Sử Có phải chính phủ Mỹ không dính líu đến sự mở đầu của chiến tranh Việt – Pháp?

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Phan Văn Hoàng
Trong những năm đầu chiến tranh châu Á – Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt chủ trương: sau khi phát xít Nhật bị đánh bại, Mỹ sẽ không cho Pháp quay trở lại Đông Dương và đặt bán đảo này dưới chế độ uỷ trị quốc tế (international trusteeship). Roosevelt không nói rõ những nước nào sẽ tham gia vào việc uỷ trị, song các nhà sử học phương Tây như Phippine Devilles (Pháp), David (Mỹ) … đều cho rằng Mỹ và Trung Hoa Dân quốc sẽ cai trị Đông Dương (1).
Lẽ dĩ nhiên, Pháp – cả phe thân Đức của Pétain lẫn phe chống Đức của De Gaulle – chống đối kịch liệt chủ trương của Mỹ. Anh cũng tích cực phản đối, vì – theo lời Roosevelt – “họ sợ chủ trương này tác động đến những thuộc địa của họ và của Hà Lan” (2) ở Châu Á. Họ chủ trương giữ nguyên trạng như trước chiến tranh (status quo ante bellum): sau khi thắng phát xít Nhật, thuộc địa thế giới của đế quốc nào phải được trả lại cho đế quốc ấy.
Trong nửa sau năm 1944, trên đường truy kích Đức quốc xã đến tận sào huyệt cuối cùng của chúng ở Berlin, Hồng quân Liên Xô giúp đỡ lực lượng kháng chiến nhiều nước ở Đông Âu giải phóng khỏi ách thống trị của Hitler và tay sai. Các nước này cùng Liên Xô hợp thành khối Xô – viết.
Bộ Ngoại giao Mỹ và tổ chức tình báo Mỹ OSS khuyến cáo Roosevelt cần thay đổi chính sách đối với Đông Dương để tranh thủ Anh, Pháp và các nước tư bản Tây Âu khác cùng Mỹ ngăn chặn sự phát triển ảnh hưởng của khối Xô – viết.
Ở Pháp, Đảng cộng sản Pháp – đảng có đến bảy vạn rưỡi đảng viên hy sinh cho sự nghiệp giải phóng nước Pháp – được đông đảo nhân dân Pháp tín nhiệm, trở thành “chính đảng lớn nhất trong nước” (3), giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Chính phủ (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng….). Một nhà sử học Mỹ gốc Pháp nhận định: “Trong số các cường quốc thực dân ở Viễn Đông, Pháp là nước duy nhất có thể rơi vào sự kiểm soát của Cộng sản. Đế quốc thuộc địa của Pháp khi đó sẽ đi theo chính quốc và gia nhập khối Xô – viết” (4).
Trong khi đó, gặp đại sứ Mỹ ở Pháp Jefferson Caffery ngày 13 – 3 – 1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hoà Pháp, tướng De Gaulle lớn tiếng trách Mỹ: “Như các anh đã biết, Nga đang tiến nhanh… chúng tôi không hiểu chính sách của các anh. Các anh đang nhằm cái gì? Các anh có muốn chúng tôi trở thành – chẳng hạn – một trong những bang liên hiệp dưới sự bảo hộ của Nga?… chúng tôi không muốn trở thành cộng sản, chúng tôi không muốn rơi vào quỹ đạo của Nga, nhưng tôi hi vọng các anh không đẩy chúng tôi vào chỗ đó” (5).
Bộ Ngoại giao Anh cũng cảnh báo: “Việc mất Đông Dương sẽ tàn phá nền kinh tế cũng như tinh thần dân tộc của Pháp, có thể dẫn họ đến chỗ liên kết với Nga để chống lại Mỹ và Anh” (6).
Trước sức ép của cả ở trong nước lẫn từ nước ngoài, Roosevelt từng bước thay đổi chính sách đối với Đông Dương.
Ngày 23 – 2 – 1945, trong một cuộc họp báo trên tàu chiến Quincy, Roosevelt cho biết có cả Pháp và một số nước khác tham gia vào sự uỷ trị quốc tế (7).
