Tháng 3, ra lệnh quy định số đồng của 1 tiền, kích thích dài nhắn của vải lụa và quy cách của tờ giấy viết.
Hễ tiền đồng thì 60 đồng là 1 tiền, lụa lĩnh thì mỗi tấm dài 30 thước, rộng 1 thước 5 tấc trở lên, vải gai nhỏ mỗi tấm dài 24 thước, rộng 1 thước 3 tấc trở lên, vải tơ chuối thì mỗi tấm dài 24 thước, vải bông thô mỗi tấm dài 22 thước, giấy thì tính 100 tờ.
Mùa hạ, tháng 4, có sao Chổi hiện ở phương tây.
Mùa thu, tháng 7, ngày rằm có nguyệt thực.
Tháng 8, tuyển người bổ sung quân ngũ. Duyệt quân lớn.
[52b] Mùa đông, tháng 10, hoàng tử Nghi Dân sinh.
Tháng 11, đại xá, đổi niên hiệu. Lấy tháng giêng năm sau làm Đại Bảo năm thứ 1. Đại xá thiên hạ. Những người 70 tuổi trở lên được thưởng tước 1 tư và cho ăn tiệc.
Canh thân, [Đại Bảo] năm thứ 1 [1440], (Minh Chính Thống năm thứ 5). Mùa Xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, đổi niên hiệu.
Ngày mồng 3, xuống chiếu rằng:
"Trẫm nghĩ: Bậc tôi trung tướng giỏi ngày xưa, thờ vua trọn tiết, vì nước quên nhà. Nay đại thần trăm quan văn võ trong nhoài các ngươi, ăn lộc của vua, phải lo cái lo của vua. Hễ trong quân dân có những điều tệ hại và hành vi của trẫm có những gì sai lầm, các ngươi đều nên can gián cho rõ ràng, giúp ta sửa chữa thiếu sót, lo làm tròn mọi việc đáng làm trong chức phận của người bề tôi để sánh ngang hàng với họ Y, họ Lã, ông Chu, ông Thiệu1681, chả lẽ lại chụi ở dưới bọn [Trần Bình], [Chu] Bột, Vương Lăng, Hoắc Quang, Gia Cát, Kính [53a] Đức, Tử Nghi, Lý Thạnh1682 hay sao? Nếu được như vậy thì vua tôi sẽ giữ được trọn vẹn công lao sự nghiệp từ đầu tới cuối, cùng hưởng phúc lộc dài lâu mãi mãi, để khỏi phụ lời thề "Hoàng Hà như ***, Thái Sơn như lệ"1683, như thế há chẳng tốt đẹp hay sao? Tất cả quan lại các ngươi, hãy kính theo mệnh lệnh này của ta".
Vua đích thân đi đánh tên phản nghịch Hà Tông Lai dở huyện Thu Vật, thuộc huyện Tuyên Quang.
Ngày 19, bắt được TôngMậu, con Tông Lai.
Ngày 20, chém được Hà Tông Lai rồi đem quân về. Dâng tù cáo thắng lợi ở Thái miếu.
Ngày 21, lập con trưởng là Nghi Dân làm Hoàng thái tử.
Tháng 3, vua thân đi đánh viên thổ quan phản nghịch tên là Nghiễm ở châu Thuận Mỗi, trấn Gia Hưng.
Tuyển tráng đinh bổ sung quân ngũ.
Làm sổ hộ tịch.
Mùa hạ, tháng 5, ngày 15, vua đem quân từ châu Thuận Mỗi trở về, vì tên Nghiễm dâng trâu và voi [53b] xin hàng, và vì đương mưa nắng dữ.
Tháng 6, sách phong Ngô thị1684 làm Tiệp dư, được ở cung Khánh Phương, tức là Quang Thục Hoàng thái hậu sau này.
Lộ Thanh Hóa lụt to.
Tân Dậu, [Đại Bảo] năm thứ 2 [1441], (Minh Chính Thống năm thứ 6). Mùa xuân, tháng giêng, vận chuyển quân lương.
Tháng 3, vua đi lại đánh tên phản nghịch Nghiễm ở châu Thuận Mỗi, bắt sống viên tướng Ai Lao là Đạo Mông cùng vợ con nó ở động La1685, lại bắt được con của tên Nghiễm là Sinh Tượng và Chàng Đồng. Nghiễm kế cùng ra hàng. Vua bèn đem quân về, dâng tù báo thắng trận ở Thái Miếu.
Giáng Dương Thị Bí xuống làm thứ nhân.
Trước đây, Dương Thị Bí sinh con là Nghi Dân. Vua lập làm Thái tử. Dương Thị Bí cậy thế, càng lăng loàn kiêu căng. Vua vẫn nín nhịn bao dong, giáng xuống làm Chiêu nghi, muốn cho thị sữa bỏ lỗi lầm. Nhưng Dương Thị Bí lại càng hằn học trong lòng, không [54a] kiêng nể gì nữa. Vua cho là Dương Thị Bí đã cố tình như vậy, thì con thị đẻ ra chưa chắc đã là người khá, mới giáng xuống làm người đàn bà thường, rồi xuống chiếu nói cho thiên hạ biết là ngôi Thái tử chưa định.
Mùa hạ, tháng 5, ngày Giáp Tuất mồng 9, hoàng tử Bang Cơ Sinh.
Ra lệnh chỉ tuyển con gái đẹp ở các huyện.
Đặt ngự tiền thị vệ, theo thứ bậc mà cho làm quan.
Mùa thu, tháng 8, tuyển chọn con gái đẹp ở sân điện.
Bắt giam hạng đàn bà ngỗ nghịch, đó là làm theo kế của Nguyễn Thị Lộ (Thị Lộ là vợ của Nguyễn Trãi).
Mùa đông, tháng10, sai sứ sang nhà Minh: Nội mật viện phó sứ Nguyễn Nhật Thiêm, Tri nội mật viện phó sứ Nguyễn Hữu Quang, Thiêm tri Thẩm hình viện Đào Mạnh Cung sang nộp cống hằng năm. Lê Thận sang xin mũ áo.
[54b] Tháng 11, 16, lập Hoàng tử Bang cơ làm Hoàng thái tử.
Xuống chiếu rằng: "Đặt Thái tử để vững gốc rễ, lập con đích để chính danh phận. Đó là mưu xa của xã tắc, kế lớn của quốn gia. Hoàng tử Bang Cơ thể chất vàng ngọc, tư thái anh minh, vừa có uy vọng của một bậc quân vương, lại đúng danh phận là con đích tôn quý. Vậy sai Nhập nội đại đô đốc Lê Liệt mang sắc mệnh lập làm Hoàng thái tử".
Hoàng thái tử Nghi Dân phong làm Lạng Sơn Vương, hoàng tử Khắc Xương phong làm Tân Bình Vương.
Cho Thái phi Phạm Thị Nghiêu tự tử.
Phạm Thị Nghiêu trước kia bị viên nội quan nhà Minh là Mã Kỳ bắt đi. Đến khi trở về, không chịu giữ tiết, lập mưu dụ dỗ bọn gian ác, định mưu phế lập. Vua thấy Thị Nghiêu tuổi đã già, cho vào Lam Kinh hầu Vĩnh Lăng. Phạm Thị Nghiêu vì vậy lại càng oán hận, tội ác đã rõ rệt, theo [55a] lời bàn của mọi người, bắt phải tự tử.
Nhâm Tuất, [Đại Bảo] năm thứ 3 [1442], (Minh Chính Thống năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, làm cung điện mới.
Tháng 3, tổ chức thi hội cho sĩ nhân trong nước. Cho bọn Nguyễn Trực, Nguyễn Nhữ Đổ, Lương Như Hộc 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Trần Văn Huy 7 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Ngô Sĩ Liên 23 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Lại sai soạn văn bia, dựng bia ghi tên các tiến sĩ. Bia tiến sĩ bắt đầu có từ đây.
Mùa thu, tháng 7, ngày 20, Hoàng tử Tư Thành sinh.
Ngày 27, vua đi tuần về miền đông, duyệt quân ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi mời vua ngự chùa Côn Sơn1686 ở hương của Trãi. Vua đi thuyền từ bến Đông, vào sông Thiên Đức, qua mộ Bạch Sư ở cầu Bông, xã Đại Toán, huyện Quế Dương, thì thuyền ngự không đi lên được. Các quân hết sức kéo dây cũng không nhúc nhích, [55b] hình như có người giữ lại. Vua bèn sai trung sứ1687 đi hỏi khắp những người già cả xứ ấy xem chổ này có vị thần nào. Các cụ già bảo:
"Ngày xưa, có người tên Bạch Sư, khi còn sống rất tinh thông pháp thuật. Sau khi mất, chôn ở ven sông, thường có hiển linh, người xứ này vẫn tế thần long trọng lắm".
Trung sứ hỏi: "Tế bằng thứ gì? ".
Người già nói: "Tế bằng nghé".
Trung sứ đem việc ấy về tâu. Vua sai đem nghé non đến tế thần. Bấy giờ thuyền ngự mới đi được.
Tháng 8, ngày mồng 4, vua về đến vườn Vải huyện Gia Định1688, bỗng bị bạo bệnh rồi băng.
Trước đây, vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền đông, xagiá về tới vườn Vải, xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng, các quan bí mật đưa về.
Ngày mồng 6 về tới kinh, nửa đêm đem vào cung [56a] rồi mới phát táng. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua.
Ngày 12, đại thần là bọn Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ nhận di mệnh cùng với bọn Lê Liệt, Lê Bôi tôn Hoàng thái tử Bang Cơ lên ngôi. Lúc ấy, vua mới 2 tuổi. Lấy năm sau làm Thái Hòa năm thứ 1.
Ngày 16, giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyên Thị Lộ, bắt tội đến ba họ.
Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị. Đến đây, vua đi tuần về miền đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bạo bệnh mà mất, cho nên Trãi bị tội ấy.
Lời bàn: Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một nười đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư? .
Tháng 9, ngày 9, giết bọn hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng, vì khi Nguyễn Trãi sắp bị hành hình [56b] có nói là hối không nghe lời của Thắng và Phúc.
Mùa đông, tháng 10, sai sứ sang nhà Minh: Hải Tây đạo đồng tri Nguyễn Thúc Huệ và Thẩm hình viện thiêm tri Đỗ Thì Việp sang tạ ơn cho áo mũ. Thị ngự sử Triệu Thái tâu việc địa phương Khâm Châu. Bọn Tham tri Nguyễn Đình Lịch, Phạm Du sang báo tang. Tham tri Lê Truyền, Đô sự Nguyễn Văn Kiệt, Ngự tiền học sinh cục trưởng Nguyễn Hữu Phu sang cầu phong.
Sai hàn Lâm viện thị độc học sĩ kiêm tri ngự tiền học sinh cục cận thị chi hậu Nguyễn Thiên Tích soạn bài văn bia Hựu Lăng1689.
Ngày 16, táng Đại Hành Hoàng đế phía bên tả Vĩnh Lăng ở Lam Sơn gọi là Hựu Lăng. Dâng tôn hiệu là Kế Thiên Thể Đạo Hiển Đức Thánh Công Khâm Minh Văn Tư Anh Duệ Triết Chiêu Hiến Kiến Trung Văn Hoàng Đế, miếu hiệu [57a] là Thái Tông.
Lời bàn: Vua là bậc hùng tài đại lược, quyết đoán chủ động. Khi mới lên ngôi, nghiền ngẫm tìm phương trị nước, đặt chế độ, ban sách vở, chế tác lễ nhạc, sáng suốt trong chính sự, thận trọng việc hình ngục, mới có mấy năm mà điển chương văn vật rực rỡ đầy đủ, đất nước đã đổi thay tốt đẹp. Các nước Trảo Oa, Xiêm La, Tam Phật Tề1690, Chiêm Thành, Mãn Lạt Gia 1691 vượt biển sang cống. Sau có tên bề tôi trốn tránh là Tông Lai chiêu tập bọn đi trốn làm phản, đặt niên hiệu ngụy là đứa thổ tù Nghiễm ở châu Thuận Mổi dựa vào AI Lao dám gây biến loạn. Vua thân chỉ huy sáu quân đi giáng đòn trời phạt. Chỉ một tuần mà Tông Lai nộp đầu, hai lần mà tên Nghiễm bị bắt, thực xứng đáng là bậc vua anh hùng.
[57b] Vũ Quỳnh khen: Khi vua lên ngôi mới có 11 tuổi, không phải nhờ buông rèm coi chính sự mà mọi việc trong nước đều tự mình quyết định, bên trong chế ngự quyền thần, bên ngoài đánh dẹp di địch. Ngài thông minh trí dũng, còn vượt lên trên cả những vua anh minh đời xưa. Huống chi, ngài lại thể theo lòng trời đất nuôi sống muôn loài, ban hành chính sách xót thương bất nhẫn của bậc đế vương, xử kiện xét tù phần nhiều khoan thứ. Đức hiếu sinh của ngài là cái đức của vua Thuấn xưa. Ôi! những người như vua có thể gọi là hết lòng với việc trị nước vậy.
[58a] NHÂN TÔNG TUYÊN HOÀNG ĐẾ Tên húy là Bang Cơ, con thứ ba của Thái Tông, mẹ là Tuyên Từ hoàng thái hâu Nguyễn thị, tên húy là Anh, người làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Vua sinh năm Tân Dậu, Đại Bảo năm thứ 2 [1441], tháng 6, ngày Giáp Tuất mồng 9. Năm thứ 3 [1442], tháng 6, ngày 6 được lập làm hoàng thái tử; đến tháng 8, ngày 12 lên ngôi, đổi niên hiệu là Thái Hòa, lấy ngày sinh làm Hiến Thiên thánh tiết. Ở ngôi 17 năm, thọ 19 tuổi, táng ở Mục Lăng. Vua tuổi còn thơ ấu đã có thiên tư sáng suốt, vẻ người tuấn tú đường hoàng, dáng điệu nghiêm trang, sùng đạo Nho nghe can gián, thương người làm ruộng, yêu nuôi muôn dân, thực là bậc vua giỏi, biết giữ cơ đồ, không may bị cướp ngôi giết hại, Thương thay!
Quý Hợi, Thái Hoà, năm thứ 1 [1443], (Minh Chính Thống năm thứ 8). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 8, giờ Dậu, có sao sa ở phương nam. Bấy giờ vua mới ba tuổi, nên Thái hậu buông rèm coi chính sự nắm quyền đoán việc nước.
Tháng 2, ngày mồng 2, xuống chiếu rằng:
"Mới rồi trời hiện điềm tai biến như sau sa, động đất. Trẫm rất lo sợ, suy nghĩ nguyên nhân tai biến, không biết bởi đâu. Có phải vì trẫm mới cầm quyền, [58b] chưa biết giảm nhẹ lao dịch thuế khóa, có điều không lợi cho dân không? Hay là phụ quốc đại thần điều hòa trái lẽ nên khí âm dương không hài hòa mà đến thế chăng? Hay là việc ngục tụng không công bằng, hối lộ công khai, xử án còn nhiều oan uổng mà đến nỗi thế chăng? Hay là chức thú lệnh chưa được người giỏi, làm bừa trái phép, nhiễu hại dân chúng mà đến nỗi thế chăng? Hay là bọn cung nữ oán hờn chưa thả chúng ra nên hại tới hòa khí mà đến nỗi thế chăng? Có phải là bọn gièm pha âm mưu xảo quyệt, để công thần chịu oan khuất chưa được rửa oan mà đến nỗi thế chăng? Hay là vì bày việc thổ mộc, xây dựng cung điện chăng? Kẻ tiểu nhân được tiến dùng, còn người quân tử phải lui ẩn chăng? Đường nói năng bịt kín mà ơn trên bị che lấp chăng. Bọn phi tần lộng hành mà cửa sau bỏ ngỏ chăng. Lệnh cho khắp quan lại, quân dân, đều phải hết lòng bày tỏ những điều có thể xoay được lòng trời, dập hết tai biến, hãy thẳng thắn nói ra, chớ nên ẩn dấu, để giúp trẫm sửa những điều thiếu sót".
[59a] Có rồng đỏ vào cửa biển Đại Toàn1692.
Tháng 3, ngày 16, ban bố hai chữ húy. Tên vua là Cơ, tên húy của Hoàng thái hậu là Anh, cùng miếu húy gồm 7 chữ.
Mùa hạ, tháng 4, rồng hiện ở bến Hóa, huyện Đông Lại1693.
Tháng 5, động đất.
Ngày rằm, có nguyệt thực.
Tháng 6, lấy ngày sinh làm Hiến Thiên thánh tiết.
Mùa đông, tháng 10, vua bỏ áo tang, mặc hoàng bào, ngự chính điện để coi chầu. Các quan mặc thường phục theo thứ bậc của mình, vì các quan tâu xin bỏ tang phục, mặc cát phục, căn cứ theo lời chiêm đoán các việc âm dương tai dị của Thái sử viện.
[59b] Tháng 11, nhà Minh sai chánh sứ Hành nhân ty hành nhân Trình Cảnh sang tế [Thái Tông].
Ngày 16, sai bọn Ngự sử trung thừa là Hà Phủ, Hàn lâm viện tri chế cáo Nguyễn Như Đổ, Ngự tiền học sinh cục trưởng Lương Như Hộc sang tạ ơn nhà Minh sang tế.
Ngày 25, sai Tham tri bạ tịch Trình Dục, Nội mật viện chánh chưởng Trình Thanh, Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Khắc Hiếu sang nhà Minh tạ ơn việc sách phong.
Giáp Tý, [Thái Hòa] năm thứ 2 [1444], (Minh Chính Thống năm thứ 9). Mùa xuân, tháng giêng, tuyển tráng đinh bổ vào quân ngũ.
Thi chọn sĩ nhân bổ làm thuộc lại các ty.
Làm sổ hộ tịch.
[60a] Mùa hạ, tháng 5, chúa Chiêm Thành là Bí Cai vào cướp thành châu Hóa, cướp bắt nhân dân. Sai Nhập nội kiểm hiệu thái bảo Lê Bôi và Tổng quản Lê Khả đem 10 vạn quân đi đánh.
Mùa thu, tháng 7, bắt giam Thái phó Lê Liệt.
Mùa đông, tháng 10, động đất, nhật thực.
Có nguyệt thực.
Tháng 11, sai sứ sang nhà Minh. Tả thị lang Đào Công Soạn, Ngự tiền chấn lôi quân chỉ huy Lê Tạo nộp cống hằng năm. Đông đạo tham tri Nguyễn Lan tâu việc địa phương Khâm Châu.
Ất Sửu, [Thái Hòa] năm thứ 3 [1445], (Minh Chính Thống năm thứ 10). Mùa xuân, tháng giêng, sai các văn thần đốc suất quân lính các xứ trong nước đào kênh ở lộ Thanh Hóa.
Mùa hạ, tháng 4, Chiêm Thành vào cướp thành An Dung của châu Hóa. Tháng 5, gặp nước lũ nên thua to.
[60b] Tháng 6, phong hoàng đễ Tư Thành làm Bình Nguyên Vương.
Ngày 25, sai bọn nhập nội kiểm hiệu tư đồ bình chương sự Lê Thận, Nhập nội đô đốc Lê Xí đi đánh Chiêm Thành.
