- 30 Tháng sáu 2014
- 969
- 1,264
- 251
- Du học sinh
- YALE UNIVERSITY
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!! ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.
Những câu chuyện thú vị giúp học sinh mê mẩn môn Vật lý
Với những câu chuyện vui, bài học kinh nghiệm, cô Tào Thị Hạnh - Giáo viên Trường THPT Hàm Rồng (Thanh Hóa) đã khiến các học sinh hứng thú chờ đón môn học này.
Câu chuyện khi dạy về sự nở vì nhiệt
Khi dạy bài sự nở vì nhiệt, cô Tào Thị Hạnh đã đưa ra 2 câu chuyện như sau:
Câu chuyện 1: Khi còn học phổ thông, bố cô bạn thân của tôi bị bệnh hen mỗi lần lên cơn hen cần được tiêm thuốc kịp thời.
Một lần bác sĩ bảo bạn tôi đun nước sôi để khử trùng kim tiêm và xi lanh, nhưng do luống cuống nên bạn ấy đã quên cho nước vào đun và khi có mùi khét của nồi đun bạn tôi mới phát hiện ra và cô ấy vội vàng cho ngay vào một gáo nước lạnh làm cho xi lanh bị nứt không dùng được nữa.
Thời đó xi lanh làm bằng thuỷ tinh và rất hiếm có, cả xã mới có một, hai cái chứ không phải bằng nhựa và rất sẵn như bây giờ. Cũng may là lần đó bác sĩ đã mượn được xi lanh khác để tiêm kịp thời nếu không bạn tôi sẽ rất ân hận.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao khi cho nước lạnh vào đột ngột xi lanh lại bị nứt? Lúc đó lẽ ra ta nên làm gì?
Trả lời: Khi gặp lạnh đột ngột, vỏ xi lanh co lại nhưng ruột của nó (Pit tông) chưa kịp co lại nên đã làm xi lanh bị nứt. Lúc đó ta nên bắc nồi ra để chỗ thoáng cho xi lanh nguội từ từ.
Hiện tượng trên cũng tương tự như hiện tượng khi ta đổ nước sôi vào cốc thuỷ tinh thì cốc thuỷ tinh hay bị nứt vỡ.
Những câu chuyện thực tế sẽ khiến học sinh dễ tiếp thu bài
Câu chuyện 2: Khi còn nhỏ, chưa hiểu biết tôi cũng đã làm sai một số việc như: Ngày tết khi rót mật vào chai tôi đã rót rất đầy, khi trời nắng nhiệt độ tăng mật nở ra thì nhiều mà chai nở ra không đáng kể nên có chai thì mật tràn ra, có chai bị bật nắp cũng làm mật tràn ra vừa lãng phí, vừa bẩn nhà lại mất công dọn dẹp.
Tương tự như thế, khi ngâm nước mơ tôi cũng đã cho thật đầy bình rồi đậy thật kín có hôm giữa trưa hè cả nhà đang ngủ bình nước mơ nhà tôi bật nắp gây ra tiếng nổ lớn làm cả nhà phải giật mình tỉnh giấc để tìm hiểu nguyên nhân.
Còn bây giờ khi đi mua hàng tôi vẫn bắt gặp những khách hàng khi mua những chai nước ngọt như chai cô ca… mà cứ phân vân mãi tại sao người ta không đóng đầy chai và bắt cô bán hàng đổi hết chai này đến chai khác.
Khi dạy chương Điện tích - Điện trường
Khi dạy xong chương Điện tích - Điện trường, cô Hạnh đã đưa ra một số hình ảnh, câu chuyện thực tế như:
Câu chuyện 1: Trong khi đang đứng trên một bệ để ngắm cảnh vườn quốc gia Sequoia, người đàn bà thấy tóc của mình dựng đứng lên. Thấy tức cười, em bà đã chụp cho bà bức ảnh. Năm phút sau chị em bà rời khỏi bệ, sét đã đánh vào bệ đó, làm chết một người và làm bị thương bảy người.
Câu hỏi đặt ra là: Cái gì đã làm cho tóc người đàn bà dựng đứng lên? Vẻ mặt của bà không toát ra sự sợ hãi, nhưng lẽ ra bà ta đã phải khiếp hãi.
Nếu là bạn, bạn có cười thích thú như vậy không? Và có nhờ ai đó chụp cho một vài kiểu ảnh để làm kỉ niệm không?
Bài học rút ra là: Nếu bạn đang đi trên đường, đi dã ngoại mà tự nhiên thấy tóc trên đầu bạn dựng đứng lên thì tốt hơn hết là bạn tìm nơi ẩn nấp ngay vì ngay trên đầu bạn đang có một đám mây tích điện cao có thể phóng ra tia lửa điện khi có điều kiện thích hợp, và tất nhiên không nên đứng lại nơi đó để chụp ảnh.
