Bạn tham khảo các bài sau đây nhé:
Bài 1:
Tú Xương là nhà thơ hiện thực trào phúng xuất sắc của nền văn học Việt Nam cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX đồng thời cũng là tác giả của những vần thơ trữ tình đằm thắm , thiết tha . “Thương vợ” là một sáng tác tiêu biểu cho bút pháp trữ tình trong thơ Tú Xương.
Thương vợ
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
Trong thơ trung đại Việt Nam , các nhà thơ –nhà nho ít khi viết về cuộc sống tình cảm đời tư của mình , càng hiếm khi viết về người vợ . Thơ văn xưa coi trọng mục đích giáo huấn , dùng văn thơ để dạy đời , tỏ chí “văn dĩ tải đạo” , “thi dĩ ngôn chí” , với những đề tài phổ biến như : chí làm trai , nợ công danh , chí kinh bang tế thế hoặc những ưu tư về thời cuộc … Cũng trong xã hội xưa , vị thế của người phụ nữ ít được coi trọng , thậm chí còn bị coi rẻ .
Nhưng Tú Xương thì khác . Ông có nhiều bài thơ viết về vợ với những câu đầy thương mến , hóm hỉnh : Bài thơ ‘ Thươntg vợ “ đã khắc họa chân dung bà Tú vất vả đảm đang , giàu đức hi sinh và bộc lộ sự cảm thông , lòng yêu thương trân trọng ngợi ca người vợ của nhà thơ .
Trong một loạt bài thơ Tú Xương viết về vợ , “Thương vợ” được coi là tác phẩm tiêu biểu hơn cả . Bài thơ thể hiện cả hai mặt trong thơ Tú Xương , vừa ân tình vừa hóm hỉnh .
“Thương vợ” được làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật nhưng ngôn ngữ rất sinh đọng tự nhiên , mang đậm sắc thái dân gian , mang nét riêng độc đáo của thơ Tú Xương .
Quanh năm buôn bán ở mom sông ,
Nuôi đủ năm con với một chồng .
Câu thơ mở đầu cất lên thật tự nhiên , dường như không chút gọt giũa mà nói được bao điều về hình ảnh và công việc làm ăn của bà Tú .
Từ “quanh năm” diễn tả sự triền miên về thời gian , từ ngày này sang ngày khác , tháng này qua tháng khác và năm nào cũng vậy , bất kể mưa nắng , sớm trưa . Trong khoảng thời gian không ngơi nghỉ đó , bà Tú phải miệt mài với công việc “buôn bán” . Đó chỉ là kiểu buôn thúng bán mẹt , lời lãi chẳng được bao nhiêu ở chốn đầu sông cuối bãi .
Hai từ “mom sông” cụ thể hóa không gian làm việc của bà Tú , đó là nơi có thế đất hiểm trở , là doi đất nhô ra , ba bề là nước , khá chênh vênh nguy hiểm .
Tú Xương đã quan sát , thấu hiểu cho nỗi vất vả của người vợ . Bởi vậy , ẩn sau mỗi lời thơ nôm na bình dị là một niềm cảm thông , thương mến sâu lắng . Với người vợ , một lời cảm thông như vậy của chồng cũng đủ để bù đắp cho bao nỗi đắng cay .
Câu thơ thứ hai nêu lên căn nguyên sự vất vả của bà Tú . Bà phải gánh trên vai một trách nhiệm nặng nề “ Nuôi đủ năm con với một chồng” . Phải chăm sóc , nuôi nấng một đàn con đông đảo năm đứa đã đủ cực nhọc lắm rồi . Vậy mà bà còn phải nuôi thêm cả đức ông chồng . Ai cũng biết ông Tú tài cao nhưng phận thấp , thành ra ông chí khí uất . Tám lần ông đi thi chỉ mong bia đá bảng vàng nhưng rút cục đi không, lại trở về không bởi thơ văn ông quá sắc sảo. Ông lại phải hằng ngày chứng kiến bao cảnh trái tai gai mắt “con khinh bố”, “vợ chửi chồng” , bao điều lố lắng của xã hội dở ta dở Tây đương thời . Tú Xương luôn day dứt về sự đời ô trọc. Cảnh chung niềm riêng khiến ông Tú rất kĩ tính, khó tính . Ấy vậy mà bà Tú vẫn “ nuôi đủ”. Công lao to lớn của bà nằm ở hai chữ “nuôi đủ” này . Bà Tú thắt lưng buộc bụng, tần tảo quanh năm không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu về vật chất của một đại gia đình đông đảo mà bà còn phải sống lựa, chăm lo cho nhu cầu tinh thần vốn cao sang , tài tử của ông Tú. Sự đảm đang, khéo léo của bà thể hiện ở việc lựa ông Tú mà sống , khéo chiều sự khó tính khó nết của ông sao cho trong ấm ngoài êm .
