Văn mẫu 9 [Bài văn] Phân tích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" (Trích "Truyện Kiều")

Trần Tuyết Khả

Cựu Mod Văn | Cựu phó CN CLB Địa
Thành viên
13 Tháng hai 2018
2,356
6,278
616
21
Hà Nội
Trường THPT Hoài Đức A
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

'Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung''

Tiếng thơ Nguyễn Du cất lên trong thời đại đầy biến đổi rối ren giữa các tập đoàn phong kiến, tiếng thơ về số phận của con người, đặc biệt là khi nói về người phụ nữ. Vẻ đẹp của người phụ nữ càng tâm trạng đau đớn khi nhắc đến những vần thơ trích đoạn ''Kiều ở lầu Ngưng Bích'' (trích ''Truyện Kiều)
Sáu câu thơ đầu là cảnh ngộ và nỗi niềm cô đơn đến tột cùng của Thúy Kiều. Kiều ở lầu Ngưng Bích thực chất là bị giam lỏng "khóa xuân", hai từ "khoá xuân" không phải mang ý nghĩa như những cô gái khác ở nhà đến khi lấy chồng mà nó hàm chứa nỗi xót xa, mỉa mai cho thân phận của Thúy Kiều. Nàng trơ trọi giữa một không gian mênh mông, hoang vắng:
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia


Những hình ảnh non xa, trăng gần, cát vàng, bụi hồng đều cho thấy một quang cảnh rộng lớn đối lập với sự chơ chọi, chênh vênh của lầu Ngưng Bích. Từ trên lầu cao nhìn ra chỉ thấy những dãy núi mờ xa, những cồn cát mù mịt. Các hình ảnh này có thể là ảnh thực, cũng có thể là những hình ảnh mang tính ước lệ để gợi lên sự mênh mông rợn ngợp của không gian, càng diễn tả rõ nét hơn tâm trạng cô đơn của Kiều. Từ láy "bát ngát" càng tô đậm cái vô cùng vô tận của không gian. Nghệ thuật liệt kê "cát vàng, cồn nọ, bụi kia" làm cho không giản nổi bật lên sự vắng vẻ, thiếu sự sống, cảnh vật thì ngổn ngang. Sự thực thì trong lòng Kiều, những cảm xúc, tâm trạng, mối lo cũng đang ngổn ngang như thế. Từ "xa trông": trông ngóng, hướng về sự sống, dấu hiệu ấm áp của thiên nhiên, song nàng không tìm được. Quang cảnh rộng, trống, cô liêu của thiên nhiên, đồng thời cũng là tâm trạng cô đơn của Kiều
Có thể thấy rằng, đối diện với thiên nhiên bát ngát, rộng lớn ấy là một mình Kiều cô đơn, lẻ bóng. Không gian càng rộng lớn bao nhiêu thì con người càng như đơn lẻ bấy nhiêu. Kiều sống trong nỗi bẽ bàng buồn tủi, tâm trạng nàng được khắc họa thật rõ nét trong hai câu thơ tiếp theo
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng


Đây là sự cô đơn lẻ loi đến cùng cực, bị giam lỏng một mình, bầu bạn với Kiều chỉ là sự vật vô tri vô giác. Hai chữ "bẽ bàng" được đảo lên đầu câu là tính từ thể hiện tâm trạng xót xa khi cốt nhục bị chia lìa, tình yêu tan vỡ, nhân phẩm bị chà đạp. Tâm trạng thì ngổn ngang trăm mối, trong cái "bẽ bàng" còn có cả nhục nhã, ê chề, điều ấy thật dễ hiểu khi nhìn vào cảnh ngộ hiện tại của nàng. Cụm từ "mây sớm đèn khuya" cùng với đó là tiểu đối "mây sớm" - "đèn khuya" gợi thời gian tuần hoàn khép kín, hết ngày dài lại đến đêm thâu, Kiều chỉ biết làm bạn với mây với đèn. Vòng tuần hoàn ấy cứ lặp đi lặp lại, nó như một vòng tròn bi kịch không hồi kết, không lối thoát giam hãm Kiều. Tình thì ngổn ngang trăm mối, cảnh thì bao la bạt ngàn, Kiều thật đáng thương làm sao!
Đến sáu câu thơ tiếp, đó là nỗi nhớ người yêu và Kim Trọng da thiết khôn nguôi trong lòng Kiều:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trong mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai


Không biết chia sẻ với ai, Kiều tự trò chuyện tâm sự với chính mình, hướng nỗi nhớ của mình về những người thân yêu nhất. Người đầu tiên mà Thúy Kiều nhớ tới là Kim Trọng. Có người cho rằng Thúy Kiều nhớ Kim Trọng trước là không hợp lý nhưng ta cần tìm hiểu rõ để thấy được sự tinh tế trong ngòi bút của Nguyễn Du. Khi nàng quyết định bán mình chuộc cha và em tức là đã tạm tròn chữ hiếu nhưng lại dang dở chữ tình nên luôn mang mặc cảm có lỗi với Kim Trọng.Hơn nữa, nàng bị lừa, bị thất thân với Mã Giám Sinh, tình cảm ấy vẫn chưa thể trả nên càng cảm thấy bản thân có lỗi, không xứng đáng với Kim Trọng. Có lẽ đối với Kim Trọng, Kiều đã không thẻ dứt bỏ nỗi ân hận, tâm lí ám ảnh vì đã phụ tình chàng. Nhớ chàng Kim, Kiều nhớ đến đêm thề nguyện đính ước, nàng tưởng tượng chàng Kim đang ngày đêm mòn mỏi chờ mong tin tức của mình. Câu thơ "tấm son gột rửa bao giờ cho phai" có thể hiểu theo hai nét nghĩa. Đó là tấm lòng son sắc thủy chung của Kiều đã bị hoen ố, không thể gột rửa, cũng có thể hiểu đó là tấm lòng thủy chung của Kiều với Kim Trọng sẽ không bao giờ nhạt phai. Cũng vì thế, ta thấy Kiều là người con gái thủy chung
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm


Nghĩ về cha mẹ lòng Kiều ngập tràn thương xót, nàng lo lắng cho cha mẹ ngày đêm tựa cửa ngóng trông tin nàng, lo cho nàng. Nàng đau đớn tự trách bản thân. Trách vì chưa tròn chữ hiếu, không thể ở bên để nâng giấc, để quạt nồng ấp lạnh; trách vì khoảng cách xa xôi "mấy năng mưa" nàng không thể vượt qua để về bên cha mẹ, mua vui cho phụ mẫu; hơn thế nữa, nàng nhận thức được sự trôi chảy của thời gian, thời gian trôi đi mỗi khắc mỗi giây đều khiến cha mẹ già yếu đi một chút..
Khi nhớ đến Kim Trọng, tác giả dùng từ "tưởng" (Tưởng người dưới nguyệt chén đồng) còn khi nhớ đến cha mẹ tác giả lại dùng từ "xót"(Xót người tựa của hôm mai). Chữ "tưởng" là nhớ, là mơ tưởng về kỉ niệm đẹp dưới đêm trăng có lời thề giữa hai người. Tưởng còn là xót xa, thương cho Kim Trọng vẫn còn chờ đợi, thương cho mình khi phải dấn thân vào bước lạc loài. Còn chữ "Xót" là lo lắng cho cha mẹ đang ngày đêm tựa cửa ngóng tin con gái, là sự tự trách vì chưa tròn chữ "hiếu", không thể ở bên chăm sóc cha mẹ. Như vậy, mặc dù Kiều đang rất đau khổ, cô đơn nhưng nàng đã quên đi cảnh ngộ của bản thân để nghĩ về những người thân yêu nhất
Tám câu thơ cuối là tâm trạng đau buồn lo âu của Kiều qua cái nhìn cảnh vật. Đây là đoạn thơ được xem là kiểu mẫu trong lối thơ sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình trong văn chương cổ điển. Tác giả sử dụng thật tài tình điệp ngữ "Buồn trông" tạo ra hiệu quả nghệ thuật lớn, buồn mà trông ra tứ phía nhưng trông mà vô vọng, trông để mong muốn tìm chút an ủi nhưng ngược lại lại càng thêm sầu não, lo sợ. Tám câu thơ với bốn cặp câu, mỗi cặp câu là một ẩn dụ cho một cảnh, một tâm trạng diễn tả những nỗi buồn khác nhau
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?