Câu chuyện 2: Chiều 16/5, tranh thủ lúc trời nắng, bà con nông dân ở xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An ra đồng gặt lúa. Đến 16h, trời bất ngờ đổ mưa dông và sấm sét, 11 người chạy vào lều canh dưa hấu giữa đồng để trú mưa. Một luồng sét bất ngờ đã đánh trúng khiến họ bị văng ra khỏi lều hậu quả là làm cho 3 người chết tại chỗ và 8 người bị thương rất nặng .
Cùng thời điểm đó, tại xã Khánh Thành, sét cũng đánh trúng ba nông dân là bà Nguyễn Thị Chính (53 tuổi), Phan Thị Văn (42 tuổi) khiến họ chết trên ruộng lúa và chị Lê Thị Biên (30 tuổi) bị thương nặng.
Thông tin, cho thấy, lều canh dưa mà 11 nông dân ở xã Khánh Thành trú được lợp bằng mái tôn, còn những người khác bị sét đánh trúng khi đang gặt lúa ngoài đồng, nhiều khả năng có mang theo dụng cụ gặt lúa.
Vậy tại sao lại dẫn tới hậu quả đáng tiếc như vậy?
Những người dân đã không có những kiến thức cơ bản về Vật Lý nói chung và “sét” nói riêng. Nếu hiểu biết hơn, họ đã không tụ tập đông người tại nơi có vị trí cao như là chòi canh và bị sét đánh thẳng xuống.
Câu chuyện 3: Chiếc Airbus A380, loại máy bay thương mại lớn nhất thế giới, bị tia sét khủng khiếp đánh ngang trong một đêm bão táp ở London, Anh. Khi chiếc máy bay tới Heathrow, một ngọn sét đáng ghê rợn xé toạc bầu trời, ngay trên đầu các phi công.
Tia sét mạnh đã đánh xuyên qua thân chiếc máy bay Airbus A380 trước khi tiếp tục hành trình đánh xuống mặt đất. Điều đáng kinh ngạc là chiếc máy bay Airbus A380 của hãng hàng không Emirates xuất phát từ Dubai nói trên đã hạ cánh an toàn vài phút sau đó mà không hề hấn gì, dù chỉ là một vết xước.
Toàn bộ 500 hành khách và phi hành đoàn đều an toàn. Từ đó ta có thể nhận thấy rằng, thân máy bay phải chứa kim loại để bản thân nó có thể thực hiện vai trò cột thu lôi, cho phép điện từ tia sét truyền qua nó.
Nếu không có kim loại trong thân máy bay thì máy bay có thể nổ khi bị sét đánh. Máy bay là một vật dẫn kín, rỗng ở bên trong. Theo kiến thức phần điện trường đã được học thì điện tích chỉ phân bố ở bên ngoài vật dẫn và điện trường bên trong vật dẫn bằng 0.
Như vậy, khi có các cơn giông đang đe dọa, người có hiểu biết sẽ tìm một hốc ở bên trong một vỏ dẫn điện, ở đó điện trường bằng 0. Một ô tô có thể là phương tiện gần như là lý tưởng để tránh sét.
Khi dạy về sự sôi, nhiệt độ sôi
Khi dạy về sự sôi, nhiệt độ sôi, cô Hạnh đã giới thiệu nguyên tắc cấu tạo và cách sử dụng nồi áp suất và kể lại cho học sinh câu chuyện sau:
Cách đây mấy năm bác Nga xã tôi khi dùng nồi áp suất (nồi to của Liên xô) để nấu bánh chưng ngày Tết.
Do không hiểu gì về nguyên tắc sử dụng của nồi nên khi mở nắp nồi ra bác ấy đã bị nước sôi và hơi phụt lên mặt và cổ làm bỏng nặng vào đúng những ngày tết.
Khi dạy chương dòng điện
Khi dạy chương dòng điện không đổi, cô Hạnh đã kể lại câu chuyện sau:
Khi là sinh viên tôi ở kí túc xá của trường. Công suất điện được cấp tối đa cho mỗi phòng là 1000W, dùng quá công suất trên cầu chì phòng đó sẽ bị đứt và phòng đó mất điện.
Biết rõ qui định rồi nhưng phòng của sinh viên khoa Văn (bên cạnh phòng tôi) ban đầu vẫn hay mất điện vì cứ 3, 4 bạn đang còn cắm bóng điện học bài thì một bạn khác lại cắm bàn là để là quần áo làm quá tải.
Cứ mỗi lần như thế, các bạn thường hay xin điện phòng bên cạnh. Để có dây điện đủ dài thì phải nối dây, vì không biết cách nối dây nên các bạn ấy đã làm chập mạch đoản mạch và cả hai phòng cùng mất điện.
Cô Hạnh cho rằng, tuỳ theo từng bài học, theo thời gian và từng lớp học, giáo viên nên luôn có ý thức tìm ra những liên hệ thực tế có tính thuyết phục cao nhất, phù hợp với kiến thức của bài học nhằm giúp các em hiểu được sự cần thiết của môn học. Từ đó các em sẽ tích cực chủ động tiếp thu kiến thức và vận dụng kiến thức đã học vào đời sống.
Nguồn: Internet