Mùa đông, tháng 10, vì có tai dị, xuống chiếu rằng:
"Trẫm ở ngôi cao mà chưa biết việc đời, cho nên liền mấy năm nay, tai dị liên tiếp, sấm sét luôn luôn, mưa dầm quá độ, nước lớn ngập tràn, đê điều bị vỡ, làm hỏng nhà cửa muôn dân, đầm hồ sụt lấp, dâu rau ngập úa. Có phải vì chính sự có thiếu sót mà hại đến hòa khí vận âm dương biến đổi? Muốn chấm dứt sự trừng phạt của trời cao, phải rộng ban điều ân huệ cho kẻ dưới. Nay ban các điều về thuế, [61a] giảm tội rộng rãi theo thứ bậc khác nhau".
Tháng này, lấy Lê Bá Nhai, con trai của Nhập nội thiếu phó tham dự triều chính Lê Khắc Phục làm phò mã đô úy, gả cho hoàng nữ thứ hai là An Nam công chúa.
Nhập nội đô đốc Lê Xí có tội, vua định công khai xử theo luật pháp, nhưng vì Xí là bề tôi cũ có công lao, đáng được hưởng luật bát nghị, nên chỉ bãi chức.
Ngày mồng 7, nước lũ tràn ngập vào trong thành, sâu đến 3 thước. Lúa má bị ngập, mất tới một phần ba.
Tháng 12, sai Bình chương sự Lê Khả đem quân đi đánh Chiêm Thành.
Bính Dần, [Thái Hòa] năm thứ 4 [1446], (Minh Chính Thống năm thứ 11). Mùa xuân, tháng giêng, đúng kỳ hội quân lớn, chọn người khoẻ mạnh đi đánh Chiêm Thành. Sai dân phu vận chuyển lương thực tới chức ở huyện Hà Hoa1694.
Ngày 22, sai bọn nhập [61b] nội đô đốc bình chương Lê Thụ, Lê Khả, Nhập nội thiếu phó tham dự triều chính Lê Khắc Phục đem hơn 60 vạn quân đi đánh Chiêm Thành. Vua thấy chúa Chiêm Thành là Bí Cai nhiều lần dốc quân cả nước vào cướp, cho nên sai đi đánh.
Tháng 2, ngày mồng 8, sai sứ nhà Minh: Hải Tây đạo tham tri bạ tịch Nguyễn Thúc Huệ sang tâu việc địa phương Long Châu. Đồng tri Thẩm hình viện sự Trình Chân và Chuyển vận sứ huyện Thanh Oai Nguyễn Đình Mỹ sang tâu việc Chiêm Thành.
Ngày 23, các quân của bọn Lê Thụ đến các xứ Ly Giang1695, Đa Lang1696, Cổ Lũy1697, mở thông đường thủy, dựnng đắp thành lũy để đánh nhau với giặc, phá tan giặc, thừa thắng đánh thẳng đến cửa biển Thi Nại1698.
Mùa hạ, tháng 4, ngày 25, các quân của bọn Lê Thụ tiến công thành Chà Bàn1699 phá tan quân giặc, [62a] bắt được chúa nó là Bí Cai và các phi tần, bộ thuộc, ngựa voi vũ khí, cùng các hàng tướng rồi đem quân về.
Cháu thúc bá của vua Chiêm cũ Bố Đề là Ma Ha Quý Lai đã đầu hàng tứ trước, nay sai bề tôi là bọn Chế Cữu, Ma Thúc, Bà Bị sang chầu, dâng biểu xưng thần, xin cho lập làm vua.
Tháng 6, đem chúa Chiêm Thành Bí Cai làm lễ dâng tù cáo thắng trận ở Thái miếu. Đại xá thiên hạ. Giữ chúa Chiêm Thành Bí Cai và ba người phi tần ở kinh sư. Sai sứ đi tìm những người Chiêm ở kinh thành từ trước trao cho tả hữu của vua Chiêm và các hàng trong nước Chiêm cho về nước.
Mùa thu, tháng 9, ngày 19, sai Hải Tây tham tri bạ tịch Nguyễn Hoằng Nghị Nhân và Chính sự viện Đồng tham nghị Trịnh Hoằng Nghị sang nhà Minh báo tin Chiêm Thành vào cướp năm trước.
Đinh Mão, [Thái Hòa] năm thứ 5 [1447], (Minh Chính Thống năm thứ 12). Mùa thu, tháng 7, xuống chiếu rằng:
"Nhận lỗi trách mình, duy bậc chí thành [62b] mới có thể làm được; trừ tai cứu nạn, thực điều nhân chính phải đặt lên hàng đầu. Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, thiên tai xảy ra luôn, dân chúng rất đói kém. Mới rồi, đã hạ lệnh cho các nha môn trình bày những điều có thể làm lợi cho quân dân để chọn lựa thi hành, nay lại thi hành, lệnh cho thải bớt các cung nữ bị giam cấm. Các đạo làm bản tâu trình bày những việc đau khổ của dân trong hạt".
Tháng 9, ngày 29, sai sứ sang nhà Minh: Ngự sử trung thừ a Hà Phủ làm chánh sứ, Thẩm hình viện đồng tri Đinh Lan làm phó sứ sang nộp cống hàng năm và tâu việc địa phương Khâm Châu. Điện trung thị ngự sử Trình Ngự làm phó sứ sang tâu việc địa phương Long Châu.
Mậu Thìn [Thái Hòa] năm thứ 6 [1448], (Minh Chính Thống năm thứ 13). Mùa xuân, tháng giêng, lấy Đồng tri Đông đạo bạ tịch Lê Hy Cát làm Thượng thư hữu ty lang trung; Tham tri Nam đạo bạ tịch Nội mật viện phó [63a] sứ Hoàng Thanh làm Hán lâm viện thị giảng Trần Phong làm Thị kinh diên.
Quản lĩnh Nguyễn Tông Lỗi làm Trung Bắc Giang vệ đồng tri; Tam Đới lộ trấn phủ sứ Lê A Hành làm Thái Nguyên thượng bạn kinh lược sứ.
Tháng 2, lấy Lê Thọ Vực là con Thiếu bảo Lê Sao làm Cận thị tam cục chánh chưởng.
Tư không châu Phục Lễ Đèo Mạnh Vượng có tội, cho tự tử.
Sai nhập nội tư mã Lê Ê đem 5. 000 quân hộ tống người em thứ hai của Mạnh Vượng, cho làm chiêu thảo sứ, tri châu Phục Lễ thay trông coi dân chúng của Mạnh Vượng và tịch thu gia sản của Mạnh Vượng.
Mạnh Vượng vốn tính hung bạo, lòng người không theo, lại ngầm sai người đánh thuốc độc giết hại bộ đảng của mình, bộ đảng [63b] ai cũng thù oán. Đến đây, nghe quan quân đến, họ tranh nhau giết hai đứa con của hắn, bắt giam cả vợ cả, vợ lẽ, nô tì, lấy hết vàng bạc của cải của hắn đem nộp tại cửa quân. Nhưng Lê Ê khéo biết an ủi vỗ về, không mảy may chạm đến, tình hình lại yên ổn như cũ, người trong châu rất vui lòng.
Biên giới miền đông ngoa truyền rằng nhà Minh sai sứ sang hội khám biên giới. Vua sai Đông đạo tham tri Trình Dục đi dò xét hư thực trở về tâu báo.
Dục đến biên giới không hề điều tra, chỉ tin nghe lời người đi đường đã về tâu ngay là có quan hai ty khâm sai của phương Bắc và quan Tổng binh trấn thủ Quảng Đông đem binh mã tới rất đông.
Vua sai Tư khâu Lê Khắc Phục, Tả hữu nạp ngôn Nguyễn Mộng Tuân, Nguyễn Văn Phú, hữu ty thị lang Đào Công Soạn, Trung thừa Hà Lật cùng bọn Tây đạo tham tri, Đồng tri Nguyễn Thúc Huệ, Nguyễn Lan, Bùi Cầm Hổ, Trình Dục [64a], Thẩm hình viện phó sứ Trịnh Mân, Nội mật viện tham tri Lê Văn đi hội khám. Lại sai hạ Nam Sách phủ đồng tri Lê Thiệt đem hơn 1 vạn 2 nghìn quân hợp đồng với các quan của trấn An Bang đề phòng biên giới. Ban tiền cho từng người theo thứ bậc khác nhau. lại bắt các quan lộ, trấn, huyện và dân phu thuộc Đông đạo phải đóng góp đầy đủ tiền gạo, trâu dê, gà vịt ngan ngỗng, rượu thịt các thứ để đợi khao quân phương Bắc. Cả miền đông do vậy đều xao động. Đến lúc tới biên giới, ở lại cả tuần, cả tháng, dò xét tin tức thì im ắng như tờ. Bọn họ liền đem tiền của mua hàng phương Bắc chở nặng mang về, nói thác là quan khâm sai nhà Minh lại có khác không đến. Đài quan1700 là bọn Hà Lật thì vào cánh với nhau không nói một câu. Triều đình cũng không có ai hỏi đến tội đó.
Ngày Giáp Tuất, vua ngự về Lam Kinh, Thái hậu và các vương đều đi theo. Sai Đại tư đồ Lê Thận và Đô áp nha[64b] Lê Bí ở lại giữa Kinh sư.
Dân Thanh Hóa thấy xa giá đến, trai gái đem nhau đến hát rí ren1701 ở hành tại. Tục hát rí ren này, một bên con trai, một bên con gái dắt tay nhau ca hát, có lúc tréo chân tréo cổ nhau gọi là cắm hoa, kết hoa, trông rất là xấu. Đài quan Đồng Hanh Phát bẩm với Thái úy Khả rằng:
"Đấy là thói dâm tục xấu, không để nhảm nhí trước xa giá".
Khả lập tức sai cấm hẳn.
Ngày Nhâm Ngọ, vua tới Lam Kinh, bái yết lăng miếu.
Tháng 3, ngày mồng 1 ban yến cho các quan ở hành tại bên sông. Ban bạc cho các quan theo hầu từ nhị phẩm trở lên theo thứ bậc khác nhau. Còn các quan từ tam phẩm trở xuống và các quan ở Lam Kinh cùng các loại quân sĩ đi hộ giá thì ban tiền theo thứ bậc khác nhau. Bấy giờ, vua mới ngự đi lần đầu cho nên có việc ban tiền bạc đó.
Bồn Man cho người sang cống sừng tê, vàng bạc và con voi ba ngà[65a]. Khi đi qua Ngệ An, được lệnh để con voi ấy ở lại quân phủ1702. Ban cho sứ thần Bồn Man một bộ áo dài bằng đoạn màu hồng, 10 tấm lụa, 5 sọt đồ sứ rồi cho về.
Các Thừa Thiên làm xong, lộng lẫy hơn trước.
Đài quan là bọn Hà Lật, Đồng Hanh Phát hặc tâu rằng:
"Án kiện ứ đọng nhiều, việc này ở các quan có trách nhiệm, bọn thần không biết được". bọn Thẩm hình lang trung phu Trình Mân, Nguyễn Văn Kiệt, Lê Bá Viễn đều cúi đầu tạ tội. Riêng Giám sát ngũ hình Trình Duy Nhất kiếm lời bào chữa mãi không thôi. Vua không trả lời. Sai bọn Hà Lật đến Ngũ hành viện điều tra, thì từ năm Nhâm Tý1703 đến năm Đinh Mão (1449-14? ) còn đọng tới 125 án. Các đại thần bà nhau đem chia những án kiện đọng lại ấy cho quan năm đạo, đài quan và ngũ hình cấp tốc xét xử, không được để ứ đọng lâu ngày có hại cho dân. Hơn nữa, việc hình ngục qúa nhiều, hình quan sức [65b] không làm xuể, xin xét giảm tội cho họ.
Biếm Lang trung Nguyễn văn Kiệt, Đại phu Lê Bá Viễn mỗi người đều 1 tư, mỗi người phải phạt 50 roi.
Mùa hạ, tháng 4, cấm viên quan và quân dân không được chiếm ruộng công để đào ao, làm vườn tược nhà cửa Lấy cựu Đô đốc Lê Xí làm Thiếu bảo tri quân dân sự, Đồng tri Lê Lư làm Tuyên úy đại sứ chãu Phục lễ.
Thái pó Lê Văn Linh chết, thọ 72 tuổi, được truy tặng khai phủ, tên thụy là Trung Hiến.
Văn Linh là công thần khai quốc, là vị nguyên lão của ba triều1704 tính thâm trầm, có trí lược, rất am hiểu các mặt chính sự, lúc bàn bạc ở triều đình, có nhiều điều rất sáng suốt. Khi Lê Sát bị giết, ông nói thẳng không a dua, đành chịu khiển trách, được công [66a] luận cho là phải. Song ham mê tiền của, cho người làm quan để nhận hối lộ riêng. Rốt cục, không một lời nào bàn tới chính sự của đất nuớc. Ông ta chỉ tin thờ đạo Phật, đinh ninh dặn lại con mình kính mời các bậc cao tăng tụng kinh ba tuần chay, bảy tuần giới, đừng làm đám linh đình mà thôi.
Nam đạo Hành khiển quan nội hầu trí sĩ Lê Soạn chết. Sọa tuy là bậc huân cựa lão thàn, nhưng bỉ ổi, tham lam, không có tài cán gì, người bấy giờ đều khinh bỉ ông ta.
Bọn Nguyễn Hữa Quang từ Chiêm Thành trở về. Sứ thần Chiêm Thành là bọn Bân Đối Thêm, Chiêm Thấp mang quốc thư và lễ vật cống cùng đi theo bọn Hữu Quang sang ta.
Ban yến ở Sứ quan, sai Tư khấu Lê Khắc Phục chủ trì. Ban mũ đai, y phục cho chúa cũ của Chiêm Thành là Bí Cái và cho y dự yến. Đến khi sứ Chiêm về, ban cho chánh sứ, phó sứ mỗi người một chiếc áo, 3 tấm lụa, thông sự và hành nhân mỗi người 2 tấm lụa: 19 người đi theo cho chung 19 tấm luạ, nhân tiện sai mang luôn thư vua ban [66b] về nước.
Lấy hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Khắc Hiếu làm Thị giảng phụng thị kinh diên; thẩm hình viện phó sứ là Đào Mạnh Cung làm tam Đới lộ tuyên phủ sứ hành Tam Đới lộ sự; Nguyễn Tử Yến làm Hữu hình viện lang trung; Giao Thủy Chuyển vận phó sứ Tưởng Thừa Hy làm Trung Đô phủ Chiếu doãn; cựu Thị độc Nguyễn Thiên Tích làm Hàn lâm tri chế cáo.
Ra lệnh chỉ cho Quản lĩnh ngự tiền vũ đội rằng:
"Bọn các ngươi từ thời Thái Tổ đến nay giữ phậc túc trực đã lâu, không được ngó tới cửa nhà. Nay thiên hạ vô sự, nên chia thành ba phiên thay nhau túc trực để được về viếng thăm cha mẹ".
Vì các đại thần xét thấy liền mấy năm hạn hán, sâu lúa, quan thì túng, dân thì nghèo, mà số vệ sĩ tăng nhiều, lương cấp không đủ, nên có lệnh này.
Lấy Tư khấu Lê Khắc Phục làm Đề điệu Quốc tử giám; Tri phủ Nghệ An là Nguyễn Hồi làm Hữu [67a] nạp ngôn, tri Nam đạo tham tri từ tụng sự; Trung thư sảnh thuộc là Cao Mô làm Giám sát ngự sử.
Tháng ấy, giảm bớt số tướng hiệu ở các vệ quân.
Các quân ngự tiền mỗi quân nguyên trước có 8 viên, nay chỉ giữ lại 2 viên. Năm quân Thiết đột, mỗi quân nguyên trước có 4 viên, nay chỉ giữ lại 2 viên. Trước đây, cấp lương hàng năm bằng tiền, sau bắt quân lính phải nộp để thế tiền lương năm trước. Các đại thần bàn là quan nhiều thì hại dân, cho nên có lệnh này.
Ra lệnh chỉ cho các quan văn võ trong ngoài rằng:
"Nhà nước đã có quy định lương bổng để giữ liêm khiết, lại có ban bố phép tắc để theo đó mà làm. Nay bọn các ngươi không chịu giữ phép, khi làm việc công thì mượn tiếng việc công để lo chạy việc tư, khi xét kiện tụng thì lo nhận hối lộ mà bẻ cong phép nước, khiến những người đi đường ai cũng than oán. Xé mối hệ hại này hẳn [67b] không phải là việc nhỏ. Nay các ngươi phải gột rửa lòng mình, giữ thân liêm khiết, gắng gỏi việc công, yêu thương quân nhân, khiến chúng dần dần được yên nghiệp, thì các ngươi cũng được yên nghiệp. Nếu vẫn mê muội không chừa, bị người các giác, hoặc dò xét được thực trạng sẽ bị trị nặng hơn luật thường 2 bậc. Quan trên và đồng liêu không biết khuyên răn, thì khi việc bị phát giác, cũng bị trị tội theo luật và cắt phần lương bổng".
Thi và Cận thị chi hậu cục. Kỳ thứ nhất thi ám tả cổ văn. Kỳ thứ hai thi chế, cáo, biểu. Kỳ thứ ba thi thơ, phú. Cho đỗ bọn Nguyên Chương 23 người, bổ làm Nhập nội thị cục học sinh.
Giết Nam đạo chủ bạ Đàm Thảo Lư. Thảo Lư ẩn lậu 4 quan 9 tiền thuế, xét tội không đến nỗi chết. Nhưng bọn Thái úy Khả cho là Thảo Lư đã từng vu hãm Nguyễn Thiên Tích, rất ghét Lư. Vì thế Lư bị giết.
Bọn Hà Lật hặc tội Giám sát ngũ hình Trình Duy Nhất không soát xét [68a] án kiện, để đọng lại nhiều. Duy Nhất tuy có tạ tội nhưng trong lòng không phục, bèn tâu rằng:
"Nếu thần được trao giữ chức đàn hặc thì nhất định có thể chấn chỉnh kỷ cương của triều đình mà gạn đục khơi trong được. Nhưng bọn thần lại phải giữ chức pháp quan, sợ rằng việc hình án xét nhanh thì khinh xuất, có thể dẫn tới oan uổng. Vì thế, thường phải để chậm mà suy nghĩ cho chín, thẩm xét cho tường chứ không dám cố ý để đọng lại".
Rồi kể hết các lầm lỗi của đài quan, cho là họ chỉ biết bới móc vết xấu của người mà không biết sửa đổi lỗi lầm của mình. Chống chế biện bác đến 7 lần. Vua cho là Duy Nhất chỉ trích ngôn quan giữa triều đình, hạ lệnh đánh 80 trượng, biếm chức 2 tư.
Mùa hạ, tháng 6, thăng Phụng tuyên sứ Nguyễn Xa Lỗ, Nguyễn Xương làm Tham tri từ tụng sự.
Tha cho Lê Liệt khỏi lao hầm. Vì tám người cùng họ như Lê Khắc Phục và công chúa Ngọc Lan [68b] làm đơn khẩn thiết van xin vua nới phép ban ơn, nên có lệnh này.
Xuống chiếu cho các quan văn võ phải trai giới đến chùa Báo Ân ở cung Cảnh Linh làm lễ Cầu mưa. Vua đích thân tới vái xin.
Sai Thái úy Lê Khả đến xã Cổ Châu rước tượng Phật Pháp Vân1705 về chùa Báo Thiên ở kinh thành. Xuống chiếu cho các nhà sư tụng kinh cầu đảo. Vua và hoàng thái hậu cùng đến làm lễ. Ban cho các nhà sư 10 tấm lĩnh và vóc, 20 quan tiền mới.
Ngày hôm ấy, tha 24 tù nhân tội còn ngờ.
