Văn mẫu 11 [Bài văn] Cái thiện và cái ác trong Tấm Cám

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đề bài: Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) có suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay.

BÀI LÀM
Bạn có thích truyện Tấm Cám không? Bạn thích nghe về nhân vật tốt trong xã hội xưa? Bạn thích những triết lý nhân sinh sâu sắc mà ông cha đúc kết? Những đạo lý, bài học mang đậm tính chất giáo dục ấy được truyền lưu thông qua những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết kinh điển và Tấm Cám là một trong những truyện nổi bật về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong xã hội xưa và nay.

Mở màn cho câu chuyện là cuộc sống bị ghẻ lạnh và đòn roi của Tấm. Ngày qua ngày, cô quần quật làm việc để nuôi sống chính mình nhưng đồng thời cũng đổi lại ngày càng nhiều những tiếng mắng chửi, đòn hiểm của dì ghẻ và Cám. Đạo hiếu thâm nhập vào sâu trong cốt tủy con người Tấm khiến Tấm phải hiếu thuận với dì ghẻ, lựa chọn không đấu tranh trực diện với cái ác, trực tiếp thay đổi cuộc sống của chính mình. Thước đo về người đẹp, tâm thiện lại hiếu thảo là một khuôn mẫu hoàn mỹ về con người nhưng đồng thời cũng làm cô chỉ biết khóc như một cách để xoa dịu vết thương trong thân thể cũng như trong tâm hồn, bất lực trước thế ác đang bành trướng.

Nếu Tấm đại diện cho vai thiện, vai tốt thì mẹ con Cám đại diện cho vai ác, vai xấu. Sự xung đột về mâu thuẫn giữa hai bên là hiện thực tàn khốc đã và đang song hành xuất hiện trong xã hội. Nó cũng như việc Trái Đất có ngày đêm, có âm dương, con người có hai mặt tốt và xấu luôn ẩn mình bên trong. Chẳng ai có thể sống mà chỉ luôn làm điều tốt cả. Điều đúng đắn nhất mà chúng ta nên làm đó chính là tự nhận thức sai lầm của bản thân và học cách tránh lặp lại những sai lầm căn bản đó.

Trong truyện Tấm Cám, những đòn hiểm, những tính kế, mưu hại mà mẹ con Cám thực hiện khiến Tấm rơi vào cảnh khốn đốn. Tấm từ có được tất cả mà lần lượt trải qua tang thương, trải qua nhiều lần chết đi, sống lại để gặt hái được hạnh phúc thật sự. Đồng thời, qua nhiều lần sinh tử nghiệt ngã, Tấm phát hiện ra chỉ có đấu tranh và không ngừng đấu tranh thì mới có thể có được hạnh phúc. Nếu không thì có lẽ truyện đã kết lại với hình ảnh Cám trở thành hoàng hậu một nước và sống an nhàn, hạnh phúc với vua, với mẹ trong quãng đời còn lại sau khi hại chết Tấm. Sự xung đột giữa cái thiện và cái ác là tất yếu, là quá trình đấu tranh, đối chọi gay gắt giữa hai thế lực. Đặc biệt, nhân dân ta luôn thiên hướng về cái đẹp, cái tốt, cái thiện và xa lánh cái xấu, cái ác nên họ luôn dẫn đường chỉ lối, luôn hướng về tương lai tốt đẹp phía trước.

Thông qua truyện Tấm Cám, chúng ta hiểu được một chân lý, một quy luật hiển nhiên rằng ở hiền thì gặp lành, ở ác thì gặp báo. Dẫu thời đại có chuyển biến như thế nào thì con người vẫn luôn có tâm hướng đến cái thiện và thiên hướng những con người có phẩm chất tốt, nhân cách đẹp. Dẫu mâu thuẫn giữa thiện và ác lớn đến nhường nào thì thiện vẫn có thể chiếm ưu thế và cái ác thì không thể hoàn toàn loại bỏ mà trường tồn ký sinh trong tâm hồn của con người.

Thiện và ác song hành với nhau và cùng nhau phát triển theo nhịp sống hiện đại của nền văn minh dân tộc. Truyện Tấm Cám đã trở thành một cổ tích xưa cũ nhưng bài học đạo lý mà nó mang lại, tín ngưỡng thiện ác vẫn luôn ăn sâu vào trong lòng con dân đất Việt. Chỉ có đấu tranh mới giành được hạnh phúc và cũng chỉ có kiên định mới xua tan đi được bóng đêm thâm trầm cùng cái ác quẩn quanh trong tâm hồn con người.