Ba tuần lễ sau, ngày 15 – 3, Roosevelt hầu như huỷ bỏ chủ trương uỷ trị quốc tế tâm sự với cố vấn của mình Charles Taussig: “Nếu chúng ta được chính nước Pháp cam kết tự mình gánh vác mọi nghĩa vụ của sự uỷ trị thì lúc đó tôi sẽ đồng ý để cho Pháp giữ lại [Đông Dương và Nouvelle Calédonie] (8).
Ngày 3 – 4, ngoại trưởng Stettinius chính thức thông báo: “Cơ cấu về sự uỷ trị… phải được xác định như thế nào để cho phép đặt dưới sự uỷ trị những lãnh thổ lấy từ kẻ thù trong cuộc chiến tranh này… và những lãnh thổ khác tự nguyện đặt dưới chế độ uỷ trị” (9). Mười ngày trước đó, 24 – 3, De Gaulle tuyên bố sẽ cho 5 xứ của Đông Dương được tự trị trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp. Như vậy, Pháp sẽ không bao giờ “tự nguyện đặt Đông Dương dưới chế độ uỷ trị”. Do đó, trong thực tế chủ trương này đã bị chính Roosevelt khai tử 9 ngày trước khi ông chết vì bệnh xuất huyết não lúc 15 giờ rưỡi chiều ngày 12 – 4 – 1945.
Việc đưa ra chủ trương uỷ trị quốc tế không xuất pháp từ quyền lợi của các dân tộc Đông Dương nên việc xoá bỏ chủ trương ấy cũng chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của Mỹ mà thôi.
Trong chiến tranh châu Á – Thái Bình Dương, Mặt trận Việt Minh – do Hồ Chí Minh cầm đầu – đã đứng hẳn về phía các nước Đồng minh chống phát – xít. “Dưới mật danh Licius, Hồ Chí Minh đã cung cấp cho tổ chức tình báo Mỹ OSS những tin tức tình báo về lực lượng Nhật (ở Đông Dương) (…) và các du kích quân của ông đã cứu thoát 17 phi công Mỹ bị (Nhật) bắn hạ” (10) trong lúc tiến hành các cuộc ném bom ở Đông Dương.
Trong nửa cuối tháng 8 – 1945, Việt Minh lãnh đạo nhân dân Việt Minh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Hồ Chí minh được Đại hội quốc dân ở Tân trào cử làm Chủ tịch Uỷ ban dân tộc giải phóng, tức Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ công hoà. Như thế, nền độc lập và thống nhất của Việt Nam đã được tái lập saU nhiều thập kỷ bị ngoại bang đô hộ.
Nhưng chưa đầy một tháng sau, thực dân Pháp đã nổ súng ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc chiến tranh tái chiếm thuộc địa. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí minh gửi Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ ít nhất 8 bức thư và điện. Ông viết:
“Nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là được sống trong tự do và độc lập, trong sự nghiệp xây dựng dân chủ” (11). Đối với Mỹ chúng tôi “tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ” (12). “Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ” (13). Chúng tôi đề nghị Mỹ và các cường quốc khác “công nhận nền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Hội đồng Liên hợp quốc” (14). Hiên nay, thực dân Pháp “đang tiến hành một cuộc chiến tranh tàn sát và không thương xót đối với chúng tôi hòng lập lại ách thống trị của họ. Cuộc xâm lăng của họ đã mở rộng ở Nam Việt Nam và đang đe doạ chúng tôi ở Bắc Việt Nam” (15). Do đó, chúng tôi “tha thiết kêu gọi cá nhân ông [Truman] và nhân dân Mỹ hãy khẩn trương can thiệp nhằm ủng hộ nền độc lập của chúng tôi” (16).
Chính phủ Mỹ bỏ ngoài tai lời kêu gọi ấy.
