Sử Biển đảo Việt Nam: đặc điểm và lịch sử

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

1. Khái quát về biển đảo Việt Nam
Nước ta giáp với Biển Đông ở ba phía Đông, Nam và Tây Nam. Các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam là một phần Biển Đông trải dọc theo bờ biển dài khoảng 3.260 km, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, với nhiều bãi biển đẹp như Trà Cổ, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cam Ranh, Vũng Tàu... Như vậy, cứ 100 km2 lãnh thổ đất liền có 1 km bờ biển, tỷ lệ này cao gấp 6 lần tỷ lệ trung bình của thế giới (600 km2 đất liền có 1 km bờ biển)
Việt Nam có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm giữa Biển Đông và hàng nghìn đảo lớn, nhỏ, gần và xa bờ, hợp thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ các vùng biển và thềm lục địa.
Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Không chỉ cung cấp nguồn thức ăn cho cư dân ven bờ từ hàng nghìn năm nay, Biển Đông còn tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế và là cửa ngõ để Việt Nam có quan hệ trực tiếp với các vùng miền của đất nước, giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, là nơi trao đổi và hội nhập của nhiều nền văn hoá.
Về kinh tế, Biển Đông tạo điều kiện để Việt Nam phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch...
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trung tâm Biển Đông, rất thuận lợi cho việc đặt các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền... phục vụ cho tuyến đường hàng hải trên Biển Đông.

2. Nguồn tài nguyên trên Biển Đông
a. Tài nguyên sinh vật
Biển Đông có nguồn tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng, có đến hơn 160.000 loài, gần 10.000 loài thực vật và 260 loài chim sống ở biển. Trữ lượng các loài động vật ở biển ước tính khoảng 32,5 tỷ tấn, trong đó, các loại cá chiếm 86% tổng trữ lượng.
Vùng biển Việt Nam có hơn 2.458 loài cá, gồm nhiều bộ, họ khác nhau, trong đó có khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng cá ở vùng biển nước ta khoảng 5 triệu tấn/năm, trữ lượng cá có thể đánh bắt hàng năm khoảng 2,3 triệu tấn. Các loài động vật thân mềm ở Biển Đông có hơn 1.800 loài, trong đó có nhiều loài là thực phẩm được ưa thích, như: mực, hải sâm,...
Chim biển: Các loài chim biển ở nước ta vô cùng phong phú, gồm: hải âu, bồ nông, chim rẽ, hải yến,..
Ngoài động vật, biển còn cung cấp cho con người nhiều loại rong biển có giá trị. Đây là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và là nguồn dược liệu phong phú. Biển nước ta có khoảng 638 loài rong biển. Các loại rong biển dễ gây trồng, ít bị mất mùa và cho năng suất thu hoạch cao nên sẽ là nguồn thực phẩm quan trọng của loài người trong tương lai.
b. Tài nguyên phi sinh vật
Dầu khí là tài nguyên lớn nhất ở thềm lục địa nước ta, có tầm chiến lược quan trọng. Đến nay, chúng ta đã xác định được tổng tiềm năng dầu khí tại bể trầm tích: Sông Hồng, Phú Khánh, Nam Côn Sơn, Cửu Long, Mã Lai - Thổ Chu, Tư Chính - Vũng Mây. Trữ lượng dầu khí dự báo của toàn thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn quy dầu. Ngoài dầu, Việt Nam còn có khí đốt với trữ lượng khai thác khoảng 3.000 tỷ m3/năm. Trữ lượng đã được xác minh là gần 550 triệu tấn dầu và trên 610 tỷ m3 khí. Trữ lượng khí đã được thẩm lượng, đang được khai thác và sẵn sàng để phát triển trong thời gian tới vào khoảng 400 tỷ m3.
Ngoài ra, vùng biển nước ta nằm gọn trong phần phía Tây của vành đai quặng thiếc Thái Bình Dương, có trữ lượng thiếc lớn, và tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng của các nguyên tố hiếm, có triển vọng băng cháy lớn.
c. Tài nguyên giao thông vận tải
Lãnh thổ nước ta có đường bờ biển chạy theo hướng Bắc - Nam dọc theo chiều dài đất nước, lại nằm kề trên các tuyến đường biển quốc tế quan trọng của thế giới, có những vụng sâu kín gió là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển và mở rộng giao lưu với bên ngoài.
