Văn mẫu 8 [Bài văn] Giới thiệu một danh lam thắng cảnh tại quê hương

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,985
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đề bài: Giới thiệu một danh lam thắng cảnh tại quê hương em.

BÀI LÀM

“Hội An đất hẹp người đông
Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu
Dạo từ sông trước, xóm sau
Dưới thì Âm Bổn, chùa Cầu ở trên”
Quê tôi phố cổ Hội An cũng là một trong những di sản văn hóa thế giới được công nhận nói chung và là niềm tự hào về quê hương của mỗi người con đất Quảng xa hương nói riêng. Đất Quảng – mảnh đất đầy nắng và gió, mảnh đất với những con người dầm mưa dãi nắng, chịu thương chịu khó, mảnh đất với những truyền thống, lễ hội rất riêng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Đô thị cổ Hội An tọa lạc hạ lưu sông Thu Bồn, giáp thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về hướng Nam. Đây là một vị trí lý tưởng sau những giờ làm việc căng thẳng ở đô thị thì có thể chạy xe, thả lỏng về Hội An. Nhưng Hội An đặc biệt không đơn thuần bởi vị trí địa lý thuận lợi mà còn bởi vì quá trình hình thành và phát triển của Hội An được lưu giữ nguyên vẹn trong hàng thế kỷ qua. Từ những năm của thế kỷ XVII và XVIII thì Phố cổ Hội An là một trong những thương cảng quốc tế, là trung tâm trao đổi, mua bán sầm uất nhất cả nước sau Thăng Long. Nơi đây là nơi mậu dịch thông thương cảng biển tự do của các thương lái Trung Quốc, Nhật Bản và thậm chí là vùng đất đầu tiên tiếp xúc với các nước phương Tây. Thậm chí là trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống lại thực dân Pháp cùng đế quốc Mỹ, cuộc cách mạng đô thị hóa trong những năm của thế kỷ XX thì nơi đây vẫn bảo lưu được khối kiến trúc cổ, vẹn nguyên nét đẹp văn hóa của đất nước nhưng đồng thời lại hòa nhập nhuần nhuyễn với bạn bè quốc tế.

Đô thị cổ Hội An sở hữu một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, cổ xưa, di tích khảo cổ được bảo tồn từ các niên đại xa xăm, danh lam thắng cảnh cùng những di sản văn hóa phi vật thể như các lễ hội cổ truyền như tiết thanh minh, lễ Vu Lan, lễ Phật Đản,… hay các hoạt động nghệ thuật trình diễn dân gian như biểu diễn du hồ, múa Thiên Cẩu, hát Bả Trạo,… Đặc biệt nhất là các làng nghề truyền thống với tất tần tật các nghề thủ công như nghề tre dừa Cẩm Thanh, nghề mành, nghề lưới Cù Lao Chàm, nghề khai thác yến sào Thanh Châu, nghề mộc Kim Bồng,… Ngoài ra còn phải kể đến không gian độc đáo của khu phố cổ. Bước vào đô thị cổ Hội An, chúng ta như tách biệt với thế giới vội vã bên ngoài, cách xa với tiếng ồn ào, đông đúc, tấp nập của nhà máy, xí nghiệp mà đắm mình trong thời khắc tĩnh lặng và yên ả. Ngắm nhìn những ngôi nhà rêu phong cổ kính, ngắm nhìn những chiếc đèn hoa đăng trên cây cao, ngắm mình những bà mẹ với những gánh gồng dân dã.

