CLB Khu vườn ngôn từ Cha Vẫn Mãi Là Cha - Mạnh Thăng, LoBe

Thùy TThi

Học sinh tiến bộ
Thành viên
25 Tháng chín 2018
1,302
1,229
176
Thái Nguyên
THPT Phổ Yên
[TẶNG BẠN] TRỌN BỘ Bí kíp học tốt 08 môn
Chắc suất Đại học top - Giữ chỗ ngay!!

ĐĂNG BÀI NGAY để cùng trao đổi với các thành viên siêu nhiệt tình & dễ thương trên diễn đàn.

0693f83fff7f16214f6e.jpg

Truyện ngắn Cha Vẫn Mãi Là Cha

Tác giả: Mạnh Thăng, LoBe
Đây là tác phẩm hợp tác viết chung giữa hai tác giả có rất nhiều bất đồng trong văn phong, cách suy nghĩ và quan điểm. Mọi người có thể phân biệt không nhỉ?
Chương 1

"- Đi từ từ thôi con, nắm chặt tay bố không lạc mất. Con gái bố đáng yêu như vậy, dễ bị ông ba bị bắt lắm đấy.

- Vâng ạ.

* * *

- Linh muốn mua gì? Bố mua cho con.

- Con muốn cái váy công chúa kia kìa.

- Vậy thơm má bố đi, bố mua cho.

- Moa.

* * *

Những hình ảnh tươi đẹp ấy luân phiên xuất hiện như những bong bóng đầy màu sắc bay trên bầu trời. Nhưng bong bóng dù xinh đẹp đến mấy, thì cũng chỉ cần một lực rất nhỏ chúng cũng sẽ dễ dàng tan vỡ. Chỉ để lại tàn ảnh trước khi biến mất.

Tiếng dô hò, tiếng nói cười cùng với tiếng cụng ly vang vọng khắp nơi. Nó chui vào trong lòng nội, ánh mắt chăm chú nhìn cha nó. Người đàn ông dáng người cao, gầy, khuôn mặt chất phác vì hơi men mà đỏ rực như máu, nhìn vô cùng đáng sợ.

Nó yên lặng chờ đợi, chờ đợi điều sẽ xảy ra với nó sau khi cuộc vui đã tàn. Tay nó nắm chặt vạt váy, cái váy cũ bẩn đến nỗi khó có thể nhận ra những họa tiết ban đầu.

Bà nội già nua vuốt tóc, vuốt lưng nó. Nước mắt bà lăn dài trên gò má nhăn nheo những nếp nhăn của tháng năm lam lũ. Bà hết nhìn đứa con trai lại nhìn đứa cháu gái rồi thở dài. Đã từ bao lâu rồi đứa con trai của bà không còn đi làm, không cười đùa với con gái, suốt ngày tụ tập uống rượu. Rượu say thì làm những chuyện điên rồ.

* * *

"Lạch cạch, lạch cạch..." Bố nó xiêu vẹo bước ra khỏi đống vỏ rượu, bước lại gần cửa sổ, lấy dây da xỉn màu từ trên đó xuống. Ông lại đi qua đống vỏ một lần nữa, sắc mặt sầm xuống kéo nó khỏi vòng tay của nội.

Lúc ấy nó mới giật mình, tay còn lại cố nắm lấy tay bố nó cầu xin:

- Bố.. Bố.. Linh ngoan mà, bố đừng đánh Linh. Linh biết lỗi rồi, bố đừng đánh con.

- Đồ đàn bà khốn nạn, tao không quan tâm việc mày có con hoang, mang hai mẹ con mày về nuôi. Tiền tao kiếm không đủ cho chúng mày sống à? Không đủ nên mày mới bỏ tao, bỏ đi theo thằng chó đó. Mày không phải là người nữa rồi...

Bố nó vẫn tiếp tục những câu nói thân thuộc, đôi mắt ông giăng đầy tơ máu, đó là do rượu hay người đàn ông đó sắp khóc? Nó không biết, tôi không biết và bạn cũng không biết được. Chỉ có chiếc dây da tạo nên những đường cong đều đều trong không khí hắt bóng lên bức tường bong tróc nham nhở và tiếng khóc nức nở của nó. Trên mặt đất, chỗ cái chiếu cũ trải giữa nhà, những vỏ rượu rẻ tiền lăn qua lăn lại rồi chậm rãi đứng yên..."


