Sau đây là bài dự thi của nhóm 4. Bài dự thi số 2.
TÌNH BẠN & TÌNH CẢM GIA ĐÌNH
Tên bài dự thi: Tình bạn & tình cảm gia đình
Thành viên nhóm 4:
@Diệp Ngọc Tuyên và
@Haru Bảo Trâm
"1, 2, 3!"
1.
“Đoàng!”
Sấm chớp rạch dọc rạch ngang bầu trời, làm sáng bừng những áng mây to kiêu hãnh. Cô bé tóc xù đạp xe về nhà sau buổi học bốn tiết mệt mà vui. Sắp mưa, và cũng quên áo mưa mất rồi. An khẽ cúi người gồng mình đạp thật nhanh về phía trước. Để còn mau mau khoe với bố mẹ, hôm nay tổ nó thuyết trình lịch sử cuối năm được điểm cao nhất, thật là vui!
Từng đợt mưa nối tiếp nhau ghé ngang trời Hà Nội, ghé trước ngôi nhà nhỏ ấm cúng luôn đầy tiếng cười của An. Tiếng mưa là thứ âm thanh tươi vui rộn ràng nhất mà nó từng biết. An thích những khi hạt mưa nhẹ đáp xuống mái tóc xù, xuống da thịt nó, mơn man. Này chiếc lá rất xanh, này nụ hoa rất đỏ, nó thấy mình chẳng còn có thể hờn ghét ai. Chẳng thể hờn ghét ai dù ở lớp chưa một lần An được coi là “bạn” đúng nghĩa, tất cả chỉ muốn chép bài tập của nó, tất cả.
-------------------------------------------------------------------------
-
Ê! Mượn vở Toán.
-
An nhà quê, bố mẹ không có tiền mua giày chính hãng cho chứ gì? Kiểm tra cậu nhắc bài, tôi cho tiền mua. Không khéo cả năm góp lại cũng đủ chi cho một đôi xịn đấy, nhờ?
-
Chỉ cần ngày nào An cũng cho tớ chép bài tập Anh, bọn mình sẽ là tri kỉ mãi mãi!
Mỗi ngày đến lớp với An đều bắt đầu bằng những câu-chào-hỏi-không-dành- cho-kẻ-mau-nước-mắt như thế này, bởi những cô bạn điệu đà nghiễm nhiên giữ chức chị đại trong lớp nó. Đương nhiên, nó lập dị và quậy phá chứ không một chút mít ướt. Dù tiếp thu chậm nhưng nó chăm học lắm. Nó biết mình chẳng thể trách gì các bạn vì ngoài học chăm ra, nó có gì để được mọi người nhìn mặt cơ chứ! Chỉ là thi thoảng, nó buồn. Nó lạnh lắm! Nó phải thừa nhận các chị đại kia làm nó ám ảnh thật nhiều. Thế rồi lại mau chóng mỉm cười, khi con cún của bác bảo vệ trong trường nũng nịu quấn lấy bàn chân làm nó mềm lòng hay khi chợt thấy trong tiết trời đầu hè Hà Nội, dòng người rủ nhau mặc áo rét co ro.
--------------------------------------------------------------------------
Một ngày, khi lá vàng cũng biết chen chúc đầy đường, trời nổi gió lạnh len vào mái tóc, cũng là lúc lòng nó nổi lên câu hỏi: thu đến rồi ư?
2.
Gió thu ngang qua con đường nơi mái trường nó từng học năm trước. Chỉ là đã từng thôi, nó sẽ theo mẹ về quê học trường khác.
Nó không hiểu, cũng không muốn hiểu dù chỉ một chút, tất cả đều đang rất tốt mà? Cho đến khi những ánh mắt xung quanh đều đổ dồn về phía An, nó mới đau đớn quay về thực tế: hôm nay, nó theo bố mẹ ra tòa. An đứng ở đây, đứng giữa hai lựa chọn đi theo bố Hoàng hay về với mẹ Hiên, còn điều gì xót xa hơn nữa không?
Đoạn hạnh phúc mười lăm năm chia cắt, khối tài sản bố mẹ nó đem ra chia đôi. Họ biết chia làm sao, tình thương này? Đứa con này, có cách nào đem ra định giá? Nó bật khóc ngay giữa tòa, có bao giờ nó khóc đâu! Ngài thẩm định viên danh tiếng như thế kia mà bấy giờ phải buông tiếng thở dài thật khẽ.
