$\color{Red}{\bigstar \fbox{♥CLB thơ,văn♥}}\color{Red}{\fbox{♥Topic Sưu Tầm♥} \bigstar}$

Status
Không mở trả lời sau này.
L

leduc22122001

BỨC TRANH QUÊ


Mùa Xuân về với mọi miền
Quê mình vào hội tháng Giêng vui vầy
Đường xuân mưa rắc lây rây
Cánh đồng xanh mướt lúa dày ven đê.


Nắng Hè rạo rực tiếng ve
Ven sông phượng đỏ lối về làng ta
Thoảng nghe câu hát ời... a
Tiếng ru lay rặng tre ngà xôn xao.


Cúc vàng soi bóng bên ao
Trời Thu xanh ngắt nao nao lòng người
Cờ bay trong nắng vàng tươi
Khai trường tiếng trống khắp nơi rộn ràng.


Đông về cơn bão vừa tan
Làng quê trở lại bình an trong lành
Xóa nghèo cả nước đồng hành
"Nối vòng tay lớn"* nghĩa tình nặng sâu.
nguồn google
 
L

leduc22122001

VỀ THĂM NHÀ BÁC

Làng Sen-quê Bác đây rồi
Sáng nay con đến bồi hồi tâm can
Rặng tre xanh ngát nắng tràn
Ngôi nhà giản dị, ghế bàn đơn sơ

Một thời nuôi dưỡng tuổi thơ
Quê hương bồi đắp ước mơ trong lành
Ra đi từ mái nhà tranh
Tim mang hồn nước Bác thành vĩ nhân

Trọn đời vì nước vì dân
Ngôi nhà của Bác sáng ngần nếp xưa
Gió lùa cánh võng đung đưa
Nhớ bàn tay mẹ nắng mưa thuở nào

Hương sen thoang thoảng ngọt ngào
Mặt hồ soi bóng trời cao thanh bình
Bác đi muôn dặm hành trình
Con về đi giữa ân tình Bác trao.
nguồn google
 
L

leduc22122001

TÌNH ĐẤT

Đất nuôi ta sống cả đời
Nâng chân ta bước ngược xuôi mọi miền
Ngã rồi tựa đất đứng lên
Đất như lòng của mẹ hiền bao dung
Đất cho suối chảy thành sông
Đất gom hạt nắng ươm bông lúa vàng
Đất cho anh được gặp nàng
Cho ta xa nhớ gần thương hỡi mình
Ngày nào dứt cuộc hành trình
Đất ru... ôm trọn bóng hình ngàn năm.
nguồn google
 
L

leduc22122001

ĐÊM ĐỌC “NGUYỄN ĐỨC TỘC PHẢ”

Con lần giở từng trang Tộc Phả
Giữa đêm khuya chớm lạnh đầu đông
Mà con nghe ấm áp trong lòng
Dường như hình bóng Cha Ông
Đang hiện về từ trong quá khứ
Trước mắt con
Những tên người
Những cuộc đời
Hiện lên theo từng dòng chữ
Xa thời gian…mà gần gũi nhường bao!
Bởi trong con dòng máu dạt dào
Của Tiên Tổ nghìn xưa truyền lại

Dòng họ Nguyễn Đức ta
Xưa khởi nguồn từ Sơn Tây-Yên Thái
Vào định cư nơi Xứ Nghệ-Kim Thành
Từ một cây nay có cả rừng xanh
Một Cụ Tổ sinh mấy nghìn con cháu

Thuở ấy rừng sâu, thú dữ
Đồng hoang lầy lội, cây cối um tùm
Thương người xưa chân đất lưng trần
Bao thế hệ đổ mồ hôi nước mắt
Cho con cháu ngày nay xóm làng sầm uất
Ruộng lúa hai mùa, cuộc sống vui tươi
Trải mấy trăm năm hơn hai chục đời người
Họ Nguyễn Đức ta trong cộng đồng dân tộc
Có sức sống dồi dào mãnh liệt
Lắm bể dâu mà chẳng vấy bụi trần*

Con xin cúi đầu bái lạy trước Tiền Nhân
Dâng nén hương thơm lên bàn thờ vọng
Tri ân Tổ Tiên cho cháu con cuộc sống
Và cho đời truyền thống vẻ vang
Lao động cần cù, hiếu học, nghĩa nhân
Yêu Tổ quốc và xả thân vì nước
Từ thuở Cần Vương hơn trăm năm trước
Đến gần đây hai cuộc chiến tranh
Con cháu Nguyễn Đức ta đã đem hết sức mình
Cả xương máu vì Tự do Độc lập
Yên Thái tiền cơ lưu phổ đức
Kim Thành hậu duệ kế hoàng khôi**
Lời Ông Cha truyền lại sáng ngời
Giục con cháu kề vai tiến bước
Lao động quên mình, hăng say học tập
Để dựng xây Tổ quốc mạnh giàu
Cho cuộc đời xán lạn mãi mai sau

Con lần giở từng trang Tộc Phả
Giữa đêm khuya chớm lạnh đầu đông
Trước mắt con hình bóng Cha Ông
Đang hiện về cùng cháu con lớp lớp…
nguồn google
 
L

leduc22122001

CÂY MÍT VƯỜN XƯA


Cây mít cha trồng năm ấy
Bây giờ cao lớn xanh tươi
Cha mẹ đi xa mấy chục năm rồi
Cây vẫn còn đây, trĩu cành sai quả
Tháng Tư quê ta ngày mùa hối hả
Con trở về thăm mái nhà xưa
Mảnh vườn thân quen dưới nắng ban trưa
Tán mít sum sê một vùng mát rượi
Cây đứng đây qua tháng năm không mỏi
Như bóng ông bà che chở cháu con
Áp bàn tay vào thân mít xốn xang
Ngỡ nắm tay cha dạn dày mưa nắng
Hơn trăm quả trên các cành trĩu nặng
Như đời cha gánh nặng bấy phong trần
Nhớ thuở chiến tranh sơ tán di dân
Rời xã đồng bằng lên rừng khai khẩn
Cha vỡ đất lưỡi cuốc mòn lại sắm
Mẹ tảo tần tìm hạt gạo củ khoai
Bao giọt mồ hôi thấm đẫm, chảy dài
Con như thấy mẹ cha còn đâu đó
Dưới hàng cây chiều ngồi hóng gió
Hay lưng đồi tay cuốc, tay dao...
Mảnh vườn xưa hương mít ngọt ngào
Như tình mẹ tình cha để lại
Cây mít cha trồng hãy còn mãi mãi
Cả trên đời và trong trái tim con.
nguồn google
 
L

leduc22122001

TRƯỚC NGÔI MỘ CHA MẸ

Xưa mỗi lần về thăm quê hương
Có cha mẹ ấm nồng bếp lửa
Từ ngày ấy biệt ly thương nhớ
Con về nhà lạnh lẽo đơn côi

Khói hương thơm nghi ngút lên trời
Bay về đâu tìm người thiên cổ
Chén rượu trắng nghiêng sầu lòng mộ
Ngọn cỏ nhoè từng giọt xót xa

Xưa những khi cha mẹ vắng nhà
Con thường đứng đợi chờ trước ngõ
Giờ quạnh quẽ mình con trước mộ
Lời khấn cầu theo gió hắt hiu

Xưa mẹ cha yêu mến cưng chiều
Tuổi thơ con lắm điều khờ dại
Dòng “nước mắt chảy xuôi” tê tái
Thương mẹ cha bao nỗi buồn đau

Mẹ cha xưa gắn bó cùng nhau
Về Tiên Tổ đất trời một cõi
Cả đời người sống vì con cái
Hồng phúc dành để lại cháu con

Qua nắng mưa bia đá thì mòn
Ơn cha mẹ nghìn năm còn đó*
Vừng nhật nguyệt đêm ngày soi tỏ
Nấm mồ chung cây cỏ mãi xanh!
nguồn google
 
