Văn 10 Bản thảo kịch bản: xâu chuỗi một số truyện dân gian.

Harry Nanmes

Cựu Mod Văn | Tài năng sáng tạo 2018
Thành viên
6 Tháng chín 2017
1,593
3,819
544
Hải Dương
THPT Tứ Kỳ.
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Hì, lại là mình đây, cùng đón đọc thêm một kịch bản của tụi mình nữa nhé! Kịch này hơi dài, do mình và 2 bạn nữa cùng nhau lên ý tưởng và làm. Mình là người viết chính và còn lại là do hai bạn ấy đã chỉnh sửa. :D Cùng đón đọc và tham khảo nè :D
Lưu ý: Nếu có lấy NHỚ GHI NGUỒN. ( Phạm Nguyễn Luyến Diệp An, ghi này là ok roài:D)
-Làm theo chủ đề: xâu chuỗi một số truyện cười dân gian Việt Nam.

Ngày xửa ngày xưa, khi đất nước ta đang là thời bình, tại một làng nọ có nhiều sự việc liên tiếp xảy ra. Đó là những câu chuyện dở khóc, dở cười, để lại cho xã hội nhiều bài học đáng giá. Truyện là như thế này:
Đầu làng sân đình, có một cây đa già- nơi mọi người tụ họp và hội chợ. Người bán người mua, qua qua lại lại tạo nên một bức tranh sôi động,náo nhiệt mỗi ngày. Và trong cái sự náo nhiệt ấy cũng không thể thiếu sự góp mặt của những ông thầy bói mù. Được ngày rảnh rỗi, không có khách nào vào xem bói và bói bài tây cả nên năm ông thầy bói mù cùng nhau ngồi tán phét(ngồi bàn tán sôi nổi). Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi nó ra làm sao. Chợt nghe các bác nông dân đi làm đồng về nói có Cải và Ngô(là hàng xóm của nhau, nuôi chung một con voi) “hào phóng” sắp cho voi nhà đi diễu qua làng.
Người nông dân1(vác cày, chân đất, người dính bùn): Này, nghe nói ngày mai, Cải và Ngô sẽ dắt voi của họ đi trong làng đấy! Con voi hình như đẹp lắm thì phải?
Người nông dân 2( vác quốc, dắt trâu đi cày về): Đúng đấy, ngày mai tôi phải nghỉ làm để xem tận mắt con voi mới được!
Năm ông nghe vậy, rất đỗi vui mừng và mong chờ bởi hơn nửa cuộc đời họ chưa biết con voi có hình thù như thế nào.
Thầy bói 1: Voi à? Nghe bao nhiêu lần mà từ bé đến giờ chưa biết hình thù nó ra sao?
Thầy bói 2: Mù cả hai mắt thế này, thì thấy ra làm sao?
Thầy bói 3: Chúng ta đều mù mà, làm sao mà thấy được voi? Nhưng, ý tôi là chưa được thấy tận tay xem hình thù nó ra sao. Hay nhân ngày mai, ta xin chàng Cải và Ngô, cho ghé lại đây một chút, cho chúng ta được tận tay thấy nó ra làm sao nhé!
Thầy bói 4: Phải đấy, người đời chẳng bảo trăm thấy không bằng một sờ con gì?
Thầy bói 5: Cái này thì tôi nhất trí nhé, cơ hội mở mang đầu óc, sao chúng ta không tận dụng nhỉ? Vậy ngày mai, chúng ta cùng góp một chút tiền để cùng nhau xem hình thù con voi nó thế nào, chứ gần cả cuộc đời rồi mà tôi vẫn chưa biết nó ra sao?
( Năm thầy bói đều hứng khởi, tiếp tục tranh luận về đề tài này)

Hôm sau, Cải và Ngô hùng hổ dắt voi đi trong làng. Đến đầu làng thì gặp năm ông thầy bói đang đứng chờ để được tận tay thấy con voi nó như thế nào. Năm ông chung tiền, gửi hai người xin cho dừng lại để xem. Ông sờ vòi, ông sờ ngà, ông thì sờ chân, ông thì sờ tai còn ông thì sờ đuôi. Sau khi sờ voi kĩ lưỡng thì 5 ông thầy lần lượt phán.
