc sao ? Mà cũng có thể hình dung nó như tiếng huýt sáo ngẫu hứng của người ca sĩ trên nền nhạc khi diễn tấu. Ngẫu hứng mà đầy xao xuyến. Khi âm thanh gây niềm xao xuyến thì tự nó cũng chất chứa thi vị. Chúng ta có quyền cắt nghĩa tại sao lại li-la chứ không phải là cái gì khác. Hoa li-la (tử đinh hương) với màu tím mê hoặc, nao lòng, từng là đối tượng thể hiện quen thuộc của nhiều thi phẩm và hoạ phẩm kiệt xuất trong văn học, nghệ thuật phương Tây chăng ? Hay đó là âm thanh lời đệm (phần nhiều mang tính sáng tạo đột xuất) của phần diễn tấu một ca khúc, hoặc nữa là âm thanh mô phỏng tiếng ngân mê đắm của các nốt đàn ghi ta dưới tay người nghệ sĩ ?... Tất cả những liên hệ ấy đều có cái lí của chúng !

-Song, nếu chỉ có thế, thì việc phỏng âm nhạc ấy bất quá, cũng chưa đi xa hơn bao nhiêu một trò trang sức hoa mĩ. Về nghĩa, lilalại chính là một loài hoa có màu tím ngát rất được người phương Tây ưa chuộng : hoa lila - tức hoa tử đinh hương. Chuỗi âm thanh kế tiếp gợi hình ảnh những tràng hoa chuỗi hoa bật tím liên tiếp. Đó là những đoá hoa người đời, người thơ thầm kính viếng hương hồn Lorca hay chính là ngàn muôn đoá hoa của sự sống đang nảy nở từ cái chết đau thương của nhà thi sĩ, thể hiện sức sống bất diệt của những giá trị chân chính trên cõi đời này ? Có thể là thế này, có thể là thế kia, mà có lẽ là cả hai. Vì thế, chính cái chuỗi âm thanh ngỡ không đâu ấy, những con âm tưởng như rỗng nghĩa ấy lại chứa đựng rất nhiều cảm thương, niềm tin và lòng ngưỡng mộ sâu kín của người viết. Thiếu ý nghĩa của một thi ảnh, chuỗi li lakia khó vượt qua một trò diễn âm thanh cầu kì.
- Người đọc như đang dõi mắt theo từng bước chân lãng tử của người nghệ sỹ trên hành trình «lang thang về miền đơn độc» cùng với «vầng trăng – yên ngựa». => Đây là một hệ thống thi ảnh thường bắt gặp trong thơ Lorca, chàng kị sỹ một mình trên lưng «con ngựa đen/ vầng trăng đỏ » với những bản đàn ghita phiêu bồng cùng giấc mơ tranh đấu.
- Trong thơ Thanh Thảo, Lorca hiện lên với dáng điệu «chuếnh choáng». Đây là một hình ảnh mang cái hồn say của người nghệ sỹ, không phải cái say tầm thường của những cốc rượu vang đỏ mà là say trong tranh đấu, say trong sáng tạo nghệ thuật.
- Nếu như chàng Đôn-ki-hô-tê trong trang văn của Xec-van-tec mải miết với giấc mơ hiệp sĩ thì Lorca mãi «mỏi mòn » trong hành trình chống lại tộc ác của bè lũ Phờ-răng-cô. Nhưng đáng thương thay, trong hành trình khát vọng ấy, Lorca là một nghệ sĩ cô đơn trong sáng tạo nghệ thuật và cô độc trong chiến đấu. Nhưng không vì thế « con họa mi của xứ Granada lại ngừng hót ». Chàng vẫn « Mãnh liệt như trăm ngàn sư tử/ Vững chắc như cẩm thạch » (Thơ Lorca).