Những cơn gió đến càng trở nên giá rét hơn bao giờ hết. Nó lạnh lắm! Có cái lạnh nào bằng lòng nó đâu, cái lạnh của tình thương cũng đủ khiến cái vô tư, hiếu động thường trực phải lùi về trong nó rồi sao? Hàng ngày, hàng giờ chung con đường về, âu yếm với nhau từng đôi đũa bát cơm, thật bình thường, thật hiển nhiên. Và hiển nhiên, tất cả đều đã theo phiên tòa nằm lại.
Hè mưa tầm tã, em chưa về nhà, trời cao không buồn đoái hoài bận tâm.
Thu nổi gió lạnh, bố rời đi nhanh, mặt đất chẳng còn thiết tha níu bước.
Nhưng đó là chuyện
của em,
của trời,
của đất.
Vậy con người
liệu có đủ là lý do để dịu dàng với nhau hơn thường nhật?
3.
Chuyến xe đêm nương nhờ ánh đèn hai bên đường mà lăn bánh. Ánh sáng bất tận trôi sượt qua tấm kính mặc cho thủ đô mải miết cuốn lại về phía sau. Xin chào nhé, một phần thanh xuân!
*
An dạo này lớn hơn rồi. Nó biết đi chợ lựa tôm cá tươi, thi thoảng tay chân còn cuống hết cả lên mà cũng tập xào nấu thành bữa cơm ra hồn. Ông bà An gật đầu khen ngon, không rõ là khen hay động viên, nhưng nó thấy mình nấu ăn cũng được! Giá như có bố ở đây, An nhỉ? Bố sẽ được thưởng thức bữa ăn đầu tiên tự tay nó vào bếp nấu, sẽ gắp lấy gắp để ủng hộ con gái rượu của bố. Chỉ có mẹ, mẹ mới hay xoa lên mái đầu xù chòng ghẹo về nồi cơm nhão của nó mà thôi.
- Thêm một tí nước nữa mới thành cháo con ạ!
- Mẹ! Thế lần sau mẹ nấu cơm, con chỉ làm thức ăn thôi nha...
Không trả lời, mẹ khẽ chau mày rồi đưa tay lên xoa bóp hai bên thái dương. Nó lo lắng đưa bàn tay áp lên trán mẹ. Mẹ lại ốm rồi.
- Mẹ ơi, con dìu mẹ lên giường nghỉ ngơi nhé?
Từ ngày xa bố, mẹ cứ ốm liên miên không chịu đi bác sĩ. Như mọi lần, mẹ nó chẳng nói chẳng rằng mà cứ xua tay chối bay biến, ý bảo không sao đâu. Nhưng An hiểu mẹ nó đã phải chống chọi nhiều biết bao nhiêu. Những lúc như thế này, An dặn lòng sẽ ở bên mẹ cả ngày, cho đến sáng ngày hôm sau...
Là ngày tựu trường rồi. Không đi có sao không? Ông bà có lo liệu được cho mẹ chứ?
Nắng lên ngang đầu, những bước chân của nắng nhẹ nhàng, khe khẽ, ươm một sắc vàng thanh lên con đường đất đỏ dẫn vào làng của An. Chỉ một lát nữa thôi trên con đường này, nó sẽ bước đi đến trường làng cách đây chỉ tầm một cây số.
4.
Trường có mấy cây bàng thật đẹp, làm An nhớ đến ngôi trường cũ của mình, những chiếc lá đỏ đồng xen lẫn lá xanh còn sót lại từ mùa hè qua. Nó chợt thấy muốn thử nói chuyện với các bạn trong lớp.
- Chào cậu!
An quay sang người bạn cùng bàn với mình làm quen. Nhưng bạn ấy có vẻ không quan tâm lắm, hết quay lên quay xuống lại ngó nghiêng sang tổ bên kia. An đưa mắt nhìn khắp lớp, có vẻ ai cũng thế, mọi người đều đã chơi cùng nhau suốt cả một năm học, còn nó, hôm nay nó mới đến.
“Ước gì mình có một người bạn nhỉ, không cần phải thân lắm mà.”
Thật lặng lẽ, nó bước nhanh ra khỏi lớp sau tiếng trống ra về, hệt như cái cách sáng nay nó bước vào lớp. Vài nữ sinh điệu đà lướt qua xì xầm bàn tán điều gì khiến nỗi ám ảnh đeo bám nó bấy lâu như bị đánh thức dữ dội. Nhưng mà thôi, cứ xem như mọi người đang ngạc nhiên trước học sinh mới đi!