Hai câu thơ đầu đã đặc tả sự nhẫn nại , đảm đang của bà Tú trước gánh nặng gia đình . Qua đó nhà thơ gián tiếp bày tỏ sự biết ơn đối với người vợ tần tảo của mình .
Hai câu thực:
Lăn lội thân cò khi quãng vắng ,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông .
Hai câu thơ đã cụ thể hơn tính chất , đặc thù công việc của bà Tú . Cách đảo ngữ “ lặn lội thân cò”, “ eo séo mặt nước” tô đậm chân dung cực nhọc, lam lũ, bươn chải của bà .
Nhà thơ mượn hình ảnh ẩn dụ “thân cò” trong ca dao để ví von với thân phận, cuộc đời người vợ của mình. Con cò trong ca dao cực khổ , bất hạnh vô cùng :
“ Cái cò lặn lội bờ sông –Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”
“Cái cò đi đón cơn mưa – Tối tưm mù mịt ai đưa cò về”
“ Cái cò mà đi ăn đêm – Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”
Nhà thơ đã đồng nhất thân phận bà Tú với thân phận của những người lao động vất vả, lam lũ. Thân cò còn gợi dáng vẻ bé nhỏ, gầy gò, đáng thương tội nghiệp của người vợ.
Bà Tú bé nhỏ yếu ớt thế mà phải một mình thân gái dặm trường, đi làm qua những nơi “ quãng vắng”. Khi khỏe thì không sao nhưng khi trái gió trở trời, sảy chân bất kì thì không biết bà Tú sẽ gặp nguy hiểm chừng nào. Thế mới thâm thía câu “Buôn có bạn , bán có phường” . Câu thơ mang sức nặng của tấm lòng thương cảm mà ông Tú dành cho vợ .
Bà Tú không chỉ dấn thân những chỗ đồng không mông quạnh mà còn phải chen chân trên những chuyến đò đông, phải chịu những tiếng “eo sèo”, những lời qua tiếng lại cò kè mặc cả, có kẻ lườm nguyt chê bôi, xô bồ . Đò đông gợi ra sự hiểm nguy, xô đẩy, chen chúc. Vậy là “ cô gái nhà dòng” vì lấy ông Tú mà buộc phải nhắm mắt đưa chân quên đi lời mẹ dặn “ Sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua”, phải lăn lôn giữa chốn đời phàm tục để kiếm miếng cơm manh áo nuôi gia đình .
Hai câu thơ chú trọng vào việc miêu tả nỗi vất vả, sự đảm đang của bà Tú. Ẩn sau câu chữ vẫn là tấm lòng nhà thơ với cái nhìn thương cảm, ái ngại, biết ơn, trân trọng .
Hai câu luận
Một duyên hai nợ âu đành phận ,
Năm nắng mười mưa dám quản công .
Hai câu luận là lời ông Tú nhập thân vào bà Tú để than thở giùm vợ. Nhà thơ dùng nghệ thuật đối, các khẩu ngữ và những thành ngữ dân gian “ một duyên hai nợ” , “năm nắng mười mưa”, “ âu đành”, “dám quản” để bộc lộ nỗi lòng ấy .
Duyên và nợ là hai khái niệm đối lập nhau . Theo cách hiểu dân gian , duyên là điều tốt đẹp , là sự hòa hợp tự nhiên, còn nợ là gánh nặng, là trách nhiệm mà con người ta bị vướng mắc phải.
Duyên là sự may mắn, còn nợ là sự rủi ro. Ở đây, khi lấy ông Tú, may mắn bà Tú chỉ hưởng có một, mà rủi ro lại gấp đôi, tức là sung sướng thì ít ỏi, mà khổ cực thì lại nhiều .
