Sử Các ông vua lưu tiếng xấu trong lịch sử nước ta

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Trần Dụ Tông mở đầu sự sụp đổ của nhà Trần
Trần Dụ Tông (1336 – 1369) là vị vua thứ 7 của nhà Trần. Ông lên ngôi Hoàng đế khi còn thơ ấu, Thái thượng hoàng Trần Minh Tông điều hành triều chính, đất nước ổn định. Sau khi Minh Tông qua đời, Dụ Tông đích thân chấp chính và triều đại của ông đánh dấu sự mở đầu của quá trình suy yếu của Vương triều nhà Trần.
Vua Dụ Tông ham chơi bời, mê đàn hát, thường sai các vương hầu và công chúa bày tiệc đóng trò hát tuồng cho vui, ai diễn hay thì được thưởng. Mặc dù phép tắc nhà Trần rất nghiêm khắc với tội đánh bạc nhưng Trần Dụ Tông lại thích trò này, chiêu tập các nhà giàu vào cung đánh bạc cùng vua. Ông cũng nghiện rượu và thích rủ các quan cùng uống thi, ai uống thắng được ông thăng chức.
Trần Dụ Tông còn sai phu xây cất nhiều cung điện, đào hồ ở vườn trong hậu cung, trong hồ xây đá làm núi, trồng nhiều cây cỏ lạ và nuôi chim thú quý; sau đó ông lại sai làm hồ con, lệnh cho dân ra biển chở nước mặn đổ vào hồ và thả cá biển, đồi mồi vào nuôi. Vua thích chơi bời và không nghe lời các trung thần, các quý tộc cũng hưởng ứng theo vua khiến triều đình càng rối nát.
Do bỏ bê nông nghiệp nên trong nước xảy ra mất mùa nhiều năm. Bị sưu cao thuế nặng, dân trong nước oán thán, nổi lên làm loạn. Mặc dù các cuộc nổi dậy bị dẹp nhưng nhân tài vật lực trong nước bị hao tổn, kho tàng trống rỗng.
Do tình hình trong nước ngày càng rối ren, Chiêm Thành ở phía Nam nhiều lần thừa cơ đánh cướp và tỏ ra coi thường người Việt, ngang ngược cử sứ giả sang Đại Việt để buộc vua Trần phải cống.
Sau khi Trần Dụ Tông mất khi ở tuổi 34, nhà Trần tiếp tục lao xuống vực thẳm của sự suy vong.
Lê Long Đĩnh bạo ngược
Lê Long Đĩnh (986 – 1009) là vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê trong lịch sử Việt Nam. Trong chính sử, ông được mô tả là người bạo – ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa.
Ông nổi danh vì những thú vui tàn ác như tra tấn tù binh bằng các cách thức man rợ, lấy mía để trên đầu nhà sư mà róc cho tóe máu… Do sống dâm dục quá độ nên Lê Long Đĩnh mắc bệnh trĩ nặng đến mức không ngồi được, đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là “Ngọa triều”.
Cái chết của ông ở tuổi 24 dẫn đến việc chấm dứt nhà Tiền Lê, quyền lực rơi vào tay nhà Lý.
Giới sử học Việt Nam gần đây đã có những cách nhìn khác về vị vua tai tiếng này, cho rằng ông đã bị các sử gia thời sau bôi nhọ để phụcvụ ý đồ của nhà cai trị.
Trên thực tế, nhiều nguồn sử liệu khẳng định, Lê Long Đĩnh là người trọng vọng Phật giáo và là ông vua đầu tiên cử người đi lấy kinh Đại Tạng về cho Việt Nam. Ông cũng được coi là một ông vua có tư duy kinh tế và một nhà quân sự có kinh nghiệm, với 6 lần trực tiếp cầm quân ra trận.
Một vị vua như vậy thì không thể là người ham mê sắc dục đến bỏ bê chính sự và bệnh nặng đến mức liệt giường.
Lê Uy Mục – “Vua quỷ”
Lê Uy Mục (1488 -1509) là vị vua thứ 8 của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Lên ngôi từ năm 17 tuổi, ông được xem là một vị hoàng đế tàn bạo và hoang dâm, đẩy triều Lê vào tình trạng hỗn loạn.
Theo sử sách ghi lại, Uy Mục là một vị vua ăn chơi vô độ, ham rượu chè, gái đẹp ít ai sánh bằng. Ông cũng nổi tiếng tàn bạo khi giết hại nhiều người vô tội.