Mùa thu, ngược dòng thời gian về một năm trước thì có bố đèo nó trên chiếc xe máy cũ kĩ, len lỏi khắp các con phố, ngã rẽ để rồi lại về đến mái nhà thân yêu.
Không! Không hẳn là nó không có bạn, nó có bố. Chỉ có điều, nó chẳng thể khoác vai bố lân la đến những hàng quán quen uống trà sữa, cũng chẳng thể cùng bố ngồi dưới tán cây bàng mang lời hứa đỗ cùng trường cấp Ba, hay những chuyện tương tự, những chuyện chỉ có bạn bè cùng lứa mới không cảm thấy “sai” khi thực hiện cùng nhau.
Có phải vì thế mà nó không thể thật thân với bố? Có phải vì thế mà bố xa mẹ con nó rồi?
Không phải đâu, bố Hoàng không bao giờ như thế. Cứ một tháng một lần, bố lại về thăm ông bà và mẹ con nó mà!
*
Suốt cả buổi chiều không phải đến lớp, con nhỏ tóc ngang vai ngồi vuốt đi vuốt lại mái tóc mềm không biết bao nhiêu lần. Nhỏ cầm gương lên soi mãi đến gương cũng chán, chốc chốc lại tủm tỉm cười giữa mớ bòng bong trong đầu.
“Không ai muốn thân với mình cũng hơi phí, gương nhỉ?”
Khối Bảy của nhỏ có một nữ sinh mới chuyển đến, nghe bảo là một cô bé từ thủ đô. Hẳn là xinh xắn lắm, sành điệu lắm, dù có thể sẽ kiêu căng chút ít! Nghĩ đến đây, nhỏ chỉ muốn tìm gặp để làm quen cô bạn kia ngay lập tức. Đang miên man với ý nghĩ đầy thích thú kia thì chợt nghe...
“Uỵch!”
Chuyện gì nữa đây? Con nhỏ hớt hải chạy ra trước nhà, thấy một cô bạn ngã sóng sượt trên đường; nó gượng dậy, người ngợm lấm lem, xung quanh là mấy khúc củi nằm lăn lóc.
- Ây da! Đau quá!
- Cậu gì ơi, cậu làm sao thế này?
Nhỏ chậm rãi dìu cô bạn kia đi về hướng cổng nhà mình, chợt thấy vết xước dài trên cánh tay dính đầy bùn đất, máu chỉ chực ứa ra trong giây lát.
- Cậu ơi, nhà mình ở ngay đây, vào nhà mình băng bó cho được không? Vết thương của cậu có thể bị nhiễm trùng đấy!
Cô bạn tập tễnh bước từng bước theo người bạn bên cạnh, vụng về nói lời cảm ơn.
5.
Trông theo dáng vẻ ân cần của nhỏ, đôi bàn tay cẩn trọng từng chút một băng bó cho mình, bất giác nó thấy lòng mình như được nhen lên thứ gì mà sao ấm áp quá. Nó tự hỏi, liệu nhỏ có muốn làm bạn với nó không?
- Xong xuôi rồi đấy! Mà mình bảo, cậu thay quần áo của mình đi, đồ dính bẩn hết rồi đây này.
- Tí nữa về nhà tớ tắm sau cũng được. Thấy cậu băng bó giỏi thật! – Nó nghiêng nghiêng mái đầu, đôi mắt mở to chờ đợi – Cậu tên gì thế?
- Bố mình dạy cho mà! Mình tên là Lan, học lớp Bảy.
Nghe đến “bố”, cô bé bỗng có chút chạnh lòng, rồi lại thôi.
- Thế thì bằng tuổi rồi, mình học trường Hoàng Diệu, nhưng năm nay mới chuyển về. À! Mình là An.
Chà! Nó ít khi tự gọi tên mình. Có lẽ vì vậy nên cùng một lúc, nó thấy lòng dâng lên gì đó như là niềm thân thương, tuy nhiên cũng thật lạ lẫm trước thanh âm cái tên mình. An, cái tên mang theo ước muốn của bố mẹ về một cuộc đời bình yên không chút muộn phiền dành cho nó – đứa con duy nhất mà họ có với nhau. Nó cũng mong được như thế!
- An ơi, cậu lớp nào? Có phải cậu từ Hà Nội chuyển về không? Mình học 7D này!
- Sao Lan biết? Mình 7A.
- Chân tay trầy xước thế kia... An làm gì mà để ngã sấp lên đường thế? Hôm sau đi học với mình, cậu nhà ở đâu để sáng mình tới đi cùng nào?
