Sử Các sự kiện chính trong lịch sử Việt Nam: thời đấu tranh giải phóng dân tộc (1919 - 1945)

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

- Năm 1919 đến 1929, Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai:
+ Mục đích: bù đắp các thiệt hại do chiến tranh gây ra, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho chính sách bóc lột của Pháp
+ Nội dung: Pháp đầu tư mạnh nhất là cướp đất lập đồn điền, khai mỏ. Về công nghiệp, Pháp chỉ đầu tư vào công nghiệp nhẹ va hạn chế phát triển công nghiệp nặng
+ Tác động: xã hội phân hóa mạnh mẽ hơn - có tầng lớp tư sản, tiểu tư sản và giai cấp công nhân xuất hiện

- Năm 1919, phong trào chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa của tầng lớp tư sản dân tộc Việt Nam
- Ngày 18/6/1919, Nguyễn Ái Quốc gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Versailles. Người tên thật là Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19/5/1890 tại Nghệ An. Sống trong gia đình trí thức yêu nước, Người sớm có lòng yêu nước và ý chí quyết tâm giải phóng đồng bào khỏi ngoại xâm và phong kiến. Đầu thế kỷ XX, Nguyễn Sinh Cung sớm tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, nhưng không tán thành cách làm của hai tiền bối đó. Năm 1908 - 1910, Người (lúc này lấy tên Nguyễn Tất Thành) học ở Huế và tham gia phong trào chống sưu thuế của đồng bào năm 1908; đến năm 1909 và 1910 thì Người chuyển vào Bình Định, Phan Thiết (dạy học ở trường Dục Thanh), rồi vào Sài Gòn vào giữa năm 1911. Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước tại bên Nhà Rồng (Sài Gòn). Anh đã đi qua được 30 nước ở châu Á, Âu, Phi và Mĩ, chứng kiến hết tất cả và rút ra một số điều quan trọng - quan trọng nhất là Anh đã khẳng định: Ở đâu cũng có bóc lột, có hai giai cấp đối lập nhau. Cuối năm 1917, Anh Nguyễn Tất Thành (về sau đổi là Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919) qua Pháp và hoạt động mạnh mẽ trong các hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Được sự giúp đỡ của luật sư Phan Văn Trường và một số nhà yêu nước Việt Nam khác, Nguyễn Ái Quốc gửi lên Hội nghị Versailles bản Yêu sách của nhân dân An Nam để đòi các quyền dân tộc cơ bản cho nhân dân ta, nhưng không được chấp nhận. Bản Yêu sách có tác dụng như phát súng đầu tiên báo hiệu một cao trào đấu tranh mới của nhân dận ta từ thập niên 20 của thế kỷ XX trở đi.
- Năm 1920, Tôn Đức Thắng thành lập Công hội Đỏ ở Sài Gòn. Ông sinh năm 1888 tại Long Xuyên (nay là An Giang) trong một gia đình đông con. Ông có bí danh Thoại Sơn, tên thường gọi là Hai Thắng do ông là con đầu. Đầu thế kỷ XX, Tôn Đức Thắng đi học ở Sài Gòn, sau đó vào học việc ở trường Bá Nghệ. Tốt nghiệp hạng ưu, ông được nhận vào làm ở nhà máy Ba Son. Lúc Thế chiến 1 nổ ra, ông sang Pháp làm công nhân ở cảng Toulon. Năm 1919, Tôn Đức Thắng tham gia phong trào phản chiến chống việc Pháp can thiệp vào nước Nga Xô-viết ở thiết giáp hạm Hắc Hải. Năm 1920, ông về nước và lập Công hội đầu tiên ở Sài Gòn
- Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được Bản Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin (Nga). Sự kiện này chấm dứt hành trình tìm đường cứu nước của Người, bởi vì Người đã tìm ra con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc ta - đó là con đường cách mạng vô sản
- Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp và gia nhập Quốc tế Cộng sản
- Năm 1921, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với một số nhà yêu nước khác đã sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa ở Paris để tuyên truyền, tập hợp lực lượng chống chủ nghĩa đế quốc. Người đã tham gia sáng lập báo Người cùng khổ, viết nhiều bài báo mới
- Năm 1923, phong trào của tư sản dân tộc Việt Nam chống lại việc Pháp độc quyền cảng Sài Gòn. Ít lâu sau, tư sản cùng địa chủ lập ra Đảng Lập hiến.
- Tháng 6/1923, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật qua Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế Nông dân (10/1923) và Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (1924)
- Năm 1924, nhóm thanh niên tiêu tư sản yêu nước Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu đã thành lập Tâm tâm xã. Tổ chức này gây tiếng vang lớn với sự kiện Phạm Hồng Thái mưu sát Toàn quyền Đông Dương là M. Merlin tại Sa Diện (Trung Quốc) vào tháng 6/1924
- Tháng 11/1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc), chuẩn bị lựa chọn những thanh niên yêu nước để thành lập các tổ chức tiền thân của Đảng