Khi mới lên làm vua, Uy Mục đã giết tổ mẫu là bà Thái hoàng Thái hậu, giết quan Lễ bộ Thượng thư là Đàm Văn Lễ và quan Đô ngự sử là Nguyễn Quang Bật vì những người này từng phản đối việc đưa ông lên ngôi.
Vị vua này còn ra lệnh cho giết hết những người Chiêm bị bắt làm gia nô trong các điền trang của các thế gia, công thần. Tàn ác hơn, Uy Mục đêm nào cũng cùng với cung nhân uống rượu, rồi đến khi say thì giết đi.
Sứ thần Trung Quốc chứng kiến sự quái gở của Uy Mục, đã làm thơ gọi ông là Vua quỷ (Quỷ vương).
Sự bất nhân của Uy Mục đã gây nên một làn sóng bất bình trong dân chúng và hàng ngũ quan lại, dẫn đến việc Giản Tu Công Lê Oanh lật đổ và giết chết vị hôn quân này sau 4 năm ở ngôi.
Lý Cao Tông phá nát cơ đồ nhà Lý
Lý Cao Tông (1173-1210) là vị vua thứ 7 của nhà Lý. Lên ngôi từ năm 3 tuổi và giữ được ngôi đến khi trưởng thành, ông đã trở thành vị vua đẩy triều Lý vào sự suy sụp.
Khi còn nhỏ, Cao Tông là người ngoan lành, song khi lớn lên bắt đầu trực tiếp cầm quyền trị nước lại sinh ra ham mê săn bắn, chính sự pháp luật không rõ ràng, vơ vét của dân xây nhiều cung điện, bắt trăm họ xây dựng phục dịch nên trộm cướp nổi lên khắp nơi.
Năm 1189, ông đi du hành khắp các nơi trong cả nước, đi đến đâu mà có thần linh lại cho xây dựng đền miếu, năm 1197 cho dựng cung Nghênh Thiềm, năm 1203 lại tiếp tục cho xây dựng hàng loạt cung điện… khiến trăm họ khốn khổ.
Năm 1208 trong nước xảy ra đói kém, người chết đói hàng loạt. Trong lúc ấy thì vua vẫn rong chơi vô độ, xây đền đài không ngớt, nghe ngoài thành có trộm cướp thì lại lờ đi như không biết.
Do chính sự rối ren, lòng dân oán hận, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân và ly khai của các hào trưởng địa phương nổ ra. Bên cạnh đó, nhà Tống còn xua quân sang quấy nhiễu biên giới Đại Việt khiến nhân dân phải chạy loạn vô cùng khổ sở.
Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư nhận định về Lý Cao Tông như sau: Vua chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy vong.
Lê Tương Dực – “Vua lợn”
Sau khi giết Lê Uy Mục, Lê Oanh tự lập mình làm vua, lấy niên hiệu là Hồng Thuận, tức vua Lê Tương Dực (1495 – 1516). Trong thời gian đầu trị vì, Tương Dực tỏ ra là một vị vua tốt, nhưng càng về sau ông càng sa đà vào việc chơi bời xa xỉ trụy lạc, bỏ bê việc nước.
Lê Tương Dực nổi tiếng với việc sai người thợ cả Vũ Như Tô xây điện 100 nóc, xây Cửu Trùng Đài. Quân dân làm trong mấy năm trời không xong, hao tổn tiền của, chết hại nhiều người.
Ông còn cho đóng chiến thuyền bắt con gái khỏa thân chèo chơi ở hồ Tây, giết chết 15 vương công, cho gọi các cung nhân của triều trước vào cung để gian dâm. Vì hoang dâm như thế, cho nên sứ nhà Minh sang trông thấy vua, bảo rằng Tương Dực có tướng lợn, nên dân chúng gọi ông là Vua lợn (Trư vương).
Lê Tương Dực hoang chơi khiến triều chính hết sức rối loạn, loạn lạc xảy ra khắp nơi trong cả nước. Do can gián vua không được mà còn bị phạt trượng, nguyên Quận công Trịnh Duy Sản đã giả mượn tiếng đi đánh giặc để đem binh vào cửa Bắc Thần giết vua Tương Dực, chấm dứt 7 năm cầm quyền của “Vua lợn”.
Vua hèn Trần Phế Đế
Trần Phế Đế (1361 – 1388) là vị vua thứ 10 của nhà Trần. Lên nắm quyền trong buổi hoàng hôn của triều đại này, sự bất lực và nhu nhược của ông khiến tình hình càng trở nên không thể cứu vãn.
