T
tranquang
Ðất nước xếp hàng
Người Mỹ là một dân tộc hay giúp đỡ người khác, "Tôi có thể xin được phục vụ ngài?" không phải chỉ là câu nói giao đãi sáo rỗng đưa đẩy, mà là hành động giúp ngay làm ngay. Trừ Niuoóc và một vài nơi có bến cảng, chỉ cần thấy khuôn mặt bạn lộ ra vẻ lo lắng suốt ruột, thể nào cũng có người đến đặt câu hỏi này. Nếu bạn là người có hoài bão, trả lời : "Ðúng rồi, mình đang cần giúp đỡ, cho mình vay khoảng năm mươi tỷ đô-la quay vòng trong hai mươi năm, được chứ?" Tất nhiên là không được rồi. Nhưng giả sử bạn chỉ lạc đường thôi, thì e rằng họ phải bận bịu một thôi một hồi, thế nào cũng giải thích cho bạn biết một cách tỷ mẩn; nếu chẳng may trình độ Anh văn của bạn cũng ngang tầm với ông Bách Dương thì, dù họ có nói giời nói đất đi chăng nữa, bạn vẫn không hiểu, lúc ấy có thể họ kéo bạn chạy ngược chạy xuôi, trông bạn cứ như vương tôn công tử mà họ lại như thằng lái buôn chạy cờ ấy.
Bách Dương phu nhân, vì vết thương ở lưng chưa khỏi hẳn, khi lên đường phải mang theo một tấm mây đan chuyên dụng để dựa lưng. Dùng tấm mây đan ở Ðài Loan đến nửa năm mà chẳng có điều tiếng gì, nhưng khi đến nước Mỹ, nó gây ra bao nhiêu sóng gió. Bất cứ đến đâu, đều có một ông da trắng lo lắng cho tấm lưng của bà, bao giờ họ cũng tưởng tượng nó kêu răng rắc và gẫy đôi bất cứ lúc nào thì phải. Trên máy bay, trên tàu hỏa, bà cứ như khoác long bào trên người, đứng cũng không dám đứng, hơi nhấc mông lên là họ nhún vai cười, đon đả : "Tôi có thể xin được phục vụ bà không ?" Tất nhiên là không thể rồi, bà ấy muốn đi cầu, có ai đi ỉa thay bao giờ ? Bà ta khổ đến nỗi đành phải nhịn, không thì thịnh tình của họ khó từ chối.
Trong quan hệ xã giao của người Trung Quốc, từ trước không sính trò này, mà ngược lại, những người hay giúp đỡ kẻ khác đều được đặt một cái tên hoa lá cành là "những người rách việc". Ngưòi nào mà thấy việc bất bình xẩy ra ngoài đường, dám cả gan rút dao tương trợ, thì lập tức những viên đạn hình dung từ bay vèo vèo đuổi theo găm vào hắn : "Cứ hay nhúng vào chuyện người khác", hành vi cử chỉ "ngược đời", ắt "có ý đồ gì đây". Cho nên, thay vì ở Ðài Bắc, ngay cả bạn mắc chứng thượng thổ hạ tả gục ngay đầu đường, tôi dám đánh cược với bạn là bảo đảm không ai đến dìu bạn đâu.
Còn nhớ năm ngoái, ông Bách Dương vào xem phim ở Ðài Bắc cùng với ông bạn người Mỹ, có ông khán giả tự nhiên sủi bọt mép, từ ghế ngồi ngã vật xuống, hai nhân viên ở rạp chiếu bóng đến khiêng ông ta ra ngoài, không cần phải hỏi, tất nhiên là họ đưa vào bệnh viện rồi. Ai ngờ khi tan rạp, ông tiên sinh nọ vẫn nằm nguyên trên sàn xi-măng bên lối đi cổng phụ, hình như ông ta không phải "con cháu nòi rồng", mà là tù binh vừa tóm được ở bộ lạc man di mọi rợ đâu đây, dòng người ra về ùn ùn như nước, tuyệt nhiên không một người vì thế mà dừng chân, ông bạn Mỹ kinh ngạc vô cùng, than rằng : "Người Trung Quốc với người Niuoóc chẳng khác nhau là bao, vô tình và lạnh lùng quá".
