Bài 10: ĐẶC TRƯNG VẬT LÍ CỦA ÂM Phần 1: LÝ THUYẾT + CÂU HỎI LIÊN QUAN
I. Âm. Nguồn âm 1/ Âm là gì? - Sóng âm là những sóng cơ truyền trong các môi trường khí, lỏng, rắn
- Tần số của sóng âm cũng là tần số âm
2/ Nguồn âm - Nguồn âm là một vật dao động phát ra âm
- Tần số của âm phát ra bằng tần số dao động của nguồn âm
C1 Các bộ phận dao động phát ra âm trong các dụng cụ:
Sợi dây đàn dao động phát ra âm
Cột không khí trong ống sáo dao động phát ra âm
Hai nhánh của âm thoa dao động phát ra âm
3/ Âm nghe được, hạ âm, siêu âm - Âm nghe được (còn gọi là âm thanh) là những âm có tác dụng làm cho màng nhĩ trong tai ta dao động, gây ra cảm giác âm. Âm nghe được có tần số nằm trong khoảng từ [imath]16Hz[/imath] đến [imath]20000Hz[/imath]
- Hạ âm là âm có tần số nhỏ hơn [imath]16Hz[/imath], tai người không nghe được.
Một số loài động vật như voi, chim bồ câu,.... có thể "nghe" được hạ âm.
- Siêu âm là âm có tần số lớn hơn [imath]20000Hz[/imath], tai người cũng không nghe được.
Một số loài động vật như chó, cá heo, dơi,.... có thể "nghe" đuọc siêu âm.
4/ Sự truyền âm [imath]a/[/imath] Môi trường truyền âm
- Âm truyền được qua các chất rắn, lỏng, khí, không truyền được trong chân không.
- Âm hầu như không truyền qua được các chất xốp như bông, len,... Những chất đó được gọi là chất cách âm. Chúng thường được dùng để ốp vào tường và cửa nhà hát, phòng ghi âm,....
C2
- Lúc trong chuông là chân không hoàn toàn, ta vẫn nghe thấy tiếng chuông rất nhỏ là vì âm từ chuông đã truyền qua bàn đặt chuông, hộp thủy tinh rồi đến tai ta.
- Nếu ta dùng các chất cách âm như bông, len, nhựa xốp,...thay cho bàn đặt chuông thì âm sẽ giảm, thậm chí không còn nghe gì nữa.
[imath]b/[/imath] Tốc độ truyền âm
Sóng âm truyền trong mỗi môi trường với một tốc độ hoàn toàn xác định.
Bảng [imath]10.1[/imath] cho biết tốc độ truyền âm trong một số chất.
C3 Một vài dẫn chứng chứng tỏ rằng âm truyền với một tốc độ hữu hạn:
- Đứng trước vách núi rồi hét to, sau một khoảng thời gian ta mới nghe thấy tiếng vọng lại
- Đánh trống ở khoảng cách xa vị trí đang đứng, sau một khoảng thời gian từ khi đánh trống ta mới nghe thấy tiếng trống.
II. Những đặc trưng vật lí của âm 1/ Tần số âm Tần số âm là một trong những đặc trưng vật lí quan trọng nhất của âm
2/ Cường độ âm và mức cường độ âm [imath]a/[/imath] Cường độ âm
- Cường độ âm [imath]I[/imath] tại một điểm là đại lượng đo bằng năng lượng mà sóng âm tải qua một đơn vị diện tích đặt tại điểm đó, vuông góc với phương truyền sóng một đơn vị thời gian.
- Đơn vị: oát trên mét vuông, kí hiệu là [imath]W/m^2[/imath]
[imath]b/[/imath] Mức cường độ âm
- Để thiết lập một thang bậc về cường độ âm, người ta đưa ra khái niệm mức cường độ [imath]L[/imath]
- Công thức tính: [imath]L=\lg \dfrac{I}{I_0} (B) = 10\lg \dfrac{I}{I_0} (dB)[/imath]
Trong đó: [imath]I_0[/imath] gọi là cường độ âm chuẩn, [imath]I_0=10^{-12} W/m^2[/imath]
- Đơn vị:
+ [imath]\text{ben}[/imath], kí hiệu là [imath]B[/imath]
+ [imath]\text{đêxiben}[/imath], kí hiệu là [imath]dB[/imath]
Với [imath]1B=10dB[/imath]
3/ Âm cơ bản và họa âm - Khi một nhạc cụ phát ra một âm có tần số [imath]f_0[/imath] thì nó cũng đồng thời phát ra một loạt âm có tần số [imath]2f_0 ; 3f_0 ; 4f_0 ; ...[/imath] có cường độ khác nhau.
