Hello! Hello!
Writing Challenge của ngày thứ 5 mọi người ơi!!!!!
[ DAY 5] Con nhà Người ta- Câu chuyện muôn thuở.
"Con nhà người ta", một hình tượng chẳng còn lạ lẫm gì ở Việt Nam. Nó không phải một cái gì đó mới mẻ, NHƯNG chưa bao giờ hết nóng.
"Con nhà người ta" là ai?
Con nhà người ta có thể là bất cứ ai, từ con nhà bác hàng xóm đến anh chị em nhà cô, dì, chú, bác, cậu, mợ, xa hơn là "con nhà người ta" trên... TV. Nó sẽ theo bạn từ khi bạn sinh ra, đi học hết ba cấp rồi đến khi bạn lấy vợ/chồng, có con rồi cũng vẫn bị bám theo!
"Con nhà người ta" có đủ các đặc điểm hoặc thông thường là có những đặc điểm mà khi bố mẹ nhìn vào bạn thì thấy vô cùng thiếu. Ví dụ như : ngoan hiền, học giỏi, hiếu thảo, con gái thì nữ công gia chánh, con trai thì "văn võ song toàn".
Để rồi mỗi khi bạn mải vui ham chơi, lười làm việc nhà, điểm số kém, làm hỏng chuyện gì đó hay thậm chí mỗi khi Tivi chiếu tới cảnh học sinh nghèo vượt khó là y như rằng…bài “ca vọng cổ” và điệp khúc “con nhà người ta” lại xuất hiện. Đến nỗi bạn cũng phải tự hỏi rằng: mình có phải con đẻ của bố mẹ hay không?
Nhiều bậc cha mẹ đều muốn con mình thật hoàn hảo. Nhưng có một sự thật là chẳng có “con nhà người ta” nào hoàn hảo cả. Xét cho cùng, cụm từ “con nhà người ta” chỉ minh chứng cho một điểm mạnh nào đó của một đứa trẻ bất kỳ xuất hiện trong tầm hiểu biết của cha mẹ bạn. Những cái đẹp thì được phô ra còn cái xấu thì sẽ đậy vào và bố mẹ bạn cũng đâu biết được rằng bạn cũng đang là "con nhà người ta".
Nguyên nhân sâu xa chưa chắc vì bạn đã thực sự kém cỏi như bạn nghĩ, mà đơn giản vì, bạn không hoàn hảo trong mắt cha mẹ. Sự kì vọng hoàn hảo gần như không tưởng.
“Con nhà anh/chị ngoan ngoãn/chăm chỉ/học giỏi quá, chẳng bù cho con nhà em”…
Câu này thì bạn có thể nghe ở bất cứ đâu. Hai bậc phụ huynh ngồi nói chuyện với nhau hay thậm chí ở hàng rau, hàng thịt ngoài chợ
Việc con cái bị đem ra so sánh xảy ra thường xuyên và dễ dàng. Một thói quen được lập trình sẵn từ bao đời nay. Những lời so sánh đó tích tụ lại qua khi cha mẹ ghé qua nhà người khác và cuối cùng sẽ đổ dồn lền đầu đứa con nhà mình. Hệ quả là con cái luôn được/bị động viên cố gắng theo đuổi cho bằng bạn bằng bè.
Thoạt nghe lý do có vẻ tích cực, điều đó giúp chúng phấn đấu chăm ngoan hơn, giỏi giang hơn. Nhưng rồi, thói ăn thua hơn kém dần hình thành trong suy nghĩ của đứa trẻ. Chúng có “nhiệm vụ” luôn phải giỏi giang hơn người khác trong mắt cha mẹ. Chúng ích kỷ hơn, nhỏ nhen hơn. Việc sống trong ám ảnh bị so sánh khiến tâm hồn đứa trẻ trở nên méo mó. Chúng đáng lẽ phải như thế này, như thế kia, luôn phải làm theo chuẩn mực mà bố mẹ chúng tự cho là đúng, nếu làm sai điều gì thì đó là lỗi của chúng. Trách nhiệm thuộc về cha mẹ, thuộc về những lời so sánh, động viên và áp lực hoàn hảo thường trực đổ lên đầu con cái.
Con cái chính là bộ mặt, là thước đo đánh giá cha mẹ.
Đó là đề tài được quan tâm nhất khi các ông bố, cha mẹ nói chuyện cùng nhau, từ chuyện học hành, điểm số, chuyện công ăn việc làm . Con cái ngoan ngoãn, sớm ổn định thành đạt, ba mẹ tự tin, nở mày nở mặt. Con cái hư hỏng, còn lông bông, ba mẹ tự ti, thấp thỏm sợ chê cười.
Và rồi sau những câu chuyện ấy tiếp tục là áp lực đè nặng lên những đứa con. Vô hình trung, con đường phát triển của trẻ bị đóng khung theo ý muốn cha mẹ. Những ước muốn cá nhân bị kìm hãm và loại bỏ không thương tiếc. Đơn giản vì cha mẹ không chịu lắng nghe từ chính con cái họ mà luôn bị tác động bởi yếu tố bên ngoài -những định kiến, chuẩn mực xã hội và tâm lý sĩ diện quen thuộc của người Việt.