Từ Washington, D.C., giám đốc tổ chức tình báo OSS William J. Donovan khẳng định: “Việt Minh là một đảng cộng sản 100 phần 100” (17), còn thứ trưởng ngoại giao Dean Acheson tuyên bố: “Hồ Chí minh là tay sai của Cộng sản quốc tế” (18). “Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận rằng một chính phủ ở Đông Dương bị Việt Minh thống trị có thể có hại cho quyền lợi của Mỹ” (19). Vì vậy, Mỹ quyết định “loại trừ càng xa càng tốt ảnh hưởng của Cộng sản ở Đông Dương” (20). Muốn vậy, như lời của Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á Abbott L. Moffat, “cần phải duy trì người Pháp để chống lại ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Quốc ở Đông Nam Á” (21).
Nhân danh chính sách ngăn chặn Cộng sản (the contaiment policy), Mỹ khước từ khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam.
Chỉ một tuần lễ sau ngày Nhật tuyên bố đầu hàng, tướng De Gaulle bay sang Mỹ.
Ngày 24 – 8 – 1945 (theo giờ Mỹ, tức ngày 25 – 8 – 1945 theo giờ Việt Nam) giữa lúc hàng chục vạn người Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đang rầm rập xuống đường giành chính quyền, thì ở Washington, D.C Tổng thống Mỹ Truman chính thức bật đèn xanh cho thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương. Tiếp De Gaulle tại Nhà trắng, Truman cam kết: “trong mọi trường hợp, đối với Đông Dương, chính phủ tôi không chống lại việc chính quyền và quân đội Pháp quy trở lại xứ ấy” (22).
Mười ngày sau, 2 – 9 – 1945, trong khi nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam hân hoan cử hành lễ Độc lập, tướng Douglas MacArthur (Mỹ) khuyên tướng Leclerc (Pháp) khi hai người gặp nhau trong buổi ký văn kiện đầu hàng của Nhật: “Nếu tôi có điều gì để khuyên anh thì lời khuyên đó là: Anh hãy mang quân sang Việt Nam, mang thêm nhiều quân hơn nữa, nhiều chừng nào mà anh có thể làm được” (23).
Được Mỹ đồng tình, được Anh giúp đỡ, ba tuần lễ sau, vào rạng sáng 23 – 9 – 1945, đại tá Jean Cédile ra lệnh cho quân Pháp tấn công trụ sở Uỷ ban nhân dân Nam bộ và các công sở khác của chính quyền cách mạng. Quân và dân Nam bộ kháng cự anh dũng, bao vây quân Pháp trong một thành phố không điện, không nước, không chợ búa. Hoảng sợ, Cédile phải cầu cứu Paris gửi thêm quân sang.
Nhưng, như nhận định của Giáo sư Sử học người Mỹ George Mc Turman Kahin, “nước Pháp sau chiến tranh [thế giới thứ hai] bị tàn phá nặng nề, không có cả trang bị quân sự lẫn nguồn tài chính, nên không thể tiến hành một lực quân sự lớn ở Đông Dương” (24). Anh cũng gặp khoá khăn không kém gì Pháp. Chỉ có Mỹ là nước duy nhất có thể giúp Pháp.
Mỹ cung cấp cho Pháp 8 tàu chiến để chở Sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9 sang tăng viện cho Sài Gòn (25). Ngoài ra, “Washington còn cung cấp tiền bạc cho Paris để giúp Pháp mua 75 tàu chở quân của Mỹ” (26). Nhà báo Mỹ Harold Issacs (có mặt tại Sài Gòn lúc đó) tường thuật: “Một loạt tàu của Mỹ, treo cờ Mỹ, do thuỷ thủ Mỹ điều khiển. Từ những tàu này, lính Pháp lên bờ, mặc quân phục do Mỹ sản xuát, mở các cuộc tiến công đầu tiên với vũ khí, xe tăng, xe vận tải và xe jeep do Mỹ cho thuê, cho mượn” (27). Nhà sử học Mỹ Joseph Buttinger nhận định: “Việc Mỹ giúp tàu bè chuyên chở khiến cho Pháp có đủ quân lính tới Sài Gòn để đánh bại cuộc cách mạng trong Nam” (28).
