Tâm sự CÁCH PHÂN BIỆT MỘT SỐ KHÁI NIỆM HAY GẶP TRONG ĐỀ THI TRẮC NGHIỆM LỊCH SỬ.

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

CÁCH PHÂN BIỆT MỘT SỐ KHÁI NIỆM HAY GẶP TRONG ĐỀ THI TRẮC NGHIỆM LỊCH SỬ.
(Trích sách Bứt phá điểm thi đại học - Hồ Như Hiển)
1. Phân biệt giữa cơ bản và cơ bản nhất".
- Cắt nghĩa từ “cơ bản” bao gồm: Cơ là nền, nền móng, bản là gốc. Chúng ta có thể hiểu đơn giản, cơ bản là những điều kiện, cơ sở đầu tiên cần phải có để sự kiện, sự vật, hiện tượng, giai đoạn lịch sử diễn ra, sự kiện lịch sử sẽ phát triển dựa trên sự bền vững của phần cơ bản. Cơ bản mang tính khái quát chung, không đi sâu, chi tiết vào bất cứ sự vật, sự việc gì, nó làm cơ sở cho những cái khác phát triển lên. Ví dụ như các em học kiến thức ở lớp được gọi là kiến thức cơ bản.
- Nguyên nhân cơ bản bao gồm nhiều nguyên nhân nhỏ được coi như điều kiện cho sự kiện, hiện tượng lịch sử hình thành, nhưng trong số các nguyên nhân nhỏ sẽ có nguyên nhân cơ bản nhất. Nguyên nhân cơ bản bao gồm nhiều ý cho nên trong câu hỏi trắc nghiệm có cụm từ "Nguyên nhân cơ bản" thường là câu hỏi sai, không xác định được đáp án chính xác.
* Về cách xác định được một nguyên nhân hay một sự kiện quan trọng hơn nhất so với các sự kiện còn lại.
- Đối với những câu hỏi liên quan đến Đảng hoặc vai trò của giai cấp lãnh đạo thường đề cao vai trò của yếu tố này, (tuy nhiên có phải áp dụng linh hoạt, không quá máy móc)
VD: Thuận lợi cơ bản nhất của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ sau cách mạng Tháng Tám đến trước 19/12/1946 thì phải là nhân dân đã giành được quyền làm chủ...; còn nguyên nhân quyết định thắng lợi mới là Đảng. Vì nhân dân vừa giành được quyền làm chủ đất nước nên quyết tâm gắn bó, xây dựng chế độ. Riêng đối với câu hỏi này, các em cần dựa theo hoàn cảnh thực tế đất nước lúc bấy giờ thấy rằng đất nước đang có rất nhiều thù trong giặc ngoài, khó khăn chồng chất khó khăn (chính quyền vừa thành lập, quân đội non yếu, nạn đói hoành hành, 90% dân số mù chữ, ngân khố trống rỗng) thì các cách giải quyết khó khăn của một Đảng non trẻ dựa rất nhiều vào nguồn lực của nhân dân. Qua kiến thức bài học các em thấy rất rõ cách giải quyết của Đảng là dựa vào nhân dân, đây là minh chứng rất rõ ràng cho câu nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
2. Đối với cách xác định sự kiện quan trọng nhất:
Khi nói đến sự kiện quan trọng nhất trong một tiến trình, giai đoạn lịch sử các em sẽ suy luận nó phải là sự kiện bao trùm, là xuất phát điểm cho sự ra đời, phát triển của những sự kiện trọng đại, mang tính bước ngoặt tiếp theo.
VD 1: Khi nói về thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ thắng lợi chúng ta luôn nói đến Đảng đầu tiên, vì đây là nhân tố hàng đầu, đảm bảo thắng lợi cho cách mạng Việt Nam.
VD 2: Công lao to lớn nhất của Nguyễn Ái Quốc từ 1919 – 1969 là tìm ra con đường cứu nước theo con đường cách mạng tháng Mười Nga hay là thành lập Đảng. To lớn nhất chỉ có một, tất nhiên chúng ta sẽ nhận ra đáp án là tìm ra con đường cứu nước đúng đắn. Bởi vì việc tìm ra con đường cứu nước đúng đắn là nguồn gốc cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, có liên quan trực tiếp đến mọi hoạt động của Nguyễn Ái Quốc sau này, kể cả việc thành lập Đảng.
