Ngü van 10- phong cách ngôn ngü nghê thuât

S

saochoihalluy

H

hohungho

Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ giàu hình ảnh, sắc màu. Hình ảnh thơ bao giờ cũng là sự kết tinh của việc sử dụng ngôn ngữ. Vì thế hình ảnh thơ luôn có ý nghĩa trong việc tạo hiệu ứng nghệ thuật, góp phần khẳng định sự hiện hữu của thơ. Vì ‘thơ là biểu tượng, là hình ảnh. Thơ tạo dựng một vũ trụ qua trung gian biểu tượng một vũ trụ phi thực, một vũ trụ chỉ có ý nghĩa trong tính cách phi thực, một vũ trụ chỉ có ý nghĩa trong tính cách phi thực của nó. Hơn đâu hết, biểu tượng hình ảnh là điều kiện của thơ ,lý do tồn tại của thơ, biểu tượng chính của thơ” (Huỳnh Phan Anh). Như vậy dù là tiếng vọng từ tâm linh, là tiếng gọi từ trong vô thức thì thơ cũng phải tồn sinh dựa vào nhiều phương thức biểu hiện, trong đó không thể không có ngôn ngữ và hình ảnh - những thi liệu đầu tiên mà người đọc chạm tới trước khi bước vào khám phá thế giới mộng mị và hư ảo của thơ. “Thơ là vũ trụ những hình ảnh có giá trị một sự mê hoặc, một thứ ma thuật. Nó biến thành hình ảnh của chính hình ảnh”. Nhưng “Thơ không là thực tại, không là tổng số những hình ảnh xác định một thực tại rõ ràng. Nó là một ước muốn hơn thế nữa là một đam mê mù quáng cũng nên” (Huỳnh Phan Anh). Rõ ràng, hình ảnh thơ không phải là tổng số của nhiều hình ảnh mà chính sự chọn lọc những hình ảnh có giá trị biểu cảm, có tính hàm súc, tạo hiệu ứng nghệ thuật cao, mới thể hiện tư tưởng, tinh thần lập ngôn và cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhà thơ không nói bằng phạm trù của tư duy lô-zic như trong các môn khoa học tự nhiên mà thông qua hình ảnh cụ thể để diễn đạt những ý niệm trừu tượng.

Nhà thơ Tố Hữu viết về bốn mùa (đông, xuân, hè, thu) ở Việt Bắc bằng ngôn ngữ giàu tính họa (có người gọi đây là bức tranh tứ bình):

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

Khương Hữu Dụng viết Một tiếng chim kêu sáng cả rừng (Hành quân qua đèo Hải Vân) tạo cảm giác như ta vừa bước từ bóng tối ra ánh sáng, thật sung suớng. Hay như Nguyễn Duy trong bài “Lời ru đồng đội”, viết:

Ngủ hầm, ngủ võng, ngủ bưng
Gối đầu tay ngủ cầm chừng mỗi đêm
Có người ngủ thế thành quen
Đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình.

Có nhà thơ so sánh mái tóc dài của thiếu nữ khá độc đáo: Tóc em dài như một tiếng chuông ngân. (chuyển từ quan sát bằng thị giác sang thính giác). Hay Trần Đăng Khoa cảm nhận được âm thanh rất nhẹ của chiếc lá đa rơi trong bài “Đêm ngủ ở Côn Sơn”: Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng... (chuyển sự cảm nhận từ thính giác sang thị giác). Tất cả những câu thơ trên đều gợi liên tưởng, tạo hình tượng khá rõ. Nếu không có trí tưởng tượng kỳ diệu thì khó mà viết được những câu thơ như thế. Để có được những từ ngữ “lóe sáng” đó, ngoài vốn từ vựng phong phú, nhà thơ còn phải biết kết hợp các biện pháp tu từ như: so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, điệp từ, tượng trưng, nói quá, nói giảm...trong cách diễn đạt.
Chế Lan Viên viết về nỗi nhớ một cách trực tiếp thật đẹp qua một loạt hình ảnh so sánh trùng điệp gợi trường liên tưởng rộng:

Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.
(Tiếng hát con tàu)

Nỗi nhớ trong tình yêu giữa anh với em là tất yếu như quy luật đất trời đông về nhớ rét . Còn tình yêu ta quý như cánh kiến hoa vàng- một thứ đặc sản của núi rừng Tây Bắc và đẹp như sắc biếc lông chim lúc xuân sang. Tác giả đã cụ thể hóa khái niệm trừu tượng là tình yêu thành những hình ảnh gần gũi, quen thuộc với con người, nhất là người miền núi.


Ở một bài khác, ông lại bộc lộ nỗi nhớ sâu lắng hơn, trăn trở và da diết hơn:

Anh nhớ em như đất liền xa cách bể
Nửa đêm sâu nằm lắng sóng phương em
Em thân thuộc sao thành xa lạ thế
Sắp gặp em rồi sóng lại đẩy xa thêm.

Không tin vào cuộc sống, không tin vào tình yêu, tất cả trước mắt chỉ là một màu xanh ảm đạm, Nguyễn Bính tìm tới cá quán trọ bên đường, tới chiếc lá khoai để so sánh với tình yêu vô vọng:

Lòng em như quán bán hàng
Dừng chân cho khách qua đàng mà thôi
... Lòng em như chiếc lá khoai
Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu.
(Hai lòng)

Ta có thể bắt gặp vô vàn những hình ảnh so sánh ví von tạo hình ảnh độc đáo trong thơ Xuân Diệu: Tháng giêng ngon như một cặp môi gần, Tóc mịn đầy tay như suối mát, Lá liễu dài như một nét mi, Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ, Mây đa tình như thi sĩ thời xưa, Cuộc đời cũng đìu hiu như dặm khách. Mà tình yêu như quán trọ ven đường...
Thơ phản ánh cuộc sống qua những rung động của tình cảm. Như nhịp đập của trái tim khi xúc động, ngôn ngữ thơ có nhịp điệu riêng của nó. Thế giới nội tâm của nhà thơ không chỉ biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ mà bằng cả âm thanh, nhịp điệu của từ ngữ ấy. Có thể xem tính nhạc là nét đặc thù rất cơ bản của ngôn ngữ thơ.

“Nhạc điệu là một yếu tính của thi ca. Thiếu nhạc tính thơ trở thành văn xuôi” (Bằng Giang). Bởi nhạc tính như một nét duyên thầm làm nên vẻ đẹp của thơ, cũng là một yếu tố tạo mỹ cảm cho người đọc. “Ly khai với nhạc tính, thơ chỉ còn là một nhan sắc trơ trẽn thiếu duyên” (Tam Ích). Và “Thơ là sự phối hợp của âm thanh”. Thơ bao giờ cũng là sự kết hợp hài hòa giữa ý và nhạc. Nếu “rơi vào cái vực ý thì thơ sẽ sâu nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc thì thơ dễ làm say lòng người nhưng dễ nông cạn” (Chế Lan Viên). Rõ ràng, nhạc tính là tiếng nói linh diệu của thi ca, gợi thức trí tưởng tượng của người đọc, nói như La Fontaine “Chẳng có thơ nào không có nhạc”. Hơn bất cứ ngôn ngữ ở thể lọa nào khác, ngôn ngữ thơ với tính cách là một thứ ngôn ngữ giàu nhịp điệu, phong phú về cách hòa âm, tiết tấu, giàu từ láy âm, tượng hình, chính là thứ ngôn ngữ giàu tính nhạc. Nhạc tính trong thơ được tạo nên từ nhiều yếu tố như nhịp điệu, cách gieo vần, phối thanh…