Xuống chiếu cho các quan kinh diên, tham nghị, đài quan, hàn lâm, trung thư tâu bày về duyên do dẫn tới hạn hán.
Đại thần là bọn Lê Thụ cùng dâng sớ hặc tội mình, xin vua miễn chức. Ra sắc dụ không cho và xuống chiếu rằng:
"Vài năm nay, tai dị liên tiếp xảy ra: lụt lội, hạn hán, sâu bệnh không năm nào không có. Có phải vì đạo giữ nước trị dân của trẫm trên không thuận lòng trời dưới chưa thỏa [69a] chí dân mà đến nỗi thế không? Hay là các đại thần phò tá không được người xứng đáng, điều hòa trái phép, xếp đặt sai lẽ mà đến nỗi thế chăng? Hỡi các quan trong ngoài cho tới các sĩ dân, các ngươi hãy vì trẫm mạnh dạn nói ra, hãy chỉ rõ những việc làm phương hại tới nhân dân và chính sự của trẫm và các tể thần. Nếu có người hiền lương phương chính, cũng cho được tự tiến cử. Khi trình bày sự việc, cần phải đúng sự thực, không nên viện dẫn suông lời văn cổ xưa để trả lời trẫm".
Mùa thu, tháng 7, ba trấn Tuyên Quang, Quy Hóa, Gia Hưng, các lộ Đà Giang đói to. Tri Tây đạo Nguyễn Phú tâu rằng:
"Các trấn lộ Tuyên Quang, Quy Hóa, Gia Hưng ở miền núi rừng hẻo lánh, ruộng đất sỏi đá xơ xác, lại thêm liền năm bị hạn hán, sâu bọ, dân chúng rất đói. Xin lấy thóc kho công cho dân vay, may ra dân được hồi sinh".
Bèn xuống chiếu phát thóc các kho trong xứ cho dân vay, [69b] đợi khi được mùa thì trả lại cho nhà nước.
Sao Huỳnh hoặc1706 xuất hiện vào khoảng sao Tâm, đến hơn 1 tuần1707.
Châu Quỳ Hợp dâng 2 con voi. Ban cho y phục, lụa tấm, đồ sứ... Trước kia, Quỳ Hợp vốn gọi là Tồn Bồn Man, phụ thuộc Ai Lao. Từ khi Thái Tổ dựng nước mới sang tiến cống. Đến đây, lại dâng voi, xuống chiếu đổi thành châu Quỳ Hợp.
Bãi chức bọn đại phu của hai viện thuộc ty Tường hình1708 là Lê Bá Viễn, Phạm Phúc.
Trước kia, Bá Viễn xét kiện, có hỏi tới Ngự sử trung thừa Hà Lật. Bá Viễn vặn hỏi nhiều lần, do vậy, Lật để lòng căm giận. Đến đây, Lật góp nhặt những lời bịa đặt của kẻ bị kiện, dâng sớ hặc tội bọn Bá Viễn, Phạm Phúc, Nguyễn Doãn Trung xét ngục tụng nhiều lần buộc tội cho người quá ư thảm khắc, xin thải ra nhận thức bên ngoài, không nên để ở pháp ty nữa. Vua sai quan năm đạo xét hỏi việc ấy. Bọn Bá Viễn, Phạm Phúc không giữ được bình tĩnh, [70a] dâng sớ kể tội của Lật, nói là Lật đã từng là tội phạm, xin được đối lý với Lật. Vua giữ sớ lại không giao xuống. Bọn Lật nghe thấy thế rất căm giận, tâu vua:
"Thần thấy từ Tam Đại đến nay, chưa bao giờ có chuyện kẻ bị ngôn quan đàn hặc lại đi kiện lại ngôn quan. Nay bọn Bá Viễn kiện thần, thế lá miệt thị tai mắt của bệ hạ. Bọn thần vì thế mà bị bãi miễn, cố nhiên không đáng tiếc, chỉ sợ rằng những người giữ chức này vế sau sẽ phải im miệng không dám nói nữa thôi".
Bọn Thái úy Khả và Tư khấu Khắc Phục nhân tâu là bọn Bá Viễn dám kiện lại đài quan, nên bãi chức. Vua nghe theo.
Xuống chiếu cho Lễ bộ treo bảng cấm dân chúng mặc màu vàng, đi giày và dùng đồ chạm vẽ hình lân phượng.
Lấy Tham tri Bắc đạo là Nguyễn Tông Nhân làm tri Thẫm hình viện sự; Giáo thụ Nguyễn Quốc [79b] Kiệt và Phù Thế Hào làm Ty hình đại phu; Ngự tiền học sinh Lê Lâm làm Ngự sử đài chủ bạ.
Ra lệnh chỉ cấm con em nhà thế gia và dân chúng không được nuôi những con vật làm trò như gà chọi, khỉ làm trò, bồ câu thả, chim sơn hô1709 cá vàng1710 mà bỏ cả nghề nghiệp.
Ra lệnh chỉ cấm quan lại ở nội mật, tướng hiệu, quân nhân, sắc dịch ở quân ngự tiền không được chơi bời đi lại với các quan văn võ bên ngoài tiết lộ các việc trong cung.
Tháng 8, cấm các đại thần, các quan văn võ, các mệnh phụ, nữ quan vợ cả vợ lẽ các sắc dịch cùng đàn bá con gái trong nội điện không được ra vào các nhà quyền thế, biếu xén nhờ vả lẫn nhau, dẫn đến làm hại cho chính sự. Nếu họ hàng quen biết thăm viếng lẫn nhau, không có chuyện gì, thì không phải theo luật này.
Giám sát ngự sử Cao Mô bị miễn chức cho trở lại làm thuộc viên ở trung thư như cũ.
Mô giữ chức được vài [71a] tháng, dâng sớ nói là bọn Quốc cữu Nguyễn Phụ Lộ không thể để làm Tham tri từ tụng, trái ý chỉ của Thái hậu rồi thác cớ có bệnh, xin được thôi chức, cho nên bị miễn.
Bãi chức Bùi Thì Hanh, cho làm thái sử lệnh như cũ.
Thì Hanh tâu bậy là đến giờ Mão ngày 16 tháng ấy sẽ có nguyệt thực. Vua ra lệnh cho các quan đến cả cửa Thừa Thiên để cứu trăng, nhưng không thấy nguyệt thực. Giám sát ngự sử Đồng Hanh Phát hặc tội ấy. Thì Hanh không tỏ vẻ lo sợ, nói riêng với người nhà rằng:
"Chỉ đến phạt tiền là cùng. Ngày xưa Mai trung thừa là tay già đời còn chẳng lay chuyển nổi ta, bọn nhóc Hanh Phát thì làm được gì? ".
Hôm sau, Thì Hanh thản nhiên lên điện coi sổ sách như thường. Hanh Phát tâu vua:
"Thần làm chức ngôn quan, điều hay dở của chính sự, việc dùng người đúng sai, đều phải nói cho rõ xem có được hay không. Vì thế người xưa có câu: "Nói tới xe ngự thì Thiên tử phải đổi sắc mặc, nói tới miếu đường thì Tể tướng phải [71b] chờ xét tội". Nay Thì Hanh không chịu tạ tội, cứ điềm nhiên như không. Như vậy đâu chỉ là khinh thần, mà hẳn còn coi thường phép nước. Ngày xưa Phó Dịch và Lý Thuần Phong1711 nhà Đường, tinh thông lịch số, rất giỏi thiên văn, người bấy giờ đều cho là không ai sánh kịp, nhưng họ cũng chỉ làm đến Thái sử lệnh mà thôi. Nay Thì Hanh tài nghệ còn thua kém bọn Thuần Phong tới trăm ngàn lần, mà được lạm dự Môn hạ sảnh kiêm tri Tây đạo là tại làm sao? Huống chi, Thì Hanh là đứa là đứa tiểu nhân gian tà về đời Thái Tổ, dám nói càn chiết tự hai chữ "Thuận Thiên"1712 đã bị bãi truất. Đến triều Thái Tông lại cậy tà thuật, ngầm sai giết vượn lấy máu, để trấn yểm tai biến của trời. Đến khi bệ hạ đang lúc có tang, bỗng gặp thiên tai, Thì Hanh bịa cớ âm dương xung khắc, nói láo là do có quốc tang nên mới sinh ra, tâu xin rút ngắn ngày để tang để trừ bỏ tai biến của trời. Xét các việc làm của hắn, thực là [72a] lừa dối cả. Thần sợ thiên hạ đời sau đều bảo là dùng bọn âm dương1713 làm Tham tri, bọn bói toán làm An phủ, bắt đầu từ bệ hạ, chứ từ xưa chưa từng bao giờ có bao giờ".
Vua lập tức ra lệnh bãi chức Môn hạ hữu ty lang trung thiêm tri Tây đạo của Thì Hanh. Quốc Oai trung lộ An phủ sứ ty Bạch Khuê nghe thấy thế, cũng lo sợ, xin từ chức.
Trước kia, Thái sử Thì Hanh, Thái chúc Bạch Khuê đều cậy có pháp thuật, ra vào các nhà đại thần đều gần gũi, cho là bọn họ có tài. Vì thế, Thì Hanh xin làm Môn hạ hữu ty lang trung thiêm tri Tây đạo, Bạch Khuê xin làm Quốc Oai Trung lộ An Phủ sứ. Các đại thần ai cũng bảo đảm xin cho. Nhưng những người hiền tài thì đều cảm thấy xấu hổ đứng ngang hàng với bọn họ. Có người đề chữ ở Cầu Kênh ngoài cửa Đông rằng:
"Trời đất tới vận bĩ, nảy nòi lộ an phủ1714. Mặt trời mặt trăng [72b] khuyết, có đứa đạo tham tri1715, châm biếm chế giễu chúng đến như vậy. Tới đây, Thì Hanh, Bạch Khêu phải giáng truất một lúc, mọi người đều rất khoái chí.
Quốc sử đồng tu Nguyễn Văn Tộ từ chức.
Có sâu cắn lúa.
Tổ chức thi hội cho sĩ nhân trong nước, lấy đỗ 8 ngườii.
Đến khi thi đình, vua thân ra đề văn sách, hỏi về lễ nhạc, hình, chính. Cho Nguyễn Nghiêu Tư đỗ trạng nguyên, Trịnh Thiết Trường đỗ bảng nhãn, Chu Thiêm Uy đỗ thám hoa lang, bọn Nguyễn Mậu 12 người đỗ tiến sĩ, bọn Đoàn Nhân Công 13 người phụ bảng.
(Nghiêu Tư người huyện Vũ Ninh; Thiết Trường người huyện Yên Định: Thiêm Uy người huyện Tứ Kỳ. Nghiêu Tư từng thông dâm với mẹ vợ, bấy giờ, có người ghi vào chuồng lợn là "Phường trạng nguyên", có người hát ở đường cái rằng: "Trạng nguyên trư1716 Nguyễn Nghiêu Trư" là chế giễu hành vi xấu xa đó).
Bấy giờ, Tư khấu Lê Khắc Phục muốn cấm các khảo quan tư túi, tâu xin bắt họ phải uống máu ăn thề. Các khảo quan phải thề bắt đầu từ đó. Nhưng thói tư túi vẫn không thể nào hết được.
Có thí sinh làm bài chế [73a] văn, đến hai câu đối nhau, đáng lẽ phải dùng chữ có vần trắc, lại dùng ngay chữ "hoành" là thanh bằng. Quan sơ khảo phê là thất luật không lấy. Quan phúc khảo lại chọn lấy, bảo là học trò hay chữ, phê cho đứng đầu cả trường thi, nói bậy là chữ "hoành" người xưa đọc theo thanh trắc, bị người đương thời diễu là "khảo quan ngu"1717. Bấy giờ khảo quan chỉ nghe lời Tả nạp ngôn Nguyễn Mộng Tuân, ỉm chuyện ấy đi không nói ra. Giám khảo Đồng Hanh Phát vì là học trò Nguyễn Mộng Tuân nên biết mà không nói. Đồng khảo Nguyễn Thiên Tích nổi giận sỉ nhục giữa điện đình. Thiên Tìch cãi lại không chịu, rồi tăm tiếng thiên vị lại càng sôi động.
Sao Thổ phạm vào Thái âm.
Tháng 9, xuống chiếu sai Thái úy Lê Khả đốc suất các cục Bách tác xây dựng miếu điện ở Lam Kinh.
[73b] Lấy An phủ sứ Thượng Hồng là Phan Nhân làm Đồng tri Thẫm hình viện sự; Trung thư xá nhân Nguyễn Lãm làm Hoàng môn thị lang, Hàn lâm viện đãi chế Hoàng Sằn Phu làm Tri chế cáo: Thính bát quan Nguyễn Văn Điển và Vũ Kỳ làm Tả hữu hình viện đại phu; Thân tùy xá nhân Nguyễn Sĩ Hưng làm Trúc một ty đô giám; Bắc đạo thuộc Trình Đức Lương làm Thái Nguyên trung bạn giáo thụ.
Lấy Lê Nho Tông, con Lê Ngân, làm Đại đội trưởng Bảo ứng quân. Ngân vì có công to khai quốc, chết không đáng tội, con là Lê Tông Nho bị vùi dập trong quân ngũ đã lâu, các đại thần thương xót, cho nên có lệnh này.
Lấy Tri chế cáo Đào Thiên Phúc làm An phủ phó sứ lộ Kiến Hưng.
Mùa đông, tháng 10, lấy Chuyển vận phó sứ huyện Cổ Hằng Trình Cảnh và lộ giáo thụ Trình Bàn cùng [74a] làm Chính hình viện đại phu.
Người Chiêm Thành là Phan Mỗ dẫn hơn 340 đàn ông đàn bà sang hàng, xuống chiếu chia cho ở các đạo.
Tháng 11, đem chị cả của vua là Vệ Quốc trưởng công chúa gả cho Lê Quát, con trai Thái úy Lê Thụ. Lúc ấy công chúa mới có 10 tuổi, câm không nói được. Xuống chiếu cho Tư khấu Trịnh Khắc Phục làm chủ việc hôn lễ.
Bấy giờ Lê Thụ sắm lễ cưới, nhưng kẻ cầu cạnh ngoi lên, tranh nhau cúng của cải để mưu phú quý, đến nỗi gấm thêu, lĩnh là, vóc lụa bán ở ngoài phố đều vì vậy mà hết nhẳn cả. Lê Thụ lại bắt quan lại các trấn, lộ, huyện phải sắm đủ cả trâu, dê các thứ. Nhưng họ đều bắt quân lính và dân chúng đóng góp để mong lấy lòng Lê Thụ. Đài quan Hanh Phát tâu hặc. Lê Thụ trút mũ tạ tội. Nhưng lệnh đã gửi đi khắp nơi, các quan vẫn cứ đưa lễ vật tới mà Lê Thụ cũng không từ chối, Hanh [74b] Phát cũng không nói đến nữa. Sau Hanh Phát lại mang lễ vật đến nhà Lê Thụ lạy tạ. Người thức giã đều bàn chê.
Bọn Nông Thế Ôn ở châu Bảo Lạc1718, Dương Thắng Kim ở sách Thám Già, Nguyễn Châu Quốc ở mường An Phú thuộc trấn Tuyên Quang có tội bị giết.
Trước đó, bọn Ôn, Kim cậy đất hiểm, không chịu nộp phú dịch. Đến đây lại ngầm cùng với bọn Châu Quốc đem quân chống mệnh. Phụ đạo mường An Phú là Nguyễn Doãn Tô cáo giác chuyện đó. Sai Tổng quản Lê Luân đem quân bản trấn đánh bắt bọn chúng, bắt được bọn Ôn, Kim giải về chém bêu đầu ngoài chợ kinh đô.
Tháng 12, lấy Ngự sử trung thừa Hà Phủ làm Bắc đạo đồng tri phủ1719, Lê Bình làm Nghệ An đồng tri phủ.
Nhập nội đô đốc tham dự triều chính Đinh hầu Lê Chích chết.
Chích là công thần khôi quốc cũ, thời Thái Tổ đã được tham dự triều chính, vì có lỗi mất [75a] chức. Đến chiều Thái Tông, được khôi phục làm Đồng tổng quản châu Hóa, trấn giữ Thát Ải. Người Chiêm hai lần vây đánh thành, Chích lấy ít đánh nhiều, nhiều lần đánh tan bọn chúng. Sau lại đi đánh Chiêm Thành có công được thăng dần đến chức này. Đến đây chết, được truy tặng Nhập nội tư không bình chương sự, tên thụy là Trinh Vũ.
Lấy trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư và Tiến sĩ Trịnh Kiêm làm Hàn lâm trực học sĩ (vì Kiên nguyên đô là đô quan lục phẩm): bảng nhãn Trịnh Thiết Trường vá thám hoa lang Chu Thiêm Uy làm Trung thư xá nhân; tiến sỉ Nguyễn Bá Ký làm Hàn lâm tri chế cáo; Nguyễn Mậu và Dương Chấp Trung làm Khởi cư xá nhân; Phạm Đức Khản, Nguyễn Đình Tích, Nguyễn Di Quyết và Đặng Tuyên làm Hàn lâm đãi chế; Bùi Phúc, Nguyễn Văn Chất, Phan Hoan, Nguyễn Thúc Thông làm Quốc sử viện đồng tu sử; phụ bảng là bọn Đoàn Nhân Công 13 người được sung làm ngự [75b] tiền học sinh.
Lấy An phủ phó sứ Thiên Trường là Phan Phu Tiên làm Quốc tử giám bác sĩ; Chuyển vận phó sứ huyện Phú Lương là Phạm Năng làm Trợ giáo, lộ giáo thụ Vũ Vĩnh Trinh làm Quốc tử giám giáo thụ; Thính hậu quan Phan Tử Viết làm Quan sát sứ.
Lấy những người ngự thí thích hợp cách là bọn Đặng Duy Khiêm 33 người sung làm giám sinh Quốc tử giám. Theo lệ thi hàng năm thì học trò các lộ đến thi ở bản đạo, chỉ những thí sinh đồ hợp cách đỗ hương cống mới được sung làm giám sinh, còn quân dân đỗ hương cống thì không được sung làm giám sinh, vẫn chỉ là hương cống. Đến đây, Tư khấu Trịnh Khắc Phục mới xin lấy quân dân đỗ hương cống là bọn Duy Khiêm sung làm giám sinh, mà những sinh đồ đỗ hương cống lại không được vào Quốc tử giám. Dư luận bấy giờ rất ngờ có ăn hối lộ trong chuyện đó.
Năm ấy, xử án bắt tử hình 42 [76a] người.
Kỷ Tỵ, [Thái Hòa] năm thứ 7 [1449], (Minh Chính Thống năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, ban yến cho các quan. Múa nhạc "Bình Ngô phá trận".
Trước kia, Thái Tổ dùng võ công bình định thiên hạ. Thái Tông tưởng nhớ công lao tiền bối, sáng tác điệu vũ "Bình Ngô". Đến đây, vua nghĩ tới công sáng nghiệp gian lao, không quên công đức tổ tiên, cho nên lại cho múa điệu ấy, công hầu có người xúc động phát khóc.
Điện trung thị ngự sử hặc tội Tham dự triều chính Lê Bí nghi thức trái lễ, Thiếu bảo Lê Sao lấn vượt sai thứ bậc, Lễ bộ thượng thư Đào Công Soạn không chịu nêu ra, mỗi người đều phải nộp tiền theo thứ bậc khác nhau.