Biển Đông được coi là con đường chiến lược về giao lưu và thương mại quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, ở cả bốn phía đều có đường thông ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua các eo biển. Từ các hải cảng ven biển của Việt Nam thông qua eo biển Ma-lắc-ca để đi đến Ấn Độ Dương, Trung Đông, Châu Âu, Châu Phi; qua eo biển Basi có thể đi vào Thái Bình Dương đến các cảng của Nhật Bản, Nga, Nam Mỹ và Bắc Mỹ; qua các eo biển giữa Phi-líp-pin, In-đô-nê-xia, Xin-ga-po đến Ôtx-trây-lia và Niu Di Lân... Hầu hết các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều có các hoạt động thương mại hàng hải rất mạnh trên Biển Đông. Trong tổng số 10 tuyến đường biển lớn nhất trên thế giới hiện nay, có 5 tuyến đi qua Biển Đông hoặc có liên quan đến Biển Đông.
d. Tài nguyên du lịch
Bờ biển dài có nhiều bãi cát, vịnh, hang động tự nhiên đẹp là tiềm năng về du lịch lớn của nước ta.
Do đặc điểm kiến tạo khu vực, các dãy núi đá vôi vươn ra sát bờ biển tạo nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thủy rất đa dạng, nhiều vụng, vịnh, bãi cát trắng, hang động, các bán đảo và các đảo lớn nhỏ liên kết với nhau thành một quần thể du lịch hiếm có trên thế giới như di sản thiên nhiên Hạ Long được UNESCO xếp hạng.
Hệ thống gần 82 hòn đảo ven bờ có diện tích trên 01 km2, trong đó 24 đảo có diện tích trên 10 km2 (l0 - 320 km2), cách bờ không xa là những hệ sinh thái đảo hấp dẫn. Ở đây không khí trong lành, nước biển trong và sạch, bãi cát trắng mịn.
Các thắng cảnh trên đất liền nổi tiếng như Phong Nha, Bích Động, Non Nước... Các di tích lịch sử và văn hoá như Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Tháp Chàm, nhà thờ đá Phát Diệm,. .. phân bố ngay ở vùng ven biển.
Các trung tâm kinh tế thương mại, các thành phố du lịch nằm ven biển hoặc cách bờ biển không xa như Hạ Long, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Hà Tiên, Hà Nội, Sài Gòn,... Hệ thống đường bộ, đường xe lửa xuyên Việt và liên vận quốc tế chất lượng cao được xây dựng dọc bờ biển.

3. Các bãi biển nổi tiếng của Việt Nam
Do bờ biển khúc khuỷu, nhiều cung bờ xen kẽ các mũi nhô đá gốc, nên từ Bắc vào Nam, nước ta có rất nhiều những bãi cát biển (bãi biển) tuyệt đẹp, nổi tiếng và đã trở nên quen thuộc với du khách trong và ngoài nước. Trong số khoảng hơn 100 bãi biển ở nước ta có khoảng 26 bãi biển đẹp (dài, rộng, thoải, cát trắng mịn, nước biển trong sạch, nằm ở nơi cảnh quan xung quanh đẹp, không có cá dữ và sinh vật gây hại,...).
Một số bãi biển đẹp ở các tỉnh, thành phố ven biển có thể kể là: Trà Cổ (Quảng Ninh), Quan Lạn (Quảng Ninh), Thanh Lân (Quảng Ninh); Cát Cò (Hải Phòng), Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Cửa Hội (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Đá Nhảy (Quảng Bình), Cửa Tùng (Quảng Trị), Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Mỹ Khê (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Ninh Chữ (Ninh Thuận), Cà Ná (Ninh Thuận), Mũi Né (Bình Thuận), Bãi Trước (Vũng Tàu), Bãi Sau (Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang),... Bên cạnh đó còn có các bãi biển đẹp, nổi tiếng thu hút du khách thuộc các đảo Cát Bà (Hải Phòng), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang)...
