Đã hơn 12 năm trôi qua rồi, một khoảng thời gian không phải ngắn, nó đã lớn lên nhiều, đã đi nhiều nơi, đã học qua nhiều thầy cô giáo nhưng có một người mà nó sẽ không bao giờ quên, một người cô đã cho nó những kỉ niệm đẹp nhất thời thơ dại...
12 tuổi, nó là một con bé nhỏ xíu, ham học nhưng cũng hơi nghịch ngợm. Một ngày nọ, nó bỗng thấy chán với những trò chơi vẫn diễn ra hằng ngày của đám con gái, bỗng nó nảy ra ý kiến và một kế hoạch được dựng nên. Bắt đầu là việc phải tìm ra được vài mẩu đất sét, nhưng tìm ở đâu khi trường nó bao quanh là đồng ruộng, thế là một đứa được cử để đèo nó về nhà, cũng dễ dàng tìm thấy mẩu đất đúng yêu cầu khi nhà nó là trường dạy mẫu giáo. Thế là khâu chuẩn bị đã hoàn thành. Giờ ra chơi cả nhóm loay hoay ở phía cuối lớp, hai con rắn nhỏ, một xanh, một vàng nghệ đã được cả bọn tạo nên, nhìn vào không thể nào phân biệt đó lại là rắn giả.
Tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp đã vang lên. Trống ngực nó đập dồn, hồi hộp, lo lắng, bất an,... là những gì nó cảm nhận lúc ấy, nhưng nghĩ đến sẽ tạo ra một trận cười cho cả lớp lại khiến nó tiếp tục chờ đợi.
Và rồi tiết học bắt đầu, nhưng phấn lại không có trên bàn như mọi hôm,(đơn giản nó đã cố tình giấu vào ngăn bàn), cô giáo phải đưa tay vào và ... một tiếng hét vang lên, cả lớp cười ồ(đúng như dự đoán của nó)nhưng rồi bỗng im bặt,nó thấy lạnh nơi sống lưng vì thấy khuôn mặt cô đã chuyển sang tái nhạt và mắt bắt đầu nhắm lại.
Cô nằm đó, trong phòng y tế của nhà trường, không nói gì, chỉ nhìn nó, một đứa học trò luôn được cô tin tưởng, là niềm tự hào trong những năm qua... thế mà hôm nay... Chắc nó làm cô thất vọng nhiều lắm!
Những ngày sau đó tiết học của cô được thay bởi một giáo viên khác. Nó đâu biết rằng trò đùa của nó ngày hôm ấy đã vô tình khiến bệnh tim của cô tái phát, cô phải nhập viện. Một tuần sau, cô khỏi bệnh và trở lại đứng lớp, nó thấy hối hận và xấu hổ, nó sợ gặp cô nhưng cô vẫn quan tâm đến nó như những ngày trước đây, vẫn tận tình chỉ bảo cho nó những bài tập khó. Lúc đó nó chẳng biết làm thế nào để xin lỗi cô, nó chỉ biết chăm chỉ học tập và không còn chơi những trò nghịch ngợm như trước đây.
Cuối năm đó, khi hè về và hoa phượng lại nở đỏ rực khắp sân trường cũng là lúc nó phải xa cô giáo kính yêu của mình. Cô phải chuyển đi xa tận miền Nam vì chồng cô, một kĩ sư xây dựng, chuyển công tác. Cô báo tin cho nó biết khi mà nó đang vui mừng tíu tít với đám bạn để khoe những phần thưởng mà nó mới nhận được trong lễ bế giảng. Nó đứng lại với cô khi sân trường đã vắng lặng, chỉ còn tiếng ve kêu rả rích và gió mùa hè mát rượi, thổi bay những cánh phượng đầu mùa. Nó đã khóc nhiều, nó ôm cô và bảo cô đừng đi, hãy ở lại với nó, có phải vì nó làm cô buồn nên cô không dạy ở đây nữa? Cô cười, ôm nó vào lòng và mắt cô rưng rưng. Cô bảo cuộc đời có sum họp và chia ly, nhưng những kỉ niệm đẹp về nhau sẽ còn mãi. Cô tặng nó cuốn "Những tấm lòng cao cả" của Edmondo De Amicis và nói: Em hãy đọc, những câu chuyện về tình anh em, gia đình, tình bạn và tình thầy trò cao cả! Cô mong em hãy học tập thật tốt và mai sau lớn lên trở thành người có ích. Hãy luôn luôn mở rộng trái tim mình với tất cả mọi người, em sẽ là người hạnh phúc!