Thầy sờ vòi:Tôi cứ tưởng con voi nó thế nào chứ hóa ra người cũng dài ngoằng, mềm nhũn,sun sun như con đỉa thôi.(mặt thất vọng)
Thầy sờ ngà voi (ngạc nhiên ngênh mặt lên cãi): Cái gì dài ngoằng, mềm nhũn,sun sun như con đỉa ư? Có mà nó dài dài cứng cứng như cái đòn càn thì có.
Thầy sờ tai (điềm tĩnh, ngồi nhâm nhi cốc nước chè): Không phải, các thầy sai cả rồi, nó bè bè như là cái quạt thóc cơ.
Thầy sờ chân voi (cãi ngay bật dậy, sắn ống tay): Như con đỉa, cái đòn càn, quạt thóc á? Tài xem của các thầy thật kém cỏi, chưa đạt đến trình độ của tôi rồi. Nó sừng sững như cái cột đình ấy chứ!
Thầy sờ đuôi phán (đập bàn): Bốn ông đầu nói sai bét cả, chính tôi đã sờ tận tay, con voi nó tua tủa, không khác gì cái chổi xể cùn.
Năm ông thầy mỗi ông một ý, không ông nào chịu nhường ông nào cả nên nhảy vào cãi lộn rồi xô xát đến mức sứt đầu mẻ trán. Cuối cùng, không ai chịu ai bèn dắt nhau lên quan.( năm ông đầu tóc, quần áo xộc xệch, kéo nhau lên quan trong bàn tán dữ dội).
Trước lúc đó, khi được năm ông thầy bói gửi tiền, Cải và Ngô chia nhau nhưng vì dốt toán nên cả hai không chia đều. Người này tị nạnh người kia, không ai chịu ai rồi đánh nhau, mắng chửi nhau kéo từ những xích mích xưa kia để giải quyết( Ngô: quần áo xộc xệch, đầu tóc bù xù, Cải: mặt mũi tím thâm, ống ngắn ống dài):
Cải: Ối giời ơi làng nước ơi! Thằng kia nó ăn quỵt tôi, ăn xong không trả, học đã dốt lại còn đòi lên lớp, chia đều cũng không biết chia…Ôi dồi ôi, ai lại ở gần được với tên hàng xóm này đây hả giời?(Chống tay, hất hàm, xắn ống tay áo lên cãi)
Ngô: Này ông kia, ông ăn nói cho đàng hoàng nhé, vì người tình, vì nhớ thầy nhớ cô nên tôi mới ở lại lớp, chứ ai đời phũ phàng thẳng thắn như ông? Bớ nhà người ta, con gà tôi nuôi 5 tháng trời, cây lựu tôi trồng mấy năm mới có quả, cành bong tôi triết mãi mới được, thằng trộm nào nó đã cắp của tôi rồi…Làng nước ơi, sao nó trộm vặt kinh thế, tôi làm sao mà sống được với nó đây hả trời? (Chắp tay vái trời, lạy đất, kêu la inh ỏi)
Nói qua nói lại một hồi, rồi lại đánh nhau, xô xát lẫn nhau. Cuối cùng thì dắt nhau lên kiện bởi tại làng có một viên lý trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi. Cải sợ kém thế, chạy nhanh đến huyện đường và lót trước cho thầy lý năm đồng.
*Huyện đường*
(Cải dấm dúi, khép lép)
Cải: Bẩm quan, thằng Ngô và con có chia nhau tiền, nhưng nó muốn được nhiều tiền hơn nên đã chia nó phần hơn. Thêm nữa, nó cũng ăn quỵt của con mấy lần rồi mà chưa chịu trả…nên..nên quan làm ơn xem xét đúng đắn lẽ phải cho con ạ!
Lý trưởng: Thôi, được rồi ta sẽ xét đúng lẽ phải, ngươi cứ ra ngoài đi.
Nhưng ai ngờ, tên Ngô chu đáo hơn đã biện chè lá những mười đồng.