Ông bạn Mỹ của tôi không nói vô tình lạnh nhạt như người Mỹ là chỗ khôn khéo của ông ta, bằng không, lão già Trung Quốc thiết tha yêu nước như tôi đây, có thể cho rằng ông ta ví dụ không đúng, nói năng sọc sía, còn "chia rẽ tình cảm giữa người dân và chính phủ". Sở dĩ ông cố tình nêu ra Niuoóc vì Niuoóc là đại bản doanh của những nhân vật "không mất gốc", nghe nói người nước ngoài chiếm bốn phần năm tổng dân số Niuoóc, đến nỗi hễ nhắc đến Niuoóc là người Mỹ không chịu nhận là thành phố của mình.
Mặc dù vậy, là một người Trung Quốc, đẻ trên đất Trung Quốc, muốn giúp đỡ người Trung Quốc, cũng không phải chuyện dễ dàng. Ông Bách Dương ở trong tập "Ðâm mạnh vào vại tương" đã nói tung vấn đề này, người nào mà không có phẩm chất cao quý, mãi mãi không hiểu được phẩm chất cao quý của người khác, cũng chẳng thể tin rằng người khác có được phẩm chất cao quý đó. Những mũi tên tẩm thuốc độc - "Những người rách việc", "Cứ nhúng vào chuyện người khác", "Hẳn có ý đồ" đã lên cung nỏ từ lâu, chỉ cần đối phương hé ra ý định đòi giúp người khác, thì sẽ bắn ra loạn xạ. Bạn tôi - Dương Hy Phượng, là người lái tăcxi (ông thường xuyên chở hai chúng tôi đi dạo phố). Một buổi chiều mưa, ông chở một phụ nữ ướt như chuột lột, ngồi trên xe vẫn run cầm cập, hai hàm răng đánh vào nhau kêu cách cách, ông Dương động lòng trắc ẩn, vừa vặn bà vợ ông nhờ đi hiệu giặt lấy về bộ quần áo len, ông ta đề nghị : "Tiểu thư, cô có thể thay tạm bộ quần áo ướt ra, đợi khi về đến nhà rồi cô trả cho tôi cũng được." Chị ta nghe thấy nói cởi quần áo, lập tức trợn tròn con mắt, gào lên : "Dê cụ, muốn tôi báo cảnh sát hở ?" Ông tức đến mức phải nguyền rủa chị ta sẽ bị ho lao thối phổi. Còn một ông bạn khác là Lý Thụy Ðằng, giáo viên của Ðại học đường văn hóa Trung Quốc, một lần lên xe buýt, nhìn thấy tay nắm chiếc ô của một phụ nữ (xin lỗi, lại là phụ nữ) bị rơi xuống sàn, suýt nữa bị giẫm nát, ông ta vội nhặt lên, chen chúc mãi mới đến được ghế ngồi phía sau trả cho cô ấy. Ðội ơn Quan Thế Âm Bồ Tát, cô nàng này xem chừng có văn hóa hơn, không chửi "dê cụ", nhưng lại không biết "cám ơn", chỉ giương đôi mắt như cá ươn, nhìn chằm chằm, chẳng nói lấy một lời. Thế là Lý tiên sinh đại thất bại, đến kêu với tôi rằng : "Ông này, ông nói thử xem, người Trung Quốc nhà mình bị làm sao ấy nhỉ ?" Ôi, người Trung Quốc hình như vẫn dừng ở thời đại ăn hang ở lỗ, khoác tấm áo giáp như gai nhím trên mình, chỉ thò ra hai con mắt lạnh lùng, nghi kỵ, tâm thần bất ổn, nhìn thiên hạ bằng con mắt hổ vồ.
Bây giờ trở lại giới thiệu tiếp tấm mây đan của Bách phu nhân, tấm đan ấy thế mà tác dụng lắm, không những khiến các Tây đại nhân hầu hạ mọi chốn mọi nơi, thậm chí gặp cảnh xếp hàng cũng được mọi người nhường lên đằng trước. Nói về chuyện xếp hàng, có thể coi là chiếc nhiệt kế đo nền văn minh bề ngoài của nhân loại. Quan sát trật tự hàng lối của một đất nước, có thể phán đoán trình độ văn minh của họ một cách chuẩn xác. Tôi ở nước Mỹ chỉ hai tháng giời, đã muốn đổi tên Hợp chúng quốc A-me-ri-can thành Xếp hàng quốc A-mê-ri-can, nhưng tóm lại ở nước Mỹ, việc xếp hàng không những quá mức, còn trở thành tai nạn nữa, không thể không tiếc thay cho các bạn da trắng da đen trên hai hàng lối kia, lãng phí bao nhiêu là thời gian trong việc này. Lên máy bay xếp hàng, xuống máy bay xếp hàng, kiểm tra hành lý xếp hàng, xuất trình hộ chiếu xếp hàng, mua tem xếp hàng, gửi thư xếp hàng, nộp tiền, rút tiền xếp hàng, chờ xe buýt xếp hàng, đi vệ sinh xếp hàng, nhưng khiến người ta suốt ruột nhất, là bất cứ cửa hàng ăn nào to hay nhỏ cũng xếp hàng.