L

leduc22122001

ÁNH ĐIỆN ĐƯỜNG THÔN

Tôi đi trong ánh điện đường thôn
Cứ ngỡ mình lạc vào phố nhỏ
Tiếng nhạc lẫn tiếng cười rộn rã
Cả tiếng còi xe máy ríu ran

Đã qua rồi cái thuở "hồng hoang"
Màn đêm xuống làng quê như hũ nút
Thủy tinh nào bao đời gây lũ lụt
Nay biến thành dòng điện sáng quê hương

Bơm nước lên đồi tưới mát ruộng nương
Cho mẹ ta đỡ còng lưng vất vả
Cho em ta sáng ngời trang vở
Cho lứa đôi không lỡ hẹn mùa trăng

Điện đường làng từng dãy giăng giăng
Tôi ngỡ mình lạc vào phố nhỏ
Dù đã qua bao nhiêu thành phố
Càng yêu hơn ánh điện quê mình.
nguồn google
 
L

leduc22122001

VỀ THĂM THẦY GIÁO CŨ

Con về thăm lại thầy xưa
Ngôi nhà gắn bó tuổi thơ một thời
Thầy con nay đã già rồi
Mái đầu bạc trắng dáng người mỏng manh

Học sinh bao lớp trưởng thành
Công thầy dạy dỗ tận tình sớm trưa
Con không quên được ngày xưa
Lần đầu đến lớp i-tờ, thầy ơi!

Tuổi thơ biếng học ham chơi
Nhiều khi thầy phải nặng lời răn đe
Có hôm giữa buổi trưa hè
Rủ nhau đánh trận mải mê ngoài cồn*

Thầy không đánh mắng chúng con
Chỉ bắt đứng xó một hôm cho chừa
Những lời thầy dạy năm xưa
Giúp con vượt khó, nắng mưa dạn dày
Lớn lên đi khắp đó đây
Nhớ về trường cũ, thương thầy biết bao!

Dạy trò biết mấy công lao
Một đời thầy sống thanh cao khiêm nhường
Vẫn ngôi nhà cũ ở làng
Mảnh vườn nho nhỏ, mấy hàng hoa ngâu
Như ngày xưa khác gì đâu
Giọng thầy ấm áp những câu thân tình

Lời thầy con nhớ đinh ninh
Dạy người trước hết tự mình làm gương
Con đi mỗi bước trên đường
Mang theo hơi ấm tình thương của thầy.
nguồn google
 
L

leduc22122001

VỀ LẠI SÔNG LAM

Ngày cuối năm trở lại quê nhà
Bên Sông Lam hiền hoà yêu dấu
Dòng sông quê sau mùa mưa lũ
Cỏ lại lên xanh mướt đôi bờ

Người lại qua hối hả chuyến đò
Anh bỗng nhớ ngày xưa...bom đạn
Khi nhà trường phải đi sơ tán
Bến sông này em vẫn thường qua

Các con thơ gửi lại Ông Bà
Em đạp xe đường xa vất vả
Máy bay thù thường xuyên đánh phá
Những xóm làng đâu có bình yên!

Ở nơi xa thao thức đêm đêm
Anh nhớ về quê hương da diết
Qua tháng năm mỏi mòn ly biệt
Chiến thắng rồi ta được gần nhau

Trường bây giờ mấy dãy nhà cao
Những lớp học ngời ngời điện sáng
Đâu là chỗ ngày xưa sơ tán
Nơi em thường thức với đèn dầu?


Đời chúng mình không biết đã về đâu
Nếu không giữ niềm tin như giữ lửa
Nếu không có tình yêu đôi lứa
Một ngọn đèn dầu sao qua nổi mùa Đông?

Về quê nhà anh gặp lại dòng sông
Sông nuôi dưỡng ước mơ thời thơ ấu
Sông của em những ngày đạn lửa
Sông của chúng mình
Muôn thuở tươi xanh!
nguồn google
 
L

leduc22122001

NẮNG GIÓ MIỀN TRUNG
Tác giả: Văn Hải
Sát biển bão gió triền miên
Miền Trung yêu dấu vẫn kiên với đời
Nghệ An du lịch nơi nơi
Ấy là quê Bác đầy vơi nghĩa tình
Vùng đất lịch sử ngàn chinh
Vang danh sử sách còn bình thơ ca
Hà Tĩnh những núi mờ xa
Nguyễn Du cụ ấy sinh ra nơi này
Đèo Ngang thắng cảnh đắm say
Để ai qua cũng nhớ ngày nghĩ đêm
Quảng Bình mưa bão như chêm
Đây miên cát trắng lại thêm biển vàng
Cụ Giáp quê ở đây làng
Xông pha trận mạc sử vàng lưu danh
Quảng Trị Bạch Mã núi xanh
Nơi miền bom đạn vang danh một thời
Huế có sông Hương xanh ngời
Câu hò điệu ví bên trời thiết tha
Đà Nẵng sạch đẹp chan hòa
Là nơi đáng sống, lắm quà thiên nhiên
Quảng Nam nơi lắm điền viên
Bao nhiêu đồi núi triền miên Hồng Đào
Quảng Ngãi Dung Quất mời chào
Là khu công nghiệp tạo nhiều nhập thu
Bình Định miền đất thiên thu
Cổ truyển dân tộc võ vu với đời
Phú Yên miền đất thiên thời
Vang danh sử sách muôn đời vẫn ghi
Khởi nghĩa Yên Thế vẫn thì
Ngàn năm vang vọng còn đi với đời
Khánh Hòa có biển tuyệt vời
Nha Trang du lịch như đời lên tiên
Ninh Thuận nho trải khắp miền
Muối trắng ven biển cấp tiền cho dân
Bình Thuận Thanh Long rất cần
Dùng cho xuất khẩu một phần để ăn
Đôi dòng chưa hết ý văn
Sơ qua thêm hiểu nhọc nhằn miền Trung
 
L

leduc22122001

NGAO DU KHÚC RUỘT MIỀN TRUNG
Tác giả: Kẻ Bán Linh Hồn
Yêu lắm khúc ruột miền trung
Bao phen lũ lụt ung dung nổi chìm
Xuôi về Thanh Hóa ta tìm
Sầm sơn ,sông mã im lìm yên vui
Ghé rồi cũng phải rút lui
Nghệ An đứng đợi tiệc vui đón chào
Sông Lam nước chảy ào ào
Làng sen quê Bác ai nào lòng quên
Kia rối Hà Tĩnh kề bên
Viếng mộ Nguyễn Du vòng lên Trần Phú
Nghe rừng xôn xao chuyện cũ
Ngã ba đồng lộc giặc lũ năm xưa
Quảng Bình cũng trải nắng mưa
Bây giờ đổi mới khác xưa hơn nhiều
Thiên nhiên cũng rất mĩ miều
Phong Nha ,Đồng Hới đáng yêu không nào
Thôi ta tiếp tục đi vào
Quảng Trị cát trắng gió lào đợi ta
Hiên ngang thành phố Đông Hà
Hiền Lương,Bến Hải tà tà ngắm chơi
Húê rồi ta tạm nghỉ ngơi
Đền chùa lăng tẩm một thời vua quan
SôngHương,Núi Ngự hân hoan
Tràng Tiền ngửa mặt than van răng buồn
Ghé vào Đà Nẵng thăm luôn
Thành phố rực rỡ với muôn sắc màu
Sáu quận ,hai huyện đua nhau
Làm ăn kinh tế chóng giàu khen thay
Quảng Nam cũng đã vẫy tay
Hội An thật đẹp lung lay lòng người
Sông Thu Bồn mãi tươi cười
Tam Kỳ thành phố bao người ngợi ca
Cạnh bên Quảng Ngãi hiền hòa
Ngư dân đánh bắt bao la biển trời
Xe đạp xe độp trời ơi
Cũng vì vui vẻ người đời ghẹo nhau
Bình Định rồi bước thật mau
Làm vài ly rượu men bàu đá coi
Tây Sơn võ thuật hẳn hoi
Quy Nhơn lãng mạn đứng coi quên về
Mỏi chân thôi bước lê thê
Phú Yên yêu mến mải mê núi đồi
Tuy Hòa cũng đẹp lắm thôi
Lòng nghe xao xuyến,hỡi ôi ! Xin chào
Khánh Hòa đã đến rồi sao
Nha Trang phố biển ôi chao dịu dàng
Việc chi phải vội phải vàng
Mực tươi hải sản nhẹ nhàng nhậu chơi
Ninh Thuận nắng ghắt đỏ trời
Cây nho vẫn sống đời đời tốt tươi
Phan Rang chào đón mọi người
Tháp Chàm cổ kính bao người đắm say
Bình Thuận cũng phải đến ngay
Bao nhiêu cảnh đẹp thế này bỏ sao
Phan Thiết xin gửi lời chào
Sóng biển vẫn cứ ồn ào trong tim.
 