Từ 2 ví dụ trên chúng ta rút ra được một điều nữa là phải xét theo hoàn cảnh, sự việc, nhân vật của câu hỏi đưa ra để lựa chọn đáp án. Phải đặt sự kiện lịch sử trong bối cảnh nó diễn ra. Các sự kiện có thể có mối liên hệ hoặc tác động qua lại với nhau giữa các sự kiện có thể nhiều, có thể ít (có tìm được đường cứu nước mới thành lập được Đảng và đưa tới các thắng lợi về sau)
3. Phân biệt nguyên nhân.
- Đối với nguyên nhân sâu xa, trực tiếp:
- Trước tiên các em cần hiểu nguyên nhân là gì? Nguyên nhân nói chung là hiện tượng để sinh ra kết quả. Trong nguyên nhân phân ra thành nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp
- Các em thường thấy nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan thường gắn liền với sự kiện, sự việc đã xảy ra như nguyên nhân thắng lợi, nguyên nhân thất bại. Còn với nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp thường gắn với sự kiện, sự việc sắp xảy ra hoặc đang xảy ra, trong đó:
+ Nguyên nhân sâu xa là cái nằm trong nội tại, mang tính kéo dài, nhưng chưa đủ điều kiện để làm cho sự việc, hiện tượng mới được sinh ra. Ví dụ, nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) là sự phát triển không đều của các nước đế quốc, mâu thuẫn giữa các đế quốc về thuộc địa ngày càng gay gắt (trước tiên là giữa đế quốc Anh với đế quốc Đức). Sự tranh giành thị trường thuộc địa giữa các đế quốc với nhau.
+ Nguyên nhân trực tiếp (còn gọi là duyên cớ, nguyên cớ, cái cớ) là sự việc xảy ra làm bùng nổ một sự kiện có nguồn gốc sâu xa đã tồn tại từ trước.
VD: Thái tử Phéc-đi-năng của đế quốc Áo-Hung bị một phần tử Xéc-bi ám sát ngày 28/6/1914, Đế quốc Đức, Áo-Hung chớp thời cơ đó để gây ra cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Sự kiện Vịnh Bắc Bộ đêm 4/8/1964 do Mĩ dựng lên để lấy cớ ném bom miền Bắc Việt Nam.
- Nguyên nhân sâu xa luôn là cái có trước, nguyên nhân trực tiếp có sau, trực tiếp góp phần làm sinh ra sự kiện, hiện tượng, nguyên nhân trực tiếp tồn tại rất ngắn và gắn với sự kiện cụ thể.
Nguyên nhân chủ quan, khách quan.
+ Có 2 nguyên nhân là chủ quan (xuất phát từ nội tại bản thân sự vật, hiện tượng) và khách quan (yếu tố bên ngoài tác động vào sự vật, hiện tượng), trong đó phải nhớ nguyên tắc: “chủ quan” luôn luôn quan trọng hơn “khách quan”, trong các nhân tố chủ quan đó chúng ta sẽ đi đến xác định nguyên nhân chủ quan nào là quan trọng nhất.
+ Để xác định đâu là nguyên nhân quan trọng nhất ngoài việc dựa vào hoàn cảnh cụ thể để đối chiếu, so sánh thì chúng ta phải đặt ra một câu hỏi: Trong các nguyên nhân đã nêu, nguyên nhân nào có tác động bao trùm đến các nguyên nhân còn lại?
VD: Khi học đến nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì nguyên nhân chủ quan luôn là quan trọng nhất nhưng trong đó nổi bật là sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Đông Dương, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối cách mạng đúng đắn sáng tạo đã:
+ Chuyển hướng chỉ đạo cách mạng kịp thời, chĩa mũi nhọn vào bọn đế quốc, phát xít cướp nước để giành lại độc lập dân tộc.
+ Giải quyết một cách khoa học mối quan hệ giữa nhiệm vụ chống đế quốc và nhiệm vụ chống phong kiến.
+ Thực hiện có hiệu quả tư tưởng bạo lực cách mạng.
+ Vừa tích cực, kiên trì chuẩn bị lực lượng mọi mặt, vừa kịp thời nắm bắt thời cơ thuận lợi, phát động nhân dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng mà các yếu tố khác được phát huy một cách tối đa, nhất là yếu tố khách quan.
4. Phân biệt về bước ngoặt, bước ngoặt mới, bước phát triển
Có thể nói đây 3 khái niệm khó nhưng lại rất hay gặp trong các câu hỏi trắc nghiệm trong các đề thi, tài liệu ôn thi những năm gần đây. Ở phần trên đã có nhắc đến khái niệm “bước ngoặt” đó là thời điểm có những chuyển biến mạnh mẽ, tạo nên một sự thay đổi căn bản trong sự phát triển lịch sử. Tuy nhiên, khái niệm trên còn khá chung chung, làm nhiều em mơ hồ chưa thể nắm rõ được.