(Ngô lo lắng)
Ngô: Thưa quan, chả là Cải nó bảo con chia không đều cho nó, nhưng bản thân con lại thấy mình chia đều rồi. Rồi có mấy lúc con gà, mấy quả lựu,…của con tự dưng biến mất, con biết chắc là nó làm mà nó lanh quá, không thể bắt nó chịu tội được. Do vậy, mong quan xét xử đúng, lẽ phải thuộc về con ạ!
Lý trưởng(suy nghĩ trầm ngâm): Ta biết rồi, ta sẽ cố gắng tìm ra lẽ phải và phán xét một cách công bằng.
Trên công đường, khi xử kiện, thầy lý phán xét: Thằng Cải đánh thằng Ngô đau hơn, phạt một chục roi.
Cải (vội xoè năm ngón tay, ngẩng mặt nhìn thầy lí khẽ): Xin xét lại, lẽ phải về con mà!

Thầy lí (cũng xoè năm ngón tay trái úp lên năm gón tay mặt): Tao biết mày phải... nhưng nó lại phải... bằng hai mày!
Ngô khi đó cười đắc chí vì thắng kiện nhưng lại thấy xót vì mất nhiều tiền. Và Cải thì ngược lại.
*Trên đường về*
Sau khi thắng kiện, Ngô vui mừng nhưng cũng xót vì mất nhiều tiền bèn đi mua lợn về nuôi để hồi vốn. Cùng lúc Ngô đi mua lợn sau cái cảnh dở khóc dở cười thì một chủ bán cá hay khoe khoang, biết cách lắng nghe nhưng không biết chọn lọc đã phải rơi vào tình trạng tương tự. Chả là anh ta rơi vào tình huống như thế này:
*Cửa hàng cá*
Một cửa hàng cá khi mở cửa đã đề một cái biển to tướng:
“Ở ĐÂY CÓ BÁN CÁ TƯƠI”

Chủ hàng cá: Tấm biển này mà treo lên thì hàng cá chắc đông khách và đắt như tôm tươi.
(Có một người khách bước vào cửa hàng chủ vội vã mời)
Chủ hàng cá: Mời bác vào mua, cá tươi lắm đấy!
Khách 1(tập trung quan sát tấm biển):- Nhà này xưa nay quen bán cá ươn hay sao mà bây giờ lại phải đề là "cá tươi"!
Chủ hàng cá: Ấy chết! Sao bác nói thế! Cá nhà em bán chưa bị ai chê là không tươi cả. (Vừa nói vừa xoá vội chữ "Tươi” trên biển)
Khách 1: (Vẫn chăm chú nhìn tấm biển mà chép miệng): Người ta chẳng nhẽ đến hàng giày mua cá hay sao mà phải đề là: "Ở đây"!
Chủ hàng cá: (Ngẩn mặt ra): Bác nói cũng có lí. ( lại xoá vội chữ “Ở đây”).
Khách 1(Tở vẻ chưa đồng tình): Ở đây chẳng bán cá thì bày cá ra để khoe hay sao mà phải đề là "có bán"!
Chủ hàng cá: (Gãi tai) Cái này bác nói cũng phải. (Xoá vội chữ “Có bán”)
Khách 1: (Thấy vừa lòng, bước vào mua cá)
*Lúc sau*
Khách hàng 2 (Bước đến cửa hàng thì khó chịu) Chưa đi đến đầu phố đã ngửi thấy mùi tanh, đến gần nhà thì đã thấy đầy những cá, ai mà chẳng biết là bán cá, còn đền biển làm gì nữa!
Chủ hàng cá: (Mặt hầm hầm xoá nốt chữ “Cá”)
Vậy là còn mỗi cái biển không, bực quá, anh ta cất nốt cái biển. Sau đó, chủ hàng cá này bèn dùng cách: mặc áo mới, đứng chào hàng ngay tại cửa. Một lúc sau thì gặp Ngô đi mua lợn về.
Ngô đi mua lợn nhưng lợn chạy mất, phải chạy khắp nơi để tìm lợn. Nhưng bởi tính hay khoe nên tất tả chạy đến, hỏi to:
Ngô( đưa mắt dò tìm):
Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không?
Chủ cửa hàng (giơ ngay vạt áo ra): Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả!