L

leduc22122001

hôm này đăng các tác phẩm sưu tầm được không ??? ____________________________________________
 
Q

quynhphamdq

Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ

FÊLIX PITA RÔĐ'RIGHET - Cuba
Hoàng Hiệp dịch

Bởi vì người, Hồ Chí Minh
Nhà thơ Hồ Chí Minh,
Người nông dân Việt Nam trong sáng: Hồ Chí Minh,
bảy mươi tám nǎm gần trọn cả đời mình tranh đấu,
Và người đã hy sinh từ bỏ mọi tên,
để chỉ còn là một giọng nói, một hơi thở, một cái nhìn
để chỉ còn là... có gì đâu khác...
là đất nước, là máu xương Tổ quốc;

Bởi vì Người đau nỗi đau của những vết thương
trên mình mỗi em bé Việt nam bị quỷ "Yanki" giết chết,
Khi giặc lái của Lầu Nǎm goởc phá đổ mỗi ngôi nhà,
Thì lòng Người bỗng nhiên như sụp mái.

Bởi vì trong mỗi xóm nhỏ tan hoang vì bom napan Mỹ,
Một mảnh tim Người tự cháy xót xa!
Hồ Chí Minh, tên Người là cả đói ngày xưa
Vì Người đã chết hai triệu lần nǎm đói bốn nhǎm khủng khiếp

Bởi vì người đã mặc lên mọi tấm áo xác xơ
đã đi chân đất với mỗi đôi chân trần của người dân đất nước,
Bởi vì Người đã chứa chất nỗi tủi nhục của mọi người cùng cực,
Bởi vì Người đã từng chịu đau nỗi roi vọt đánh vào dân tộc,

Thuở bọn thực dân Pháp
hòa trộn than Hồng Gai với máu người thợ mỏ,
cao su miền Nam với máu người phu đất đỏ,
lúa gạo đồng bằng với máu nông dân,
để biến thành vàng bạc gấp trǎm;

Bởi vì lòng Người héo hon khi nắng hạn
Với ruộng đồng chết khát nǎm lại qua nǎm,
Và người mang cấy lại trên lòng mình
mỗi cây lúa chết ngạt vì lụt nước trắng bờ!
Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ.
Bởi vì Người đã sống cùng phu Quảng Châu, Thượng Hải.
Và đo được mức tận cùng đói rách,
và ở Nam Phi, Người cũng đo được đói rách tận cùng
của những người Âận cùng đinh sang đó
tìm miếng cơm nuôi sống qua ngày
Bởi vì Người đã đến với dân lao động
từ đào huyệt chôn mình khi vét dòng kênh Panama
Và như thế, Người đã nhận ra rằng:
Bất cứ ở đâu, con người cũng chỉ là một và đói khổ cũng chỉ là một,
và Người cũng biết: ở đâu cũng một lòng cǎm uất,
và đường đi chỉ có một mà thôi.
Bởi tất cả những điều đó và nhiều điều khác nữa
mà lời nói khó lòng chứa đựng:
Bởi vì đối với Người thì phẩm giá con người
còn cao hơn miếng cơm, danh vọng
Cao hơn cả trường tồn cuộc sống,
Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ.

Có thể ca ngợi Người như ca ngợi biển cả, núi cao,
như ngợi ca sông Cửu Long, sóng Hồng Hà.
Nói tới Người là nói vịnh Hạ Long, Điện Biên Phủ,
Chùa Một Cột, là nói những ruộng đồng đỏ ánh phù sa.
Có thể nói tới Người bằng hết thảy những lời tương tự
khi nói tới cây nhãn và cây tre xứ sở.

Bởi vì ca ngợi Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh,
Nhà thơ Hồ Chí Minh
Người nông dân Việt Nam trong sáng: Hồ Chí Minh,
là ca ngợi đất nước Việt Nam tươi đẹp và đau thương.
Ca ngợi nước Việt Nam mà dáng dấp
không còn là một chiếc đòn tre gánh mỗi đầu mỗi thúng.
Mà là một hình dáng quang vinh của cửa ngõ có một không hai
để đi vào thế giới tương lai.
 
L

leduc22122001

Thuyết minh về danh lam thắng cảnh
Ngũ Hành Sơn là tên gọi chung của năm ngọn núi thuộc Đà Nẵng.Đây là nhóm núi đá (trong đó có cả đá cẩm thạch) nằm kề với biển, liền sông được vua Minh Mạng đặt tên mỗi ngọn núi tượng trưng cho các yếu tố cấu thành vũ trụ là Kim Sơn, Thuỷ Sơn, Thổ Sơn, Mộc Sơn và Hoả Sơn.


Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 8 km về phía đông nam, trên một bãi cát mênh mông gần bờ biển, thuộc làng Hoà Khuê, ấp Sơn Thủy, huyện Hòa Vang quận Ngũ Hành sơn. Thuở xa xưa người Chiêm Thành, thờ thần linh theo tín ngưỡng của họ, ngày nay còn lưu lại di tích qua những tượng thần bằng đá, những đền tháp và hình tượng khắc trong vách đá ở Chùa Linh Ứng, trong động Huyền Không. Ngũ Hành Sơn bao gồm 5 ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn, Hoả Sơn(Âm Hỏa sơn va Dương Hỏa sơn), Thổ Sơn.

Thuở xa xưa người Chiêm Thành, thờ thần linh theo tín ngưỡng của họ, ngày nay còn lưu lại di tích qua những tượng thần bằng đá, những đền tháp và hình tượng khắc trong vách đá ở Chùa Linh Ứng, trong động Huyền Không. Ngũ Hành Sơn bao gồm 5 ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn,Hỏa sơn(được chia làm 2 loại: Âm Hỏa sơn và Dương Hỏa sơn) va Thổ sơn.

