Sử 23/8/1945, cách mạng tháng Tám ở Huế, Hà Đông, Quảng Trị, Quảng Bình...

Thái Minh Quân

Cựu Cố vấn Lịch sử | Cựu Chủ nhiệm CLB Lịch sử
Thành viên
29 Tháng mười 2018
3,304
4,365
561
TP Hồ Chí Minh
THCS Nguyễn Hiền
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

- Ở nước Lào: cuộc biểu dương lực lượng lớn ở Viêng-chăn.
Ngày 23-8-1945, một cuộc biểu dương lực lượng lớn diễn ra tại Viêng Chăn. Từ sáng sớm, từng đoàn người, chủ yếu là thanh niên các dân tộc Lào từ các bản làng như Si Mương, Bản Phái, Phôn Khêng, Sỉ Khay; thanh niên và học sinh các trường trung học Pavie, Group Tafforin và cả các binh sĩ người Lào đổ về Viêng Chăn. Họ vừa đi vừa múa hát, cùng nhau kéo tới tập trung ở khu vực Chợ Mới, một địa điểm khá rộng của thành phố được chọn làm quảng trường biểu tình chống thực dân. Tại đây, lực lượng thanh niên yêu nước Lào và Việt kiều dựng khán đài, cổng chào, treo cờ hai nước Lào và Việt Nam.
Không khí quảng trường Chợ Mới sôi nổi như ngày hội lớn. Loa phóng thanh truyền đi những bài ca cách mạng, thông báo phát-xít Nhật đã đầu hàng và kêu gọi nhân dân đứng lên lật đổ chế độ thực dân, giành độc lập tự do. Trên bầu trời, một máy bay bay quanh thành phố rải truyền đơn và tranh ảnh thông báo về sự đầu hàng của phát-xít Nhật. Hoàng thân Kham Mao đọc lời kêu gọi khởi nghĩa: Thành phố hãy đứng lên! Thời cơ đã đến! Quân Nhật đã đầu hàng, chế độ nô lệ của thực dân Pháp đã sụp đổ. Đại diện Việt Minh ở Viêng Chăn được mời lên lễ đài thông báo, Cách mạng Tháng Tám đã thành công tại Việt Nam, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã được thành lập.
866eb8c0ac67358ce3098b8e232973c5.jpg

Đài tưởng niệm Tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào tại tỉnh Xiêng Khoảng.
Tiếp đó, đoàn người biểu tình đông tới 10 nghìn người tuần hành trên các đường phố Viêng Chăn, hát vang các bài hát cách mạng của hai nước, như “Tiếng gọi thanh niên” của Lào, “Mười chín Tháng Tám” của Xuân Oanh... Cuộc mít-tinh, tuần hành quần chúng ngày 23-8-1945 tại Viêng Chăn đã thắt chặt mối quan hệ đoàn kết chiến đấu chống ngoại xâm giữa Việt Nam và Lào.

- Ngày 23-8-1945: Khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Huế. Nhận thức rõ tầm quan trọng của Huế trong tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, ngày 20-8-1945, Trung ương Đảng cùng Đảng bộ Thừa Thiên-Huế đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Tố Hữu làm Chủ tịch. Đêm ngày 22-8-1945, hàng chục vạn nhân dân bao gồm cả nông dân ở các huyện đã kéo về thành phố.
Hue.jpg

Nhân dân Thừa Thiên-Huế tham gia giành chính quyền và kéo vào cửa Thượng Tứ (Đông Nam Môn, Kinh thành Huế), ngày 23/8/1945. (ảnh: baochinhphu.vn)
Rạng sáng ngày 23-8-1945, như kế hoạch đã định, lực lượng khởi nghĩa lần lượt thị uy chiếm các công sở của Chính phủ Nam triều. 16 giờ ngày 23-8-1945, tại sân vận động Huế, Ủy ban khởi nghĩa tiến vào lễ đài giữa tiếng hoan hô của hàng vạn nhân dân Thừa Thiên-Huế. Ðồng chí Tố Hữu đọc diễn văn nêu rõ tầm vóc, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa, đồng thời giới thiệu Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh do ông Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch.