- Tháng 2/1925, Nguyễn Ái Quốc lựa chọn các thanh niên tiêu biểu của Tâm tâm xã để lập ra nhóm Cộng sản Đoàn.
- Tháng 6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Cơ quan lãnh đạo cao nhất là Tổng bộ; mục đích chính là đoàn kết các giai tầng nhân dân Việt Nam chống tay sai và đế quốc để tự cứu lấy mình. Ngày 21/6/1925, Hội ra báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của họ. Đến năm 1929, Hội bị phân hóa thành Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng
- Cuối tháng 6/1925, phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu diễn ra sôi nổi
- Tháng 8/1925, bãi công của công nhân ở nhà máy Ba Son. Bãi công của công nhân chống việc Pháp đưa tàu sang đàn áp cách mạng Trung Quốc và công nhân đòi chủ tăng lương 20%. Kết quả, Pháp phải nhượng bộ và buộc phải tăng 10% lương cho công nhân. Thắng lợi của bãi công Ba Son đánh dấu việc công nhân từ đấu tranh tự phát chuyển sang đấu tranh tự giác.
- Tháng 3/1926, tư sản dân tộc và các giai tầng nhân dân Việt Nam tổ chức cuộc truy điệu và để tang nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh
- Từ năm 1926 đến 1927, Nguyễn Ái Quốc mở nhiều lớp đào tạo và huấn luyện cho cán bộ cách mạng Việt Nam, kết quả đào tạo được 75 người
- Năm 1927, những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc được tập hợp thành sách Đường Kách Mệnh. Sách này cùng với Báo Thanh niên trở thành tài liệu quan trọng để đào tạo cán bộ cách mạng, đưa họ về nước để họ truyền bá vào nhân dân ta. Số hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tăng từ 300 người (1928) lên tới 1.700 người (1929)
- Ngày 25/12/1927, Việt Nam Quốc dân Đảng được thành lập. Thành phần tham gia là tư sản dân tộc yêu nước với đại biểu là Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính. Đường lối không rõ rệt, lực lượng chủ yếu dựa vào binh lính
- Tháng 7/1928, một bộ phận thanh niên tiểu tư sản yêu nước đã thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng. Trên cơ sở Hội Phục Việt lập năm 1925, một số thanh niên yêu nước như Trần Phú, Tôn Quang Phiệt... ra thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng, với hơn 600 hội viên và hoạt động mạnh nhất ở Trung Kỳ (một phần ở Bắc Kỳ). Đến cuối năm 1929, Tân Việt Cách mạng Đảng bị phân hóa và nhiều hội viên tiên tiến tham gia sáng lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (8/1929)
- Cuối năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chủ trương "vô sản hóa". Hội cử các hội viên về nước và tham gia vào làm việc ở nhà máy, hầm mỏ để giác ngộ cách mạng và rèn luyện công nhân
- Tháng 3/1929, một số hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã họp tại nhà số 5D, phố Hàm Long - Hà Nội, thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên.
- Tháng 5/1929, tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên họp ở Hương Cảng, đoàn đại biểu Bắc Kỳ nêu ý kiến thành lập Đảng Cộng sản, nhưng không được chấp nhận.
- Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập. Thất vọng từ Đại hội I của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một số hội viên tiên tiến của Hội đã sáng lập Đông Dương Cộng sản tại Hà Nội. Tổ chức này hoạt động mạnh ở Bắc Kỳ, lấy báo Búa liềm làm cơ quan ngôn luận chính
- Tháng 8/1929, một số hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ đã thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Cơ quan ngôn luận là Báo Đỏ.
- Tháng 9/1929, một số hội viên giác ngộ của Tân Việt Cách mạng Đảng thành lập tiếp Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, hoạt động ở Trung Kỳ
- Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đầu tháng 1/1930, Nguyễn Ái Quốc triệu tập các đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng đến Hương Cảng (TQ) để bàn việc hợp nhất các tổ chức Cộng sản. Hội nghị phê phán các tổ chức cộng sản công kích nhau, cuối cùng đã thống nhất là hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, ra Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Nội dung chính:
* Đường lối cách mạng: qua hai giai đoạn là tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng, sau đó tiến tới xã hội cộng sản
* Kẻ thù cách mạng: Pháp và phong kiến tay sai
* Lực lượng tham gia cách mạng là toàn thể nhân dân
* Lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân, thông qua Đảng Cộng sản
* Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới

- Ngày 9/2/1930, khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng
- Từ năm 1929 đến năm 1933, khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra. Khủng hoảng bùng nổ từ nước Mĩ và lan sang nhiều nước khác, trong đó có cả các nước thuộc địa và phụ thuộc. Bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, kinh tế Việt Nam bước vào thời kỳ suy thoái trầm trọng, xã hội khủng hoảng sâu sắc
- Từ năm 1930 đến 1931, cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Diễn biến chính:
+ Từ tháng 2/1930, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân diễn ra rộng khắp cả nước. Ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh; đề ra khẩu hiệu: Độc lập dân tộc và ruộng đất dân cày.
+ Từ sau Quốc tế Lao động 1/5, phong trào vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ ở toàn quốc. Công nhân xuống đường mít tinh và biểu tình. Cờ Đảng được treo trên các đường phố Hà Nội
+ Tháng 9/1930, phong trào lên tới cao trào bởi sự kiện 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) biểu tình khiến chính quyền tay sai bị tê liệt
+ Từ tháng 9/1930 đến đầu 1931, các chính quyền Xô viết được thành lập ở Nghệ - Tĩnh, thực hiện mọi quyền làm chủ cho nhân dân

- Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam họp và có các nội dung lớn:
+ Đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương
+ Đường lối cách mạng: tiến hành cách mạng tư sản dân quyền, bỏ qua tư bản chủ nghĩa để tiến thẳng đến xã hội chủ nghĩa
+ Nhiệm vụ chiến lược: đánh đổ đế quốc và phong kiến
+ Lực lượng tham gia cách mạng: công nhân, nông dân
+ Lãnh đạo cách mạng: giai cấp công nhân, thông qua Đảng Cộng sản

