Văn bài ''thu điếu'' của Nguyễn Khuyến

congaitruongbon

Học sinh
Thành viên
19 Tháng chín 2017
47
30
41
22
Nghệ An
trường trung học phổ thông đô lương 3

_Minh_Thư_

Banned
Banned
1 Tháng mười 2017
162
245
76
19
Quảng Ngãi
Nếu mùa xuân là mùa hội tụ của những bàn tay nghệ sĩ tài hoa thì mua thu đi vào lòng người một cách tự nhiên và gần gũi. Từ xưa đến nay, thu luôn là nguồn thi hứng dạt dào cho biết bao người nghệ sĩ say mê và sáng tạo. Đến với mùa thu ta có “Cảm thu”, “Tiễn thu” của Tản Đà, có cái buồn man mác hiu quạnh trong “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu, đến với “ Sang thu” của Hữu Thỉnh ta lại có cái nhìn chiêm nghiệm sâu xa…Nhắc đến đề tài mùa thu ta không thể không nhắc đến chùm thơ thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến. Chùm thơ thu đặc sắc này đem đến cho chúng ta những cảm xúc nhẹ nhàng cùng với cảnh sắc mùa thu bình dị mà gần gũi ở miền quê đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt là “ Thu điếu “ – Bức tranh thu được vẽ nên bởi những nét bút hài hòa đầy thẩm mĩ.

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Khuyến được gọi là “ nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam” , ông có những khoảng thời gian dài làm bạn với thôn quê, với ao bèo ruộng muống, với những thứ nhỏ nhắn, bình dị. Cảnh vật trong thơ Nguyễn Khuyến sống động mà nhẹ nhàng, hài hòa mà sắc nét. Cùng là về mùa thu nhưng trong thơ ông, cảnh vật thôn quê mang một màu sắc đặc biệt.

Mở đầu bài thơ, Nguyễn Khuyến đã đưa ta đến với mùa thu trên một góc nhìn đặc biệt :

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

“ Ao thu”, “ thuyền câu” là những sự vật rất đỗi quen thuộc ở mỗi làng quê. Nguyễn Khuyến đã đưa ta đến với thu quê bằng những sự vật thân quen như thế. Ao thu nước xanh trong vắt, mang theo hơi lạnh khẽ khàng, mien man da thịt. Nó không chớm lạnh như đầu mùa, cũng không phải rét mướt như lúc sắp chuyển đông, nhưng “lạnh lẽo” để người ta cảm nhận được không khí khác lạ.Từ “ lạnh lẽo”, “ nước trong veo” tuyệt đối hóa nước hồ thu, gợi tả dộ trong của nước hồ và sự đông kết, tĩnh lặng của không gian. Đặt góc nhìn từ con thuyền nhỏ, Nguyễn Khuyến hướng lên nhìn bầu trời, nhìn lên cao rồi lại quay về với con thuyền nhỏ trên mặt nước phẳng lặng, góc nhìn từ gần đến xa rồi từ xa lại trở về gần, cho ta cảm giác vừa bao quát mênh mông lại vừa nhỏ bé, nhẹ nhàng. Cảnh sắc sao mà an tĩnh thế ? Con thuyền nhỏ bé chông chênh trên chiếc ao bèo, gợi nên cảm giác an nhàn mà tĩnh tại, không vướng sự đời. Con thuyền nhỏ bé lẻ loi, đơn chiếc, cô quạnh như một nét chấm phá giữa bức tranh thủy mặc, bình dị mà hài hòa.

Chỉ hai câu đầu của bài thơ, Nguyễn Khuyến đã phác họa nên bức tranh thu với những nét đặc trưng riêng biệt của khí trời và cảnh vật của thôn quê vùng trũng ở Đồng bằng Bắc Bộ.