- Tại Bến Tre, sau khi đại biểu Tỉnh uỷ đi dự Hội nghị Xứ uỷ trở về, Uỷ ban khởi nghĩa quyết định: Đêm ngày 23 tháng 8 năm 1945, căng biểu ngữ, rải truyền đơn, đọc lời kêu gọi nhân dân nổi dậy lật đổ chính quyền bù nhìn, thiết lập chính quyền cách mạng. Sáng ngày 24 tháng 8 năm 1945, Việt Minh ra công khai, lấy Câu lạc bộ thị xã làm trụ sở. Tỉnh uỷ chỉ đạo Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh, quận phải gấp rút chuẩn bị chu đáo để sáng ngày 26 tháng 8 năm thì nhất tề nổi dậy giành chính quyền.

- Ở tỉnh Kon-tum (do viên Tỉnh trưởng Hà Ngại cầm đầu), chịu ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh, phấn chấn trước thắng lợi của khởi nghĩa giành chính quyền ở nhiều nơi trong cả nước, nhóm trí thức, viên chức yêu nước và một số binh sĩ tiến bộ như Tôn Thất Hy, Hoàng Lẫm, Nguyễn Năng Tịnh, Võ Văn Dật… đã bí mật họp vào tối 23-8-1945, vạch ra kế hoạch tổ chức giành chính quyền ở tỉnh Kon Tum. Kế hoạch khởi nghĩa được chuẩn bị công phu, thống nhất do ông Võ Văn Dật phụ trách quân sự, đã thăm dò thái độ của lính bảo an ở các đồn, tìm cách thu chìa khóa các kho súng đạn và vận động binh lính hạ vũ khí, tiếp đón lực lượng khởi nghĩa; đồng thời, điện báo trước cho các đồn trưởng Đăk Tô, Kon Plong, Đăk Glei, các công sở tại tỉnh lỵ như: Tòa sứ, Dinh quản đạo, Bưu điện… chuẩn bị sẵn sàng trong thế bàn giao cho cách mạng.

- Ở Hải Phòng: ngay từ sáng sớm ngày 23/8, hàng vạn người dân từ nhiều ngả đường giương cao cờ đỏ sao vàng, như dòng thác lớn đổ về quảng trường Nhà hát lớn thành phố. Tiến vào trung tâm thành phố còn có lực lượng vũ trang của chiến khu Trần Hưng Đạo và Trung đội tự vệ Kiến An.
Đúng 10 giờ, cuộc mít tinh khổng lồ diễn ra, cờ đỏ sao vàng tung bay trước mặt tiền Nhà hát lớn, bài Tiến quân ca vang lên hùng tráng như thúc giục lòng người. Đồng chí Vũ Quốc Uy, thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của phát-xít Nhật; thành lập Ủy ban hành chính cách mạng lâm thời Hải Phòng.
Sau cuộc mít tinh, các đơn vị của chiến khu Trần Hưng Đạo và tự vệ thành phố thực hiện việc chiếm giữ các vị trí trọng yếu của địch như: Sở biến binh, Ty Liêm Phóng, Tòa thị chính, Bưu điện, bến Cảng, Nhà máy Điện, Nhà máy Xi-măng…

- Tại tỉnh Tân An, ngay sau khi Hội nghị mở rộng của Xứ ủy Nam Kỳ họp 20/8/1945 ở Chợ Đệm quyết định cho Tân An khởi nghĩa thí điểm nhằm thăm dò thái độ của quân giặc, nhân dân Tân An đã sục sôi khí thể chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa sắp đến. Sự kiện Tân An khởi nghĩa cướp chính quyền nhanh gọn và đầu tiên ở Nam Bộ vào ngày 23/8/1945 đã khiến Xứ ủy triệu tập Hội nghị mở rộng lần nữa, quyết định khởi nghĩa cướp chính quyền ở Sài Gòn vào tối 25/8/1945.