Trong cuộc hội đàm cuối tháng 8 – 1945, Truman đồng ý cho De Gaulle vay dài hạn 650 triệu đô la” (29). Tháng 5 năm sau, Mỹ xoá món nợ 1 tỷ 800 triệu đô la mà Pháp đã vay trong thế chiến, đồng thời cho Pháp vay thêm 500 triệu đô la thông qua Ngân hàng tái thiết và phát triển BIRD (30). Năm 1947, Truman lại cho Pháp vay 150 triệu đô la để mua xe và phụ tùng sử dụng ở Đông Dương (31).
Mỹ cũng cung cấp cho Pháp một lượng vũ khí hiện đại (32). Giữa tháng 3 – 1946, khi Anh rút quân khỏi miền Nam Đông Dương, Truman đồng ý để cho Anh giao lại cho Pháp nhiều trang thiết bị quân sự trị giá hơn 70 triệu đô la, trong đó có khoảng 800 xe quân sự của Mỹ cho Anh thuê và mượn, “lấy cớ rằng không thể di chuyển các trang thiết bị này” ra khỏi Việt Nam (33).
Không chỉ giúp Pháp chiếm miền Nam Việt Nam, Mỹ còn ủng hộ ý đồ của Pháp chiếm cả miền Bắc (34). Theo giáo sư Kahin, “ít ra là từ cuối tháng 9 – 1945, Mỹ đã kêu gọi Trung Hoa [Dân quốc] để cho Pháp dễ dàng thu hồi quyền lực [ở miền Bắc]. Lúc đó, [tướng Mỹ Philip E. Gallagher] cam kết sẽ thúc đẩy [tướng Trung Hoa] Lư Hán giúp Pháp lấy lại quyền kiểm soát nửa phía Bắc của Việt Nam” (35). Kết quả là ngày 28 – 2 – 1946, Trung Hoa đồng ý cho Pháp đưa quân ra miền Bắc thay cho quân Trung Hoa, đổi lại Pháp dành cho Trung Hoa một số quyền lợi đáng kể.
Qua những sự kiện trên, việc Mỹ ủng hộ và giúp đỡ Pháp vào lúc mở đầu chiến tranh tái chiếm thuộc địa đã quá rõ ràng.
Thế nhưng, một số nhà nghiên cứu như tiến sĩ Bernard B. Fall, tiến sĩ Ronald H. Spector, các tác giả thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ… lại cho rằng lúc đó Mỹ thi hành chính sách “không dính líu” (non – involvement) (38) ở Đông Dương. Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu ở Texas (Mỹ) lập luận rằng: “Việc Mỹ công nhận chủ quyền thuộc địa của Pháp tại Đông Dương (…) không đồng nghĩa với việc trợ giúp Pháp tái chiếm thuộc địa này. Thực ra chính sách của Truman có thể coi như “hands – off”, tức không can thiệp” (39). Hai tác giả ở Hà Nội cũng cho rằng Mỹ “giữa thái độ trung lập”. Nhưng mặt khác, họ thừa nhận rằng Mỹ “không chống lại việc tái thiết lập sự kiểm soát của Pháp ở Đông Dương” trong khi lại “chống lại việc người Việt nam giành độc lập dưới sự chỉ đạo của Việt Minh”. Họ giải thích tính không chênh lệch của cái gọi là “thái độ trung lập” đó như sau: ‘Mặc dù không chống lại việc tái thiết lập sự kiểm soát của Pháp ở Đông Dương, chính phủ Mỹ không có ý định giúp Pháp tái thiết lập sự kiểm soát của mình bằng vũ lực… Mỹ ủng hộ sự quay trở lại của Pháp, nhưng là sự quay trở lại trong hoà bình, bằng “sự ủng hộ của dân chúng Việt Nam” (40). Trong thực tế, trái với suy nghĩ của hai tác giả, làm gì có “dân chúng Việt Nam” nào lại đi “ủng hộ sự quay trở lại” của thực dân Pháp tàn sát nhân dân Việt Nam (trong đó có các vụ thảm sát ở phố Yên Ninh và Hàng Bún ngay tại Hà Nội) hoàn toàn không thể xem “sự quay trở lại trong hoà bình”.
