Sử Các đóng góp của Marie curie đối với môn vật lí thời bấy giờ?

N

ngocsangnam12

Nhân được đọc các bài khảo cứu của nhà vật lý Henri Becquerel và sau khi đã hỏi ý kiến của chồng, Marie Curie quyết tâm thám hiểm vào khu rừng vật lý hãy còn âm u, ít ai biết tới. Thời bấy giờ, người ta chỉ thấy được những chất lạ có đặc tính là phát ra tia sáng song chưa ai biết được là có bao nhiêu chất như vậy và các chất này cùng các tia của chúng khác nhau như thế nào. Các nhà vật lý đặt tên chung cho các chất kể trên là "chất phóng xạ". Sau khi Roentgen tìm ra quang tuyến X, nhà bác học Henri Becquerel đã nghĩ rằng tia phóng xạ có cùng nguồn gốc với quang tuyến X. Rồi Henri Becquerel dựa vào ý tưởng trên và làm nhiều thí nghiệm với các tia phóng xạ của chất Urane giống như các thí nghiệm đối với quang tuyến X và đã nhận thấy rằng hai tia đó có cùng tính chất. Becquerel tự hỏi tại sao có sự phóng xạ và các chất phóng xạ lấy năng lượng từ đâu, dù rằng năng lượng rất nhỏ, để phân tích mà phát ra tia sáng. Công cuộc khảo cứu của Becquerel mới chỉ là bước đầu. Sự hiểu biết về các định luật phóng xạ phải đợi hai thiên tài Pierre và Marie Curie mới phát kiến ra được.
Mới nghiên cứu trong ít lâu, bà Marie Curie đã nhận thấy rằng không phải cả cục Urane có tính phóng xạ mà cục đá đó chỉ chứa một phần rất nhỏ chất phóng xạ mà thôi. Tuy hiểu rằng tỉ lệ chất phóng xạ trong Urane ít, nhưng bà Curie không biết rõ nó là bao nhiêu. Bà cho rằng tỉ lệ đó vào khoảng một phần ngàn. Thật ra về sau, khi người ta được biết chính xác thì tỉ lệ đó còn nhỏ hơn thế nhiều: một phần triệu. Nhưng công lao của ông bà Curie chính là làm cho giới Khoa Học biết rằng có rất nhiều chất phóng xạ khác nhau, dù rằng nhiều chất chỉ là biến thể của nhau và có những chất không phóng xạ như chì, vàng… cũng là biến thể của các chất phóng xạ. Y kiến này rất quan trọng vì nhờ đó mà người ta tìm ra được cách phá nhân của nguyên tử và chế tạo ra bom nguyên tử sau này.
Khởi đầu, bà Curie tìm ra hai chất phóng xạ khác nhau, chất đầu tiên vào mùa hè năm 1891 và được bà đặt tên là "Polonium" để tưởng nhớ nước Ba Lan thân yêu của bà, chất thứ hai được gọi bằng tên "Radium", khám phá ra vài tháng sau đó. Nhưng các công trình của ông bà Curie chưa được giới Khoa Học chấp nhận ngay. Nhiều kẻ hoài nghi không công nhận có hai chất Polonium và Radium. Họ viện lý rằng mỗi chất đều phải có các lý tính và hóa tính. Vậy thì nguyên tử khối và phân tử khối của Radium là bao nhiêu? Radium có ái lực với những chất nào? Muối của nó là gì? Nó màu gì ? Độ chẩy là bao nhiêu? Nhiều câu hỏi đã làm bù đầu hai nhà bác học trẻ tuổi. Muốn trả lời các nhà hóa học đa nghi, Pierre và Marie Curie phải tìm ra Radium nguyên chất. Nguyên liệu có chứa Radium là chất pechblend.