Trong thời gian trị vì của Trần Phế Đế, thế lực nhà Trần đã tụt dốc thảm hại, tạo điều kiện cho giặc Chiêm Thành tràn vào cướp phá, chiếm được cả thành Thăng Long trong một thời gian. Tuy vậy, vua không mấy quan tâm đến chuyện chống giặc mà chỉ lo đem của cải đi cất giấu.
Năm 1381, Phế Đế mở khoa thi thái học sinh, song từ đó lại lựa chọn những người khỏe mạnh để gia nhập quân đội. Việc làm kì lạ này đã làm mất lòng dân, nản lòng binh sĩ.
Không những vậy, triều đình còn tiếp tục cho tăng sưu thế để cứu kho tàng trống rỗng vì chiến tranh, bắt mỗi suất đinh đóng 3 quan tiền thuế khiến cho nhân dân ngày càng cực khổ.
Cùng với thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông, vua đã để cho Hồ Quý Ly lộng hành, dẫn đến sự sụp đổ từng bước của nhà Trần. Mặc dù sau đó Phế Đế đã tỉnh ngộ và nhận ra mối hiểm họa từ Hồ Quý Ly, nhưng chính điều này dẫn đến cái chết tức tưởi của ông khi Nghệ Tông nghe lời Quý Ly giết hại ông.
Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư đánh giá Trần Phế Đế như sau: Vua u mê, nhu nhược, không làm nổi việc gì, uy quyền ngày càng về tay kẻ dưới, xã tắc lung lay, đến thân mình cũng không giữ được.
Khải Định – ông vua lố lăng
Vua Khải Định (1885 – 1925) là vị vua thứ 12 của nhà Nguyễn. Cũng như cha mình là Đồng Khánh, ông được biết đến như một ông vua bù nhìn, tay sai đắc lực của thực dân Pháp trong kế hoạch cai trị Đông Dương.
Trước khi lên làm vua, Khải Định được người đời biết đến như một kẻ nghiện cờ bạc, thường xuyên bị thua, có khi phải cầm bán cả những đồ dùng và người hầu hạ. Khi đã lên ngôi, ông bị đánh giá là một vị vua chỉ ham chơi bời.
Khải Định rất chuộng trang điểm, ăn mặc lòe loẹt. Ông tự sáng chế ra những bộ y phục mới cho mình và cho cả quan hộ vệ. Do không tuân theo y phục hoàng bào truyền thống của các vua chúa, ông thường bị đả kích trên báo chí đương thời. Ông cũng cho xây dựng nhiều công trình xa hoa, nổi tiếng nhất là lăng của chính ông – bị nhiều người chê là có kiến trúc lai căng.
Tháng 5/ 1922, Khải Định sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa ở Marseille. Đây là lần đầu tiên một vị vua triều Nguyễn công du chính thức ra nước ngoài. Chuyến đi này đã làm dấy lên nhiều hoạt động của người Việt Nam yêu nước nhằm phản đối ông.
Tại Pháp, trên tờ báo Người cùng khổ, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc có một loạt bài chế giễu Khải Định, trong đó có truyện ngắn “Vi hành” và còn viết vở kịch Con rồng tre, diễn ở ngoại ô Paris. Nhà cách mạng Phan Chu Trinh đã gửi Thất điều trần – một bức thư dài trách Khải Định 7 tội.
Tháng 9/1924, từ Pháp về, Khải Định còn lo tổ chức lễ tứ tuần đại khánh rất lớn và tốn kém, bắt nhân dân khắp nơi gửi quà mừng. Sau lễ mừng thọ, ngân sách Nam triều kiệt quệ, Khải Định cho tǎng thêm 30% thuế điền, khiến sự phẫn nộ của dân chúng tăng lên ở khắp nơi.
Khải Định ở ngôi được 10 năm thì bị bệnh nặng và mất khi 40 tuổi.
Mạc Mậu Hợp phá nát cơ đồ vì háo sắc
Mạc Mậu Hợp (1560 – 1592) là vị vua thứ 5 của nhà Mạc thời Nam Bắc triều trong lịch sử Việt Nam. Khi lên ngôi ông mới được 2 tuổi, việc triều chính do hai ông chú là Mạc Kính Điển và Mạc Đôn Nhượng phụ tá.
Khi trưởng thành, Mạc Mậu Hợp trở thành một vị vua sống xa hoa, trụy lạc, kiêu ngạo, không quan tâm chuyện triều chính, hay nghe xiểm nịnh, ít lắng nghe lời bàn luận, khuyên can của các bậc lương thần. Thế và lực của nhà Mạc dưới thời Mạc Mậu Hợp ngày càng sa sút.