-Các từ miền đơn độc, chếnh choáng, mỏi mòn gắn với chúng đã tạo ra một trường nghĩa chỉ sự mệt mỏi, bất lực, bồn chồn, thắc thỏm không yên của con người khi đối diện thực sự với cái bản chất phong phú vô tận của cuộc sống. Với kiểu tạo điểm nhấn ngôn từ của Thanh Thảo, ta hiểu rằng cảm giác đó không chỉ có ở Lor-ca. Nó là một hiện tượng có tính phổ quát, không của riêng ai, không của riêng thời nào, tất nhiên, chỉ được biểu hiện đậm nét và thực sự trở thành "vấn đề" trong thơ của những nhà thơ luôn thắc mắc về ý nghĩa của tồn tại.
2. Cảnh Lorca bị hạ sát – giây phút bi phẫn, kinh hoàng
Càng chiến đấu, Lorca càng say mê, càng “hát nghêu ngao». Nhưng phũ phàng thay « đường chỉ tay đã đứt », định mệnh đã khiến chàng nghệ sĩ du ca của chúng ta phải dở dang hành trình khát vọng. Phát súng của bọn phát xít đã đánh hạ Lorca đáng thương. Thanh Thảo thốt lên sững sờ «bỗng kinh hoàng ». Như không tin vào mắt mình nữa. Cả dân tộc Tây Ban Nha bàng hoàng, cả thế giới nín lặng, bản giao hưởng chùng xuống rồi lại vút cao lên theo « máu anh phun như lửa đạn cầu vồng ».
Thanh Thảo tạo dựng cái chết đầy bi phẫn của người anh hùng một cách tức tưởi bằng thủ pháp nghệ thuật đối lập: Đối lập giữa niềm tin, tình yêu và lạc quan, khát vọng « hát nghêu ngao » với sự thật phũ phàng «áo choàng bê bết đỏ». Đó là màu máu của Lorca làm tấm áo choàng đỏ gắt càng thêm «bê bết đỏ». Đối với Lorca, anh luôn dự cảm về cái chết nhưng anh cũng không thể ngờ rằng cái chết lại đến với mình nhanh đến thế. Anh đã từng thốt lên «Tôi không muốn nhìn thấy máu ! ». Nhưng máu đã đổ. Người kiếm sĩ muốn một cái chết vinh quang giữa đấu trường cùng với đôi kiếm sắc nhưng lại bị kẻ thù hành hình một cách lén lút bất minh. Nhưng Lorca chấp nhận như người cách mạng đã chấp nhận «Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Gươm kề cổ súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa». Và vì chấp nhận, người anh hùng đã ung dung, bình thản ra giữa pháp trường «chàng đi như người mộng du». Mộng du là trạng thái của tâm hồn đã rời thể xác nhưng không có nghĩa là biến mất khỏi thể xác. Tâm hồn và tinh thần của Lorca đã gửi tất cả vào cuộc tranh đấu và vì thế bước chân mộng du đã hóa thành những bước chân anh hùng. Càng tiếc thương chàng nghệ sĩ bao nhiêu chúng ta lại càng căm phẫn tội ác bấy nhiêu.
- Và Lorca đã hi sinh nhưng những kẻ thất bại lại chính là bè lũ phát xít. Bởi chúng chỉ có thể hủy diệt được thân xác của Lorca nhưng không thể hủy diệt được sức sống của anh đang bung nở giữa bản hòa tấu trầm hùng mang âm hưởng của những tiếng Ghita nồng nàn vi diệu:
tiếng ghi -ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi -ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi -ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi -ta ròng ròng máu chảy
- Điệp khúc dồn dập qua nhịp thơ Thanh Thảo như đã lột tả được cái bàng hoàng căm phẫn trong bản ghi ta bi tráng! Tôi gọi đây là khúc biến tấu của tiếng đàn, nó thay màu chuyển gam rất lẹ, biến ảo không ngừng và đặc biệt luôn sinh sôi nảy nở, giọt này vỡ đi, giọt kia lại trào ra không dứt. Đó chính là sức sống!
- Thanh Thảo sử dụng ẩn dụ chuyển đổi cảm giác mang đến sự linh hoạt khi miêu tả tiếng đàn.
· Màu nâu xuất hiện suy tư, trầm tĩnh đến lạ thường. Đó là màu nâu của cây đàn, màu nâu của đất đai, màu nâu của làn da rám nắng trên thân hình những vũ nữ Digan bốc lửa.
