Văn mẫu 9 [Bài văn] Phân tích bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh

Trần Tuyết Khả

Cựu Mod Văn | Cựu phó CN CLB Địa
Thành viên
13 Tháng hai 2018
2,356
6,278
616
21
Hà Nội
Trường THPT Hoài Đức A
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Mùa thu, gợi cho ta biết bao mơ mộng, không hiểu sao tôi lại yêu cái mùa thu ấy đến thế. Nó không phải "Tiếng thu" với một cảnh sắc thơ mộng của Lưu Trọng Lư, cũng không giống cái u buồn của Xuân Diệu khi "Đây mùa thu tới". Nhưng ở đây đã ẩn chứa vẻ đẹp thiên nhiên trong buổi giao mùa. Vẻ đẹp ấy đã tuôn trào trên từng câu chữ, những hình ảnh đậm chất lãng mạn đã chấm câu cho bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh.
Bài thơ ‘’Sang thu’’ được Hữu Thỉnh sáng tác vào mùa thu năm 1977, hai năm ngay sau khi đất nước ta, hai năm sau khi đất nước ta giành được độc lập cuộc kháng chiến trường kỳ chống Đế quốc Mỹ kết thúc thắng lợi và sau đó bài thơ được em trong tập “Từ chiến hào đến thành phố”.
Nhan đề “Sang thu” vừa mang nghĩa hiện thực vừa mang nghĩa ẩn dụ. Trước hết nó là sự chuyển biến nhẹ nhàng trong trẻo của đất trời lúc giao mùa cuối hạ sang đầu thu. Nhan đề Sang thu còn mang ý nghĩa ẩn dụ nói về cuộc đời của con người, con người lúc sang thu nghĩa là đã đứng tuổi, đã từng trải với mưa nắng một cuộc đời cũng vì vậy mà bình tĩnh hơn trước những tác động bất thường. Như thế “sang thu” vừa là khúc giao mùa nhẹ nhàng, thơ mộng, bâng khuâng vừa thì thầm, triết lý.
Mở đầu bài thơ là những tín hiệu đầu tiên báo mùa thu sang:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Cả vào trong gió se’’

Từ “bỗng” được đặt ở đầu bài thơ khiến cho tất cả các giác quan của ta được đánh động phải giật mình mà chú ý đón nhận mọi biến đổi của đất trời. “bỗng’’ còn là cảm giác ngạc nhiên ngỡ ngàng khi tác giả nhận ra những tín hiệu đầu tiên của mùa thu đã tới. Đặc biệt tác giả không dùng những hình ảnh tiêu biểu về mùa thu mà đã tạo ra nét riêng biệt khi cảm nhận thời khắc sang thu bằng những tín hiệu mới. Đó là hương ổi chín thơm nồng phả vào trong gió se. Động từ ‘’phả’’ được sử dụng thật độc đáo đem lại hiệu quả lớn, phả chứ không phải là pha bởi nếu pha sẽ bị loãng còn từ phả lại khiến cho hương ổi như nồng đậm như sánh lại, quyến rũ hòa vào trong gió heo may của mùa thu lan tỏa khắp đất trời
‘’Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về’’

Sương được nhân hóa, “chùng chình” là từ láy vừa gợi lên sự răng mắt nhẹ nhàng mơ hồ của không gian chớm thu vừa gợi lên sự chuyển động chầm chậm của đất trời, nó gợi không gian êm đềm thơ mộng của làng quê lúc cuối hạ sang đầu thu. Nghệ thuật nhân hóa ấy còn như gợi một phần tình cảm của con người khiến cho cảnh vật trở nên có hồn sinh động hơn. Đó phải chăng cũng là tâm trạng tư lự của lòng người chưa muốn vội vàng sang thu. Cái ngõ mà sương đi qua ta có thể hiểu theo nhiều nghĩa, nghĩa thực có thể hiểu là ngõ nhà ngõ xóm nhưng cũng có thể hiểu đó là cửa ngõ Thời gian cửa ngõ của sự giao mùa giữa hai mùa hạ thu. Mùa thu vừa mới chớm đến nên những tín hiệu còn rất mờ nhạt. Bởi vậy, tác giả dường như phải căng hết tất cả các giác quan để nhận thấy mùa thu đang về. Đầu tiên là cảm nhận bằng khứu giác với hương ổi, sau đó là xúc giác với gió gió se. Sau đó lại đến thị giác thấy “Sương chùng chình qua ngõ” và cuối cùng là cảm giác bâng khuâng, bối rối thể hiện một phán đoán chưa chắc chắn qua thành phần tình thái ‘’hình như’’
Đến với khổ thơ thứ hai ta thấy được quang cảnh đất trời chuyển dần sang thu:
‘’Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã’’