Lũ trẻ gần đấy nghe từ đầu câu chuyện tới giờ, tưởng rằng hai người đang diễn hài thì lăn ra cười phá lên.
Một bà lão đi chợ- người theo dõi đầu đuôi câu chuyện( bà lão lưng còng, chống gậy, xách giỏ bên tay) cũng bật cười vì tính trẻ con- thích khoe khoang của họ.
Bà lão: Già sống gần một đời người rồi mà chưa thấy ai diễn trò cười hay được như chàng Ngô và bác chủ hàng cá đây. (Cười to)
Hai anh chàng hợm quay ra nhìn lũ trẻ và bà cụ. Họ bất ngờ và thấy xấu hổ về cái tính trẻ con và tật hay khoe khoang của mình. (Ngô xấu hổ, chạy ngay đi tìm lợn. Chủ bán cá đỏ mặt, không dám ở ngoài mà đi vào trong nhà)

Sau khi hai người bỏ đi, bà chợ tiếp tục đi chợ. Nhưng trước khi đi, bà đã nói với lú trẻ (trầm ngâm, suy tư)
Bà lão: Các cháu, ta dạy này, tính khoe của có thể biến con người thành những kẻ lố bịch, hợm hĩnh, trở thành đối tượng cho mọi người cười chê như vậy. Bởi thế, sống ở đâu phải biết khiêm nhường. Huống chi, của cải chưa phải là điều quan trọng thể hiện giá trị con người. Và câu chuyện ngày hôm nay chính là một bài học đáng giá cho hai người họ và cả chúng ta. Chớ nên khoe khoang nhé!
Nói xong, bà cụ tiếp tục đi chợ, thoáng cái đã không thấy bà cụ với nụ cười nhân hậu ấy đâu.
***​
Liệu có ai còn nhớ đến một nhân vật nữa nữa không nhỉ? Vâng đó chính là chàng Cải- người vừa mất lẽ phải, vừa mất tiền. Vậy sau khi xử kiện xong, Cải đã làm gì? Không ai biết. Và để biết điều đó, chúng ta cùng đến với những câu chuyện mà anh ta đã gặp phải.
***​
Sau buổi xử kiện, Cải ra về với tâm trạng buồn thỉu buồn thiu. Tiếc đứt ruột vì vừa mất tiền lại vừa bị đánh. Đang đau lại bực mình, Cải gặp Sắn- một anh chàng* mồ côi cha mẹ* nhưng chẳng chịu học hành, làm lụng gì cả đang nằm dưới gốc cây. Thấy lạ, Cải lân la đến hỏi ( Cải đi đến gốc cây nơi Sắn nằm, lấy cọng rơm ngoáy mũi Sắn)
Cải: Thằng Sắn kia, mày làm cái gì đấy?
Sắn(Hắt hơi): Cái gì thế?
Cải(thở phào): Cái thằng này! Hóa ra mày vẫn còn sống, thế mà ông tưởng, mày chết từ bao giờ rồi!
Sắn(ngồi bật dậy): Hừ, phủi phui cái mồm đi, ông anh định rủa thằng này chết đấy à?
Cải: Thế…thế trưa nắng, mày không về nhà nằm, mày nằm đây làm gì? (Vừa nói vừa chống tay chỉ vào Sắn)
Sắn(Vênh mặt lên): Hứ, Nằm đây thì làm sao? Thôi thôi đi!(Xua tay) Phiền ông anh đi chỗ khác đi, để thằng này còn làm việc nhé!(Nói xong, lăn ra nằm vắt chân chữ ngũ)
Cải: Ơ, mày làm việc? Hahaha…(cười to) Nằm ườn ra thế này mà gọi là làm việc á?(đứng suy ngẫm vài giây)Thế việc gì?
Sắn(ngóc đầu dậy):Ô hay, việc kiếm miếng ăn chứ việc gì! Đúng là Cải Ngố!(Ngáp)
Cải(dáng vẻ không tin): Kiếm miếng ăn á? Thấy mày kiếm miếng ăn như thế nào? Chỉ ông xem cái nào…
Sắn: Ôi dào, dễ ợt ấy mà! Thằng đây chỉ việc vừa nằm ngủ, vừa há miệng ra. Khi nào mà trái cây nó rụng xuống thì…nhai thôi. Này nhé! Chỉ có những thằng thong minh như Sắn này đây mới nghĩ ra cách này thôi đấy! (cười tự đắc) Vừa đỡ tốn công lại có miếng ăn tự rơi ngay vào miệng. Hahaha…Như thế gọi là “nhất cử lưỡng tiện”, đâu có như ông anh, làm vần vật ra đấy cả ngày mà chẳng có miếng vào mồm, đúng không?