· Trước giây phút từ li, chàng đã ngước nhìn lên bầu trời xanh tha thiết ”bầu trời cô gái ấy”. Đó là bầu trời của khát vọng, bầu trời yêu thương nơi có bóng hình nàng Maria thủy chung.
· Đối lập với màu nâu trầm tĩnh là màu xanh của "tiếng ghita lá xanh biết mấy”.
· Màu xanh là sự hóa thân của Lorca và tiếng đàn vào thiên nhiên mang sức sống cỏ cây: màu xanh của những vườn cam, màu xanh của thảo nguyên và những rặng Oliu hay hàng bạch dương nơi Lorca đang yên nghỉ.
· Hai tiếng “biết mấy” nằm ở cuối câu vừa là sự tha thiết trong tình cảm của người nghệ sĩ Thanh Thảo vừa để tôn thêm vẻ đẹp của tuổi trẻ Lorca – vẻ đẹp của người chiến sĩ suốt đời hi sinh vì lí tưởng.
- Tiếng đàn không chỉ mang sắc màu biến tấu mà còn mang hình khối, đường nét như hình hài của sinh mệnh. Nó cũng tức tưởi vỡ òa, cũng biết nói tiếng nói của sự căm phẫn bạo tàn. Hay nói đúng hơn đó là tiếng kêu cứu của nghệ thuật khi bị đẩy đến bờ vực của sự tuyệt diệt.
tiếng ghi -ta tròn
bọt nước vỡ tan
tiếng ghi -ta ròng ròng máu chảy
Hai tiếng “vỡ tan”, vừa là sự vỡ ra của bọt nước vừa là sự phập phồng thổn thức của tiếng đàn. Nó đã cất lên lời ca tranh đấu lên án bè lũ phát xít đã hủy diệt cái tài, hủy diệt cái đẹp. Và vì thế bản ghita bi tráng đẩy đến độ cao trào của sự bi phẫn, nó ròng ròng máu chảy, nó uất nghẹn, tức tưởi đến bật máu thành từng dòng đau thương trong một bản đàn giao hưởng hào sảng. Nỗi đau của tiếng đàn cũng là nỗi đau của người nghệ sĩ khi khát vọng chưa thành. Ta cũng đã từng bắt gặp nỗi đau của người nghệ sĩ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du “Một cung gió thảm mây sầu/ Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”. Nỗi đau của Kiều khi hầu đàn Hồ Tôn Hiến khiến cho dây đàn cũng nhỏ máu. Đó chính là sự đồng cảm giữa nghệ thuật và tâm hồn của người sinh ra nó. Thì ra nghệ thuật trong bản thể của nó cũng là một sinh mệnh.
Câu thơ những tiếng đàn bọt nước ở đầu bài nếu được nối kết với các câu thơ khác là tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan và tiếng ghi ta ròng ròng - máu chảy, sẽ bộc lộ một tiềm năng ý nghĩa lớn hơn nhiều so với ý nghĩa dễ nhận thấy gắn liền với việc diễn tả âm thanh tuôn trào, sôi động của tiếng đàn. Tiếng đàn giống như tiếng kêu cứu của con người, của cái đẹp trong thời khắc bị đẩy tới chỗ tuyệt diệt. Không có gì khó hiểu khi dưới ngòi bút Thanh Thảo, tiếng đàn cũng có màu (nâu, xanh), có hình thù (tròn), có sinh mệnh (ròng ròng máu chảy), bởi tiếng đàn ở đây chính là sự cảm nhận của nhà thơ nay về tiếng đàn xưa. Theo đó, tiếng đàn không còn là tiếng đàn cụ thể nữa, nó là sự sống muôn màu hiện hình trong thơ Lor-ca và là sinh quyển văn hoá, sinh quyển chính trị - xã hội bao quanh cuộc đời, sự nghiệp Lor-ca.