"Vì sao mãi đến lúc khi trong con đã lớn, thì mới hiểu những nỗi lo trong tim của cha. Dành tất cả những ấm áp cho con bao ngày qua chỉ vì con cha hy sinh cả cuộc đời..."

Linh giơ tay cầm lấy điện thoại, mở mắt. Ánh sáng xanh của điện thoại chiếu lên gương mặt cô, hai vệt nước lấp lánh bên khóe mi, Linh giơ tay lau đi. Ấn nhận cuộc gọi:

- Bá Hiền ạ, cháu nghe.

- Linh ơi, bà cháu nhờ bá gọi.

Linh trùng đi, cô dựa lưng vào đầu giường chờ chuyển máy. Vài giây sau, đầu bên kia có tiếng ma sát, rồi giọng nói già nua của nội vang lên:

- Linh à, con thu xếp...

- Mai con phải đi làm, con không về được đâu.

- Nhưng mai là...

- Con biết, nhưng bà nghĩ con phải đối mặt như thế nào đây? Con sợ nơi đó lắm rồi.

- Vậy con nhớ giữ sức khỏe.

- Bà có lên đây ở với con không? Con không về đấy nữa đâu.

- Thôi bà già cả rồi, sống được bao lâu nữa mà đi, mấy hôm nữa bà nhờ chú Tân gần nhà mang cho chục trứng gà, nhớ giữ gìn sức khỏe.

- Bà cũng vậy. Con tắt máy trước đây.

- Ừ.

Linh nằm trở lại giường, cô cuộn mình trong chăn, nhắm chặt mắt. Cô vừa thức trắng hai đêm để làm xong báo cáo, mới ngủ được ba mươi phút thì bị đánh thức nhưng cô lại chẳng tài nào ngủ tiếp được.

Cô lục lọi trong đầu những ký ức về người đàn ông ấy. Người đã từng là niềm hạnh phúc, đồng thời là nỗi khiếp sợ của cô.

Lúc bé, Linh sống trong sự cưng chiều yêu thương hết mực của bố. Ông luôn dành cho cô những thứ tốt đẹp nhất. Ông luôn gọi cô là "công chúa nhỏ", "cục cưng", cũng sẽ luôn luôn dỗ dành mỗi khi cô khóc. Tuy gia đình không khá giả, hay nói đúng hơn là nghèo nhưng Linh luôn sống trong hạnh phúc. Một gia đình nhỏ bé xinh xắn có nội, có bố mẹ.

Nhưng bi kịch bắt đầu khi mẹ Linh, người đàn bà xinh đẹp không muốn sống cảnh tích góp từng đồng, quanh năm suốt tháng chỉ có cơm với rau, đậu. Bà bỏ nhà đi, bỏ lại người chồng hiền lành chân chất, bỏ lại đứa con thơ chưa tròn sáu tuổi.

Và cũng từ đó, người đàn ông ấy đã không còn là chính mình nữa. Ông như biến thành một người khác. Đáng sợ, dữ dằn và nghiện rượu. Cứ mỗi buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên mà người đàn ông ấy làm sẽ là rót cho mình vài chén rượu trắng coi như phần quà tự thưởng cho bản thân. Bao giờ cũng vậy, trên đầu giường nơi ông nằm luôn để sẵn một, hai chai như thế do cái Linh mua cho ngày hôm trước. Sau đó, ông Trung - bố của Linh - sẽ theo thông lệ đi sang nhà hàng xóm để chén chú chén anh, cho tới khi trăng đã lên đến đỉnh đầu ông mới chịu lết xác trở về nhà. Và đôi khi, cuộc vui diễn ra ngay tại nhà ông.

Là tay bợm nhậu "máu" nhất làng, tiếng xấu của ông Trung ngày càng lan xa. Cũng vẫn là người đàn ông đó, là người đàn ông từng được cả làng yêu mến vì sự hiền lành, chân chất đấy, nhưng sao bây giờ trông ông khó ưa đến thế, kể cả mấy tay bạn nhậu hay ngồi chung bàn cũng chẳng ưa gì ông!

Riết rồi mọi người trong làng hễ cứ thấy ông Trung loạng choạng bước những bước xiêu vẹo trên con đường đất nhỏ là họ tản đi hết, vờ như không thấy sự tồn tại của ông. Mấy thằng hay uống chung với ông Trung giờ cũng đã thôi mời ông qua nhà mình vì sợ nốc hết bình rượu rồi quậy phá tưng bừng. Biết ai cũng xa lánh mình, ông Trung cũng lấy làm bực chớ, nhưng mấy ngày sau ông ta đã tự tìm được cách giải tỏa nỗi buồn cho bản thân: Nếu không ai uống cùng thì tự mình uống với mình.