Về chuyện xếp hàng, không phải nói khoác đâu, nhưng tôi chẳng đếm xỉa làm gì. Chẳng phải mình tôi đâu, toàn thể người Trung Quốc cũng chẳng ai đếm xỉa làm gì. Nhưng phải phân biệt xếp hàng ở Mỹ và xếp hàng ở Trung Quốc, cả hình thức và nội dung, đều không giống nhau. Nó cũng giống như vạch ngang cho người đi bộ sang đường ở Mỹ và ở Trung Quốc đều không giống nhau. Tóm lại, người Trung Quốc xếp hàng chỉ là một học thuyết, còn người Mỹ xếp hàng lại là một cách sống. Ở Ðài Bắc, xếp hàng chỉ áp dụng được nửa đoạn, mọi ngưòi chờ xe buýt xếp hàng, đang yên đang lành đùng một cái xe đến, là cứ như Mục Quế Anh xông vào trận Thiên Môn, lập tức liểng xiểng gạch ngói, xô trước đẩy sau. Kẻ yên hùng mở đường máu, nhẩy lên chiếm chỗ trước, còn già yếu thương phế binh cứ đâm nháo đâm nhào mãi đằng sau, bươu đầu sứt trán. Trời ơi, thật không biết lúc đầu xếp hàng để làm gì ? Nhằm kiếm một chỗ ngồi, hay sợ không chen được lên xe, đành cho một cái trâu húc mả còn dễ hiểu. Nhưng ngay cả tàu hỏa, ô-tô đã ghi rõ số ghế, mà ghế ngồi thì hàn bằng sắt, chẳng bay mất được cũng chẳng sợ mông người ta cắm đinh, thật sự không hiểu tại sao còn phải tranh cướp nhau ? Còn người Mỹ, hình như đẻ ra số là xếp hàng cả đời, cho nên họ cứ bình tĩnh như không. Hay là Trung Quốc người đông, đến khi xếp hàng thì gáy đằng trước chạm mũi đằng sau, kẻ ôm người đẩy, quần áo người nọ dính chặt người kia, đứa hổn hển, đứa hở cả thịt da, trông xa thân mật như những người bạn chiến đấu. Chỉ Tây đại nhân xếp hàng là uể oải, thưa thớt, gặp lúc có xe qua lại, hoặc đến đầu đường đầu ngõ, họ còn tự động ngắt quãng, trông xa có vẻ thương tâm, nhìn vận nước của họ thế kia mà tự nhiên lâm ly cảm khái.
Ở Niuoóc, một người bạn bảo tôi cùng đến một ngân hàng nổi tiếng chen chúc để rút tiền. Tôi tự nhủ, anh này chắc được nghe nói tôi giỏi võ chen xe buýt ở Ðài Bắc, bèn bảo tôi đem chuông đi đấm nước người, mà bản thân tôi cũng thích diễu võ dương oai. Khi bước vào cửa, thì thấy các quầy xếp thành một hàng thẳng tắp, mỗi quầy chỉ có một khách hàng đứng xì xồ ở đó, bụng đã mừng thầm, nhanh như chớp tôi nhảy phắt vào xếp sau một vị đứng trước quầy, không ngờ ông bạn túm lấy tôi như bắt được thằng ăn cắp, còn chơi chiến thuật khóa họng nữa, lôi xềnh xệch tôi ra ngoài, không những không xin lỗi về hành vi lỗ mãng của ông ta, còn trách móc: "Ông làm gì đấy?" Tôi nói không ra hơi nữa: "Tôi xếp hàng chứ còn làm gì nữa, từ ngày đặt chân đến quý quốc của các ông, làm gì vướng đấy, xếp hàng cũng phạm pháp chắc?" Ông ta nói : "Phạm pháp thì không, phạm quy thì có". Hóa ra trước quầy giao tiền ở ngân hàng, dưới đất có một vạch - giống vạch ở quầy soát hộ chiếu trong nhà ga sân bay, người đến sau đều phải đứng chờ ở dưới vạch đó, chưa đến lượt gọi thì không được vượt ra tùy tiện. Mà ở đó đã xếp đến năm sáu chục người rồi, họ đều phải chờ đến vị khách đứng trước quầy đi khỏi, bàn tay ngọc của ông bà ngồi sau quầy vẫy khẽ, mới được phép nẩy như hạt đỗ, vào trong bổ khuyết. Ôi dào, nước Mỹ thành lập chưa được bao lâu, sao mà lắm quy củ thế, thủ tục lễ nghi thế này, không hiểu có ảnh hưởng đến sĩ khí, lòng dân ?