+ Âm có tần số [imath]f_0[/imath] gọi là âm cơ bản hay họa âm thứ nhất
+ Các âm có tần số [imath]2f_0 ; 3f_0 ; 4f_0 ;...[/imath] gọi là các họa âm thứ hai, thứ ba, thứ tư...
- Biên độ của các họa âm lớn, nhỏ không như nhau, tùy thuộc vào nhạc cụ đó.
- Tập hợp các họa âm tạo thành phổ của nhạc âm.
- Tổng hợp đồ thị dao động của tất cả các họa âm trong một nhạc âm ta được đồ thị dao động của nhạc âm đó. Đồ thị dao động của cùng một âm do các nhạc cụ khác nhau phát ra thì hoàn toàn khác nhau.
Do đó có thể nói Đồ thị dao động của âm là một đặc trưng vật lí của âm
Tổng kết
- Sóng âm là những sóng cơ truyền trong các môi trường khí, lỏng, rắn
- Nguồn âm là các vật dao động.
- Tần số dao động của nguồn âm cũng là tần số dao động của sóng âm.
- Âm nghe được (âm thanh) có tần số từ [imath]16 Hz[/imath] đến [imath]20000Hz[/imath].
- Âm có tần số dưới [imath]16 Hz[/imath] gọi là hạ âm. Siêu âm là âm có tần số trên [imath]20000Hz[/imath].
- Nhạc âm là âm có tần số xác định.
- Âm không truyền được trong chân không.
- Trong mỗi môi trường, âm truyền với một tốc độ xác định
- Về phương diện vật lí, âm được đặc trưng bằng tần số, cường độ (hoặc mức cường độ) và đồ thị dao động của âm.
1/ Hạ âm và siêu âm có cùng bản chất không? Hạ âm và siêu âm có cùng bản chất là sóng cơ học.
2/ Sóng âm là gì? Sóng âm là những sóng cơ truyền trong các môi trường khí, lỏng, rắn.
3/ Nhạc âm là gì? Nhạc âm là âm có tần số xác định, thường do các nhạc cụ phát ra.
4/ Trong ba môi trường rắn, lỏng và khí, âm truyền nhanh nhất trong môi trường nào, chậm nhất trong môi trường nào? Trong ba môi trường rắn, lỏng và khí, âm truyền trong chất rắn nhanh nhất và truyền trong không khí là chậm nhất.
5/ Cường độ âm đo bằng gì? Cường độ âm đo bằng oát trên mét vuông, kí hiệu [imath]W/m^2[/imath]
6/ Chọn câu đúng Siêu âm là âm
[imath]A.[/imath] có tần số lớn
[imath]B.[/imath] có cường độ rất lớn
[imath]C.[/imath] có tần số trên [imath]20000Hz[/imath]
[imath]D.[/imath] truyền trong mọi môi trường nhanh hơn âm
[imath]\rightarrow[/imath] chọn đáp án [imath]C[/imath] Giải thích: Siêu âm là âm có tần số trên [imath]20000Hz[/imath]
7/ Chọn câu đúng Cường độ âm được đo bằng
[imath]A.[/imath] oát trên mét vuông
[imath]B.[/imath] oát
[imath]C.[/imath] niutơn trên mét vuông
[imath]D.[/imath] niutơn trên mét
[imath]\rightarrow[/imath] chọn đáp án [imath]A[/imath] Giải thích: Cường độ âm đo bằng oát trên mét vuông, kí hiệu [imath]W/m^2[/imath]
8/ Một lá thép dao động với chu kì [imath]T=80 ms[/imath]. Âm do nó phát ra có nghe được không? Giải:
Đổi: [imath]T=80 ms = 80.10^{-3}s[/imath]
Tần số của âm: [imath]f=\dfrac{1}{T}=\dfrac{1}{80.10^{-3}}=12,5Hz[/imath]
Vì [imath]f=12,5 Hz < 16Hz[/imath] nên đây là hạ âm, tai người không thể nghe được
Vậy âm do lá thép dao động này phát ra không nghe được.