3. Niềm xót thương, sự đồng cảm, niềm tin mãnh liệt vào sự bất tử của tiếng đàn Lorca
Với thủ pháp nghệ thuật so sánh và liên tưởng, Thanh Thảo đã làm sống dậy một không gian sinh tồn đầy sức sống mãnh liệt.
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng

- Không ai chôn cất tiếng đàn hay không ai có thể chôn cất được tiếng đàn ? Có lẽ nên hiểu theo cách thứ hai:
· Thứ nhất bởi nó là di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm của tinh thần được kết tinh từ hương sắc cuộc đời của người nghệ sĩ nhân dân.
· Thứ hai bởi sức sống mãnh liệt và hoang dại của nó như loài cỏ mọc hoang không gì có thể ngăn nổi chúng.
=> Đây chính là sự bất tử, sự vĩnh hằng của nghệ thuật. Dù Lorca hi sinh nhưng sản phẩm tinh thần mà ông để lại đó chính là tâm hồn mình, nghệ thuật của mình. Những bài ca tranh đấu của Lorca vẫn đồng hành cùng thời gian và đi cùng năm tháng thăng trầm của lịch sử và nó mãi mãi được hát vang trong lòng của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
=> Tiếng đàn ấy trường cửu cùng tự nhiên và hơn thế, bản thân nó chính là tự nhiên. Nó vẫn không ngừng vươn lên, lan toả, ngay khi người nghệ sĩ sáng tạo ra nó đã chết.
- Không chỉ bất tử, tiếng đàn của chàng ca sĩ hát rong còn mang vẻ đẹp của giọt nước mắt vầng trăng. Một hình ảnh mang nhiều liên tưởng gợi nhiều thi vị.
· Phải chăng đó chính là vẻ đẹp của nghệ thuật được kết tinh từ những giọt mồ hôi, từ máu và nước mắt của sự lao động nghệ thuật chân chính qua bao thời gian công sức đã nhào nặn thành viên ngọc lấp lánh mang hình hài của giọt nước mắt vầng trăng tinh khiết.
· Hay đó chính là vẻ đẹp của cuộc đời Lorca đã hóa thân thành viên ngọc quý lung linh tỏa sáng giữa đời. Bất ngờ thay, nơi đáy giếng tối tăm và lạnh lẽo, nơi mà bọn phát xít ngỡ tưởng đã vùi lấp được linh hồn và thể xác của người công dân Lorca, lại là nơi tỏa sáng tâm hồn anh.
Riêng cái câu giọt nước mắt vầng trăngtrong đoạn bày tỏ nỗi đau xót và tiếc thương trước cái chết hết sức thương tâm của Lorca mà lời thơ kết hợp cả trượng trưng thơ Đường với tượng trưng Thơ Mới.
Có phải câu ấy được viết theo lối "nghệ thuật sắp đặt" không, mà cứ đơn giản y như đặt hai hình ảnh bên nhau : giọt nước mắt - vầng trăngthế thôi ? Giữa chúng chẳng có một quan hệ từ nào. Thì ra, lắm khi, việc tước bỏ quan hệ từ lại là cách gia tăng nghĩa cho hình ảnh và lời thơ. Vì giờ đây, giữa chúng lại có thể phát sinh nhiều kiểu quan hệ, tạo ra nhiều làn nghĩa : 1) quan hệ đẳng lập : giọt nước mắt(và) vầng trăng; 2) quan hệ song song : giọt nước mắt(với) vầng trăng; 3) quan hệ so sánh : giọt nước mắt(như) vầng trăng; 4) quan hệ sở hữu : giọt nước mắt(của) vầng trăng; 5) quan hệ đồng nhất : giọt nước mắt(là) vầng trăng... Người đọc có một thoáng phân vân : vậy ý thực của câu thơ sẽ theo nghĩa nào ? Nhưng thoáng ấy sẽ qua nhanh bởi chỉ có câu trả lời duy nhất : nó phải là sự giao thoa và lung linh của tất cả các làn nghĩa ấy. Chẳng thế sao, trong mạch cảm xúc, trong hình tượng chủ đạo cũng như cấu tứ, các làn nghĩa kia đâu có loại trừ nhau. Trái lại, chúng làm giàu và làm đẹp cho nhau cả thôi.