Thế nhưng, cái đáng sợ còn là, ở mọi cửa hàng cơm lớn nhỏ, cũng phải xếp hàng, điều đó vượt quá xa phạm trù học vấn vĩ đại của tôi, từ thời Bàn Cổ khai thiên lập địa, chưa từng nghe nói vào hàng cơm phải xếp hàng cả. Bách lão lần đầu ăn cơm ở cửa hàng San Francisco, mới bước vào đã bị bà nhà kéo ra. Ô hay, có hàng đâu mà xếp cơ chứ, đương nhiên là sải bước vào trong rồi, lôi lôi kéo kéo gì thế ? Ai mà biết được rằng, dù chẳng có bóng ma nào cũng phải đứng đấy đã, chờ cho cô phục vụ dẫn vào ghế ngồi như dẫn hồn ma ấy. Nếu không có ai đến chỉ dẫn, thì có chết đói ngay tại chỗ cũng không được vượt lôi trì dù nửa bước.
Ấn tượng mạnh mẽ nhất là một đêm ở Thung lũng, vất vả lắm mới tìm được một quán trọ còn mở cửa, quán trọ ấy lại rộng lòng đặc ân, miễn xếp hàng, nhưng khách trọ phải đến đăng ký quý danh tại quầy trực ban trước, sau đó ngồi ngoài cửa chờ người ta gọi. Bà hầu phòng hễ xuất hiện, là trở thành Ðức Mẹ cứu khổ cứu nạn, đại từ đại bi của mọi người. Tất thảy giương đôi mắt như con chiên đang cầu Chúa, lo lắng nhìn về hướng bà ta. Nghe bà ta phun vàng nhả ngọc, truyền gọi mỗ mỗ tiên sinh có thể vào được rồi, cả gia đình lớn bé của ông mỗ mỗ, hô vang như sấm, kêu hét ầm ĩ. Ừ nhỉ, hà tất phải tốn thêm lần thủ tục như vậy!
Ở Ðài Bắc thì không có cảnh này, một lũ ma đói kéo đến hàng cơm, rõ ràng khách đã ngồi kín cả hầm cả hố, vẫn cứ xông vào hang hùm, chọn một bàn đoán là sắp ăn xong vì bát đĩa chổng chơ, cốc tách ngang ngửa, rồi đứng vây kín xung quanh. Khách ngồi ăn dở trên bàn cũng chẳng lạ lẫm gì với thế trận này, mặc cho lũ ma đói giận dữ nhìn chằm chằm vào quý miệng của họ, quý miệng ấy vẫn nhai vẫn nuốt rất từ tốn, thở không bị ngạt, nuốt không bị nấc, mặt không biến sắc. Cuối cùng, chán chê mới chịu rút lui. Lũ ma đói được thăng cấp, trở thành thượng khách. Lại một tốp ma đói khác ào vào, lại vây kín mặt bàn, nhìn ngó tứ phía. Một cảnh chó sói đất Phi châu đang ngoẹo cổ nhìn cá sấu nhai nhồm nhoàm được tái diễn, quả là dễ sợ!
Chuyện đau lòng nhất là nhiều hàng cơm Trung Quốc ở nước Mỹ dần dần cũng nhiễm phải thói xấu thế này, bỏ rơi nền văn hóa "xem ăn" truyền thống của chúng ta. Mọi người đều nói nước Mỹ là một nước tự do, ý kiến của tôi có điều ngược lại, chỉ cần xếp hàng thế thôi, cũng đủ khiến người ta xếp đến phân liệt tinh thần.