- Năm 1932, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong cùng các đồng chí của mình lập Ban lãnh đạo Đảng
- Từ năm 1933 đến 1935, các cơ sở và tổ chức Đảng ở các địa phương dần được hồi phục
- Tháng 3/1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Macau (TQ). Hội nghị quyết định dần khôi phục việc tập hợp quần chúng nhân dân cùng chống Pháp và phong kiến để tiến tới thành lập mặt trận thống nhất, đẩy mạnh chống nguy cơ chiến tranh thế giới sắp nổ ra.
- Tháng 7/1935, Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản ra Nghị quyết chỉ rõ: kẻ thù của nhân loại là chủ nghĩa phát xít, kêu gọi nhân dân các nước thành lập Mặt trận Nhân dân chống phát xít
- Tháng 5/1936, Mặt trận Nhân dân Pháp lên nắm quyền. Chiến thắng các đảng phái khác ở Pháp với số phiếu áp đảo, Mặt trận Nhân dân Pháp lên cầm quyền và lập chính phủ mới do André Léon Blum đứng đầu. Chính phủ mới của Pháp thi hành nhiều chính sách tiến bộ ở các thuộc địa (thả tù chính trị, nới rộng quyền tự do dân chủ)
- Tháng 7/1936, Tổng bí thư Đảng là Lê Hồng Phong triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Các nội dung chính:
+ Nhiệm vụ chiến lược: chống đế quốc và phong kiến
+ Nhiệm vụ trước mắt (trực tiếp): chống chế độ phản động thuộc địa và tay sai
+ Khẩu hiệu: tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và thay bằng khẩu hiệu "Tự do, dân chủ và cơm áo, hòa bình"
+ Hình thức đấu tranh: công khai và bán công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp
+ Chủ trương lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (tháng 3/1938 đổi thành Mặt trận Dân chủ Đông Dương)

- Tháng 7 đến tháng 8/1936, Đảng vận động người dân thảo ra các bản "dân nguyện" gửi tới phái đoàn chính phủ Pháp, tiến tới triệu tập Đông Dương Đại hội
- Tháng 9/1936, hơn 600 ủy ban hành động được lập ở Nam Kỳ để đấu tranh chống đế quốc đòi tự do cơm áo hòa bình
- Năm 1937, nhân dịp phái viên J. Godart và viên tân Toàn quyền Đông Dương Brévié sang Đông Dương, Đảng tổ chức cho quần chúng nhân dân đấu tranh, đưa các bản "dân nguyện" đòi phái đoàn giải quyết các yêu sách về dân sinh, dân chủ
- Từ ngày 1/5/1938 đến cuối năm 1939, phong trào đấu tranh diễn ra mạnh mẽ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn với các hình thức phong phú như mít tinh, nghị trường, báo chí
- Tháng 9/1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ
- Tháng 11/1939, Hội nghị VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng được triệu tập ở Bà Điểm (Sài Gòn). Nội dung chính:
+ Kẻ thù chính: đế quốc và tay sai
+ Nhiệm vụ trước mắt: đánh đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương
+ Chủ trương chung: đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu
+ Khẩu hiệu: tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ tay sai; gác lại khẩu hiệu cách mạng ruộng đất
+ Hình thức nhà nước: thành lập Chính phủ Dân chủ Cộng hòa
+ Phương pháp đấu tranh: kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, dùng đấu tranh bí mật
+ Lực lượng tham gia: toàn thể các giai tầng nhân dân trong Mặt trận chung (Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương)

- Tháng 9/1940, khởi nghĩa Bắc Sơn. Cuối tháng 9/1940, quân phát xít Nhật vào Đông Dương và nhanh chóng đánh bại quân Pháp. Sau đó, Nhật câu kết với Pháp để vơ vét kinh tế phục vụ chiến tranh. Ngày 27/9/1940, nhân dân Bắc Sơn nổi dậy đánh bại giặc, lập chính quyền cách mạng. Nhật - Pháp thỏa hiệp và ra sức đàn áp dã man; một bộ phận lực lượng khởi nghĩa Bắc Sơn chuyển sang xây dựng các đội du kích
- Tháng 11/1940, khởi nghĩa Nam Kỳ. Do binh lính quá bất mãn chính quyền Pháp nên họ nổi dậy chống lại. Đêm 22 rạng 23/11/1940, khởi nghĩa bùng nổ khắp các tỉnh Nam Kỳ; nhiều nơi lập được chính quyền cách mạng. Cuối cùng, Pháp đàn áp dữ đội khiến một bộ phận nghĩa quân rút vào rừng chờ cơ hội mới
- Tháng 1/1941, khởi nghĩa Đô Lương ở Nghệ An
- Tháng 5/1941, Hội nghị VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng được triệu tập ở Pác Bó (Cao Bằng). Nội dung chính:
+ Kẻ thù chính: Pháp - Nhật cùng tay sai
+ Chủ trương: đặt giải phóng dân tộc lên hàng đầu
+ Khẩu hiệu: tịch thu ruộng đất của đế quốc và phát xít chia cho dân cày
+ Hình thức nhà nước: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
+ Lực lượng tham gia: toàn thể các giai tầng nhân dân trong Mặt trận của riêng Việt Nam (Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh)
+ Phương pháp đấu tranh: đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang, đấu tranh bí mật
+ Hình thái đấu tranh: đi từ khởi nghĩa từng phần lên Tổng khởi nghĩa