* Kim sơn (Metall - metal) là hòn núi khiêm tốn nhất trong 5 ngọn núi kéo dài từ đông sang tây, sông Trường nối dài ra sông Đà Nẵng, có đò Bến ngự ngày xưa Vua chúa thường cập bến nơi đây để ngọan cảnh, qua thời gian biển dâu biến thành ruộng đồng, sông Trường có tên „Lộ Cảnh Giang là sông Cổ Cò“, đã bị vùi lấp biến thành ruộng hoặc hồ nước còn dấu tích của những đoạn sông chưa bị lấp kín

* Mộc sơn (Holz - wood) phiá đông nam nằm song song với núi Thủy sơn dù mang tên là mộc, nhưng cây cối mọc rất ít núi cũng có hang động nhỏ, Mộc sơn có khối đá cẩm thạch trắng giống hình người

* Thuỷ sơn (Wasser - water) phiá đông bắc là núi đẹp nhất, du khách thường đến ngoạn cảnh gọi là Chùa Non Nước, phong cảnh hữu tình có thể nói núi Thủy sơn nằm dài từ đông sang tây rộng 15 ha, có nhiều Chùa được xây cất lâu đời, có động Thạch nhũ, có hai chùa đẹp chùa Tam Thai và chùa Linh Ứng, đường lên núi làm bằng từng cấp lót đá, trên đỉnh 3 ngọn núi mang tên là „Tam Thai“ bởi vì nó giống như „Sao Tam Thai“ tức là 3 ngôi sao làm thành cái đuôi của chùm sao Đại Hùng Tinh. Du khách từ vùng biển muốn lên thăm Linh Ứng phải bước lên khoảng 108 tầng cấp, nếu đến chùa Tam Thai nằm ở phiá nam phải đi xa hơn những tầng cấp dài 156 bậc. Ngày nay phần lớn du khách đến Thuỷ sơn bằng xe từ đường Huyền Trân, hai bên đường là làng chuyên về nghề điêu khắc tạc tượng, bằng đá cẩm thạch

* Hỏa sơn (Feuer - fire) ngọn núi hướng về phiá tây nam sườn núi hiểm dốc hang động hoàn toàn im lặng, đối diện với hòn Kim Sơn, bên trái đường Sư Vạn Hạnh, trên dãy núi Hỏa sơn còn lại những đống gạch vụn từng mảnh hay đôi khi nguyên vẹn, trong những hố đá gạch sụp lở đó là di tích đền tháp của người Chiêm Thành. Hoả sơn nơi người ta khai thác lấy đá cẩm thạch. Đá cẩm thạch non nước có nhiều vân, sắc đẹp hồng, xám, trắng, những loại đá khác nhau rất hữu ích cho công nghiệp, đá vụn để trãi đường, tô tường nhà. Hỏa Sơn gồm có một hòn Âm và một hòn Dương, nối liền với nhau bằng một đường đá thiên tạo nhô cao hẳn lên.

Hòn Âm Hỏa Sơn nằm phía đông, gần đường Lê Văn Hiến, chóp núi tròn nhô lên cao hơn. Sườn núi có nhiều thớ đá nằm nghiêng và chạy nghiêng cắt ra từng đoạn, cây cối mọc ở các kẻ đá, ở mỏm núi phía đông có một cái hang thông từ sườn phía nam ra sườn phía bắc. Nhân dân địa phương thường đi theo đường này đến các hòn Kim Sơn và Thổ Sơn.

Hòn Dương Hỏa Sơn nằm ở phía tây. Ngày xưa, khi còn giao lưu được giữa Hội An và Đà Nẵng bằng đường thủy, ở đây có một bến sông, ghe thuyền đi về buôn bán vô cùng tấp nập. Trên bờ sông, sát chân hòn Dương Hỏa Sơn có khu miếu Ông Chài, hiện đã bị đổ nát. Tên dân dã "núi Ông Chài" có thể bắt nguồn từ đó. Tại một điểm cao trên sườn núi cheo leo, vách đá thẳng đứng, phía bắc Dương Hỏa Sơn nhìn về phía Kim Sơn, có ba chữ Hán lớn, nhìn từ xa rất rõ "Dương Hoả Sơn" và một dòng chữ nhỏ phải đến gần mới thấy : "Sắc Minh mạng thập bát niên thất nguyệt nhật cát lợi".

* Thổ sơn (Erde - earth) là núi thấp nằm chính giữa có dạng vuông, cạnh không đều nhau, Thổ sơn không có phong cảnh đẹp chỉ có đất sét đỏ và đá cát lẫn lộn. Theo truyền thuyết Thổ sơn là nơi linh địa ngày xưa người Chiêm Thành đồn trú nơi đây, còn tìm thấy những nét về văn minh người Chiêm Thành điêu khắc vào đá như một cứ điạ từ đó xuất phát đi cướp phá các vùng biển có tàu buôn đi từ Trung hoa xuống đến vùng biển Mã lai. Thổ sơn thấp bao quanh những ngọn núi cao hơn.
nguồn google
 
Last edited by a moderator:
L

leduc22122001

Thuyết minh về danh lam thắng cảnh
Hạ Long theo nghĩa đen có nghĩa là Rồng bay xuống. Cái tên này gắn liền với một truyền thuyết đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Truyền thuyết kể lại rằng ngay từ những ngày đầu lập nước, người Việt đã bị giặc ngoại xâm tấn công theo đường biển. Biết trước được điều này Ngọc Hoàng đã sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Khi thuyền giặc chuẩn bị ồ ạt tiến vào bờ cũng là lúc đàn Rồng từ trời cao bay xuống. Đàn Rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc và thoắt biến thành muôn ngàn đảo đá ngọc bích trên biển. Những hòn đảo liên kết với nhau tạo nên bức tường thành vững chắc làm đoàn thuyền giặc đang lao nhanh, bị chặn đột ngột, đâm vào các đảo đá và đâm vào nhau vỡ tan tành. Sau khi giặc ngoại xâm bị đánh đuổi ra khỏi bờ cõi, Rồng Mẹ và Rồng Con không trở về trời nữa vì họ đã say mê vẻ đẹp của nước và biển nơi hạ giới. Họ quyết định ở lại chính nơi mà trận chiến đã diễn ra. Vị trí mà Rồng Mẹ đáp xuống là Hạ Long và nơi mà Rồng con đáp xuống, cúi đầu chào mẹ của mình chính là Bái Tử Long, nơi những chiếc đuôi quẫy mạnh được gọi là Bạch Long Vĩ.

Vịnh Hạ Long là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Vịnh Hạ long được hình thành do sự vận động của đá và nước, là một tác phẩm nghệ thuật địa lí được hoàn thành sau hàng triệu năm biến đổi của địa chất. Là trung tâm của một khu vực rộng lớn có những yếu tố ít nhiều tương đồng về địa chất, địa mạo, cảnh quan, khí hậu và văn hóa, với vịnh Bái Tử Long phía Đông Bắc và quần đảo Cát Bà phía Tây Nam, vịnh Hạ Long giới hạn trong diện tích khoảng 1.553km² bao gồm 1.960 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi.

Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Hạ Long như một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ vô cùng sống động. Đó là những tác phẩm tạo hình tuyệt mỹ, tài hoa của tạo hoá, của thiên nhiên biến hàng ngàn đảo đá vô tri tĩnh lặng kia trở nên những tác phẩm điêu khắc, hội họa hoàn mỹ với muôn hình dáng vẻ yêu kiều, vừa rất quen thuộc vừa như xa lạ với con người. Hàng ngàn đảo đá nhấp nhô trên sóng nước lung linh huyền ảo, vừa khoẻ khoắn hoành tráng nhưng cũng rất mềm mại duyên dáng, sống động. Đi giữa Hạ Long với muôn ngàn đảo đá, ta ngỡ như lạc vào một thế giới cổ tích bị hoá đá nơi đây. Đảo thì giống hình ai đó đang hướng về đất liền - hòn Đầu Người; đảo thì giống như một con rồng đang bay lượn trên mặt nước - Hòn Rồng; đảo thì lại giống như một ông lão đang ngồi câu cá - hòn Lã Vọng; và kia hai cánh buồm nâu lực lưỡng đang rẽ sóng nước ra khơi - hòn Cánh Buồm; rồi hai con gà đang âu yếm vờn nhau trên sóng nước - hòn Trống Mái; đứng giữa biển nước bao la một lư hương khổng lồ như một vật cúng tế trời đất - hòn Lư Hương... Tất cả đều rất thực, thực đến kinh ngạc. Những đảo đá diệu kỳ ấy biến hoá khôn lường theo thời gian và góc nhìn. Tới đây ta mới nhận ra tất cả chúng không phải là những hòn đảo vô tri tĩnh lặng mà như có hồn và đều sống động.

Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, động Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, động Tam Cung... Đó thực sự là những lâu đài của tạo hoá giữa chốn trần gian. Từ xưa, Hạ Long đã được đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi mệnh danh là “kỳ quan đất dựng giữa trời cao”. Bao tao nhân mặc khách từ khắp năm châu khi đặt chân đến đây đều cảm thấy bàng hoàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của Hạ Long, dường như họ đều cảm thấy lúng túng và bất lực bởi vốn từ hiện có vẫn chưa đủ để mô tả vẻ đẹp của Hạ Long.