Bao năm qua rồi, những lời khuyên của cô giờ nó mới thật sự hiểu. Cuốn sách cô tặng nó vẫn luôn giữ gìn và trân trọng. Mỗi khi buồn nó lại đem ra đọc, lại thấy thấm thía những lời cô dặn khi xưa. Đã 12 năm trôi qua, nó chưa một lần được gặp lại để nói lời xin lỗi và cảm ơn với cô, người đã đem đến cho nó sự ấm áp bằng lòng vị tha, tận tụy và hết lòng vì học trò của mình. Cảm ơn cô nghìn lần, cô giáo kính yêu của em, mong cô mãi hạnh phúc và tiếp tục dìu dắt những thế hệ học trò, để rồi khi lớn lên những con người ấy lại đem hết tình yêu, nhân ái cùng tài năng và nhiệt huyết của tuổi trẻ để xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp.
Câu chuyện bắc đầu khi tôi chỉ còn là một cậu bé, chưa có nhận thức với cuộc sóng đầy thử thách và diệu kì này.
Năm đó là năm đầu tiên tôi được biết tới chữ thầy, chữ cô. và cũng là năm đầu tiên mà tôi đi tới trường nhân ngày khai giảng cùng với cô chủ nhiệm của mình.
Mẹ tôi, là một người mẹ luôn vất vả vì con cái, chăm lo làm việc để con mình có được một chiếc quần, một cái áo để đi đến trường cùng bạn đồng trang lứa, lúc đó mẹ bận làm nên tôi được đi học cùng với cô giáo chủ nhiệm ở gần nhà.trời thu trong xanh, cô cháu tôi bước trên con đường làng đầy nắng sảng chiếu qua từng khẽ lá.những cách phượng rơi, những chiếc lá của mùa thu khai trường khiếng tôi luôn cảm thấy xúc động khi nhớ lại những ngày bước cùng cô tới trường trên con đường làng.đó là kỉ niệm mà tôi cảm thấy nhớ nhất khi lần đầu tiên đến trường.
Khi bất chợt nghe câu hỏi này , không biết là các bạn sẽ nghĩ đến ai trong hàng số những cô thầy đã dạy mình trong suốt 12 năm học? Còn mình thì...Khi nhớ về những kỉ niệm đã qua đi , cái ấn tượng trong mình là hình ảnh một người thầy với dáng đi thất thiểu mỗi trưa hè nóng bức. Người thầy ấy tên là Nguyễn Viết Nam. Mình dò dẫm trên con đường trở về bến đò xưa. Ngày ấy... lần đầu thầy vào lớp đã gặp những khuôn mặt cười híp mắt chế giễu thầy. Mình còn nhớ lúc ấy khuôn mặt khắc khổ bỗng hóp đi ,thầy nhìn xuống đôi chân què quặp của mình và đôi mắt thầy bỗng xa xăm. Đó có lẽ là cái ấn tượng mạnh mẽ nhất trong trái tim mình. Thưở ấy ,mình dại khờ quá phải không các bạn. Và rồi thời gian cũng qua đi như một giấc mơ chẳng bao giờ gặp lại , khi mình ra trường thì được tin thầy bị liệt chân và không thể đứng lớp. Lòng mình đau thắt lại , mình ước:"giá như ngày đó...". Hôm nay , bỗng gặp lại hình bóng thầy trong bài hát "Người thầy" của Nguyễn Nhất Huy , mình bất giác thầm gọi:"thầy ơi..."
Kính thưa thầy!
Mới đó mà đã ngót chín năm rồi thầy nhỉ. Còn nhớ lần đầu tiên em đến nhà thầy để hỏi chuyện học “cua”, đó là năm em mới bước vào lớp 10, vì cấp THCS em bị mất căn bản môn hoá học nên ngay trước khi khai giảng năm học mới em đã quyết tâm củng cố lại kiến thức. Mặc dù điều kiện của gia đình rất khó khăn, nhưng ba mẹ vẫn đồng ý cho em học thêm vài tháng để lấy lại phần kiến thức đã hỏng. Sau khi nghe em trình bày, thầy hỏi thêm đôi điều về gia cảnh hiện tại của em, xong thầy gật gù: “Ừ, tối mai bắt đầu học”. Được thầy đồng ý, em rất mừng, nhưng còn một chuyện rất khó mở lời, là chuyện học phí. Sau một lúc ngập ngừng, em mạnh dạn hỏi: “Thưa thầy, học phí thế nào ạ?”. Thầy khoác tay, nói rõ từng tiếng “Em cứ đến học, chuyện tiền bạc thầy không coi trọng, chủ yếu là em có chịu học hay không”. Em không dám nói thêm lời nào nữa, chỉ lí nhí dạ một tiếng rồi chào thầy ra về. Trong lòng em lúc đó cảm thấy thầy thật lạ, em vừa sờ sợ, nhưng vừa thấy mến thầy.