- Thật Lan nhé? Mình đi đốn củi giúp mẹ, đi trên đường mà toàn nghĩ chuyện không đâu, nên... hì hì! – An bẽn lẽn gãi đầu gãi tai, cười lên trông vừa tinh nghịch vừa hiền lành đáng tin.
Đầu An xù quá, mà bộ dạng bấy giờ cũng thật luộm thuộm khó coi. Nhưng An hiền lành, Lan muốn làm bạn cùng nó. Ai thấy người hiền mà không có chút thiện cảm ngay lần gặp đầu tiên?
6.
Như đã hứa, nhỏ đến trước nhà An từ sáng sớm nơm nớp chờ đợi như một chú chim non chờ mẹ mớm mồi. Quãng đường một cây số như dài ra thêm, mấy bông hoa dừa cạn đung đưa như muốn hòa vào câu chuyện của hai cô bé lớp Bảy đang tíu ta tíu tít.
Trong một thoáng chúng chợt nhận ra: đây đúng là người bạn mà mỗi đứa hằng muốn kết giao mà!
Chẳng cần biết sau này có trở thành bạn thân, hay tri kỉ.
Chỉ cần biết bây giờ, có cậu bên mình thật hạnh phúc, đâu còn tự ti.
Mến nhau không biết từ bao giờ, đến một ngày chúng rủ nhau ngang qua con đường đất đỏ có loài hoa tím, nhìn sang hai bên đều là cánh đồng dài rộng, là đồi núi mây vờn xung quanh.
Lan đèo An trên chiếc xe đạp cũ kĩ. Chiếc bờm hồng cài lên mái tóc Lan chải gọn vô tình làm An nhớ đến nỗi ám ảnh từ rất lâu trong mình. Về những cô bạn yểu điệu xấu tính. Nghĩ ngợi vẩn vơ không ngừng dù Lan đã dừng xe lại bên vệ đường. Mãi sau, tiếng thủ thỉ của nhỏ mới mau chóng kéo An ra khỏi dòng suy nghĩ. Nó ngóng đợi với chút dè chừng: Lan đang muốn nói gì đây?
- Cậu biết không? Các bạn trong trường đều xa lánh mình chỉ vì thấy ngứa mắt, thấy mình là một đứa bánh bèo ảo tưởng, An ạ.
- Cậu nói tiếp đi, mình nghe.
- Mình... có quý một số bạn trong lớp, cũng cố gắng tìm cơ hội giúp đỡ các bạn ấy để được làm quen đó chứ. Nhưng cái mình nhận lại ấy à? Chỉ có thất vọng thôi An.
- Lan ơi, cậu có mình đây mà...
- Mình biết ơn cậu lắm An! Cậu bao dung lắm, mình biết cậu sẽ chẳng vì tính điệu đà của mình mà ác cảm cả con người mình mà, cậu sẽ không giống các bạn khác đâu mà, có phải không, An?
Lan, là con gái mà, nhỏ cũng biết buồn biết khóc chứ! Cô con gái duy nhất trong gia đình bốn anh em, bố mẹ Lan trông chờ vào một cô gái xinh xắn, nữ tính nên đã bắt nhỏ làm điệu từ hồi bé. Cho đến tận bây giờ Lan vẫn còn thói quen ấy, thêm cả việc nhỏ chẳng muốn mình xấu xí, lôi thôi trong mắt bất cứ ai.
Vì mẹ nhỏ chưa bao giờ thôi nhắc, cái mặc là cái tự trọng nhìn thấy đầu tiên.
Ven đường, những khóm hoa dừa cạn tím hồng đón gió rung rinh làm dịu mát lòng Lan bao nhiêu, làm An thấy thương nhỏ hơn bấy nhiêu. An đưa tay lau đi những giọt nước nhòe trên gương mặt bạn nó, rồi cố tình để những câu từ trong điệp khúc “Count on me” vang lên bên tai nhỏ, những mong nhỏ sẽ vui lên. Nụ cười một lần nữa nở rộ. Nó đâu biết, Lan thuộc bài hát hơn cả nó, chúng dựa đầu vào nhau cùng hát chưa hết bài thì nhỏ chen ngang, bảo rằng sẽ mua ghita về học đàn cho nó hát. An tự nhủ, chắc là nhỏ chỉ hứa vu vơ thế thôi! Piano nhẹ nhàng sẽ phù hợp với nhỏ hơn nhiều.
An mộc mạc và chân phương quá đỗi, khác xa những gì nhỏ từng mặc định về một cô bạn thủ đô. Có cảm giác, nó với nhỏ đã quen thân nhau từ rất lâu, rất lâu về trước.