Vịnh Hạ Long cũng là nơi gắn liền với những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc Việt Nam với những địa danh nổi tiếng như Vân Đồn - nơi có thương cảng cổ sầm uất vào thế kỷ thứ 12; có núi Bài Thơ lịch sử; cách đó không xa dòng sông Bạch Đằng - là chứng tích của hai trận thuỷ chiến lẫy lừng của các thế hệ ông cha chống giặc ngoại xâm. Không chỉ có vậy, Hạ Long còn là một trong những cái nôi của con người với nền Văn hoá Hạ Long huy hoàng thời Hậu kỳ đồ đá mới tại những địa danh khảo cổ học nổi tiếng như Đồng Mang, Xích Thổ, Soi Nhụ, Thoi Giếng...

Hạ Long cũng là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng áng, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới... Với hàng ngàn loài động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng như tôm, cá, mực... Có những loài đặc biệt quý hiếm chỉ có ở nơi đây.

Với các giá trị ngoại hạng về cảnh quan và địa chất, địa mạo vịnh Hạ Long hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành kinh tế du lịch với loại hình đa dạng. Đến vịnh Hạ Long, chúng ta có thể tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham quan ngắm cảnh, tắm biển, bơi thuyền, thả dù, lặn khám phá rặng san hô, câu cá giải trí… Vùng vịnh thích hợp cho việc nuôi trồng và đánh bắt hải sản do có các điều kiện thuận lợi: khí hậu tốt, diện tích bãi triều lớn, nước trong, ngư trường ven bờ và ngoài khơi có trữ lượng hải sản cao và đa dạng với cá song, cá giò, sò, tôm, bào ngư, trai ngọc các loại.

Hiện nay, vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới . Hạ Long là một điểm du lịch hấp dẫn vì cảnh quan nơi đây thật đẹp và hữu tình. Phong cảnh Hạ Long không bao giờ bị tẻ nhạt, mỗi một mùa lại mang đến cho Hạ Long một sắc thái riêng đầy ấn tượng. Vịnh Hạ Long là nơi có nguồn tài nguyên dồi dào, hằng năm cung cấp hải sản cho các nhà máy chế biến.

Vịnh Hạ Long là một di sản văn hóa đáng tự hào của dân tộc. Ngày nay, vnh Hạ Long vẫn đang thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mang lại nhiều lợi ích cho nước nhà, chúng ta cần ra sức bảo vệ và giữ gìn vịnh Hạ Long để vịnh ngày càng xanh tươi hơn, mãi mãi là niềm tự hào của đất nước. .
nguồn google
 
Last edited by a moderator:
L

leduc22122001

kể lại câu chuyện về con vật mà nhà em nuôi
Ồ! Đó là tiếng kêu của con mèo Trắng nhà tôi đấy, nó đang cùng đàn con gồm ba chú mèo dễ thương đến chơi với tôi. Nhìn nó chơi đùa với đàn con mà tôi thấy vui trong lòng, nhưng để có được như ngày hôm nay thì con Trắng nhà tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn và vất vả.Chợt, tôi nhớ lại chuyện xảy ra lúc đó…


Đó là lúc cách đây khoảng một năm, khi đó tôi mới học lớp 7, con Trắng còn chưa đẻ con, nó mới 2 tuổi, còn trẻ lắm, nó hay chơi đùa với tôi. Trắng là một con mèo màu trắng buốt, thân hình thon thả, đuôi dài, chân nó với miếng đệm màu hồng mềm mại bên dưới giúp nó di chuyển mà chẳng gây ra tiếng động nào, dù chỉ là nhỏ nhất. Chiếc đầu nó thì nhỏ nhắn, xin xắn, kèm theo đôi tai và đôi mắt đen tuyền dễ thương trông rất đáng yêu. Đừng nghĩ nó chỉ là một con mèo cảnh mà không biết bắt chuột nhé! Chiếc mũi hồng lúc nào cũng ươn ướt với đôi tai cực nhạy bén và đôi mắt cực kì tinh một khi đã kết hợp lại thì chẳng chú chuột nào chạy thoát. Ngoài ra, bộ móng vuốt sắc nhọn có thể thu lại gọn gàng càng làm cho Trắng như trở thành một sát thủ điêu luyện thực sự. Có một đặc điểm giúp tôi không thể nhàm lẫn Trắng với bất kì con mèo nào khác đó là vài chiếc đốm đen nhỏ xíu ở trên đuôi của Trắng. Và đó chính là ấn tượng đặc biệt sâu đậm khi lần đầu tiên tôi nhìn thấy Trắng.

Trắng rất thích nằm, nó có thể nằm ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, bất cứ thời điểm nào. Mọi người nghĩ rằng nó rất lười và thường thắc mắc:<< Tại sao nó lại lười thế nhỉ? >> Nhưng chỉ có tôi biết được, đó là lúc nó đang thư giãn, nó cần được gãi vào bộ lông mượt mà của nó, nhất là ở trên đầu và vùng bụng. Trắng rất thích chơi đồ chơi, nó thích những thứ tròn và lăn được, mà cuộn len là thứ nó thích nhất. Biết được sở thích của nó nên lâu lâu tôi lại lén lấy một vài cuộn len của bà, và mỗi lần như thế thì lại có chuyện xảy ra: Nếu không phải là sợi len vương vãi khắp nhà thì cũng là những tiếng đỗ vỡ của bình hoa do Trắng làm lúc hứng chí. Ban đầu bố mẹ tôi còn la, nhưng nhiều lần như thế rồi đâm ra bố mẹ tôi xem đó như chuyện thường ngày và <<ghiền>> luôn, ghiền cái cảm giác được mắng <<yêu>> chú mèo Trắng dễ thương mà tôi yêu quý. Từ đó bố mẹ coi Trắng như là một thành viên, không! Như là một người con quan trọng trong gia đình.

Tôi cứ tưởng mọi việc sẽ êm đềm trôi qua như vậy thì ngờ, vào một ngày, tôi chẳng thấy Trắng đâu cả! Tôi sợ lắm! Sợ không còn gặp lại Trắng nữa, sẽ không còn được vuốt ve bộ lông mượt mà của nó nữa, sẽ chẵng còn được mang những cuộn len cho nó chơi nữa! Thế là tôi bắt đầu đi tìm Trắng, ba mẹ tôi cũng vậy, tất cả mọi người trong nhà tôi, kể cả hàng xóm cũng vậy, ai nấy đều yêu mến Trắng và đang xôn xao đi tìm nhưng tìm mãi chẳng thấy nó đâu. Tìm không thấy tôi bắt đầu lo lắng: << Chẳng lẽ Trắng ghét mình nên bỏ đi mất rồi? Nhưng nó đang mang bầu thì đi đâu được? Hay là nó đã bị ăn thịt rồi? >> Chỉ nghĩ đến hai chữ << Hay là >> đó thì tôi bần thần cả người, tôi chực khóc, nhưng vì là đàn ông nên tôi cố kìm nén cảm xúc của mình. Tôi buồn, tôi buồn lắm, tôi nhớ cái ngày nghe tin Trắng đã có thai thì tôi nhảy cẫng lên, vui mừng khôn xiết, mà bây giờ lại phải chấp nhận sự thật rằng: << Trắng đã ra đi, không còn trở lại nữa! >>. Thấy tôi buồn thì bố tôi an ủi:

- Con à, đừng buồn nữa.

- Nhưng đâu tìm thấy Trắng đâu bố, chắc nó đi thật rồi?

- Đừng lo con ạ, ba sẽ đăng lên báo nhờ người tìm giúp, đừng nản chí con nhé!

