Sử Bàn về vua Lê Long Đĩnh

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Cuộc chiến tranh giành ngôi vua giữa các hoàng tử của Thiên Phúc Đế kéo dài suốt hơn 8 tháng kết thúc với phần thắng thuộc về Khai Minh Vương Lê Long Đĩnh. Ở phương Bắc, các quan lại vùng biên viễn sau khi nắm được nội tình nước ta đã tìm cách dâng thư nhằm kích động Tống triều tiếp tục động binh với đất Giao Chỉ. Sự việc này trong các tài liệu chính sử của cả hai phía Hoa-Việt đều có ghi nhận.
Đại Việt sử ký toàn thư Bản kỷ quyển I ghi lại:
“Mùa hạ tháng 6, tri Quảng Châu nước Tống là Lăng Sách dâng thư nói: Nay nhân Giao Chỉ có loạn, xin cho thần và Duyên biên An phủ sứ Thiệu Việp cùng nhau bàn tính công việc tâu lên. Bọn thần dựa theo lời của bọn Hoàng Khánh Tập hơn nghìn người ở Giao Chỉ do Liêm Châu đưa đến, nói rằng các con của Nam Bình Vương đều đặt trại sách phân tán khắp nơi, quan thuộc lìa tan, nhân dân lo sợ, xin đem quân sang đánh dẹp, bọn Khánh Tập nguyện làm tiên phong, có thể hẹn ngày lấy được. Nếu triều đình chuẩn lời thỉnh cầu, thì xin lấy binh đóng đồn ở các châu thuộc Quảng Nam và cho thêm năm nghìn quân mạnh ở Kinh Hồ, thuỷ bộ cùng tiến, có thể bình định được ngay. Vua Tống nói: Họ Lê thường sai con vào chầu, góc biển yên tĩnh, không mất trung thuận, nay nghe tin mới chết, không có lễ thăm viếng, đã vội đánh kẻ có tang, há phải là việc làm của bậc vương giả. Xuống chiếu cho bọn Sách vỗ yên như trước, cốt được êm lặng. Lại sai Việp đưa thư sang bày tỏ uy đức của triều đình, bảo không nên giết hại lẫn nhau, nếu anh em để lâu không định ngôi thứ khi đó quân thiên triều sang hỏi tội thì họ Lê không một mống nào sống sót. Vua sợ, xin sai em sang cống.
... Minh Đề về, Việp muốn nhân đó lấy nước Việt ta, mới dâng bản đồ đường bộ đường thuỷ từ Ung Châu tới Giao Châu. Vua Tống đem cho cận thần xem và nói rằng: Giao Châu nhiều lam chướng dịch lệ, nếu đem quân sang đánh thì chết hại tất nhiều, nên cẩn thận giữ gìn cõi đất của tổ tông mà thôi. Việp bèn thôi”
Đại Việt sử ký tiền biên Bản kỷ quyển I và Khâm định Việt sử thông giám cương mục Chính biên quyển I cũng có những ghi chép, ghi nhận với nội dung tương tự.
Tống sử quyển 488, Ngoại quốc phần 4 về Giao Chỉ chép rằng:
“... Bọn Tri Quảng Châu là Lăng Sách tâu: Các con Hoàn tranh lập, lòng dân li tán, bọn thủ lĩnh các động là Hoàng Khánh Tập, Hoàng Tú Man hơn ngàn người vì cớ không nghe theo sai bảo, thân tộc bị giết, chạy đến Liêm Châu, xin phát quân bản đạo hai nghìn người sang đánh dẹp, bọn Khánh Tập nguyện sẽ đi tiên phong. Hoàng đế cho, Hoàn vốn trung hậu, nhiều lần sáng tiến cống, nay nhân khi rối loạn, đánh phạt kẻ có tang thì không được. Bèn đổi Quốc tín sứ Thiệu Việp làm Duyên hải An phủ sứ, sai hiểu dụ cho biết... Long Đình tự xưng là Tiết độ Khai Minh Vương, dự tính sang cống. Việp nghe tin tâu lên, Hoàng đế nói: Cõi xa xôi khác tục, không hiểu sự thể, có gì đáng trách đâu?...”
Từ những dòng sử liệu trên đây, có thể thấy chủ trương của vua Tống ở đây là Tống Chân Tông Triệu Hằng (998-1023) đối với những biến động và cơ hội đem quân trở lại Đại Cồ Việt đều thể hiện thái độ không đồng thuận và khước từ. Theo ý kiến cá nhân, trong giai đoạn này Tống vừa kết thúc cuộc chiến với Khiết Đan bằng bản Hoà ước Thiền Uyên và phải chịu nhiều tổn thất hậu quả nên việc không dấy can qua có thể coi là một kế sách đúng đắn tránh nước Tống tiếp tục rơi vào tình thế kiệt quệ. Sau chiến tranh với Liêu bản thân nhà Tống tuy thắng nhưng hàng năm vẫn phải nộp một lượng tiền lớn cống nạp cho Liêu khiến cho quốc khố ngày càng hao hụt; giờ đây nếu gây chiến tức là phải dụng lương dụng quân, như vậy thế Tống tất loạn. Thêm vào đó Đại Cồ Việt tuy gặp biến động nhưng tình thế không hẳn đã loạn, Cảnh Thuỵ Đế đã dần dần từng bước dẹp yên những sự kháng cự và đưa chính sự trở lại như ban đầu nên Tống dù có can dự cũng chưa chắc có thể như ý. Nếu tìm đọc các chi tiết trong Toàn thư, có thể thấy suốt thời Tiền Lê thái độ của Tống mối quan hệ giữa hai nước Tống-Việt luôn trong tình trạng hoà hảo, không muốn gây việc can qua.
Bản thân bài viết vẫn sẽ còn những thiếu sót, hạn chế do khả năng cá nhân có hạn; mong nhận được góp ý của mọi người ạ.
Tài liệu tham khảo:
-Đại Việt sử ký toàn thư Bản kỷ quyển I-Quốc sử quán triều Hậu Lê-bản in Nội các quan bản-tập I-Ngô Đức Thọ dịch và chú thích-Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2004.
-Đại Việt sử ký tiền biên Bản kỷ quyển I-Ngô Thì Sĩ-Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch-Nhà xuất bản Hồng Đức, 2018.
-Khâm định Việt sử thông giám cương mục Chính biên quyển I-Quốc sử quán triều Nguyễn-tập I-Viện Sử học dịch-Nhà xuất bản Giáo Dục, 2007.
-Tống sử quyển 488, Ngoại quốc phần 4 về Giao Chỉ-An Nam truyện Ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa-Châu Hải Đường dịch và biên soạn-Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018.

Nguồn: Việt sử luận
 
Top Bottom