Có thể, trong một giấc mơ nào đó khi nhỏ gục đầu thật lâu trên bàn học, cũng có thể, trong một phút lơ đãng nhỏ làm thân cùng một người bạn vô tình tưởng tượng ra. Nhỏ không biết nữa, cũng không để ý nhiều làm gì.
Những câu chuyện không đầu không cuối cứ thế chúng kể nhau nghe suốt con đường về,
thật ra lại là thứ làm cho thời gian chúng dành cho nhau như kéo dài lê thê.
Người với người dường như chỉ kết nối được nhau bằng những câu chuyện kể
khi thì vu vơ vô nghĩa, khi là vui buồn muốn tỉ tê.
7.
Ngày tháng rủ nhau bay đi vội vã, để lại hai cô bé – đứa đầu dãy, đứa cuối dãy khối Bảy – cùng tình bạn nằm chính giữa cứ thế dần lớn lên.
Cũng thời gian này, An thấy mẹ nó chẳng cười chẳng đùa, thấp thỏm điều gì mãi không yên. Thật là lo quá, sắp đến sinh nhật mẹ rồi! Nó nghĩ, hẳn mẹ nó phải buồn nhiều lắm, có thể một mình nó không đủ làm mẹ vui chăng? Một ý tưởng nào đó đã lóe lên. Buổi chiều ở nhà nó sẽ vừa ở bên mẹ vừa học bài hôm sau, và nó sẽ có một bất ngờ, mong rằng sẽ làm mẹ vui hơn, mẹ nhé?
Nó thật rất mong trời chiều nhanh lên một tí, vì cả buổi trưa nó chẳng ngủ được chút nào rồi. An định bụng trong lúc mẹ chợp mắt, nó cũng làm bài tập ngay. Lướt quanh phòng tìm nháp, bỗng nó thấy một tờ giấy trông thật lạ.
Thôi thế rồi, mẹ còn giấu được nó đến bao giờ đây? Đầu gối An khuỵu cả xuống, tờ giấy run theo đôi bàn tay, bắt nhịp cho hai dòng nước chỉ chực trào khỏi mắt bất cứ lúc nào.
Họ và tên: Trần Thị Hiên. Chẩn đoán bệnh ung thư máu. Giai đoạn cuối. Mỗi dòng ký tự An đọc thấy là mỗi phần trong nó như vỡ nát. Mọi thứ như sụp đổ.
“Không sao cả” – nó cố trấn an mọi thứ – “tất cả chỉ là chẩn đoán thôi!” Nhưng nói đúng hơn, nó chỉ muốn trốn tránh sự thực rằng niềm hy vọng là vô cùng mong manh.
Trời nhá nhem tối, những ánh sáng còn sót lại của ngày tàn dần tắt lịm chẳng thiết chờ đợi ai. Bấy giờ ngoài cổng con nhỏ tóc ngang vai mới lò dò bước vào í ới gọi với lên. “Bất ngờ” đã tới, nhưng chẳng để làm gì nữa rồi. Vừa vào phòng An, nhỏ đã thấy nó đang ngồi ở đó lặng thinh, hai tay ôm lấy mặt, thỉnh thoảng mới phát ra một tiếng khóc nấc.
- Chuyện gì thế, An xù?
- Lan ạ! Mình không còn được ở với bố, bây giờ nếu mình không còn mẹ... Cậu nói xem nào, mình phải làm sao, làm sao đây?
- An! Nói rõ cho mình biết xem nào!
An chìa ra trước mặt Lan tờ giấy đang giày xéo nó kia.
Lan quên khóa cửa phòng, mẹ An đã nghe được tiếng khóc, mở cửa phòng An vào xem thử. Trông thấy cảnh tượng trước mắt, liệu có người mẹ nào không đoán ra được đứa con mình đã phát hiện ra điều gì? Bà mẹ nghẹn ngào chạy lại ôm chặt con khóc, mẹ xin lỗi, mẹ chẳng thể giấu con thêm một ngày nào nữa rồi!
“Mẹ ơi, sau này có chuyện gì mẹ đừng giấu con như thế nữa có được không?”
“Hãy nói con biết với.”
Nhưng biết thế nào được, liệu cái “sau này” ấy có còn đến hay là thôi?
Lạc quan lên đi chứ! Chẳng phải “tất cả chỉ là chẩn đoán thôi”?
Lúc đó, An nghĩ không sao đâu.