Mà nhắc đến gánh gồng dân dã thì phải nhắc đến nền ẩm thực độc đáo mang điệu hồn của mảnh đất này. Đầu tiên phải nói đến cao lầu. Cao lầu là món ăn được chế biến khá công phu. Trước hết là khâu làm thịt xá xíu. Miếng thịt heo được để nguyên miếng to, tẩm ướp mắm muối, ngũ vị hương cho thấm đều rồi rim nhỏ lửa. Ngay khi thịt chín tới thì vớt ra, cho thêm cà chua, hành tây, dầu rồi đun lên để làm nước sốt. Tiếp đến là sợi cao lầu được cắt thành đoạn ngắn, chiên giòn làm “tép” rồi rang vàng cùng đậu phộng rồi phủ “tép” đó lên bát cao lầu. Cao lầu là món trộn hỗn hợp không có nước dùng. Bởi vậy nên sẽ có hai, ba thìa nước sốt trên để giữ trọn hương vị béo ngậy, đậm đà trên từng lần nhấm nháp. Đồng hành cùng cao lầu chính là tiền bối mì Quảng. Chẳng ai biết rõ món mì là ai sáng tạo nên, chỉ biết mì Quảng xuất phát từ vùng đất Quảng địa linh nhân kiệt. Mì Quảng hiện có mặt ở mọi miền đất nước, cả trong những quán ăn hè phố hay trong những nhà hàng sang trọng. Nhưng mì Quảng chỉ trọn vị nhất khi do chính đầu bếp đất Quảng làm nên. Từng sợi từng sợi mì phải được lựa chọn chỉn chu, kỹ lưỡng. Nước lèo có màu vàng nâu óng ánh mỡ quyện cùng tôm thịt, trứng cút lại thêm độ mặn ngọt, cay cay của ớt đỏ từng chút từng chút thấm vào trong linh hồn người thưởng thức. Chỉ một lần dùng thử là cả đời nhớ thương. Ngoài ra, Hội An còn có bánh bèo, bánh xèo, hoàng thánh, tào phớ,… ở dọc các đường phố, ở trong những gánh gồng của các mẹ các chị khắp mọi nẻo đường Hội An.

Ngoài ra, Hội An thường tổ chức rất nhiều lễ hội cùng những trò chơi dân gian thú vị. Chẳng hạn như trong hội đêm rằm, tiếng trống giục lân, tiếng la hò í ới, anh lưng trần quay lửa rộn ràng khắp chốn đô thị. Hay phổ biến nhất hội hoa đăng với hàng trăm, hàng nghìn chiếc đèn hoa đăng lung linh, huyền ảo cùng thả trôi trên sông Hoài mang theo lời nguyện ước về những điều tốt đẹp nhất đến với bản thân cùng người được chúc phúc. Bên cạnh đó còn các trò múa rối nước, thư pháp, câu đố,… được tổ chức hàng tuần, hàng tháng khiến du khách tha hồ tận hưởng.

Cùng với những giá trị văn lịch sử, văn hóa đồ sộ, đô thị cổ Hội An luôn là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch từ trong và ngoài nước mỗi năm. Mang trên mình nét đẹp cổ kính cùng những bài thơ ca, hội họa về cảnh sắc, về con người nơi đây khiến Hội An luôn là niềm tự hào không chỉ của dân đất Quảng mà còn là của cả dân tộc Việt Nam.

Tác giả: @baochau1112
 

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,985
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
Đề bài: Giới thiệu một danh lam thắng cảnh tại quê hương em.

BÀI LÀM

Là một người con xứ Quảng, tôi tự hào vì quê tôi có hai di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An và di tích Thánh địa Mỹ Sơn. Khác với Hội An mang vẻ đẹp cổ kính của các nền văn hóa được lưu giữ qua nhiều thời đại thì Thánh địa Mỹ Sơn được biết đến nhờ vào những công trình kiến trúc nghệ thuật Ấn Độ giáo phát xuất từ văn hóa của vương quốc Chăm Pa đã chìm vào dĩ vãng.

Tọa lạc trên thượng lưu sông Thu Bồn, ở hướng Tây của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, thánh địa Mỹ Sơn là các tòa kiến trúc nghệ thuật tinh vi, mang dấu ấn của một thời thịnh vượng của ngành lúa nước cũng như mậu dịch tự do với Ấn Độ một thời. Nhìn từ xa, Mỹ Sơn cuộn mình trong một thung lũng hẹp, bao vây bởi nhiều dãy núi hùng vĩ. Do vậy, trải qua thời tiết khắc nghiệt, bom đạn chiến tranh sau hàng ngàn năm thì 13 khối công trình cùng hơn 70 tòa kiến trúc đền tháp vẫn hiên ngang, vững vàng an tọa.

