Chương trình địa phương: Thơ văn về Yên Bái

C

candyxbaby

ĐỌC MỘT SỐ VĂN THƠ YÊN BÁI ( Mấy ý kiến ngắn của nhóm nhà văn xưởng phim truyện Hội nhà văn Việt Nam về các tác giả : Kiều Ngọc, Lê Vân, Thái Sinh, Xuân Nguyên, Nguyễn Xuân Phong, Vũ Quý, Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Quang Bách, Lê Năng, Nguyễn Thúy Ngân )

1 - Về Nguyễn Thị Ngọc Oanh *
a- Tập truyện ngắn " Chuyện một ngày " gồm 9 truyện đều viết về cuộc sống thường nhật khốn khó thời bao cấp và những năm đầu chuyển đổi sang cơ chế thị trường , nhạt nhẽo, âm mưu vặt, lưu manh, lừa đảo, chây ỳ, các ham muốn tốt đẹp bị thui chột... Các nhân vật trong truyện phần lớn đều là nữ giáo viên, có thể là hình ảnh ít nhiều của các đòng nghiệp của tác giả, nhưng cuộc sống có vẻ chật hẹp, mối quan tâm của họ không vượt quá được những dãy núi bao quanh, dường như họ thiếu ý chí, các kiến thức đã học thì cùn đi, những người đi học thêm cũng chỉ là vì cơm áo, gạo tiền... Không thấy được khát vọng vươn tới.
Đáng chú ý hơn cả là truyện "Một ngày" và truyện "Cám ơn cô ".
Truyện "Một ngày" viết về vòng quay, đúng hơn là một chu kì con lắc của một người đàn bà đông con, : vừa là lao động chính, vừa là con ở, vừa là nô lệ tình dục, vừa là cái máy đẻ con. Nhưng tiếc truyện mới như một cái phác thảo, chưa được đào sâu, thiếu các chi tiết độc đáo.
Truyện "Cảm ơn cô" là một truyện tương đối xinh xắn, viết giản dị, soi rọi được vào ngõ ngách tâm linh của con người, có chi tiết , có cốt truyện. Nhưng đây lại là hơi hiếm trong số các tác phẩm của Nguyễn Thị Ngọc Oanh mà tôi đã đọc.
b - Truyện vừa "Nửa đời nhìn lại" ( gợi đến tên một tác phẩm của một nhà văn Xô viết ) kể chuyện một cô giáo trẻ lên vùng cao ôm ấp trong lòng nhiều ước muốn tốt đẹp. Nhưng cuộc sống tù túng, những tham vọng tầm thường xô đẩy, dẫn cô đến con đường tội lỗi. Cô cố tìm cách vươn lên để thoát khỏi vũng lầy mà cô rơi vào, nhưng thật khó.
Nhìn chung, Nguyễn Thị Ngọc Oanh có ý tưởng, ham mê viết. Chị thiên về bút pháp miêu tả tâm lý, có vẻ ảnh hưởng khuynh hướng " giòng ý thức " . Tuy nhiên , như vậy cần có một sự hàm dưỡng lớn để có đủ sự tinh tế và sâu sắc. Đọc văn chị thấy còn khô, thiếu cá tính mạnh mẽ. Thế giới đời sống và nội tâm các nhân vật của chị còn tương đối nghèo nàn. Trong các truyện của Ngọc Oanh, phần lớn đều nói đến chuyện đề đóm, cờ bạc : vì nó mà tan cửa nát nhà, vì nó mà tan vỡ tình bạn bè, đồng nghiệp... Có lẽ Ngọc Oanh phải có những "kỷ niệm" hoặc ấn tượng đặc biệt về cái nạn đã có lúc trở thành đại dịch này, thế nhưng chị miêu tả còn sơ sài, đặc biệt việc phân tích và phát hiện tâm lý của "con nghiện". Thành thử đọc không thấy thú... Có lẽ cái mà Ngọc Oanh cần là một vốn sống phong phú, đồng thời cũng cần mở rộng sự quan tâm của mình, mở rộng đề tài.
Như trên đã nói, Ngọc Oanh có thiên hướng của ngòi bút " phân tích tâm lý" , nhưng theo quan niệm của tôi thì dù sáng tác theo phong cách nào , theo chủ nghĩa gì thì văn chương cũng phải đem đến cho người đọc một cách nhìn, một cách cảm nhận, một ấn tượng, sự đồng cảm hay phản đối, sự yêu thương hay căm giận, say ngay hay ngấm dần... Vậy thì sự hấp dẫn của hiện thực đời sống , sự sắc sảo của tư tưởng, sự tỏa sáng của sức tưởng tượng là không thể thiếu.
c - Ngọc Oanh còn làm thơ. Trong tập thơ "Như con tằm" mà tôi được đọc, phần lớn là thơ nhà trường (những kỉ niệm thời sinh viên, mối quan hệ thầy - trò, họp hành...), tôi chú ý đến hai bài thơ : "Ở phố núi" và "Thức - ngủ".
