Văn 11 Tính dân tộc trong các bài thơ: Vội vàng, Tràng giang, đây thôn vĩ dạ, tương tư.

thuytrang.43.10a2@gmail.com

Học sinh mới
Thành viên
4 Tháng sáu 2019
26
3
6
  • Like
Reactions: Đắng!

xuanle17

Cựu Mod Ngữ Văn
Thành viên
14 Tháng chín 2018
804
1,014
181
25
Thừa Thiên Huế
Đh sư phạm huế
* Tính dân tộc ở chỗ:
Các nhà Thơ mới đành gửi lòng yêu nước thương nòi của mình vào tình yêu tiếng Việt. Vì họ nghĩ rằng, tiếng Việt đã chứa đựng hồn dân tộc trong một chặng dài lịch sử văn học. Vận mệnh dân tộc đã gắn bó với vận mệnh tiếng Việt. Họ dùng tiếng nói của dân tộc để sáng tác thơ, duy trì tiếng nói và các thể thơ mang hồn cốt dân tộc. Qua thơ, họ ngợi ca thiên nhiên đất nước, gửi gắm nỗi buồn mất nước.
* Phân tích các tác phẩm:
Qua thơ, các nhà Thơ mới đã phát triển, đổi mới ngôn từ, làm cho tiếng Việt trở nên rất phong phú, trong sáng, tinh tể, hiện đại. Trong khi văn học trung đại sáng tác văn học bằng chữ Hán, chữ Nôm (ảnh hưởng chữ Hán) và các thể thơ chủ yếu là Đường luật; thì các nhà Thơ mới làm thơ bằng tiếng Việt, chữ quốc ngữ, tôn vinh các thể thơ truyền thống như: thơ lục bát, thơ bốn chữ, thơ năm chữ…Họ coi tiếng nói của cha ông là là hương hỏa quý giá, mang hồn thiêng dân tộc, nên đã trau chuốt từ ngữ, hình ảnh:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
(Vội vàng- Xuân Diệu)
Xuân Diệu, nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới đã vận dụng tính nhạc phong phú của tiếng Việt để sáng tạo nên những cách ngắt nhịp linh hoạt, đa dạng: nhịp 3/2/3 Của ong bướm/ này đây/ tuần tháng mật; chuyển thành nhịp 3/3/2 Này đây lá/ của cành tơ/ phơ phất; rồi lại đảo nhanh sang nhịp 3/2/3 Của yến anh/ này đây/ khúc tình si. Điệp ngữ này đây như dòng cảm xúc tuôn trào, trước cảnh sắc thiên nhiên mê li, phong phú, vô tận của mùa xuân, của cuộc sống. Nhạc điệu thơ sôi nổi, đắm say, gấp gáp, diễn tả được những cảm xúc mới mẻ của một cái tôi thơ lãng mạn độc đáo. Thi sĩ yêu cuộc sống như yêu mùa xuân, yêu tuổi trẻ, yêu tình yêu: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. So sánh không phải là thủ pháp mới nhưng cái mới ở đây là Nhà thơ đem cả vị giác vào thưởng thức mùa xuân. Tháng giêng là tháng mùa xuân, ngon- tuyệt vời, ngọt ngào, quyến rũ như cặp môi người yêu. Thi sĩ đã hội tụ mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ thành vẻ đẹp của cuộc sống, đẹp quyến rũ như một giai nhân xuân tình, để được tận hưởng trọn vẹn say đắm. Vẻ đẹp ấy gợi niềm khát khao Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa, để thần vui của cuộc sống tươi đẹp, đem lại hạnh phúc kì diệu tuôn trào trong từng thời khắc.