Tác giả: @baochau1112
 

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
Đề bài: Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) có suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay.

BÀI LÀM
Từ ngàn xưa, thiện và ác trường tồn và phát triển theo từng cách khác nhau và vươn đến ngưỡng cửa mà chúng ta chỉ có thể ngước nhìn. Truyện Tấm Cám cũng như thế. Nó được ông cha ta sáng tạo nên nhằm thể hiện cuộc đấu tranh giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội đương thời đồng thời phê phán cái xấu, cái ấu quẩn quanh trong nhịp sống sinh hoạt đời thường.

Đối với nhân dân ta từ thuở xa xưa thì thiện và ác là hai quan niệm hoàn toàn khác biệt. Có thể nói những hành vi phù hợp với đạo đức, với lối sống, tích cực với nhân dân thì là hành vi hướng thiện. Còn những hành vi trái với lẽ thường, khác với lối sống, tạo ra ảnh hưởng tiêu cực thì đó là hành vi hướng tà, hướng ác. Bởi vậy nên truyện Tấm Cám mới có sự mâu thuẫn, đối mặt về xây dựng tính cách nhân vật đến vậy. Chẳng vậy như nàng Tấm, như ông Bụt, như bà lão hàng nước… thì họ đều ánh lên cái nhìn hiền hậu, khoan dung, giàu lòng nhân ái và sẵn sàng vươn lên giúp đỡ người khác mà không so đo việc gì. Còn như dì ghẻ, Cám thì thường bày mưu tính kế, thường hãm hại, ăn cắp sức lao động, giết hại Tấm hết lần này đến lần khác nhằm đoạt đi vị trí của nàng trong lòng nhà vua. Những hành vi giả dối và trơ trẽn ấy đáng bị lên án và họ xứng đáng với kết cục thê lương mà tác giả viết nên.

Trong xã hội xưa thì cái xấu, cái ác thường thuộc về giai cấp thống trị, giai cấp bóc lột. Vì đạt được mục đích ăn sung mặc sướng của mình mà họ ra sức áp bức giá trị của người lao động. Bởi vậy nên nhân dân tầng lớp lao động mới sáng tạo nên những câu chuyện ẩn chứa ước mơ, ẩn chứa khát vọng công bằng. Còn trong xã hội ngày nay thì không còn có ông bụt hay việc chết rồi hồi sinh nữa. Nhưng vẫn tồn tại hai mặt thiện và ác, tốt và xấu, công bằng và dối trá. Bên trong cái tôi, bản tâm của con người luôn tồn tại phần thiện và phần ác. Việc xấu như một liều thuốc ma túy, cám dỗ chúng ta đến với những thói hư tật xấu, đến những vũng bùn lạc lối còn việc tốt như việc xây dựng thói quen, cần phải kiên nhẫn và nỗ lực thì mới có thể thực hiện được. Thiện và ác song hành và đôi khi còn bổ sung cho nhau. Không phải mọi lời nói dối đều xấu và không phải những gì chúng ta cho rằng xấu xí, tà ác đều là xấu. Như việc hai học sinh vung tay đánh nhau vì một đứa muốn chép bài của một bạn. Người bạn đó không đồng ý thì bị dọa nạt, chèn ép rồi vung tay đánh nhau để ngăn người khác cướp đoạt, xé bài. Hành động tưởng chừng có vẻ tiêu cực ấy lại là một nổi dậy, đấu tranh bất đắc dĩ để tự bảo vệ mình. Liệu hành động đó có thể cho là xấu hay không? Nếu như một ngày nào đó ánh sáng và bóng tối không song hành cùng nhau nữa thì khi đó thiện và ác cũng sẽ không cùng tồn tại. Tuy nhiên, điều đó khó lòng mà xảy ra.

Tấm Cám xưa và nay có sự khác biệt rất rõ ràng. Ranh giới giữa thiện và ác không còn quá cụ thể trong những định nghĩa trói buộc của ngày xưa. Bởi vậy, chúng ta cần phải vâng theo bản tâm, hãy lắng nghe những bài học đạo đức, những tinh hoa của triết lý để làm vốn liếng cho hành trang và đưa ra những quyết định phù hợp với đời sống xã hội hiện nay.

Tác giả: @baochau1112
 

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
Đề bài: Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) có suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay.

BÀI LÀM
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam không chỉ đơn thuần là những câu chuyện giải trí mà còn là những bài học đạo lý được nhân dân ta đúc kết qua nhiều thế hệ. Có thể kể đến đó là Tấm Cám với những quan niệm về người tốt, kẻ xấu, về cuộc đấu tranh giữa thiện và xấu trong xã hội xưa cũ.

