Trời hỡi, Barberin chết mang theo cái bí mật về sự ra đời của tôi rồi.
Hai tay ôm đầu, tôi tìm hết cách cũng không thấy ý tưởng nào cho dù chỉ để hướng dẫn tôi hành động. Hơn nữa tôi quá hoang mang, quá xúc động đến nỗi không thể nào suy nghĩ ra đầu ra đuôi được.
- Có một lần ông ta nhận được một bức thư, một bức thư nặng lắm. - Bà ta nghĩ một lúc lâu rồi nói.
- Thư từ đâu đến ạ?.- Tôi không biết. Người đưa thư đưa cho ông ta, tôi không nhìn con tem.
- Liệu bây giờ còn tìm thấy bức thư đó không?
- Chúng tôi đã lục khắp trong đồ đạc của ông ta, không phải vì tò mò đâu, tất nhiên, mà để báo cho vợ ông ta, nhưng không tìm thấy.
Đồ đạc trong bệnh viện cũng vậy. Nếu ông ta không nói từ Chavanon đến thì cũng chịu không báo được cho vợ ông ta.
Tôi đứng im khá lâu không nói nên lời. Biết hỏi gì nữa bây giờ? Bà ta đã nói ra tất cả những điều mình biết.
Tôi cảm ơn và đi ra cửa.
- Nếu cậu không có chỗ trọ, - bà già bảo tôi, - thì cậu cứ đến đây, không phải nói khoe đâu, ở đây rất tốt, chúng tôi là một nhà lương thiện. Nên nhớ rằng nếu gia đình cậu tìm cậu vì không thấy tin tức gì của Barberin họ phải tìm hỏi ở đây chứ ở đâu, cậu sẽ có sẵn ở đây mà đón họ. Thế có phải lợi không, cậu đi chỗ khác thì ai biết ở đâu mà tìm? Cậu thử nghĩ mà xem, hai thanh niên trẻ tuổi trên hè phố Paris, có thể gặp nhiều chuyện rắc rối lắm chứ! Nhiều khách sạn chẳng ra sao chứ không như ở đây, yên tĩnh lắm, khu này là thế.
Tôi không tin là khu này có lợi thế về mặt yên tĩnh; kiểu gì thì khách sạn Cantal cũng thuộc loại bẩn thỉu khốn khổ nhất chỉ nhìn đã thấy, và trong cuộc đời du mục của tôi, tôi đã trông thấy khối khách sạn khốn khổ như thế này.
Nhưng lời đề nghị của bà chủ cần phải xem xét.
Hơn nữa lúc này không nên tỏ ra khó tính, cần phải tiết kiệm. ái chà! Mattia thật có lý khi nghĩ rằng phải kiếm tiền! Giả sử không có mười bảy phrăng trong túi thì chúng tôi biết làm sao đây?
- Thuê một phòng cho tôi và bạn tôi thì hết bao nhiêu? - Tôi hỏi.
- Một ngày mười xu.
- Được, thế thì tối chúng tôi quay lại.
- Các cậu nên về sớm, ban đêm Paris chẳng hay ho gì đâu.
Tôi chỉ còn việc đến gặp Mattia ở nơi đã hẹn. Hãy còn sớm, tôi ngồi vào một góc đợi nó.
Chẳng bao lâu tôi nghe thấy một tiếng sủa vui mừng, trước khi kịp đứng lên Capi đã lao vào lòng tôi liếm tay tôi. Tôi ôm nó trong tay. Mattia ngay sau đó hiện ra.
- Thế nào? - Từ xa nó đã kêu lên. - Barberin chết mất rồi.
Nó chạy để đến với tôi cho nhanh, tôi vội kể tóm tắt cho nó nghe những gì mình biết. Bằng những lời thật âu yếm nó cố tìm cách thuyết phục tôi đừng tuyệt vọng.
- Nếu cha mẹ cậu đã tìm thấy Barberin nay không nghe tin tức gì của lão nữa hẳn họ phải tìm xem lão ra sao chứ, dĩ nhiên họ sẽ đến khách sạn Cantal. Ta đi đến đấy đi, coi như chỉ chậm có vài ngày thôi, thế thôi.