Bãi biển là yếu tố rất quan trọng đối với phát triển du lịch biển ở một xứ sở nhiệt đới, đặc biệt là các bãi biển nhỏ nhưng gắn với các hải đảo hoang sơ, các vụng biển tĩnh lặng như ở quần đảo Cát Bà (Hải Phòng). Mỗi bãi biển đều có những nét đẹp và lợi thế riêng, thu hút du khách trong và ngoài nước. Nằm trong vùng nhiệt đới ấm nóng quanh năm, nên vùng ven biển và hải đảo nước ta quanh năm chan hòa ánh nắng mặt trời, cùng với các bãi cát trắng, mịn trải dài ven sóng, biển xanh mênh mông nước ta rất có lợi thế phát triển du lịch "3S" (sun, sea, sand). Vì thế, việc quy hoạch sử dụng hợp lý và quản lý hiệu quả các bãi biển sẽ góp phần duy trì được lợi thế trong phát triển du lịch biển, đảo bền vững.

4. Nhà nước phong kiến Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi bảo vệ chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như thế nào ?
Nhà nước Đại Việt thời chúa Nguyễn: Chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý chứng minh việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, đó là sự ra đời và hoạt động thường xuyên, liên tục của đội Hoàng Sa, một tổ chức do nhà nước lập ra để đi quản lý, bảo vệ, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đội Hoàng Sa, về sau lập thêm đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản, đã hoạt động theo lệnh của 7 đời chúa, từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần cho đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy.
Nhà nước Đại Việt thời Tây Sơn: Trong thời gian từ 1771 đến năm 1801, gần như lúc nào cũng có chiến tranh, trên đất liền cũng như ngoài Biển Đông. Tuy nhiên, các lực lượng của Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh, Tây Sơn đã làm chủ được từng khu vực lãnh thổ thuộc phạm vi quản lý của mình.
Từ năm 1773, Tây Sơn chiếm được cảng Quy Nhơn, tiến về phía Quảng Nam, kiểm soát đến Bình Sơn, Quảng Ngãi, nơi có cửa biển Sa Kỳ và Cù Lao Ré, căn cứ xuất phát của Đội Hoàng Sa.
Năm 1775, Phường Cù Lao Ré thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã nộp đơn xin cho phép đội Hoàng Sa và đội Quế Hương hoạt động trở lại theo thông lệ.
Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng Hoàng đế, chính quyền Tây Sơn được củng cố một cách hoàn chỉnh và năm 1786, đã ra quyết định sai phái Hội Đức hầu, cai đội Hoàng Sa, chỉ huy 4 chiếc thuyền câu vượt biển ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ như cũ. Ngoài ra còn có các đội Quế Hương, Đại Mạo, Hải Ba cũng được giao nhiệm vụ hoạt động trong Biển Đông.
Nhà nước Việt Nam thời nhà Nguyễn tiếp tục sử dụng đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, thống nhất đất nước, tuy bận việc nội trị, vẫn tiếp tục quan tâm đến việc bảo vệ, quản lý và khai thác khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng 7 năm 1803, vua Gia Long cho lập lại đội Hoàng Sa: Lấy cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa (theo Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 12).
Tháng Giêng năm Ất Hợi (1815) vua Gia Long quyết định: "sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình"... (Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, q.50, tờ 6a).
Sang đời Minh Mạng, việc đo đạc thủy trình chủ yếu giao cho thủy quân thực hiện...
Năm 1833, 1834, 1836, Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công phái người ra Hoàng Sa để dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ... mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc, "Vua Minh Mạng đã chuẩn y lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm dấu mốc... ".
Như vậy, suốt từ thời chúa Nguyễn đến thời nhà Nguyễn, đội Hoàng Sa, kiêm quản đội Bắc Hải, đã đi làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Những hoạt động này đã được các văn bản nhà nước ghi nhận, như: châu bản của triều đình nhà Nguyễn, các văn bản của chính quyền địa phương như tờ lệnh, tờ tư, bằng cấp,... hiện đang được lưu trữ tại các Cơ quan lưu trữ nhà nước.