Đặc biệt, chính thói hoang dâm, hiếu sắc của Mạc Mậu Hợp đã đẩy cơ nghiệp của nhà Mạc đến chỗ suy vong.
Để thỏa mãn dục vọng của mình, Mạc Mậu Hợp đã không ngần ngại “mưu giết bề tôi, đoạt mỹ nhân”. Do thích vợ của viên trấn thủ Nam đạo Sơn quận công Bùi Văn Khuê, ông đã lên kế hoạch giết danh tướng này để cướp vợ.
Kế hoạch bị đổ bể khiến Bùi Văn Khuê đem quân quay sang quy phục vua Lê và chúa Trịnh Tùng. Theo gương Bùi Văn Khuê, hơn 10 tướng nhà Mạc cũng bỏ Mạc Hậu Hợp để chạy sang phe Lê – Trịnh.
Điều này khiến quân Mạc suy yếu nghiêm trọng và bị quân Trịnh Tùng đánh tan tác sau đó không lâu. Mạc Mậu Hợp phải bỏ kinh thành trốn chạy nhưng không thoát, cuối cùng đã bị Trịnh Tùng treo sống 3 ngày rồi chém đầu tại bãi cát Bồ Đề, sau đó đem đóng đinh vào 2 con mắt, bêu ra ngoài chợ 5 ngày.
Vương triều Mạc đã chấm dứt cùng với cái chết của Mạc Mậu Hợp.
Lê Chiêu Thống “cõng rắn cắn gà nhà”
Lê Chiêu Thống (1765 – 1793) là vị vua cuối cùng của nhà Lê trung hưng. Bị mất ngôi năm 1788, ông đã sang cầu viện nhà Thanh đem quân sang đánh Quang Trung với hy vọng trở lại ngai vàng.
Sau khi hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc Hà quét sạch 29 vạn quân Thanh, Lê Chiêu Thống lại phải theo đám bại quân chạy sang Trung Quốc.
Vẫn chưa thôi mộng phục quốc, Chiêu Thống lại tiếp tục xin nhà Thanh cho quân cứu viện. Nhưng nhà Thanh, phần sợ Quang Trung, phần đã ngán ngẩm việc chinh chiến nên chỉ hứa hão mà không cho quân.
Thất vọng và chán nản, Lê Chiêu Thống lâm bệnh rồi qua đời năm 1793 và được nhà Thanh chôn theo nghi thức tước công.
Đồng Khánh – con rối của người Pháp
Đồng Khánh (1864 – 1889) là vị Hoàng đế thứ 9 của nhà Nguyễn. Tại vị từ năm 1885 đến 1889, ông nổi tiếng là một vị vua bù nhìn thân Pháp.
Sau khi được lên làm vua, tất cả mọi việc người Pháp yêu cầu, Đồng Khánh đều răm rắp nghe theo. Không chỉ công khai thừa nhận nước Pháp là “thượng quốc”, ông vua này còn khen thưởng những quan lính Pháp “có công” đàn áp phong trào yêu nước của người Việt.
Không dừng lại ở đó, Đồng Khánh còn nhượng đất để thực dân Pháp mở rộng đồn Mang Cá và ký hiệp ước biển các hải cảng quan trọng của Việt Nam là Hải Phòng và Đà Nẵng thành nhượng địa của Pháp.
Để ban thưởng cho sự ngoan ngoãn của Đồng Khánh, người Pháp cho ông được hưởng thụ một cuộc sống cực kỳ xa hoa với những buổi tiệc tùng hoành tráng, những bộ trang phục khảm ngọc dát vàng…
Theo yêu cầu của Pháp, Vua Đồng Khánh đích thân ra tận Quảng Bình để dụ vua Hàm Nghi và các quan tùy tùng chống Pháp về hàng, hứa là sẽ cho cai trị 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh nhưng không thành công.
Thực dân Pháp cũng bố trí cho Đồng Khánh ra Bắc Hà để lấy lòng dân chúng, nhưng bị dư luận phản ứng gay gắt, nên đến Quảng Bình thì ông vua bù nhìn lấy cớ ốm đau trở về kinh đô.
Cuộc đời của Đồng Khánh chấm dứt ở tuổi 25 trong sự bàng quan của người đời.

inbound8182393343795460649.jpg

Nguồn: cao đẳng Văn Lang Hà Nội
 
  • Like
Reactions: G-11F
Top Bottom