Nếu như khách sạn Cantal là một căn nhà lương thiện thì nó chẳng đẹp đẽ gì. Chúng tôi ở trong một buồng nhỏ xíu áp mái, đèn thì tỏa khói mù. Buồng chật đến nỗi một trong hai chúng tôi buộc phải ngồi xuống giường khi người kia đứng lên. Cái bánh mì tròn phết đầy phó-mát trong bữa tối của chúng tôi chẳng phải tiệc tùng gì nhưng cuối cùng thì tất cả đều chưa phải đã hết.
oOo
Chương 13 - Tìm kiếm
Tôi bắt đầu ngày hôm sau bằng việc viết thư cho má Barberin kể về những gì mình biết, việc này không phải nhỏ. Chẳng nhẽ khô khan bảo má là chồng má đã chết?
Cuối cùng tốt xấu gì chăng nữa thì tôi cũng viết xong bức thư nhắc đi nhắc lại niềm yêu thương không gì thay đổi của tôi đối với má.
Tôi đề nghị má cho tôi hay nếu như gia đình tôi có viết thư hỏi tin tức ông Barberin, nếu người ta cho địa chỉ thì má chuyển cho tôi.
Bốn ngày sau tôi nhận được thư má Barberin nhờ người viết cho tôi.
Má cho tôi biết má đã được báo trước về cái chết của ông chồng, trước đây ít lâu má có nhận được một bức thư của ông ta. Má nghĩ bức thư này có ích cho tôi nên gửi cho tôi, thư có những chỉ dẫn về gia đình tôi.
- Nhanh lên, Mattia, ta cùng đọc nào..Tay tôi run lên, tim tôi thắt lại khi đọc bức thư đó.
Nhà nó yêu quý của tôi, Tôi đang nằm bệnh viện, ốm lắm khó lòng còn dậy được. Tôi muốn nói rằng nếu như tôi không qua khỏi thì nhà viết cho Hãng Greth và Galley, Quảng trường Green, Lincohn’s lnn, Londres, đó là những người của Hãng Luật có nhiệm vụ đi tìm Rémi. Nhà nó bảo họ là chỉ có nhà mới có thể cho được tin tức đứa bé và cẩn thận bắt họ phải trả tiền vì những tin tức này.
Tiền này phải được dùng để làm nhà nó sung sướng trong tuổi già. Nhà nó sẽ biết Rémi ra sao khi viết thư cho ông Acquin, vốn làm nghề làm vườn nay bị giam trong nhà tù Clichy ở Paris.
Tôi đã gặp ông này. Hãy nhờ ông mục sư viết tất cả mọi thư từ vì trường hợp này không thể tin ai được. Đừng làm gì cả trước khi biết tôi không còn sống nữa. ạm hôn nhà nó lần cuối cùng.
Barberin Tôi chưa kịp đọc đến chữ cuối của bức thư thì Mattia đã nhảy dựng lên:
- Tiến về Londres!
Tôi vẫn đang còn ngạc nhiên vì những gì đã đọc thành ra cứ nhìn Mattia chẳng hiểu gì cả.
- Bởi vì thư của má Barberin bảo là những người hành nghề luật Anh chịu trách nhiệm đi tìm cậu, điều đó có nghĩa cha mẹ cậu là người Anh. Phải đi sang Anh, đó là cách tốt nhất để gần lại cha mẹ cậu. Ta có đủ tiền làm cuộc hành trình. Ta sẽ xuống tàu ở Boulogne, tàu đưa ta tới Londres. Không tốn kém lắm đâu.
- Thế thì ta đi. - Tôi bảo.
Chỉ trong hai phút chúng tôi gài xong túi, xuống nhà chuẩn bị đi. Tôi không muốn đi khỏi Paris mà không thăm cha Acquin và cho ông biết những tin tức trên.
Ông rất mừng biết tôi sắp tìm lại được gia đình.
- Mong sớm gặp lại con, con trai ạ, may mắn nhé! Nhớ viết thư cho cha.
Chúng tôi mất tám ngày để đi từ Paris đến Boulogne vì dọc đường còn dừng lại đôi chút ở những thành phố chính làm vài cuộc biểu diễn.
Tới Boulogne trong túi chúng tôi có hơn ba mươi phrăng, có nghĩa nhiều hơn số tiền cần chi cho đi tàu.
