Cuộc thi do Bộ Thông tin - Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam/Tổng công ty Bưu chính Việt Nam; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Báo Thiếu niên Tiền phong phối hợp tổ chức.
I. CHỦ ĐỀ:
Đề tài cuộc thi lần thứ 39 – năm 2010 là: "Hãy viết thư cho một người nào đó, để nói vì sao việc hiểu biết về AIDS và tự bảo vệ mình trước căn bệnh này là rất quan trọng"
Tiếng Anh: "Write a letter to someone to explain why ít is important to talk about AIDS and to protect yourself against it".
II. GIẢI THƯỞNG:
1. Giải thưởng quốc gia:
- Các thí sinh đoạt giải sẽ được công nhận Học sinh giỏi Quốc gia môn Văn tương ứng và được cộng điểm khi xét chuyển cấp.
- Các thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì được T.Ư Đoàn tặng Huy hiệu "Tuổi trẻ sáng tạo".
- Ban Tổ chức hỗ trợ chi phí đi lại, ăn nghỉ cho các thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba (kèm hai người thân: phụ huynh và nhà trường) về Hà Nội dự Lễ Tổng kết và Trao giải thưởng.
Giải cá nhân:
- 1 giải Nhất: 5.000.000đ
- 3 giải Nhì, mỗi giải: 3.000.000đ
- 5 giải Ba, mỗi giải: 2.000.000đ
- 30 giải Khuyến khích, mỗi giải: 1.000.000đ
Ngoài ra, còn có các giải phụ dành cho các thí sinh lọt vào vòng chung kết:
- Giải dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất: 1.000.000đ
- Giải dành cho thí sinh là người dân tộc: 1.000.000đ
- Giải dành cho thí sinh là người khuyết tật: 1.000.000đ
Giải tập thể:
- Tặng trường có học sinh đoạt giải Nhất trị giá: 2.000.000đ
- Tặng trường có học sinh đoạt giải Nhì, Ba, mỗi giải: 1.000.000đ
2. Giải thưởng Quốc tế:
Bức thư đoạt giải Nhất Việt Nam sẽ được Ban Tổ chức gửi nguyên văn kèm theo bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để tham dự cuộc thi Quốc tế. Nếu đoạt giải, sẽ được tặng thưởng:
- Giải Nhất: 30 triệu đồng
- Giải Nhì: 20 triệu đồng
- Giải Ba: 15 triệu đồng
- Giải Khuyến khích: 10 triệu đồng
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tặng Bằng khen cho thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba Quốc tế. Ban Tổ chức cũng sẽ đề nghị T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có hình thức khen thưởng phù hợp. Đặc biệt, thí sinh đoạt giải Nhất Quốc tế sẽ được UPU mời sang Trụ sở chính của UPU tại Bern, Thụy Sỹ nhận giải.
III. THỂ LỆ CUỘC THI:
1. Điều kiện dự thi: Tất cả thiếu nhi, học sinh Việt Nam từ 15 tuổi trở xuống (từ lớp 5 đến lớp 10, năm học 2009 - 2010) đều được dự thi. Bài thi gửi qua đường bưu điện phải dán tem.
2. Quy định về bài thi:
- Bài thi là một bức thư viết dưới dạng văn xuôi (chưa đăng báo hoặc in sách), đài không quá 1000 từ
- Các bài viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp phải có bản dịch sang tiếng Việt (BGK chấm bản tiếng Việt).
- Bài viết rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy, ghi đầy đủ: Họ tên, nam, nữ, ngày tháng năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố) hoặc địa chỉ gia đình (viết vào góc bên phải, bên trên bài dự thi). Không nhận bài photocopy và bài viết trên máy vi tính. Dự thi tập thể không cần để bài thi vào trong phong bì.
- Ngoài phong bì cần dán tem và ghi rõ: Dự thi UPU 39 - 2010.
3. Nơi nhân bài thi: Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5, Hòa Mã, Hà Nội.
4. Thời gian: Từ ngày công bố trên Báo TNTP và trên Báo Bưu điện Việt Nam, đến ngày 15/2/2010 (theo dấu bưu điện).
5. Lưu ý:
- Bài thi đoạt giải bản quyền thuộc về Ban Tổ chức.
- Bài ghi không đầy đủ các nội dung trên sẽ bị loại.
MỘT SỐ GỢI Ý VỀ ĐỀ TÀI CUỘC THI UPU 39
a. Nội dung chính mà bức thư cần đề cập:
Căn bệnh HIV/AIDS đã trở thành “đại dịch”, để ngăn ngừa, mỗi người cần phải nhận thức rõ để tuyên truyền cho mọi thành viên của cộng đồng hiểu biết, phòng tránh, đồng thời chính bản thân cũng phải tự bảo vệ mình chống lại căn bệnh này.
Như vậy, mỗi cá nhân không chỉ hiểu biết mà còn là tấm gương trong việc phòng chống căn bệnh HIV/AIDS.
b. Thể hiện nội dung:
- Cần hiểu rõ căn bệnh AIDS. Theo thuật ngữ quốc tế : AIDS là chữ tắt hiểu theo tiếng Việt là: “Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải”.
- AIDS do một loại vi-rút gây suy giảm miễn dịch ở người, gọi tắt là HIV, chúng xâm nhập vào cơ thể qua quan hệ tình dục, qua truyền máu và tiêm chích ma túy. Hiện chưa có thuốc đặc trị.