Trích từ "Giẫm phải đuôi của hắn"
(Vẫn còn tiếp)
Người Mỹ là một dân tộc hay giúp đỡ người khác, "Tôi có thể xin được phục vụ ngài?" không phải chỉ là câu nói giao đãi sáo rỗng đưa đẩy, mà là hành động giúp ngay làm ngay. Trừ Niuoóc và một vài nơi có bến cảng, chỉ cần thấy khuôn mặt bạn lộ ra vẻ lo lắng suốt ruột, thể nào cũng có người đến đặt câu hỏi này. Nếu bạn là người có hoài bão, trả lời : "Ðúng rồi, mình đang cần giúp đỡ, cho mình vay khoảng năm mươi tỷ đô-la quay vòng trong hai mươi năm, được chứ?" Tất nhiên là không được rồi. Nhưng giả sử bạn chỉ lạc đường thôi, thì e rằng họ phải bận bịu một thôi một hồi, thế nào cũng giải thích cho bạn biết một cách tỷ mẩn; nếu chẳng may trình độ Anh văn của bạn cũng ngang tầm với ông Bách Dương thì, dù họ có nói giời nói đất đi chăng nữa, bạn vẫn không hiểu, lúc ấy có thể họ kéo bạn chạy ngược chạy xuôi, trông bạn cứ như vương tôn công tử mà họ lại như thằng lái buôn chạy cờ ấy.
Bách Dương phu nhân, vì vết thương ở lưng chưa khỏi hẳn, khi lên đường phải mang theo một tấm mây đan chuyên dụng để dựa lưng. Dùng tấm mây đan ở Ðài Loan đến nửa năm mà chẳng có điều tiếng gì, nhưng khi đến nước Mỹ, nó gây ra bao nhiêu sóng gió. Bất cứ đến đâu, đều có một ông da trắng lo lắng cho tấm lưng của bà, bao giờ họ cũng tưởng tượng nó kêu răng rắc và gẫy đôi bất cứ lúc nào thì phải. Trên máy bay, trên tàu hỏa, bà cứ như khoác long bào trên người, đứng cũng không dám đứng, hơi nhấc mông lên là họ nhún vai cười, đon đả : "Tôi có thể xin được phục vụ bà không ?" Tất nhiên là không thể rồi, bà ấy muốn đi cầu, có ai đi ỉa thay bao giờ ? Bà ta khổ đến nỗi đành phải nhịn, không thì thịnh tình của họ khó từ chối.
Trong quan hệ xã giao của người Trung Quốc, từ trước không sính trò này, mà ngược lại, những người hay giúp đỡ kẻ khác đều được đặt một cái tên hoa lá cành là "những người rách việc". Ngưòi nào mà thấy việc bất bình xẩy ra ngoài đường, dám cả gan rút dao tương trợ, thì lập tức những viên đạn hình dung từ bay vèo vèo đuổi theo găm vào hắn : "Cứ hay nhúng vào chuyện người khác", hành vi cử chỉ "ngược đời", ắt "có ý đồ gì đây". Cho nên, thay vì ở Ðài Bắc, ngay cả bạn mắc chứng thượng thổ hạ tả gục ngay đầu đường, tôi dám đánh cược với bạn là bảo đảm không ai đến dìu bạn đâu.
Còn nhớ năm ngoái, ông Bách Dương vào xem phim ở Ðài Bắc cùng với ông bạn người Mỹ, có ông khán giả tự nhiên sủi bọt mép, từ ghế ngồi ngã vật xuống, hai nhân viên ở rạp chiếu bóng đến khiêng ông ta ra ngoài, không cần phải hỏi, tất nhiên là họ đưa vào bệnh viện rồi. Ai ngờ khi tan rạp, ông tiên sinh nọ vẫn nằm nguyên trên sàn xi-măng bên lối đi cổng phụ, hình như ông ta không phải "con cháu nòi rồng", mà là tù binh vừa tóm được ở bộ lạc man di mọi rợ đâu đây, dòng người ra về ùn ùn như nước, tuyệt nhiên không một người vì thế mà dừng chân, ông bạn Mỹ kinh ngạc vô cùng, than rằng : "Người Trung Quốc với người Niuoóc chẳng khác nhau là bao, vô tình và lạnh lùng quá".
