Văn mẫu 11 [Bài văn] Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về "bệnh vô cảm" trong xã hội hiện nay.

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

Đề bài: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về "bệnh vô cảm" trong xã hội hiện nay.

BÀI LÀM

Xã hội phát triển dẫn đến nền văn minh ngày càng tiến bộ. Càng ngày càng có nhiều thiết bị máy móc, công nghệ tối ưu được phát hành, triển lãm khiến đời sống con người trở nên phong phú, đa dạng hơn. Và cũng bởi vì tốc độ phát triển quá nhanh, mọi thứ điều có công nghệ hỗ trợ nên chúng ta trở nên lạnh nhạt hơn, ít quan tâm lẫn nhau. Từ đây, con virus vô cảm cũng dần dần lan rộng trong xã hội mà con người chúng ta phải mất một thời gian dài mới ý thức được.

Bệnh vô cảm vốn dĩ không phải là bệnh mà chỉ đơn giản là đời sống tình cảm của con người đang dần trở nên “thoái hóa”. Mỗi người sống khép mình lại, lạnh nhạt với tất tần tật những thứ đang chuyển động xung quanh từ thú cưng đến bạn bè, thậm chí là với người thân trong gia đình. Nhịp sống hiện đại xô bồ khiến từng người từng người một chỉ kịp chau chuốt cho bản thân, chăm lo cho cuộc sống vật chất hiện đại sao cho bằng bạn bằng bè, sao cho theo kịp với thời đại tiến bộ. Nhưng đồng thời việc vội vã đuổi theo cuộc sống xa hoa về vật chất khiến chúng ta đánh mất đi vẻ đẹp đích thực của tâm hồn, đánh mất đi cảm xúc vốn có, đánh mất đi mối quan hệ giữa người với người.

Từ xa xưa, ở nơi thôn dân còn đơn sơ, lạc hậu, người dân luôn tắt lửa tối đèn có nhau. Vẫn nhớ những mùa bội thu, từ đầu trên xóm dưới tụ tập lại với nhau bên lửa trại, hi hi ha ha kể cho nhau chuyện người này người kia, giảng cho nhau nghe về kinh nghiệm đồng áng của bản thân. Vẫn nhớ những đêm cúp điện hàng loạt, lũ nhóc con mỗi nhà ùa ra bờ ruộng, ven sông, hối hả bắt đom đóm về thắp sáng để tiện bớt tiền đèn cầy trong nhà. Vẫn nhớ mùa hè nóng bức, người lớn tụm ba tụm năm ngồi trước hiên nhà đan quạt, trẻ nhỏ leo cây hái quả giải khát, tiếng cười đùa vang vọng từ đầu thôn đến cuối thôn. Nhưng rồi thời gian trôi đi, mỗi người dần lớn lên, còn đâu buổi trò chuyện thân quen hay tiếng cười đùa trong trẻo ngày đó? Còn đâu ngày mùa tụ tập? Còn đâu ánh sáng đom đóm lập lòe trong đêm? Còn đâu ngày hè í ới gọi nhau làm cái này làm cái kia? Xã hội phát triển, từng căn từng căn nhà cao tầng được xây san sát bên nhau, các cánh cổng, cánh cửa giờ đóng kín mít. Thậm chí có những người hàng xóm còn không biết mặt nhau. Cuộc sống hiện đại giúp con người có cuộc sống tiện nghi, an ổn nhưng đồng thời cũng tước đi của con người khoảnh khắc ấm cúng, vây quần bên nhau.

Con người trở nên vô tâm, lạnh nhạt hơn khi nhìn đến cách họ đối xử với những người xung quanh. Không còn là lối sống “lá lành đùm lá rách” mà thay vào đó là cười nhạo, là khinh miệt khi nhìn thấy những hành khất thất thểu trên đường, khi nhìn thấy những đứa trẻ con bán vé số, là dửng dưng, thờ ơ khi nhìn thấy tai nạn xe cộ, cướp giật, đánh nhau. Vô cảm gia tăng đồng thời kéo theo tệ nạn gia tăng. Con người ích kỷ lo cho bản thân khiến họ sợ gặp rắc rối, liên lụy, khiến họ không tâm tình quản những mảnh đời bơ vơ, bất hạnh xung quanh. Vẫn thường thấy tình cảnh đằng sau những nhà cao tầng chót vót, sau những tòa nhà cao ốc sang trọng là khu ổ chuột, là khu đèn đỏ, là khu vực chưa tới năm mét nhưng lại sinh sống gần năm mươi người.

Cuộc sống tiến bộ dẫn đến nhiều hệ lụy tương quan. Và căn bệnh vô cảm cũng như thế. Nó xảy đến khiến con người mất dần nhân tính, lãng quên truyền thống “lá lành đùm lá rách”, bỏ qua những khoảnh khắc trao gửi yêu thương quý giá giữa người với người. Liệu điều này có ổn hay không khi cứ để mọi việc diễn ra như vậy? Liệu con người sẽ ra sao khi mất dần đi cảm xúc? Chẳng lẽ sau này sẽ giống như robot mà làm việc hay sao? Sống đôi khi chỉ đơn giản là sẻ chia cùng ai đó, nói lời yêu thương một ai đó. Khi bạn vui vẻ, niềm vui sẽ nhân lên hay khi bạn đau khổ, nỗi buồn sẽ vơi đi. Chỉ cần trải lòng mình ra một chút thôi, bạn sẽ thấy cuộc sống tốt đẹp hơn. Dừng lại một chút ngắm nhìn thế giới xung quanh, chìa tay ra giúp người cần được giúp đỡ một lát, góp một ít tiền cho những mảnh đời bất hạnh. Những công việc tưởng chừng như nhỏ nhặt đó sẽ làm phong phú cuộc sống tinh thần của chính bạn và thậm chí sẽ hỗ trợ cho sự nghiệp, cuộc sống của bạn càng ngày thịnh vượng hơn.