Dù vậy, bà coi đó là cái phậ , cái định mệnh mà ông trời đã áp đặt sẵn cho mình. Vì thế, bà cam chịu, chấp nhận, không kêu ca mà âm thầm chịu đựng. Bà sẵn sàng vượt qua “ năm nắng mười mưa” – những nỗi khó khăn tăng cấp chồng chất, bà dám “ quản công”, tự nguyện gánh vác trách nhiệm chăm lo gia đình .
Hai câu thơ như một tiếng thở dài của bà Tú. Dù vất vả trăm điều nhưng bà vẫn âm thầm chịu đựng , vượt lên. Phảỉ chăng đó cũng chính là đức hi sinh – vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam ?
Hai câu kết .
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không
Hai câu thơ vẫn là lời Tú Xương nhập thân vào bà Tú để chửi, để rủa chính cái thói đời bạc bẽo, trách cứ sự vô tích sự của mình .
Thói đời là những nếp cư xử, hành động xấu chung mà người đời hay mắc phải. Thói đời mà Tú Xương muốn nói đến ở đây là tư tưởng trọng nam khinh nữ, là thói vô tâm của các ông chồng với vợ. Thói xấu ấy cũng đã thấm vào người ông Tú, khiến ông ăn ở bạc với vợ, sống thiếu trách nhiệm , đổ mọi gánh nặng lên đôi vai người vợ. Như vậy, ông Tú không chỉ chửi chung thói đời mà còn chửi chính bản thân mình .
Đây là lời chửi mang đặc trưng riêng của Tú Xương. Nhà thơ dùng lời ăn tiếng nói của dân gian
“ cha mẹ” – một cách chửi có gọng điệu chanh chua nanh nọc, gay gắt, quyết liệt, lôi cả gốc rễ tông giống của vấn đề ra mà chửi. Đó chính là biểu hiện cá tính sắc sảo của Tú Xương .
Câu thơ cuối cùng là một lời rủa. Nhà thơ thay vợ mà rủa rằng có chồng mà chồng hờ hững thì còn tệ hơn cả không có chồng. Có thể hiểu câu đó nghĩa là ông chồng mà sống vô tích sự, vô trách nhiệm với gia đình thì ông ta sống cũng như chết rồi .
Hai câu thơ cuối là một cách chuộc lỗi đặc biệt của nhà thơ với vợ. Lời thơ giản dị pha lẫn nụ cười trào phúng mà vẫn chân chất , thấm thía tấm lòng thương vợ đáng quy trọng .
Thương vợ là bài thơ ngắn gọn , súc tích , có ngôn ngữ giản dị , giọng thp ân tình , hóm hỉnh đã khắc họa chân dung bà Tú – người vợ tảo tần đảm đang, chịu thương chịu khó, giàu đức hi sinh vì chồng con, mang vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam .
Tác phẩm cũng bộc lộ sự cảm thông, trân trọng sâu sắc về người vợ của nhà thơ Tú Xương .
Đây là bài thơ tiêu biểu cho bút pháp trữ tình trong thơ Tú Xương .
Bài 2:
Nhắc đến những nhà thơ trào phúng trung đại thì người ta nhớ đến đầu tiên có lẽ là Trần Tế Xương. Quả thật thơ ông mang những nét trào phùng đặc biệt nhất, nó không nhẹ nhàng nhưng thâm thúy sâu cay như Nguyễn Khuyến mà nó sâu cay, cười mỉa mai trước những cái sự đời. Cũng giống như Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương cũng có bài thơ tự cười mình, không chỉ cười xã hội mà ông còn cười chính bản thân mình. Và cũng chính vì thế mà Nguyễn Khuyến có bài tự trào thì Trần Tế Xương cũng có bài thương vợ. nhan đề bài thơ gợi lên cho ta tình cảm của nhà thơ dành cho người vợ mình nhưng đồng thời nội dung bài thơ còn thể hiện một tiếng cười về bản thân bất tài vô dụng của Trần Tế Xương.