Những tháng ngày sau đó, ông Trung cứ thế nhốt mình trong căn nhà nhỏ, hay đúng hơn là trong căn phòng của chính ông. Ngày ngày, ông làm bạn với những chai rượu đế, rượu gạo. Ông nốc chúng như nốc nước lã vậy! Tiền dành dụm bao năm của ông để cho cái Linh đi học cứ thế đi tong vào trong bụng ông. Còn cái Linh, dù không muốn, nhưng ngày ngày vẫn theo lời bố đi mua mấy chai rượu về chỉ để thỏa mãn cơn nghiện của ông.

Rượu bia cũng như ma túy vậy. Muốn nghiện thì dễ lắm, nhưng cai nghiện thì, hỡi ôi, làm sao mà người ta có thể bắt con người sống xa cái thứ đã ăn sâu vào máu họ thế được. Muốn giã từ một thứ mà mình đã nghiện há có dễ dàng?

Đã không biết bao lần, bà nội cái Linh khuyên nhủ, răn đe thằng con phải bỏ rượu. Nhưng phải rồi, đã có tí cồn vào trong người, hắn nào có để tâm tới lời mẹ mình nói! Tất cả như nước đổ lá khoai vậy. Đỉnh điểm nhất là một lần, hắn nhẫn tâm tặng cho đấng sinh thành của mình những trận roi da mà cả cuộc đời bà cho đến ngày gần đất xa trời cũng không sao quên được. Đó cũng là ngày mà nước mắt của bà rơi nhiều nhất!

Rồi cuối cùng cũng đến cái ngày mà số tiền ấy cạn kiệt. Không còn một đồng nào trong túi, hắn vô tâm bắt đầu đem bán tất cả những thứ có giá trị trong nhà đi hết chỉ để mua vui cho bản thân. Chiếc xe máy của hắn, cái TV, tủ lạnh... cho đến cả chiếc xe đạp của mẹ hắn mà hắn cũng nhẫn tâm đem đi bán nốt.

Và rồi như thế cũng không đủ thỏa mãn hắn bởi số tiền nhận được khi bán đồ không đáng là bao. Hắn bắt đầu quay sang chửi bới mẹ hắn nhiều hơn, hành hạ cái Linh nhiều hơn nữa. Ngày nào mà hắn tỉnh được đôi chút thì sẽ biết thân biết phận ngồi im một xó, còn hễ cứ có rượu trong người là hắn mặc xác những luân thường đạo lý, cứ làm những điều mà hắn cho là đúng.

Hắn hèn hạ là thế, lụy tình là thế, chỉ vì một con đàn bà mà bản thân hắn đã làm ra bao nhiêu chuyện đáng xấu hổ không kể hết! Chính rượu đã tha hóa mất nhân tính của hắn, tha hóa mất cái phần tốt đẹp còn sót lại trong con người hắn. Giờ đây, hắn chẳng còn biết gì ngoài những chai rượu làm bạn với hắn ngày đêm.

P/s: LoBe cơm bách đây
 

Thùy TThi

Học sinh tiến bộ
Thành viên
25 Tháng chín 2018
1,302
1,229
176
Thái Nguyên
THPT Phổ Yên
Chương 2
Về phần cái Linh, kể từ ngày mẹ nó dứt áo ra đi, bỏ mặc hai bố con lên chốn thị thành sinh sống, cuộc đời nó bắt đầu rẽ sang một trang mới. Những ngày đầu, nó cứ hết đi ra rồi lại đi vào trong chính căn nhà của mình. Nó luôn hy vọng có một ngày mẹ nó sẽ vì nó mà trở về, rằng mẹ nó chỉ tức giận nhất thời nên lỡ làm chuyện không nên thôi. Nhưng một tháng, ba tháng, rồi một năm lặng lẽ trôi qua. Mẹ nó vẫn cứ thế biền biệt. Không một lá thư, không một lời hỏi thăm về đứa con thơ, cũng không có bất kì món quà nào được gửi đến tặng nó. Trái tim của nó dần trở nên sắt đá. Tất cả những kí ức về mẹ dần nhạt phai qua năm tháng. Sợi dây tình mẫu tử trong cô bé dần biến mất.