Làm người nên tĩnh lặng lại một chút, lắng nghe một chút, chạy chậm lại một chút. Đừng sống quá vội vàng, đừng quá thờ ơ với thế giới xung quanh để rồi một ngày nào đó, bạn chợt nhận ra mình đã đánh mất quá nhiều thứ, bỏ qua những khoảnh khắc ở bên người bạn yêu thương. Xin hãy hành động để chống lại căn bệnh “vô cảm” để giúp chính bạn và những người xung quanh bạn có một cuộc sống phong phú về vật chất cũng như tinh thần bạn nhé.

Tác giả: @baochau1112
 

baochau1112

Cựu Phụ trách nhóm Văn | CN CLB Khu vườn ngôn từ
Thành viên
6 Tháng bảy 2015
6,549
13,982
1,304
Quảng Nam
Vi vu tứ phương
Đề bài: Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về "bệnh vô cảm" trong xã hội hiện nay.

BÀI LÀM

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” đã ăn sâu vào trong cốt cách con người, thẩm thấu vào trong hành vi ứng xử của con người Việt Nam từ ngàn xưa đến nay. Tuy nhiên, nhịp sống xô bồ trong xã hội hiện đại đã gây ra nhiều hệ lụy xấu, ngày càng xuất hiện những lối sống đi ngược lại với truyền thống vô cùng tốt đẹp của nhiều thế hệ người Việt. Con virus mang tên “bệnh vô cảm” vô cùng nguy hiểm đã trở thành con virus lây nhiễm trong lối sống người Việt Nam hiện đại.

Bệnh vô cảm là căn bệnh của thời đại công nghệ số khi áp lực công việc, tính ích kỷ chỉ lo cho thân mình lên ngôi, để lại đằng sau tiếng cười đùa, tán gẫu dưới ánh trăng phong ấn vào một thời dĩ vãng. Nó không phải là căn bệnh được ghi vào trong danh sách những căn bệnh trong tủ lưu trữ của ngành y học mà lại là căn bệnh hiểm nghèo khiến những nhà xã hội học phải đau đầu vì tầm ảnh hưởng của nó. Nó là bệnh lây nhiễm, gây ra hệ lụy tiêu cực trong lối sống thường nhật của con người, khiến vốn sống nhân đạo trở nên mờ nhạt hơn trong thời đại mới.

Lối sống vô cảm của con người thể hiện rõ ràng ngay trong những cử chỉ quen thuộc của con người. Đó là khi các cụ ông, cụ bà loay hoay không thể qua đường mà nam nữ thanh thiếu niên đi qua ngang cười đùa vô tình. Đó là khi đang lưu thông trên đường quốc lộ, bắt gặp người bị tai nạn thì dửng dưng, lái xe chạy thẳng mà không dừng lại một chút, gọi hộ xe cứu thương. Đó là khi nhìn thấy những đứa trẻ suýt chết đuối mà bản thân vẫn có thể ngồi trên bãi biển phơi nắng. Đó là khi nhìn thấy bạn học tự tử từ tầng thượng của trường đại học mà bản thân lại lấy điện thoại ra để quay video, để khoe với mọi người mà không đứng ra khuyên can đồng học dừng lại suy nghĩ tiêu cực. Từ những việc nhỏ nhặt nhất đến những việc lớn hơn, rộng hơn, bệnh vô cảm truyền lưu trong cộng đồng và trở thành một vấn đề vô cùng nan giải đối với các nhà hoạt động xã hội nói riêng và với tương lai của đất nước nói chung.

Để có thể trị liệu dứt điểm căn bệnh vô cảm này, chúng ta cần phải tiến hành ngay việc phòng chống từ trẻ sơ sinh. Chúng ta cần phải giáo dục trẻ về tình yêu thương giữa người với người, phải làm gương cho chúng trong từng hành vi, cử chỉ trong đời sống thường nhật, phải uốn nắn trẻ khi chúng có xu hướng trở thành vô cảm, thờ ơ, lạnh nhạt với những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Không một ai trên thế giới này có thể sống một mình, sống cô độc được cả. Chúng ta sống trong cùng một thế giới, chúng ta cần phải sẻ chia lẫn nhau để có thể trở nên hạnh phúc hơn, hoàn thiện hơn. Bởi vậy nên chúng ta cần phải học cách kết nối lẫn nhau, nâng đỡ lẫn nhau và xa rời con virus vô cảm kia.

Bệnh vô cảm là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong nhịp sống hiện đại. Vì vậy, chúng ta cần phải phòng ngừa nó bằng cách thông cảm lẫn nhau, bằng cách dừng lại một chút cảm nhận những khoảnh khắc rung động chung quanh thay vì mù quáng chạy theo cơn lốc mưu sinh hay sức mạnh của đồng tiền phù phiếm. Hãy quan tâm đến những người xung quanh một chút, hãy dành ra thời gian để thấu hiểu nhau hơn thì bạn sẽ cảm thấy thế giới này tốt đẹp hơn, cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn!

Tác giả: @baochau1112
 
Top Bottom