Sử CHÚA NGUYỄN ÁNH TRONG CON MẮT MỘT NHÀ NGOẠI GIAO NGƯỜI ANH

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

CHÚA NGUYỄN ÁNH
TRONG CON MẮT MỘT NHÀ NGOẠI GIAO NGƯỜI ANH
Cuộc đời của Nguyễn Ánh, người khai sáng vương triều Nguyễn (1802-1945), là một chuỗi dài những hiểm nguy, gian khó, từng thoát chết nhiều lần, và phải nhiều năm ẩn lánh trên xứ người (Xiêm, nay là Thái Lan). Trong khoảng thời gian giữa hai thập niên 1770 và 1800, hình ảnh của nhân vật Nguyễn Ánh được miêu tả dưới nhiều góc cạnh khác nhau, vẽ ra một chân dung chính xác và trung thực về ông là điều cực khó.
Những năm 1792-1793, một nhân viên ngoại giao người Anh tên John Barrow có dịp đến Đàng Trong, đã miêu tả lại những gì nghe được, thấy được về Nguyễn Ánh trong tác phẩm A voyage to Cochinchina (Một chuyến du hành sang xứ Nam Hà) xuất bản tại London năm 1806. Dưới đây là phần lược dịch những gì Barrow viết về Nguyễn Ánh, người sẽ trở thành vua Gia Long, trong giai đoạn cuối cùng của một trong những cuộc nội chiến khốc liệt nhất.
“ … Từ năm 1790 (chính xác là 1788 – TDLS) là thời điểm Nguyễn Ánh quay lại miền Nam đến năm 1800, ông chỉ có được hai năm yên bình là 1797 và 1798, và hai năm đó có lẽ là thời kỳ quan trọng nhất trong triều đại của ông. Dưới sự hỗ trợ của giám mục Bá Đa Lộc, mà ông coi như người cố vấn, ông quay sang chú tâm đến việc cải thiện xứ sở của mình.
Ông thiết lập một xưởng làm “saltpetre” (nitrat kali, dùng làm thuốc súng - TDLS) ở Fen-Tan (Champa), mở đường giao thông giữa những đồn lũy quan trọng và thị trấn lớn, trồng cây hai bên đường để lấy bóng mát. Ông khuyến khích việc trồng trầu, cau ở những đồn điền đã bị quân Tây Sơn phá hủy. Ông tưởng thưởng cho việc quảng bá nghề nuôi tằm, tạo ra những vùng đất dành trồng cây mía, và thiết lập những xưởng chế tạo nhựa đường và nhựa cây.
Ông chế tạo hàng ngàn súng hỏa mai, mở một mỏ khai thác quặng sắt, xây dựng các lò luyện kim. Ông chia lực lượng bộ binh thành các trung đoàn, thiết lập các trường học quân sự, nơi đó, quan binh của ông được các ông thầy người châu Âu hướng dẫn việc sử dụng súng ống. Bá Đa Lộc dịch các kỹ thuật quân sự ra chữ Hán để sử dụng trong quân đội của ông.
Trong hai năm đó (tức 1797-1798 – TDLS), ông đã làm ra ít nhất 300 thuyền lớn có trang bị vũ khí hay thuyền có mái chèo, 5 thuyền buồm, và một đội thuyền chiến theo kiểu thuyền của người Âu. Ông đưa ra một hệ thống chiến thuật áp dụng cho thủy quân và cho các quan lại trong ngành thủy quân học cách sử dụng tín hiệu. Một trong những nhà quí tộc người Anh mà tôi từng lưu ý là đã có mặt ở Sài Gòn vào năm 1800, nhìn thấy một đoàn tàu có 1.200 thuyền buồm đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Nguyễn vương, thả neo trên sông với một trật tư cao nhất. Chúng được chia ra ba thành phần tách biệt nhau, xếp thành những đội ngũ sẵn sàng chiến đấu, theo thứ tự khép, mở và vận hành với nhiều cách khác nhau, dựa vào những tín hiệu được ban ra.
Trong thời khoảng yên bình đó, ông còn cải cách hệ thống luật pháp với sự hỗ trợ của giám mục Bá Đa Lộc. Ông bãi bỏ nhiều loại hình tra tấn mà luật pháp trong nước lúc đó vẫn còn cho phép áp dụng và làm giảm nhẹ những hình phạt xem ra không phù hợp với tội trạng của người gây nên. Ông mở trường công và các bậc cha mẹ bị buộc phải cho con họ đi học ở tuổi lên bốn, nếu không sẽ bị trừng phạt.
Ông thiết lập một hệ thống luật pháp và ban hành những qui định về thương mại trong vương quốc của mình, làm cầu bắc qua sông, đặt phao và dấu hiệu ở những nơi nguy hiểm trên bờ biển và tiến hành các cuộc nghiên cứu ở những vịnh và cảng chính. Ông cử các phái bộ đi vào vùng rừng núi ở phía Tây vương quốc, nơi cư trú của người Lào và người Miaotsé, là những nước còn man rợ mà ông mong muốn biến họ thành nước văn minh, có chính quyền tốt. Những người sơn dã này bị người Tàu gọi một cách khinh thường là “người có đuôi”, cho dù họ là hậu duệ bình thường của những cư dân ban đầu trong một vương quốc văn minh….