- Tại tỉnh Hòa Bình: sau khi giải phóng châu Kỳ Sơn ngày 22/8, đoàn quân khởi nghĩa trên đường 12A tiếp tục lên đường qua dốc Cun với tư thế chiến thắng, tiến thẳng vào Phương Lâm.
Hai giờ chiều 23-8-1945, trong khi lực lượng chiến đấu của khu căn cứ Tu Lý-Hiền Lương vẫn ém sẵn tại phía tây Dinh Tỉnh trưởng thì lực lượng tiến công chính gồm hàng trăm chiến sỹ tự vệ được nhân dân bờ phải dùng đò vượt sông Đà sang phía bờ trái, nơi tập trung doanh trại công sở chính quyền bù nhìn đầu tỉnh. Vô cùng hoảng sợ trước sức mạnh của quân khởi nghĩa, Tỉnh trưởng cùng một số quan chức bù nhìn ra tận bờ sông xin đầu hàng cách mạng. Lực lượng khởi nghĩa có sự hướng dẫn và hỗ trợ của tổ công chức cứu quốc đã tỏa đi chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu từ Dinh Tỉnh trưởng, Nhà dây thép đến Trại bảo an binh, Sở cẩm.... Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh diễn ra thuận lợi, nhanh gọn và không gặp sự phản ứng nào. Quân đội Nhật hoàn toàn án binh bất động.
Ngay chiều hôm đó, cuộc mít tinh lớn được diễn ra tại sân Phủ bộ đường (Dinh Tỉnh trưởng), Ủy ban quân sự cách mạng đã ra mắt quần chúng trong niềm vui vô hạn của đông đảo nhân dân các dân tộc. Đại diện Ban chỉ huy khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai phát xít, tịch thu toàn bộ tài sản, hồ sơ, dấu ấn, giải tán đội bảo an binh... Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ thành công là thắng lợi có ý nghĩa quyết định thúc đẩy mạnh mẽ việc giành chính quyền ở những nơi còn lại.

- Tại tỉnh Hà Đông: Từ ngày 20 đến ngày 23/8/1945, các làng xã: Văn Quán (nay là phường Văn Quán), Yên Định, Do Lộ, Thọ Vực (nay là phường Yên Nghĩa), các làng nay thuộc các phường Đồng Mai, Biên Giang, Phú Lương, Phú Lãm, Hà Cầu, Kiến Hưng, La Khê, Phú La, Phúc La đã nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời.

1212121.jpg

Nhà bà Đồ Hoan (phường Dương Nội) - Nơi cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ ở và làm việc.

- Tại Quảng Bình: ngay sau khi nhận được lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra sôi nổi và đều khắp ở các phủ, huyện, thị. Tại Đồng Hới, đêm 22 rạng sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945, lực lượng tự vệ Võ Xá, Trung Thuần và công nhân xe lửa, cùng với quần chúng nhân dân tiến vào trung tâm thị xã. Được quần chúng trong phố hưởng ứng và lực lượng Việt Minh trong các công sở tiếp ứng, đội tự vệ chiếm giữ nhanh chóng nhà bưu điện, kho bạc, đường giao thông, cầu thị xã. Đội tự vệ của công nhân có lính bảo an làm nội ứng bao vây đồn Bảo an binh. Sau đó, quần chúng kéo đến bao vây dinh tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng Quảng Bình là Nguyễn Thơ cùng một số quan lại của chính quyền tay sai đầu hàng và bị bắt giữ. Đối với quân đội Nhật, Tỉnh bộ Việt Minh gửi thư nói rõ chính sách của Việt Minh nên án binh bất động, không có hành động kháng cự. Trong một thời gian rất ngắn, toàn thị xã và dinh thự của tỉnh trưởng Quảng Bình lọt vào tay quân cách mạng. Ngay sau khi chiếm xong thị xã, quần chúng nhân dân tiến về tập trung trước dinh tỉnh trưởng để tham dự cuộc mít tinh chào mừng chính quyền cách mạng tỉnh. Chủ tịch Trần Văn Sớ thay mặt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh tuyên bố “bãi bỏ toàn bộ hệ thống chính quyền đế quốc, phong kiến từ tỉnh đến xóm thôn, thiết lập chính quyền mới. Các thứ thuế cũ đều bãi bỏ. Tù nhân ở trại giam được phóng thích. Các công sở của tỉnh vẫn tiếp tục làm việc bình thường”
Cũng trong đêm 22 rạng sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra và thắng lợi ở các phủ lỵ, huyện lỵ Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Tuyên Hóa. Đa số Ủy ban Khởi nghĩa các phủ, huyện lập tức chuyển thành Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời ra mắt nhân dân ngay sau khi chiếm xong phủ lỵ, huyện lỵ.