Có thể ví dụ đơn giản để các em hiểu là học sinh Nguyễn Văn A đang học khối B, suốt 3 năm THPT học sinh đó vẫn theo khối B, đó là bước phát triển, nếu học 1 năm lớp 10 khối B rồi năm lớp 11 và 12 chuyển sang khối C thì đó là một bước ngoặt. Ví dụ khác là 1 học sinh đang học THPT nhưng đột nhiên ngừng lại đi học nghề, như vậy đây là 1 bước ngoặt của cuộc đời bạn học sinh ấy, sẽ tiếp cận với xã hội, với công việc kiếm tiền sớm hơn các bạn cùng tuổi đang đi học.
Như vậy: “bước ngoặt và bước phát triển giống nhau là đều tạo ra thuận lợi nhưng bước phát triển chỉ là sự biến đổi về lượng thì bước ngoặt có sự biến đổi về chất”. Vì vậy để biết được sự kiện nào được coi là bước ngoặt các em cần phải biết phân tích hoàn cảnh trước và sau khi xảy ra sự kiện đó.
VD 1:
- Phong trào Đồng khởi đánh dấu bước ngoặt của cách mạng miền Nam. Trước phong trào đồng khởi ta phải giữ gìn lực lượng, đấu tranh chính trị hòa bình đòi thi hành hiệp định Giơnevơ nhưng từ sau phong trào Đồng Khởi, cách mạng nước ta chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.
VD 2:
- Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại. Để thấy được điều này chúng ta so sánh trước khi Đảng ra đời và sau khi Đảng ra đời.
Trước khi Đảng ra đời, các phong trào đấu tranh của nhân dân ta đều không có đường lối, mục tiêu và lãnh đạo rõ ràng, đưa đến những thất bại, sự bế tắc trong con đường giải phóng dân tộc và giai cấp lãnh đạo. Tất cả đã thay đổi sau khi Đảng ra đời.
Ngoài bước phát triển, bước ngoặt ra còn một khái niệm nữa các em cần nắm là “bước ngoặt mới”, hiểu đơn giản bước ngoặt mới là bước ngoặt tiếp theo diễn ra trên nền tảng của một bước ngoặt đã xảy ra trước đó.
VD: Thắng lợi của Hiệp định Pari năm 1973 mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống Mĩ, nó được gọi là bước ngoặt mới vì đây là kết quả của chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã mở ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mĩ, sự kiện tết Mậu Thân 1968 chúng ta đã buộc Mĩ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta. Đây là bước ngoặt của cuộc kháng chiến, điều mà trước đấy chúng ta chưa có điều kiện mở mặt trận đấu tranh ngoại giao thì sau sự kiện tết Mậu Thân đã mở ra thời kỳ vừa đánh vừa đàm. Hiệp định Pari 1973 là điểm kế thừa, điểm mới so với sự kiện tết Mậu Thân 1968 ở điểm nếu Mậu Thân 1968 mở ra thời kỳ vừa đánh vừa đàm thì hiệp đinh Pari 1973 lại kết thúc thắng lợi thời kỳ vừa đánh vừa đàm này, buộc Mĩ phải rút về nước làm thay đổi trong so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng so với trước đây.
Trong bước ngoặt và bước phát triển lại gắn liền với từng đối tượng cụ thể (bước ngoặt của cái gì, bước ngoặt diễn ra ở đâu...như là bước ngoặt của kháng chiến, của miền nam, của cuộc đời...) do đó khi xác định đúng sự kiện đó là bước ngoặt hay là bước phát triển thì cần phải gắn nó với địa điểm, nhân vật cụ thể để xác định đúng phạm vi ảnh hưởng có nó thuộc về cái gì. Đôi khi cụm từ “bước ngoặt” có thể được thay bằng những từ có nghĩa tương tự như: “bước phát triển nhảy vọt" như phong trào Đồng Khởi có thể gọi là bước phát triển nhảy vọt hay bước ngoặt của cách mạng miền Nam đều đúng.
VD: Khi nói về: “Bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động của Nguyễn Ái Quốc” nhiều em nhầm sang việc đọc sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa tháng 7/1920. Nhưng việc Nguyễn Ái Quốc đọc sơ thảo Luận cương chỉ làm chuyển biến trong tư tưởng của Người chứ chưa có hành động. Từ suy nghĩ đến hành động là cả một quá trình dài. Nếu chỉ suy nghĩ mà không có hành động thì không tạo ra bước ngoặt của cuộc đời. Tháng 12/1920, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Điều này cho thấy hành động thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc trong sự nghiệp cách mạng của mình. Như vậy sự kiện tham gia Quốc tế thứ Ba, sáng lập Đảng cộng sản Pháp, từ người yêu nước chân chính trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên mới là bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng, trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc.
4. Phân biệt kết quả và ý nghĩa.
Kết quả là cái đạt được trực tiếp, cái thấy được của sự kiện, sự vật, giai đoạn, hiện tượng lịch sử dựa trên những nguyên nhân nhất định. Ý nghĩa là giá trị, tác dụng của những kết quả đó với sự phát triển tiếp theo của sự kiện, sự vật, giai đoạn, hiện tượng lịch sử.