9/ Tính bước sóng của siêu âm Một siêu âm có tần số [imath]1 MHz[/imath]. Sử dụng bảng [imath]10.1[/imath], hãy tính bước sóng của siêu âm này trong không khí ở [imath]0^{\circ} C[/imath] và trong nước ở [imath]15^{\circ} C[/imath] Giải:
Từ bảng [imath]10.1[/imath], ta thấy tốc độ truyền âm trong không khí ở [imath]0^{\circ} C[/imath] là [imath]v_1=331 m/s[/imath]; tốc độ truyền âm trong nước ở [imath]15^{\circ} C[/imath] là [imath]v_2=1500m/s[/imath]
Đổi: [imath]f=1 MHz= 10^6 Hz[/imath]
- Bước sóng của siêu âm trong không khí ở [imath]0^{\circ} C[/imath]:
[imath]\lambda _1=\dfrac{v_1}{f}=\dfrac{331}{10^6}=3,31.10^{-4}m[/imath]
- Bước sóng của siêu âm trong nước ở [imath]15^{\circ} C[/imath]:
[imath]\lambda _2=\dfrac{v_2}{f}=\dfrac{1500}{10^6}=1,5.10^{-3}m[/imath]
10/ Tính tốc độ âm trong gang Để đo tốc độ âm trong gang, nhà vật lí Pháp Bi-ô đã dùng một ống bằng gang dài [imath]951,25m[/imath]. Một người đập một nhát búa vào một đầu ống gang, một người ở đầu kia nghe thấy hai tiếng gỗ, một truyền qua gang và một truyền qua không khí trong ống gang; hai tiếng ấy cách nhau [imath]2,5s[/imath]. Biết tốc độ âm trong không khí là [imath]340 m/s[/imath], hãy tính tốc độ âm trong gang. Giải:
Vì gang là chất rắn nên âm truyền qua gang sẽ nhanh hơn qua không khí, do đó thời gian truyền âm qua gang sẽ nhỏ hơn thời gian truyền âm qua không khí trong ống gang
Gọi [imath]t_1,t_2[/imath] lần lượt là thời gian truyền âm qua gang và qua không khí trong ống gang; [imath]L[/imath] là chiều dài ống gang; [imath]v_1,v_2[/imath] lần lượt là tốc độ âm trong gang và trong không khí.
Theo đề ra ta có:
[imath]t_2-t_1=2,5 \hArr \dfrac{L}{v_2}-\dfrac{L}{v_1}=2,5 \hArr \dfrac{951,25}{340}-\dfrac{951,25}{v_1}=2,5[/imath]
[imath]\Rightarrow v_1 \approx 3194,32 m/s[/imath]
Vậy tốc độ âm trong gang là [imath]3194,32 m/s[/imath]
10.1 Hãy chọn phát biểu đúng
Người ta có thể nghe được âm có tần số
[imath]A.[/imath] từ [imath]16Hz[/imath] đến [imath]20000Hz[/imath]
[imath]B.[/imath] từ thấp đến cao
[imath]C.[/imath] dưới [imath]16 Hz[/imath]
[imath]D.[/imath] trên [imath]20000Hz[/imath]
[imath]\rightarrow[/imath] chọn đáp án [imath]A[/imath] Giải thích: Người ta có thể nghe được âm có tần số từ [imath]16Hz[/imath] đến [imath]20000Hz[/imath]
10.2 Chỉ ra phát biểu sai
Âm LA của một cái đàn ghita và của một cái kèn có thể có cùng
[imath]A.[/imath] tần số
[imath]B.[/imath] cường độ
[imath]C.[/imath] mức cường độ
[imath]D.[/imath] đồ thị dao động
[imath]\rightarrow[/imath] chọn đáp án [imath]D[/imath] Giải thích: Âm LA của một cái đàn ghita và của một cái kèn phát ra có âm sắc khác nhau nên đồ thị dao động âm cũng khác nhau.