Ra lệnh chỉ cho những người dân biết chữ đến ngày 20 tháng này phải tới bản đạo để dự thi. Người nào hợp cách thì đưa đến Lễ bộ tập trung cho thi. Ai đỗ được miễn tuyển bổ kỳ này.
Lệ cũ: Thi dân bằng ám tả, viết chữ và làm toán để lấy người vào các [76b] cục. Đến đây, các đại thần bàn cho thi ám tả và nghĩa của bản kinh1720 và Tứ thư mỗi thứ một bài, cho đề thi trái với những điều đã học để người được miễn tuyển bổ ít đi. Vì thế, chỉ có 85 người được hợp cách, vẫn cho về làm dân và được miễn tuyển bổ kỳ này. Thi miễn tuyển bằng ám tả và kinh nghĩa bắt đầu từ đấy. Sau đó, coi là lệ thường.
Tuyển tráng đinh bổ sung quân ngũ, thải những người già.
Làm sổ hộ tịch.
Tháng 2, miếu điện ở Lam Kinh làm xong. Sai Hàn lâm thị độc Hoàng Thanh thay Nguyễn Lãm làm lễ tấu cáo. Vì Lãm trước đó có tội với Thái Tổ.
Tuyển tráng đinh. Cháu nội của các quan từ lục phẩm trở lên, con trai các quan thất, bát phẩm đều được miễn.
Lệ cũ: Quan lục phẩm chỉ con được miễn tuyển, đến đây miễn cả cháu nội, còn quan thất bát phẩm chỉ được miễn cho con, hoạn quan cũng được miễn một người thân thích. [77a] Ban rộng ấm trạch bắt đầu từ đấy.
Lấy Chuyển vận phó sứ huyện Tế Giang1721 là Lưu Thúc Khiêm làm Thị ngự sử, Ngự tiền học sinh Nguyễn Cư đạo làm Giám sát ngự sử.
Ban cho Tổng quản cũ Lê Bôi 20 quan tiền. Bôi là công thần khai quốc cũ, bị chứng trúng phong đã lâu, ở rỗi đã 17năm. Đến đây, bệnh hơi bớt vào chầu, cho nên được ban ơn riêng.
Sai Tư khấu Lê Khắc Phục đem người các cục Bách tác, quân vệ Thiên Quan, Tứ sương và quân dân trấn Thái Nguyên đào lại sông Bình Lỗ1722 từ Lãnh Canh (tên châu)1723, đến cầu Phù Lỗ1724 dài 2. 5000 trượng thông với Bình Than để tiện việc đi lại trong trấn Thái Nguyên.
Tháng 3, người Chiêm Thành là Quý Do bỏ tù chúa nó là Quý Lai, tự lập làm vua, sai bề tôi là bọn Giáo Nhĩ Mỗ, Bàn Thoa [77b] sang dâng cống vật. Vua xem tờ biểu, khước từ nói:
"Tôi giết vua, em giết anh là tội đại ác xưa nay, trẫm không nhận đồ dâng".
Sai trả hết cả. Rồi sai Đồng tri hữu tri sự Nguyễn Hữu Quang, Điện trung thị ngự sử Trình Ngự mang thư sang dụ rằng:
"Sự thực của các ngươi như thế nào thì phải sang trình bày cho rõ".
Mùa hạ, tháng 4, khôi phục tước Tự Hiệu hầu và chức. Nhập nội thị trung cho Thái tử thiếu bảo Lê Lễ. Hôm ấy, Lễ chết.
Lễ suốt đời làm gia thần cho Thái Tổ, rất được tin dùng, sớm tối hầu chầu, không lúc nào rời bên cạnh, dốc lòng trung trinh, có sức hơn người. Khi Thái Tổ khởi nghĩa, vợ cả vợ lẽ bị hoạn nạn mà vua phá vòng vây, thoát khỏi nguy hiểm, phần nhiều là công của Lễ. Thái Tổ thường khen ông và từng nói:
"Nếu dồn mọi công lao lại thì ngôi tể tướng chẳng ngươi còn ai? Trẫm có tiếc gì với [78a] ngươi, chỉ vì tài của ngươi không xứng mà thôi".
Đến khi sắp băng, khóc bảo Lễ rằng:
"Nếu trẫm không còn thì còn ai biết khanh nữa, sợ từ đây về sau bị giáng truất mà thôi! ".
Sau bị Nguyễn Thị Lộ gièm, phải giáng làm Thái tử thiếu bảo, đúng như Thái Tổ đã nói.
Đến đây, ốm nặng, được khôi phục chức cũ. Ngày mồng 4 thì chết, thọ 82 tuổi. Được truy tặng Hương hầu, tên thụy là Trung Tiết.
Đồng tham nghị Chính sự viện Cao Doãn Cung, Trình Hoằng Nghị, Nguyễn Bá Thanh, Mai Tử Kiệt cùng từ chức.
Đài quan Lưu Thúc Khiêm và Nguyễn Cư Đạo hặc tội bọn Doãn Cung, Hoằng Nghị ở chức chính viện đại thần mà chỉ ngồi làm vì, ăn hại, không giúp được gì, tuổi đã quá 70, mắt lòa, tai điếc vẫn còn tham lộc vị, không còn biết liêm sĩ, làm hại phong hóa, đáng phải bắt về cả. Thế là bọn Doãn Cung đều xin từ chức. Vua y cho.
Bọn Tả hữu nạp ngôn Nguyễn Mộng Tuân, Nguyễn Truyền, Nguyễn Viết, [78b] và bọn Nhập thị kinh diên Đào Công Soạn, Nguyễn Tử Tấn đều cùng xin trí sĩ, nhưng còn tiếc lộc vị, chưa muốn về, thấy vua một lần không cho, chỉ lạy tạ mà thôi. Sau lại rủ nhau làm lễ tạ ơn thì chân tướng lộ rõ, người đương thời cười chê.
Tháng ấy bị hạn. Vua thân đến cung Cảnh Linh làm lễ cầu mưa.
Sai Than tri Bùi Cầm Hổ, Lễ bộ lang trung Nguyễn Cảnh đi cầu đảo ở núi Tản Viên và Tam Đảo đều không ứng nghiệm.
Ngày Quý Mùi, vua xuống chiếu tự trách mình. Tờ chiếu viết:
"Trẫm gặp phải gia biến, bên trong thì mẫu hậu coi chầu, bên ngoài thì đại thần giúp việc, mà liền năm đại hạn, lúa má mất mùa, dân chúng buồn than. Nghĩ kỹ tội ấy, hẳn có nguyên do. Có phải do trẫm không biết dốc niềm thành kính để được hưởng lòng trời, không biết lo tròn đạo hiếu để thờ phụng tông miếu, không ban ân huệ cho khắp muôn dân nên đến nỗi thế [79a] chăng? Có phải trẫm không biết sử dụng nhân tài, những kẻ được dùng đều là loại hèn kém mà đến nỗi thế chăng? Có phải do nạn hối lộ công khai, tệ phi tần lộng hành mà đến nỗi thế chăng? Hay là do trẫm không dè dặt tiêu dùng, thường lạm tiêu bừa, để hại của dân mà đến nỗi thế chăng? Hay là các đại thần giúp việc chưa trọn đạo điều hòa âm dương mà đến nỗi thế chăng? Hay là các tướng soái phiên thần không biết yêu thương quân dân, quen thói đục khoét mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì các thú lệnh không biết vỗ nuôi nhân dân, chỉ lo bòn vét mà đến nỗi thế chăng? Hay là quan coi hình ngục không giữ công bằng, chỉ lo xử nặng, kẻ nào đút lót thì tha, để oán khí bốc lên mà đến nỗi thế chăng? Có phải các quan thừa hành chỉ chuộng hư văn, để ân trạch của vua bị tắc lại ở trên, tình của kẻ dưới không thấu lên trên được mà đến nỗi thế chăng? Hay là các nhà quyền quý cậy thế ra oai để dân mọn [79b] bị hại mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì chọn lựa người hiền, cất nhắc người sót chưa được thi hành, để thói cầu cạnh chạy chọt ngày một tệ hại mà đến nỗi thế chăng? Hay là do chủ tướng đảo lộn quân công, lấy không làm có, làm hại đạo công mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì chưa thi hành đầy đủ nhân chính, để dân chúng vẫn còn nhiều người thất nghiệp mà đến nỗi thế chăng? Hay là do đầm cá hoang khô, ngạch thuế chưa giảm, dân phải nộp nhiều mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì con cháu các bậc công thần cố cựu chưa được bổ dùng hết để đền đáp công lao họ mà đến nỗi thế chăng? Tất cả tội lỗi trên chồng chất lại, đã làm tổn thương hòa khí, nếu không xét lời dạy sửa lỗi lầm, làm tròn đạo tu dưỡng mình thì làm sao trên có thể lay chuyển được lòng trời, dưới có thể cứu vớt được nạn dân? ".
Tờ chiếu ban xuống, đêm hôm ấy có mưa.
Bắt đầu lập đàn thờ thần Đô đại thành hoàng, đàn thờ thần Gió, Mây, Sấm, Mưa và đàn thờ ma quỷ không ai tế tự để tứ thời cúng lễ.
Sai bọn Đồng tri Bắc đạo Hà Phủ đưa người Minh [80a] là Lý Văn Xương về Quảng Tây.
Trước kia, thời Thái Tổ, người Quảng Tây là Văn Xương đem gia thuộc và bộ đảng hơn trăm người trốn sang quy phục nước ta, cho ở huyện Phục Hòa, trấn Thái Nguyên, đến đây đưa trả về nước.
Bọn Hà Phủ dâng sớ:
"Thần nghe: biết lỗi không khó, sữa lỗi mới khó, nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó. Nay trời giáng tai họa hạn hán, trong tờ chiếu của bệ hạ có điều nói là chằm cạn không có cá, dân phải nộp thuế nhiều, thần xin giảm ngạch thuế đó để ban ân huệ thực". Vua nghe theo.
Tháng 5, cấp phu quét dọn cho Văn miếu và nhà học của các lộ, trấn, mỗi nơi 20 người, mỗi Giáo thụ được 2 người phu để làm thường bổng. Đó là theo lời của Khoái lộ An phủ sứ Nguyễn Hữu Phu.
Sao Kim đi qua mặt trăng.
Lê Thụ và Lê Khả dâng sớ nói:
"Ngày xưa, vào đời thịnh trị, nếu gặp tai biến của trời thì vua tự xét mình lại, đại thần nhận tội cùng lòng kinh sợ để mong dẹp yên tai biến của trời. Kính nghĩ khoảng năm Thuận Thiên thường được mùa luôn, cho đến các năm Thiệu Bình, Đại Bảo, điểm tốt có nhiều. Bệ hạ chưa tự mình trông coi chính sự, cũng không có lầm lỗi gì, thế mà lụt lội, hạn hán liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện. Hẳn là bọn thần không biết thể lòng thương yêu muôn dân, chăm sóc vạn vật của bệ hạ, điều hòa trái lẽ như lời chiếu đã nói. Cúi xin Thánh Từ1725 đòi bọn thần tới Chính sự đường hỏi bọn thần về việc quân, việc nước, việc gì nên làm, việc gì nên bỏ, cốt ở thực hành, không nên chỉ chuộng hư văn". Hoàng thái hậu có ý chỉ trả lời rằng:
"Sách xưa có [81a] câu: "Việc người tốt thì thiên thời hòa". Nay Quan gia1726 còn trẻ mà thiên tai xảy ra luôn, trẫm rất lo sợ. Mối hại ngày nay có thể là do gây bè cánh, tiến cử không công bằng, có thể vì cậy thế công thần nơi tiềm để1727 cho vợ con chạy chọt nhờ vả nơi quyền thế, có thể do bọn gia nô làm hại dân lành, hay thậm thụt ở các nhà quyền thêé để xin khỏi tội. Làm thế nào để trừ bỏ mối tệ hại đó cho vua tôi ta một lòng một dạ để trừ tai biến của trời, trên thì có thể phù trì Quan gia giữ vững cơ nghiệp của tông miếu, dưới thì có thể giữ yên thiên hạ, thỏa lòng mong đợi của quân dân".
Mưa to.
Chém bọn thân tùy chánh giám Lê Nhân Lập ở chợ Tây.
Nhân Lập là con của thiếu úy lê Lan, cùng với người tronh kinh là bọn Nguyễn thọ Vực họp nhau đánh bạc, trộm cướp, sợ bọn ấy tiết lộ ra, sai người đến tận nhà dụ đến mà giết. Việc phát giác, bắt giam ngục rồi đều chém cả. Biếm Lan [81b] 2 tư vì không biết dạy con.
Đại xá. Trong lệnh ân xá có điều khoản giảm tội cho tù nhân, tha thuế đầm hồ.
Thuyên chuyển các quan văn võ trong ngoài.
Lấy thẩm hình viện phó sứ Trình Chân làm Bắc giang thượng lộ An phủ sứ; Trình Dục làm Lễ bộ thượng thư; Bắc đạo đồng tri bạ tịch hà Phủ làm Đồng tri phủ Thanh Hóa; bọn Quãn lĩnh Lê Kỳ làm Đồng tri của các vệ; tuyên phủ sứ nguyễn Liêu làm Gia Hưng quan sát sứ tri quân dân sự; An Phủ sứ lộ Lý Nhân là Đỗ Thì Việp làm Thẩm hình viện phó sứ; Lễ bọ lang trung Nguyễ Cảnh làm Chính sự viện đồng tri tham nghị chính sự; tiền hành khiển Lê Thái làm Tả ty thị lang đồng tri Hải Tây đạo quân dân bạ tịch, ban tước Đại liêu ba. Thái là cháu gọi Thái phó Lê Liệt bằng cậu. Liệt bị tù, bãi chức của thái [82a] đến khi Liệt được tha, lại bổ dùng Thái.
Giáng Thẩm hình viện đồng tri Phan Nhân làm An phủ phó sứ lộ Lý Nhân.
Đưa Ngự sử Lưu Thúc Khiêm ra làm Chuyển vận phó sứ huyện Yên Lãng1728; Nguyễn Cư Đạo làm Quốc tử giám trực giảng, vì hai ông này hặc tội Doãn Cung va Hoằng Nghị.
Lấy Đông đạo đồng tri bạ tịch Nguyễn Thúc Huệ làm Môn hạ hữu nạp ngôn, Thái sử lệnh Bùi Thì Hanh làm Tham nghị chính sự.
Gíán quan Đồng Hanh Phát hặc Thúc Huệ rằng:
"Chức vụ quan trọng nhất của triều đình chỉ có Tể tướng và Hành khiển thôi. Nay Thúc Huệ xuất thân là tiểu lại, chuyên dùng chính lệnh hà khắc. Trước đã làm Tham tri Bắc đạo 2 người chung nhau một chiếc quần. Đến khi vâng mệnh đi sứ nước ngoài thì gọi là đồ qủy, làm nhục cho nước đến thế, còn làm gì? " [82b] Lại hặc Thì Hanh rằng:
"Thì Hanh dùng tà thuật lừa dối vua, xui vua để tang ngắn ngày để bệ hạ thất hiếu với Tiên đế. Vả lại, việc để tang ba năm, thì Tiên đế đã thực hiện rồi. Thần trước đã hặc Thì Hanh phải bãi chức Tham tri Tây đạo, thế mà nay lại thăng tới chức Chính sự tham nghị! Vả "chính" có nghĩa là chính đáng, nếu bản thân mình không chính đáng thì làm việc sao cho chính đáng được? Thần nghe hào Lục tam trong quẻ Giải nói: 'Kẽ mang tội mà ngồi xe, ắt sẽ dắt giặc tới" 1729 là chỉ bọn Thúc Huệ, Thì Hanh đó chăng? " Thái hậu hỏi Tể tướng:
"Gián quan hặc như thế, nên làm thế nào? " Bọn Lê Khả tâu: "Dùng nguời không nhất thiết phải cầu toàn. Bọn thần đã tìm hết những người tại chức và thân thích cố cựu nhưng không được một ai. Bọn thần thấy Thúc Huệ làm việc đều được cả. Còn bọn mới lên thì thần thấy Thúc Huệ làm việc đều được cả. Còn bọn mới lên thì thần chưa biết được ai hay ai dở, không dựa vào dâu mà cất nhắc được".
Thái hậu bèn nghe theo.
[83a] Mùa thu, tháng 7, đổi hai quân Hỏa đồng thành quân Thần lôi, Thần điện; các quân Thiện trạo thành quân Hải hồng, Hải mã, Hải kinh, Hải thu, quân Bát náo thành quân Hải cốt.
Đặt phối sở của các châu xa ở hai trấn Tuyên Quang và Quy Hoá1730, của ngoại châu ở huyện Thái Đường, trấn An Bang1731 để dời những người phạm tội của hai phủ thuộc đạo Hải Tây ra đó. Còn tội nhân của các lộ thì vẫn để nơi cũ.
Sứ thần Chiêm Thành là bọn Bô Sa Phá Tham Tốt cùng đi với Nguyễn Hữu Quang sang ta.
Vua sai Tư khấu Lê Khắc Phục, Nạp ngôn Nguyễn Mộng Tuân vặn hỏi sứ Chiêm Thành về tội giết vua. Sứ Chiêm Thành không trả lời được, chỉ lại tạ mà thôi.
Sai Thượng thư Trình Dục, Hàn lâm trực học sĩ Trịnh Kiên đi sứ Chiêm Thành, mang thư sang dụ và đòi lại người nước ta trước ở Chiêm Thành.
Bức thư đại ý là: "Đã có nước là có vua[83b] tôi. Đó là đạo cương thường. Người Chiêm Thành các ngươi cớ sao lại vi phạm luân thường đến như thế? trước kia, Vương Đề chết, các ngươi đã không chịu lập con của Đề ma lập Bí Cai làm vua, rồi bọn ngươi lại không biết dẫn dắt vua mình đi theo chính đạo, kính thờ nước lớn, để đến nỗi bại vong. các ngươi đã xin lập Qúy Lai làm vua, chưa quay xong gót đã lại phế đi và lập Qúy Do. Các ngươi là bọn phản phúc bất trung, xem vua như con cờ, thế là đạo gì vậy? ".
Tháng 8, Hoàng thái hậu viết chỉ dụ bọn đại thần rằng:
"Từ khi quả nhân coi chính sự đến nay, thấy rõ lòng trung quân ái quốc của các đại thần đã hết sức phò tá giúp rập. Bên trong sửa sang trị nước, bên ngoài đánh dẹp di địch, để giữ yên thiên hạ. Quả nhân sớm khuya suy nghĩ có cách nào báo đền công lao ấy. Nhưng vì tài hèn đức bạc, thẹn mình không được giỏi bằng các Thái hậu họ Mã, họ Đặng và bà Tuyên Nhân 1732 ngày xưa, để làm trọn đạo ưu đãi đại thần. Nay sẽ [84a] sai triều sĩ hợp bàn những việc nên làm hiện nay, để thành khuôn phép hay của một đời, cho không còn những tệ xấu nữa.
Các khanh hãy cùng nhau thể theo ý ấy để trọn đạo làm tôi, bảo toàn tiết tháo sau trước, đừng để chỉ riêng các ông Cao, Quỳ, Tắc, Tiết, Y, Phó, Chu, Thiệu1733 đời xưa được ca ngợi mà thôi. Như thế, chẳng tốt đẹp biết bao! ".
Biếm Tư mã Hóa Châu là Lê Định hai tư.
Bấy giờ Hà Lật hặc tội Lê Định thả người Chiêm Thành đầu hàng và cưỡng bức con gái nhà người làm vợ lẽ mình, cho nên bị biếm.