Vần là sự lặp lại những âm thanh tương tự để tạo chỗ dựa cho nhạc tính. Thơ có vần chính và vần thông. Vần chính là vần cùng một khuôn âm, vần thông là theo một khuôn âm tương tự. Xét về vị trí vần, còn chia ra vần chân và vần lưng. Thơ tự do ngày nay không bó buộc về hiệp vần, nhưng các nhà thơ vẫn sử dụng vần như một yếu tố biểu cảm làm tăng vẻ đẹp của thơ:

Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan
Đường Bạch Dương sương trắng nắng tràn

Tố Hữu lặp lại vần ngay trong một dòng thơ khiến câu thơ như ngân lên điệu nhạc du dương, man mác.

Nếu ngôn ngữ và hình ảnh là những yếu tố song hành thì âm điệu cũng là yếu tố đồng hành với tính nhạc. Nói một cách hình ảnh, nếu ngôn ngữ là sợi dây đàn thì nhạc tính và âm điệu là những cung bậc thanh âm ngân lên từ sợi dây đàn ấy. Việc kiến tạo âm điệu trong thơ cũng chính là kiến tạo nhạc tính. Và âm điệu cũng là chiếc cầu nối thơ với người đọc, dẫn dụ người đọc đi vào thế giới màu nhiệm của thơ ca. Các câu thơ sau sở dĩ “đầy nhạc” chính vì sự tập trung dày đặc các nguyên âm mở và phụ âm vang tạo âm điệu cho thơ:

Long lanh tiếng sỏi vang vang hận (Nguyệt cầm – Xuân Diệu)
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang (Mùa xuân chín – Hàn Mặc Tử)

Nam đình nghe động trống chầu đai doanh. (Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Nhạc thơ chủ yếu còn do các thanh điệu tạo nên. Xuân Diệu viết hai dòng toàn bằng để gợ tả điệu nhạc du dương đưa tâm hồn phiêu diêu bay bổng khi nghe Nhị Hồ:

Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi.

Câu thơ của Bích Khê sở dĩ đầy nhạc tính như ta cảm thấy chính là vì đã tập trung được các thanh bằng một cách dày đặc nhất:

Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông…
(Tỳ bà)

Tản Đà trong hai câu thơ:

Tài cao phận thấp chí khí uất
Giang hồ mê chơi quên quê hương
Đã sử dụng một nhịp điệu đặc biệt trên cơ sở tương phản về thanh điệu như hai vế đối lập. Câu trên là một tình thế bất công, một cảnh ngộ uất ức. Câu thơ bị dồn chặt, đóng chặt bởi những từ ngắn mang thanh trắc giống như uất ức bị nén lại. Câu thơ sau là một hướng giải quyết tiêu cực và buông xuôi, toàn bộ câu thơ trôi đi trên thanh bằng như một sự buông tỏa, giải thoát, không có phương hướng, không có gì níu giữ lại. Câu thơ thứ nhất với chủ âm thanh trắc, câu thơ thứ hai chủ âm thanh bằng diễn đạt được trạng thái buông xuôi của nhà thơ, chính âm thanh của chữ nghĩa đã tạo nên những điều mà chữ nghĩa không nói hết.

Nói đến yếu tố tạo tính nhạc cho thơ phải kể đến vai trò của nhịp điệu. Maiacovki từng khẳng định: “Nhịp điệu là sức mạnh cơ bản, năng lượng cơ bản của câu thơ”. Câu thơ và vần có một cái duyên mà thậm chí khi lời, ý dở, nhà thơ vẫn quyến rũ người nghe bằng nhịp điệu và sự cân đối.” (Isokrate). Theo giáo sư Hà Minh Đức: “Nhịp điệu là kết quả của một sự chuyển động nhịp nhàng, sự lặp lại đều đặn những âm thanh nào đó ở trong thơ.”. Nhịp thơ có thể dài, ngắn, đọc lên có thể nhanh hay chậm phụ thuộc vào trạng thái cảm xúc:

