Chị ơi, em sử dụng Truyện Kiều trong phần bàn luận chứng minh được không ạ?
Chị hướng dẫn cho em với ạ.
Em cảm ơn.
@Trần Tuyết Khả
Em có thể chọn một vài chi tiết tiêu biểu nha
Em có thể lấy chi tiết đôi mắt của Kiều được Nguyễn Du miêu tả rất kĩ
- Sau khi khắc hoạ chân dung Thúy Vân, tác giả đã hết lời ca ngợi về vẻ đẹp nhan sắc của Thúy Kiều. Bằng biện pháp đòn bẩy, Nguyễn Du đã khéo léo tôn lên vẻ đẹp của Kiều, Vân đã đẹp, Kiều càng đẹp hơn. Nếu khi miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân, Nguyễn Du miêu tả chi tiết cụ thể thì miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều, ông lại tập trung vào tả đôi mắt. Đó là đôi mắt sáng long lanh như làn nước mùa thu dưới đôi lông mày thanh tú tràn đầy sức sống như nét núi mùa xuân. Lột tả được vẻ đẹp của đôi mắt là nhà thơ đã lột tả được cái "thần" của khuôn mặt, thể hiện sự tinh anh của tâm hồn và trí tuệ, thật đúng như người ta vẫn thường nói "đôi mắt là cửa sổ tâm hồn"
Chị gợi ý thêm về chi tiết trong tác phẩm khác nữa nhé, như là chi tiết cái bóng trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ
- Chiếc bóng xuất hiện tổng cộng 3 lần trong toàn tác phẩm: 1 là chiếc bóng của Vũ Nương khi dỗ con, 2 là chiếc bóng của Trương Sinh và cuối cùng là chiếc bóng mờ ảo của Vũ Nương lúc cuối truyện
+ Chiếc bóng thứ nhất xuất hiện trong những ngày Trương Sinh đi vắng, vì nhớ thương chồng, vì không muốn con thiếu thốn tình cảm của cha nên hằng đêm, Vũ Nương đã chỉ cái bóng của mình trên vách và nói với con đó là "cha Đản". Cái bóng là tình yêu thương sâu nặng, là nỗi nhớ nhung da diết mà nàng dành cho chồng bởi nàng coi mình là hình còn chồng là chiếc bóng, gắn bó không rời dù xa xôi ngàn dặm. Cái bóng ấy còn là tấm lòng yêu thương con hết mực của người mẹ, Vũ Nương muốn bù đắp cho bé Đản khỏi thiếu vắng cha. Cái bóng ấy còn là khát khao sum họp gia đình của nàng. Vũ Nương cũng không thể ngờ được chính cái bóng ấy đã mang đến tai họa cho cuộc đời nàng. Bé Đản còn quá ngây thơ, nó tin lời mẹ nói là thật để rồi đến khi Trương Sinh về, nó nhìn chàng ngơ ngác, lạ lẫm "Ô hay thế ra ông cũng là cha tôi ư?". Lời nói ấy của bé Đản như đổ thêm dầu vào ngọn lửa ghen tuông sẵn có trong Trương Sinh, nghi ngờ vợ thất tiết, Trương Sinh không cần nghe lời phân trần, giải thích của bất cứ ai, chàng mắng nhiếc, đánh đuổi vợ đi khiến Vũ Nương phải tìm đến cái chết trong oan nghiệt đau khổ. Đến đây, cái bóng đã kết tội Vũ Nương và thắt nút hoàn toàn câu chuyện, đẩy kịch tính lên đến cao trào khiến người đọc vô cùng xót xa, đau đớn.
+ Nỗi đau đớn ấy như vỡ òa ra khi chiếc bóng xuất hiện lần thứ hai trong tác phẩm: sau khi Vũ Nương chết, vào một đêm, khi hai cha con Trương Sinh ngồi trước bóng đèn dầu, bé Đản đã trỏ cái bóng của chàng trên tường mà bảo "cha Đản lại đến kia kìa". Thật đau đớn chua xót khi Trương Sinh hiểu ra vợ mình bị oan thì đã quá muộn.
+ Lần thứ ba xuất hiện chi tiết cái bóng là bóng của Vũ Nương ẩn hiện trên sông khi quay lại gặp chồng con lần cuối. Vũ Nương có được cuộc sống sung sướng, giàu sang nơi cung nước nhưng vẫn một lòng nhớ thương gia đình, luôn khao khát được giải oan. Chi tiết chiếc bóng nàng lấp ló trên sông Hoàng Giang chính là biểu hiện của tấm lòng thủy chung, làm vẹn toàn thêm phẩm chất cao quý của nàng. Đến đây chiếc bóng đã mở nút câu chuyện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó trong tác phẩm.
Này là gợi ý của chị, em xem không hiểu ở đây hãy hỏi nhé
Chúc em học tốt!