Nghe được những câu đó, tôi dường như được tiếp thêm sức mạnh, tôi nghĩ chắc chắn sẽ tìm được Trắng thôi. Nhưng rồi 1 ngày, rồi 2 ngày, 3, 4,5 ngày mà vẫn chẳng thấy Trắng đâu cả, kể cả những tin gì về nó. Tôi bỗng hụt hẫng và bắt đầu ý nghĩ chấp nhận rằng Trắng đã đi thật rồi!
Ngày qua ngày, tôi chỉ biết ngồi cầm những vật mà Trắng thích: Cuộn len loại xịn mà tôi đã đích thân tặng , quả bóng đồ chơi, cả cái chén ăn cơm của nó nữa,… Tôi ngồi thẫn thờ nhìn lên bầu trời xa xăm, đám mây trôi lững lờ bỗng dừng lại, đàn chim bỗng ngừng hót, cây cối ngừng rơi lá,… Tất cả như chia sẻ nỗi buồn cùng tôi.

Tôi nghĩ mọi việc đã kết thúc! Nhưng nó chỉ thực sự kết thúc khi nó đã đến hồi kết. Vào ngày thứ 11 sau khi đăng báo, thì bất ngờ có một người đến nhà tôi và đưa cho tôi một thùng các-tông to đùng, tôi mở ra xem thì rất bất ngờ: Trong đó chính là Trắng và ba chú mèo con chưa mở mắt. Khi thấy Trắng bỗng nhiên bị sứt một bên tai thì tôi hỏi chú ấy:

- Chú ơi, tại sao con mèo nhà cháu bị như vậy?

- À, chú tên là Nam, nhà ở khu bên, chú làm nghề xe thồ, nhà chú cũng có nuôi một con mèo đực. Chú cứ thấy con mèo Trắng nhà cháu luẩn quẩn quanh nhà chú, chú định đuổi đi thì thấy nó có vẻ mệt mỏi, còn lại có bầu nữa, thế là chú cho nó ở lại và còn chia cho nó một phần cơm nữa. Cứ từ đó con mèo nhà chú và con mèo Trắng cứ quấn quýt lấy nhau, chú mới hiểu ra rằng: con mèo nhà chú đã lên chức làm cha, làm cha của những chú mèo nhỏ dễ thương chờ ngày chào đời.

Tôi định hỏi chú vài câu hỏi thì chú lại nói tiếp:

- Chú cứ tưởng Trắng sẽ ở nhà chú luôn chứ! Ai ngờ tới ngày nó đẻ, chú mời bác sĩ thú y tới để khám, về đến nhà lại chẳng thấy nó đâu. Thế là chú tức tốc lên xe và đi tìm nó, chú lái đi khắp mọi nơi, mọi ngóc ngách mà chẳng tìm được, chú định bỏ cuộc thì nghĩ đến một nơi: bãi đất trống gần sân vận động. Chỉ nghĩ đến đấy thì chú liền phóng ngay xe đến nơi và chú đã được đền đáp: tiếng mèo Trắng kêu meo meo và vài tiếng kêu nhỏ của ba chú mèo con đang ở trong bụi rậm kia. Chú vội vã chạy tới nhưng lại nhìn thấy 1 con mèo hoang tiến từ từ tới trước mặt con mèo kia và nhìn vào đám con của Trắng bằng ánh mắt ghê rợn, như muốn ăn tươi nuốt sống đàn mèo nhỏ kia. Trắng chưa biết được chuyện đó và nằm dài ra đất một cách mệt mỏi. Con mèo hoang bước từng bước tới chỗ đám mèo con, những chiếc vuốt sắc nhọn của nó vụt xuống định cào mèo con. Nghe thấy tiếng động và nhìn thấy cảnh tượng ấy, nó dùng hết sức chạy nhanh tới cào vào lưng con mèo hoang, đám mèo con đã thoát chết trong gang tấc. Con mèo hoang tức lắm, nó quay lại và nhìn Trắng một cách dận giữ. Hai con mèo nhìn nhau mắt không rời, rồi chúng xù lông lên, kêu << meo meo >> như để cảnh báo, và chúng bất ngờ xông vào nhau. Trắng dường như được tiếp thêm sức mạnh nhờ tình mẫu tử nên xông thẳng vào, bất chấp khó khăn. Hai con mèo đánh nhau dữ dằn, một trận đấu thật kinh hoàng! Một lúc sau, con mèo hoang dường như đã mệt lả, nó không còn sức để chiến đấu nữa, nó nhảy đi chỗ khác và bỏ đi. Trắng dường như đã thấm mệt, nó nằm phịch xuống đất, tai rươm rướm máu. Chú từ bụi rậm nhìn thấy tất cả, vội chạy tới và ẵm con Trắng cùng đám con của nó về nhà. Nhờ bác sĩ thú y chăm sóc mà nó hồi phục rất nhanh, riêng trên tai thì hằn lại vết sẹo. Chữa cho nó xong, bác sĩ thú y liền đưa cho chú tờ báo, chú đọc và rất ngạc nhiên khi cháu là chủ nhân của Trắng. Đó là toàn bộ câu chuyện đấy cháu ạ!

Tôi mừng lắm, ôm chầm lấy Trắng và reo lên: << Mày giỏi quá Trắng ạ! >>. Nó dường như hiểu được điều đó nên cũng kêu lên <<meo, meo>> như vui mừng. Tôi cảm ơn chú, vẫy tay chào tạm biệt chú cho đến khi bóng chú đã khuất ở xa xa.

Tôi đang nhớ lại chuyện cũ thì bỗng: <<xoảng>>. Tôi giật mình, thì ra là tác phẩm của Trắng cùng đàn con, đó là một chiếc bình vỡ. Tôi liền don dẹp ngay. Lúc ấy , trên bầu trời xa xăm, mây lại trôi, chim ca líu lo, cây lại rung rinh, và ông mặt trời chuẩn bị kết thúc công việc hôm nay, để lại một buổi hoàng hôn vô cùng rực rỡ.
nguồn google
 
L

leduc22122001

kể lại câu chuyện mà em nhớ nhất về cô giáo cũ của em
Trong cuộc sống, mỗi chúng ta không ít lần mắc lỗi nhưng có những lỗi lầm đã gây ra không bao giờ chúng ta quên được. Bây giờ, cứ mỗi lần nhớ đến cô giáo dạy văn năm lớp bảy, tôi lại thấy trong lòng mình ray rứt vì đã vô lễ với cô.

Tôi vốn là một đứa trẻ bất hạnh nhất trên đời – tôi luôn nghĩ về bản thân mình như vậy. Mẹ tôi sinh ra tôi nhưng tôi không có bố. Từ bé tôi đã luôn bị mọi người xung quanh khinh miệt, giễu cợt là “đồ con hoang”. Nhiều bà mẹ không cho con họ chơi với tôi. Tôi sống thui thủi như thế với mẹ trong căn nhà nhỏ tồi tàn cuối xóm. Từ bé, tôi không thấy ai tốt bụng và thương tôi ngoài mẹ tôi. Hai mẹ con tôi sống trơ trọi không họ hàng trong sự khinh miệt của mọi người xung quanh. Trong mắt tôi, loài người thật xấu xa và độc ác – trừ người mẹ hiền lành mà tôi hết lòng thương yêu và kính trọng. Đến tuổi đi học, tôi không chơi với bạn nào trong lớp, luôn lãnh đạm, thờ ơ với mọi người xung quanh.


Năm ấy, tôi học lớp bảy. Trong giờ văn, hôm nay lớp học văn nghị luận chứng minh. Cô giáo giảng đề “Lá lành đùm lá rách”. Cô đã dùng nhiều lập luận và dẫn chứng gần gũi, cụ thể, thiết thực để cho chúng tôi thấy đấy là lòng nhân ái của người Việt Nam ta. Giảng xong, cô cho lớp viết bài, tiết sau cô sẽ sửa. Tiết học sau, cô gọi một số bạn nộp bài cho cô sửa – trong đó có tôi. Cô gọi tôi lên và hỏi: “Toàn, tại sao em lại không làm bài mà để giấy trắng? Em không hiểu bài à? Không hiểu chỗ nào cô sẽ giảng lại cho?”