Nhiều đấy ư em/ mấy tuổi rồi?
- Hai mươi.
- ờ nhỉ/ tháng năm trôi
Sóg bồi thêm bãi / thuyền thêm bến
Gió lộng đường khơ/ rộng đất trời!
(Tố Hữu)

Thơ là thể loại “ý tại ngôn ngoại”. Việc kiệm lời, kiệm chữ là một yêu cầu tối quan trọng đối với nhà thơ. “Thơ cốt ở ý, ý cốt sâu sa thì thơ mới hay. Không phải bất cứ điều gì phải nói ra bằng lời thì mới là thơ có giá trị. Ý hết mà lời dừng là cái lời hết mực song lời dừng mà ý chưa hết thì lại càng hay tuyệt” (Hải Thượng Lãn Ông).

Mỗi từ ngữ trong câu thơ phải diễn tả được đúng điều mà nhà thơ nhìn thấy, cảm thấy và những điều sẽ thấy. Lựa chọn được một từ ngữ “đắt” để diễn đạt một ý không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nói như Maiacôpxki, quá trình sáng tạo ngôn ngữ thơ ca cũng giống như người lọc quặng radium:

Lấy một gam phải mất hàng năm lao lực.
Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ.

Trong một trường liên tưởng của từ ngữ có nhiều từ cùng nghĩa, gần nghĩa, trái nghĩa..., người viết cần liệt kê vài từ để chọn. Tản Đà đã suy nghĩ rất nhiều khi chọn từ “khô” để đưa vào câu thơ: Non cao những ngóng cùng trông/ Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày (Thề non nước). Nếu thay từ khô bằng từ tuôn, hay từ trôi thì hiệu quả sẽ như thế nào?

Hay từ “ép” trong câu: Tuổi già hạt lệ như sương/ Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan là một “nhãn tự” (mắt chữ) trong bài Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến. Ta bắt gặp trong Nguyễn Du, một bậc thầy về ngôn ngữ thơ ca, những sáng tạo kỳ diệu. Chỉ trong một câu thơ ngắn Ghế trên ngồi tót sỗ sàng, với chỉ một từ tót thôi, Nguyễn Du đã giết chết tên Giám Sinh họ Mã (Hoài Thanh). Hay Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào. Với một từ lẻn, Nguyễn Du đã lột trần bản chất con người Sở Khanh.

Hàm súc và giàu sức biểu hiện, ngôn ngữ thơ ca cô đúc, chặt chẽ với sỗ từ rất hạn định nhưng năng lực biểu hiện lại rất lớn. Vấn đề đặt ra với mỗinhà thơ là phải chọn một cách nói tốt nhất đến mức đô người ta cảm thấy không thể khác được.

Thơ hay bao giờ cũng là cuộc hôn phối kỳ diệu giữa âm thanh và ý nghĩa, hình ảnh. Chữ và nghĩa trong ngôn ngữ thi ca hòa quyện với nhau như hình với bóng, như xác với hồn nên việc tách rời chúng ra khỏi nhau sẽ làm tổn hại đến bình diện ngôn ngữ và thẫm mỹ của câu thơ.Thơ không phải là một mớ lý thuyết mà là một thực thể ngôn ngữ,. Và thơ ca ám ảnh người đọc phải chăng cũng vì vẻ đẹp toát ra từ “thực thể ngôn ngữ” ấy. Vũ trụ tâm hồn thi nhân có hòa điệu với tâm hồn người đọc không, có “tri âm” với người tiếp nhận hay không, tất cả phải thông qua chiếc cầu ngôn ngữ, nói như Bùi Giáng “thi ca vẫn có sức đưa dẫn người ta vào giữa huyền nhiệm của cuộc sống. Ngôn ngữ thơ bao giờ cũng là hóa công của người nghệ sĩ. Mỗi chữ trong thơ đều là sự vang vọng từ tâm hồn thi nhân. Vì “Thực chất của thơ là cái linh hồn, là sự sống của những chữ ta dùng. Làm văn xuôi, chữ không có sức mạnh ma quái như vậy (…) thi nhân là một thần linh nói một thứ chữ riêng mà thế nhân phải diễn tả dài dòng thô lậu” (Nguyên Sa).
 