4. Suy tư về cuộc giải thoát và cách giã từ của Lorca
Ở khổ cuối của bài thơ, Thanh Thảo đưa người đọc vào thế giới suy tư về sự giải thoát của Lorca:
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghita màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái Digan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la, li-la, li-la
- Và cuối cùng chàng nghệ sĩ của chúng ta đã dừng bước giang hồ trước dòng sông của định mệnh khi đường chỉ tay đã đứt. Sinh mệnh chấm dứt.
- Chiếc ghita màu bạclà biến ảnh của chiếc ghi-ta nâu khi đã sang cõi khác. Đúng hơn, là chiếc ghi-ta đã hoá, giờ sang cõi siêu sinh. Thi sĩ bơi trên chiếc ghi-ta chính là bơi trên con thuyền của thi ca đang vượt qua bến bờ sinh tử. Lá bùa cô gái di-gan là cái đẹp huyền bí. Xoáy nước là tai hoạ định mệnh trên dòng sông của số phận, cũng là cái dòng sông ranh giới giữa cõi sống và cõi chết, giữa thực tại và hư vô. Hành động ném lá bùavà ném trái timđều giàu hàm ý tượng trưng về sự giã từ, sự giải thoát của Lorca... Lối viết này không còn xa lạ đối với người đọc thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên hay nhóm Xuân Thu nhã tập hồi Thơ Mới. Nhưng, nó đã được Thanh Thảo dùng nhuần nhị và ăn nhập để tạo ra cho thơ mình một cách nói hàm súc.
- Chàng rũ bỏ mọi hệ lụy trần gian để trở về cõi vĩnh hằng. Dòng sông vô hình dung là dòng sông cuộc đời, dòng sông của số phận và cũng là đường ranh giới ngăn cách giữa sự sống và cõi chết.
- Trên dòng sông ấy, Lorca đang bơi sang ngang cùng di vật đàn ghita. Màu bạc của cây đàn là sự biến ảo từ màu nâu trầm tĩnh sang xanh thiết tha hi vọng và cuối cùng là màu của sự hư ảo trong cõi siêu sinh. Lorca đang bơi trên con thuyền thi ca mà cây đàn chính là con thuyền bàng bạc chở tình yêu và nỗi nhớ của chàng đang trôi dần vào bến bờ bất tử.
Chàng dứt khoát rũ bỏ mọi hệ lụy trần gian ném lá bùa vào xoáy nước, ném trái tim vào cõi lặng yên.
· Xoáy nước là cuộc tranh đấu hay sự hiểm nguy trên dòng sông của định mệnh ?
· Cõi lặng yên phải chăng là phút giây mà trái tim người nghệ sĩ ngừng đập ?
=> Có lẽ ta không cần phải lí giải về nó. Bởi Lorca đã về nơi an nghỉ cuối cùng. Chỉ còn vang vọng nơi đây âm vọng của tiếng đàn li-la, li-la, li-la như bản nhạc thiết tha, thấm đẫm hương thơm của loài hoa Lila đưa người nghệ sĩ – chiến sĩ về với cõi vĩnh hằng với bao niềm tiếc thương vô hạn. Ta chợt nhớ tới bài thơ Ghi nhớ của anh:
Khi nào tôi chết
hãy vùi thây tôi
cùng với cây đàn dưới lớp cát hàng bạch dương
Khi nào tôi chết
hãy vùi thây tôi giữa rặng cây cam
và đám bạc hà.
Khi nào tôi chết
hãy vùi thây tôi, tôi xin các người đó,
nơi một chiếc chong chóng gió.
Có lẽ ở một nơi nào đó, chàng nghệ sĩ nhân dân đang được sống giữa những sự yên vui và đầy ánh nắng của tự do nơi đó không có bạo tàn và chết chóc.