Cải( nửa tin nửa ngờ): Thật thế á? Vậy thì mày cứ việc nằm đó mà chờ sung đi nhé! Ông đây về nhà, thầy bu nấu cơm cho ông ăn rồi!
(Một quả sung rụng)
Sắn: Ấy khoan, ông anh có thể nhặt quả vừa rồi cho vào cái miệng này của tôi được không? Đằng nào cũng đứng đấy, cả sang trời vì tay đôi với ông vì cách kiếm ăn thông minh này của tôi đấy! (Há sẵn miệng)
Cải đang bực mình vì vụ sáng nay lại như có “dầu tiếp thêm lửa”- cách kiếm ăn ngược đời, lười biếng của tên này. Cũng bởi bản thân Cải cũng lười sẵn, hắn ta lấy hai ngón chân cặp quả sung bỏ vào miệng chàng lười.
Sắn(bực , ngồi phắt dậy, gắt): Chao ôi! Người đâu mà lười thế này?
Nói xong, hai người lao vào “đấu khẩu” với nhau. Đấu không lại rồi họ lại đánh nhau và cũng lôi nhau lên công đường. Nhưng đến giữa đường thì gặp thầy đồ.
(Cải và Sắn quần áo xộc xệch, đầu tóc bù xù, lôi lôi kéo kéo trên đường)
Thầy đồ: Ơ, hai người sao lại gây gổ với nhau giữa đường như thế này ?
Sắn và Cải( đồng thanh): Chúng tôi có chuyện riêng tư, cần được giải quyết một cách thỏa đáng.
Thầy đồ: Chuyện như thế nào? Hãy kể cho tôi nghe, biết đâu tôi đây có thể giải quyết được giúp được phần nào thì sao?
Sắn và Cải( gật gù đồng ý): Đúng đấy! Để chúng tôi kể. Chuyện là như thế này…..
(Sắn Cải thay nhau kể, thi thoảng lại gây gổ với nhau)
Thầy đồ thực chất vốn giấu dốt, nên khi vào cuộc giúp đỡ, cố giải quyết giúp hai người không những không giải quyết được mà khiến cho câu chuyện ngày thêm rắc rối. Bỗng đằng kia có đám đông, ba người quên mất chuyện, lại có tính tò mò nên đi theo. Ai ngờ đó là đoàn của nhà vua đi vi hành.
*Đến huyện đường*
Huyện đường- nơi viên lý trưởng có tài xử kiện đang giải quyết mâu thuẫn, xích mích giữa năm ông thầy bói với nhau. Vị vua này đã quan sát từ cách viên lý trưởng tìm hiểu thông tin đến cách phán xét nên đã biết được những tật xấu của ông. Đó là nhận tiền đút lót từ năm ông thầy bói. ( Năm ông ai cũng muốn mình thắng nên ai cũng biện chè, người nhiều, người ít). Nắm bắt được tình hình của quan lại nơi đây, vua đã thẳng tay trừng trị viên lý trưởng này.(Xuất hiện trước sự bất ngờ, ngơ ngác của tên lý trưởng)
Vua: Ta đã quan sát từ đầu buổi xử kiện đến giờ. Ta thất rằng khanh chưa tìm hiểu thông tin rõ ràng đã đưa ra những phán xét chưa hợp tình hợp lý, làm mất lòng dân. Cách xử lý của khanh là chưa tốt. Qua tìm hiểu, lý trưởng này có nhận tiền đút lót từ các thầy bói để xử kiện, để xét lẽ phải. Vậy theo khanh phải chăng lẽ phải là cái cân đo, đong đếm được bằng tiền ư? Ngươi thật quá tham lam. Xét thấy hành động của ngươi như vậy là hoàn toàn sai trái, cái tiếng tăm xử kiện giỏi cũng chẳng qua là vì lòng tham. Triều đình ta không thể có những quan thần như vậy, đành phải trừng phạt ngươi để làm gương cho những người khác. Lính đâu!