Trong giai đoạn lịch sử này, có một chứng cứ hết sức quan trọng không thể không đề cập đến khi chứng minh nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý thật sự, hiệu quả đối với hai quần đảo này. Đó là việc tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa trong hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước lúc bấy giờ. Thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc Thừa tuyên Quảng Nam hay Quảng Nghĩa (Ngãi), lúc là phủ khi thì trấn: "Bãi Cát vàng trong phủ Quảng Nghĩa" (Toản tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư); "Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa (thuộc dinh Quảng Nam, huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh" (Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn); sang thời Tây Sơn, phủ Quảng Nghĩa đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

5. Biển đảo Việt Nam trong quá trình dựng và giữ nước
a. Biển, đảo Việt Nam trước thế kỷ X
Vào khoảng trước và sau công nguyên, với những thành tựu chinh phục mặt nước biển, những cư dân cuối cùng của quận Nhật Nam với sự bảo tồn được độc lập, tự do qua sự thành lập nước Lâm Ấp, đã có những mối giao lưu rộng rãi với Ấn Độ. Cư dân của Ốc Eo đã có những mối liên hệ xa bằng đường biển đến tận vùng Địa Trung Hải. Trong tình trạng bị nô dịch bởi các thế lực phong kiến phương Bắc có ưu thế về sức mạnh biển, những cư dân ven biển ở phía Bắc cũng là những người bị bóc lột nặng nề.
Về sức mạnh quân sự trên sông, biển, thủy quân Lạc Việt đã từng đứng vào bậc nhất, nhì ở Đông Nam châu Á. Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 2000 năm của dân tộc Việt Nam, trên sông biển đã có những trận thủy chiến oanh liệt như: thời Hùng Vương chống giặc Quỳnh Châu từ phía Bắc, diệt Hồ Tôn từ phía Nam; thời Hai Bà Trưng, quân thủy Lê Chân đã làm khiếp đảm quân thủy của giặc ở vùng biển Hải Phòng ngày nay; thời Lý Nam Đế có những trận chặn đánh quân của Trần Bá Tiên ở Tô Lịch, Hồ Điển Triệt, đầm Dạ Trạch; Mai Thúc Loan tiến đánh quân Đường, vây thành Đại La vv...
b. Biển, đảo Việt Nam từ thế kỷ X đến năm 1945
Thời Ngô Quyền và sau là Đinh Tiên Hoàng, 3 trong 7 quận của nước ta đã khôi phục được nền độc lập, tự chủ, mở đầu cho kỷ nguyên Đại Việt. Nhà Trần hùng mạnh, ba lần đánh tan quân Nguyên đã khởi dựng được sự nghiệp từ những người đánh cá ven biển Nam Định - Ninh Bình ngày nay. Nhà Mạc với sự phát huy cao độ yếu tố dân gian trong nền văn hóa dân tộc cũng bắt đầu sự nghiệp của mình từ những cư dân làm nghề đánh cá ven biển Hải Phòng ngày nay. Những vương triều phong kiến đều được xây dựng từ những cư dân và nghề đánh cá ở ven biển Việt Nam.