10.3 Hãy chọn phát biểu đúng
Cường độ âm được xác định bằng
[imath]A.[/imath] áp suất tại một điểm trong môi trường mà sóng âm truyền qua
[imath]B.[/imath] biên độ dao động của các phần tử của môi trường (tại điểm mà sóng âm truyền qua)
[imath]C.[/imath] năng lượng mà sóng âm chuyển trong một đơn vị thời gian qua một đơn vị diện tích (đặt vuông góc với phương truyền sóng)
[imath]D.[/imath] cơ năng toàn phần của một thể tích đơn vị của môi trường tại điểm mà sóng âm truyền qua
[imath]\rightarrow[/imath] chọn đáp án [imath]C[/imath] Giải thích:Cường độ âm được xác định bằng năng lượng mà sóng âm chuyển trong một đơn vị thời gian qua một đơn vị diện tích (đặt vuông góc với phương truyền sóng)
10.4 Đơn vị thông dụng của mức cường độ âm là gì?
[imath]A.[/imath] Ben
[imath]B.[/imath] Đêxiben
[imath]C.[/imath] Oát trên mét vuông
[imath]D.[/imath] Niutơn trên mét vuông
[imath]\rightarrow[/imath] chọn đáp án [imath]B[/imath] Giải thích: Đơn vị thông dụng của mức cường độ âm là Đêxiben, kí hiệu là [imath]dB[/imath]
10.5 Hãy chọn phát biểu đúng
Khi cường độ âm tăng gấp [imath]100[/imath] lần thì mức cường độ âm tăng
[imath]A.[/imath] [imath]100 dB[/imath]
[imath]B.[/imath] [imath]20 dB[/imath]
[imath]C.[/imath] [imath]30 dB[/imath]
[imath]D.[/imath] [imath]40 dB[/imath]
[imath]\rightarrow[/imath] chọn đáp án [imath]B[/imath] Giải thích:
- Ban đầu, mức cường độ âm là: [imath]L_1 = 10 \lg \dfrac{I}{I_0} \ (dB)[/imath]
- Khi cường độ âm tăng lên [imath]100[/imath] lần, mức cường độ âm là: [imath]L_2=10\lg \dfrac{100I}{I_0}=10\lg 100 + 10\lg \dfrac{I}{I_0}=20+L_1 (dB)[/imath]
10.6 Khi nói về siêu âm, phát biểu nào sau đây là sai?
[imath]A.[/imath] Siêu âm có thể truyền trong chất rắn
[imath]B.[/imath] Siêu âm có tần số lớn hơn [imath]20 KHz[/imath]
[imath]C.[/imath] Siêu âm có thể truyền được trong chân không
[imath]D.[/imath] Siêu âm có thể bị phản xạ khi gặp vật cản
[imath]\rightarrow[/imath] chọn đáp án [imath]C[/imath] Giải thích: Siêu âm không thể truyền được trong chân không
10.7 Một sóng âm truyền trong một môi trường. Biết cường độ âm tại một điểm gấp [imath]100 lần[/imath] cường độ âm chuẩn của âm đó thì mức cường độ âm tại điểm đó là
[imath]A.[/imath] [imath]10 dB[/imath]
[imath]B.[/imath] [imath]100 dB[/imath]
[imath]C.[/imath] [imath]20 dB[/imath]
[imath]D.[/imath] [imath]50 dB[/imath]
[imath]\rightarrow[/imath] chọn đáp án [imath]C[/imath] Giải thích:
Theo đề ra ta có: [imath]I=100I_0 \Rightarrow \dfrac{I}{I_0}=100[/imath]
Mức cường độ tại điểm đó là: [imath]L=10 \lg \dfrac{I}{I_0}=10\lg 100 = 20 dB[/imath]
10.8 Một sóng âm truyền trong không khí. Mức cường độ âm tại điểm [imath]M[/imath] và tại điểm [imath]N[/imath] lần lượt là [imath]40 dB[/imath] và [imath]80dB[/imath]. Cường độ âm tại [imath]N[/imath] lớn hơn cường độ âm tại [imath]M[/imath]
[imath]A.[/imath] [imath]10000[/imath] lần
[imath]B.[/imath] [imath]1000[/imath] lần
[imath]C.[/imath] [imath]40[/imath] lần
[imath]D.[/imath] [imath]2[/imath] lần
[imath]\rightarrow[/imath] chọn đáp án [imath]A[/imath] Giải thích:
Ta có:
[imath]L_M=10\lg \dfrac{I_M}{I_0}=40 \Rightarrow \lg \dfrac{I_M}{I_0}=4 \Rightarrow \dfrac{I_M}{I_0}=10^4 \Rightarrow I_M=10^4 I_0[/imath]
[imath]L_N=10\lg \dfrac{I_N}{I_0}=80 \Rightarrow \lg \dfrac{I_N}{I_0}=8 \Rightarrow \dfrac{I_N}{I_0}=10^8 \Rightarrow I_N=10^8 I_0[/imath]
Lập tỉ số:
[imath]\dfrac{I_N}{I_M}=\dfrac{10^8 I_0}{10^4 I_0}=10^4=10000[/imath]
10.9 Một âm có cường độ [imath]10 W/m^2[/imath] sẽ gây ra nhức tai. Giả sử một nguồn âm kích thước nhỏ [imath]S[/imath] đặt cách tai một khoảng [imath]d=1m[/imath]
[imath]a/[/imath] Để âm do nguồn phát ra làm nhức tai thì công suất [imath]P[/imath] của nguồn phải bằng bao nhiêu?