VD1. Trong chiến dịch Biên giới thu đông 1950, ta đạt được kết quả là:
- Bảo vệ và mở rộng, củng cố căn cứ địa Việt Bắc.
- Phá thế bao vây cả trong và ngoài của địch.
- Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch.
- Giải phóng một cùng rộng lớn, khai thông biên giới Việt Trung.
Ý nghĩa ta đạt được là:
- Đây là chiến dịch tấn công lớn đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã làm thay đổi cục diện chiến trường, địch bị đẩy vào thế phòng ngự bị động.
- Đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong cục diện chiến trường. Ta bắt đầu giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ.
- Là chiến dịch đánh dấu sự phát triển vượt bậc của quân đội ta, cả về trang bị lẫn chỉ huy, là chiến dịch đánh điểm diệt viện kiểu mẫu.
VD2. Kết quả lớn nhất đi liền với mục tiêu lớn nhất:
Kết quả lớn nhất của chiến dịch Biên giới thu đông 1950 là đã giải phóng dải biên giới Việt – Trung dài 750km với 35 vạn dân, phá thế bao vây của địch với căn cứ địa Việt Bắc. Bởi vì mục tiêu lớn nhất của chiến dịch là khai thông biên giới, bắt tay với các nước XHCN anh em, phá thế bao vây của địch với căn cứ địa Việt Bắc.
Ý nghĩa lớn nhất của chiến dịch là quân ta giành được thế chủ động về chiến lược trên chiến trường chính, mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến.
5. Mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn chủ yếu.
- Mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn quy định bản chất của sự vật, quy định sự phát triển ở tất cả các giai đoạn của sự vật, nó tồn tại trong suốt quá trình tồn tại các sự vật. Mâu thuẫn cơ bản được giải quyết thì sự vật sẽ thay đổi căn bản về chất.
VD. Mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ là mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam, 2 giai cấp này luôn đối kháng nhau trong suốt chiều dài lịch sử (mâu thuẫn xã hội)
- Mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn nổi lên hàng đầu ở một giai đoạn phát triển nhất định của sự vật, sự kiện, giai đoạn lịch sử, nó chi phối và có tác dụng quyết định đối với các mâu thuẫn khác trong giai đoạn đó. Giải quyết được mâu thuẫn chủ yếu trong từng giai đoạn là điều kiện cho sự vật chuyển sang giai đoạn phát triển mới.
VD: Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp là mâu thuẫn chủ yếu. Đến ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, kẻ thù của nhân dân Việt Nam lúc này là phát xít Nhật. Mâu thuẫn giữa dân tộc ta với Nhật là mâu thuẫn chủ yếu (mâu thuẫn dân tộc).
Mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn chủ yếu có quan hệ chặt chẽ với nhau. Việc giải quyết mâu thuẫn chủ yếu tạo điều kiện giải quyết từng bước mâu thuẫn cơ bản.
VD: Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giành được độc lập, mâu thuẫn dân tộc được giải quyết (mâu thuẫn chủ yếu được giải quyết) đây là điều kiện quan trọng để tiến hành giải quyết các mâu thuẫn khác nhất là mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ. Đến “cải cách ruộng đất” 1953 -1957 chúng ta đã căn bản giải quyết được mâu thuẫn giai cấp.
6. Phân biệt âm mưu và thủ đoạn.
+ Âm mưu là mưu kế ngầm của kẻ địch nhằm đạt được những mục đích cụ thể, âm mưu có tính giai đoạn, gắn liền với những sự kiện cụ thể hoặc một giai đoạn lịch sử.
VD1: Âm mưu của Pháp khi tấn công Việt Bắc năm 1947 là phá tan căn cứ địa Việt Bắc, tiêu diệt bộ đội chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta, nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
VD2: Âm mưu của Mĩ khi tiến hành 2 cuộc chiến tranh phá hoại là nhằm phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm lung lay ý chí chống Mĩ của nhân dân ta, ngăn chặn miền Bắc chi viện cho miền Nam.
+ Thủ đoạn là biện pháp, hành động nhằm đạt được âm mưu.
VD1: Để đạt được những âm mưu trong chiến dịch Việt Bắc, thủ đoạn của Pháp là mở cuộc tấn công lớn bằng quân sự lên Việt Bắc bằng 3 cánh quân.
VD2: Để đạt được âm mưu trong chiến tranh phá hoại, thủ đoạn của Mĩ là huy động hải quân và không quân với phương tiện chiến tranh hiện đại ném bom, bắn phá miền Bắc suốt ngày đêm.
Âm mưu mang tính lý thuyết, thủ đoạn là hành động thực tiễn.

Nguồn: sưu tầm trên Facebook
 
Top Bottom