Sử 12 Công nhân

T

tvxqfighting

Phong trào công nhân Việt Nam trong giai đoạn 1919 – 1930 là quá trình phát triển từ đấu tranh tự phát (1919 – 1925) tới đấu tranh tự giác (1925 – 1930).
a. Giai đoạn 1919 – 1925: Thời kì đấu tranh tự phát
- Những năm đầu sau chiến tranh, do trình độ giác ngộ còn thấp, những cuộc đấu tranh của công nhân chỉ nổ ra lẻ tẻ, rời rạc ở từng xí nghiệp, từng kíp thợ, xưởng thợ. Mục tiêu đấu tranh chủ yếu đòi quyền lợi kinh tế như đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, cúp phạt. Hình thức đấu tranh chủ yếu là phá máy móc, đánh lại cai kí, chủ thầu, phá giao kèo, bỏ trốn tập thể,... Dù vậy, các cuộc đấu tranh của công nhân trong thời kì này đã nói lên ý thức giai cấp đang phát triển nhanh chóng, làm cơ sở cho các tổ chức và phong trào chính trị cao hơn về sau.
- Ngay từ năm 1920, công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn đã thành lập Công hội (bí mật) do Tôn Đức Thắng đứng đầu.
- Các cuộc đấu tranh của công nhân và thủy thủ Pháp trên các tàu Pháp ghé vào các cảng Hải Phòng (1919) và Sài Gòn (1920), cũng như các cuộc đấu tranh của công nhân và thủy thủ Trung Quốc tại các cảng lớn Hương Cảng, Áo Môn, Thượng Hải (1921), đã góp phần cổ vũ, động viên công nhân Việt Nam hăng hái đấu tranh.
- Năm 1922, công nhân và viên chức các cơ sở công thương của tư nhân ở Bắc Kì đòi chủ tư bản người Pháp phải cho họ nghỉ ngày chủ nhật có trả lương. Cùng năm đó, còn có cuộc bãi công của công nhân các nhà máy dệt, rượu, xay xát gạo ở Nam Định, Hà Nội, Hải Dương…
- Tháng 8 – 1925, thợ máy xưởng Ba Son tại cảng Sài Gòn không chịu sửa chữa chiến hạm Misơlê của Pháp trước khi chiến hạm này chở lính sang tham gia đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Trung Quốc. Cuộc bãi công nổ ra với yêu sách đòi tăng lương 20% và phải cho những công nhân mất việc làm được trở lại làm việc. Sau 8 ngày bãi công, nhà chức trách Pháp đã phải chấp nhận tăng lương 10% cho công nhân. Cuộc bãi công Ba Son thắng lợi, đánh dấu bước tiến mới của phong trào công nhân Việt Nam. Từ đây, công nhân Việt Nam bắt đầu đi vào đấu tranh có tổ chức và có mục đích chính trị rõ ràng.
b. Giai đoạn 1925 – 1930: Thời kì đấu tranh tự giác
- Từ năm 1925 trở đi, phong trào công nhân Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ nhờ sự xuất hiện và tăng cường hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin đến đông đảo công nhân và nhân dân lao động thúc đẩy phong trào phát triển.
- Thời kì này cũng có những sự kiện lớn bên ngoài vang dội đến Việt Nam. Cách mạng dân tộc dân chủ ở Trung Quốc phát triển mạnh mẽ. Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản (1924) ra những nghị quyết quan trọng về phong trào cách mạng các nước thuộc địa. Tiếp đến là vụ phản biến của Tưởng Giới Thạch và sự thất bại của Công xã Quảng Châu năm 1927 cung cấp một bài học nóng hổi về tính hai mặt của giai cấp tư sản và về vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân trong cách mạng dân tộc dân chủ ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Tình hình trên đã tác động mạnh mẽ đến bộ phận tiên tiến trong lực lượng cách mạng nước ta là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và thông qua đó, tác động đến sự giác ngộ chính trị của giai cấp công nhân nước ta, tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân phát triển mạnh hơn nữa.
- Trong hai năm 1926 – 1927 đã nổ ra 27 cuộc đấu tranh của công nhân. Lớn nhất là các cuộc bãi công của 1000 công nhân nhà máy sợi Nam Định, của 500 công nhân đồn điền cao su Cam Tiêm, tiếp theo là của công nhân đồn điền cà phê Rayna (Thái Nguyên), đồn điền cao su Phú Riềng,...
- Cuối năm 1928, sau khi có chủ trương “vô sản hóa”, nhiều cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đi vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, cùng sinh hoạt và lao động với công nhân để tuyên truyền vận động cách mạng, nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân. Phong trào công nhân phát triển mạnh, trở thành nòng cốt của phong trào dân tộc trong cả nước.
- Trong hai năm 1928 – 1929 đã có tới 40 cuộc đấu tranh của công nhân. Đấu tranh của công nhân đã nổ ra tại các trung tâm kinh tế, chính trị. Đó là bãi công của công nhân mỏ than Mạo Khê, đồn điền Lộc Ninh, nhà máy cưa Bến Thủy, nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy in Poóctay (Sài Gòn), hãng dầu Nhà Bè, nhà máy tơ Nam Định, nhà máy chai Hải Phòng, nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi (Vinh), nhà máy AVIA (Hà Nội), hãng buôn Sácne Sài Gòn, sở ươm cây Hà Nội, nhà máy điện Nam Định, hãng xe hơi Đà Nẵng, nhà máy dệt Nam Định, đồn điền cao su Phú Riềng, hãng dầu Hải Phòng, nhà in Chợ Lớn…
- Các cuộc bãi công đó không chỉ giới hạn trong phạm vi một nhà máy, một địa phương, một ngành mà đã bắt đầu có sự liên kết thành phong trào chung. Tình hình đó chứng tỏ trình độ giác ngộ của công nhân đã nâng lên rõ rệt tuy chưa được đều khắp.
- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930 là mốc đánh dấu quá trình giai cấp công nhân Việt Nam chuyển từ đấu tranh tự phát đến tự giác đã hoàn thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam chứng tỏ "giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng". Từ đây, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân đã có một tổ chức lãnh đạo thống nhất (Đảng Cộng sản Việt Nam), có một đường lối cách mạng đúng đắn (con đường cách mạng vô sản) và giai cấp công nhân Việt Nam hoàn toàn giác ngộ về sứ mệnh lịch sử của mình (tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và chế độ phong kiến tay sai, giành lại độc lập tự do cho đất nước, mang lại hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam).
 
Top Bottom