Hai câu thơ mở đầu Trần Tế Xương đã kể lên những nỗi vất vả của người vợ thương yêu của mình. Đó là sự vất vả được hiện lên và mục đích của công việc ấy:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng”
Hình ảnh người vợ của Trần Tế Xương hiện lên giống như những người phụ nữ, người mẹ nào trong hình dáng người phụ nữ ngày xưa với cái nghề buôn bán. Chỉ cần có thế mà biết bao nhiêu hình ảnh giản dị hay lam hay làm của người phụ nữ xưa hiện ra. Đó là hình ảnh người phụ nữ áo nâu váy đụp gánh tất cả những hàng hóa trên đôi vai nhỏ bé của mình ra chợ rồi lại từ chợ về nhà. Người vợ của nhà thơ hiện lên cũng với hình ảnh ấy và công việc ấy đặc biệt rằng công việc ấy được diễn ra thường xuyên qua hai từ “quanh năm”. Người phụ nữ ấy làm việc vất vả quanh năm cũng chỉ một công việc đó từ năm này qua năm khác. Thế nhưng địa điểm không phải trên những mặt đất bằng phẳng mà lại ở mom sông gợi sự vất vả, nguy hiểm. Như vậy vợ nhà thơ là một người không những vất vả mà còn phải đối mặt với nguy hiểm. Thế nhưng bà Tú làm như vậy để được gì, không chỉ nuôi bản thân mình mà bà Tú còn phải nuôi đủ” năm con với một chồng”. Ở đây nhà thơ đang tự cười chính bản thân mình. Chồng cũng trở thành một con số đếm ngang hàng với những đứa con trong gánh nặng của người vợ. Không những thế còn là “nuôi đủ” càng chứng tỏ gánh nặng của người vợ kia. giờ đây quang gánh kia không chỉ đơn giản là những mặt hàng của bà nữa mà trên đó còn có cả năm con với một người chồng.
Sang hai câu thơ tiếp theo người chồng gánh nặng kia lại tiếp tục thể hiện lòng thương vợ của mình và những vất vả mà bà Tú phải trải qua hàng ngày:
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông. ”
Ông chồng người mà được coi là trụ cột của gia đình không chỉ về tinh thần mà còn về kinh tế nhưng giờ đây lại là gánh nặng của vợ mình. Bà Tú phải lặn lội với những nguy hiểm khi đi vào những con đường vắng mà chỉ có một mình. Hình ảnh con cò trong câu ca dao xưa tượng trưng cho người phụ nữ nghèo khổ lại được nhà thơ sử dụng trong bài thơ của mình. Không biết rằng có biết bao nhiêu những khó khăn và nguy hiểm đang rình dập và nuốt lấy vợ mình. Vượt qua những nguy hiểm khó khăn ấy bà Tú vẫn đi đến chợ mom sông trên những buổi đò eo sèo những lời của người mua kẻ bán. Họ đang mặc cả với nhau từng đồng một để lo cho gia đình mình.
Và rồi nhà thơ nói đến duyên phận của mình với vợ và như thay vợ nói lên cái thở dài chán nản trước một người chồng mà lại gánh nặng như một người con thứ sau trong nhà:
“Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa, dám quản công. ”
Người xưa hay có quan niệm về duyên và nợ, hai người lấy nhau thì là có duyên có nợ từ kiếp trước, còn yêu nhau mà không lấy được nhau thì đó là có duyên nhưng không có nợ. Ở đây bà Tú lại có duyên có cả nợ với nhà thơ nên mới chịu cảnh khó khăn khổ cực như thế. Một chữ duyên, hai chữ nợ, thôi thì đành phận với nhau. Nhà thơ lại thể hiện sự vất vả của vợ mình qua “năm nắng, mười mưa”. Câu thơ ấy như gợi lên sự khó nhọc mà trong ca dao cũng nhắc đến như “ một nắng hai sương”. Có thể thấy rằng chính cái số đếm cụ thể ấy đã làm nổi bật lên sụ khó nhọc của bà Tú. Thế nhưng Bà Tú còn hiện lên đẹp hơn khi không quản công gánh nặng ấy. bà thương chồng thương con và hi sinh cho chồng con mà không một lời than vãn.
Nhưng chính sự không than vãn và đức hi sinh ấy khiến cho nhà thơ không thể nào yên lòng được:
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:
Có chồng hờ hững cũng như không!”