- Năm 1941 đến 1942, Đảng vận động quần chúng tham gia Việt Minh. Các hội Cứu quốc được thành lập rất nhiều ở Cao Bằng và một số tỉnh ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ
- Năm 1941 đến 1944, hình thành các Trung đội Cứu quốc quân. Ở Bắc Sơn - Võ Nhai hình thành ba trung đội Cứu quốc quân số 1 (2/1941), số 2 (9/1941) và số 3 (2/1944)
- Tháng 2/1943, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Bắc Ninh, vạch ra kế hoạch chuẩn bị toàn diện cho khởi nghĩa vũ trang
- Năm 1943, Đảng ban hành bản Đề cương văn hóa Việt Nam.
- Cuối năm 1943, 19 ủy ban "xung phong Nam tiến" được lập ra
- Tháng 5/1944, Tổng bộ Việt Nam ra chỉ thị "Sửa soạn khởi nghĩa".
- Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Vừa ra đời, đội đã đánh tan quân Pháp ở hai trận Phay Khắt và Nà Ngần
- Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính quân Pháp để độc chiếm Đông Dương
- Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Nội dung chính:
+ Kẻ thù chính: phát xít Nhật và tay sai
+ Khẩu hiệu: thay khẩu hiệu "đánh đuổi Pháp - Nhật" bằng khẩu hiệu "Đánh đuổi phát xít Nhật"
+ Hình thức đấu tranh: bãi công, phá kho thóc của Nhật; chiến tranh du kích...từ thấp lên cao
+ Phát động cao trào đánh quân Nhật cứu nước

- Tháng 4/1945, Hội nghị Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa
- Tháng 5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh chọn Tân Trào (Tuyên Quang) làm căn cứ địa thứ hai, sau căn cứ địa đầu tiên là Cao Bằng (5/1941)
- Tháng 6/1945, thành lập Khu giải phóng Việt Bắc và Ủy ban lâm thời Khu giải phóng
- Ngày 13/8/1945, biết tin Nhật sắp đầu hàng, Đảng và Tổng bộ Việt Minh lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Lúc 23h ngày 13/8, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra "Quân lệnh số 1", phát lệnh Tổng khởi nghĩa trên cả nước
- Từ ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào. Hội nghị quyết định phát động khởi nghĩa trên toàn quốc, thông qua các vấn đề đối nội và đối ngoại sau khi giành được chính quyền
- Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Quân Nhật ở Đông Dương hoang mang, chính quyền tay sai rệu rã
- Từ ngày 16 đến 17/8/1945, Đại hội quốc dân cũng họp ngay ở Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa và 10 chính sách của Việt Minh, thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch
- Chiều ngày 16/8/1945, một đơn vị của đội Việt Nam Giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy, từ Tân Trào tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên
- Ngày 18/8/1945, các tỉnh Bắc Giang, Hà Tĩnh, Hải Dương và Quảng Nam khởi nghĩa giành được chính quyền sớm nhất cả nước
- Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội
- Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Huế
- Ngày 25/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Sài Gòn
- Ngày 28/8/1945, Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
- Ngày 31/8/1945, vua Bảo Đại thoái vị. Chế độ phong kiến Việt Nam sụp đổ
- Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
 
Last edited:
Top Bottom