Mẹ - 'người lái đò' vĩ đại
>>> Một entry mà anh cóp nhặt được và thấy nó thật ý nghĩa. Dù rằng, trong chúng ta có thể mẹ không phải là một giáo viên được theo học đúng trường sư phạm, nhưng mẹ vẫn là mãi là "cô giáo" vĩ đại của chúng ta. Một lời chúc cho mẹ của chúng ta nhân ngày 20/11...
Một "người lái đò" thầm lặng mà vĩ đại, đó là mẹ tôi.
Mẹ là thầy của hàng trăm thế hệ sinh viên và "lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo" của chị em chúng tôi. Mẹ là cô giáo trường cao đẳng - giản dị, nghiêm khắc và tận tâm với nghề, mái tóc mẹ giờ đã điểm hoa râm. Vậy mà ngày hai buổi, mẹ đạp xe trên con đường mịt mù bụi đỏ đến trường, nơi những sinh viên đang chờ đón và mong được học hỏi kiến thức.
Gần 30 năm đứng trên bục giảng là 30 năm chưa một lần mẹ đến lớp muộn giờ. Dù đau ốm, mẹ vẫn gắng gượng tới lớp vì một lẽ: "Chỉ mình mẹ nghỉ thôi là hàng trăm sinh viên cũng phải nghỉ theo, lớp học nhốn nháo ảnh hưởng tới các lớp khác con ạ".
Thuộc thế hệ đào tạo lớp người cũ, giờ đây kiến thức mới khó và nặng nề nhất là môn mẹ dạy, vậy mà mẹ vẫn cần mẫn học hỏi để làm tròn trách nhiệm của người thầy. Chưa bao giờ mẹ không hoàn thành công việc được giao đúng thời hạn. Nhiều đêm, mẹ thức trọn để giải những bài toán hóc búa mà học sinh hỏi, rồi lại cộng điểm, soạn bài… nhiệt huyết như ngày còn trẻ.
Những học sinh nổi tiếng là cá biệt học mẹ đều trở thành học trò ngoan. Có những cậu học trò ngày nào luôn trêu trọc, hay phá phách cô giáo cũng nghe lời mẹ tôi tu chí học hành. Cậu còn thường xuyên đến nhà tôi chơi như con cháu. Cậu nói: "Cả trường này em nể cô nhất. Cô nói em không thể không nghe được, không có cô chắc em phải hối hận cả đời…".
Sinh viên của mẹ giờ có người đã làm giám đốc thành đạt, có người đã làm ông, làm bà và cả những người đã làm ở chức vụ cao. 20/11 hàng năm, từng tốp học sinh tề tựu đông đủ chúc mừng mẹ. Cảm động nhất là ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam năm ngoái, nghe tin mẹ tôi ốm, những sinh viên mẹ từng dạy từ những khóa đầu tiên bất ngờ quay về thăm.
Cô giáo của họ năm xưa giờ đã thay đổi nhiều lắm, tóc đã bạc, mắt phải đeo kính mới có thể đọc được chữ nhưng vẫn cô giáo minh mẫn gọi tên từng người và kể lại những kỷ niệm khó quên trong năm tháng. Cô trò tíu tít hỏi han, chụp ảnh lưu niệm thân thiết như ngày nào. Họ cho mẹ địa chỉ những thầy thuốc tốt có thể chữa khỏi căn bệnh cột sống của mẹ.
Một học trò khác của mẹ đang là luật sư ở bên Mỹ, chưa bao giờ chị quên về thăm mẹ tôi mỗi khi chị về nước vì mẹ là người đã động viên chị theo học bổ túc cấp 3 rồi đi học đại học để chị có đủ điều kiện có được vị trí như ngày hôm nay. Mẹ tôi tự hào và cảm động không kể xiết.
Rất tiếc, ba chị em chúng tôi không ai được làm học trò của mẹ. Chúng tôi, mỗi người mỗi nghề không đứa con nào của mẹ làm nghề dạy học. Ngày 20/11 chúng tôi cũng đến thăm thầy cô của mình nhưng chưa bao giờ có món quà nào tặng mẹ. Dường như chúng tôi đã quên mất mẹ cũng là cô giáo.
Mặc dù vậy, mẹ vẫn là "cô giáo" của chúng tôi ngay từ tấm bé. Chị em tôi tự hào về góc học tập của mình, gọn gàng, ngăn nắp và sách vở luôn bọc sạch sẽ, vuông vắn, giờ đây khi đã lớn chúng tôi không thể nào quên những điều mẹ dạy, những lời tâm sự của mẹ: "học tập mới làm các con mở mang kiến thức". Mẹ cùng chúng tôi làm bài tập đến khuya. Mẹ dạy cho hai chị tôi nữ công gia chánh. Dạy cho chúng tôi biết cách đối nhân xử thế để mọi người yêu quý và tôn trọng.
Thời gian gần đây, mẹ không được khỏe. Mẹ đã choáng và ngã khi đang đến trường khiến cả gia đình và bạn bè của mẹ lo lắng. Mẹ phải gắng gượng giảng bài dù cho cổ họng đau buốt. Nhưng rồi mẹ vẫn cố gắng đưa những chuyến đò cuối cùng cập bến bình an trong những ngày chuẩn bị về hưu.
Ngày 20/11 năm nay có lẽ là lần cuối cùng mẹ được tôn vinh trên cương vị của một nhà giáo đang công tác. Chắc mẹ sẽ buồn lắm khi phải xa mái trường nửa đời gắn bó, xa đồng nghiệp và những học sinh thân thương của mình! Hy vọng rằng bài viết nhỏ của tôi sẽ đến được với mẹ để tôi quên đi mặc cảm về sự vô tâm của mình.