Phản ứng của tôi bất ngờ đến mức làm cả lớp sững sờ nhìn tôi. Tôi gân cổ lên trả lời cô: “Em không làm vì em không thèm làm chứ không phải không hiểu. Toàn là nói dối, bịa đặt, trên đời này làm gì có lòng nhân ái, người yêu thương người. Tại sao em lại chứng minh điều dối trá như thế là đúng cơ chứ?” Tôi nói mà không biết mình đang nói gì. Có lẽ đó là những điều uất ức dồn nén từ lâu hôm nay bộc phát. Cả lớp đổ dồn những cặp mắt ngỡ ngàng về phía tôi. Còn cô giáo thì mặt tái xanh, tôi thấy cô giận đến run người. Cô không nói lời nào mà bước nhanh ra khỏi lớp. Tôi biết cô rất giận. Cô sợ không kìm chế được cảm xúc nên bước ra ngoài chăng? Tôi thoáng ân hận vì quá lời với cô nhưng tôi không thấy mình sai. Lớp trưởng đến bên tôi nhẹ nhàng: “Tại sao cậu vô lễ như thế? Đi theo xin lỗi cô đi!” Tôi giận dữ: “Tớ không nói sai. Tớ không có lỗi!”

Sau sự việc trên, tôi đinh ninh mình sẽ bị đuổi học hoặc chí ít là mời phụ huynh. Tôi chỉ lo mẹ sẽ buồn. Cuối giờ, cô gọi tôi lên gặp riêng cô. Tôi biết mình sẽ bị khiển trách rất nặng. Tôi bước vào phòng giáo viên, cô ngồi đó vẻ mặt buồn rười rượi. Trên đôi mắt đen lay láy của cô còn ngân ngấn nước. Tôi đoán cô vừa khóc và thấy ngạc nhiên. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi cô không trách mắng tôi mà nhẹ nhàng phân tích cho tôi thấy rằng tôi nghĩ như thế là lệch lạc. Các bạn đã luôn gần gũi và giúp đỡ tôi, cô đã luôn quan tâm và yêu thương tôi,… Tôi vô cùng ân hận. Tôi lí nhí xin lỗi cô. Cô dịu dàng xoa vào đầu tôi và bảo: “Em hiểu được như thế là tốt và đừng nên mất niềm tin vào tình người như thế! Cô không giận em đâu”. Dù cô nói vậy nhưng tôi vẫn thấy mình thật có lỗi khi vô lễ với cô.
Tôi thật biết ơn cô vì đã dạy tôi bài học về tấm lòng độ lượng và giúp tôi lấy lại niềm tin về tình người.
nguồn google
 
L

leduc22122001

Thuyết minh về một trò chơi dân gian
Thả diều không chỉ là thú vui của trẻ con mà của nhiều người thuộc các lứa tuổi khác nhau. Một mảng trời mùa hạ sẽ là không gian rộng lớn cho những cánh diều mặc sức vút lên cao. Chỉ mười đến mười lăm nghìn là bạn sẽ có một chiếc diều khá đẹp. Nhưng bay bổng lên trời cao bằng chính sự khéo léo của đôi tay mới là đam mê của người chơi thả diều.

Muốn có một chiếc diều tốt do chính tay mình làm, bạn cần có: Tre, phải là tre tươi, dẻo, cứng; Giấy: tùy thuộc vào kích cỡ diều bạn định làm, nhưng cứ chuẩn bị càng nhiều càng tiện; Dây:nếu là diều to bạn phải có daay to, nếu không bạn sẽ bị đứt dây nửa chừng lúc đang thả diều, dây cũng phải hai ba cuộn mới đủ cho một chiếc diều cỡ thường; Hồ dán; sáo(chỉ để lắp cho diều to).


Diều có rất nhiều loại: hình hộp, hình vuông, hình rồng, hình chim, hình người....Nhưng để bay cao và vững chắc là diều quạ. Vì thế mà bạn hãy tự làm cho mình một chiếc diều hình quạ là tốt nhất, và mời bạn hãy tham khảo cách làm dưới đây:
Đầu tiên bạn phải làm khung cánh bằng tre nứa. Có lẽ bạn nên chuẩn bịhai thanh tre dài 90 cm thì vừa. Bạn phải buộc vào thanh tre ở trên, đầu kia là thanh ở dưới sao cho thật thang bằng hai bên cánh. Thanh tre này bạn nên để dài khoảng 22, 23cm thì đẹp. Nhưng như thế là chưa đủ, bạn phải làm cho hai bên cánh cong lên bằng cách buộc hai đầu vào thanh trục ở giữa (buộc vào trung điểm của thanh trục). Nhưng đững có uốn cong quá kẻo gãy. Thường thì hai cánh sẽ không cong đều như đường tròn và cong tụ lại ở một chỗ, như thế cũng không sao. Thế là bạn đã có được đôi cánh của con quạ giấy rồi. Tiếp theo là phần đầu và đuôi rất đơn giản:
Đầu: Bạn chuẩn bị hai thanh tre nhỏ, ngắn khoảng 9-10cm, buộc vào sát cái trục rồi buộc tiếp vào đầu kia thành mũi nhọn.
Đuôi: cũng là hai thanh tre nhưng dài hơn, khoảng từ 20-30cm, buộc thành hình tam giác. Nhưng một đầu nhọn của tam giác là gắn chặt với thanh trục (ở khoảng 1/3 trục), góc nhọn khoảng 70 độ thì vừa.

Khi đã có khung cả rồi thì bạn mới dán giấy. Nếu giấy nhỏ thì bạn phải dán từng đoạn của cánh và phải kín. Giấy được phủ lên cánh diều, vuốt một nếp theo đường dây, kéo cho phẳng rồi dán mép giấy vào xung quanh thanh tre. Đầu và đuôi cũng tương tự.
Cuối cùng là phần buộc dây (lèo). Bạn phải đục hai lỗ nhỏ trên giấy sát thanh tre ở trên của cánh (hai lỗ nhỏ cân giữa trục, từ trục đến một lỗ khoảng 10-15cm), buộc hai đầu của sợi dây khoảng 3cm vào hai lỗ ta được một phần của lèo. Tiếp theo lấy một đoạn dây khoảng 30cm buộc vào trung điểm của đoạn dây trước, đầu kia buộc vao đuôi cảu trục. Và đoạn dây nối với cuộn dây của bạn sẽ buộc vào đoạn thứ hai ấy, buộc thật chắc nhưng vẫn di chuyển được trên dây thứ hai để chỉnh. Phần chính này khoảng từ 3-5cm (trên đoạn dây thứ hai tính từ phần buộc với dây thứ nhất). Như thế là bạn đã có một con quạ giấy rồi.