Về chủ quyền biển, đảo: đều được các triều đình phong kiến nước ta chăm lo quản lý chặt chẽ. Thời Lý đã thiết lập những Trang, thời Trần thiết lập những Trấn, thời Lê (năm 1426) đặt Tuần Kiểm ở các xứ cửa biển, các đồn, các đảo... để quản lý biển, thu thuế của các tàu thuyền nước ngoài qua lại vùng biển của ta. Thời Nam - Bắc phân tranh, với việc thành lập và biến các đội Hoàng Sa thành một tổ chức của Nhà nước, quyền làm chủ lãnh hải ở nước ta đã được xác định chính thức. Hàng năm, triều đình thường chọn 70 suất dân ở Cù Lao Ré để sung vào đội này. Họ là những người thông thạo nghề đi biển và có nhiều kinh nghiệm hoạt động ở những vùng biển nhiều đảo san hô. Thời Tây Sơn vẫn duy trì hoạt động của các đội Hoàng Sa. Năm 1786, vua sai cai đội Hoàng Sa lµ Hội Đức Hầu dẫn 4 thuyền vượt biển đến thẳng Hoàng Sa và các cù lao trên biển thu lượm vàng bạc, đồ đồng, đại bác, tiểu bác, đồi mồi, hải sâm và của quý mang về kinh đô dâng nộp theo lệ. Nhà Nguyễn đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy dân ở xã An Vĩnh sung vào; hàng năm, đầu tháng 3 đi thuyền ra đảo; sai đội Bắc Hải mộ dân ở phường Tư Chính (Bình Thuận) hoặc xã Cảnh Dương sung vào, được lệnh đi thuyền ra các vùng Bắc Hải, Côn Lôn thu lượm hóa vật. Đội này cũng do đội Hoàng Sa quản lý. Năm 1816, vua Gia Long lệnh cho thủy quân cùng đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa để khảo sát và đo vẽ đường biển. Năm 1836, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng lệnh vua ra Hoàng Sa trông nom đo đạc lưu dấu để ghi nhớ.
Về bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Ngô Quyền đã đánh tan quân xâm lược Nam Hán với trận Bạch Đằng vào năm 938; Lê Hoàn đánh quân xâm lược Tống với trận Bạch Đằng lần thứ hai vào năm 981; Lý Thường Kiệt tiến công địch ở Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu vào năm 1075, chặn đứng quân Tống ngoài biển năm 1077. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba vào năm 1288, quân và dân ta dưới sự chỉ huy thiên tài của Trần Quốc Tuấn đã lập được chiến công vang dội nhất trên sông Bạch Đằng lịch sử, tiêu diệt toàn bộ đạo quân thủy gồm sáu vạn tên, bắt các tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ, buộc Thoát Hoan phải rút quân chạy trốn về nước. Những vị tướng giỏi về chỉ huy quân đội tác chiến trên sông biển như Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái... đã lập nhiều chiến công xuất sắc, làm rạng rỡ nền nghệ thuật thủy chiến của dân tộc ta.
Thế kỷ thứ XVI, XVII và những năm đầu thế kỷ thứ XVIII, thủy quân Việt Nam cũng chiến thắng các đội thủy quân xâm lược của chủ nghĩa tư bản châu Âu như đánh thắng hạm đội của thực dân Tây Ban Nha năm 1595, hai lần đánh thắng hạm đội của thực dân Hà Lan trong các năm 1642 - 1643; đánh thắng hạm đội của thực dân Anh năm 1702. Thời kỳ Tây Sơn, Nguyễn Huệ đã tổ chức phát triển mạnh kinh tế biển, xây dựng được một đội quân thủy hùng mạnh vào bậc nhất ở Đông Nam Á. Thủy quân Tây Sơn đã nhiều lần vào Nam ra Bắc đánh đổ tập đoàn phong kiến Trịnh, Nguyễn, chấm dứt cảnh đất nước bị chia cắt hơn 200 năm. Năm 1785, Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy quân thủy tiến công và chiến thắng quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút trong trận quyết chiến chiến lược lịch sử. Các chiến binh Việt Nam thuộc các triều đại phong kiến có truyền thống chiến đấu giỏi trên biển, trên sông và luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng thủy binh với lực lượng bộ binh. Những trận thủy chiến ở trên sông, biển đã diễn ra hết sức oanh liệt mà ngày nay đã được khái quát là "truyền thống Bạch Đằng" chống ngoại xâm.