Một năm qua cũng không dễ dàng gì đối với ông Trung. Những tháng ngày đầu, ông luôn tìm mọi cách để níu kéo bà vợ về lại bên mình, ông thậm chí còn lấy cái Linh ra để ràng buộc bà ở lại. Nhưng người đàn bà kia sao mà đáng ghét quá, đến cả đứa con dứt ruột do mình đẻ ra cũng không màng tới. Bà cứ thế mà đi, mặc cho bao lời van xin, nài nỉ của ông Trung. Sau đó, bà đã tự chủ động cắt đứt mọi liên lạc với ông, cắt đứt luôn cả một đoạn quá khứ không mấy vui vẻ của bà.

Suốt một năm qua, không khi nào ông Trung không thôi tự dằn vặt mình! Những vết thương lòng cứ thế mà ngày một lớn dần. Ngày nào ông cũng cảm giác như có ai đó đang cố bóp nghẹt trái tim ông. Đã không biết bao lần, ông về nhà mà không có bóng dáng của người vợ hiền ở đó. Chiếc giường hai vợ chồng thường nằm nay cũng đã vắng bóng người phụ nữ. Không còn đó người vợ hiền tảo tần, sớm hôm lo cơm nước cho chồng con, cũng không còn người để ông có thể tâm sự hằng đêm.

Cũng từ đó mà ông lơ là công việc hẳn. Trước đây, ông là người siêng năng, chăm chỉ bao nhiêu thì giờ đây, đến cả những công việc vụn vặt như trát vữa lên tường mà ông cũng hoàn thành không xong. Cho đến một ngày, cơn tức giận đã vượt quá sức chịu đựng của ông chủ thầu, hắn ta ngay lập tức cho ông Trung nghỉ việc mà không cần xem xét tới lần thứ hai. Thất nghiệp, không có người phụ nữ mình yêu ở bên, ông Trung đâm ra chán nản, mất hứng thú làm ăn.

Và cũng từ ngày đó trở đi, cuộc đời ông Trung cũng lặng lẽ bước sang một trang mới. Ông đã biết từ cái khoảnh khắc người đàn bà kia bước ra khỏi cuộc đời ông, ông đã nhận ra bản thân mình không thiết tha muốn sống nữa. Ông đã cố gắng làm thật nhiều việc để quên đi bóng hình ấy nhưng không thể. Và rồi, như một bước đường cùng, ông đã chọn cái cách hèn hạ nhất để giải khuây đi nỗi buồn trong lòng: Làm bạn với những chai rượu.

Từ ngày ông Trung bắt đầu uống rượu, cuộc sống của cái Linh cũng theo đó mà đảo lộn. Ban đầu, cô bé chỉ nghĩ đó là thú vui mới bố mình tìm đến để giải sầu. Nhưng dần dần, nó phát hiện ra những chai rượu bỗng chốc trở thành thứ không thể thiếu trong cuộc sống của bố mình. Chưa bao giờ cô bé thấy ông nốc nhiều như thế. Chưa bao giờ nó thấy ông bố mình yêu mến trở nên bất cần đời và bê tha đến thế!

Càng lớn lên, Linh càng hiểu ra rượu là tác nhân khiến cho tình cảm gia đình vốn đã mong manh nay còn thêm phần rạn nứt. Có nhiều lần, cô bé kháng cự ông bố kiên quyết không đi mua rượu giùm. Nó có ý tốt đấy, nhưng làm sao mà ông bố nghiện rượu kia hiểu được. Làm sao một người nghiện rượu lại có thể không có rượu ở cạnh bên chứ! Và thế là, cô bé không thể làm gì hơn ngoài nằm sấp người chịu đựng những trận roi, những lời mắng chửi mà tên đê tiện kia ban cho.

Số trận đòn mà cái Linh nhận được từ ông Trung ngày càng nhiều hơn. Những trận roi da liên miên không dứt, những tiếng "vụt, vụt" xé gió khiến ai nghe thấy cũng thương cảm không thôi. Người trong làng buồn bực, khó chịu ông Trung bao nhiêu thì càng thương cái Linh nhiều bấy nhiêu! Thương cho một số phận không có bờ vai của người mẹ để sẻ chia. Thương cho một bóng hình lúc nào cũng bơ phờ vì những trận đòn vô cớ. Thương cho một cô bé đang tuổi ăn tuổi lớn lại không có đủ cái ăn, cái mặc, huống chi là được cắp sách tới trường!