Một hôm, tan chầu, Thái úy Lê Khả thấy có cái lưới săn trước Vân Tập đường, bèn gỡ đi và nói:
"Chớ để vua trông thấy lưới này, sẽ gợi thói ham săn bắn sau này".
Lấy Trung thừa Hà Lật làm Tây đạo Tham tri bạ tịch; Đài quan [chủ] bạ Lê Lâm và Quốc tử giáo thụ Phạm Duy Ninh đều làm Giám sát ngự sử: Lấy Quốc tử giám trực giảng Doãn Tử Bình làm an phủ phó [84b]sứ; Nội mật viện đồng tri Lê Niệm làm phó sứ; Ngự tiền học sinh Đặng Doãn Mỹ và các giám sinh Nguyễn Cương Trung, Nguyễn Tự Đắc, Cao Văn Xỉ làm Chuyển vận phó sứ các lộ. Giám sinh được bổ làm huyện quan bắt đầu từ Cương Trung.
Lấy Trung Bắc vệ đồng tri Lê Trạo làm Quỳ Châu kinh lược đại sứ, Lê Kỳ làm Bắc Giang vệ đồng tri.
Lấy Quốc Oai làm Trung lộ an phủ sứ1734.
Vua Anh Tông nhà Minh căm giận giặc phương Bắc là Dã Tiên (Dã Tiên là tên hiệu của giặc)1735 vào cướp, theo lời bàn của Vương Chấn, một bề tôi của vua, thân hành đi đánh. Ngày 17 tháng 7, ngự giá đi đến Đại Đồng1736 rồi đem quân về. Ngày 16 tháng 8, ngự giá đi đến Thổ Mộc1737 (tên đất) bị giặc phương Bắc bắt được. Ngày 17, tin Anh Tông đi tuần phương Bắc (bị giặc bắt được) báo vềm kinh sư rất kinh hãi. Ngày 18, Hoàng thái hậu sai em Anh Tông là [85a] Thành Vương Kỳ Ngục quyền nắm việc nước. Ngày 20, Hoàng thái hậu bàn lập Hoàng trưởng tử Kiến Nhu làm hoàng thái tử, bấy giờ mới 2 tuổi, vẫn sai Thành Vương phụ chính.
Tháng 9, ngày mồng 6, Thành Vương nhà Minh lên ngôi, tôn Anh Tông làm Thái thượng hoàng ở xa, đổi niên hiệu năm sau thành Cảnh Thái năm thứ 1.
Mùa đông, tháng 10, hạ lệnh các sắc dịch của các lộ đem nộp gạo chín cấp cho quân dụng, sau lại bãi bỏ lệnh này, vì đã bàn định đánh Chiêm Thành nhưng rồi lại thôi.
Lấy Quốc Oai Hạ vệ thiếu úy Lê Lan làm Thiếu úy phủ Tân Bình, Thuận Hóa, được hơn 1 năm thì chết.
Người kinh thành đẻ con có hai đầu, cho là quái gỡ, bỏ cho chết.
[85b] Tháng 11, sai các lộ, huyện làm sổ sách.
Bổ bọn giám sinh Lô Thuần, Phạm Công Niêm 30 người làm thuộc lại các đạo. Giám sinh được bổ làm thuộc lại bắt đầu từ đó.
Lê Quán Chi, con trai Đại đô đốc Lê Khuyển đang đêm tụ tập đánh giết người ở giữa chợ. Việc bị phát giác, Quán Chi phải hạ ngục, cung xưng dây dưa tới hơn 10 người là con cái nội quan và các quan chức khác.
Án sắp xong, Thái hậu thấy Khuyển là bậc đại thần, chỉ huy cấm binh, là chỗ dựa của vua. Nếu giết con Khuyển, sợ Khuyển đau lòng, liền làm trái luật pháp, tha cho hắn, chỉ lấy tiền bồi thường trả cho người chết thôi. Gián quan Lê Lâm ngậm miệng không dám nói, để đến nỗi trẻ con ở chợ nắm tay mà nói: "Tiếc ta không được làm quan đài thôi! ".
Người Chiêm Thành trả lại 70 người của ta là bọn Trình Nguyên Đĩnh. Lấy Nguyên Đĩnh làm Chính sự viện đồng tham nghị.
[86a] Bổ sung chương điền sản gồm 14 điều vào bộ hình luật. Trước kia, Thái Tổ định thực hiện phép quân điền, cho nên lược bỏ chương điền sản. Đến đây lại bổ sung vào.
Lấy An phủ phó sứ lộ Nam Sách Thượng là Nguyễn Trực làm Hàn lâm viện thị giảng; An Phủ sứ lộ Quy Hóa là Nguyễn Như Đổ và An phủ phó sứ lộ Quốc Oai Hạ là Lương Như Hộc cùng làm Hàn lâm trực học sĩ; lộ giáo thụ Trình Bá Cung, Đào Phục Lễ cùng làm Giám sát ngự sử; Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Nghiêu Tư làm An phủ sứ lộ Tân Hưng; Thượng trung thư xá nhân Trịnh Thiết Trường làm An phủ sứ lộ Tân Hưng Hạ; Quốc tử giám giáo thụ Nguyễn Nhữ Bật làm An phủ phó sứ lộ Kiến Xương. Giáo thụ được bổ chức An phủ bắt đầu từ Nhữ Bật.
Lấy khởi cư xá nhân Nguyễn Mậu làm [86b] Chuyển vận sứ huyện Lập Thạch; Dương Chấp Trung làm Chuyển vận sứ huyện Thủy Đường; Ngự tiền học sinh Nguyễn Đạt làm Chuyển vận sứ huyện Đại Man.
Lấy Lê Thiếu Dĩnh làm Giáo thụ lộ Tam Đới. Trước đây, Thiếu Dĩnh làm thiêm tri Thẩm hình viện, vì can tội tham tang, bị bãi chức về làm dân, suốt đời không được bổ dụng. Đến đây lại được làm Giáo thụ.
Lấy Giáo thụ Quốc tử giám Nguyễn Thiên Túng làm Tư nghiệp; Giáo thụ Nguyễn Siêu là Trợ giáo; Lương Mộng Tinh và Vũ Vĩnh Trinh làm Trực giảng; Tư hình viện đại phu Phù Thế Hào làm Chuyển vận phó sứ huyện Cổ Phí.
Chuyển vận phó sứ huyện Văn Bàng là Lương Tông Ký ăn hối lộ, việc bị phát giác. Án xử xong sắp đem chém, thì Ký nhờ người xung quanh xin tha chết. Thái úy Lê Khả nói:
"Phép nước không thể tha được", lại nói: "Ăn trộm của một nhà còn không thể tha thứ, huống hồ Ký kại ăn trộm [87a] cả một huyện! ".
Lại giao xuống cho xét, vẫn xử tội chết.
Canh Ngọ, [Thái Hòa] năm thứ 8 [1450], (Minh Cung Tông, Cảnh Thái năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 3, thả vợ con Lê Liệt ra khỏi ngục Thiên Lao.
Mùa thu, tháng 7, nhà Minh sai Lý Thực làm chánh sứ đi cùng sứ giả của giặc Bắc lên phương Bắc. Ngày 15, bọn Thực ra mắt Anh Tông, rỏ nước mắt khóc, làm lễ lạy xong, thấy chỗ của Anh Tông lều bằng da, màn bằng vải, trải chiếu xuống đất mà ngủ, bèn tâu rằng: "Nay bệ hạ ăn mặc kham khổ quá". Rồi hết lời kể tội Vương Chấn, nói là vì bệ hạ tin yêu hắn quá, đến nỗi phải chịu tai họa khi tuần thú ra ngoài. Anh Tông nói: "Trẫm nay có hối cũng không kịp nữa". Thực làm một bài thơ tức sự rằng:
Trùng chỉnh y quan bái thượng hoàng, Ngẫu văn thiên ngữ trọng thê lương. Tinh chiên sung phúc phi thiên lộc. Thảo dã vị quân dị đế hương. Thủy tín gian thần di quốc bính, Chung giao Hồ lỗ [87b] bạn thiên thường. Chỉ kim thiên sứ thông hòa hiếu, Thúy kiễu nam tuyền tỉnh Kiến Chương. (Lạy sửa cân đai lạy thượng hoàng, Chợt nghe lời dạy nặng đau thương. Tanh hôi đầy bụng đâu thiên lộc1738, Thảo dã làm vua khác đế hương1739. Mới biết gian thần xoay thế nước, Cho loài Hồ lỗ chống cương thường. Sứ trời nay tới thông hòa hảo, Xe thúy về nam viếng Kiến Chương)1740. Bấy giờ tù trưởng giặc Bắc là Dã Tiên sai đầu mục dẫn 500 quân kỵ đưa Anh Tông về Yên Kinh. Các quan đón ở cửa An Định. Anh Tông từ cửa Đông An đi vào. Vua Cảnh Thái ra lạy đón, nhún nhường một hồi lâu, rồi đưa Anh Tông đến Nam Cung. Các quan vào yết kiến rồi lui ra.
Mùa đông, tháng 10, sai Tây đạo tham tri Hà Lật làm chánh sứ; Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Như Đổ và Quốc tử giám trợ giáo Đồng Hanh Phát làm phó sứ, sang nhà Minh nộp cống hàng năm.
Tân Mùi, [Thái Hòa] năm thứ 9 [1541], (Minh Cảnh Thái năm thứ 2). Mùa hạ, tháng 4, vì có tai dị, xuống chiếu rằng:
"Mấy năm nay, hạn hán, sâu trùng liên tiếp xảy ra; tai dị luôn luôn xuất hiện. Năm nay đương mùa xuân, lại có mưa đá. Có phải chính vì sự thiếu sót lầm lỗi chưa sửa được đến nỗi thế chăng? Hay là điều hòa trái lẽ, làm hại tới [88a] hòa khí chăng? Có thể vì hình ngục oan khuất mà chưa được rửa oan chăng? Hay là thuế dịch vụ nặng nề, để dân chúng ta oán chăng? Nghĩ rằng tai họa này, hẳn có nguyên do. Nếu không ban ân huệ thực để an ủi lòng người, thì lấy gì để báo đáp trời cao và chấm dứt tai biến? Trong những điều khoan tha có tha các loại thuế, những kẻ trốn tránh thì cho ra đ ầu thú, những án kiện bỏ đọng thì cho tâu trình đầy đủ nguyên do".
Mùa thu, tháng 7, ngày 26, giết Thái úy Lê Khả và con là Lê Quát, Tư khấu Trịnh Khắc Phục và con là Phò mã đô úy Trịnh Bá Nhai.
Mùa đông, tháng 10, nhà Minh sai chánh sứ là Hành nhân ty hành nhân Biên Vĩnh, phó sứ là tiến sĩ Trịnh Huệ sang báo tin [Cảnh Thái ] lên ngôi.
Trước đây, Minh Anh Tông đi đánh phương Bắc đã bị Dã Tiên bắt được, [88b] em là Thành Vương Kỳ Ngục coi việc nước rồi tự lập làm vua, đổi niên hiệu là Cảnh Thái, cho nên sai bọn Biên Vĩnh sang báo.
Ngày 18, sai Đồng tri Đông đạo Trình Chân, Trung thu hoàng môn thị lang Nguyễn Đình Mỹ, Thẫm hình viện đồng tri Phùng Văn Đạt sang nhà Minh mừng vua Minh lên ngôi.
Nhâm Thân, [Thái Hòa] năm thứ 10 [1452], (Minh Cảnh Thái năm thứ 3). Mùa hạ, tháng 4, bắt giam con trai Thái úy Lê Thụ là Lê Thị, vì Thị làm bùa chú yểm đất cát.
Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 3, vì có tai dị, xuống chiếu rằng:
"Mấynăm nay tai dị liên tiếp xảy ra, mùa màng liền năm mất mát. Muôn dân vạn vật, không sao sống nổi. Trẫm rất lo sợ điều đó. Thực là tự trẫm trên không biết thuận lòng trời, dưới không biết kính giữ phép cũ của tổ tông. Dùng quan không được người hiền, cai trị có nhiều thiếu sót nên mới đến nỗi thế. Nay nghĩ cách chấm dứt tai biến, [89a] đem lại thuận hòa, không tuân theo phép cũ để bỏ hết tệ xấu có được không? Những việc nay đáng phải làm là dùng người tài giỏi liêm khiết, thải bỏ bọn tham nhũng, tiến hành thưởng phạt, miễn các loại thuế, xét việc oan uổng, chiếu cố những người không vợ, góa chồng, cô độc một mình".
Mùa đông, tháng 10, ngày 15, nhà Minh sai chánh sứ là Hình bộ lang trung Trần Kim, phó sứ là Hành nhân ty hành nhân Quách Trọng Nam sang báo tin lập Hoàng thái tử và ban vóc lụa.
Ngày 23, sai sứ sang nhà Minh. Chánh sứ Thẩm hình viện Phạm Du, phó sứ Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Bá Ký và Lễ bộ viên ngoại lang Chu Xa sang mừng việc lập Hoàng thái tử. Chánh sứ Chấn lôi quân chỉ huy Lê Thương, phó sứ thị ngự sử Lê Chuyên sang tạ ơn ban vóc lụa.
[89b] Quý Dậu, [Thái Hòa] năm thứ 11 [1453], (Minh Cảnh Thái năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 2, ngày 21, đại xá.
Tổ chức thi hội cho sĩ nhân trong nước. Cho bọn Vũ Bá Triệt đỗ tiến sĩ cập đệ.
Mùa đông, tháng 11, vua sai bọn bồi tbần Nguyễn Nguyên Kiều, Nguyễn Đán, Trần Hoãn Huy sang nhà Minh nộp cống hàng năm.
Ngày 21, vua bắt đầu đích thân coi chính sự, đổi miếu hiệu, đại xá. Từ tháng giêng năm sau đổi là Diên Ninh năm thứ 1.
Các điều lệnh ân xá có: tăng chức 1 bậc cho các công thần Lê Lễ, Lê Bị, Lê Triện. Cấp một trăm mẫu quan điền cho bọn Lê Sát, Lê Ngân, Lê Khả, Lê Khiêm, Trịnh Khắc Phục, đồng thời cứu giúp cứu giúp những kẻ không vợ, góa chồng, mồ côi, cô đơn và biểu dương những người chồng nghĩa khí, người vợ trinh tiết.
Giáp Tuất, Diên Ninh năm thứ 1 [1454], (Minh Cảnh Thái năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, đúc tiền Diên Ninh.
Tuyển tráng đinh bổ sung quân [90a] ngũ và thải người già.
Làm sổ hộ tịch.
Mùa hạ, tháng 5, rồng vàng hiện dưới máng nước của một gia đình ở cửa Tây.
Ở Nghệ An lá tre úa vàng.
Ất Hợi, [Diên Ninh] năm thứ 2 [1455], (Minh Cảnh Thái năm thứ 6). Sai Phan Phu Tiên soạn bộ Đại Việt sử ký, từ thời Trần Thái Tông đến khi người Minh về nước.
Mùa đông, tháng 10, châu Ngọc Ma có con chuột to bằng con lợn.
Bính Tý, [Diên Ninh] năm thứ 3 [1456], (Minh Cảnh Thái năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 3, ban đại yến cho các quan, Lạng Sơn Vương Nghi Dân dự yến.
Tháng 2, ngày mồng 4, Ngự sử trung thừa Phạm Du hặc tội Kim ngô vệ đồng tổng tri Lê Quát không chịu giữ phép nước, vào kỳ hội quân năm nay đã sai 70 người lính [90b] làm thuyền riêng cho mình, phí tổn 18 quan tiền của quân đội, xin hình quan xét hỏi trị tội để răn đe kẻ khác.
Lê Quát tâu rằng: "Thần vốn người Lam Ấp. Trước đây, từ Lam Kinh trở về, thần có dùng chiếc thuyền riêng đã mục nát. Năm nay, thần sắp có việc đi hộ giá, nên có sai quân lính sữa chữa lại chiếc thuyền ấy, cỏn việc phí tổn tiền nong trong quân thì thần không biết".
Du lại tâu rằng: "Bọn thần lạm dự chức ngôn quan, không thể né sợ người quyền thế, cũng không thể im lặng không nói, làm đúng như lời dụ của bệ hạ. Nay thần hặc tội Lê Quát sai quân làm thuyền riêng cho mình, thì bọn thần đã sai người trong đài đi xét thực sự, lại bắt tên hỏa đầu ở quân ấy đến lấy cung, chúng có đều nói là bọn thần đem việc tư ra đàn hặc, có phải bọn thần vì chuyện ân oán mà nói đâu? ".
Ngày mồng 5, ban cho bọn đầu mục Mường Bồn áo và lụa theo thứ bậc khác nhau. Vì đầu mục Mường Bồn [91a] là Lang Tra hồi tháng giêng đem cống lễ vật.
Ra lệnh chỉ cho phụ đạo Lệnh Châu1741 Cầm Công làm Trấn viễn thượng tướng quân. Sai Viên ngoại lang Trình Dao đem chiếu chỉ đến dụ và ban thưởng cho chiếc áo đoạn màu hồng dệt hoa kim tuyến, mũ cao sơn, đai thếp bạc, yên ngựa, ghế dựa, án thư.
Ra lệnh chỉ cho bọn Nhập nội tư đồ bình chương sự Lê Hiêu, Nhập nội đô đốc bình chương sự Lê Lựu trông coi các việc giữ vững thành trì, ngày đêm nghiêm ngặt, tuần phòng trong ngoài theo đúng phép.
Ngày Đinh Mùi mồng 8, vua ngự về Lam Kinh, ngày Quý Sửu tới Lam Kinh. Đêm ấy mưa đá.
Ngày 15, vua đích thân dẫn trăm quan bái yết Sơ lăng và ra lệnh chỉ cho quan coi lăng ở Lam Sơn rằng:
"Mọi việc ở đền thờ cần phải thành kính, tinh khiết như ngả cây, chặt che, kiếm củi...
tế tẩm miếu dùng 4 trâu, đánh trống đồng, [91b] quân lính reo hò hưởng ứng. Về nhạc, võ thì múađiệu "Bình Ngô phá trận", văn thì múa điệu "Chư hầu lai triều"1742.
Đại tư đồ Lê Bí đến tế miếu Chiêu Hiếu Vương và Trung Dũng Vương1743, dùng 3 trâu.
thượng thư lệnh Lê Khang đến tế miếu Hoằng Hựu Đại Vương1744, dùng 3 trâu.
Nội mật viện phó sứ Đỗ Thì Việp chết.
Ngày 21, ban yến cho các quan hộ giá, các quan nhận chức ở ngoài và các quan trí sĩ ở hành điện Lam Kinh, thưởng tiền theo thứ bậc khác nhau.
Ngày hôm sau, ra lệnh chỉ cho các đại thần bàn định đặt tên hiệu cho các miếu điện ở sơn lăng Lam Sơn. Chánh điện gọi là điện Quang Đức, điện Sùng Hiếu, hậu điện gọi là Diễn Khánh. Lại sai quân phủ Thanh Hóa làm tẩm cung thờ Thái hoàng thái phi ở phía tây điện lăng Lam Sơn.
Ngày 30, vua từ Tây Kinh1745 về đến kinh sư. Ngày hôm ấy, có khí xanh, vàng, dỏ, trắng như là cầu vồng ôm lấy mặt trời.