[imath]b/[/imath] Giả sử nguồn có công suất đó. Hỏi mức cường độ âm do nguồn gây ra tại một điểm ở cách [imath]1km[/imath] là bao nhiêu? Giải:
[imath]a/[/imath]
Ta có: [imath]I=\dfrac{P}{4\pi d^2} \Rightarrow P=I.4\pi d^2 = 10.4 \pi .1 =40\pi W[/imath]
[imath]b/[/imath]
Đổi: [imath]R=1km = 1000m[/imath]
Cường độ âm tại điểm cách nguồn một khoảng [imath]R=1000m[/imath] là:
[imath]I'=\dfrac{P}{4\pi R^2}=\dfrac{40\pi}{4\pi .1000^2}=10^{-5} W/m^2[/imath]
Mức cường độ âm tại điểm này:
[imath]L=10\lg \dfrac{I'}{I_0}=10\lg \dfrac{10^{-5}}{10^{-12}}=70dB[/imath]
10.10 Loa của một máy thu thanh gia đình có công suất âm thanh [imath]P=1W[/imath] khi mở to hết công suất
[imath]a/[/imath] Tính mức cường độ âm do loa đó tạo ra tại một điểm ở trước máy [imath]4m[/imath]
[imath]b/[/imath] Để ở tại điểm ấy, mức cường độ âm chỉ còn [imath]70 dB[/imath], phải giảm nhỏ công suất của loa bao nhiêu lần? Giải: [imath]a/[/imath]
Cường độ âm tại một điểm trước máy [imath]4m[/imath] là:
[imath]I=\dfrac{P}{4\pi R^2}=\dfrac{1}{4\pi 4^2}=4,97.10^{-3} W/m^2[/imath]
Mức cường độ âm tại điểm đó:
[imath]L=10 \lg \dfrac{I}{I_0}=10\lg \dfrac{4,97.10^{-3}}{10^{-12}}=96,96 dB[/imath]
[imath]b/[/imath]
Khi mức cường độ âm là [imath]70dB[/imath] thì cường độ âm tại đó là:
[imath]L'=10\lg \dfrac{I'}{I_0} \hArr 70 = 10\lg \dfrac{I'}{10^{-12}} \Rightarrow \dfrac{I'}{10^{-12}}=10^7 \Rightarrow I' = 10^{-5} W/m^2[/imath]
Công suất loa lúc này:
[imath]P'=4\pi R^2 . I' = 4\pi .4^2 . 10^{-5} \approx 2.10^{-3} W[/imath]
Vậy phải giảm công suất của loa: [imath]\dfrac{P}{P'}=\dfrac{1}{2.10^{-3}} =500[/imath] lần
10.11 Mức cường độ âm do một nguồn [imath]S[/imath] gây ra tại một điểm [imath]M[/imath] là [imath]L[/imath]; cho nguồn [imath]S[/imath] tiến lại gần [imath]M[/imath] một khoảng [imath]D[/imath] thì mức cường độ tăng thêm được [imath]7 dB[/imath]
[imath]a/[/imath] Tính khoảng cách [imath]R[/imath] từ [imath]S[/imath] tới [imath]M[/imath], biết [imath]D=62m[/imath]
[imath]b/[/imath] Biết mức cường độ âm tại [imath]M[/imath] là [imath]73 dB[/imath], hãy tính công suất của nguồn. Giải: [imath]a/[/imath]
Đổi: [imath]7dB = 0,7B[/imath]
Gọi [imath]I_1,L_1,R_1[/imath] lần lượt là cường độ âm, mức cường độ âm và khoảng cách từ [imath]M[/imath] tới nguồn [imath]S[/imath]; [imath]I_2, L_2, R_2[/imath] là cường độ âm, mức cường độ và khoảng cách của [imath]M[/imath] đến nguồn [imath]S[/imath] sau khi [imath]S[/imath] tiến lại gần [imath]M[/imath] một khoảng [imath]D[/imath].