Ông bạn Mỹ của tôi không nói vô tình lạnh nhạt như người Mỹ là chỗ khôn khéo của ông ta, bằng không, lão già Trung Quốc thiết tha yêu nước như tôi đây, có thể cho rằng ông ta ví dụ không đúng, nói năng sọc sía, còn "chia rẽ tình cảm giữa người dân và chính phủ". Sở dĩ ông cố tình nêu ra Niuoóc vì Niuoóc là đại bản doanh của những nhân vật "không mất gốc", nghe nói người nước ngoài chiếm bốn phần năm tổng dân số Niuoóc, đến nỗi hễ nhắc đến Niuoóc là người Mỹ không chịu nhận là thành phố của mình.
Mặc dù vậy, là một người Trung Quốc, đẻ trên đất Trung Quốc, muốn giúp đỡ người Trung Quốc, cũng không phải chuyện dễ dàng. Ông Bách Dương ở trong tập "Ðâm mạnh vào vại tương" đã nói tung vấn đề này, người nào mà không có phẩm chất cao quý, mãi mãi không hiểu được phẩm chất cao quý của người khác, cũng chẳng thể tin rằng người khác có được phẩm chất cao quý đó. Những mũi tên tẩm thuốc độc - "Những người rách việc", "Cứ nhúng vào chuyện người khác", "Hẳn có ý đồ" đã lên cung nỏ từ lâu, chỉ cần đối phương hé ra ý định đòi giúp người khác, thì sẽ bắn ra loạn xạ. Bạn tôi - Dương Hy Phượng, là người lái tăcxi (ông thường xuyên chở hai chúng tôi đi dạo phố). Một buổi chiều mưa, ông chở một phụ nữ ướt như chuột lột, ngồi trên xe vẫn run cầm cập, hai hàm răng đánh vào nhau kêu cách cách, ông Dương động lòng trắc ẩn, vừa vặn bà vợ ông nhờ đi hiệu giặt lấy về bộ quần áo len, ông ta đề nghị : "Tiểu thư, cô có thể thay tạm bộ quần áo ướt ra, đợi khi về đến nhà rồi cô trả cho tôi cũng được." Chị ta nghe thấy nói cởi quần áo, lập tức trợn tròn con mắt, gào lên : "Dê cụ, muốn tôi báo cảnh sát hở ?" Ông tức đến mức phải nguyền rủa chị ta sẽ bị ho lao thối phổi. Còn một ông bạn khác là Lý Thụy Ðằng, giáo viên của Ðại học đường văn hóa Trung Quốc, một lần lên xe buýt, nhìn thấy tay nắm chiếc ô của một phụ nữ (xin lỗi, lại là phụ nữ) bị rơi xuống sàn, suýt nữa bị giẫm nát, ông ta vội nhặt lên, chen chúc mãi mới đến được ghế ngồi phía sau trả cho cô ấy. Ðội ơn Quan Thế Âm Bồ Tát, cô nàng này xem chừng có văn hóa hơn, không chửi "dê cụ", nhưng lại không biết "cám ơn", chỉ giương đôi mắt như cá ươn, nhìn chằm chằm, chẳng nói lấy một lời. Thế là Lý tiên sinh đại thất bại, đến kêu với tôi rằng : "Ông này, ông nói thử xem, người Trung Quốc nhà mình bị làm sao ấy nhỉ ?" Ôi, người Trung Quốc hình như vẫn dừng ở thời đại ăn hang ở lỗ, khoác tấm áo giáp như gai nhím trên mình, chỉ thò ra hai con mắt lạnh lùng, nghi kỵ, tâm thần bất ổn, nhìn thiên hạ bằng con mắt hổ vồ.
Bây giờ trở lại giới thiệu tiếp tấm mây đan của Bách phu nhân, tấm đan ấy thế mà tác dụng lắm, không những khiến các Tây đại nhân hầu hạ mọi chốn mọi nơi, thậm chí gặp cảnh xếp hàng cũng được mọi người nhường lên đằng trước. Nói về chuyện xếp hàng, có thể coi là chiếc nhiệt kế đo nền văn minh bề ngoài của nhân loại. Quan sát trật tự hàng lối của một đất nước, có thể phán đoán trình độ văn minh của họ một cách chuẩn xác. Tôi ở nước Mỹ chỉ hai tháng giời, đã muốn đổi tên Hợp chúng quốc A-me-ri-can thành Xếp hàng quốc A-mê-ri-can, nhưng tóm lại ở nước Mỹ, việc xếp hàng không những quá mức, còn trở thành tai nạn nữa, không thể không tiếc thay cho các bạn da trắng da đen trên hai hàng lối kia, lãng phí bao nhiêu là thời gian trong việc này. Lên máy bay xếp hàng, xuống máy bay xếp hàng, kiểm tra hành lý xếp hàng, xuất trình hộ chiếu xếp hàng, mua tem xếp hàng, gửi thư xếp hàng, nộp tiền, rút tiền xếp hàng, chờ xe buýt xếp hàng, đi vệ sinh xếp hàng, nhưng khiến người ta suốt ruột nhất, là bất cứ cửa hàng ăn nào to hay nhỏ cũng xếp hàng.