[92a] Tháng 3, ngày mồng 2, sai bọn Nhập nội đô đốc bình chương sự Lê Ê đi công cán lên địa giớ trấn Thái Nguyên. Cùng đi có Nhập nội đại hành khiển tri tam quán sự nhập thị kinh diên Đào Công Soạn, Tây đạo hành khiển Nguyễn Hữu Quang, Bắc đạo hành khiển Lê Cảnh Huy, Thẩm hình viện sứ Trình Chân, Nội mật viện đồng tri Lê Hoài Chi. Khi lên đến địa giới Thái Nguyên, quan tam ty [nhà Minh] không tới, lại trở về.
Bấy giờ, Thái Nguyên giáp giới với châu1746 phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây, Đầu mục trấn đó là Nông Kính và Đàm Khoan bắt giết người, cướp trâu bò, gia súc lẫn của nhau rồi vượt sang chiếm đất ta, cho nên có lệnh này.
Mùa hạ, tháng 5, các quan trấn, lộ, phủ, huyện chầu mừng xong từ biệt trở về, vua cho gọi vào bảo họ:
"Các ngươi là quan tại nhiệm, khi trở về, phải bảo dân gắng sức làm ruộng, xử án phải [92b] cho công bằng, nếu có trộm cướp, phải hết lòng lùng bắt, không được thờ ơ lười biếng".
Ngày mồng 8, bọn Tuyên úy Mường Mộc và Xa La, Kinh lược sứ châu Thuận Mỗi là Đạo Xa, Tri châu Việt Châu là Đạo La, Quan sát sứ châu Ngọc Ma là Cầm Kha sang dâng sản vật địa phương, đều được ban tiền theo thứ bậc khác nhau.
Ngày 15, ra lệnh chỉ cho các đại thần và các quan văn võ trong ngoài:
"Là người bề tôi, phải làm hết chức trách của mình: Đại thần thì giúp đỡ vua điều hòa âm dương, tiến cử hiền tài, gạt bỏ kẻ xấu, để lo trị nước cho yên. Quan coi quân các vệ thì phải yêu thương quân lính, luyện tập võ nghệ, không được sai lính làm việc riêng cho mình, không được bòn vét nhiễu hại, bớt xén quân nhu để làm ơn riêng. Các quan hành khiển năm đạo thì phải hiểu rõ việc lợi việc hại, phân biệt kẻ dở người hay. Những việc trị dân, hành chính, sổ sách, kiện tụng phải xử trí cho thích đáng, không được theo [93a] ý riêng, bỏ lẽ công mà hại tới đạo trị nước. Quan phong hiến thì phải uốn nắn lỗi lầm, gạn đục khơi trong, không được lấy lòng riêng mà bàn việc, hay nhút nhát lặng thinh. Nội mật viện thì phải tuân theo điển chương pháp chế, tâu bày tường tận rõ ràng, không được ỷ phép làm bậy, đòi hỏi nọ kia. Quan xử án thì phải điều tra minh bạch, xét rõ oan khiên cần được thấu tình, không được nhận bậy lời gởi gắm và của hối lộ, để việc chậm trễ, oan lạm. Các quan phủ, lộ, châu, huyện phải tuyên bố đức ý của triều đình, chăm sóc dân chúng trong hạt, xét kiện tụng, thu thuế khóa, sai dịch vụ phải giữ liêm khiết, công bằng, không được đem tiền của biếu xén, nịnh hót quan trên để hòng được thăng quan tiến chức. Quan các cục, các kho điện tiền, điện hậu thì phải kiểm tra nghiêm ngặt rồi thu nhận, không được bỏ việc công lao chạy riêng, bớt xén đục khoét. Học quan thì phải kính giữ học quy, dạy dỗ học trò cho được thành tài, không được nhởn nhơ năm này tháng khác [93b] bỏ bê học hành, còn các quan ở các ty, cục, thự, cũng phải siêng năng với công việc của mình, không được lười biếng cầu may. Tất cả trăm quan các ngươi, đều phải tuân thủ và thi hành theo lệnh chỉ này".
Ngày 21, ra lệnh chỉ cho các quan điện tiền và tổng tri các phủ trấn nam đạo rằng:
Kỳ hội quân lần này, các tướng cắt cử quân lính vào sơn tràng đẵn gỗ, phải chú ý đốc thúc chúng đẵn lấy gỗ theo đúng quy cách. Còn thì ở lại địa phận của mình để điểm danh, chỉnh đốn vũ khí, luyện tập võ nghệ, không được để quân lính rong chơi ngoài đường, không được bắt chúng đóng góp, hay sai chúng làm việc riêng.
Ngày 22, Nhập nội thiếu úy tham tri chính sử Lê Lăng dâng lễ vật xin cưới Đà Quốc công chúa. Con trai của Lê Lăng là Lê Bộc làm Phò mã đô úy, lại ban cho y phục tước hầu và ngựa trong tàu nhà vua.
Nước đầm ở Lam Kinh sắc đỏ.
Ngày 23, cấp [94a] tiền lương bổng hằng năm cho các thân vương, công chúa, đại thần và các quan văn võ theo thứ bậc khác nhau. Tây đạo đô đốc Lê Lựu tâu rằng:
"Thần đã thấy dân chúng khốn khổ quẫn bách, dẫu một đồng nhỏ nhoi cũng coi bằng 10 đồng. Do vậy, thần xin không nhận tiền lương hàng năm. Bệ hạ không coi thần là có tội, ban riêng cho thần 50 hộ, lại thêm tiền lương bổng 1 năm, thì thu nhập tất lại tăng rất nhiều. Này đương lúc cấp tiền lương hàng năm cho các quan, thần xin được từ chối không nhận.
Ngày 28, có thánh chỉ cho xã chính xã Đào Xác, huyện Chí Linh, thuộc lộ Nam Sách Thượng rằng:
"Vợ góa của Nguyễn Văn Điều là tiết phụ, cho cấp bảng vàng treo ở cổng làng để biểu dương và miễn phu dịch cho 11 người con và cháu để phụng dưỡng".
Ngự sử trung thừa Phạm Du, Phó trung thừa Trình Văn Huy, Giám sát Trình Trạc, Bùi Hựu hặc tội viên quản lĩnh vệ Xa ky quân Nghĩa Vũ là Nguyễn Nguyên Thông [94b] trong kỳ hội quân năm nay đã sai lính làm việc riêng cho mình, còn thì cho về nhà rồi đòi tiền bỏ túi mình, xin trị tội theo pháp luật để răn đe kẻ khác.
Tháng 6, tha Lê Thụ ra khỏi ngục.
Mùa đông, tháng 10, ngày 25 sai các bồi thần Lê Văn Lão, Nguyễn Đình Mỹ, Nguyễn Cư Đạo, Đặng Huệ Đạt (có sách chép là Liên), sang nhà Minh nộp hằng năm và tạ ơn ban áo mũ.
Tháng 11, có con hổ vào chùa Diên Hựu trong thành, sai quân ngự tiền cầm dao bắt giết đi.
Đinh Sửu, [Diên Ninh] năm thứ 4 [1457], (Mimh Thiên Thuận năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, vua Cảnh Thái nhà Minh ốm, bọn bầy tôi Vũ Thanh hầu Thạch Hanh, cùng với Chưởng binh đô đốc Trương Nghê (Nghê là con Trương Phụ), Tả đô ngự sử Dương [95a] Thiên, Phó đô ngự sử Từ Hữu Trinh đón Thượng hoàng (tức là Anh Tông) trở lại lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Thuận.
Tháng 2, ngày mồng 1, nhà Minh phế vua Cảnh Thái là Thành Vương như cũ, cho về ở Tây cung. Tháng ấy, ngày 19, Thành Vương mất. Ban lụa hồng cho các phi tần như Đường Thị, bắt phải tự tử để chôn theo Thành Vương.
Mùa thu, từ tháng 8 đến tháng 9, gió to.
Tháng 9, ngày 26, nhà Minh sai chánh sứ là Thượng bảo tự khanh kiêm Hàn lâm viện thị độc Hoàng Gián, phó sứ là Thái bộc tự thừa Trâu Doãn Long sang báo tin Anh Tông trở lại ngôi, tin lập Hoàng thái tử và ban cho vóc lụa.
Mùa đông, tháng 10, ngày 14, vua sai chánh sứ là Nam đạo hành khiển tả nạp ngôn tri [95b] quân dân bạ tịch Lê Hy Cát, các phó sứ là bọn Hàn lâm viện thị giảng Trịnh Thiết Trường, Trung thư khởi cư xá nhân Nguyễn Thiên Tích, Giám sát ngự sử Trần Xác sang nhà Minh mừng việc lên ngôi và lập Hoàng thái tử, cùng tạ ơn ban vóc lụa.
(Lê Hy Cát người Lam Sơn, huyện Lương Giang).
Mậu Dần, [Diên Ninh] năm thứ 5 [1458], (Minh Thiên Thuận năm thứ 2). Thi hội cho các sĩ nhân trong nước. Cho bọn Nguyễn Văn Nễ đỗ tiến sĩ xuất thân.
Kỹ Mão, [Diên Ninh] năm thứ 6 [1459], (Minh Thiên Thuận năm thứ 3). Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 3, Lạng Sơn Vương Nghi Dân đang đêm bắc thang, chia làm ba đường, trèo thành cửa Đông, lẻn vào cung cấm. Vua và Tuyên Từ hoàng thái hậu đều bị hại.
Trước kia, Dương Thị Bí là mẹ Nghi Dân có tội với Thái Tông, nên Nghi Dân không được lập, mới ngầm chức mưu gian, nhòm ngó ngôi báu, cùng bọnđồ đảng Phạm Đồn, [96a] Phan Ban, Trân Lăng xướng xuất bọn vô lại gồm hơn trăm đứa, lợi dụng đêm tối, bắc thang trèo thành, lẻn vào cung cấm. Thế là vua bị hại. Hôm sau, Hoàng thái hậu cũng bị hại. Nội nhân thị thái hậu phó chưởng Đào Biểu chết.
Bấy giờ, Lê Đắc Ninh là Đô chỉ huy giữ cấm binh đương phiên trực, đã không chịu dẫn quân ra trước ngăn giữ, lại đem giúp kẻ phản nghịch. Cho nên Nghi Dân mới tiếm đoạt được ngôi báu, mà các quan văn võ phải nuốt hận ngậm đau, trăm họ bốn phương như mất cha mất mẹ.
Đến năm Quang Thuận thứ 1, mùa đông, tháng 10, ngày 21, làm lễ chiêu hồn và táng vua vào Mục Lăng ở Lam Sơn, miếu hiệu là Nhân Tông, dâng tôn hiệu là Khâm Văn Nhân Hiếu Tuyên Minh Thông Duệ Tuyên Hoàng Đế.
Phan Phu Tiên bàn: Nhân Tông lên nối ngôi vào tuổi ấu thơ, bên trong có mẫu hậu buông rèm [96b] trông coi chính sự, bên ngoài các đại thần đồng lòng phò tá trị nước, cho nên trong khoảng 17 năm, thiên hạ thái bình, an cư lạc nghiệp, xứng đáng là vua nhân từ. Đến lúc cuối đời bị lũ vô lại Đồn, Ban xướng xuất, khiến Lệ Đức hầu Nghi Dân đang đêm bắc thang trèo thành, lẻn vào cung cấm, vua và Tuyên Từ hoàng thái hậu đều bị hại. Thương thay! .
Lại xét bài Trung hưng ký năm Quang Thuận viết: Nhân Tông mới lên hai tuổi đã sớm nối ngôi vua, Thái hậu Nguyễn Thị là gà mái gáy sớm, Đô đốc Lê Khuyển như thỏ khôn giữ mệnh. Vua đàn bà mắt quáng buông rèm ngồi chốn thâm khuê, bọn họ ngoại lòng tham, khoác lác hoành hành khắp cõi, kẻ thân yêu nắm quyền vị, nạn hối lộ được công khai. Việc văn giáo lặng lẽ như băng hàn người hiền từ phải bó cánh. Bậc túc nho như Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du thì đẩy vào chổ nhàn, phường *** đặc ồn [97a] ào như ong đàn nổi dậy, như chó chuột nhe răng. Tể thần như Lê Sủng, Lê Sát thì ngu si không phân biệt sáu loại súc vật, Chưởng binh Lê Điên, Lê Luyện, thì mù tịt, chẳng sao hiểu được bốn mùa một năm. Bậc lương thần như Trịnh Khả, Khắc Phục thì kèn cựa mà giết đi, người tài sĩ như Nguyễn Mộng Tuân thì đẩy vào vòng tai họa. Oan uổng không chỉ kêu xin, mọi việc thảy đều đổ nát. Văn giai như Công Soạn tuổi gần tám mươi, tể thần như Lê Ê không biết một chữ. Bọn trẻ không biết nghĩ, làm bậy ngông cuồng, người già chẳng chết đi, trở thành mối họa. Bán quan mua kiện, ưa giàu ghét nghèo. Hiền tài là rường cột của triều đình mà sạch không như quét đất. Văn chương là khí vận của nhà nước mà im ắng tựa cỏ khô. Bọn xiểm nịnh được tin dùng, kẻ đao bút được tiến cử. Hành khiển Nguyễn Hữu Quang, Nội mật Lê Hoàn Chi, hoạn quan chừng năm sáu bọn mà không một người đóng cửa cho nghiêm; cấm vệ Lê Đắc Ninh, chỉ huy Lê Hoằng [98b] Dục, vệ sĩ đến tám chín lũ mà không một ai mang mộc che đỡ. Lòng người sôi động, đường sás xôn xao. Họ ngoại như Văn Lão, Xương Lê, lòng như quỷ quái, vị không như Trần Lựu, Đỗ Tư ai chẳng cười chê? Cửa ngõ thì sơ sài, tay không cũng phá nổi. Thế là nó dẫn quân cú vọ cáo cầy, ngầm nuôi mưu kế cướp ngôi phản nghịch. Bọn tặc thần Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng, Ngô Trang và phương chó lợn hơn 300 đứa, nửa đêm dám cả gan bắc thang trèo tường lẻn vào như là vào chỗ không người. Vua và Hoàng thái hậu đều bị hại, thương thay! .
Ngày mồng 7, Lạng Sơn Vương Nghi Dân tự lập, lên ngôi Hoàng đế, đại xá, đổi niên hiệu là Thiên Hương. (Từ mồng 3 [tháng 10] trở về trước là Diên Ninh năm thứ 6, từ mồng 7 trở về sau là Thiên Hưng năm thứ 1 của Nghi Dân). Ban ân rộng rãi cho các quan văn võ trong ngoài mỗi người 1 tư.
Bài văn đại xá ngụy viết rằng: "Trẫm là con trưởng của Thái Tông Văn Hoàng Đế, [98a] trước đây đã được giữ ngôi chính ở Đông cung1747. Chẳng may Tiên đế đi tuần miền đông, bỗng băng ở bên ngoài. Nguyễn Thái hậu muốn giữ vững quyền vị, ngầm sai nội quan Tạ Thanh dựng Bang Cơ làm vua, bắt trẩm làm phiên vương. Sau Tạ Thanh tiết lộ việc ấy, lây đến cả Thái úy Trịnh Khả và Tư không Trịnh Khắc Phục, Thái hậu bắt giết cả đi để diệt hết người nói ra. Cho nên từ đó đến giờ, hạn hán sâu bệnh liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện, đói kém tràn lan, trăm họ cùng khốn. Diên Ninh1748 tự biết mình không phải là con của tiên đế, hơn nữa lòng người ly tán, nên ngày mồng 3, tháng 10 năm nay, đã ra lệnh cho trẫm lên thay ngôi báu. Trẫm nhờ người trông xuống, tổ tông phù hộ, cùng các vương, đại thần, các quan văn võ trong ngoài đồng lòng suy tôn, xin trẫm nên nối đại thống, hai ba lần khuyên mời, trẫm bất đắc dĩ đã lên ngôi vào ngày mồng 7, tháng 10 năm nay, [98b] đổi niên hiệu là thiên Hưng".
Tháng ấy, Nghi Dân sai bọn Lê Cảnh Huy, Nguyễn Như Đỗ, Hoàng Thanh, Nguyễn Nghiêu Tư sang nhà Minh nộp cống hằng năm và xin bỏ việc mò ngọc trai.
Ngày 20, lại sai bọn Trần Phong, Lương Như Hộc, Trần Bá Linh sang nhà Minh cầu phong.
Xét bài văn bia Mục lăng của Nguyễn Bá Kỳ viết:
"Vua 1749 thần sắc anh tuấn, dáng điệu đường hoàng. Mỗi khi tan chầu, tự đến Kinh diên nghe giảng, mặt trời lặn mới thôi.
Khi đã tự mình trông coi chính sự thì lễ tế thần linh, truy thờ tông miếu. Đối với Thái hậu dốc lòng hiếu thảo, đối với anh em trọn nghĩa yêu thương. Hoà thuận với họ hàng, kính lễ với đại thần, tôn sùng đạo Nho, xét những lời thiển cận, nhận những lời can trung, chăm nom chính sự, thận trọng thưởng phạt, coi trọng nghề nông, chú ý nền gốc, [99a] hết lòng thương dân, không thíchxây dựng, không mê săn bắn, không gần thanh sắc, không ham tiền của, hậu với người bạc với mình, trong ấm ngoài êm.
Vua răn cấm tướng ngoài biên không được gây hấn khích. Đến khi Chiêm Thành hai lần vào cướp châu Hóa thì sai tướng đem quân đi đánh, bắt được chúa nó là Bí Cai.
Nước lớn sợ uy, nước nhỏ mến đức. Mọi điều chính sự đều theo điển chương phép tắc cũ đã có sẳn, sai đình thần nghị bàn cho thích đáng rồi sau mới thi hành. Cho nên chính trị hay, giáo hóa tốt ban khắp ra bốn biển, sinh linh mến đức, đời được thái bình. Ngày băng thình lình, trăm họ như mất cha mất mẹ.
Ôi tư chất của vua như vậy mà gặp phải tai biến như vậy, thì chẳng phải là trời đất rộng lớn dường ấy mà loài người vẫn còn có chổ đáng tiếc đó sau? ".
Chú Thích:
1596 Bình Nguyên: tên châu đời Lý -Trần về sau, thời Lê, đổi thành châu Vị Xuyên, là đất các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, tỉnh Hà Tuyên ngày nay.
1597 Danh sơn: núi non danh tiếng.
1598 Đại xuyên: sông lớn.
1599 Tức Tư Tề, con trưởng của Lê Lợi, đã bị truất làm Quận Vương.
1600 Tiên đế: chỉ Lê Lợi.
1601 Ngôn quan: hay gián quan, là các quan giữ chức trách can gián khuyên ngăn vua.
1602 Mường Việt: tức là Việt Châu, nay là huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
1603 Mường Lự: tức là động Bình Lư nay thuộc tỉnh Lào Cai.
1604 Chùa Pháp Vân: theo CMCB3 chùa này ở thôn Văn Giáp, huyện Thượng Phúc, nay là huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.
1605 Cửa Việt: : nay là Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị.
1606 Nguyên văn "khiển chi", chúng tôi ngờ chữ "khiển" vốn là chữ "hoàn" khắc lầm.
1607 Tức là người đầu mục trông giữ voi.
1608 Tức là Bồn Man.
1609 Hoành huynh: anh vua. Quốc cữu: cậu vua.
1610 Tức hội Vu Lan Bồn của nhà Phật tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hằng năm. Theo Phật thoại, mẹ của Mục Liên vào địa ngục, hễ ăn gì đều hóa thành lửa. Phật liền dùng chiếc bồn lớn, đựng hàng trăm thức ăn để cúng dường các Phật, giải thoát cho mẹ Mục Liên, Sau này, lễ Vu Lan Bồn là để cúng thí bọn quỷ đói, giải thoát mọi khổ ải cho chúng sinh.