Lính(chạy lại): Thưa có!
Vua: Cách chức tên quan này, giáng xuống làm người dân, tịch thu hết tài sản để hắn hiểu cảm giác của những người nông dân khốn khổ là như thế nào. Thêm vào đó, vì tội chưa tìm rõ thông tin đã phán xét sai cho người phạt năm mươi trượng. Lôi ra ngoài mau.
Lính: Tuân lệnh!
Vua: Còn năm ông thầy bói này, vì tội đã hối lộ, ta phạt mỗi người mười trượng để làm gương cho những người khác! Nhưng các ngươi hãy nghe cho rõ đây: Khi kết luận một vấn đề, một điều gì đó thì cần tìm hiểu thật thấu đáo qua nhiều góc cạnh. Những hiểu biết hời hợt, nông cạn sẽ dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc và những kết luận sai. Chớ nên tỏ ra thông thái hơn người, bởi đó sẽ là một trong những nguyên nhân mang đến những rắc rối cho bản thân. Các ngươi đã nghe rõ chưa?
Năm ông thầy bói: Chúng thần đã nghe rõ rồi ạ! Xin vâng lời những lời vàng, lời ngọc của hoàng thượng ạ! Đa tạ hoàng thượng đã nhẹ tay!
Nói rồi, lính dẫn năm ông ra ngoài chịu phạt. Thầy đồ chứng kiến vua giải quyết vẫn đề một cách hợp tình hợp lý, vừa lòng dân, yên lòng người thì rất đỗi khâm phục. Thầy đồ mở mang được đầu óc thì giải quyết được vấn đề giữa Cải và Sắn. Ai ai cũng hiểu rõ được vấn đề, nhận ra được cái sai, cái xấu ở mình để mà sửa chữa.
***​
*Người dẫn*
Những câu chuyện trên chính là một bài học quý báu cho mỗi chúng ta hôm nay. Có thay đổi cách nhìn, có thay đổi cách sống, nhận ra được cái tốt, cái xấu bên trong bản thân,..ta mới có thể thành đạt được trong cuộc sống ngày hôm nay.Như là:
Đối với thầy đồ, lúc trước mê tín dị đoan, giấu dốt bao nhiêu, tỏ vẻ ta đây biết lắm chữ rồi dạy sai cho con nhà người ta bị phát hiện và đuổi đi thì bây giờ lại chú tâm, chăm chỉ, cần cù học tập học tập, tiếp thu cái mới bấy nhiêu. Thầy học ở mọi lúc mọi nơi và đã trở thành một ông thầy đồ có tiếng ở vùng bởi cái văn hay, chữ tốt.
Đặc biệt là Sắn, anh ta nhận ra được cái lười biếng của mình. Sắn chột dạ, nếu ngày trước không nhận ra, không cố gằng làm lụng thì đến bây giờ sẽ ra sao? Chẳng phải bản thân đã chết dí dưới gốc cây sung rồi hay sao? Bản thân đừng quá phụ thuộc vào một thứ gì đó, cuộc sống tự ban phát cho ta cái gì mà chính bản thân cần hải biết tự đi tìm được nó. Đó mới chính là cái giá trị đích thực của cuộc sống này.
Hay cũng như Cải, Ngô rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, để rồi mới biết giữa những con người lao động với nhau phải biết yêu thương, đoàn kết đừng chỉ vì xích mích nhỏ mà gây mất hòa thuận, tiếp tai cho kẻ ác- viên lý trưởng,…Rồi đâu đó lại là cái tính khoe khoang hay biết suy nghĩ nhưng lại không xem xét một cách kỹ lưỡng đã vội vàng làm theo,…
Như vậy, ai cũng cần học tập, học hỏi, tiếp thu, biết đoàn kết, suy nghĩ một cách đúng đắn và đầy đủ nhất khi nói về một điều gì đó.Lời nhà vua khép lại cũng chính là bài học quý giá cho mỗi con người.
 
Last edited:
Top Bottom