- Vi-rút HIV là nguyên nhân gây ra bệnh AIDS. Chúng gây nhiễm trên chính bạch cầu lympho T (loại bạch cầu mạnh nhất trong cơ thể), gây rối loạn chức năng của tế bào này và dẫn tới hội chứng suy giảm miễn dịch (cơ thể mất khả năng chống lại các vi khuẩn, vi-rút…).
Hiểu rõ căn bệnh AIDS, chúng ta mới thấy tại sao thế giới gọi là “đại dịch” và tầm quan trọng của công việc tuyên truyền, tự bảo vệ chống lại căn bệnh này.
c. Sơ bộ về căn bệnh AIDS
Chủ đề cuộc thi năm nay được UPU chọn về đại dịch bệnh HIV/AIDS. Đây là một căn bệnh hiểm nghèo đã được thế giới phát hiện ra cách đây gần 30 năm, phát triển và lây lan nhanh chóng trên toàn cầu. Trên thế giới có khoảng 33 triệu người sống chung với HIV/AIDS. Hàng ngày, có 7400 trường hợp mới phơi nhiễm bệnh. Cho tới nay, vẫn chưa tìm ra vắc xin phòng chống căn bệnh này.
Hưởng ứng chiến dịch phòng chống HIV toàn cầu, Liên minh Bưu chính thế giới – UPU đã phối hợp với Chương trình về HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Công Đoàn Thế giới chọn chủ đề HIV/AIDS cho cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 39 và phát động phong trào hưởng ứng chiến dịch phòng chống HIV tới các bưu cục trên toàn mạng Bưu chính toàn cầu.
d. Tại sao cần hiểu biết về bệnh AIDS và tự bảo vệ mình chống lại căn bệnh này?
Sở dĩ AIDS phát triển với tốc độ khủng khiếp như trên vì thời kỳ nhiễm HIV có thể kéo dài từ 2-10 năm. Trong thời kỳ này, người vẫn khỏe mạnh bình thường, không có triệu chứng gì rõ rệt, nhưng cũng chính vì vậy mà khả năng lây nhiễm là rất lớn, do không biết phòng tránh.
Bởi vậy, việc hiểu biết đầy đủ về căn bệnh này từ tác hại đến quá trình phát triển, gây tử vong, thay đổi thái độ và hành vi, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là hết sức cần thiết. Việc kết hợp các biện pháp xã hội và biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế trong phòng chống HIV/AIDS trên nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, trong đó thông tin giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi là biện pháp chủ yếu.
e. Việc hiểu biết và tự bảo vệ như thế nào?
Cha ông ta đã dạy: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Từ khi trên thế giới và Việt Nam phát hiện ra căn bệnh này, Chính phủ và các tổ chức xã hội, đoàn thể đã có nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền để mỗi người dân, thành viên trong cộng đồng hiểu rõ căn bệnh HIV/AIDS.
Đối với tuổi học trò, căn bệnh HIV/AIDS thực sự trở thành nguy cơ, mối lo lắng với mỗi gia đình, nhà trường và xã hội. Nguyên nhân: Do chủ quan, nhiều bạn học sinh ban đầu bị rủ rê, lôi kéo “thử” cho biết; một số bạn chạy theo lối sống hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi… bởi vậy mà sa ngã vào tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục bừa bãi… dẫn đến bệnh tật, gia đình tan nát…; Do khách quan: lây nhiễm qua bố mẹ, qua chữa bệnh tại bệnh viện…
Ở bức thư của mình, các em nên chọn những câu chuyện, sự việc xảy ra trong thực tế : gia đình, bạn bè và bản thân để khẳng định việc nhận thức và tự phòng tránh căn bệnh AIDS là vô cùng cần thiết. Cũng có thể là một trường hợp, hoàn cảnh thương tâm nhưng đã vượt qua bệnh tật, hoàn lương, trở về hòa nhập với cuộc sống, đóng góp có ích cho xã hội. Cũng khuyến khích các em bày tỏ sự thân thiện, chia sẻ, đồng cảm của mọi người với người bị mắc bệnh, tránh kỳ thị, ghét bỏ. Qua bức thư, các em cũng cần nhấn mạnh đến tác hại của việc mắc phải căn bệnh này, như về thể xác (ốm đau, tiều tụy, hủy hoại sức lực…), về tinh thần (u mê, thiếu sáng suốt…). Đồng thời ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội: Bản thân là một gánh nặng cho gia đình, cộng đồng; về lâu dài, con cái cũng bị lây nhiễm…
Đây là một đề bài mà chủ đề mang tính xã hội, đòi hỏi các em khi viết phải có sự suy nghĩ, cái nhìn khách quan với mỗi sự việc, câu chuyện đặt ra. Cần phê phán nhưng cũng đề cao các giải pháp, hướng đi cho những ai và ngay cả bản thân mình nếu đã mắc phải căn bệnh này.
g. Thể loại:
Là bức thư văn học, các em nên lưu ý tuân thủ các quy định: Tránh lối viết dễ dãi, sáo mòn; kết thúc phải gây ấn tượng với người đọc.
Ban Tổ chức mong nhận được những bức thư hay và sáng tạo của các em học sinh từ khắp mọi miền đất nước.