*
Lạc quan làm sao? Ngày sinh nhật mẹ cũng là ngày nó biết chắc mẹ mình mắc căn bệnh thế kỷ quái ác. Thế nhưng, mẹ nhất quyết không đi xạ trị vì ước muốn được ở cùng nó, được nhìn thấy mỗi khi nó cười, nó hát, nó khóc trong suốt thời gian còn lại. Thời gian mẹ còn trên đời này cùng với nó ư?
“Cô ơi, mẹ con có tới ba năm không?”
“Cô ơi, mẹ con một năm được không?”
“Cô ơi, nửa năm được không ạ?”
“Cô ơi, ba tháng thì sao cô?”
Thôi... Bao nhiêu hy vọng là bấy nhiêu thất vọng. Rồi đến đáy tuyệt vọng. Nhưng nó không được phép quên, hôm nay là sinh nhật mẹ nó. Nó sẽ hai tay đưa mẹ món quà nó ấp ủ từ bao ngày trước, vòng tay mà ôm lấy mẹ nó thật chặt. Đương nhiên, nó sẽ chẳng được khóc đâu mà phải thật cố gắng cười tươi để mẹ vui trong ngày của mình. Vậy mà nó cũng không làm được, con người đâu thể trốn chạy cảm xúc.
Mẹ Hiên chỉ ước sao trước kia chú ý đến sức khỏe bản thân mình nhiều hơn một chút, bớt vô tâm với bản thân mình hơn một chút. Sẽ chẳng có nỗi đau đớn nào có thể xảy ra, mẹ sẽ được từng ngày nhìn thấy đứa con mình khôn lớn, sống một cuộc sống bình yên không chút muộn phiền như chính cái tên của nó, An.
Chuyện gì đến rồi cũng đến, chẳng ai qua nổi định mệnh. Những giây phút cuối cùng của cuộc đời, người bên mẹ là ông bà, là An, là Lan. Thế là mẹ đã mãn nguyện rồi. Mẹ cố gắng phát âm rõ từng chữ, như thể nếu con mình không nghe thấy thì mẹ cũng chẳng thể cầm lòng ra đi.
“Muốn một cuộc đời an yên, trước nhất hãy là một người lương thiện. Mẹ yêu...con...”
“Không! Mẹ ơi, con cũng yêu mẹ nhiều lắm!”
“Mẹ ơi? Mẹ!!!”
Đồng hồ điểm bốn giờ sáng. Đôi mắt mẹ nó đã chẳng thể nào mở lại thêm lần nữa. Trời hửng sáng, nắng hạ chuẩn bị lên. Lan để An dựa đầu vào vai mình, chốc chốc nhỏ lại vỗ vai nó trông thật thương. Nó hứa chỉ khóc hết hôm nay thôi, bắt đầu từ hôm sau sẽ cố gắng để không khóc lóc sướt mướt nhiều nữa, mẹ sẽ lo lắm. Mẹ đã đi rồi, nó không muốn mẹ vướng bận thêm bất cứ điều gì ở nó đâu.
Lúc bấy giờ, một người đàn ông mới từ đâu bước đến với một vẻ lặng lẽ. Là bố sao?
Thật quá muộn rồi!
Cuối cùng thì cũng thế thôi,
Ai níu giữ được điều vốn thuộc về xa xôi.
8.
An tự hỏi: mình có phải là một ngọn gió? Hôm qua nơi này, nay lại sắp về nơi khác. Nếu là con trai, chắc nó sẽ có tên là Phong, nhỉ?
Nhưng nó bận là con gái rượu của bố rồi. Sớm thôi, bố sẽ đưa nó về lại thủ đô nơi nó đã xa cách gần cả năm trời. Nó sẽ nhớ ông bà lắm, sẽ nhớ Lan nhiều lắm!
Buổi cuối cùng An còn được học ở Hoàng Diệu. Cũng là buổi cuối cùng còn ở quê, còn thấy Lan. Một năm thôi, An ngỡ mình sẽ chẳng thể yêu nổi ngôi trường này trong vòng một năm ít ỏi. Để rồi khi dám chắc rằng bản thân sẽ nhớ trường nhiều biết bao nhiêu, mọi thứ đã trở nên quá muộn màng đến không kịp nuối tiếc. Lời hứa cùng cậu đỗ trường cấp Ba dưới cây bàng ngày nào, mình xin phép để lỡ thôi, Lan nhé!
Một sáng mùa hè trong xanh, An muốn đi học một mình. Lại là những khóm hoa dừa cạn an ủi lòng nó, thật là tốt, như thế này thì Lan sẽ không phải chịu đựng những tiêu cực đang hiện diện trong nó lúc này.