Hai câu thơ đầu của khổ thơ thứ hai với nghệ thuật tiểu đối rất chuẩn cùng những từ ngữ hình ảnh đối lập nhưng lại giàu chất hiện thực, thiên nhiên được nhân hóa có hồn và có tình cảm. Sông không cuồn cuộn gấp gáp như mùa nước lũ ngày hạ mà chùng chình, chậm chạp, thong thả như đang lắng lại nghĩ ngợi suy tư. Đối lập với sự dềnh dàng của dòng sông ấy là hình ảnh đàn chim bắt đầu vội vã gấp gáp chuẩn bị chuyển đi tránh rét vào mùa đông. Mới chỉ là sự bắt đầu chứ chưa phải ‘’đã vội vã’’, phải tinh tế lắm Hữu Thỉnh mới nhận ra sự bắt đầu đó
‘’Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu’’

Bức tranh của sự giao mùa trở nên sinh động thơ mộng hơn bao giờ hết với một liên tưởng bất ngờ thú vị bằng nghệ thuật nhân hóa tài tình nhà thơ đã thả hồn vào đám mây mùa hạ làm cho nó thật sống động đám mây trắng trắng mềm mại trải dài nhẹ nhàng giăng mắc như dải lụa nối liền hai bờ hạ - thu. Cái vắt nửa mình của nó thật duyên dáng và đáng yêu làm sao nó như còn vương vấn lưu luyến cái sôi động của mùa hạ. Cái hay của nhà thơ là lấy hình ảnh có tính tượng hình để diễn tả bước đi của thời gian mang tính vô hình. Mây là thực nhưng ranh giới giữa hai mùa lại là ảo, đó là sản phẩm của trí tưởng tượng rất phong phú nên thơ và độc đáo của thi nhân
'’Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.’’
Hai câu thơ đầu tiên, thiên nhiên sang thu được gợi tả qua những hình ảnh cụ thể nắng- mưa, nắng cuối hạ vẫn còn nồng còn sáng nhưng đã nhạt dần, yếu dần bởi gió se đã đến, nó không còn chói chang dữ dội gay gắt như đang mùa hạ. Mưa giờ đây cũng đã ít đi, những cơn mưa mùa hạ thường bất chợt đến rồi lại chợt đi. Đặc sắc nghệ thuật ở đây là tác giả đã dùng từ "vơi" có giá trị gợi tả sự đong đếm những sự vật có khối lượng cụ thể để diễn tả cái số lượng vô định- diễn tả cái thưa dần, ít dần, hết dần là những cơn mưa rào ào ạt mùa hạ. Hai câu thơ cuối diễn tả sự chầm chậm, từ từ, nhẹ nhàng sang thu của tất cả cảnh vật. "Sấm cũng bớt bất ngờ" là hình ảnh mang ý nghĩa tả thực hiện tượng sấm thường xuất hiện bất ngờ đi liền với những cơn mưa rào chỉ có ở mùa hạ nhưng cuối hạ sấm cũng ít đi. Hàng cây cổ thụ và cảnh vật thiên nhiên đã sang mùa thu nên cũng không còn bất ngờ bởi tiếng sấm nữa. Không chỉ như vậy, hình ảnh "sấm" còn mang cả ý nghĩa ẩn dụ biểu tượng cho những vang động bất thường của ngoại cảnh của cuộc đời. "Hàng cây đứng tuổi" gợi tả những con người từng trải đã từng vượt qua những khó khăn những thăng trầm của cuộc đời. Khi con người trải nghiệm nhiều thì sẽ trở nên hiểu mình hiểu người hiểu đời hơn, sẽ bình tĩnh đón nhận mọi biến cố trong cuộc đời, càng trở nên vững vàng hơn trước những thăng trầm của cuộc sống.
Với việc dùng những hình ảnh thiên nhiên thơ mộng, lời thơ như một bức tranh thu giản dị mà sống động. Hữu Thỉnh đã nén vào "Sang thu" một nội dung gồm nhiều tầng ý nghĩa để gửi gắm tấm lòng mình. Mượn vẻ đẹp của buổi giao mùa, nhà thơ đã vẽ nên một không gian nghệ thuật đậm chất lãng mạn của miền quê thanh bình.

Tác giả: @Trần Tuyết Khả @Phạm Đình Tài
 
Top Bottom