- Tại Quảng Trị: 1 giờ sáng ngày 23/8/1945, các đơn vị vũ trang đột nhập thị xã, chiếm lĩnh tất cả các vị trí, trận địa đã được phân công, các lực lượng biểu tình thị uy chính trị cũng từ các hướng Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc và Tây đều nhất tề trương băng cờ, khẩu hiệu... rầm rộ tiến vào thị xã Quảng Trị. Đồng thời, để ngăn chặn hoạt động phản ứng của địch, để uy hiếp và đè bẹp ý chí kháng cự của chúng, lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị đã sẵn sàng trong tư thế chiến đấu. Đến 4 giờ sáng, mọi lực lượng cách mạng đã vào hết trong thị xã, tập kết đúng nơi quy định. Tiếp đến các đơn vị chuyển sang tuần hành thị uy. Cả thị xã Quảng Trị lúc này là một biển người, với một rừng băng cờ, khẩu hiệu kéo đến từ các ngã đường với khí thế hùng dũng, hiên ngang.
5 giờ sáng ngày 23/8/1945, thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực trèo lên tầng trên dinh tỉnh trưởng (tức Tòa công sứ Pháp, do Phan Văn Hy làm tỉnh trưởng từ 9/3/1945) giật phăng lá cờ bù nhìn xuống, kéo lên lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh. Ở hành cung trong thành Dương Đậu, cờ cách mạng cũng được kéo lên, chấm dứt chế độ phong kiến, thực dân hàng ngàn năm đô hộ.
Đến 9 giờ ngày 23/8/1945, trước tòa công sứ Pháp, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức với hàng ngàn quần chúng nhân dân tham gia. Thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực trịnh trọng tuyên bố: xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng

- Tại Bình Định: sáng 23-8, cả Quy Nhơn sục sôi khí thế cách mạng. Hàng ngàn công nhân, người lao động và các tầng lớp nhân dân giong trống mở cờ từ các nơi, mang theo cờ đỏ sao vàng và các loại vũ khí thô sơ, rầm rập tiến về Quy Nhơn. Tại sân vận động Quy Nhơn, sau khi Ủy ban khởi nghĩa đọc lời hiệu triệu, quần chúng nhân dân đã nhất tề xông lên khởi nghĩa. Trong khí thế ngất trời, lực lượng quần chúng (có các đội tự vệ cứu quốc đi đầu) đã chia thành 2 đoàn tiến chiếm 2 mục tiêu quan trọng là Đốc bộ đường và Tòa đốc lý rồi hợp lại chiếm trại bảo an tỉnh. Trước khí thế sục sôi của quần chúng, tại Đốc bộ đường, tỉnh trưởng Bình Định là Phạm Phú Tiết xin nạp ngay ấn tín, kiếm lệnh cùng toàn bộ hồ sơ, tài sản và các công sở cho nhân dân. Tại đồn bảo an, trước khí thế áp đảo của quần chúng, tên đồn trưởng đã phải nạp vũ khí, giao đồn và kho tàng cho Việt Minh. Tiếp đến, quần chúng chia thành nhiều toán đi chiếm các công sở của chính quyền bù nhìn. Sau đó, tại khu đất đối diện với Đốc bộ đường (nay là Bệnh viện TP Quy Nhơn), quần chúng tham gia cuộc mít tinh chào mừng việc thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nguyễn Huệ do đồng chí Võ Xán làm Chủ tịch.