- Nhờ đổi mới về hình thức nghệ thuật ngôn từ (như câu chữ, hình ảnh, nhịp điệu, các cách tu từ…), các nhà Thơ mới đã thể hiện được sinh động trong thơ những hình ảnh, cảnh sắc, thần thái của cảnh trí đất nước mà trong thơ cổ vẫn chỉ là ước lệ. Chính là, các nhà Thơ mới đã dồn tình yêu nước vào tình yêu tiếng Việt:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngoc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)
Chữ về ở đây gợi mở không chỉ một cuộc trở về mang ý nghĩa về mặt không gian (thôn Vĩ) mà còn gợi mở về mặt thời gian (quá khứ). Đó là sự trở về quãng thời gian tươi đẹp (đã qua) của Hàn Mặc Tử khi nhà thơ sống ở Huế, làm báo và quen Hoàng Cúc. Quá khứ tươi đẹp ấy được hiển hiện bằng gam màu xanh chủ đạo. Toàn khổ thơ tràn ngập một màu xanh. Màu xanh của hàng cau, màu xanh của ruộng vườn, màu xanh của lá trúc. Màu xanh, theo quan niệm của người phương Đông, là màu của sự sống, màu của sức sống, màu của sự bình yên, thanh thản. Vì thế về thôn Vĩ là “về chơi”, thân mật gần gũi chứ không phải “về thăm”, lịch sự nhưng khách sáo. Câu thơ là một câu hỏi. Câu hỏi nhắc đến một địa danh, một cảnh quan xinh đẹp bên sông Hương. Câu hỏi thiết tha, với nhiều sắc thái: hỏi han, hờn trách, nhắc nhớ, chào mời. Âm điệu thơ nhẹ nhàng, thân mật với 6 thanh bằng, lời trách nhẹ đi, trách đấy mà tha thiết bâng khuâng như lời mời. Nhưng nào có ai mời, ai trách. Đó chẳng qua là lời thiếu nữ thôn Vĩ trong tưởng tượng, trong mong ước của thi nhân. Người thơ thường vẫn phải có một nguyên cớ như thế để về thăm nơi mình thương nhớ, thăm thôn Vĩ trong tưởng tượng. Nhà thơ đang tự phân thân để hỏi chính mình sao không về thăm cảnh cũ chốn xưa (nơi Hàn Mặc Tử từng lui tới thời là học sinh trường Pellerin Huế, nơi có Hoàng Cúc và tấm thiệp vừa đến tay Hàn Mặc Tử cũng vừa được gửi đi từ đó). Sự phân thân với những sắc thái phức tạp đan xen trong cùng một câu hỏi đã cho thấy nỗi ước ao trở về thôn Vĩ vừa mãnh liệt vừa uẩn khúc, không dễ bày tỏ. Nghĩa là ao ước nhưng mặc cảm về hoàn cảnh không thể trở về của mình. Vì thế thôn Vĩ vừa là một địa danh cụ thể, vừa tượng trưng cho tình yêu cuộc sống của nhà thơ. Từ nỗi nhớ ấy, thôn Vĩ hiện ra với cảnh vườn lúc hừng đông, sống động, tươi rói. Cảnh đầu tiên gây ấn tượng nhất là cảnh buổi sáng ban mai với những hàng cau vươn cao đón nắng “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”. Nắng chỉ được gợi chứ không tả, nhưng vẫn ám ảnh vì nó gián tiếp gợi lên vẻ đẹp tinh khôi, thanh thoát. Từ nắng láy lại hai lần khiến câu thơ hay chính là mảnh vườn thôn Vĩ bừng sáng trong nắng, lại là nắng mới lên trong trẻo, phơn phớt hồng, long lanh soi trên những tán lá cau xanh cao vút, tạo một sự hòa sắc kì diệu. Nắng ướt sương nên long lanh, sắc xanh của cây lá được hồi sinh trong khoảnh khắc hừng đông tinh khiết. Nắng đổ bóng xuống vườn trong ban mai. Thân cau mảnh dẻ chia nhiều đốt, nắng rót vào vườn cứ đầy dần theo các đốt cau. Không chỉ nhìn ngắm mà người đọc như còn được thưởng thức hương thơm của nắng tỏa xuống không gian, làm dậy lên hương thơm của hoa cau mới nở, rất nhẹ lan trong nắng, một vẻ đẹp bình yên mang