Một cánh buồm thấp thoáng nơi cửa bể mênh mông gợi ra cảnh ngộ cô đơn của Kiều, đồng thời cũng là hình ảnh ẩn dụ cho nỗi nhớ gia đình, quê hương da diết trong lòng người con "bơ vơ nơi đất khách". Đó là nỗi buồn cho thân phận lênh đênh chìm nổi giữa dòng đời. Tạo dựng một tương phản trong bức tranh thiên nhiên ở hai câu đầu, một bên là cửa bể, một bên là hình ảnh "cánh buồm thấp thoáng" tô đậm sự nhỏ bé lênh đênh, trôi dạt của cánh buồm. Từ chỉ thời gian "chiều hôm" và các từ "thấp thoáng", "xa xa" làm cho cảnh vật lúc ẩn lúc hiện, ở phía xa kia, mong manh yếu ớt trong lúc ngày sắp tàn, giống như niềm hi vọng của Kiều cũng nhỏ bé, mong manh gần như tuyệt vọng. Hoàng hôn thường mang lại cảm giác buồn man mác, khiến lòng người không kìm được mà sầu não, kết hợp trong câu thơ trên càng khiến nỗi buồn thân phận trở nên thấm thía hơn
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Hình ảnh ẩn dụ cánh hoa trôi giữa dòng và câu hỏi tu từ "biết là về đâu" gợi ra thân phận lệnh đênh vô định của Kiều. Ta cảm nhận được nàng giống như cánh hoa kia trôi giữa dòng đời đen bạc, sẽ chẳng biết sẽ trôi về đâu. Nàng Kiều thổ lộ tâm tình trong cánh hoa kia, nó trôi, nó dạt về đâu chẳng thể tự mình định được. Cánh hoa nhỏ bé, cứ lênh đênh trên biển như thế giống như sự mất phương hướng, sự bế tắc của Kiều, nàng mù mịt về bản thân, về tương lai, chỉ biết phó mặc cuộc đời cho dòng nước kia xô đẩy, nàng cũng lại càng sợ, cánh hoa sẽ có ngày bị sóng đánh vùi dập giữa biển cuộc đời.
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Đến đây không phải là cỏ non xanh như trong tiết thanh minh ở "Cảnh ngày xuân" mà là "cỏ rầu rầu", cỏ đã nhuốm màu tâm trạng. Nhìn sắc cỏ, ta có thể thấy được sự đồng điệu với thân phận Kiều lúc này. Cỏ rầu rầu cùng với màu xanh xanh, sắc xanh héo úa, mịt mù trải dài từ mặt đất đến chân mây gợi ra nỗi chán ngán, hiện ra một tương lai mịt mù, vô định phía trước. Nét vẽ không gian vô cùng rộng lớn "nội cỏ", "chân mây", "mặt đất" nhưng phảng phất trong ý thơ là nỗi buồn, sự sợ hãi không thể giấu giếm. Từ láy "rầu rầu" vẽ lên cả một vùng cỏ cây héo úa, tạo ra ý thơ nhân hóa để gợi sầu thương cô lẻ trong Kiều. Từ láy "xanh xanh" kia gợi ra sắc xanh nhạt nhòa, như xa cách, như sự nhạt phai ý nghĩa của cuộc sống này.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sống vây quanh ghế ngồi

Cái âm thanh "ầm ầm tiếng sóng" ấy chính là âm thanh dữ dội của cuộc đời phong ba bão táp đã và đang đổ ập xuống cuộc đời Kiều. Từng lớp sóng thật hãi hùng, ghê sợ. Vì thế mà Kiều lo sợ, kinh hãi và tuyệt vọng. Thiên nhiên là ẩn dụ cho những biến cố kinh hoàng sắp xảy đến với Kiều, thiên nhiên dữ dội và đầy biến động, giận dữ, sóng kêu réo khi thủy triều lên, thậm chí còn có cảm giác những cơn sóng dữ dội kia đang bước ngay sát đến mình. Từng lớp sóng đánh vào là từng cơn lo sợ, kinh hãi và tuyệt vọng của Kiều. Tác giả sử dụng từ láy tăng nghĩa nhằm diễn tả nỗi buồn tăng lên lớp lớp. Cảnh được miêu tả từ xa tới gần, âm thanh từ tĩnh tới động miêu tả một cách tài tình, hợp lí diễn biến tâm trạng của Kiều từ mông lung đến kinh sợ, hãi hùng. Các biện pháp nghệ thuật: điệp từ, câu hỏi tu từ,.... cùng với nhiều từ láy diễn tả chân thực tâm trạng của Kiều.


Nuớc mắt đã thấm đẫm suốt cả bao thế hệ trong quá khứ - đó chính là hiện thực phong kiến với những định kiến hà khắc, bóp nát sự sống của người phụ nữ. Những đắng cay đã vơi cạn dần nhưng đâu đó trong xã hôi nỗi ám ảnh thường trực, khó thể nguôi ngoai. Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích đã thể hiện nhuần nhụy những ý tứ mang triết lí nhân sinh, giá trị nhân đạo được thổi bằng hồn thơ Nguyễn Du


Tác giả: @Trần Tuyết Khả @Phạm Đình Tài
 
  • Like
Reactions: chi254
Top Bottom