Văn mẫu 7 [Bài văn] Suy nghĩ về "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng"

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đề bài: Dân gian ta có câu tục ngữ: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Nhưng có bạn lại bảo: Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng.” Em hãy viết bài văn thuyết phục bạn ấy theo ý kiến của em.

BÀI LÀM

Dân gian ta truyền lưu muôn đời câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” như một lời gửi gắm đến thế hệ về tầm quan trọng của môi trường sống ảnh hưởng đến sự trưởng thành nhân cách và phẩm chất của mỗi người. Nhưng cũng có một số ý kiến lại cho rằng “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”, điển hình như vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta – Bác Hồ. Hai ý kiến dường như đối lập nhau, song chúng lại tương hỗ cho nhau để hoàn thiện một lời khuyên nhủ, một lời cảnh báo về việc lựa chọn môi trường sống đến sự trưởng thành của mỗi người, về việc đầu tư bản thân, xây dựng bản thân để tồn tại trong bất kì hoàn cảnh nào.

Thật vậy, tục ngữ “Gần mực thì đen gần đèn thì rạng” là câu nói đã truyền lưu từ ngàn đời trong nhân gian, là tinh hoa văn hóa Việt Nam, là sự đúc kết kinh nghiệm của ông cha ta để lại. Xét về nghĩa đen thì nó chỉ đơn thuần là việc mài mực viết chữ thì khó tránh khỏi việc dây ra tay chân, làm bẩn áo quần cùng bàn học xung quanh. Đồng thời nó cũng chỉ ra việc gần đèn thì không gian sáng sủa hơn, rõ ràng hơn. Mực đen, đèn rạng như một quy luật tất yếu, chỉ cần một ngày mực cùng đèn cùng tồn tại thì nghĩa đen của câu nói này vẫn luôn chuẩn xác.

Tuy nhiên, mỗi câu tục ngữ đều ẩn chứa một thông điệp nhân văn khác. Tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” cũng giống vậy. Nó là một chân lý sống được đúc kết nhằm khuyên nhủ chúng ta cần phải chú trọng đến môi trường sống xung quanh, nên tránh xa cái đen cái xấu và lại gần hơn đến cái tốt. Khi con người đặt mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù tốt dù xấu thì chúng ta dễ dàng học tập lấy chúng, dễ dàng bị ảnh hưởng bởi tập tính, thói quen và cách suy nghĩ của chúng theo một phản ứng dây chuyền. Trang giấy trắng, để ở chốn âm u ẩm ướt thì nó trở nên dơ bẩn còn để ở nơi thơm tho, ánh sáng xuyên qua thì nó được đánh bóng, trở nên có giá trị hơn.

Và tất cả chúng ta đều như vậy. Môi trường sống quyết định cách hình thành nhân cách của chúng ta. Đó là lí do vì sao mẹ của Mạnh Tử phải đổi nơi ở liên tục để tìm được nơi phù hợp cho con mình phát triển. Đó là lí do vì sao những đứa trẻ sinh ra ở gia đình văn hóa thường có thành tích học tập tốt hơn, có cách ứng xử trong hoàn cảnh chuẩn mực hơn. Đó là lí do vì sao những đứa trẻ sinh ra ở gia đình bạo lực thì có khuynh hướng hoặc hung tàn hoặc bị chấn động tâm lý. Bởi lẽ nếu không thể tiếp thu được phương thức tồn tại của môi trường sống đó thì sẽ bị chính nó đào thải nên mỗi người phải đều vô thức hoặc có ý thức tiếp thu nó. Nhưng đâu phải tất cả đều đúng hoàn toàn. Trong một lớp học được đánh giá tốt vẫn tồn tại những học sinh chưa ngoan, vẫn xuất hiện những cô cậu học trò ăn chơi trác táng, nói chuyện thô tục. Trong một xã, phường, thị trấn phồn vinh, yên ả vẫn tồn tại những kẻ vô công rồi nghề. Trong một đất nước bình yên, giàu có thì vẫn có những tay buôn lậu, thế giới ngầm âm thầm phát triển. Chính vì vậy, “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng” đã bổ trợ sự thiếu sót của câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” trên. Ở bất kỳ môi trường nào, thích ứng để tồn tại là việc tất yếu. Song song với đó, lựa chọn hòa nhập không hòa tan, yếu tố bản lĩnh mới quyết định ai là người chiến thắng, ai là người đạt được giá trị cao nhất từ môi trường đang sống ấy. Mỗi người phải luôn không ngừng nỗ lực để cập nhật tri thức, để nhận biết được vị trí của bản thân trên đường đời để có thể vươn lên, để có thể đứng vững dù là trong nghịch cảnh khắc nghiệt hay là trong hoan cảnh giả tạo.

Có thể nói, nhân tố tác động lớn nhất đến con người chính là sự tự chủ của bản thân, là bản lĩnh sống, đứng vững của bản thân ở trong bất kỳ môi trường nào. Chỉ cần chính bạn có ý chí vững vàng, có tri thức toàn diện thì bạn sẽ không lầm đường lạc lối, sẽ không đánh mất chính mình dù môi trường có biến động mạnh mẽ đến nhường nào. Nhưng cũng đừng quên tìm cho bản thân một môi trường tươi sáng, phù hợp cho chính bạn và cho thế hệ con cháu của chính mình nhé.