Về chuyện xếp hàng, không phải nói khoác đâu, nhưng tôi chẳng đếm xỉa làm gì. Chẳng phải mình tôi đâu, toàn thể người Trung Quốc cũng chẳng ai đếm xỉa làm gì. Nhưng phải phân biệt xếp hàng ở Mỹ và xếp hàng ở Trung Quốc, cả hình thức và nội dung, đều không giống nhau. Nó cũng giống như vạch ngang cho người đi bộ sang đường ở Mỹ và ở Trung Quốc đều không giống nhau. Tóm lại, người Trung Quốc xếp hàng chỉ là một học thuyết, còn người Mỹ xếp hàng lại là một cách sống. Ở Ðài Bắc, xếp hàng chỉ áp dụng được nửa đoạn, mọi ngưòi chờ xe buýt xếp hàng, đang yên đang lành đùng một cái xe đến, là cứ như Mục Quế Anh xông vào trận Thiên Môn, lập tức liểng xiểng gạch ngói, xô trước đẩy sau. Kẻ yên hùng mở đường máu, nhẩy lên chiếm chỗ trước, còn già yếu thương phế binh cứ đâm nháo đâm nhào mãi đằng sau, bươu đầu sứt trán. Trời ơi, thật không biết lúc đầu xếp hàng để làm gì ? Nhằm kiếm một chỗ ngồi, hay sợ không chen được lên xe, đành cho một cái trâu húc mả còn dễ hiểu. Nhưng ngay cả tàu hỏa, ô-tô đã ghi rõ số ghế, mà ghế ngồi thì hàn bằng sắt, chẳng bay mất được cũng chẳng sợ mông người ta cắm đinh, thật sự không hiểu tại sao còn phải tranh cướp nhau ? Còn người Mỹ, hình như đẻ ra số là xếp hàng cả đời, cho nên họ cứ bình tĩnh như không. Hay là Trung Quốc người đông, đến khi xếp hàng thì gáy đằng trước chạm mũi đằng sau, kẻ ôm người đẩy, quần áo người nọ dính chặt người kia, đứa hổn hển, đứa hở cả thịt da, trông xa thân mật như những người bạn chiến đấu. Chỉ Tây đại nhân xếp hàng là uể oải, thưa thớt, gặp lúc có xe qua lại, hoặc đến đầu đường đầu ngõ, họ còn tự động ngắt quãng, trông xa có vẻ thương tâm, nhìn vận nước của họ thế kia mà tự nhiên lâm ly cảm khái.
Ở Niuoóc, một người bạn bảo tôi cùng đến một ngân hàng nổi tiếng chen chúc để rút tiền. Tôi tự nhủ, anh này chắc được nghe nói tôi giỏi võ chen xe buýt ở Ðài Bắc, bèn bảo tôi đem chuông đi đấm nước người, mà bản thân tôi cũng thích diễu võ dương oai. Khi bước vào cửa, thì thấy các quầy xếp thành một hàng thẳng tắp, mỗi quầy chỉ có một khách hàng đứng xì xồ ở đó, bụng đã mừng thầm, nhanh như chớp tôi nhảy phắt vào xếp sau một vị đứng trước quầy, không ngờ ông bạn túm lấy tôi như bắt được thằng ăn cắp, còn chơi chiến thuật khóa họng nữa, lôi xềnh xệch tôi ra ngoài, không những không xin lỗi về hành vi lỗ mãng của ông ta, còn trách móc: "Ông làm gì đấy?" Tôi nói không ra hơi nữa: "Tôi xếp hàng chứ còn làm gì nữa, từ ngày đặt chân đến quý quốc của các ông, làm gì vướng đấy, xếp hàng cũng phạm pháp chắc?" Ông ta nói : "Phạm pháp thì không, phạm quy thì có". Hóa ra trước quầy giao tiền ở ngân hàng, dưới đất có một vạch - giống vạch ở quầy soát hộ chiếu trong nhà ga sân bay, người đến sau đều phải đứng chờ ở dưới vạch đó, chưa đến lượt gọi thì không được vượt ra tùy tiện. Mà ở đó đã xếp đến năm sáu chục người rồi, họ đều phải chờ đến vị khách đứng trước quầy đi khỏi, bàn tay ngọc của ông bà ngồi sau quầy vẫy khẽ, mới được phép nẩy như hạt đỗ, vào trong bổ khuyết. Ôi dào, nước Mỹ thành lập chưa được bao lâu, sao mà lắm quy củ thế, thủ tục lễ nghi thế này, không hiểu có ảnh hưởng đến sĩ khí, lòng dân ?