Đang xếp hàng đầu giờ, nó đưa mắt dò la xung quanh, Lan đâu?
- Đến muộn mà lại không mang khăn quàng? Em nữ kia bước lên đây cho thầy!
Kìa Lan! Nó bỗng thấy con nhỏ hôm nay trông thật buồn cười quá, nó vội tháo khăn quàng đỏ cất vào cặp rồi thản nhiên đi lại trước mặt thầy Tổng phụ trách. Lần đầu tiên nó bị gọi lên phê bình trước tập thể, cũng không sao! Đứng cạnh người bạn quý giá nhất trong cuộc đời nó mà! Lan mặt mũi đang méo xệch, các cơ mặt liền giãn nở hết ra khi thấy nó đá lông nheo mà bước lên nắm lấy bàn tay nhỏ. Hai nữ sinh bị phê bình nắm tay nhau, không nhịn được liền che miệng bật cười tinh nghịch trước toàn trường.
- An ơi, trưa nay cho mình về với cậu đi...
Nó đang bị phạt quét sân trường cùng nhỏ, liền ngước mắt lên nhìn người bạn sắp xa. Nhìn một hồi, thật lâu, đôi mắt nhỏ nhìn nó cũng từ đó mà ngấn nước.
- Này, mình xin cậu đừng buồn vì mình sẽ cố gắng xin bố mà! Hè nào mình cũng về gặp lại cậu, bọn mình cùng đợi nhau, nhé?
Kể từ lời hứa đi học cùng của Lan lúc ban đầu chúng gặp được nhau, An nhận thấy giá trị lời hứa là to lớn đến nhường nào. Hai cô bé nước mắt ngắn dài chỉ lặng nhìn nhau giữa sân trường lá bàng rụng đầy, hỗn độn như chính mớ cảm xúc không ngừng trỗi dậy trong hai tâm hồn trong sáng như nắng ban mai.
- Ngoắc tay nhé?
Chiều. Chiều rồi. An bước lên xe, chiếc xe đi vội vã rất nhanh vượt qua Lan. Nhỏ đâu còn gì để hối hận. Chỉ mong sao An thích giỏ hoa dừa cạn bằng giấy nhún tự tay làm mà nhỏ đã đưa. Chỉ mong sao An giữ đúng lời hứa để nhỏ chẳng phải buồn mong. Vì nhỏ cũng đang dành dụm tiền cho lời hứa của mình mà!
“Xin chào cô gái của mình, thanh xuân!”
9.
“Biết bao giờ cho tới mùa hè
Trong sân trường tràn tiếng ve?...
Ai kia vội kết mây, vội kết trời
Bỏ quên tháng năm vội vã trôi?” (1)
Mùa hè nghiễm nhiên trở thành điều cả hai mong đợi nhất mỗi một năm qua. Thời gian bước đi qua mau, hai thiếu niên ngày nào bây giờ cũng đã lớn. Lớp mười hai, dẫu hiểu ở lại thành phố đi đến những chỗ luyện thi thì có thể kết quả sẽ tốt hơn chút đỉnh. Mà An có màng đâu? Vì lời đã hứa đâu phải để bỏ ngỏ, trên tất cả, nó thiết tha được gặp lại Lan thêm lần nữa.
Lần này về Lan làm nó bất ngờ, làm nó tự trách mình từng cho rằng ghita đâu phải là thứ dành cho nhỏ. Nhưng lời đã hứa đâu phải để bỏ ngỏ, đúng chứ?
Cây đàn ghita cổ điển theo lưng Lan những chiều tháng sáu nhẹ trôi, tay cầm tay An ngang qua con đường đất đỏ có loài hoa tím, nhìn sang hai bên đều là cánh đồng dài rộng, là đồi núi mây vờn xung quanh.
- Hỏi Lan lại lần nữa nhé, cậu sắp thi vào trường nào thế?
- Nào! Bạn hiền yên chí, bí mật sẽ sớm được “bật mí”. Nhưng không phải bây giờ.
- Thế thôi mình đi về với ông bà.
Mười bảy tuổi, có xảy ra bao nhiêu chuyện trong đời đi nữa thì nó vẫn chẳng hết tính trẻ con. An chun mũi tỏ vẻ giận dỗi. Thế nhưng, An chưa kịp bật dậy toan bỏ đi thì nhỏ cũng kịp níu tay giữ nó lại.
- Mình đàn cho cậu nghe nhé.