Bài thứ nhất nói về sự phát hiện :
Rõ ràng sân trước có mưa
Sân sau lại tạnh lạ chưa đất trời
Ngôi nhà ở giữa phân đôi
Núi đồi, lại núi đồi, ơi núi đồi
Có một vấn đề, người thơ sống mãi ở đấy, sự phân đôi đặc biệt ấychẳng lẽ lại có một lần duy nhất xảy ra, nhưng tại sao đến khi ấy người mới phát hiện ra ? Người đọc chờ đợi một cái gì đó khác hơn, mới hơn, độc đáo hơn, nhưng tiếc là tác giả đã dừng lại. Sức tưởng tượng không được phát huy. Có thể chị chưa phát huy hết sức tưởng tượng.
Bài thứ hai :
Một triết lý, nhưng còn rậm lời.
2 - Tập truyện ngắn "Người xa xứ" của Quang Bách
Mười truyện của Quang Bách có sự tươi rói của đời sống.
Đọc truyện của anh như được xem những bức tranh mầu nước với các mảng màu phong phú, hơi hỗn độn chen lẫn hồn nhiên. Anh khá làm chủ được tư liệu và vốn sống của mình.
Tôi thích thiên nhiên trong văn Quang Bách, thích đoạn văn mô tả rừng Nghĩa Lộ, tả những cánh hoa pắc pi (trang 56), tả cảnh làm bánh trứng kiến nhân ngạt, đó là kí ức tuổi thơ của tôi.
Truyện của anh có hai mảng. Một mảng gồm 6 truyện viết về vùng cao Yên Bái, Lào Cai ( Từ bỏ lời nguyền, Xuống núi, Vợ chồng Thèn Ú, Rừng chiều, Đứa cháu nội họ Giàng, Seo Mẩy). Trong đó tôi chú ý đến các truyện "Đứa cháu nội họ Giàng" và "Seo Mẩy". Truyện "Đứa cháu nội họ Giàng" miêu tả cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cuộc sống mới và cũ, giữa thế giới văn minh và dã man.
Truyện "Seo Mẩy" gióng lên hồi chuông cảnh báo cuộc sống yên ổn của người H'Mông đang bị tấn công.
Truyện "Đứa cháu nội" đầy đặn, có chiều sâu hơn "Seo Mẩy", nhưng đáng tiếc, tác giả không khai thác đến tận cùng các chi tiết, các sự kiện.
Mảng bốn truyện còn lại : "Người xa xứ", "Quà xuân", "Chuyện ở bến đò", "Cơn mưa" đều viết về tình yêu, tình bạn. Riêng "Chuyện ở bến đò" viết về sự mất mát trong chiến tranh. Truyện "Người xa xứ" được Quang Bách lấy đặt tên chung cho tập truyện của mình viết về một cô gái bị người yêu và gia đingf người yêu ruồng bỏ khi cô mang thai đứa con sau này sẽ trở thành một nhà khoa học. Chuyện "Cơn mưa" kể về cuộc chung sống của hai kẻ thất cơ lỡ vận. Câu chuyện ấm áp, có tình.
Truyện của Quang Bách có nhiều yếu tố ngẫu nhiên, thường bị hẫng ở phần kết, có lẽ anh chưa dụng công, hoặc anh bị thói quen nghề nghiệp của nhà giáo luôn muốn tròn trịa, vì thế mà sa vào giáo huấn hoặc sa vào mục đích tuyên truyền.
3 - Tập truyện thiếu nhi của Lê Năng
Gồm 9 truyện viết về loài vật, ngắn gọn có chất ngụ ngôn. Lối viết còn chưa định hình. Cần gia tăng phần hóm hỉnh, bất ngờ.
4 - Nguyễn Thúy Ngân gửi hai truyện ngắn "Nhân ái" và "Hoàng hôn thức". Truyện sau còn khá đơn giản. Truyện "Nhân ái" tác giả có công phu hơn. Nhìn chung, có lẽ tác giả mới bắt đầu viết, kĩ thuật viết truyện ngắn còn hạn chế.
5 - Kịch bản phim "Thời con gái" của Thái Sinh miêu tả cuộc sống của cô Sao, một cô gái trong trắng đi làm công nhân lâm nghiệp bị đẩy đến một cuộc sống địa ngục - đi chăn bò ở một nơi thâm sơn cùng cốc với hai người bị kỉ luật là Kham và chị Tơn, chỉ vì tình cờ biết được bí mật của người đội trưởng... (Dường như các chi tiết kiểu như thế đã được khai thác nhiều nên mòn).
Cuộc sống đầy ải ở tổ chăn bò đã biến con người thành con thú.
Thái Sinh có kinh nghiệm viết truyện phim, nhưng truyện phim này quá u ám.
Một số chi tiết không ổn. Về bệnh viện tâm thần, về việc Sao bỏ trốn. Nhân vật Kham bị cắt của quý, trở thành người rừng (?). Câu chuyện nàng Ban không ăn nhập lắm.
 