1611Cỗ Thái lao: lễ lớn, dùng đủ tam sinh (ba con vật tế) là: trâu, dê, lợn.
1612B àn nhà: tức là " vua" phiêm âm tiếng Lào "pha nhân".
1613 Áp nha: người đứng đầu một nha.
1614 Nguyên văn là Hữu Đằng, nhầm chữ Cổ thành chữ Hữu. Cổ Đằng là tên huyện, sau đổi là Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
1615 Xem sự việc năm Thiệu Bình thứ 2, tháng 3, ngày mồng 6.
1616 Mường Mộc: nay là thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
1617 Vùng đất thượng lưu sông Mã, giáp đất Ai Lao.
1618 Sú bộ của ta do Lê Vi dẫn đầu sang nhà Minh báo tin Lê Lợi mất.
1619 Nguyên văn là chữ 'bệ", "bệ vệ" thì không có nghĩa, chắc là bản khắc lầm.
1620 Thành Vương: là vua nhà Chu, Thái Giáp: là vua nhà Thương, được coi là những vua giỏi thời cổ của Trung Quốc.
1621 Nguyên văn "thập tiệm". Nguỵ Trưng là hiền thần của Đường Thái Tông, dâng sớ xin vua đề phòng 10 điều lầm lỗi có thể thấm dần mà mắc phải.
1622 Tên hai vị thánh mà các thầy phù thủy hay niệm chú.
1623 Tự điển: danh sách các vị thần được triều đình chính thức phong tặng, được hưởng cúng tế.
1624 Bồi thần: vốn là chức quan đại phu của chư hầu xưng với thiên tử. Ở đây Tông Trụ là quan đại phu triều Lê, đi cống nhà Minh, xưng với thiên tử nhà Minh.
1625 Hồng lô tự của nhà Minh.
1626 Long Châu là tên huyện thuộc phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
1627 "Thuận thiên thửa vận" là "Theo trời nối vận". "Đại thiên hành hóa": là "Thay trời tiến hành giao hóa".
1628 Bộc thân công nha: kẻ tôi tớ này kính bẩm công nha.
1629 Vùng đất thượng lưu sông Mã, thuộc tỉnh Thanh Hóa và huyện Lan Hòa.
1630 Thư Kinh: Thiên Ích Tắc.
1631 La La Tư Điện: là một vương quốc của người Lô Lô hồi đó. Địa bàn nước này là vùng đất tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.
1632 Mường Qua: theo lời chú Bản dịch cũ là nước Lão Qua.
1633 Mường Tàm: tức Tàm Châu, vùng thượng lưu sông Mã nước Ai Qua.
1634 Nghĩa như "phê duyệt ngày nay.
1635 Sinh trị: nghĩa là sinh đã biết mọi việc, không cần phải dạy bảo, từ này chỉ dùng cho các bậc thánh nhân.
1636 Điểm nhỡn: vẽ mắt tượng.
1637 Xử giáo: xử thắt cổ cho chết.
1638 Bến sông Hồng, ở phía đông thành Thăng Long.
1639 Mường Bồn: tức là Bồn Man.
1640 Dịch theo nguyên văn. Bản dịch cũ chép là "Ruộng các xứ Chiêm Động và Cổ Luỹ".
1641 Tức là Minh Anh Tông.
1642 Cát phục: áo mặc lúc có việc vui, trái với tang phục.
1643 Sông Đông Ngàn: khúc sông Đuống chảy qua huyện Từ Sơn cũ nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc.
1644 Mỗi Châu: tức Mường Muỗi, sau đổi là Thuận Châu. Thuận Châu đời Lê gồm các huyện Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn tỉnh Sơn La và huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu ngày nay.
1645 Đao bút: chỉ bọn thư lại chuyên nắm giấy tờ sồ sách.
1646 Tức Lê Đinh, ông tỗ bốn đời của Thái Tông.
1647 Tức bà Nguyễn Thị Quách, vợ của Lê Đinh.
1648 Tức Lê Khoáng, cha Lê Lợi, ông nội của Thái Tông.
1649 Tức bà Trịnh Thị Thương, vợ của Lê Khoáng.
1650 Tức Lê Lợi.
1651 Tức bà Phạm Thị Trần, mẹ Thái Tông.
1652 Cung Từ Hoàng Thái Hậu là bà Phạm Thị Trần, sinh ra Lê Thái Tông.
1653 Huyện Thủy Đường: nay là huyện Thủy Nguyên; Hải Phòng.
1654 Huyện Để Giang: nay là huyện Sơn Dương, tỉnh Hà Tuyên.
1655 Tứf Hồ Quý Ly, Hồ Quý Ly có nhiều thơ văn bằng chữ Nôm, nhưng hiện nay chưa tìm lại được.
1656 Thánh tiết: ngày sinh của vua.
1657 Chính đám: ngày mồng một tết Âm lịch.
1658 Ngũ tự: theo Lễ kinh, thiên Nguyệt lệnh, thì Ngũ tự là năm lễ tế các thần Hộ (cửa), Táo (bếp) Trung lựu (giữa nhà), Môn (cửa lớn), Hành (đường đi).
1659 Đại lộ: xe lớn, tượng lộ: xe trang sức bằng ngà voi; mã lộ: xe ngựa.
1660 Cửu long dư: kiệu chín rồng; thất long dư: kiệu bảy rồng.
1661 Bộ liễn: xe đi thong thả, phi liễn: xe đi nhanh.
1662 Tinh kỳ, mao tiết: là các loại cờ. Chương phiến: loại quạt lớn làm bằng lông chim.
1663 Nguyên văn là dâm nhạc, đối lập với nhã nhạc, ở đây chỉ các làn điệu dân gian.
1664 Nguyên văn: " Quan đồng quân quan lĩnh... " hẳn là in lầm, ở đây chúng tôi dựa vào bản dịch cũ.
1665 Sửa lại theo bản dịch củ.
1666 Nên sửa lại là Nam Sách thượng vệ như ở dưới.
1667 Bùi Cầm Hổ trước làm quan ngự sử, mâu thuẩn với Lê Sát, bị đổi ra làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn. Xem sự việc năm Thiệu Bình thứ 1 (1434), tháng 9.
1668 Vùng huyện sông Mã, tỉnh Sơn La ngày nay.
1669 CMCB17, 11a ghi Lương Đăng được thăng Đô giám trung thừa.
1670 Quan tác: có nghĩa là "làm mũ", cục quan tác có lẽ là cục thợ thủ công chuyên làm các loại mũ dùng cho các quan thời đó.
1671 Nguyên văn: "Đường thượng". Bản cũ dịch là "trên đường"; ở đây là "triều đường", là điện của nhà vua khi ra coi chầu, đối lập với "đường thượng" là "đường hạ" tức là dưới điệ, ngoài điện.
1672 Nguyên văn: "biên khánh, biên chung", tức là bộ khánh, bộ chuông gồm 16 chiếc khánh từ nhỏ đến lớn và 16 chiếc chuông tử nhỏ đến lớn cùng treo một giá ở trên.
1673 Sênh, quản thược: đều là các loại sáo. Chúc: làm bằng gỗ, hình vuông, cao 1 thước 3 tấc, giữa lồi lên như cái trống đánh. Ngữ: làm bằng gỗ, hình con hổ nằm lưng có 27 răng cưa bằng đông, lấy gỗ cọ vào thành tiếng. Huân: làm bằng đất nung hình như quả trứng, có lỗ để thổi. Trì: làm bằng trúc, có lỗ để thổi.
1674 Phương hưởng: gồm 16 thỏi gang dài, từ nhỏ đến lớn cùng mắc nghiêng vào một giá, có hai tầng, lấy dùi nhỏ bằng đồng để đánh. Không hầu: là thứ nhạc khí như các đàn sắt nhưng nhỏ hơn. Quản dịch: là các loại sáo.
1675 Nguyên văn: "Ngũ lộ", là 5 loại xe lớn là: Ngọc lộ (xe nạm ngọc), Kim lộ (xe trang sức bằng vàng), Tượng lộ (xe trang sức bằng ngà voi), Cách lộ (xe bọc da), Mộc lộ (xe đóng gỗ). Số lượng xe và quy cách xe của vua và hoàng hậu, cung phi đều có quy chế sẳn. Các xe ấy đều gọi chung là "lộ".
1676 Lễ bộ: nghĩa là nghi trượng của thiên tử. Lỗ bộ ty là cơ quan của triều đình chuyên trông coi các nghi trượng của nhà vua.
1677 Người Kinh: ở đây chỉ người Việt, tức là bắt người Minh phải theo phong tục nước Đại Việt.
1678 Tức là bà Phạm Thị Trần, mẹ sinh ra vua Thái Tông.
1679 Minh sử q. 321, CMCB 17 ghi là Thang Nại.
1680 Đoàn sứ bộ Đại Việt tố cáo thổ quân châu Tư Lang, phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây lấn cướp đất biên giới cửa ta.
1681 Y: tức là Y Doãn, hiền tướng của Thành Thang nhà Thương, có công giúp Thành Thang đánh bại Hạ Kiệt, làm vua thiên hạ. Lã: tức là Lã Vọng, công thần nhà Chu, giúp Văn Vương, Vũ Vương bình định thiên hạ, còn gọi là Lã Thượng. Thái Công Vọng... Chu: tức Chu Công hay Chu Công Đán, con Chu Văn Vương, làm tướng giúp Vũ Vương đánh bại Trụ, Vũ Vương chết, phò tá vua nhỏ là Thành Vương. Thiệu: tức Thiệu Công Tích, con thứ của Văn Thương, con cháu đời đời đều là đại thần phụ chính.
1682 Trần Bình, Chu Bột, Vương Lăng: là công thần của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Hoắc Quang: tên tự là Tử Mạnh, nhân di chiếu lập Hán Chiêu Đế mới có 8 tuổi lên ngôi, Chiêu Đế chết, lại lập Tuyên Đế. . Gia Cát: chỉ Gia Cát Lượng, tướng giỏi của Lưu Bị, lập nên nhà Thục. Kính Đức: tức Trì Kính Đức, tử Nghi: tức Quách Tử Nghi. Kính Đức, Tử Nghi và Lý Thạnh đều là công thần đời Đường.
1683 Lời thề của Hán Cao Tổ khi phong công thần. Đại ý nói: Ta cùng các ngươi mãi mãi cùng hưởng phúc lộc lâu dài truyền nối đến muôn đời con cháu, cho tới khi sông Hoàng Hà chỉ còn như cái đai, núi Thái Sơn chỉ còn như hòn đá mài.
1684 Ngô thị: tức bà Ngô thị Ngọc Dao, sinh ra hoàng tử Tư Thành, sau là vua Lê Thánh Tông.
1685 Tức Mường La, ở Sơn La.
1686 Chùa này có tên là Tư Quốc, tương truyền do nhà sư Pháp Loa đời Trần xây dựng. Chùa làm ở núi Côn Sơn, thuộc Chí Linh, tỉnh Hải Hưng ngày nay.
1687 Trung sứ: - người được vua sai đi ra ngoài dân thăm hỏi tình hình.
1688 Nguyễn Văn là Lệ Chi Viên. Huyện Gia Định: sau là huyện Gia Bình, nay là một phần của huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc.
1689 Bài văn khắc rên bia đá đặt ở Hựu Lăng, nơi an táng Lê Thái Tông.
1690 Tam Phật Tề: tên Trung Quốc chỉ một vương quốc trung đại Palem bang ở Sumatra, người ta cũng thường đồng nhất Tam phật Tề với vương quốc Srivijaya (Thất Lợi Phật Thệ) được biết đến từ cuối thế kỷ VII ở vùng này.
1691 Mãn Lạt Gia: tên phiên âm của Malacca, một tiểu quốc Hồi giáo (Sultanat) do Paramesvara lập nên vào đầu thế kỷ XV ở vùng cửa sông Malacca, bán đảo Mã Lai. Nước này phát triển thịnh vượng trong thế kỷ XV, nhưng đến năm 1526 thì bị người Bồ Đào Nha diệt.
1692 Cửa biển Đại Toàn: Ở vào đất Thái Bình ngày nay, có lẽ là cửa Diêm Hộ bây giờ.
1693 Huyện Đông Lại: Sau đổi là huyện Vĩnh Lại, là vùng đất gồm huyện Ninh Giang cũ, nay thuộc huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Hưng và huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
1694 Huyện Hà Hoa: sau đổi ra huyện Kỳ Hoa, gồm đất hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay.
1695 Ly Giang: cũng gọi là Lê Giang, tên huyện thời thuộc Minh và đời Lê, đến đầu đời Nguyễn đổi thành Lễ Dương, nay là đất huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam -Đà Nẳng.
1696 Đa Lang: chưa rõ ở đâu.
1697 Cổ Lũy: vùng đất tỉnh Quảng Nghĩa cũ, nay thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
1698 Thi Nại: tức cửa biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
1699 Chà Bàn: tức thành Vijaya, kinh đô nước Chiêm Thành thời ấy, nay còn dấu vết ở tỉnh Bình Định.
1700 Đài quan: các quan ở ngự sử đài chuyên việc xét hoặc lỗi lầm của các quan lại.
1701 Rí ren: nguyên văn là chữ Nôm cũng có thể đọc là "lí len" là một hình thức múa hát dân gian ở vùng Thanh Hóa thời đó.
1702 Quân phủ: trị sở của quân đội một phủ. Phủ ở đây có nghĩa như "doanh".
1703 Nên sửa lại là Giáp Tý.
1704 Ba triều: chỉ các triều Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông.
1705 Pháp Vân: tên chùa, tức chùa Dâu ở tỉnh Hà Bắc.
1706 Sao Tâm: chùm sao trong 28 sao (Nhị thập bát tú) của thiên văn Trung Quốc tức 3 ngôi sao S, A, T của chòm Scorpiton.
1707 Tuần: 10 ngày.
1708 Dịch theo nguyên văn. Bản dịch cũ ghi là: Bãi chức hai viên đại phu của ty tường hình.
1709 Sơn hô có lẽ là chim sơn ca.
1710 Cá vàng: dịch ý, nguyên văn là "văn ban ngư".
1711 Lý Thuần Phong: Thái sử lệnh đời Đường Cao Tông, giỏi thiên văn lịch số là một nhà toán học xuất sắc đã làm chú thích Thập bộ toán kinh. Phó Dịch: cũng là Thái sử lệnh đời Đường.
1712 Thuận Thiên: là niên hiệu của Lê Thái Tổ. Nghĩa chữ "thuận thiên" là thuận theo lòng trời.
1713 Nguyên văn "âm dương nhân" chỉ những người theo thuyết âm dương để chiêm đoán mọi việc.
1714 Chỉ Bạch Khuê, được làm An phủ sứ lộ Quốc Oai trung.
1715 Chỉ Bùi Thì Hanh được làm Thiêm tri Tây đạo.
1716 Trạng nguyên trư là "trạng nguyên lợn".
1717 Nguyên văn "lỗ khảo quan" tức khảo quan thô lỗ, ngu ***.
1718 Bảo Lạc: tên châu đời Lê, nay là đất huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
1719 Dịch theo nguyên văn. Bản dịch cũ sửa là "Bắc đạo đồng tri".
1720 Bản kinh: nguyên văn là "bản kinh", có thể là lầm từ "ngũ kinh".
1721 Tế Giang: sau đổi là huyện Văn Giang, nay là một phần đất huyện Châu Phong, tỉnh Hải Hưng.
1722 Sông Bình Lỗ: tức sông Cà Lồ, trong huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
1723 Lãnh Canh: hay Lãnh Kinh, ở khoảng gần Đáp Cầu, tỉnh Hà Bắc.
1724 Cầu Phù Lỗ: tức cầu qua sông Cà Lồ ở xã Phù Lỗ, huyện Kim Anh cũ, nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
1725 Thánh Từ: tức Thánh Từ hoàng thái hậu. Vua còn nhỏ, thái hậu phải buông rèm coi chính sự.
1726 Quan gia: Lê Nhân Tông. Đời Trần có qui định gọi vua là quan gia. Đây cũng theo lệ ấy.
1727 Công thần nơi tiềm để: Công thần giúp vua từ khi chưa lên ngôi.
1728 Yên Lăng: nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
1729 Hào lục tam, quẻ Giải của Kinh Dịch. Nguyên Văn: "Phụ thả thừa, tri khấu chí'.
1730 Phối sở: nơi đày các tội nhân, tùy mức độ phạm tội, có thể đày ra châu xa hoặc châu gần. Hồi ấy Tuyên Quang bao gồm cả phần đất tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang ngày nay; Quy Hóa bao gồm cả phần đất của tỉnh Yên Bái, Lào Cai ngày nay.
1731 An Bang: đất tỉnh Quảng Ninh hiện nay. An Bang không có huyện Thái Đường. Có lẽ nhầm từ huyệnThủy Đường, tức huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng hiện nay.
1732 Thái hậu họ Mã: là hoàng hậu của Hán Minh Đế, tính cần kiệm, hay đọc sách, bàn luận chính sự rất sáng suốt. Thượng Đế lên ngôi phong làm Hoàng thái hậu. Thái hậu họ Đặng là hoàng hậu của Hán Hòa Đế, Thượng Đế còn bé lên ngôi, buôn g rèm coi chính sự. Thượn g Đế chết, lập An Đế, vẫn trông coi chính sự, chọn dùng người giỏi. Bà Tuyên Nhân: bà hoàng hậu của Tống Anh Tông. Triết Tông còn bé lên ngôi, bà buông rèm coi chính sự 9 năm, được coi là Ngihiêu Thuấn trong giới phụ nữ.
1733 Cao: là Cao Dao, danh thần của Ngu Thuấn Quỳ: là quan coi nhạc của Ngu Thuấn. Tắc: quan coi việc làm ruộng của Thuấn. Tiết: : hiền thần của vua Thuấn, thủy tổ nhà Thương. Y: tức Y Doãn. Phó: Tức Phó Duyệt. Chu: Tức Chu Công Đán. Thiệu: tức Thiệu Công Thích.
1734 Dịch theo nguyên văn. Chỗ này ngờ sai sót. . Bản dịch cũ chép: "Cho Quốc Oai làm Trung lộ an phủ sứ" và ngờ in thiếu tên người nào đó.
1735 Dã Tiên: quan Thái sư của bộ tộc Ngõa Lạt nước Mông Cổ.
1736 Đại Đồng: là trị sở của phủ Đại Đồng, nay thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
1737 Thổ Mộc: tên đất, ở phía tây huyện Hoài Lai của Trung Quốc.
1738 Thiên lộc: lộc trời, thiên tử hưởng lộc trời. Câu này ý nói Anh Tông phải ăn thứ tanh hôi không phải lộc trời.
1739 Đế hương: quê hương vua. Câu này ý nói Anh Tông bị giam ở miền thảo dã, không phải đất nước mình.
1740 Kiến Chương: vốn là tên cung điện của Hán Vũ Đế. Ở đây chỉ cung điện của vua Minh.
1741 Dịch theo nguyên văn. Cương mục sửa là châu Quy Hợp.
1742 "Chư hầu lai triều" nghĩa là "chư hầu đến chầu".
1743 Chiêu Hiếu Vương là tước hiệu truy phong cho Lê Học, anh ruột Lê Lợi. Trung Dũng Vương là tước hiệu truy phong cho Lê Thạch, con Lê Lợi.