Nguyên nhân dẫn đến những kết luận nói trên (“không dính líu”, “không can thiệp”, “trung lập”…) có thể là do thiếu tư liệu, hoặc thiếu khách quan, hoặc không nhận ra được bản chất đích thực chính sách của Mỹ, hoặc cả ba điều đó.
Chính phủ Mỹ luôn tìm cách che đậy ý đồ và hành động của họ.
Mỹ cung cấp tàu chở lính Pháp sang chiếm lại Đông Dương, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc nhở Bộ Chiến tranh Mỹ không nên “dùng tàu thuỷ hay máy bay mang cờ Mỹ để chở quân bất cứ quốc tịch nào đến hay đi… (…) Đông Dương” (41).
Mỹ cung cấp đô la để Pháp chi phí cho chiến tranh ở Đông Dương, nhưng núp dưới danh nghĩa “phục hồi kinh tế và tái thiết nước Pháp” theo kế hoạch Marshall. Nhưng chính Graham Martin – lúc đó là cố vấn Toà đại sứ Mỹ ở Paris và 30 năm sau là viên đại sứ cuối cùng ở Việt Nam Cộng hoà ôm lá cờ Mỹ leo lên chiếc trực thăng Lady Ace 09 tháo chạy khỏi Sài Gòn lúc 4 giờ 58 phút sáng 30 – 4 – 1975 – tiết lộ: “Quả thật, Pháp đã chi hết ở Việt Nam những gì chúng ta cho họ qua Kế hoạch viện trợ và tái thiết Marshall. Có thể nói một cách khác rằng chúng ta đã chi cho chiến tranh của Pháp tại Đông Dương” (44).Mỹ cung cấp súng đạn cho Pháp bắn giết nhân dân Đông Dương, nhưng tuyên bố “để bảo vệ nước Pháp và Tây Âu” chứ không bán vũ khí “trong những trường hợp có vẻ liên quan tới Đông Dương”; trong thực tế, họ đã “thoả thuận [với Pháp] rằng một phần trong [vũ khí ấy] có thể được dùng cho chiến dịch quân sự ở Đông Dương” (42). Ngoại trưởng Mỹ James Byrnes yêu cầu Pháp xoá các dấu hiệu của Mỹ trên các trang bị quân sự mà Anh giao cho Pháp tháng 3 – 1946 (43).
Do đó, sẽ sai lầm nếu dễ dãi tin vào lời tuyên bố của những người cầm đầu chính phủ Mỹ (45).
Tìm ra sự thật bị che giấu, đó là sứ mệnh của người nghiên cứu lịch sử.
***
Chú thích:
Philippe Dvillers,Histoire du Vietnam de 1940 à 1952,Nxb Seuil, Paris, 1952, tr 116; David G. Marr, Vietnam 1945 – The Quest for Power, University of California Press xuất bản, 1995, tr 262.
The Pentagon Papers(ấn bản của thượng nghị sĩ Gravel), Nxb Beacon Press, Boston, 1971, tập I, tr 10.
The Pentagon Papers, sđd tập I, tr 76.
Bernard B. Fall,Les deuxViet Nam, Nxb Payot, Paris, 1967, tr 228.
Stein Tănnesson,The Vietnamese Revolution of 1945 – Roosevelt, Hồ Chí minh and de Gaulle in a World at War, International Peace research Institute xuất bản, Oslo, 1991, tr 259.
Gary R. Hess,The United States’ Emergence as a Southeast Asian Power 1940 – 1950,Columbia University Press xuất bản, New York, 1987, tr 143.
Allan B. Cole,Conflict in Indo – China and International Repercussions,Cornell University Press xuất bản, New York, 1956, tr 48.
Stein Tănnesson, sđd, tr 259.
ArchimedesL.A.Patti, Whe Vietnam? University of California Press xuất bản, 1980, tr 119.
BáoTime,12 – 9 – 1969.
Điện gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ,Hồ Chí minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1996\5, tập IV, tr 109.
Thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ 1 – 11 – 1945, sđd, tập IV, tr 80.
Thư gửi Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, 16 – 2 – 1946, sđd, tập IV, tr 177.
Điện văn gửi (…), Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, (…), sđd, tập IV, tr 157.