cái hồn sắc Huế đậm đà. Câu thơ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” như một tiếng reo, một lời trầm trồ trước vẻ đẹp lộng lẫy, thanh tân, tươi tắn của cỏ cây hoa lá. Vườn ai không xác định nhưng mang theo một chút ngỡ ngàng bâng khuâng, bởi ai vừa phiếm chỉ vừa rõ ràng. Hẳn phải là vườn em. Vẫn là cảnh cũ người xưa nhưng lâu không về thăm lại nên ngỡ ngàng. Và có thể mãi không về nữa nên càng thổn thức chờ mong. Hai chữ mướt quá tô đậm cái hồn của cây lá vườn Vĩ Dạ: non tươi, xanh mỡ màng, đầy sức sống, đẫm sương đêm, ánh ngời dưới nắng hồng. Hình ảnh so sánh xanh như ngọc vừa gợi sắc xanh vừa gợi ánh long lanh trong trẻo của nắng và sương đọng trên cành lá. Màu xanh của cây lá hay chính là màu của nỗi niềm, của cảm xúc, của tấc lòng đang xao xuyến chờ mong. Từ quá tạo âm hưởng ngỡ ngàng, rạo rực của nhân vật trữ tình với cảnh vườn Vĩ Dạ, với cuộc đời trong sáng trinh nguyên. Chính nỗi nhớ thiết tha đã giúp nhà thơ chỉ bằng vài nét gợi đã vẽ ra một cảnh tượng sống động, mang cái hồn rất riêng của Vĩ Dạ: xanh tươi, thanh tân, trù phú, tươi rói sự sống và rất đẹp, đẹp bởi cảnh, đẹp bởi cảnh đó là vườn ai. Cảnh vườn Vĩ Dạ tinh khôi lúc hừng đông, là một cảnh đẹp mang hồn xứ Huế, cũng là mang thần thái của làng quê xứ sở Việt Nam thân thương:
Nhà em có một giàn giầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
(Tương tư – Nguyễn Bính)
Một tương lai đẹp đẽ dịu ngọt trong ước mong của một mối tình đơn phương. Cái tương lai ấy chan chứa trong tâm hồn chàng trai, khiến chàng không thể gọi nàng một cách trang trọng xa xôi nữa, mà cũng không nghĩ đến hoa khuê các một cách dằn dỗi nữa, mà gọi là em một cách thân mật, giản dị. Nhưng thực tế vẫn mong manh. Câu thơ Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông, láy lại câu thơ đầu nhưng có sự thay đổi chữ ngồi bằng chữ thì. Thôn Đoài thì nhớ là một việc tự nhiên, nhưng Cau thôn Đoài có được quyền nhớ giầu thôn Đông hay không? Câu hỏi đặt ra không được trả lời. Chuyện hai ta rồi có đoạn kết tươi đẹp không, vẫn là chuyện chờ đợi, chờ đợi mà chưa dám tin tưởng. Mối tình thiết tha mà kín đáo, buồn nhớ mà trong sáng, tuyệt vọng mà bay bổng. Tình yêu đẹp đẽ chân thật ấy hiện lên giữa những giàn giầu, hàng cau, mái đình, bến nước, con đò xinh xắn của làng quê Việt Nam, toát lên hồn quê đằm thắm. Những cảnh sắc này vừa tạo ra không gian quê kiểng cho nhân vật trữ tình bày tỏ mối tương tư; vừa là phương tiện, là ngôn ngữ để nhân vật trữ tình diễn tả tâm trạng tương tư của mình một cách tự nhiên kín đáo. Cách tỏ tình ý nhị, hóm hỉnh: anh yêu em là thuận lòng trời: Gió mưa là bệnh của giời – tương tư là bệnh của tôi yêu nàng; thuận lòng đất: Hai thôn chung lại một làng; ngay cả nhà anh và nhà em, các sự vật sinh ra cũng đã ngầm đính ước: Nhà em có một giàn giầu – Nhà anh có một hàng cau liên phòng; riêng anh cũng thuộc về mối duyên này; cách xưng hô cũng chuyển từ trang trọng Tôi-nàng sang Anh-em. Tình yêu kín đáo mà rõ ràng, xa mà rất gần, tưởng mơ hồ mà rất cụ thể. Đó là lối diễn đạt mang hồn của ca dao, dân ca. Cảnh và tình hòa quyện vào nhau, tạo thành hồn quê đậm đà cho bài thơ.
