Văn mẫu 12 [Bài văn] Phân tích 8 câu thơ đoạn 2 bài thơ "Tây Tiến"

Trần Tuyết Khả

Cựu Mod Văn | Cựu phó CN CLB Địa
Thành viên
13 Tháng hai 2018
2,356
6,278
616
20
Hà Nội
Trường THPT Hoài Đức A
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đề: Phân tích 8 câu thơ sau trong bài "Tây Tiến" của Quang Dũng:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?

Bài làm:
Nhắc đến Quang Dũng là nhắc đến một trong những thế hệ nhà thơ được tôi luyện và trưởng thành trong bom lửa thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Là một người đa tài, ông có khả năng vẽ tranh, sáng tác nhạc, viết văn, nhưng ông được nhiều người biết đến hơn cả là với tư cách một nhà thơ. Bài thơ làm nên tên tuổi cho ông là bài thơ "Tây tiến". Bài thơ đã thể hiện những nét đặc sắc nhất trong phong cách nghệ thuật của Quang Dũng, đồng thời cũng khắc họa sâu đậm hình ảnh người chiến binh Tây Tiến trong cuộc sống chiến đấu gian khổ và sự hi sinh anh dũng, làm hiện lên vẻ đẹp toàn vẹn trong tâm hồn các anh.
Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1947 với nhiệm vụ vừa đánh tiêu hao sinh lực địch vừa tuyên truyền vận động nhân dân kháng chiến. Địa bàn hoạt động của đơn vị Tây Tiến khá rộng, bao gồm các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền tây Thanh Hóa và dọc biên giới Việt - Lào. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, Quang Dũng là đại đội trưởng của trung đoàn Tây Tiến. Sau một thời gian hoạt động ở Lào, đoàn binh Tây Tiến trở về Hòa Bình thành lập trung đoàn 52. Cuối năm 1948, Quang Dũng được chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa lâu, khi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc ở Phù Lưu Chanh (tỉnh hà đông cũ), trong nỗi nhớ thương bồi hồi, Quang Dũng viết bài thơ "Nhớ Tây Tiến" nằm trong tập "Mây đầu ô", sau này tác giả đổi tên bài thơ thành "Tây Tiến". Sau khi in lại, tác giả đổi tên thành "Tây Tiến", bỏ đi chữ "nhớ" nhưng giá trị bài thơ không hề giảm đi mà còn tăng thêm, tình cảm, cảm xúc không chỉ gói gọn là nỗi nhớ nữa mà nó trở nên rộng hơn, khái quát hơn. Bài thơ là nỗi nhớ khắc khoải: một nỗi nhớ chơi vơi không đầu không cuối, một nỗi nhớ trải rộng cả về không gian lẫn thời gian. Nỗi nhớ ấy vừa dạt dào sâu lắng vừa gầm gào mãnh liệt. Nhớ Tây Tiến là nhớ về thiên nhiên Tây Bắc dữ dội mà lại thơ mộng, trữ tình đến nao lòng. Thiên nhiên đẹp, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người, khó mà phôi pha. Nhớ Tây Tiến còn là nhớ con người. Nhớ về những kỉ niệm đẹp đẽ thấm đượm tình quân - dân. Nhớ cả hình ảnh người lính hiên ngang chiến đấu không ngại hi sinh.
"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ"