Nếu hai câu thơ đầu gợi lên những sắc thái đặc trưng của thu quê thì những câu thơ tiếp theo, chúng ta lại thấy được cả một bức tranh thu với màu xanh mát mắt. Tác giả từ con thuyền nhỏ trên mặt ao thu, đã hướng đôi mắt nhìn bao quát cả không gian, cảnh vật.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngăt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Thay đổi đường nhìn, Nguyễn Khuyến thấy gì ? Đó là sự tĩnh lặng tuyệt đối với những điệu xanh đầy sắc độ. Dưới mặt hồ yên tĩnh là nước trong xanh biếc một màu, mặt hồ xanh biếc đó phản chiếu hình ảnh của bầu trời xanh thẳm vời vợi trên cao, hạ tầm nhìn một chút, nhìn ra xa là thấp thoáng con ngõ nhỏ với những rặng trúc xanh tươi một màu. Xanh hiền hòa. Xanh dịu dàng. Xanh thăm thẳm.Giữa bức tranh đầy điệu xanh hài hòa ấy, chỉ có mùa vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi.

Cảnh vật phải tĩnh lặng tới mức nào thì mới nhận ra làn sóng biếc chỉ “ hơi gợn tí” . Ngòi bút của tác giả vừa sắc nét, vừa tinh tế, đã miêu tả một cách khéo léo sự thay đổi của cảnh vật, sự tương quan của màu sắc, của tĩnh và động:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

“ Sóng biếc” xanh xanh với “ lá vàng” là hai màu sắc đối lập, nhưng chúng không làm mờ nhạt đi sắc thái của bản thân mà dường như càng tôn thêm vẻ đẹp đặc biệt của bức tranh thu trong “ Thu điếu”. Nhắc tới mùa thu người ta nghĩ đến những thảm lá vàng rơi rụng tơi bời trong gió, như Xuân Diệu đã từng viết :

Đây mùa thu tới – Mùa thu tới

Với áo mơ phai, dệt lá vàng

Màu vàng ấy được ca ngợi trong không biết bao nhiêu là tác phẩm thi ca. Là màu vàng ngơ ngác của Lưu Trọng Lư :

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp lên lá vàng khô

Trong ngòi bút của Bích Khuê, màu vàng ấy lại mênh mông vô tận :

Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông

Nguyễn Khuyến, làm nên bức tranh thu khác biệt chỉ với một chiếc lá vàng giữa màu xanh mênh mang tràn ngập. Trong bức tranh ấy, mọi thứ đều khẽ khàng, tĩnh lặng. “ Sóng biếc” dưới những cơn gió thoảng qua chỉ hơi “ gợn tí”. Và chiếc lá vàng đơn độc giữa màu xanh cũng đâm ngang rất nhanh. Từ “ vèo” không chỉ gợi cho ta về độ nghiêng khi lìa cành của chiếc lá, mà còn cho ta cảm nhận tinh tế về tốc độ của lá thu rơi. Nhanh, rơi khẽ khàng mà nhanh lắm, nếu không chú ý, sẽ không thấy được. Sự lăn tăn của sóng biếc, khoảnh khắc đâm ngang của chiếc lá vàng, là hai trong số ít những rung động của bức tranh. Nghệ thuật “ lấy động tả tĩnh” được Nguyễn Khuyến vận dụng một cách tài tình, càng làm nổi bật sự tĩnh lặng của bức tranh thu giản dị.

Lần thứ hai tác giả thay đổi góc nhìn, ông không nhìn xuống mặt nước nữa mà hướng cái nhìn về chiều cao, chiều sâu :

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Chiếc ao nhỏ dường như đã yên tĩnh, cảnh vật xung quanh lại càng lặng lẽ hơn. Cảnh vật được mở rộng ra xung quanh, lên cả chiều cao và chiều sâu. Bầu trời thu xanh ngắt một màu, chỉ thoáng qua một vài đám mây đang lững lờ trôi. Xanh ngắt là xanh thế nào? Màu xanh ấy thăm thẳm mênh mông, xanh gay gắt. Màu xanh đặc biệt ấy phản chiếu dưới mặt hồ trong vắt, tạo nên một sắc màu đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên mà trong chum thơ thu của Nguyễn Khuyến, mà xanh ấy lúc nào cũng xuất hiện với bầu trời. TRong “ Thu vịnh” ông viết :

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao

Rồi đến Thu ẩm, ông vẫn nhẩn nha tự hỏi :

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt ?