- Hãy lắng lòng để chiêm ngưỡng một sự siêu thoát, một sự hoá thân. Trên dòng sông của cuộc đời, của thời gian vĩnh cửu mà trong khoảnh khắc bừng tỉnh thoát khỏi mê lầm, ta tưởng thấy nó hiện hình cụ thể và dăng chiếu ngang trời, có bóng chàng nghệ sĩ Lor-ca đang bơi sang ngang trên chiếc ghi ta màu bạc. Chàng đang vẫy chào nhân loại để đi vào cõi bất tử. Chiếc ghi ta, cũng là con thuyền thơ chở chàng, có ánh bạc biêng biếc, hư ảo một màu huyền thoại...
- Chàng, dứt khoát và mạnh mẽ, ném nó "chìm lỉm" (chữ của Hàn Mặc Tử) vào xoáy nước hư vô, như ném trái tim mình vào lặng yên bất chợt - cái lặng yên của sự "đốn ngộ", cái lặng yên sâu thẳm, anh minh, mà ở đó, lời nói đã tan đi trong chính nó. Chàng đã đoạt lấy thế chủ động trước cái chết của mình. Chàng đã thắng không chỉ lũ ác nhân mà còn thắng cả chính định mệnh và hư vô nữa. Từ điểm này nhìn lại, ta bỗng thấy câu thơ chàng đi như người mộng du ở phần trên có thêm tầng nghĩa mới. Bị lôi đến chỗ hành hình, Lor-ca vẫn sống như người trong cõi khác. Chàng đang bận tâm đuổi theo những ý nghĩ xa vời. Chàng đâu thèm chú ý tới máu lửa quanh mình lúc đó. Chàng đã không chấp nhận sự tồn tại của bạo lực. Chàng chết, nhưng kẻ bất lực lại chính là lũ giết người ! ở đây, có một cái gì gợi ta nhớ tới sự tuẫn nạn của Chúa Giê-su trên núi Sọ.
- Chuỗi âm thanh li-la bất tận vang lên cuối bài thơ: Chỉ có thể, như Thanh Thảo, sau một thoáng mặc tưởng, bật thốt lên : li-la li-la li-la... Để lòng mình ngân theo chuỗi âm thanh ấy, ta hiểu rằng trong cuộc tương tranh không ngừng và hết sức thú vị giữa những cách diễn tả đặc hữu của văn học và cách diễn tả mang tính chất ám gợi huyền hồ của âm nhạc, cuối cùng, ở bài thơ của Thanh Thảo, cách diễn tả của âm nhạc đã chiếm ưu thế. Điều này hiển nhiên là một sự lựa chọn có ý thức. Để nói về nỗi cô đơn, cái chết, sự lặng yên, "lời" vẫn thường gây vướng víu, gây nhiễu. Chỉ có nhạc với khả năng thoát khỏi dấu ấn vật chất của sự vật khi phản ánh nó, trong trường hợp này, là phương tiện thích hợp. Tất nhiên, Thanh Thảo không phải đang làm nhạc mà là làm thơ. Nói nhạc ở đây không có gì khác là nói tới cách thơ vận dụng phương thức của nhạc - cái phương thức ám thị, khước từ mô tả trực quan - để thấu nhập bề sâu, "bề xa" của sự vật. Từ lâu, các nhà thơ tượng trưng chủ nghĩa đã hướng tới điều này. Dù không nhất thiết phải quy Đàn ghi ta của Lor-ca vào loại hình thơ nào, ta vẫn thấy nó đậm nét tượng trưng. Chẳng có gì lạ khi với bài thơ này, Thanh Thảo muốn thể hiện mối đồng cảm sâu sắc đối với Lor-ca -. cây đàn thơ lạ lùng trong nền thi ca nhân loại ở nửa đầu của thế kỉ XX đầy bi kịch.