Câu thơ đầu tiên như một tiếng reo vui của đêm hội liên hoan văn nghệ. Đây là lần thứ hai, lửa và "đuốc" được liên tưởng tới "hoa". Nếu trong đêm sương Mường Lát, chiến sĩ Tây Tiến nhìn đuốc soi đường lung linh huyền ảo như thấy hoa về trong đêm hơi thì ở đây, nghệ thuật ẩn dụ và cảm hứng lãng mạn đã khiến ánh lửa bập bùng nơi đóng quân trở thành đêm hội đuốc hoa. Từ "bừng lên" nghĩa là ánh sáng chói loà, đột ngột của lửa, soi sáng và xua đi cái tăm tối, lạnh lẽo của núi rừng, đồng thời cũng khiến cuộc sống như bừng tỉnh, tưng bừng. Từ "kìa" và cụm từ "tự bao giờ" bộc lộ thái độ vừa ngỡ ngàng, ngạc nhiên vừa ngưỡng mộ, trìu mến. Các cô gái hiện lên với hai ấn tượng bởi bút pháp mĩ lệ hoá trong xiêm áo lộng lẫy và nét e ấp, nữ tính. Nét nữ tính ấy khiến các cô đẹp hơn trong mắt đoàn quân xanh màu lá, duyên dáng hơn trước người lính dữ oai hùm. Nét tương phản này phần nào làm dịu đi sự khắc nghiệt của chiến tranh. Người lính Tây Tiến không chỉ ngỡ ngàng, thú vị trước vẻ đẹp của sơn nữ mà còn mơ màng trong man điệu núi rừng. Có thể hiểu "man điệu" là vũ điệu uyển chuyển của các sơn nữ, cũng có thể hiểu là giai điệu say đắm, ngọt ngào, vừa hoang sơ vừa bí ẩn, mới mẻ, lay động lòng người. Một đêm hội với đầy đủ âm thanh (khèn, nhạc), ánh sáng (lửa, đuốc hoa), màu sắc (xiêm áo) và con người. Tất cả đã tạo nên đêm hội tưng bừng nhộn nhịp, chan hoà mọi vật, người chiến sĩ Tây Tiến đắm say trước vẻ đẹp xứ lạ, hồn tràn đầy ý thơ mơ tưởng tới ngày chiến thắng
"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?"
Tới đoạn thơ sau, những kỉ niệm rực rỡ và sống động về một đêm trại tưng bừng đã được thay bằng những bâng khuâng trong nỗi nhớ da diết về cảnh sắc, con người Tây Bắc. Nỗi nhớ miền Tây được gửi vào lời nhắn với người đi. Đại từ chỉ định "ấy" đem lại sắc thái xa xôi mơ hồ cùng nỗi nhớ nhung, tiếc nuối, bâng khuâng. Sau lời nhủ thầm xao xuyến, nhà thơ lên những tiếng hỏi mà phép điệp trong cấu trúc "Có thấy…" đã thể hiện nỗi nhớ đầy trăn trở hướng về cảnh và người miền Tây. Câu hỏi thứ nhất hướng về những hàng lau xám buồn bên bờ sông hoang dại "Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?". Hồn lau là hồn mùa thu, hoa lau nở trắng, lá lau xào xạc trong gió thu nơi bờ sông, bờ suối. Thân lau vốn mềm, khẽ lay trong gió tựa như sinh thể vô tri ấy được thổi hồn khiến cái xào xạc càng thêm miên man, lay động. Câu hỏi thứ hai dành cho người miền Tây "Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa". Trong màn sương mờ nhạt nhòa của hoài niệm, khi nhà thơ để lòng mình trở về với "Châu Mộc chiều sương ấy", con người miền Tây hiện lên với bóng dáng xa mờ, huyền ảo. Nhưng dáng người ấy chẳng hề nhỏ bé, yếu ớt mà cứng cỏi, kiên cường trên con thuyền độc mộc đè thác lũ băng băng lướt tới, vừa mềm mại uyển chuyển trong hình ảnh ẩn dụ "hoa đong đưa".
Phải trải qua thực tế, tự mình vượt qua những khó khăn, gian khổ và cũng phải là người có tâm hồn tinh tế như Quang Dũng thì mới viết nên những vần thơ như thế. Đoạn thơ đã cho thấy cảm nhận ấn tượng về đêm trại nơi đóng quân cùng những bâng khuâng xa vắng trong nỗi nhớ về cảnh sắc, thiên nhiên, con người miền Tây. Bút pháp tương phản của cảm hứng lãng mạn là chất nhạc, chất họa, chất bi tráng làm xúc động lòng người.

Người viết: @Trần Tuyết Khả
 
  • Like
Reactions: The key of love
Top Bottom