Tác giả: @baochau1112
 

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
Đề bài: Dân gian ta có câu tục ngữ: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Nhưng có bạn lại bảo: Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng.” Em hãy viết bài văn thuyết phục bạn ấy theo ý kiến của em.

BÀI LÀM

Năm tháng trôi đi, xã hội phát triển, con người ngày càng tiến bộ nhưng có những kinh nghiệm sống đúc ra từ chính bài học đường đời của ông cha ta là chưa bao giờ lỗi thời. Giống như câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” vậy. Nó vẫn luôn giữ một vị thế nhất định, thể hiện sự tinh tế và đúng đắn của nó ở trong thời đại này. Song song với đó, nó còn được bổ trợ điểm khuyết thiếu bằng một quan niệm tương hỗ khác “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”.

Những tưởng hai câu nói hoàn toàn đối lập, tương phản nhau nhưng khi nghiền ngẫm, phân tích nó thì mới nhận ra cái hay, cái đẹp ẩn chứa bên trong. Trước hết là phải hiểu được nghĩa đen cùng nghĩa bóng của câu tục ngữ được lưu truyền ngàn đời này. Từ thời xa xưa khi giấy cùng mực vừa mới phát triển thì việc tiếp xúc với mực tàu khiến chân tay, áo quần cùng những thứ xung quanh dễ bị lấm bẩn. Còn khi ngồi bên ngọn đèn sáng thì đọc sách rõ ràng hơn, làm mọi thứ đều dễ dàng hơn. Quay trở lại với nghĩa bóng thì ý nghĩa của câu tục ngữ được hiểu đơn giản là việc tiếp xúc với môi trường xấu thì dễ bị lây nhiễm cái xấu còn tiếp xúc với môi trường tốt thì sẽ học tập được điều hay, cái đẹp.

Khi thời gian quay vòng, xã hội phát triển thì việc sống ở môi trường nào quyết định con người ấy đã không còn chuẩn xác như trước nữa. Ở một số nơi công cộng tưởng chừng như bình yên, văn minh thì ở góc tối nào đó vẫn tồn tại nạn trộm cắp, ma túy, mại dâm. Ở một lớp học được đánh giá tốt, xuất sắc thì vẫn có những thành phần học sinh bướng bỉnh, thiếu ý thức, thiếu văn hóa. Ở một công ty lớn, đa quốc gia thì vẫn có những nhân viên thích đùn đẩy trách nhiệm, đi sớm về trễ. Mọi thứ không chuyển động đơn giản như trước nữa.

Phải biết rằng trong thời đại này, nhân tố quyết định con người chính là ý chí, là lập trường, là bản lĩnh của người đó cho cuộc sống của mình. “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” như Bác Hồ vậy. Bác sống ở trong tầng lớp lao động chân tay, áo vải bình dân ở xã hội Pháp hiện đại nhưng Bác không nhiễm thói xấu như những những người bình dân khác hay là Bác cũng không bị nền văn minh, phồn hoa của Bác mê hoặc, lung lay ý chí, một lòng hướng về đất nước Việt Nam. Chính vì vậy, hãy tỉnh táo và phải cố gắng nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện bản thân. Bởi lẽ không phải ở gần người xấu là trở nên xấu xa, hung ác hay ở bên người tốt là trở nên rạng rỡ, thông minh hơn. Quan trọng nhất là bản thân, quan trọng nhất là cách bản thân lựa chọn như thế nào trong hoàn cảnh đó.

Một ý chí kiên định cùng một bản lĩnh thép sẽ có thể tồn tại dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhưng đồng thời, mỗi người cũng phải khôn khéo để lựa chọn một môi trường phù hợp cho bản thân phát triển, để cho tài năng được tỏa sáng. Bởi như Thúy Kiều, nếu đặt nàng ở trong hoàn cảnh chủ nội, trong việc chăm lo cho cuộc sống gia đình, trong việc cầm kỳ thi họa thì nàng thực sự là một người phụ nữ tháo vát, đảm đương, là một đóa hồng tài hoa hơn người. Nhưng nếu đặt nàng trong hoàn cảnh nhấp nhô, lưu lạc chốn thanh lâu thì nàng bị chà đạp, vùi dập thảm thương. Nhưng nếu đặt Bà Trưng, Bà Triệu ở chốn khuê các thì liệu rằng các bà có thực sự làm tốt được việc chủ nội như việc các bà đánh trận hay không?

Chính vì vậy, tầm quan trọng của môi trường sống chưa bao giờ hết nóng cũng như ý nghĩa ẩn chứa trong câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” chưa bao giờ suy giảm khi thời đại ngày một tiến bộ hơn cả. Phải nhớ rằng bản lĩnh, ý chí của con người là nhân tố quyết định thành công của mỗi người. Và đồng thời, đừng quên việc noi gương, lựa chọn bạn bè, môi trường học tập, sinh hoạt là điều tất yếu để ngày một hoàn thiện, trở nên tốt đẹp bạn nhé.

Tác giả: @baochau1112
 
Top Bottom