Tuổi thơ của cái Linh chắc sẽ còn khủng khiếp hơn nếu như không có sự tồn tại của bà nội trong căn nhà thiếu thốn tình thương ấy. Trong những tháng ngày trưởng thành của cô bé, nội chính là người đã mang đến sự bảo bọc, chở che đúng lúc mà nó cần. Nội không vì đứa con trai mình dứt ruột đẻ ra mà lại đi hắt hủi đứa cháu gái không có máu mủ ruột rà với mình. Trái lại, bà dành tất cả tình thương của mình để bù đắp cho sự trống vắng trong tâm hồn nhỏ bé của cái Linh.

Mỗi khi ông Trung trút giận xong, ông lại xiêu xiêu vẹo vẹo cất chiếc dây da lên trên xà nhà cạnh cửa sổ rồi đi về phòng, ngủ không còn biết trời đất gì nữa. Lúc ấy bà nội sẽ nhẹ nhàng, cẩn thận ôm Linh, cởi áo và tìm lọ thuốc mỡ bôi vào những vết bầm tím. Linh thút thít trong lòng bà, nó không hiểu nó đã làm sai điều gì mà bố lại đánh nó. Trước đây, nhớ có lần nó làm vỡ chiếc bình quý, nhưng ông chỉ nhẹ nhàng hỏi nó có bị mảnh sành đâm vào đâu không, rồi xoắn xuýt xem hai tay, hai chân nó. Lúc ấy, bố trong lòng nó tốt đẹp dường nào thì hình tượng của ông lúc này khiến cô bé sợ nhiều đến đấy.

Nó không dám cựa quậy gì, vì chỉ cần chạm nhẹ là những vết đánh trên lưng lại càng khiến nó đau hơn. Nó nhớ tới những ngày tháng tươi đẹp trước đây, nó nhớ nụ cười của bố, nó nhớ những con thú nhồi bông bố dẫn nó đi xem, nó nhớ chiếc váy công chúa màu trắng như bông gòn bố hứa sẽ mua, nó nhớ những quyển truyện cổ tích đang cất trong cái rương dưới gầm giường, và hơn hết nó nhớ sự dịu dàng, quan tâm, yêu chiều của bố.

Thời gian cứ thế thấm thoát trôi đi, chỉ vài cái chớp mắt mà mười năm đã trôi qua, Linh giờ cũng đã mười bảy tuổi. Làn da đen sạm đi vì phải làm dầm mưa dãi nắng, cơ thể teo tóp chẳng khác gì bộ xương di động, duy chỉ có đôi mắt đen sáng sâu thăm thẳm như cuốn người nhìn vào những gió sương của năm tháng cuộc đời.

Và ông Trung thì vẫn như xưa, vẫn nhậu nhẹt ngày đêm, chỉ có điều ông còn nghiện bài bạc. Nhưng có lẽ ông trời không thương, ông đánh trận nào là thua trận đó, được cái ông lại đam mê, thua cũng không nản mà càng quyết tâm phải thắng một ván thật lớn. Linh đi làm kiếm bao nhiêu cũng không đủ cho ông Trung đổ vào mua rượu và trò chơi đen đỏ đó. Nhà đã nghèo còn nghèo hơn, ngoài bốn bức tường cũ kỹ, lớp xi măng bong tróc lam nham, hai chiếc giường cũ, hai cái nồi gang, mấy cái bát ố màu. Những thứ khác đều đã lần lượt ra đi sau những ván bài của ông.

Mặc dù vậy, Linh cũng cảm thấy còn hơn dạo trước, cứ uống rượu say là đánh cô, đánh nội. Nội giờ già rồi, liệu còn có thể chịu những trận đòn đó được mấy lần? Nhưng điều cô không ngờ được là người bố ấy, lại có thể bán cả con mình để đánh bài.

