Chiến tranh
- Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày- Trịnh Công Sơn.
"Chân trời chết chóc mở ra mênh mang, vô tận những nấm mồ bộ đội mọc lên nhấp nhô tựa sóng cồn..." bên bếp lửa đàn ghi ta bập bùng, quân lính thời 74 hát, lời ca khốc liệt làm ớn lạnh những đêm trường, "ôi chiến trận không bến không bờ... ngày mai hay hôm nay, hôm nay hay ngày mai, nói đi số mệnh ơi, bao giờ tôi sẽ...".
Chiến tranh trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh cũng có những thắng lợi vẻ vang, những giờ phút lịch sử, tình đồng đội xúc động, sự dũng cảm chiến đấu hi sinh của người chiến sĩ.... nghĩa là như nhiều, nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh trước đó (và có thể, sau này). Nhưng đó không phải là ấn tượng chủ đạo về chiến tranh mà tác phẩm mang lại cho người đọc.
Không chỉ có chiến thắng mà còn chiến bại, mở đầu tác phẩm là một trận đánh tổn thất nặng nề, ghê gớm mà qua sự miêu tả của tác giả, người ta thấy hết được sự ghê rợn, khủng khiếp của cuộc chiến. Ngay cả chiến thắng cuối cùng, 30-4-75 với Kiên -nhân vật chính của tác phẩm- cũng không phải là hình ảnh của một ngày vui trọn vẹn, non sông thống nhất mà chỉ để lại trong anh nỗi mệt mỏi, chán chường, sự ghê tởm chiến tranh và cũng là cất đi một gánh nặng bấy lâu anh phải chịu đựng.
Hình ảnh người chiến sĩ không phải hiện lên với lí tưởng chiến đấu giải phóng quê hương, tinh thần lạc quan cách mạng. Tác phẩm cho ta nghe những bài hát họ vẫn hát cho nhau, nhìn cảnh chiến sĩ tìm quên lãng, thoát khỏi thực tại khốc liệt bằng khói hồng ma, được chứng kiến những cảnh giết chóc, cướp bóc bạo tàn...
Nhưng theo tôi, cái mới, cái hay nhất của BN trong tiểu thuyết này là nhìn nhận chiến tranh dưới cái nhìn cá nhân, cái nhìn của nhân tính. Và từ góc nhìn đó, chiến tranh hiện lên với hình hài đáng sợ. Những cuộc đánh giết liên miên hủy hoại nhân dạng, nhân tính của những con người tham chiến (không kể địch ta), hủy hoại nghệ thuật (những tác phẩm của bố dượng Kiên), hủy hoại cái đẹp (biểu tượng là Phương). Chính việc lựa chọn điểm nhìn đó đã nâng tầm tiểu thuyết này, vượt trên tính dân tộc thuần túy mà thể hiện những vấn đề nhân loại, mang tầm tư tưởng và nhân văn sâu sắc.... (càng viết càng chán, để lần sau viết tiếp vậy)