An mỉm cười gật đầu liên tục. Một điệu disco bắt tai vang lên, lặp đi lặp lại theo vòng trong một thoáng đã làm ngưng đọng tất cả ý niệm về thời gian và không gian quanh nó. Tưởng đến việc nhỏ đã kiên trì dành dụm tiền mua đàn ra sao, hàng ngày tập tành đến bầm mấy ngón tay trái thế nào, lòng nó chợt xúc động xôn xao. Lan ra dấu cho nó hát, bài hát chúng từng hát cùng nhau năm năm qua.
“Tin mình nhé, chỉ trong một, hai, ba
Sẽ nhanh bước đến bên cậu
Mình biết khi mình cần cậu nhất thì chỉ qua bốn, ba, hai câu
Rồi cậu cũng sẽ ở ngay trước mắt mình mà...
Có phải không?” (2)
Đàn hát rồi trò chuyện cho đến khi không còn biết làm gì tiếp theo nữa. Nó, nhỏ, hai đứa ngồi lặng thinh bên nhau. Chẳng ai nói cùng ai một câu, mà cứ như đã nói với nhau thật nhiều.
Một tuần nữa nó và nhỏ đối mặt với kỳ thi có thể nói là quan trọng nhất, mai nó đành chia tay Lan về lại nơi thủ đô rất xa.
Chúc nhau thi thật tốt rồi lại rời xa nhau, như năm năm qua vẫn thế. Nhưng năm nay, có thể chúng sắp được chung một thành phố rồi.
Mình xin biết ơn! Thanh xuân này mình có cậu!
10.
Nắng vừa vặn chiếu vào bàn học của An trông thật là thích, nó chống cằm, ngẩn ngơ, trông theo tia nắng xao động trên trang vở nó lấp lánh.
Nắng sớm tỏa là nắng sớm tàn.
Nhưng khi ngày về tới, nhất định nắng sẽ về lại với An.
Mà thôi, ôn thi đại học đủ vất vả rồi, nắng nóng quá An kiệt sức không khéo làm kiến thức bay hơi. Nắng ơi, để sau nhé!
*
Một tháng thôi mà An chờ đợi kết quả thi như ngồi trên đống lửa. Thật là may, đống lửa đó đã được dập tắt bởi hôm nay, nó nhập học tại ngôi trường đại học nó hằng ao ước. Lưng thẳng, đầu ngẩng cao, nó bước đi ngang nhiên giữa bao sinh viên cùng khóa với nó. An được phép tự tin chứ, sau bao nỗ lực và quyết tâm, ước mơ của nó đã trước mắt rồi!
Nhưng giờ đây, giữa những con người xa lạ, nó lại thấy mình lệch nhịp nhiều quá.
Ơ kìa! An nghĩ, mình đã phát hiện ra một điều gì đó.
“Lỡ một mai cậu mắc kẹt giữa đại dương xa xăm
Mình ước được làm con buồm tìm kiếm khắp thế gian
Lỡ một mai cậu thấy lạc lõng không lối thoát trong tối tăm
Mình ước được làm nguồn sáng đưa lối cậu về...” (3)
Nhạc chuông điện thoại vừa reo, An lập tức mở máy:
- Alô cậu à?
- Xin chào An xù! Nhập học kiểu gì mà để đầu tóc rối tung rối mù lên thế?
- Lan nói gì? Mình chẳng hiểu gì hết!
- Đằng sau, quay!
Là Lan sao?
Có phải Lan cũng học trường này?
Có phải bí mật đã được “bật mí”?
Chuyện của An rất bình thường. Tình bạn của An cũng bình thường thôi. Giữa vạn người lại có một người, chịu vì mình mà không ngừng cố gắng.
Nhưng như thế thật là tốt! Vì chỉ khi đó, đứa chậm tiêu như nó mới có thể nhận ra những gì còn bên cạnh mình ngày hôm nay quý giá đến nhường nào.
Đâu ai nói trước được điều gì, nên còn trân trọng được chút nào thì cứ cố gắng chút ấy, nó tự nhủ mình như thế đó.
Nó cười, nụ cười đượm nhiệt huyết thanh xuân, đôi mắt ánh lên niềm tin bất biến. Rằng chỉ cần quay đầu về phía sau, nó sẽ được nhìn thấy Lan thêm một lần nữa. Hệt như buổi đầu nhỏ đến bên An trong cái dáng vẻ ân cần, nó reo lên thật khẽ:
- Một, hai, ba! Mình bắt được cậu rồi nhé...