Hôm ấy, Linh mệt nhọc lê bước từ công trường về, ánh nắng hoàng hôn của ngày cuối hè chiếu vào người cô, hắt lên mặt đất hình bóng mờ mờ. Linh dừng chân, nhìn đám người ồn ào phía trước. Những người ấy không quá xa lạ gì, người gần ông Trung nhất là bác Hưng - chủ nợ hàng đầu của ông. Bố Linh khúm núm nói gì đó với bác Hưng rồi chợt ông ngẩng đầu lên, đối diện với cô. Mặt ông tươi tỉnh hẳn lên, ông xô mấy người phía trước rồi vội vã chạy tới cầm chặt lấy tay cô. Linh không biết ông nói gì cả, cũng không quan tâm chiếc túi xách có tiền lương cả tháng nay rơi dưới đất. Cô chỉ biết, bố cô muốn bán cô thật rồi. Ông muốn cô thỏa mãn những con người kia, ông nói như vậy sẽ có tiền, sẽ không phải cầm cố đồ trong nhà nữa, ông cũng không phải mất đi cánh tay phải.

Trái tim Linh lạnh như băng, cô cố sức giằng tay khỏi cánh tay gầy gò của bố rồi vùng chạy thật nhanh. Đằng sau, tiếng ông Trung cùng đám người kia vừa chửi vừa đuổi theo. Linh chạy qua các ngõ quanh co rồi bỗng giật thót khi ai đó kéo cô. Cô quay lại thì thấy bá Hiền, bá là chị ruột của bố cô. Bá ôm lấy cô, lau đi mồ hôi trên trán cô rồi nhét vào trong đống rơm trên chiếc xe bò. Linh cảm thấy ruột gan như đảo lộn, nóng và khó thở, nhưng cô biết nếu chui ra thì cô chỉ có thể bị ép buộc trở thành gái điếm.
 

Thùy TThi

Học sinh tiến bộ
Thành viên
25 Tháng chín 2018
1,302
1,229
176
Thái Nguyên
THPT Phổ Yên
Chương 3
Khi mọi người đã rời khỏi làng một đoạn, Linh mới dám vạch đống rơm rạ rồi ngồi dậy. Mặc cho đầu tóc rối bù, vài vết xước trên má rớm máu, cô ôm mặt khóc nức nở. Khóc vì bản thân mình, vì số phận trớ trêu, vì người cha không còn là cha.

Bá Hiền quay lại nhìn cái Linh, nước mắt cũng ứa ra. Con gái lấy chồng như bát nước đổ đi. Mặc dù rất thương mẹ, thương cháu nhưng bà cũng chẳng giúp gì được. Chỉ có thể thỉnh thoảng mang biếu bát gạo, mớ rau. Nhìn đứa cháu không có máu mủ với mình, bà cũng thương lắm. Cháu nó còn nhỏ như thế nhưng phải một mình nuôi cả gia đình. Đã vậy bố còn vướng vào rượu chè, cờ bạc.

Nhiều lúc bà cũng khuyên nhủ đứa em. Nhưng nó cũng lớn rồi, đâu thể đánh mắng như hồi nhỏ. Nên những lời nói cứ vào tai này rồi ra tai kia, không đọng lại chút gì. Được ngày hôm trước, hôm sau lại chứng nào tật lấy. Vì vậy nên bà cũng nản, dần dần cũng từ bỏ hy vọng đứa em trai sẽ như xưa.

Cho đến hôm nay, lúc bà mang rau đến cho mẹ thì thấy mấy người ở đầu ngõ. Bà thấy không ổn liền đứng nấp ở một xó. Và cuối cùng thì thấy cái Linh bị như vậy. Bà chỉ vội đi mượn tạm gần đó cái xe bò rồi nhét đứa cháu vào. Bà không biết bà làm như thế là đúng hay sai. Bà chỉ biết, nếu không làm vậy, bà sẽ hối hận cả đời.

- Thôi nào, cháu đừng khóc nữa. Khóc nữa là bá cũng khóc theo cháu đấy - Bá Hiền ngồi xổm xuống, ôm chặt đứa cháu vào lòng.

Nhưng như thế chỉ khiến nước mắt cái Linh rơi xuống nhiều hơn. Cô bé suốt mười bảy năm kiên cường là thế, kể cả khi bị đòn nó cũng không khóc. Vậy mà hôm nay, chứng kiến cái tâm địa ác độc của bố mình, tất cả như giọt nước tràn ly vậy! Linh biết, nó cần phải khóc! Nó đã chịu đựng quá đủ rồi! Nó vừa khóc vừa tự dặn với lòng mình, rồi từ ngay ngày mai thôi, nó sẽ không bao giờ rơi nước mắt vì ông bố độc ác kia nữa. Cho dù bố nó có chết, nó cũng sẽ không khóc! Không bao giờ!