…Nguyễn Ánh được miêu tả như một chiến sĩ toàn diện, với tất cả ý nghĩa chính xác nhất của từ này. Người ta nói rằng ông cảm thấy vinh dự với danh vị nguyên soái hơn là danh vị một quốc vương. Ông được mô tả như một người dũng cảm nhưng không thô bạo, biết tùy cơ ứng biến. Ông thường có những quan niệm đúng đắn. Không bao giờ khó khăn làm cho ông chán nản, không có trở lực nào làm cho ông lùi bước. Thận trọng trong quyết định, mau lẹ và mạnh dạn trong việc thi hành những gì đã quyết định, ông luôn đứng đầu hàng quân, ở những vị trí đặc biệt nhất của chiến trường, luôn biểu lộ một tính khí vui vẻ, dễ chịu, lịch sự và ân cần với tất cả tướng sĩ thuộc quyền. Ông thận trọng tránh để cho người khác thấy mình có sự ưu ái riêng một người nào. Trí nhớ của ông rất vững chắc, đến nỗi ông nhớ tên nhiều binh sĩ trong đội quân của ông. Ông nói chuyện với binh sĩ một cách thích thú, nhắc nhở với họ về những hành động, những chiến công của họ. Ông hỏi thăm vợ con họ với sự chăm chút đặc biệt, muốn biết họ có thường xuyên cho con đến trường học hay không, chúng muốn làm gì khi lớn lên…
Cách cư xử của ông với người nước ngoài đầy tính nhã nhặn và lịch sự. Ông công khai bày tỏ sự quý mến đối với những nguyên tắc của Ki tô giáo. Ông tỏ lòng khoan hòa với tôn giáo này cũng như với chân lý của những tôn giáo khác trong xứ sở của ông. Ông gìn giữ với sự cẩn trọng những câu châm ngôn về lòng hiếu thảo mà Đức Khổng tử đã trình bày trong các tác phẩm của Ngài.
Ông đứng trước bà mẹ – hiện còn sống – với sự kính cẩn của một đứa trẻ trước người thầy học của mình. Ông tỏ ra rất am tường những tác giả ưu tú của Trung Quốc. Nhờ giám mục Bá Đa Lộc dịch ra tiếng Hán nhiều bài trong bộ Bách khoa toàn thư mà ông học hỏi được các ngành khoa học cùng nghệ thuật châu Âu và ham mê nhất ngành hàng hải và đóng tàu. Người ta kể rằng để kết hợp lý thuyết với thực hành về kỹ thuật đóng tàu, ông đã mua một chiếc tàu Bồ Đào Nha chỉ nhằm mục đích duy nhất là tự tay tháo từng mảnh ván ra rồi mô phỏng kích thước của những mảnh ván đã tháo, thay bằng những mảnh ván mới cho đến khi ráp thành một chiếc tàu mới...
Để chăm lo một cách chắc chắn hơn những gì liên quan đến chính quyền, ông tuân thủ một cách sống cố định và nền nếp. Ông thức dậy lúc 6 giờ sáng và tắm nước lạnh. Lúc 7 giờ các quan lại được thông báo việc ông đã thức, tất cả văn thư trình ông hôm trước được mở ra và chỉ dụ của ông được nhiều viên thư ký ghi chép lại. Sau đó, ông đi đến xưởng thủy quân, xem xét những gì đã làm lúc vắng mặt ông, rồi ông ngồi lên một chiếc thuyền chèo đi suốt cảng, kiểm tra các tàu chiến, đặc biệt chú tâm đến pháo binh và thăm xưởng đúc nằm trong xưởng đóng tàu, ở đó, người ta đúc súng đại bác đủ cỡ.
Giữa trưa hoặc lúc một giờ, ông dùng cơm ở xưởng tàu. Bữa ăn gồm cơm và một ít cá khô. Lúc hai giờ (chiều), ông trở về phòng và ngủ cho đến năm giờ chiều. Sau đó, ông tiếp kiến quan lại các ngành thủy bộ, những người đứng đầu các tòa án hay các cơ sở công quyền. Trong những buổi tiếp kiến này, ông phê chuẩn, bác bỏ hay sửa chữa những đề án đã được trình lên ông. Thường thì công việc triều chính khiến cho ông bận rộn đến nửa đêm. Đến lúc ấy, ông mới trở về văn phòng, viết lại những lời ghi chú hay phê duyệt mà ông cho là thích hợp trong ngày hôm đó. Kế đó, ông ăn nhẹ, sống với gia đình trong một tiếng đồng hồ và luôn đi ngủ lúc hai hay ba giờ sáng. Như vậy, trong 24 tiếng đồng hồ (mỗi ngày), vị vương này chỉ nghỉ ngơi có 6 tiếng….”
(lược dịch từ A voyage to Cochinchina của John Barrow – 1806, trang 273-278)
Chú thích ảnh:
1) Bàn thờ vua Gia Long (1802-1820) tại Huế
2) Viên chức ngoại giao Anh John Barrow (1764-1848), tác giả quyển A voyage to Cochinchina 1792-1793
3) Trang bìa tác phẩm A voyage to Cochinchina của John Barrow (London 1806)

Nguồn: theo dòng lịch sử
 
Top Bottom