khoinghiaoQuyNhon.jpg

Tranh vẽ cảnh khởi nghĩa cướp chính quyền ở Quy Nhơn trong Cách mạng tháng Tám (ảnh chụp lại)
Sáng 23-8, 200 công nhân và tự vệ cứu quốc của huyện Bình Khê xuống Quy Nhơn tham gia cướp chính quyền tỉnh lỵ. Ngày hôm sau, hơn 3 ngàn quần chúng yêu nước, có tự vệ cứu quốc dẫn đầu, sôi sục tiến về huyện lỵ.

- Tại tỉnh Lâm Viên:
Chiều tối 22/8, ta giành được chính quyền ở tỉnh Di Linh; buộc Tỉnh trưởng Di Linh là Cao Minh Hiệu bàn giao sổ sách cho đại diện cách mạng. Di Linh chưa thành lập được chính quyền cách mạng vì chưa bó trí kịp cán bộ quản lý
Tại thành phố Đà Lạt, theo đúng kế hoạch đã định, sáng sớm ngày 23/8/1945, từ các địa bàn ngoại ô, các tầng lớp nhân dân hàng ngũ chỉnh tề mang theo cờ, khẩu hiệu, các loại vũ khí thô sơ rầm rộ kéo về tập trung trước nhà thông tin triển lãm (nay là khu vực trước rạp 3/4) dự mít tinh. Đặc biệt, đoàn biểu tình của đồng bào các dân thiểu số ở tổng Lạch (nay là xã Lát huyện Lạc Dương) cũng kéo về Đà Lạt tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Tại khu vực trung tâm, gần 10.000 người đội ngũ chỉnh tề với khí thế sôi sục cách mạng chờ lệnh. Được lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, cả một rừng người rợp cờ đỏ búa liềm và cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu kéo đến bao vây dinh Tỉnh trưởng Lâm Viên (nay là số 4 Thủ Khoa Huân) liên tiếp hô vang các khẩu hiệu “đả đảo chủ nghĩa đế quốc”, “đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”, “ Mặt trận Việt Minh muôn năm”… Trước sức mạnh của quần chúng và thái độ kiên quyết của Uỷ ban khởi nghĩa, Tỉnh trưởng Lâm Đồng là Ưng An khúm núm đem nộp ấn tín, sổ sách. Lấy xong dinh tỉnh trưởng, đoàn biểu tình kéo đến bao vây đồn bảo an, đồn trưởng Quản Trang tập trung binh lính trước sân để làm lễ giao đồn, nộp kiếm và vũ khí, giấy tờ. Cùng lúc đó cờ quẻ ly bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay. Từ đồn bảo an, đoàn biểu tình kéo sang phá cửa nhà lao, thả hết những người bị Nhật bắt giam. Tiếp đó, đoàn biểu tình kéo đến bao vây dinh Tổng đốc của 4 tỉnh “Lâm - Đồng - Bình – Ninh” là Trần Văn Lý. Sau 2 giờ thương thuyết không có kết quả, Uỷ ban khởi nghĩa quyết định bắt giam Trần Văn Lý, thu toàn bộ ấn tín, sổ sách, giấy tờ và tài sản. Sau khi đã chiếm được các vị trí quan trọng, Uỷ ban khởi nghĩa quyết định phân tán lực lượng thành các đoàn nhỏ để tiếp quản Sở Liêm phóng, đồn cảnh sát, bắt một số tên cảnh sát, mật thám ác ôn, nhưng không thu được giấy tờ sổ sách vì chúng đã đốt trước lúc lực lượng cách mạng đến. Ngoài ra, ta còn tiếp quản một số cơ sở quan trọng khác.