* * *

Tối muộn ngày hôm ấy, chiếc xe bò dừng lại ở thị trấn, cạnh góc chợ. Họ nhanh chóng chạy tới đứng dưới mái hiên của một gian hàng. Bá Hiền mở cái túi vải bên hông ra, đưa hết cho cô bé toàn bộ số tiền trong đó. Bà vuốt tóc cháu vài cái rồi ân cần căn dặn:

- Từ ngày mai, bá sẽ xin việc cho cháu đi chạy bàn ở quán người quen của bá. Vì thế, cháu đừng nghĩ ngợi gì nữa nhé! Tốt nhất là hãy quên đi tất cả! Đừng bận tâm đến quá khứ nữa.

Nói rồi, bá Hiền dẫn Linh tới một quán ăn gần đấy. Bá và người đàn bà kia ra ngoài nói chuyện, chỉ để lại một mình cái Linh với căn phòng trống. Cô bé cũng đã thôi nước mắt. Đảo mắt một vòng quanh căn phòng, nó cũng bị bản thân làm choáng ngợp trước những gì mình nhìn thấy. Một cái bàn nhỏ xinh xinh, một chiếc tủ treo quần áo, và hơn hết là một chiếc giường ấm cúng đang mời gọi cô bé lên nằm. Tất cả mọi thứ mà nó muốn ở một căn phòng là đây chứ đâu!

Nhớ lại căn nhà ở dưới quê, Linh không khỏi bồi hồi. Quá khứ của cô bé cũng đã từng được sống đủ đầy như thế. Dù không dư dả gì nhưng đó vẫn là một căn nhà đáng sống. Chỉ là..

Nghĩ đến đây, Linh lại chạnh lòng. Nhìn lại căn phòng một lần nữa, nó tự hứa với lòng mình, phải cố gắng để có được một căn nhà nhỏ ấm cúng như thế này. Và cô bé đã quyết định từ ngày hôm đó trở đi, cô bé sẽ quên đi quá khứ. Cô bé sẽ không bao giờ để bóng ma quá khứ ám ảnh mình nữa. Phải tiếp tục bước tiếp về phía tương lai thôi!

* * *

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Mới đó mà năm nữa đã trôi qua, Linh cũng không còn làm ở quán ăn nữa mà chuyển lên thành phố. Mỗi tháng cô sẽ gửi một ít về quê, và không quên dặn nội giấu đi thật kỹ. Nhưng dấu nào được khỏi con người sa đọa ấy. Sau khi bị chém mất bàn tay phải, ông Trung hoàn toàn mất đi nhân tính. Mặc dù không còn dám đánh bài nữa, nhưng hắn vẫn không thôi rượu chè. Hết tụ tập với mấy tên bợm nhậu trong làng, hắn lại lân la sang làng kế bên. Đi từ sáng tới tối mịt không thấy đâu. Mà cứ mỗi lần về, hắn sẽ lục tục tung nhà lên tìm tiền. Tìm không thấy hắn còn kéo bài cụ dậy, bắt đưa tiền ra.

Linh nghe bá Hiền kể vậy thì cũng không dám gửi tiền mà đưa cho bá Hiền nhờ bá mua bánh trái cho bà. Và tuyệt nhiên, cô chưa về lại nơi đó lần nào. Sau khi thấy số tiền tích góp cũng kha khá, Linh xin nghỉ ở quán ăn và theo một vài thanh niên lên thành phố làm cho một xưởng may. Công việc nhiều hơn trước nhưng ở nơi đây Linh được học chữ. Gần xưởng có một lớp học tình thương, chỉ cần bỏ thời gian cuối tuần. Linh biết, cuộc đời cô sẽ thay đổi từ đây. Ngoài giờ làm, Linh dành hết thời gian cho việc học. Lúc đầu, những con chữ khó hiểu muốn chết! Cô phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần mới hiểu. Nhiều lúc nhìn những học viên trong lớp mà Linh tủi thân lắm. Trong lớp toàn những nhóc tì bảy, tám tuổi, bé loắt choắt. Còn Linh thì đã gần mười chín. Dù là vậy cô vẫn chưa từng nghĩ tới việc bỏ học, mà càng cố gắng hơn nữa.

Sau đó ít lâu, cô mua cho mình một chiếc điện thoại để gọi cho bá Hiền. Mặc dù không muốn quan tâm tới nơi ấy nữa, nhưng vẫn còn nội. Người thân, cũng là chỗ dựa duy nhất của cô trên cõi đời này.
 
Top Bottom