Thương vợ Trần Tế Xương cũng như đang tự cười bản thân mình và hai câu thơ cuối này là tiếng chửi to nhất, sâu cay nhất. Tác giả tự tháy bản thân mình ăn ở bạc không thể giúp đỡ được gì cho người vợ chân yếu tay mềm hơn minh rất nhiều. ngẫm thấy có chồng cũng như không. Phải chăng nhà thơ đang chửi rủa dằn vặt chính bản thân mình vì không thể nào giúp đỡ cho vợ?.
Qua đây ta thấy nhà thơ trần Tế Xương thể hiện sự thương vợ sâu sắc. Bài thơ giống như một bức thư, một dòng nhật kí mà nhà thơ muốn gửi đến vợ mình. Đặc biệt bản thân ông ý thức rõ được sự vô dụng của mình mà tự thấy xấu hổ mà tự chửi chính mình. Nói tóm lại dù thế nào đi nữa thì qua đây chúng ta cũng biết được tâm trạng và tình cảm của Trần Tế Xương dành cho vợ mình.
Bài 3:
Có thể không ngại quá lời rằng: đã có mấy ai trên cõi đời này viết về vợ mình vừa ân tình vừa hóm hỉnh, tài giỏi đến thế, như Tú Xương, qua bài thương vợ:
"Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ, âu đành phận
Năm nắng mười mưa, dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc!
Có chồng hờ hững cũng như không!"
Ngoài bài trên, Tú Xương còn có mấy bài nữa viết về vợ, đặc biệt cả một bài Văn tế sống vợ, một điều mà xưa nay, trong văn chương chưa mấy ai làm.
Bà Tú cũng rất xứng đáng để nhà thơ của chúng ta yêu quý và nể trọng. Tương truyền bà là một phụ nữ hiền thục, đảng đang và đặc biệt là rất quý trọng chồng, mặc dù suốt đời ông chẳng làm nên danh phận gì, đặt tất cả gánh nặng lên vai bà:
"Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi đủ năm con với một chồng".
Câu thơ mở đầu bao quát đủ hai chiều thời gian và không gian: đầu này là thời quan - quanh năm - đầu kia là không gian - ở mom sông - Trong ngôn ngữ thi ca, viết như vậy là đã tổng quát đầy đủ, cũng như trong văn xuôi khi viết: ngày đêm nghỉ, đói ăn khát uống... Một câu thơ thất ngôn đã tóm lược đầy đủ sự tần tạo, nỗi vất vả của bà Tú với trách nhiệm người lao động chính trong gia đình, để:
"Nuôi đủ năm con với một chồng".
Thời gian bài Thương vợ ra đời, ông bà Tú đã có năm mặt con: bốn trai và một gái. Nhà thơ cũng có một lần ghi tên con mình vào một bài phú: "Tên Uông, tên Bái, tên Bột, tên Bành".
Bà Tú, tên là Phạm Thị Mẫn, người quê ở Hải Dương, vốn là:
"Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ".
"Lây chồng kẻ chợ" là theo nghề buôn bán nhưng không có cửa hiệu cửa hàng để có thể thong dong ăn trắng mặc trơn, mà: "Quanh năm buôn bán ở mon sông"
"Quanh năm" lo chạy chợ, tần tạo không ngừng không nghỉ lấy một ngày. Mơ mắt là lo thuế lo má, lo ăn lo làm, để: "Nuôi đủ năm con với một chồng".
"Nuôi đủ" là nuôi hết mọi người trong nhà, nuôi từ cái ăn đến cái mặc, trăm thứ bà làm, nuôi tất tần tật... Tóm lại là nuôi bao trọn gói, cũng là một kiểu "bao cấp". Và không phải bao cấp bình thường đâu nhé, mà là bao cấp "quan và lính tại gia" đó:
"Bốn con làm lính, bố làm quan.
Nước quạt chưa xong, con nhảy ngựa,
Trống chầu vừa dứt, bố lên thang.
Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ,
Đem truyện trăm năm giở lại bàn".