Trong thời kỳ này, người Việt Nam đã có những hoạt động khai thác, thăm dò, lập bản đồ nhằm xác lập chủ quyền đối với các đảo, quần đảo của Việt Nam, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khi Pháp xâm lược Việt Nam, Chính phủ Pháp đã tiến hành các hoạt động thăm dò, khảo sát, dựng bia chủ quyền, xây dựng đèn biển, lập trạm khí tượng, đưa quân ra đồn trú, lập thành đơn vị hành chính đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đồng thời Chính phủ Pháp còn ban hành một số văn bản pháp luật quy định về quản lý, bảo vệ các vùng biển của “Đông Dương thuộc Pháp” như quy định chiều rộng lãnh hải các thuộc địa của Pháp là 3 hải lý (năm 1888); quy định về phương diện đánh cá của Đông Dương là 20 hải lý tính từ ngấn nước thuỷ triều thấp nhất (năm 1936).
c. Biển, đảo Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đặc biệt từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, để bảo vệ chủ quyền nước ta, các tổ chức dân quân ở các làng xóm, thôn xã ven biển được khẩn trương xây dựng. Quân và dân ta vừa bám sông, bám biển, đánh chìm nhiều tàu thuyền của địch, vừa lợi dụng sông biển để tổ chức vận tải phục vụ kháng chiến. Dọc tuyến vận tải ven biển, những đơn vị chuyên làm nhiệm vụ vận tải đường biển được tổ chức, nhất là đội vận tải đường biển của Liên khu 5 trong những năm cuối của cuộc kháng chiến đã phát triển đến 200 người với 130 chiếc thuyền, trong đó có khoảng một nửa là thuyền lớn - chở được 15 đến 20 tấn. Từ năm 1948 đến 1954, đội vận chuyển được gần 3000 tấn hàng hóa các loại cho các tỉnh cực Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ. Lợi dụng các dòng sông, suối, ta tổ chức gần 12 nghìn thuyền buồm, thuyền độc mộc, bè, mảng, vận chuyển lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu tiếp tế, góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn cả trên đất liền và trên sông biển, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hải quân nhân dân Việt Nam thực sự là lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân trên chiến trường biển, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang và nhân dân ven biển hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông đã góp phần chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đã trở thành huyền thoại sống mãi với dân tộc Việt Nam.
d. Biển, đảo Việt Nam từ năm 1975 đến nay
Bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, biển, đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển của dân tộc ta. Lấn biển để dựng nước và thông qua biển để giữ nước là một nét độc đáo của dân tộc Việt Nam trong quá khứ. Đó cũng chính là nét độc đáo của bản sắc văn hóa Việt Nam, cần được giữ vững và phát huy hơn nữa trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của khoa học - kỹ thuật, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Càng tự hào và trân trọng di sản của quá khứ, chúng ta càng phải khai thác, khơi dậy nguồn sức mạnh của bao thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp giữ vững chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc hiện nay.

6. Khái quát về Biển Đông
a. Vị trí địa lý và một số đặc điểm của Biển Đông
Theo quy định của Ủy ban Quốc tế về biển, tên của các biển rìa thường dựa vào địa danh của lục địa lớn gần nhất hoặc mang tên của một nhà khoa học phát hiện ra chúng. Tên gọi Biển “Đông” được gọi theo phương hướng vì biển nằm phía đông lục địa nước ta. Tuy vậy, Biển Đông vì nằm ở phía Nam đại lục Trung Hoa nên Trung Quèc gọi là Biển Nam Trung Hoa (hoặc như Ấn Độ Dương). Tuy nhiên, địa danh biển không có ý nghĩa về mặt chủ quyền như một số người lầm tưởng.
Biển Đông được nhân dân Việt Nam gọi theo thói quen như một danh từ riêng. Còn vấn đề Biển Đông thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam hay không cần xác định và giải quyết theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về luật biển 1982.
Biển Đông là một biển lớn và là một biển nửa kín, ven lục địa, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, lớn gấp 1,5 lần Địa Trung Hải và gấp 8 lần Hắc Hải; chiều dài khoảng trên 3.000km, rộng tới 1.000km, nằm giữa từ vĩ độ 0o đến vĩ độ 25o Bắc và từ kinh độ 100o Đông đến kinh độ 121o Đông. Độ sâu bình quân của biển là 1.140m, lượng nước khoảng 3,928.106km3. Biển có thềm lục địa rộng lớn vào loại nhất thế giới với độ sâu trung bình không đến 100m. Do đó, cũng có thể nói: Việt Nam là “cường quốc biển” vì phần lục địa diện tích khoảng 329.600km2 mà bờ biển dài khoảng 3.260km, tức là cứ 100km2 đã có 1km bờ biển. Đặc biệt, vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta có thể tới 1,3.106 km2, chủ yếu trên thềm lục địa.
Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi tám nước khác là Trung Quốc, Philippin, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Campuchia và Thái Lan.
Dải đất liền của nước ta về hai phía Đông và Nam giáp Biển Đông. Biển Đông là biển nửa kín do phía đông có các đảo và quần đảo bao bọc. Bờ biển lục địa của Việt Nam trải dài từ Bắc xuống Nam theo chiều dài đất nước. Lãnh thổ đất liền dài nhưng hẹp, nơi rộng nhất 540km, nơi hẹp nhất dưới 50km. Vì thế, Biển Đông gắn bó mật thiết và ảnh hưởng trực tiếp đến mọi miền đất nước ta.
Theo ước tính sơ bộ, Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của khoảng 300 triệu người dân của các nước trong khu vực này. Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn của cả châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ.
b. Tiềm năng của Biển Đông
Biển Đông là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế, là một điều kiện vô cùng thuận lợi cho đất nước ta phát triển một nền kinh tế phong phú, đa dạng, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thuỷ sản), khoáng sản (dầu khí), phát triển đánh bắt, nuôi trồng và chế biến hải sản; khai thác dược liệu và khoáng sản; phát triển nghỉ mát, du lịch, giao thông đường biển v.v...
- Về thủy sản: Tổng trữ lượng hải sản khoảng 3,9-4,0 triệu tấn/năm, cho phép hàng năm khai thác 1,9 triệu tấn, trong đó vùng biển gần bờ chỉ khoảng 500 nghìn tấn, còn lại là vùng xa bờ; cá biển chiếm 95,5%, còn lại là mực, tôm... Qua kết quả nghiên cứu, vùng biển nước ta có khoảng 2.038 loài cá, 200 loài tôm, 300 loài cua, 200 loài ốc, 08 loài mực, 03 loài hải sâm; gần 3.000 loài san hô, 650 loài rong biển. Ngoài ra, trên các đảo có khoảng 8.600 loài chim, đặc biệt là loài chim hải yến; rất nhiều loài bò sát với khoảng 300 loài rắn; khá nhiều loại cá biển thuộc bộ Voi (cá voi, cá heo); khoảng 1.900 động vật nổi và 450 loài thực vật nổi...(Nguyễn Văn Âu, Địa lý Biển Đông năm 1999)
Theo tài liệu của FAO, đáy biển vùng sườn và thềm lục địa của nước ta có tổng lượng cá nổi và cá đáy vào khoảng 10.106 tấn. Có thể khai thác khoảng 4,035.106 tấn/năm và sản lượng hữu hiệu cũng tới khoảng 2,02.106 tấn/năm. Còn cá nổi có thể khai thác sản lượng tối đa khoảng 5,16.106 tấn/năm và sản lượng hữu hiệu cũng tới khoảng 2,065.106 tấn/năm. Riêng vùng biển ven bờ nước ta, trữ lượng sơ bộ cũng vào khoảng 2,875.106 tấn đến 3,025.106 tấn và khả năng khai thác có thể tới 1,292.106 đến 1,392.106 tấn/năm. Về tôm biển ta đã khai thác được khoảng trên 50.103 đến 60.103 tấn/năm. Ngoài ra, còn có thể khai thác với số lượng lớn các loại khác như tổ chim yến, rong mơ, rong câu chỉ vàng...(Nguyễn Văn Âu, Địa lý Biển Đông năm 1999)
Trong khu vực, có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản đứng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippin, trong đó Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm), Thái Lan đứng thứ 10 thế giới (với khoảng 1,5 - 2 triệu tấn/năm), cả khu vực đánh bắt khoảng 7 - 8% tổng sản lượng đánh bắt cá trên toàn thế giới... (Nguyễn Văn Âu, Địa lý Biển Đông năm 1999)
- Về kim loại và tài nguyên khác: Trong nước biển chứa 1,493.109 tấn brôm, 3,93.107 tấn sắt, 11,8.106 tấn đồng và khoảng 15.712 tấn vàng... Biển Đông được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Brunei - Saba, Sarawak, Malay, Pattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, sông Hồng, cửa sông Châu Giang. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan. (Nguyễn Văn Âu, Địa lý Biển Đông năm 1999)
Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí, trong đó các bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn được đánh giá có triển vọng dầu khí lớn nhất, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi. Tổng trữ lượng dự báo địa chất về dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỉ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn và trữ lượng dự báo của khí đốt khoảng 1.000 tỉ m3. Hiện nay, chúng ta đang khai thác các mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng, Đại Hùng, Ruby, Rạng Đông, Sư Tử Đen... đã phát hiện khoảng hơn 20 vị trí có tích tụ dầu khí.
Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 07 tỉ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỉ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỉ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 - 20 năm tới. Các khu vực có tiềm năng dầu khí còn lại chưa khai thác là khu vực thềm lục địa ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bờ biển miền Trung, khu vực thềm lục địa Tư Chính. Trữ lượng và sản lượng dầu khí của Việt Nam đứng vào hạng trung bình trong khu vực, tương đương Thái Lan và Malaysia.
Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng (băng cháy), là một chất ở dạng rắn, hình thành từ khí thiên nhiên và nước trong điều kiện áp suất cao trên 30 atm và nhiệt độ thấp dưới 00C, trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần. Chính tiềm năng dầu khí chưa được khai thác được coi là một nhân tố quan trọng làm tăng thêm các yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển quanh hai quần đảo.
- Về giao thông hàng hải: Việt Nam là một quốc gia biển, bờ biển dài khoảng 3.260km, lại có nhiều đảo và quần đảo, 90 cảng lớn nhỏ với các cảng lớn như: Hòn Gai, Hải Phòng, Cái Lân, Vinh, Vũng Áng, Chân Mây, Nha Trang, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn, Nhà Bè, Thị Vải, Vũng Tàu, Cần thơ, Hòn Chông và nhất là Sài Gòn, Tân Cảng. Hàng năm hàng hóa vận chuyển qua các cảng trên 100 triệu tấn, với các tuyến chính trong nước và các tuyến tới các nước Singapore, Hồng Công, Băng Cốc v.v... Trong điều kiện biển khá kín, nước không đóng băng nên giao thông trên Biển Đông có thể tiến hành quanh năm.
- Về nghỉ mát, du lịch: Vì điều kiện nước còn sạch, trong lành nên Biển Đông còn là môi trường tự nhiên tốt đẹp, phù hợp cho việc xây dựng các trung tâm điều dưỡng, giải trí, du lịch và nghỉ mát như: Trà Cổ, Bãi Cháy, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thuận An, Nha Trang, Quy Nhơn, Mũi Né, Vũng Tàu vv... với những cảnh quan đẹp như: Hạ Long, Vân Đồn, Hòn Gai, Cát Bà, Sầm Sơn, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Côn Đảo, Hà Tiên, Phú Quốc...
Biển Đông là một biển rộng lớn, trong đó một bộ phận là lãnh thổ nước ta, có một điều kiện tự nhiên đa dạng và tài nguyên phong phú, là cơ sở thuận lợi cho đất nước ta phát triển một ngành kinh tế biển, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Nguồn trích dẫn:
1. biendaovietnam.org.vn
2. 100 CẬU HỎI ĐÁP VỀ BIỂN ĐẢO DÀNH CHO TUỔI TRẺ VIỆT NAM (Ban Tuyên giáo Trung ương - Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông - Năm 2013)
3. BIỂN, ĐẠI DƯƠNG VÀ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM" do Vụ Giáo dục Quốc phòng tổ chức biên soạn chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Sach-bien-dao-Viet-Nam.jpg

1_94188.jpg

2.jpg

4_1.jpg

10.jpg
 
Last edited:
  • Like
Reactions: Kyanhdo
Top Bottom