Pechblend là một chất dùng trong kỹ nghệ làm thủy tinh. Chất này rất đắt tiền mà lượng Radium ở trong lại không nhiều. Với số tiền lương eo hẹp, hai nhà bác học làm sao có thể tiếp tục công cuộc nghiên cứu? May thay, có một kỹ nghệ gia thủy tinh người Bỉ nghe danh ông bà Curie, đã bằng lòng chở sang Pháp cho hai nhà bác học hàng xe vận tải vụn pechblend mà nhà máy không dùng tới. Lại thêm một điều may mắn nữa: ông Pierre xin được một căn nhà cũ của Trường Đại Học Khoa Học, hai ông bà Curie liền chứa pechblend và đặt luôn tại đây phòng thí nghiệm.
Trong 4 năm trời từ 1898 tới 1902, sau khi gạn lọc 8 tấn pechblend, hai nhà bác học đã tìm ra được 1 gam Radium nguyên chất. Đây là gam Radium đầu tiên của thế giới và trị giá của nó lên tới 750 ngàn quan tiền vàng. Radium quả là một chất kim đắt giá nhất. Từ nay chất Radium đã chính thức được ông bà Curie "khai sinh", phân tử khối của nó là 225.
Năm 1898, Trường Đại Học Sorbonne đang thiếu một chân Giáo Sư Vật Lý. Pierre nộp đơn xin vì muốn kiếm ra một số lương cao hơn. Nhưng vì ông không hề học qua một trường cao đẳng sư phạm hay Trường Bách Khoa nào nên ông đã bị từ chối. Năm 1900, ông Pierre Curie xin được một chân Giáo Sư tại Trường Bách Khoa với lương 2,500 quan một năm. Với số lương này, gia đình Curie vẫn chưa đủ tiêu dùng. Trong khi đó, Trường Đại Học Genève, Thụy Sĩ, bỗng nhiên gửi thư mời ông Pierre sang nhận chức Giáo Sư Vật Lý với lương hàng năm 10,000 quan, lại được thêm hai người phụ tá cùng một phòng khảo cứu đầy đủ dụng cụ. Thật là một may mắn không ngờ. Nhưng tiếc thay, Genève lại ở quá xa, công ty thủy tinh Bỉ không chịu chở pechblend sang đó. Giữa khoa học và tiền bạc, ông Pierre đã chọn Khoa Học và đành viết thư cảm ơn ông Khoa Trưởng Trường Đại Học Khoa Học Genève.
It lâu sau, ông Pierre Curie được vị Phó Khoa Trưởng Trường Đại Học Sorbonne mời giảng dạy môn Vật Lý cho chứng chỉ Lý Hóa Nhiên (S.P.C.N.) và bà Curie được nhận làm Giáo Sư Trường Cao Đẳng Sư Phạm (Ecole Normale Superieure) dành cho nữ sinh viên tại Sèvres. Ngân quỹ gia đình đã khả quan, từ nay hai ông bà Curie có thể yên tâm phụng sự cho Khoa Học.
Năm 1902, kết quả của công trình khám phá ra chất Radium được công bố. Giáo Sư Mascart do mến tài ông Curie nên đã cố khuyên ông nộp đơn xin vào Hàn Lâm Viện Khoa Học nhưng đến ngày bỏ phiếu, các ông Hàn đã nhận ứng viên đối lập là Amagat. Vào lúc này, Giáo Sư Paul Appell đã được cử làm Khoa Trưởng Trường Đại Học Khoa Học Paris. Muốn an ủi Pierre, Appell xin ông Tổng Trưởng Giáo Dục Pháp ban huy chương danh dự cho nhà bác học và trước khi trao huy chương, Appell đã năn nỉ bà Curie khuyên chồng nên chấp nhận huy chương đó. Nhưng ông Pierre đã từ chối vì ông chỉ cần một phòng thí nghiệm, không cần tới một huy chương đeo ngực. Trong suốt cuộc đời, ông Pierre Curie luôn luôn mong mỏi sẽ lập ra được một cơ sở khảo cứu mà tất cả những ai muốn tìm tòi về chất phóng xạ đều được tự do xử dụng.
Sau khi chất Radium được khám phá, danh tiếng ông bà Curie đã vượt ra khỏi nước Pháp. Từ năm 1900, các viện đại học, các trung tâm khảo cứu tại các nước Anh, Đức, Đan Mạch, Hoa Kỳ… đều gửi thư đến hỏi ông bà Curie về chất Radium. Các nhà vật lý đua nhau tìm hiểu về tính phóng xạ như Boltzmann, Crookes, Paulsen, Ramsay… họ đã tìm thêm được nhiều chất mới như Mesothorium, Ionium, Protactinium, chì phóng xạ, khí Helium phóng xạ…