Thuở xa xưa thì giai cấp thống trị thường được xem như là cái ác. Bởi vì thấp cổ bé họng nên nhân dân ta mới đưa những mơ ước, nguyện vọng ấy vào trong những câu chuyện cổ tích, những truyền thuyết, những câu ca dao, tục ngữ. Nếu đặt mình trong Tấm Cám, chúng ta dễ dàng nhận ra cái quyền lực của cái ác đã áp bức, bóc lột phần thiện đến nhường nào, buộc phần thiện của con người đi đến con đường hắc hóa ra sao. Đâu chỉ là việc ăn cắp sức lao động để giành lấy khen thưởng, đâu chỉ việc lừa gạt, tính kế nàng Tấm đi thật xa để bắt lấy Bống ăn mà còn ác độc đến mức giết nàng để cướp đoạt vị trí hoàng hậu của nàng. Thậm chí, vì để giữ vững vị trí ấy, vì để không có bất kỳ khả năng lung lay nào mà mẹ con Cám giết hại Tấm hết lần này đến lần khác. Còn Tấm vốn là cô gái phụ mẫu mất sớm mà tận tâm báo hiếu với dì ghẻ để rồi nhận lấy kết cục đắng cay. Bị đoạt đi công sức, bị đoạt đi người bạn tốt rồi lại bị đoạt đi người chồng, sinh mệnh, cuộc đời chìm nổi, bấp bênh của Tấm thật khiến người ta xót xa.

Thiện và ác luôn song hành với nhau. Có lẽ bởi vì chính sự độc ác, tàn nhẫn của mẹ con Cám khiến Tấm phải đấu tranh đòi lại công bằng và sau đó trở về đúng vị trí của mình thì nàng đã trả thù họ một cách tàn nhẫn. Việc Tấm trả thù đó có phù hợp với tính cách của Tấm không? Câu trả lời chắc chắn là không. Có lẽ bởi vì ông cha ta quá bức xúc trước hành vi tàn nhẫn, mất nhân tính của mẹ con Cám nên họ sáng tạo ra kết cục ấy hoặc cũng là uy nghiêm hoàng tộc không thể xâm phạm mà có người trong bộ máy nhà nước ấy đã sửa đổi rồi lan truyền ra các tầng lớp nhân dân.

Thiện và ác ngày xưa như thế mà ngày nay còn dữ dội, gay gắt hơn. Có thể kể đến có những nhà máy, xí nghiệp luôn nghĩ cho công nhân. Nhà lãnh đạo sẵn sàng tiến đến hỏi thăm tình hình sức khỏe, hỏi thăm tình hình gia đình để tạo điều kiện cho họ làm việc. Hoặc là chính họ tiến đến nhà của công nhân để biết về tình hình thực tế. Nét đẹp thiện đức đó tô vẽ nên bức tranh tươi đẹp về tương lai của công ty. Nhưng cũng có những nhà máy, xí nghiệp tìm cách bóc lột, ép hết mức giá trị của công nhân rồi giao tặng họ một khoản kha khá để nghỉ hưu trẻ. Những hành vi bào mòn tuổi trẻ, hủy hoại đời sống thanh xuân của con người thật đáng lên án và nhà nước cần can thiệp để giúp đỡ những cá nhân, tập thể ấy. Thiện và ác, tốt và xấu ẩn sâu trong bản tâm của con người. Một giây trước họ là người tốt nhưng bị xã hội áp vào bước đường cùng mà trở thành người xấu. Chỉ cần một ý niệm, người tốt trở thành người xấu và ngược lại, người xấu có thể được cảm hóa để trở lại thành người tốt. Ranh giới giữa tốt và xấu hiện đã trở nên mong manh hơn bao giờ hết, đã không còn rõ ràng như quan niệm mà ông cha ta bày tỏ của ngày xưa.

Tấm Cám mang theo những triết lý, bài học đạo đức sâu sắc, giúp chúng ta cảm và nghĩ về phần thiện, phần ác trong bản thân con người và trong xã hội xưa và nay. Chúng ta cần phải trân trọng những bài học đạo đức được đúc kết ấy và nuôi dưỡng chúng như những hành trang khác để sẵn sàng bước vào đời với những kinh nghiệm được nhân dân ta bồi đắp, kiến tạo nên.

Tác giả: @baochau1112
 
Top Bottom