Thánh địa Mỹ Sơn là dạng kiến trúc quần thể mà làm các nhà khoa học khảo cổ đau đầu về vật liệu xây dựng cũng như cách thức để nó trường tồn theo năm tháng. Màu đỏ hồng của gạch nung trên những bức tường mọc đầy rêu phong, những ngôi đền chính cùng những ngôi tháp nhỏ được tân chỉnh để đón chào khách du lịch.

Bên trong tòa di lịch, chúng ta sẽ thấy được tượng thờ Linga – Zoni của người Chăm Pa cổ. Họ đảnh lễ ở đền thờ rồi mới được đi qua khu nhà tĩnh tâm. Sau tĩnh tâm thì họ đứng trước khu đền thờ và các giáo sĩ sẽ đổ nước từ đầu Linga xuống chân Zoni và các tín đồ sẽ hứng nước đó đem cho những người bên người. Ngoài ra, bên trong nhà thờ không hề rộng và sáng như những đền thờ hiện nay mà nó lại hẹp, lại tối bởi thường chỉ có các tín đồ cùng giáo sĩ mới được đặt chân vào. Vào thời xa xưa thì thậm chí là vua chúa, chưa hầu, tướng quân giàu quyền lực, giàu tiền tài cũng không được phép bước vào.

Ngoài ra, về hướng tây thờ phụng các vị thần linh như ám chỉ việc con người an lạc ở cõi vĩnh hằng, về với thần linh, về với đất mẹ. Bên cạnh đó, cả tòa kiến trúc tựa như búp sen – cách chắp tay vái lạy của tín đồ, của con dân với thần linh. Và có lẽ vào chính thời đại đó, cách làm ấy là cách biểu hiện lòng thành, biểu thị tín ngưỡng của con dân với việc thần linh ban phước phù hộ. Ấn tượng nhất trong đền chính là bức tượng xuất hiện hình ảnh con rắn. Tương truyền rằng vào thời đại đó, người ta cho rằng luôn tồn tại song song hai con rắn, một con là rắn thần còn một con là thủy quái. Con rắn thần được thần linh treo lên mình như một đồng bạn, một cách phòng vệ của bản thân trước những tấn công của hung linh ác thần khác. Còn một đầu rắn tức thủy quái thì bị đạp dưới chân với ý nghĩa hạ gục cái xấu, cái ác. Đi xa hơn thì bức ảnh ấy nói lên hai luồng ánh sáng và bóng tối ở trong sâu thẳm con người. Con người sẽ nghiêng về bên nào? Sẽ có thể khống chế được con quỷ ẩn sâu, linh hồn tội ác ẩn sâu bên trong chính bạn hay không?

Quay lại với di tích Mỹ Sơn, tại nhà trưng bày của thánh địa Mỹ Sơn thì khách du lịch có thể được hướng dẫn viên giảng giải về nguồn gốc, về kiến trúc, về nền văn hóa của người Chăm Pa cổ đại qua các hình ảnh chân thực. Sau đó, sẽ được hướng dẫn vòng quanh các khu di tích, được chiêm ngưỡng tòa kiến trúc được vây quanh bởi những ngọn núi hùng vĩ này. Bên cạnh đó, du khách còn được tận hưởng những điệu múa duyên dáng, độc đáo của dân bản địa khi họ ca hát để ngợi ca công đức của thần linh. Ngoài ra còn được nghe về những câu chuyện kỳ bí, lí thú về một thời xa xăm đã chìm vào dĩ vãng ấy.

Là một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, thánh địa Mỹ Sơn đón tiếp hàng nghìn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Mỗi người sẽ được đắm mình trong khoảng không tự nhiên, được nghe về những câu chuyện cổ xưa, say sưa trong điệu múa cổ và rồi lắng đọng trong tâm hồn về vẻ đẹp thanh thuần của một vùng đất thần thánh ở xứ Quảng.

Tác giả: @baochau1112
 
  • Like
Reactions: khahhyen_ybms1
Top Bottom