Thế nhưng, cái đáng sợ còn là, ở mọi cửa hàng cơm lớn nhỏ, cũng phải xếp hàng, điều đó vượt quá xa phạm trù học vấn vĩ đại của tôi, từ thời Bàn Cổ khai thiên lập địa, chưa từng nghe nói vào hàng cơm phải xếp hàng cả. Bách lão lần đầu ăn cơm ở cửa hàng San Francisco, mới bước vào đã bị bà nhà kéo ra. Ô hay, có hàng đâu mà xếp cơ chứ, đương nhiên là sải bước vào trong rồi, lôi lôi kéo kéo gì thế ? Ai mà biết được rằng, dù chẳng có bóng ma nào cũng phải đứng đấy đã, chờ cho cô phục vụ dẫn vào ghế ngồi như dẫn hồn ma ấy. Nếu không có ai đến chỉ dẫn, thì có chết đói ngay tại chỗ cũng không được vượt lôi trì dù nửa bước.
Ấn tượng mạnh mẽ nhất là một đêm ở Thung lũng, vất vả lắm mới tìm được một quán trọ còn mở cửa, quán trọ ấy lại rộng lòng đặc ân, miễn xếp hàng, nhưng khách trọ phải đến đăng ký quý danh tại quầy trực ban trước, sau đó ngồi ngoài cửa chờ người ta gọi. Bà hầu phòng hễ xuất hiện, là trở thành Ðức Mẹ cứu khổ cứu nạn, đại từ đại bi của mọi người. Tất thảy giương đôi mắt như con chiên đang cầu Chúa, lo lắng nhìn về hướng bà ta. Nghe bà ta phun vàng nhả ngọc, truyền gọi mỗ mỗ tiên sinh có thể vào được rồi, cả gia đình lớn bé của ông mỗ mỗ, hô vang như sấm, kêu hét ầm ĩ. Ừ nhỉ, hà tất phải tốn thêm lần thủ tục như vậy!
Ở Ðài Bắc thì không có cảnh này, một lũ ma đói kéo đến hàng cơm, rõ ràng khách đã ngồi kín cả hầm cả hố, vẫn cứ xông vào hang hùm, chọn một bàn đoán là sắp ăn xong vì bát đĩa chổng chơ, cốc tách ngang ngửa, rồi đứng vây kín xung quanh. Khách ngồi ăn dở trên bàn cũng chẳng lạ lẫm gì với thế trận này, mặc cho lũ ma đói giận dữ nhìn chằm chằm vào quý miệng của họ, quý miệng ấy vẫn nhai vẫn nuốt rất từ tốn, thở không bị ngạt, nuốt không bị nấc, mặt không biến sắc. Cuối cùng, chán chê mới chịu rút lui. Lũ ma đói được thăng cấp, trở thành thượng khách. Lại một tốp ma đói khác ào vào, lại vây kín mặt bàn, nhìn ngó tứ phía. Một cảnh chó sói đất Phi châu đang ngoẹo cổ nhìn cá sấu nhai nhồm nhoàm được tái diễn, quả là dễ sợ!
Chuyện đau lòng nhất là nhiều hàng cơm Trung Quốc ở nước Mỹ dần dần cũng nhiễm phải thói xấu thế này, bỏ rơi nền văn hóa "xem ăn" truyền thống của chúng ta. Mọi người đều nói nước Mỹ là một nước tự do, ý kiến của tôi có điều ngược lại, chỉ cần xếp hàng thế thôi, cũng đủ khiến người ta xếp đến phân liệt tinh thần.
Trích từ "Giẫm phải đuôi của hắn"
(Vẫn còn tiếp)