Năm 1903, bà Curie được Đại Học Sorbonne trao văn bằng Tiến Sĩ Khoa Học, hạng tối ưu với lời khen ngợi của Hội Đồng Giám Khảo về luận án "Khảo cứu về các chất phóng xạ" và cũng vào năm này, Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh gửi thư mời hai nhà bác học Curie sang diễn thuyết bên nước Anh. Sau đó không lâu, nước Thụy Điển đã biểu quyết chia Giải Thưởng Nobel 1903 về Vật Lý, một nửa dành cho ông Henri Becquerel, một nửa tặng ông bà Curie vì công trình khám phá ra chất phóng xạ. Ông bà Curie được lãnh 10,000 quan tiền vàng. Nhưng khi vừa được tin mừng về Giải Thưởng Nobel, hai nhà bác học lại gặp phải nhiều chuyện bực mình: những kẻ hiếu kỳ, các phóng viên nhà báo đã bao quanh nhà, làm ồn ào, gây bận rộn cho hai nhà bác học. Ông bà Curie vốn ưa thích sự yên tĩnh để làm việc, nên đã không khỏi khó chịu khi các kẻ hiếu kỳ muốn coi ông bà như những minh tinh màn bạc. Bà Curie đã phải nói: "Về Khoa Học, chúng ta chỉ nên để ý đến sự vật mà đừng nghĩ tới nhân vật".
Sau khi các nước ngoài nhận rõ chân tài, ông Pierre Curie mới được nước Pháp biết đến. Năm 1904, ông được Viện Trưởng Đại Học Sorbonne bổ nhiện làm Gáo Sư Vật Lý thực thụ . Trước khi nhận lời, ông đưa ra yêu cầu lập nên một phòng thí nghiệm. Lần này, Bộ Giáo Dục Pháp không còn làm những chuyện viển vông như gắn huy chương cho nhà bác học nữa, mà bằng lòng xây dựng một trung tâm nghiên cứu, chấp nhận cho nhà nữ bác học Curie làm trưởng phòng Vật Lý, dưới quyền chồng và lại cho thêm hai nhân viên phụ tá. Cũng vào năm 1904, hai nhà bác học có thêm một tin mừng khác: bà Curie vừa sinh hạ cô gái thứ hai và cũng là cô gái út: Eve Curie. Năm 1905, ông Pierre Curie được bầu vào Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp (Academy of Sciences).
Nhưng vinh quang không đến với nhà bác học được lâu. Ngày 19 tháng 4 năm 1904, sau khi rời nhà xuất bản Gauthier-Villars để về nhà, không rõ ông Pierre Curie bận tâm suy nghĩ điều gì trong lúc băng qua đường, ông đã bị xe ngựa cán phải, vỡ óc chết ngay trên đường Dauphine tại Paris. Ông Pierre Curie đã là một nhà vật lý học xuất sắc, một trong các vị sáng lập ra nền Vật Lý Mới. Để ghi nhớ nhà bác học Pierre Curie, ngày 13 tháng 5 năm 1906, Trường Đại Học Sorbonne đặc cách mời bà Curie thay chồng trong chức vụ Giảng Sư. Bà Marie Curie là nữ Giáo Sư đầu tiên của Trường Đại Học Sorbonne, Paris.
Bà Marie Curie trở nên Giáo Sư thực thụ của Trường Đại Học Sorbonne vào năm 1908. Cũng vào năm này, bà cho xuất bản cuốn sách nhan đề là "Các Công Trình của Pierre Curie". Năm 1910, tác phẩm "Khảo cứu về tính phóng xạ" (Traité de Radioactivité) dày 960 trang của bà Marie Curie đã là công trình chứa đựng những kiến thức khoa học mới mẻ nhất của thời kỳ đó về ngành học phóng xạ.

Và đã mang về 2 lần được giải Nobe
ST
 
Top Bottom