Ta có:
[imath]\begin{cases} I_1=\dfrac{P}{4\pi R_1^2} \\ I_2=\dfrac{P}{4\pi R_2 ^2} \end{cases}[/imath] [imath]\Rightarrow \dfrac{I_1}{I_2}=\dfrac{R_2^2}{R_1^2}[/imath]
[imath]\begin{cases} L_1=\lg \dfrac{I_1}{I_0} (B) \\ L_2=\lg \dfrac{I_2}{I_0} (B) \end{cases} \Rightarrow \begin{cases} I_1=10^{L_1}.I_0 \\ I_2=10^{L_2}.I_0 \end{cases} \Rightarrow \dfrac{I_1}{I_2}=\dfrac{10^{L_1}}{10^{L_2}}=10^{L_1-L_2}[/imath] [imath]\Rightarrow \dfrac{I_1}{I_2}=\dfrac{R_2^2}{R_1^2}=10^{L_1-L_2}[/imath] hay: [imath]\dfrac{(R-D)^2}{R^2}=\dfrac{(R-62)^2}{R^2}=10^{L-(L+0,7)}=10^{-0,7}[/imath]
[imath]\Rightarrow R \approx 112,05m[/imath]
[imath]b/[/imath]
Cường độ âm tại [imath]M[/imath]: [imath]L_1=\lg \dfrac{_1}{I_0} \Rightarrow I_1 \approx 2.10^{-5} W/m^2[/imath]
Công suất nguồn âm: [imath]P=I_1 4\pi R^2 = 2.10^{-5} .4 \pi . (112,05)^2 \approx 3,155W[/imath]
10.12 Trong một cuộc thí nghiệm nhằm xác định tốc độ âm trong không khí, có hai nhóm nhà vật lí ở cách nhau [imath]18612 m[/imath]. Mỗi nhóm luân phiên bắn một phát đại bác, để nhóm kia đo thời gian [imath]t[/imath] từ lúc thấy lửa lóe ra ở miệng súng, đến lúc nghe thấy tiếng nổ. Giá trị trung bình của các phép đo là [imath]t=54,6s[/imath]. Hỏi:
[imath]a/[/imath] Việc bắn và đo luân phiên nhằm mục đích gì?
[imath]b/[/imath] Tốc độ âm thanh trong các điều kiện của thí nghiệm là bao nhiêu? Giải: [imath]a/[/imath]
Việc bắn và đo luân phiên để giảm bớt sai số bị ảnh hưởng do các điều kiện khác của môi trường (như gió,...)
[imath]b/[/imath]
Tốc độ âm thanh: [imath]v=\dfrac{s}{t}=\dfrac{18612}{54,6}=340,879 m/s[/imath]
10.13 Giả sử tốc độ âm trong không khí là [imath]333 m/s[/imath]. Một tia chớp lóe ra ở cách một khoảng [imath]l[/imath] và thời gian từ lúc chớp lóe đến lúc nghe thấy tiếng sấm là [imath]t[/imath].
[imath]a/[/imath] Tìm hệ thức liên hệ giữa [imath]l[/imath] và [imath]t[/imath]
[imath]b/[/imath] Nêu một quy tắc thực nghiệm để tính [imath]l[/imath], khi đo được [imath]t[/imath]. Giải: [imath]a/[/imath]
Hệ thức liên hệ giữa [imath]l[/imath] và [imath]t[/imath]:
[imath]l=vt=333 t (m)[/imath]
[imath]b/[/imath]
Quy tắc thí nghiệm: Khi đo được [imath]t[/imath] theo đơn vị giây ([imath]s[/imath]), nhân kết quả đó với [imath]333[/imath] ta tìm được [imath]l[/imath] với đơn vị là mét [imath](m)[/imath]