Văn mẫu 9 [Bài văn] Phân tích "Đoàn thuyền đánh cá" (Huy Cận)

Trần Tuyết Khả

Cựu Mod Văn | Cựu phó CN CLB Địa
Thành viên
13 Tháng hai 2018
2,356
6,278
616
20
Hà Nội
Trường THPT Hoài Đức A
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Một ngọn lửa thiêng đã vụt tắt, một điệu buồn trong "Vũ trụ ca" cũng đã tan biến. Huy Cận đã hoà mình vào sự thay đổi của đất nước, của con người bằng niềm vui phơi phới "Trời mỗi ngày lại sáng" trong tâm hồn thi nhân. Huy Cận đã thả hồn mình ngắm nhìn "Đoàn thuyền đánh cá" ra khơi giữa khung cảnh thiên nhiên bao la bằng cặp mắt lạc quan và giọng thơ khoẻ khoắn vui tươi qua đoạn thơ
Giữa năm 1958 Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh, đứng trước thiên nhiên đẹp đẽ hùng vĩ với tư cách của những con người làm chủ đất trời, được tiếp xúc và chứng kiến cuộc sống lao động mới của những con người lao động trên biển, hồn thơ Huy Cận đã thực sự hồi sinh. Bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" được ra đời trong hoàn cảnh ấy và in trong tập thơ "Trời mỗi ngày lại sáng"
Nhan đề "Đoàn thuyền đánh cá" xét về mặt cấu tạo là một cụm danh từ vừa có nghĩa thực vừa có nghĩa biểu tượng. Đoàn thuyền đánh cá trước hết là hình ảnh quen thuộc, gần gũi với người lao động trên biển. Song nó còn mang ý nghĩa biểu tượng cho khí thế lao động mới - tinh thần đoàn kết, lạc quan, làm chủ biển trời. Một đoàn thuyền chứ không phải một con thuyền gợi không khí lao động hăng say, gợi nhịp sống mới sau chiến tranh
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”

Thời điểm đoàn thuyền ra khơi là khi hoàng hôn buông xuống. Với hình ảnh so sánh kỳ lạ "mặt trời" với "hòn lửa", nhà thơ không chỉ cho thấy hình ảnh, màu sắc đỏ rực của vầng thái dương lúc hoàng hôn mà còn cho ta thấy một không gian rộng lớn của biển cả. Hình ảnh mặt trời đỏ, rực rỡ, tràn đầy sức sống đã gây ra một bức tranh hoàng hôn kỳ vĩ tráng lệ. Bức tranh hoàng hôn tuyệt đẹp ấy được nhìn từ điểm nhìn nghệ thuật rất đặc biệt: trên chính con thuyền đánh cá ra khơi
Nghệ thuật nhân hóa và hình ảnh ẩn dụ trong câu thơ thứ hai cùng liên tưởng độc đáo: vũ trụ như một ngôi nhà khổng lồ, những con sóng nhấp nhô làm then cài cửa còn màn đêm đang từ từ hạ xuống là then cửa. Cái thi vị của những hình ảnh so sánh ẩn dụ này là hướng thiên nhiên về phía con người, nâng tầm thiên nhiên để nâng tầm con người. Hai câu thơ sau, chữ "lại" diễn tả hoạt động lặp đi lặp lại của con thuyền, một chuyến ra khơi trong muôn vàn chuyến ra khơi. Đồng thời miêu tả hoạt động trái chiều giữa hoạt động của vũ trụ với hoạt động của con người: vũ trụ khép vào màn đêm yên tĩnh, trở về trạng thái nghỉ ngơi, con người bắt đầu một ngày lao động mới. Câu thơ gợi ra một nhịp sống thanh bình của quê hương đất nước. Cách nói quá trong câu thơ thứ tư của khổ thơ đã cho ta thấy khí thế lao động hào hứng hăng say của đoàn thuyền, nó ra khơi với khí thế phơi phới, mạnh mẽ và niềm vui sức mạnh của những con người làm chủ biển trời
Đoàn thuyền không chỉ hát khi bắt đầu hành trình ra khơi mà còn cất lên tiếng hát ca ngợi biển cả ngay khi đang làm việc:
“Hát rằng cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!”