Nhà thơ kê một danh sách mà vợ phải nuôi: "... năm con với một chồng". Một điều ngẫu nhiên đáng yêu đã xảy ra khi nhà thơ viết câu thứ hai: "Nuôi đủ năm con với một chồng"
Nhà thơ tự đứng ở cuối bản tên vợ phải nuôi. Tác giả đặt mình ở cuối cùng là vì nhu cầu của vần điệu. Không ngờ niêm luật lại giúp nhà thơ cười cợt mình là "đồ vô tích sự", "đàn ông đàn ang" sức dài vai rộng mà phải sống nhờ vợ, trở thành một thứ gánh nặng cho người đàn bà. Người đàn bà thường thường sức yếu, vai mềm, "tài hèn trí đoản"... Hóm hỉnh và xót xa biết bao. Nguyễn Đình Chiểu trong Tú Xương, nhà thơ lớn của dân tộc có việc: "Có người nhận xét rằng: Tú Xương tự nhận mình là một "thứ con đặc biệt" của vợ mà không chút ngượng ngập, sĩ diện". Ngày trước, các văn nhân thi sĩ không phải họ không biết quý trọng vợ. Nhưng vì lễ giáo ràng buộc, họ chỉ dám ca tụng công đức các bà lúc các bà đã quy tiên. Tú Cương công khai ghi nhận công lao của vợ lúc bà còn trẻ (Về sau, bà còn có với ông những ba mặt con nữa). Kể đó, ở hai câu thực nhà thơ hình dung hình ảnh "lặn lội thân cò" để miêu tả sự vất vả của vợ. Tiếng là dân kẻ chợ, ở phố hẳn hoi - "ở phố hàng Nâu..." nhưng phải: "Lặn lội thân cò khi quãng vắng".
Con cò từng có mặt trong ca dao:
"Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non".
Nó được ví với người lao động côi cút làm lũ, cần cù... Tú Xương mượn hình ảnh con cò để nói lên thân phận vất vả lo toan của vợ mình. Tác giả còn dùng phối hợp biện pháp đảo ngữ để nhấn mạnh một cuộc sống nhẫn nãi của vợ trong một cảnh đời xô bồ, phức tạp. Hai câu thơ ba và bốn như những nét khắc, nét chạm, có giá trị tạo hình lớn"
"Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông".
Tú Xương đã đưa vào văn chương bức "chân dung" đẹp đẽ của vợ mình. Đã có mấy người phụ nữ có cái may mắn như bà Tú? Ngẫu nhiên, nhà thơ đã làm cho vợ mình bất tử. Âu cũng là nhà thơ yêu quý của chúng ta đã "trả" được "món nợ" tinh thần đối với người bạn đời cũng đáng công cho bà Tú, người vợ, người mẹ suốt đời hy sinh cho chồng, cho con. Tinh thần hy sinh ấy là nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc. Vấn đề đặt ra ở hai câu luận là chuyện duyên và nợ. Người đời có nói: "đàn bà mười hai bến nước, trong nhờ, đục chịu". Khi đã về nhà chồng, thì hoặc là được "duyên may phận đẹp" hoặc là chịu "phận ẩm duyên ôi". "Kiếp sinh ra thế" (Nguyễn Du) thì chấp nhận thế, vươn lên làm chủ mình, làm chủ cuộc sống, quản chi vất vả nhọc nhằn!
"Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công".
Lời thơ dung dị, tự nhiên, chữ nghĩa trong sáng, giản dị chuyển tải những cảm xúc hết sức chân tình: "Một duyên hai nợ", "năm nắng mười mưa", "âu đành phận", "dám quản công". Mạch thơ đang tiến triển uyển chuyển, tha thiết, bỗng văng ra một câu chửi:
"Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không".
Nhà thơ tự chửi mình, chửi cái anh chàng đoảng và vô tích sự là mình. Cũng vì cái đời này có "bạc", nó mới ra cơ sự, mới nên nông nổi này. Người đọc sẽ suy ngẫm ý nghĩa sâu sắc của lời chửi độc ấy. Còn nhà thơ chỉ vì ân hận bối rối mà buộc ra lời chửi đó, âu cũng là một cách tạ ơn vợ ân tình và hóm hỉnh biết bao!
Các câu kết đã đem đến cho người đọc khoái cảm vì bất ngờ. Bất ngờ là yếu tố thường gặp trong bút danh Tú Xương. Điều ấy giải thích vì sao thơ văn ông luôn luôn đem đến cho người đời thú vị sâu xa.
Nguồn: Sưu tầm.