C

candyxbaby

6 - "Chuyện tình của bức tranh thêu" của Xuân Nguyên
Một câu chuyện cảm động thời chống Pháp. Sự đoàn tụ sau một thời gian dài dâu bể. Nhưng kịch bản ít chất điện ảnh, nhiều chất sân khấu truyền hình.
7 - "Bến lở ": Truyện phim nhẹ nhàng, phản ánh một cuộc sống vùng nông thôn Yên Bái. Nhưng mọi thứ chừng mực quá, còn thiếu những chi tiết sinh động để xem.
8 - Thơ của Lê Vân
Lê Vân làm thơ đã lâu, có nghề.
Anh viết về kỉ niệm, về kí ức khá đạt :
Hoa gạo rụng mặt đường yên lặng
Ai vô tình ném xuống dòng sông
(Mùa hoa gạo)
Đêm Thọ diên nằm nghe tiếng mõ
Chuông cầu kinh kệ lá bàng rơi
(Trở lại Thọ Diên)
Ơi Mường Lò, Tú Lệ nếp thơm ngon
Cúc bạc trắng áo em...
( Nghĩa Lộ trong tôi)
Cứ mỗi lần cháu trở về quê cũ
Nhớ con cò trên khung dệt năm nao
Bấc đã cháy tàn đĩa dầu hao
Cháu cứ ngỡ ngoại ngồi phía ấy.
(Nhớ ngoại)
Nhược điểm của Lê Vân là chưa chú ý đến cấu tứ một bài thơ, ít cảm xúc và tâm trạng, chữ cũ và mòn. Mới chỉ thông tin mà chưa cảm.
9 - Thơ Kiều Ngọc ( đọc tập "Lời cây hoa dại" và chùm thơ 10 bài )
Kiều Ngọc có tuyên ngôn:
Em muốn là em, không thể khác
Đừng cắt cành em đau !
(Lời cây hoa dại)
Tôi không nghĩ đây là sự từ chối đóng góp, nhận xét về thơ chị.
Trước hết, Kiều Ngọc biết khơi gợi cảm hứng ở người đọc :
Tự sâu thẳm chìm trong kí ức
Dấu chân mòn hoa cỏ, lối em đi
(Thị xã và em)
Là người đa cảm, khao khát yêu đương :
Ai làm rớt sợi dây thương
Để tôi vô ý tơ vương vào đời
(Bâng quơ)
Em chợt hiểu có gì trong ánh mắt
Anh nâng niu hôn nhẹ cánh hoa rơi...
(Ánh mắt)
Anh như là một vầng mây
Em như đất khát từng ngày đón mưa
(Mưa)
Khao khát hiến dâng:
Vườn cấm không còn nữa
Trái táo rừng
anh có muốn
chia đôi ?
(Vũ điệu tình rừng)
Là một phụ nữ làm thơ, Kiều Ngọc có sự tinh tế:
Hoa cứ nở, cánh mở hương hào phóng
Ngập ngừng
Giọt sương chẳng dám rơi
(Sương đêm)
Hương chè thoang thoảng gió
Gửi thơm vào mùa xuân
(Nhành xuân)
Ta gặp lại mình đêm lất phất mưa xuân
Hương hoa nào dịu tỏa lan lặng lẽ
(Cảm nhận)
Nhưng có thể chị là một người xuất thân làm khoa học tự nhiên, thích lôgic chính xác, vì thế cũng thích triết lý ( nhưng như vậy thì hơi bị khô khan ):
Cái nhớ nhạt nhòa
Lại vào giấc ngủ
Cái nhớ ra đi
Lại quên khép cửa

Đợi cái nhớ về
Lòng ta lại vỡ.
(Nhớ)
Thay mặt nhóm : Nhà văn Hà Phạm Phú
* Thơ văn của Nguyễn Thị Ngọc Oanh được đăng tải trên mục "Sáng tác" (Nghệ thuật) tại trang web của THPT Chu Văn An - Yên Bái.
 
Top Bottom