- Không chỉ vẽ nên những cánh sắc quê hương đất nước với những tình cảm trong sáng, qua thơ các nhà Thơ mới còn gửi gắm nỗi buồn mất nước thầm kín mà thiết tha:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
(Tràng giang – Huy Cận)
Mùa thu, mây trắng hết lớp này đến lớp khác, như những búp bông trắng nở ra trên trời cao. Từ láy lớp lớp càng tô đậm vẻ đẹp kì vĩ tầng tầng lớp lớp của mây trời. Chữ đùn gợi tả được cái hồn của cảnh, mây như có sức sống lực đẩy từ bên trong. Ráng chiều trước khi vụt tắt, lại ánh lên nét đẹp lấp lánh như dát bạc lên những đỉnh núi phủ mây. Cánh chim chiều bay liệng là hình ảnh tả thực, tuy gợi chút gì đó ấm áp của sự sống nhưng cánh chim nhỏ bé mông lung quá giữa bầu trời vô tận nên càng thấy bơ vơ buồn. Dấu xác lập tương quan giữa hai hình ảnh, gợi nhiều cách hiểu: Chim nghiêng cánh để trút bóng chiều hay chính bóng chiều nặng nề đã làm chim nghiêng cánh? Đối lập với mây trời ngồn ngộn ở trên là cánh chim nhỏ bé bên dưới. Không gian khổng lồ như đè gí lên cánh chim mong manh, dường như cánh chim không ngăn nổi chiều tà buông xuống. Cảnh càng mênh mông, nỗi buồn càng trĩu nặng: nỗi buồn của cảnh hoàng hôn hay nỗi buồn từ lòng người tràn ra cảnh vật, khiến bóng chiều sa vì chở nặng tâm tình của thi nhân? Cả hai hình ảnh: cánh chim chiều và nhân vật trữ tình, đều gợi thân phận bơ vơ, chìm nổi của những cá thể nhỏ nhoi giữa tạo vật thiên nhiên mênh mông hiu quạnh. Trong cảnh ấy, con người không khỏi chạnh lòng nghĩ đến thân phận mình. Nó cũng là một cá thể bơ vơ trôi dạt trên dòng đời, trôi dạt trong cái vô tận của không gian, cái vô thủy vô chung của thời gian, nên chạnh niềm nhớ quê và khao khát xứ sở. Chiều tà, chim vội vã bay về tổ, huống chi lòng người sao không thấy cô quạnh và chạnh lòng nhớ quê hương, khao khát tình người, khi đứng trước thiên nhiên vô biên hoang vắng. Lòng quê như những con sóng dợn dợn, sóng trải ra nhẹ nhàng liên tiếp hay chính là nỗi nhớ quê cũng dâng lên khắc khoải trong lòng người. Nỗi nhớ này không chỉ có trong ý thức mà còn trở thành cảm giác thấm thía tâm hồn. Mượn niềm luyến nhớ quê hương trong hai câu thơ nổi
tiếng của Thôi Hiệu (Nhật mộ hương quan hà xứ thị - Yên ba giang thượng sử nhân sầu), Huy Cận đã bộc lộ tình quê hương như có phần đậm đà da diết hơn. Cùng viết về khói sóng buổi hoàng hôn, cùng gợi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương nhưng lại có sự khác biệt tiêu biểu cho thơ cũ-thơ cổ điển và thơ mới-thơ hiện đại. Thơ cũ tả cảnh ngụ tình, cảnh vật khơi gợi tâm trạng. Thơ mới là thơ của cái tôi nội cảm, không cần mượn tới ngoại cảnh mà vẫn tự biểu hiện được những cung bậc cảm xúc thiết tha. Chẳng cần có khói sóng, chỉ một chút hoàng hôn buồn cũng thấm thía niềm khao khát cháy bỏng với quê hương xứ sở. Hai chữ Nhớ nhà, hiểu rộng hơn thì không phải chỉ là nỗi nhớ cụ thể một mái nhà, một quê hương nào đó mà là sự khát khao tìm về một chỗ dựa cho tâm hồn cô đơn. Nỗi nhớ đó thường trực trong lòng, không cần có sự tác động của ngoại cảnh mà tự có, tự đầy trong lòng một người luôn cô đơn bơ vơ, thấy thiếu quê hương ngay trên quê hương đất nước mình. Tâm trạng ấy khiến tình yêu quê trở thành một tình yêu lớn lao, khiến nỗi buồn trong bài thơ không thuần túy là nỗi buồn trước thiên nhiên vô biên quạnh vắng mà nói như Xuân Diệu, còn là “nỗi buồn sông núi”, nỗi buồn bơ vơ của người dân vong quốc, nỗi buồn đất nước thầm kín khi hoàn cảnh chưa cho phép bộc lộ công khai, nhất là với những nhà thơ lãng mạn như Huy Cận.
 
Last edited:
Top Bottom