Từ “ xanh ngắt” như là nhãn tự của câu thơ, vừa gợi nên chiều cao bầu trời , lại vừa tạo nên sự sắc nét hài hòa, cho ta cảm giác vừa mênh mông lại vừa cao, vừa xa, bao quát tất cả mọi không gian cảnh vật.Màu xanh nhuốm màu tâm trạng, gửi gắm vào đó là cả nỗi niềm cùng ước muốn cao xa của thi nhân. Nhìn trời, đầy tâm trạng, Nguyễn Khuyến hướng tầm mắt mình về xung quanh,thấp thoáng xa xa là con ngõ nhỏ sâu hun hút cũng ngập tràn màu xanh của trúc.

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Nếu màu xanh thẳm của bầu trời gợi nên chiều cao của bức tranh thì “ ngõ trúc quanh co” là nét bút điểm xuyết tạo nên chiều sâu của cảnh vật. Từ “ quanh co” gợi cho ta cảm giác về cái gì đó vừa nhỏ vừa dài, lại sâu hun hút. Tĩnh lặng và mong manh. Không gian không một bóng người, chỉ có gió thu với những hơi lạnh khẽ khàng đang ngấm vào da thịt.Từ “ vắng” đã thấy trống trải lắm rồi, tác giả còn dung từ “ vắng teo” làm ta thấy không gian càng thêm cô quanh. Thu buồn, làng quê tĩnh lặng, không một bóng người, không khách viếng thăm, hoạc chăng chỉ là các tầng xanh đang bao trùm không gian cảnh vật, cả chiều cao, lẫn chiều sâu. Lên cao, là “ xanh ngắt”, nhìn ra xa là màu xanh của ngõ trúc, nhìn quanh mình, là sóng biếc hồ nước mùa thu. Các thi nhân thích tả thu trong, đẹp nhưng buồn :

Đã nghe rét mướt luồn trong gió

Đã vắng người sang những chuyến đò

( Đây mùa thu tới – Xuân Diệu)

Càng nhìn càng hiu quạnh, càng thấy trống trải thê lương, thi nhân không nhìn lên cao hay nhìn ra xa nữa, ông lại lần nữa thay đổi góc nhìn, về với con thuyền nhỏ chông chênh trên mặt hồ tĩnh lặng. Kết thúc bài thơ như là nét bút cuối cùng của bức tranh tự họa :

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Các đâu đớp động dưới chân bèo

Dường như cả bài thơ, đây là lần đầu tiên có con người xuất hiện. TRong không gian ao thu mang hơi lạnh nhẹ nhàng, cùng làn nước biếc lăn tăn, hình ảnh một “ ngư ông” an nhàn tự tại dần xuất hiện với một tư thế hết sức thản thơi “ tựa gối ôm cần”. Ông đang đắm chìm trong suy tưởng, thì một của động nhỏ đã cắt ngang, làm sực tỉnh những suy tư trong lòng. “ Cá đâu đớp động” vừa như là một lời khẳng định, lại tựa như một câu nghi vấn. Thi nhân dường như mất cảm giác với dung quanh, không xác định được đâu là nơi có tiếng động của cá. Ông đi câu cá mà không phải câu cá, ta cảm giác dường như ông buông cần để ngẫm nghĩ sự đời. Câu cá, chỉ là cái cớ để ông trải lòng, để tìm sự thư thả trong tâm hồn mà thôi.

Bằng cách sử dụng nghệ thuật “ lấy động tả tĩnh”, cùng với việc gieo từ đặc sắc và sử dụng những cảnh vật giản dị chốn thôn quê, Nguyễn Khuyến đã vẽ nên một bức tranh thu hài hòa về đường nét, sống động về màu sắc. Thu đẹp, mà thấm nỗi buồn, đó là nỗi niềm của một người tài cao học rộng, có lòng yêu nước thương dân nhưng do sự thúc ép của hoàn cảnh mà trăn trở vì không thể làm gì trước cảnh vong quốc mà thân lại nhàn nhã.

Không phải ngẫu nhiên mà Thu điếu vượt qua sự băng hoại của thời gian và chiếm một vị trí sâu bền trong lòng người đọc như thế. Bức tranh thu của Nguyễn Khuyến, nhuần nhị mà yên bình, nhẹ nhàng mà chứa đầy tâm trạng, với những nét độc đáo khác biệt, đã góp phần tạo nên một góc trời trong chùm thơ về mùa thu cũng như mảng thơ về quê hương trong diễn đàn thi ca Việt Nam.
nguồn internet
 
Last edited by a moderator:
Top Bottom