Thủ pháp liệt kê: cá bạc, cá thu vừa diễn tả niềm tự hào của người lao động được làm chủ biển trời vừa ngợi ca sự giàu có của biển cả quê hương. Nhà thơ Huy Cận thật sáng tạo khi liên tưởng cảnh tượng đàn cá bơi giống như con thoi của khung cửi dệt. Hình ảnh ấy vừa thể hiện trí tưởng tượng phong phú của nhà thơ vừa gợi lên trước mắt người đọc hình ảnh đoàn cá thu thon dài bơi lượn như thoi đưa, chúng đang dệt một tấm vải giữa biển đêm bao la, kì vĩ. Tài nguyên của biển giàu có là thế nên chủ cần một câu hát, một tiếng gọi để thu cá vào lưới. Câu hát cuối khổ thơ vang lên vừa thiết tha, ngọt ngào vừa gần gũi “Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!” thể hiện niềm vui phơi phới và hứa hẹn một chuyến ra khơi thành công
Trong khung cảnh bao la của biển trời hình ảnh con thuyền đánh cá của những người ngư dân hiện lên thật đẹp, thật thơ mộng:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”

Biện pháp khoa trương và bút pháp lãng mạn đã biến con thuyền trở nên kỳ vĩ, khổng lồ hòa nhập với kích thước vũ trụ. Cảnh thực mà như ảo, giữa mênh mông trời nước con thuyền là trung tâm vừa đẹp vừa khỏe khoắn lướt lên to lớn, hào hùng đầy thơ mộng, nó có gió làm lái, trăng làm buồm, lướt đi giữa biển bằng mà như lướt trên mây cao. Hàng loạt các động từ mạnh rải đều trong từng dòng thơ diễn tả chuyến ra khơi đánh cá giống hệt như một trận đánh hào hùng, mà trong đó, con thuyền là hội tụ đầy đủ sức mạnh, còn con người là những chiến sĩ dũng cảm: cũng thăm dò, cũng dàn đan thế trận, giăng lưới, bủa lưới. Hai chữ “thuyền ta” đứng đầu khổ thơ- sau nó là rất nhiều hành động của con người vừa tạo ra lối thơ vắt dòng vốn quen thuộc trong thơ Huy Cận đồng thời thể hiện niềm tự hào của nhà thơ khi được gắn bó thân thiết với con thuyền
“Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng Đông
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”

"Sao mờ" nghĩa là trời sắp sáng, một ngày mới đang đến. Vì vậy nhịp độ công việc càng sôi nổi, gấp rút hơn. Nó thể hiện ở nhịp thơ nhanh, gấp gáp trong câu thơ đầu. Trung tâm của bức tranh này là hình ảnh người dân chài đang kéo lưới. Con người ấy được khắc họa với những đường nét gân guốc, chắc khỏe, cơ bắp đang cuồn cuộn kéo mẻ lưới trĩu nặng. Hình ảnh họ trở thành tượng đài vững chắc tạc vào thiên nhiên lộng lẫy hùng vĩ. Đến câu thơ cuối với nhịp thơ chậm rãi cho ta thấy niềm thanh thản, vui tươi, tâm trạng thoải mái của người lao động trước kết quả tốt đẹp
“Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”

Câu hát mở đầu khổ thơ cất lên khi hành trình đánh cá bắt đầu và nó đã theo suốt cả hành trình. Để rồi giờ đây nó lại vang lên khi đoàn thuyền trở về. Sự xuất hiện câu thơ gần như là một sự láy lại của câu thơ đầu khổ đầu khiến người đọc thấy câu hát ấy sau một hành trình dài vẫn vẹn nguyên một tình yêu, một niềm tin đối với lao động. Việc lặp lại khúc hát đem đến cho bài thơ kết cấu đầu cuối tương ứng, có tính trọn vẹn cả bài thơ như một khúc ca lao động đầy say mê hứng khởi. Biện pháp nhân hóa và nói quá ở câu thơ thứ hai trong khổ thơ đã diễn tả tuyệt vời cảnh đoàn thuyền phóng như bay về bến để giành lấy thời gian. Trong cuộc chạy đua ấy, con người đã chiến thắng. Họ trở về trong một tư thế sánh ngang với vũ trụ, làm chủ thiên nhiên. Hình ảnh mặt trời khép lại một hành trình và mở ra ngày mới. Biện pháp nhân hóa ở hình ảnh "mặt trời đội biển" cùng với nghệ thuật hoán dụ ở câu thơ cuối đã cho thấy đoàn thuyền thắng lợi trở về, thể hiện khí thế hùng mạnh của con người làm chủ đất nước, đất trời và biển cả. Ý thơ phảng phất không khí thần thoại, anh hùng ca- bản anh hùng ca lao động.
Với việc dùng những hình ảnh thiên nhiên thơ mộng, lời thơ như một bức tranh lao động sống động bên những đoàn thuyền và làn da rám nắng của người dân làng chài. Huy Cận đã nén vào "Đoàn thuyền" một nội dung gồm nhiều tầng ý nghĩa để gửi gắm tấm lòng mình vào thế giới mới.Mượn vẻ đẹp của buổi giao mùa, nhà thơ đã vẽ nên một không gian nghệ thuật đậm chất lãng mạn của giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tác giả: @Trần Tuyết Khả @Phạm Đình Tài
 
Top Bottom