Hôm sau em đến nhà thầy trước giờ “quy định”, thầy khen “Coi bộ được đó!”. Thế là “cua” học thêm của em bắt đầu từ đó, kiến thức môn hoá học hồi cấp 2 em nhanh chóng củng cố, từ chổ “yếu”, dần dần em đã trở nên yêu thích và học rất tốt môn này.
Ngoài môn hoá, thầy còn dạy em cả lý, và toán nữa và cái may mắn nhất đối với em khi được học với thầy là thầy còn dạy em về cách đối nhân xử thế, từ cách đối đãi với bạn bè, thầy cô, cha mẹ, đến những người lao động... thầy luôn bảo em phải biết trân trọng mọi người. Lời dạy ấy, em mãi không bao giờ quên được.
Sau ba tháng học với thầy, học lực của em đã thay đổi hoàn toàn, từ chổ trung bình em đã vươn lên khá, rồi giỏi. Đó cũng chính là hành trang giúp em bước vào đời một cách vững chắc.
Sau khi kết thúc tháng thứ ba, em lại hỏi chuyện học phí. Vẫn cái khoác tay lần trước, thầy nói “Thầy nói rồi, thầy dạy em không phải vì tiền, thầy thấy em khác mấy “cậu ấm cô chiêu” kiếm cớ học thêm để vòi vĩnh cha mẹ, nếu em như vậy thì một chữ thầy cũng không dạy”. Biết ý thầy đã thế, em không dám nói nhiều, lại chào thầy ra về. Về nhà em nói chuyện đó với ba mẹ. Ba em nói “Con có phước lắm mới gặp được thầy”. Mẹ bảo sẽ mua một xấp vải thật đẹp để tặng thầy may áo. Em đem quà tới, thầy tròn mắt nhìn, chẳng những không nhận mà còn la em một trận tơi bời vì cái tội bày vẽ tốn kém và nhất mực bảo em phải mang quà về.
Mặc dù ý thầy đã rõ, nhưng vì em tuổi còn nhỏ, nên vẫn còn cạn nghĩ, việc em đi học mà thầy không nhận thù lao cứ làm em áy náy trong lòng. Gần ba tháng sau, em mang đến nhà thầy một con gà, vì sợ thầy la nên em đã nhanh nhảu thưa trước với thầy: “Thưa thầy, lần trước mẹ con có mua xấp vải biếu thầy nhưng thầy không nhận, khi con đem về ba con đã chỉ cách, kêu mẹ bán xấp vải mua một chục con gà con rồi giao cho con vừa đi học, vừa chăm sóc, nếu con thật sự quý thầy sẽ làm chuyện đó một cách chuyên tâm, đó cũng là cách giúp con biết yêu lao động, khi thầy biết chuyện chắc sẽ hài lòng. Nay mấy con gà con nuôi đều đã lớn, một số mẹ con đem bán để tăng thu nhập, một số tiếp tục để gầy giống. Còn con này trông tốt nhất, con kính biếu thầy”. Dường như hiểu được lòng em, thầy xoa đầu rồi nói “Em giỏi lắm”. Thầy bảo cô làm thịt con gà, rồi bảo em cùng ở lại ăn cơm với thầy cô. Buổi cơm hôm đó mãi là một kỷ niệm của em về tình thầy trò hết sức thiêng liêng. Và em vẫn nhớ như in, lời thầy đã dặn: “Sống trên đời cần phái có một tấm lòng”.
Nhân ngày Lễ Hiến chương nhà giáo sắp đến, em muốn nhắc lại kỷ niệm ấy như một món quà nhỏ kính tặng thầy. Chúc thầy luôn dồi dào sức khoẻ và mãi mãi là niềm tin của các thế hệ học trò.