Trò chơi thả diều sẽ mãi mãi là thú vui của nhiều người trong những ngày hè oi ả. Những ngày gió to, bạn đem diều ra ngoài đồng hoặc nơi không bị vướng nhà cửa, dây điện mà đưa diều lên trời cao. Đảm bảo bạn sẽ có những giây phút bình yên cùng một cánh chim và một mảng trời xanh biêng biếc.
nguồn google
 
L

leduc22122001

Thuyết minh về chiếc nón lá việt nam
Chiếc nón lá xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỉ thứ 13, tức là vào đời nhà Trần. Từ đó đến nay, nón luôn gắn bó với người dân Việt Nam như là hình với bóng. Không phải là đồ vật phân biệt giới tính, tuổi tác và địa vị… nón luôn đi theo như người bạn đường che nắng che mưa cho mọi hành trình. Phải chăng như vậy mà nón đã từ lâu trở thành biểu tượng cho đất nước con người Việt Nam?
Trước hết, nón là một đồ dùng rất "thực dụng". Nó dùng để che mưa nắng. Nón chóp nhọn đầu, nón thúng rộng vành, nón ba tầm như nón thúng nhưng mảnh dẻ hơn... tất cả đều để che chắn che mưa. Dù nón có nhiều loại, song nét đặc thù chung của nó là rộng vành (để chống nóng) và có mái dốc (để thoát nước nhanh, che mưa). Ngoài chức năng ứng phó với môi trường tự nhiên, chiếc nón còn hướng tới mục đích làm đẹp, làm duyên cho người phụ nữ và phù hợp với cảm quan thẩm mỹ của người Việt: đẹp một cách tế nhị, kín đáo. Dưới vành nón, đôi mắt, nụ cười, lúm đồng tiền, những sợi tóc mai, cái gáy trắng ngần của cô gái dường như được tôn thêm nét duyên dáng, kín đáo mà không kém phần quyến rũ...


Người ta đội nón lá làm đồng, đi chợ, chơi hội. Tiễn cô gái về nhà chồng, bà mẹ đặt vào tay con chiếc nón thay cho bao nhiêu lời nhắn gửi yêu thương... Chiếc nón gợi nguồn cảm hứng cho thơ, cho nhạc. Đã có hẳn một bài về hát về nón: "Nón bài thơ, em đội nón bài thơ, đi đón ngày hội mở"... Giữa những kênh rạch, sông nước chằng chịt ở miệt vườn Nam Bộ, ai đó đã phải ngẩn ngơ vì: "Nón lá đội nghiêng tóc dài em gái xõa". Chiếc nón còn gợi nhớ dáng mẹ tảo tần: "Quê hương là cầu tre nhỏ/Mẹ về nón lá nghiêng che...". Trong những năm chiến tranh, tiễn người yêu ra chiến trường, các cô gái thường đội nón với cái quai mầu tím thủy chung. Chỉ như vậy thôi đã hơn mọi lời thề non, hẹn biển, làm yên lòng người ra trận...

Nón lá thường được đan bằng các loại lá, cây khác nhau như lá cọ, rơm, tre, lá cối, lá hồ, lá du quy diệp chuyên làm nón v.v. Có hoặc không có dây đeo làm bằng vải mềm hoặc lụa để giữ trên cổ.

Nón lá thường có hình chóp nhọn hay hơi tù, tuy vẫn có một số loại nón rộng bản và làm phẳng đỉnh. Nón lá có nhiều loại như nón ngựa hay nón Gò Găng (sản xuất ở Bình Định, làm bằng lá dứa, thường dùng khi đội đầu cưỡi ngựa), nón quai thao (người miền Bắc Việt Nam thường dùng khi lễ hội), nón bài thơ (ở Huế, là thứ nón lá trắng và mỏng có lộng hình hoặc một vài câu thơ), nón dấu (nón có chóp nhọn của lính thú thời phong kiến); nón rơm (nón làm bằng cọng rơm ép cứng); nón cời (loại nón xé te tua ở viền); nón gõ (nón làm bằng tre, ghép cho lính thời phong kiến); nón lá sen (còn gọi là nón liên diệp); nón thúng (nón là tròn bầu giống cái thúng, thành ngữ "nón thúng quai thao"); nón khua (nón của người hầu các quan lại thời phong kiến); nón chảo (nón mo tròn trên đầu như cái chảo úp, nay ở Thái Lan còn dùng).v.v.

Đối với người phụ nữ Huế chiếc nón bài thơ luôn là một người bạn đồng hành. Trong cuộc sống thường nhật, chiếc nón đối với người phụ nữ Huế rất thân thiết. Chiếc nón không chỉ có chức năng che mưa che nắng, mà người phụ nữ Huế còn dùng nó để làm đồ đựng, phương tiện quạt mát và cao hơn hết là chức năng làm đẹp, góp phần làm tăng thêm nét duyên dáng phụ nữ Huế.

Giờ đây chiếc nón lá được phổ biến khắp đất Việt Nam là nét đặc trưng văn hóa riêng của đất nước. Khi người ngoại quốc nào đến Việt Nam cũng muốn có trong hành lí của mình vài chiếc nón làm quà khi về nước
nguồn google
 
L

leduc22122001

Thuyết minh về cây chuối trong đời sống Việt Nam
Nói đến cây chuối, đã là người Việt Nam thì không ai là không biết. Cây chuối đã tồn tại cùng con người như một người bạn thân thiết.Có thể nói, cây chuối đã trở thành một thứ không thể thiếu trong đời sống người Việt Nam xưa và nay.


Chuối có tới năm bảy loại, nào là hương chuối, chuối ngự, chuối mường, chuối tiêu... Mỗi loại chuối đều có hương vị thơm ngon riêng, tạo ra nét đặc biệt không thể lẫn với những loại khác. Thế nhưng các loại chuối lại mang một vẻ bề ngoài giống nhau.

Thân cây tròn, thấp, trơn bóng, và có cây còn to bằng cả cái cột đình. Lá cây xanh non, to, dài và các gân đối xứng nhau. Thế nhưng lá chuối khô lại có màu nâu, giòn là cứng. Bắp chuối có màu đỏ, thuôn dài, còn gọi là hoa chuối. Nõn chuối xanh non, mịn và mỏng. Mỗi cây chuối trưởng thành đều có thể cho ta một buồn chuối. Tùy theo từng loại, có loại cho ta hàng trăm quả một buồng, có cả loại mỗi buồng cho ta hàng nghìn quả. Nhiều cây còn trĩu trịt quả từ ngọn xuống gốc.

Để có được vai trò quan trọng như hiện nay trong đời sống con người Việt Nam, chuối đã "cống hiến" cho đời sống vật chất không biết bao nhiêu. Thân cây thái nhỏ ra có thể làm thức ăn cho lợn hoặc hươu nhà, trâu bò rất tốt. Còn lá cây thì giúp ta trong các việc như là để gói xôi, gói bành rất tiện lợi và dễ kiếm. Lá chuối khô có thể làm chất đốt, để quấn bánh gai hoặc ở nông thôn ta còn thấy là chuối khô còn có thể quấn làm nút chai rượu.

Không chỉ thế, hoa chuối còn dùng để làm rau. Món nộm hoa chuối được rất nhiều người ưa thích, đặc biệt sinh viên vì nó vừa ngon lại vừa rẻ. Thái một ít nõn chuối ra cho vào đĩa rau muống xanh mướt là ta đã cso được một đãi rau vừa ngon vừa đẹp mắt. Quả chuối có lẽ là nhiều công dụng nhất. Các chị, các cô, các bà hay ăn chuối vì chủ yếu chuối thường chứa rất nhiều vitamin rất tốt cho một làn da mịn màng. Và chủ yếu chuối thường dùng để ăn nhiều hơn vì nó rất ngon. Người ta còn dùng chuối thắp hương như một lễ vật dâng cho thần linh để thể hiện lòng tôn kính.

Chính vì vậy, chuối là một loại cây khá quan trọng, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế còn nhiều eo hẹp. Ở nông thôn, mỗi khi chuối chín, người ta thường cắt thành từng nải đem đi bán, những nải chuối đó đều rất rẻ nên nhiều người mua. Còn trong đời sống văn hóa của người Việt, cây chuối cũng như bưởi hay hồng, nóc ũng là một trong năm loại quả dâng lên tổ tiên, nhất là các dịp lễ Tết. Trong tâm thức mỗi người, cây chuối là một loại cây tượng trưng cho sự thanh bình của làng quê, nhất là thời thơ ấu.

Cây chuối từ lâu đã chiếm một phần to lớn trong cộc sống của người Vệt Nam. Đối với mỗi người, cây chuối đã trở thành một loại cây vô cùng gần gũi, thân thiết.
nguồn google
 
Status
Không mở trả lời sau này.
Top Bottom