- Tại Gia Lai: Sáng 23-8-1945, nhiều đoàn biểu tình các nơi kéo về, cùng những đoàn quần chúng thị xã, đội ngũ chỉnh tề, trang bị gậy gộc, giáo mác, giương cao cờ đỏ sao vàng tiến về trung tâm thị xã. Một cuộc biểu dương lực lượng trên 1 vạn quần chúng chưa từng có ở Pleiku gồm công nhân đồn điền, nông dân người Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số, cùng các tầng lớp nhân dân thị xã tập trung mít tinh tại Tòa công sứ, sau đó chia thành 2 cánh tuần hành qua các phố chính trong thị xã. Các đoàn tuần hành vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh”.
- Tại Bạc Liêu: Đúng 7 giờ sáng ngày 23/8/1945, đoàn đại diện của ta gồm đồng chí Tào Văn Tỵ, tú tài Nguyễn Văn Năm và Trương Minh Cảnh cùng hai bảo vệ có vũ trang súng lục tiến lên văn phòng tỉnh trưởng, buộc phải giao chính quyền cho cách mạng. Tỉnh trưởng Trương Công Thiện còn lo quân Nhật quay trở lại, chưa trả lời dứt khoát, thì ở dưới lầu có người gọi điện thoại xin mời tỉnh trưởng xuống chào cờ (có lệ chào cờ quẻ ly mỗi buổi sáng trước khi làm việc) vì tất cả các nơi viên chức đều tập hợp đến đã lâu. Tỉnh trưởng Thiện mời phái đoàn của ta cùng đi xuống. Vừa bước ra khỏi cửa thì Thiện thấy cả đoàn người vây kín vòng trong vòng ngoài của tòa hành chính, đặc biệt có cả quân đội ngụy và hàng hàng lớp lớp Thanh niên tiền phong, lúc này Thiện đã hoãn sợ, chân đi không vững. Khi Thiện định bước đến vị trí của y để chào cờ, thì cũng vừa ngay lúc ấy đồng chí Tào Văn Tỵ thấy đồng chí Phan Thái Hòa chỉ tay lên tấm băng gol treo phía trước căng ngang trên cổng ra vào, đồng chí Tào Văn Tỵ thấy hàng chữ “Khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm vạn tuế” liền hô to: Đả đảo Nguyễn Văn Sâm! Đả đảo bọn bù nhìn tay sai Nhật! Tất cả lực lượng của ta ở vòng trong lẫn vòng ngoài đều hô theo: Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo! Tiếng hô vang dội một góc nội ô thị xã. Cùng lúc đó, đồng chí Phan Thái Hòa leo lên giựt tấm băng gol ném xuống đất. Và tiếp theo đó, tiếng hô khẩu hiệu liên tục: Đả đảo bọn bù nhìn! chính quyền về tay nhân dân!
Trước khí thế cách mạng trào dâng, tỉnh trưởng Trương Công Thiện buộc phải đầu hàng và y công bố tại chỗ kể từ giờ phút này, chính quyền tỉnh Bạc Liêu về tay cách mạng, thuộc về nhân dân. Đồng chí Tào Văn Tỵ, thay mặt chính quyền cách mạng thông báo trước quần chúng: “Chính quyền đã về tay nhân dân”. Đến 9 giờ 30 phút cùng ngày đoàn biểu tình thị uy diễu hành qua các đường phố chính trong thị xã. Đến 14 giờ ngày 23/8/1945, Trương Công Thiện mặc áo dài khăn đóng đến trụ sở Mặt trận Việt Minh tỉnh, hai tay run rẩy dâng bản đầu hàng vô điều kiện và bàn giao chính quyền cho Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh Bạc Liêu. Như vậy, kể từ ngày 23/8/1945 ở Bạc Liêu, chính quyền đã về tay nhân dân.

Tham khảo:
1. nhandan.com.vn
2. baoninhthuan.com.vn
3. truongchinhtribentre.edu.vn
4. tuyengiaokontum.org.vn
5. anhp.vn
6. vjol.info
7. hoabinh.gov.vn
8. skhcn.quangbinh.gov.vn
9. tinhuyquangtri.vn
10. arcgis.com
11. baobinhdinh.com.vn
12. lamdong.gov.vn
13. gialai.gov.vn
14. svhttdl.baclieu.gov.vn
 
Last edited:
Top Bottom