Tàu đi Londres khởi hành bốn giờ sáng hôm sau, ba giờ rưỡi chúng tôi đã lên tàu và cố gắng.ngồi sao cho thật ổn sau một đống thùng che chúng tôi khỏi làn gió bấc lạnh lẽo và ẩm thấp.
Dưới ánh sáng của mấy cái đèn tỏa khói, chúng tôi nhìn thấy người ta chất hàng lên tàu:
ròng rọc nghiến lên ken két, những chiếc thùng thả xuống hầm tàu kêu răng rắc, các thủy thủ thỉnh thoảng lại văng ra mấy tiếng khàn khàn; nhưng bao trùm lên hết thảy mọi ồn ào là tiếng lạo xạo của hơi nước thoát ra từ đầu máy từng đám trắng nho nhỏ một. Một hồi chuông gióng lên từng tiếng một, thừng chão rơi xuống nước, chúng tôi lên đường.
Sau một cuộc hành trình trên biển với sóng cả chưa từng thấy, qua đó Mattia đã hiểu thế nào là say sóng, chúng tôi vào tới những làn nước êm ả của sông Tamise và đến Londres.
Chúng tôi lên khỏi tàu. Thành phố chìm ngập trong một làn sương mù dày đặc, phố xá tối tăm lầy lội đầy những xe cộ. Chúng tôi cứ đi tới, chốc chốc lại hỏi đường những người qua lại mà mình gặp. Chúng tôi lạc vào một đám phố xá chằng chịt toàn những phố nhỏ yên tĩnh.
Trong khi Mattia hỏi đường một cái bóng đi qua thì tôi dừng lại, tôi không thở được nữa và tôi run lên.
Rồi chúng tôi lại tiếp tục đi, cuối cùng dừng lại trước một cái biển đồng trên đó đọc được những chữ sau đây: Greth và Galley.
Mattia tiến lên giật chuông, nhưng tôi ngăn tay nó lại:
- Từ từ đã, để tớ lấy lại can đảm đã.
Một lúc sau, nó giật chuông, chúng tôi bước vào một căn phòng có hai ba người đang ngồi viết dưới ánh sáng của nhiều cây đèn ga.
Mattia ngỏ lời với một trong mấy người này.
Tên Barberin gây được tác dụng nhanh chóng:
người ta đưa chúng tôi vào một gian phòng đầy sách và giấy tờ, có một ông ngồi trước cái bàn giấy, một ông khác mặc áo dài và đeo tóc giả đang nói chuyện với ông ta.
Người đưa chúng tôi vào giải thích vài lời ngắn gọn cho ông ta biết chúng tôi là ai.
- Ai là người trong hai cậu đã được Barberin nuôi? - ông ngồi trước bàn giấy hỏi bằng tiếng Pháp.
Tôi tiến lên một bước:
- Thưa ông, tôi ạ.
- Barberin đâu?
- ông ấy chết rồi ạ..Tôi kể lại tóm tắt vì sao tìm đến các ông đây. Tôi rất sốt ruột đến lượt mình đặt ra các câu hỏi nhất là một câu đang cháy bỏng trên môi tôi, nhưng không sao có thì giờ. Đầu tiên phải kể lại tôi đã được Barberin nuôi như thế nào, bị bán cho cụ Vitalis ra sao, rồi được gia đình Acquin đón nhận ra sao, sau đó lại bị vứt ra đường trôi nổi trong cuộc đời như thế nào.
Ông ta ghi chép lại hết và nhìn tôi với vẻ mặt khiến tôi đâm lúng túng; phải nói khuôn mặt ông ta rắn đanh lại, cái cười nom có cái gì bẩn thỉu bên trong.
- Thưa ông gia đình tôi sống ở Anh ạ?
- Nhất định rồi, ở Anh, ít nhất là trong lúc này. Tôi sẽ cho người dẫn cậu đi.
Ông ta bấm chuông. Cửa mở ra.
- à! Tôi quên, ông kia nói, họ của cậu là Dricsoll, tên họ cha cậu là như thế.
Mặc dầu khuôn mặt ông ta trông rất khó chịu tôi những muốn nhảy lên bá cổ ông ta nếu ông ta để tôi có thì giờ; nhưnh ông ta đã lấy tay chỉ chúng tôi ra cửa.