III. TỔNG KẾT
Bài thơ đã rất thành công khi tạo dựng một tượng đài Lorca bằng ngôn ngữ của thơ và âm nhạc. Với lối thơ không viết hoa đầu dòng, cảm xúc liền mạch, Thanh Thảo đã mang đến cho người đọc một mĩ cảm hiện đại giàu tính sáng tạo. Sự trộn lẫn giữa trường phái tượng trưng siêu thực và sức sáng tạo của Thanh Thảo đã cho ra đời một tuyệt bút đầy ngẫu hứng giàu chất nhạc. Trên hết là nhà thơ đã mang đến cho người đọc một tình yêu vô bờ bến đối với nhà thơ nhân dân chống phát xít bạo tàn. Bất kỳ một cuộc chiến nào cũng có người chiến thắng và kẻ bại trận nhưng những người biết hi sinh vì mọi người luôn luôn là người anh hùng với chiến thắng vĩ đại nhất. Gacxia Lorca là một người như thế.
Đàn ghi ta của Lor-cacủa Thanh Thảo - một sự cộng hưởng của những khát vọng sáng tạo, một khả năng nhập cảm sâu sắc vào thế giới nghệ thuật thơ Lor-ca, một suy nghiệm thâm trầm về nỗi đau và niềm hạnh phúc của những cuộc đời đã dâng hiến trọn vẹn cho cái đẹp.
Với Đàn ghi ta của Lor-ca, dù không cố ý, Thanh Thảođã viết như một nghệ sĩ kép : thi si kiêm nhạc sĩ. Và vì thế, bài thơ sống cuộc đời kép : thi phẩm và nhạc phẩm: Không thuộc kiểu thi sĩ mớm thơ cho nhạc, càng không phải một tay vãi nhạc vào thơ. Anh vẫn đi lại với nhạc, nhưng theo chiêu riêng : vừa nhập cấu trúc ca khúc vào lòng bài thơ vừa khảm thêm tiếng nhạc vào lời thơ. Nên, dù dan díu với nhạc, trước sau thơ anh vẫn luôn là thơ. Ngoài vốn thi liệu được tái chế, tái tạo từ di sản thơ của chính Lorca, thì ngôn ngữ của nhạc, cấu trúc của ca khúc sẽ bắc những nhịp cầu tương giao để hồn kẻ hậu sinh nói lời đồng điệu với bậc tiền nhân của xứ sở Tây ban cầm. Đàn ghi-ta của Lorcachính là một lối thơ mà ở đó lời thơ đã cườm vào nét nhạc, hình tượng thơ đã cùng cấu trúc nhạc bay đôi. Thậm chí, để tiếng nói của thơ mình thêm phong phú, Thanh Thảo còn mô phỏng những âm thanh từa tựa các nốt đàn ghita, mô phỏng cả lối diễn tấu vẫn thường đệm cho người hát khi diễn nữa.
Hơn thế nữa, khi ra đời thi phẩm này đã tự chọn cho nó một hình hài : vừa là thơ viếng vừa như một bi ca.
Nguồn yume.vn
Hi vọng tài liệu này có thể giúp ích cho em!
Thân ái!
 
Last edited by a moderator:
D

dung811

chị ơi, e muốn hỏi về nỗ lực cách tân thơ của thanh thảo trong bài thơ này, có thể xem nỗ lực cách tân thơ đó là nhứng cách biểu đạt mới của ông như chị đã nói ở trên ko ?
 
T

thuyhoa17

chị ơi, e muốn hỏi về nỗ lực cách tân thơ của thanh thảo trong bài thơ này, có thể xem nỗ lực cách tân thơ đó là nhứng cách biểu đạt mới của ông như chị đã nói ở trên ko ?

Mình xin thay mặt chị hocmai.nguvan trả lời bạn nhé :).


"có thể xem nỗ lực cách tân thơ đó là những cách biểu đạt mới của ông như chị đã nói ở trên ko" >> có.


Tuy nhiên, ngoài cách thức biểu đạt trong bài thơ tức là nghệ thuật thơ TT thì bạn vẫn có thể thêm nội dung bài thơ, đặc biệt có thể tham khảo về hình tượng Lor-ca - về ước vọng những người kế nghiệp sau ông sẽ tiếp tục phát triển một cách sang tạo thơ ca >> cũng là ước muốn cách tân thơ của TT.
 
Top Bottom