Điện gửi Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, 16 – 2 – 1946, sđd, tập IV, tr 176.
Điện gửi Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, 28 – 2 – 1946, công bố bởi Phan Văn Hoàng,Một số tư liệu lịch sử chưa được công bố,đặc san Sài Gòn Giải phóng Tết Dương lịch 2006, tr 8.
Alain Ruscio,Les Communistes franais et la guerre d’ Indochine 1944 – 1954,Nxb L’Harmattan, Paris, 1985, tr 64.
The Pentangon Papers,sđd, tập I, tr 20.
Gary R. Hess, sđd, tr 207.
Mark P. Bradley,Imaging Vietnam and America – The Making of Postcolonial Vietnam 1919 – 1950,University of North Carolina xuất bản, 2000, tr 172.
Gary R. Hess, sđd, tr 205.
Charles de Gaulle,Mémoires de guerre,Nxb Plon, Paris, 1959, tập III, tr 249 – 250.
Philippe Devillers, sđd, tr 150.
George Mc Turnan Kahin,Intervention – HowAmerica Became Involved in Vietnam, Nxb Alfred A. Knopf, New York, 1986, tr 7.
David G. Marr, sđd, tr 545.
George McTurnan Kahin, sđd, tr 8.
Harold Isaacs,No Peace for Asia,Nxb Doubleday, New York, 1947, tr 161.
Joseph Buttinger,Vietnam, A Dragon Embattled, Nxb Praeger, New York, tr 343. Thật ra, cuộc cách mạng trong Nam chỉ gặp khó khăn, chứ không bị đánh bại.
Charles de Gaulle, sđd,tập III, tr 249.
Serge Berstern và Pierre Milza,Hostoire de le France au XX siècle,Nxb Complexe, Paris, 1991, tập III, tr 157.
The Pentagon Papers,sđd, tập I, tr 51.
George McTurnan Kahin, sđd, tr 8.
The Pentagon Papers,sđd, tập I, tr 18.
Tại Hội nghị Potsdam, Mỹ đồng ý để Trung Hoa Dân quốc đưa quân vào miền Bắc Đông Dương. Anh đưa quân vào miền Nam Đông Dương nhằm giải giới và hồi hương hàng binh Nhật.
George McTurnan Kahin, sđd, tr 19.
Bernard B. Fall,U.S. Policies in Indochina 1940 – 1960, Last Reflection on a War,Nxb Doubleday & Company, New York, tr 118.
Ronald H. Spector,Advice and Suppport – The Early Years of the U. S. Army in Vietnam 1941 – 1960,Nxb The Free Press, New York, 1985, tr 77.
Bộ Quốc phòng Mỹ,United States – Vietnam relations 1945 – 1967,Government Printing Office ấn hành, Washington D.C, 1971, tập I A.2, tr A.28.
Vũ Ngự Chiêu,Các vua cuối nhà Nguyễn,Nxb Văn Hoá, Houston (Texas, Mỹ), 2000 tập III, tr 951.
L.V.L và Nguyễn Hồng Thạch,Pháp tái chiếm Đông Dương và chiến tranh lạnh,Nxb Công an nhân dân, Hà Nội 2002, tr 178, 179, 180.
The Pentagon Papers,sđd, tập I, tr 17.
George McTurnan Kahin, sđd, tr 8
George McTurnan Kahin, sđd, tr 7.
Michael Maclear,Vietnam -The Ten Thousand Day War, Nxb Thames Methuen, London, 1984, tr 39.
Cũng như bây giờ, nếu tin vào lời lẽ của Chính phủ Mỹ, người ta sẽ nghĩ rằng Mỹ gây ra chiến tranh Iraq vì “Iraq có vũ khí huỷ diệt hàng loạt”, vì “Iraq có quan hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda”, vì “Iraq mua nguyên vật liệu hạt nhân từ châu Phi…” chứ không phải vì tài nguyên dầu hoả và vị trí chiến lược của quốc gia Trung Đông này.
Nguồn: Tạp chí Xưa Nay, số 316 2018
78617326_796813117424406_902291561381888000_o.jpg
 
Top Bottom