1744 Hoằng Hựu Đại Vương: tức Lê Trừ, anh thứ hai Lê Lợi.
1745 Tây Kinh: tức Lam Kinh hay Lam Sơn.
1746 CMCB 18 chú là châu An Bình giáp giới với châu Hạ Tư Lang, trấn Thái Nguyên.
1747 Tức là ngôi thái tử.
1748 Tức Lê Nhân Tông Bang Cơ.
1749 Tức Lê Nhân Tông.
Kỷ Nhà Lê Thánh Tông Thuần Hoàng Đế Tên húy là Tư Thành, lại húy là Hạo, là con thứ tư của Thái Tông. Ở ngôi 38 năm, thọ 56 tuổi, băng táng ở Chiêu Lăng.
Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được. Nhưng công trình thổ mộc vượt quá quy mô xưa, tình nghĩa anh em thiếu hẳn lòng nhân ái. Đó là chỗ kém vậy.
Mẹ vua là Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô thị, người làng Động Bàng, huyện Yên Định, phủ Thanh Hóa. Trước kia, khi còn là Tiệp dư, Thái hậu đi cầu tự, mơ thấy thượng đế ban cho một tiên đồng, thế rồi có thai. (Tục truyền rằng Thái hậu khi sắp ở cữ, nhân thử thả chợp mắt, mơ thấy mình đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con Thái hậu, tiên đồng chần chừ mãi không chịu đi, thượng đế giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trán chảy máu ra, sau tỉnh dậy, rồi sinh ra vua, trên trán vẫn còn dấu vết lờ mờ [1b] như thấy trong giấc mơ, mãi đến khi chết, vết ấy vẫn không mất).
Năm Nhâm Tuất, Đại Bảo thứ 3 (1442), tháng 7, ngày 20, sinh ra vua.
Vua sinh ra thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước. Năm Thái Hòa thứ 3, được phong làm Bình Nguyên Vương, vâng mệnh làm phiên vuơng vào ở kinh sư, hằng ngày cùng học ở Kinh diên với các vương khác. Bấy giờ, quan ở Kinh diên là bọn Trần Phong thấy vua dáng điệu đường hoàng, thông minh hơn hẳn người khác, trong bụng cho là bậc khác thường. Vua lại càng sống kín đáo, không lộ vẻ anh minh ra ngoài, chỉ vui với sách vở cổ kim, nghĩa lý thánh hiền. Bẩm sinh ra đã biết, mà sớm khuya không lúc nào rời sách vở, tài năng lỗi lạc trời cho, mà chế tác lại càng đặc biệt lưu tâm, [2a] ưa điều thiện, thích người hiền, chăm chắm không hề biết mỏi, Tuyên từ thái hậu yêu vua như con mình đẻ ra, Nhân Tông coi vua là người em hiếm có. Đến khoảng năm Diên Ninh, Nghi Dân tiếm ngôi, đổi phong vua là Gia Vương và xây phủ đệ ở bên hữu nội điện cho vua ở. Không bao lâu, các đại thần là bọn Nguyễn Xí, Đinh Liệt cùng nhau đem cấm binh đánh bọn Đồn, Ban, rồi phế Nghi Dân, đón vua lên ngôi. Bấy giờ vua 18 tuổi, vào nối đại thống, tự xưng là thiên Nam động chủ, miếu hiệu là Thánh Tông.
Canh Thìn, [Quang Thuần] năm thứ 1 [1460], (tháng 6 trở về trước, Nghi Dan tiếm xưng là Thiên Hưng năm thứ 2, Minh Thiên Thuận nam thứ 4). Mùa xuân, tháng 2, Nghi Dân bàn đặt phủ huyện.
Có sao Chổi hiện ra ở vùng sao Dực.
Mùa hạ, tháng năm, sao Xuy Vưu1750 như lá cờ trắng tỏa sáng ngang trời, từ đông sang tây.
[2b] Tháng 6, ngày mồng 6, các đại thần là bọn Nguyễn Xí, Đinh Liệt xướng nghĩa diệt bọn phản nghịch Đồn, Ban. Giáng Nghi Dân xuống trước hầu. Đón Gia Vương lên ngôi Hoàng đế.
Khi ấy, Nghi Dân cướp ngôi mới được 8 tháng, tin dùng bọn gian nịnh, giết hại bề tôi cũ, pháp chế của tổ tông đổi thay hết thảy, người oán trời giận.
Bấy giờ các huân hựu đại thần là Khai phủ nghi đồng tam ty nhập nội kiểm hiệu thái phó bình chương quân quốc trọng sự Á quận hầu Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Nhập nội kiểm hiệu bình chương quân quốc trọng sự Á thượng hầu Lê Lăng, tư mã tham dự triều chính Đình thượng hầu Lê Niệm, Tổng tri ngự tiền hậu quân Á hầu Lê Nhân Thuận, Tổng tri ngự tiền trung quân Quan nội hầu Lê Nhân Khoái, tổng tri ngự tiền thiện trạo doanh quân Quan phục hầu Trịnh Văn Sái, Thiêm tri Bắc đạo quân dân bạ tịch Trịnh Đạc, Điện tiền ty đô chỉ huy Nguyễn Đức Trung, thiết đột tả quân đại đội trưởng Nguyễn Yên. Nhập nội đại hành khiển Lê Vĩnh Trường, Điện tiền [3a] ty chỉ huy Lê Yên, Lê Giải, cùng bàn với nhau:
"Nay Lạng Sơn Vương Nghi Dân rất là vô đạo, đem bọn vô lại Phạm Đồn, Phan Ban, lợi dụng ban đêm, bắc thang trèo thành vào trong cung cấm giết vua và Quốc mẫu hoàng thái hậu, tội ác không gì lớn bằng. Bọn chúng ta là bề tôi huân cựu, mắt thấy việc đó, đáng lẽ phải chết cho xã tắc, mà lại ở dưới kẻ bội nghịch, đứng trong triều của kẻ cướp ngôi giết vua, là tội nhân của muôn đời, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế dưới suối vàng nữa? ".
Sau buổi chầu, mọi người đều vào ngồi ở Nghị sự đường ngoài cửa Sùng Vũ. Bọn Nguyễn Xí xướng nghĩa giết chết hai tên phản nghịch đầu sỏ là Đồn, Ban trước Nghị sự đường, rôi sai đóng các cửa thành, mỗi người đem cấm binh đi dẹp nội loạn, giết hết bè đảng phản nghịch là bọn Trần Lăng hơn trăm tên. Giết xong bọn phản nghịch, các đại thần cùng bàn với nhau rằng:
"Ngôi trời khó khăn, thần khí rất trọng, nếu không phải [3b] là bậc đại đức, thì sao có thể kham nổi. Nay Gia Vương thiên tư sáng suốt, hùng tài đại lược, hơn hẳn mọi người, các vương không ai so được, lòng người đều theo, đã biết ý trời đã quyết".
Ngay ngày hôm ấy đem xe kiệu đến đón vua ở Gia Để1751 (có sách chép là Tây Để). Quyết định giáng Nghi Dân làm Lệ Đức hầu.
(Xét: Có sách nói là sau khi giết bọn phản nghịch Trần Lăng, Lê Lăng lấy lụa đưa cho Nghi Dân, bắt phải tự tử. Giết Nghi Dân xong, liền đi đón Cung Vương Khắc Xương. Cung Vương cố tình từ chối, mới đón vua ở Tây Để về lên ngôi. Sau vua nghe lời gièm, Cung Vương phải chết).
Ngày mồng 8, vua lên ngôi ở điện Tường Quang, đổi niên hiệu là Quang Thuận năm thứ 1, đạixá thiên hạ.
Truy tặng Nội quan Đào Biểu tước 1 tư và ban cho 5 mẫu ruộng công để thờ cúng. Trả lại vợ con, điền sản để nêu gương tử tiết.
Định tội của Lê Đắc Ninh, vì Đắc Ninh giữ cấm binh không biết bảo vệ xã tắc, lại đem giúp kẻ phản nghịch, làm vậy là để răn đe kẻ bất trung.
Vua lên ngôi xong, liền làm lễ phát tang cho Nhân Tông và Thái hậu.
Ngày Tân Mùi, làm lễ cáo miếu, rước bài vị Nhân Tông vào Thái miếu.
Ngày Quý Dậu [4a] rước kim sách dâng tôn hiệu cho Nhân Tông là Khâm Văn Nhân Hiếu Tuyên Minh Hoàng Đế, miếu hiệu là Nhân Tông, dâng tên thụy cho Nguyễn thái hậu là Tuyên Từ Nhân Ý Chiêu Túc Hoàng thái hậu.
Đêm hôm ấy, trời mưa to. Từ mùa xuân đến đây không mưa. Sau khi rước bài vị Nhân Tông lên thờ ở Thái miếu, trời mới mưa.
Mùa thu, tháng 7, lấy ngày sinh làm Sùng Thiên thánh tiết.
Ra sắc chỉ cho các quan ở nội mật, đàn bà ở nội mật và các cung tỳ, nội nhân rằng: Từ nay về sau, nếu thấy chiếu chỉ và các việc cung thì không được lén lút tiết lộ ra trước cho người ngoài và con thân thích.
Ra sắc chỉ cho các vệ quân năm đạo, các phủ trấn, các tổng quản và tổng tri rằng:
Có quốc gia là phải có võ bị. Nay phải tuân theo trận đồ nhà nước đã ban, trong địa phận của vệ mình, phải chỉnh đốn đội ngũ, dạy cho quân lính phép đi, đứng, đâm, đánh, hiểu được hiểu lệnh, tiếng chuông, tiếng trống khiến cho binh lính tập quen cung tên, [4b] không quên võ bị.
Tháng 8, ra lệnh yết bảng cho những người nguyên là họ Trần phải kiêng húy đổi thành họ Trình.
Ra lệnh cho các sắc quân, dân ở các phủ, lộ, trấn, châu, huyện, động, sách, trang rằng:
"Người nào có nhiều thóc tình nguyện dâng lên, thì tới trình báo với các quan sở tại làm danh sách tâu trình lên, tùy theo số thóc dâng nhiều hay ít mà trao cho quan tước: từ 200 hộc thì cho chức quan nhàn tản chánh thất phẩm, 150 hộc thì cho chức quan nhàn tản tòng thất phẩm, 100 hộc thì cho cho chức quan nhàn tản tòng bát phẩm, con cái họ đều được miễn tuyển, nếu là 60 hộc thì thưởng 1 tư, chỉ được miễn bản thân thôi.
Tháng 9, ngày 21, sai bồi thần là bọn Đinh Lan, Nguyễn Phục, Nguyễn Phục, Nguyễn Đức Du sang nhà Minh tâu việc.
Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 1, sai bồi thần là bọn Nguyễn Nhật Thăng, Phan Duy Trình, Nguyễn Tự sang nhà Minh cầu phong.
Tâu trình những người có công hồi tháng 61752.
Tổng đốc Nguyễn Xí, Đông đốc [5a] Đinh Liệt tâu trình tên họ các quan trong các phiên, các quan ngự doanh và những người trước sau xướng nghĩa chém bọn nghịch thần Đồn, Ban:
- Xướng nghĩa trước và hạ thủ đầu tiên là Lê Nhân Thuận, đã chém giặc Lăng.
- Xướng nghĩa là bọn Trịnh Đạc, Nguyễn Đức Trung, Lê Nhân Quý đế Lê Lật gồm 49 người.
- Lại tâu trình thêm bọn Nguyễn Trợ, Nguyễn Ngô, Lê Sư Lộ... gồm 6 người.
Phong công thần Nguyễn Xí làm Quỳ quận công, Đinh Liệt làm Lân quận công; Thái bảo Lỗ Sơn hầu Lê Niệm làm Thái phó; Kỳ quận công Lê Thọ Vực làm Tả đô đốc tham nghị triều chính chưởng Điện tiền ty; Nguyễn Lỗi làm Đại đô đốc chưởng hình bộ (Lỗi là con của Nhữ Lãm); Lê Khang làm Văn Chấn hầu.
Ra sắc chỉ cho các quan trong ngoài rằng: Viên nào con đáng được tập ấm mà không có con trai [5b] thì cho nuôi con người thân thích cùng họ, chỉ được 1 người tập ấm.
Ngày 11, ban biển ngạch cho người hiếu đễ là Nguyễn Liêm ở xã Mụ Xá, huyện Ứng Thiên, tha phú dịch cho bản thân. Sai quan huyện sở tại làm cổng lầu để treo bằng vàng.
Ra sắc chỉ cho quan các phủ, lộ, trấn, châu, huyện rằng: Ai ở cõi biên giới thì phải giữ quan ải cẩn thận, không được thông đồng với người nước ngoài.
Cấp ruộng thế nghiệp cho 30 viên công thần, số mẫu có thứ bậc khác nhau: Lê Lăng 300 mẫu, Lê Niệm 200 mẫu, Lê Nhân Thuận 130 mẫu, Lê Thọ Vực, Lê Sư Hồi, Lê Nhân Khoái 150 mẫu, từ Trịnh Văn Sái trở xuống, đều được cấp ruộng theo thứ bậc khác nhau.
Sắc cho bọn tể thần Lê Xí tâu thăng các quan công thần tại chức hay đã chết, được ban quốc tính hay không được ban, cùng số con trai của họ chưa được thăng bổ. Loại được ban quốc tính thì từ bọn Lê Quán Chi con trai của Thái phó [6a] Lê Liệt, Lê Văn Lão con trai của Lê Bí trở xuống đến Lê Ký con trai của Lê Luyện. Loại chưa được ban quốc tính thì từ Nguyễn Sư Hồi con trai của Nguyễn Xí, đến Lê Lộng con trai của Lê Đa Mỹ. Loại đã chết, được ban quốc tính thì từ Lê Muộn con trai Lê Vấn, Lê Dư con trai Lê Bôi, cho đến Lê Văn Lương con trai Lê Nhữ Soạn, chưa được ban quốc tính thì từ Lê Văn Thiết con trai Lê Chuẩn, đến Lê Văn Lâm con trai Lê Thiết.
Đến khi bọn Xí dâng tờ tâu lên, vua dụ rằng:
"Đã xem hết tờ tâu, trong ấy có xin cho bọn Lê Ê, Lê Thụ, Đỗ Bí, Lê Ngang theo như lệ công thần đã mất, nhưng câu ấy còn có thể bẻ lại được, là vì khoảng năm Diên Ninh, Đỗ Bí, Lê Ê ở chức cao nhất vào hàng tể thần; Lê Ngang, Lê Thụ tay cầm cấm quân, giữ việc an nguy, đáng lẽ phải dẹp yên giặc loạn, chuyển nguy thành an mới phải, thế mà chỉ biết sắp gà vào trong nồi mà để [6b] cá kình lọt ra ngoài lưới. Đến sau mưu việc không kín, đến nỗi phải phơi thây ở bên đường1753. Đó lại thêm một tội khác trong các tội của bọn Bí, Ngang, có khác gì tội giết vua của Triệu Thuẫn ngày xưa1754, sau được để cùng với những công thần đã mất? ".
Ngày 24, làm lễ chiêu hồn, chôn Nhân Tông ở bên hữu Vĩnh Lăng gọi là Mục Lăng1755.
Lại sai Trung thư sảnh thủ Trung thư lệnh tri tam quán sự nhưng tri học sinh ngự tiền nhị cục khinh xa úy Nguyễn Trực và Trung thư sảnh Trung thư lệnh thị lang nhập thị kinh diên kiêm quản cận thị chi hậu các cục thượng kỵ đô úy Nguyễn Bá Ký cùng soạn bài văn bia ở Mục Lăng1756.
Ngày 27, ra sắc chỉ cho hình quan rằng: Từ nay về sau, xét việc kiện tụng, phải mỗi tháng ba lần trình lên để quyết định, coi đó là địn chế lâu dài.
Tháng 12, sai Thái phó Lê Liệt, Thái phó Lê Lựu, thái bảo Lê Lăng dẫn các quân chia đường đi đánh họ Cầm1757.
Tuyển đinh tráng có tên trong sổ bổ vào [7a] quân ngũ.
Làm sổ hộ tịch.
Lấy Nguyễn Như Đỗ làm Lại bộ thượng thư.
Sắc cho Trung thư sảnh Trung thư lệnh thị lang nhập thị kinh điên kiêm quản cận thị chi hậu các cục thượng kỵ đô úy Nguyễn Bá Kỳ, Hoàng môn thị lang kiêm Quốc sử viện đồng tu quốc sử Hoàng Sằn Phu hiệu định miếu húy và ngự danh.
Tân Tỵ, [Quang Thuận] năm thứ 2 [1461], (Minh Thiên Thuận năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, ban miếu húy và ngự danh. Miếu có 9 chữ: Hiển Tổ là Đinh, Hiển Từ là Quách, Tuyên Tổ là Khoáng, Trinh Từ là Thương, Thái Tổ là Lợi, Cung Từ là Trần, Nhân Tông là Long, Tuyên Từ là Anh, Nhân Tông là Cơ, ngự danh của kim thượng húy là Thành, Quang Thục hoàng thái hậu, húy là Giao.
Tháng 2, vua ngự về Tây Kinh bái yết sơn lăng.
Tháng 3, ngày 11, ban đêm, sét đánh ở cửa điện Thừa Thiên.
Ngày 19, vua [7b] và các quan bỏ áo triều làm lễ tạ ở điện Thừa Thiên.
Ra sắc chỉ cho các quan phủ, huyện, lộ, trấn, xã rằng:
Từ nay về sau, trong việc làm ruộng, phải khuyến khích quân dân đều chăm nghề nghiệp sinh nhai, để đủ ăn mặc, không được bỏ gốc theo ngọn, hoặc kiếm chuyện buôn bán, làm trò du thủ du thục. Người nào có ruộng đất mà không chăm cày cấy, thì quan cai trị bắt trình trị tội.
Mùa thu, tháng 7, ngày 11, động đất.
Ra sắc chỉ cho các xứ, phủ, lộ rằng: Chùa quán nào không có ngạch cũ thì không được tự tiện làm mới.
Cấm không được xưng hô lộn bậy trên dưới.
Sắc dụ quan Lại bộ là Nguyễn Như Đỗ và Nguyễn Thiện rằng:
"Năm ngoái các ngươi nhận lời thỉnh thác của Đỗ Bất Một, tâu xin cho hắn làm Tổng tri vệ Bắc Bình, rồi lời bàn tán trong triều ầm ỷ, các ngươi lại tâu xin cho Bất Một lấy làm hàm Tổng binh vệ về nghỉ, như vậy thực là gian ngoan quá lắm".
Tháng 8, ngày mồng 1, Hoàng trưởng tử Trang sinh (sau này là [8a] Hiến Tông). Bà mẹ là con gái thứ hai của Nguyễn Đức Trung, năm trước tuyển vào làm Sung nghi ở cung Vĩnh Ninh, sau này được tôn làm Trường Lạc hoàng thái hậu.
Mùa đông, tháng 10, ngày 21, có sắcdụ Thái bảo Lê Lăng.
Trước đó, vua đã sai Chánh chưởng Nguyễn Lỗi đem bạc lạng đến thưởng cho Lê Lăng và dụ rằng: "Ngươi nên thận trọng từ đầu đến cuối, phải thanh liêm công bằng".
Đến đây lại dụ rằng:
"Tính khí của ngươi cứng rắn quá, ngoài mặt thì nghiêm khắc mà trong lòng thì yếu mềm. Vì thế, người nào mình không bằng lòng thì đẩy xuống đất đen, người nào chiều ý mình thì nâng niu trên gối, mọi người không ưa chẳng vì thế ư? ".
[8b]