Người thư ký đưa chúng tôi đến nhà cha mẹ tôi là một gã đàn ông bé nhỏ đã già trông quắt queo, mặt mũi nhăn nheo, mặc bộ quần áo đen đã sờn và lên nước bóng loáng, thắt cà-vạt trắng.
Lão ta nhìn chúng tôi và cứ "sịt, sịt" với chúng tôi như sịt chó vậy, có ý bảo chúng tôi đi theo lão. Không mấy chốc chúng tôi đi sang một phố lớn xe cộ chen chúc nhau, lão dừng một chiếc xe lại và cho chúng tôi lên xe. Lão bắt chuyện với người đánh xe. Rất nhiều lần từ Bethnal Green được nhắc tới, tôi cho rằng đó là tên khu cha mẹ tôi ở. Tôi biết green tiếng Anh có nghĩa là màu xanh lá cây, tôi hình dung khu này hẳn phải trồng nhiều cây to đẹp, tôi thấy dễ chịu quá. Chắc nó không giống những phố xá bẩn thỉu ở Londres mà chúng tôi vừa đi qua để tới nơi này.
Xe lăn bánh khá nhanh trong các phố rộng, sau đó vào các phố hẹp, rồi lại tới các phố rộng, nhưng không trông thấy gì ở chung quanh cả do sương mù bao phủ chúng tôi một màu mờ đục.
Trời bắt đầu lạnh, tuy thế chúng tôi cảm thấy khó thở. Tôi nói chúng tôi có nghĩa Mattia và tôi, vì lão dẫn đường ngược lại tỏ ra rất thoải mái, lão thở mạnh, miệng há ra rồi hít vào thật mạnh, như thể vội vã tích lấy một lượng không khí lớn trong phổi lão..Tuy tôi phát sốt lên vì xúc động khi nghĩ tới chỉ chốc nữa đây sắp được ôm hôn cha mẹ, anh chị tôi, tôi rất muốn trông thấy cái thành phố mình đang đi qua. Chẳng phải nó là thành phố của tôi, tổ quốc của tôi hay sao?
Nhưng cho dù có mở to mắt đến mấy tôi cũng chẳng nhìn thấy gì hoặc hầu như không nhìn thấy gì ngoài làn ánh sáng đỏ cạch của ga cháy trong sương mù như một đám mây khói dày đặc; chỉ mờ mờ thấy được những chiếc đèn của xe ngựa đi ngược lại phía chúng tôi, thỉnh thoảng xe chúng tôi phải đứng sững lại sợ đâm vào người đi đường.
Chúng tôi đi khỏi Greth và Galley đã lâu, điều này khẳng định cha mẹ tôi sống ở miền quê.
Nhưng đáng lẽ đi vào vùng nông thôn thì chúng tôi lại đi vào những con phố càng hẹp hơn, chúng tôi nghe thấy tiếng còi đầu máy xe lửa. Bùn trong phố tràn cả vào trong xe, bắn từng mảng đen lên tận chúng tôi; một mùi nhạt nhạt bao trùm lấy chúng tôi từ đã khá lâu chứng tỏ chúng tôi đang ở trong một khu tồi tàn, có lẽ khu cuối cùng trước khi ra tới đồng cỏ của Bethnal Green. Tôi có cảm giác chúng tôi quay trở lại, thỉnh thoảng người đánh xe lại cho xe đi chậm lại tựa như không rõ mình ở chỗ nào. Bỗng nhiên ông ta dừng xe hẳn lại và lỗ nhìn ra ngoài xe mở ra.
Lúc này chúng tôi tranh luận với nhau. Mat-tia bảo tôi nó hiểu rằng lão dẫn đường không muốn đi xa hơn vào khu trộm cắp này nữa.
Cuối cùng lão thư ký cho tiền người đánh xe, lão xuống xe và một lần nữa lại "sịt, sịt" chúng tôi, rõ ràng là đến lượt chúng tôi cũng phải xuống.
Chúng tôi ở trong một con phố đầy bùn giữa sương mù. Lão dẫn đường gọi một người qua đường lại hỏi: chẳng khó khăn gì chúng tôi hiểu là lão hỏi đường.