H

hohungho

EM ƠI BA LAN

Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi, nghe tiếng người xưa vọng
Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn
Có phải Sô-Panh tình chứa chan
Nâng đàn ca Cô gái Ba Lan
Có phải A-đam hồn vĩ đại
Bay trên đầu thế kỷ nhân gian…
Em đi cùng anh lên thành xưa
Vác-xa-va ấm nắng ban trưa
Nét vàng lịch sử vừa tươi lại
Trong cuộc hồi sinh, tạnh gió mưa
Hãy nghe em từng viên đá lát
Những con đường, tiếng hát đau thương
Ba Lan, Ba Lan
Thịt da đã bao lần tan nát
Nước mất, tim về vọng cố hương
Hãy nghe em từng viên ngói đỏ
Những mái nhà phố cũ hồi xuân
Máu đã quyện, em ơi, trong đó
Máu Ba Lan và máu Hồng quân!
Ôi máu đọng mười lăm năm trước
Bốn triệu hồn kêu Nước trong đêm
Em ơi em, làm sao quên được
Ốt-sơ-ven-xim, Ốt-sơ-ven-xim!
Nhớ nghe em, những đôi giày nhỏ
Tưởng còn đi chập chững chân son
Những mái tóc vàng tơ đóng bó
Dệt thành chăn rợn bóng oan hồn!
Anh đã đến quê em Cra-cốp
Như quê anh lộng lẫy cung đền
Hồng quân cứu Va-ven xinh đẹp
Như Thạch Sanh đánh ó cứu nàng tiên…
Anh đã đến quê em Ban-tích
Sóng ngời xanh, ngọc bích biển khơi
Đã xóa sạch những ngày Đăng-dích
Màu Ba Lan trong trắng đỏ tươi
Khắp quê em, mùa xuân đến rồi
Dù đêm qua chút tuyết còn rơi
Hỡi người chị bên đường quét tuyết
Xuân đến rồi, nắng đỏ trên môi.
Nắng trên cao cần trục xây nhà
Nắng lưng tàu phấp phới đi xa
Nắng đỏ ngực anh, người thủy thủ
Đẹp như lò Nô-va Hu-ta
Khắp quê em, mùa xuân mang tên
Những người con đẹp của trăm miền
Hôm nay gọi nhau về Đại hội
Mở thêm đường, đi lên, đi lên
Mùa xuân đó, quê em ấm áp
Chân người đi, vào cuộc đời chung
Ngựa đang kéo đồng lên hợp tác
Đường ta đi tấp nập vô cùng!
Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi, nghe tiếng đàn xuân ấy
Ca ngàn năm: Ba Lan, Ba Lan…
Tác giả : Tố Hữu
 
N

naniliti

Phân tích đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật trong hai câu thơ sau :
Em ơi ba lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Đang cần gấp cả nhà cố gắng giúp nhé !!!:\">^:)^:x

Nhớ câu này qúa. Mọi hôm ôn đội tuyển về tính nhạc và họa của thơ cô đưa ví dụ về 2 câu này phân tích thích lắm. Mỗi việc đọc lên đã thích rồi. 2 câu thơ phối hợp linh hoạt giữa B và T, tạo một âm điệu rất mới mẻ, du dương, cất lên mà như gợi được từng chuyển động của cơn mưa tuyết phủ lên mặt đường, từng chút, từng chút. Sắc trắng của tuyết ôm trọn khung cảnh đất khách quê người, ôm trọn cả lòng "tôi". "Em ơi ba lan" là âm ngang, vang lên như một tiếng gọi, một tiếng ngân, rồi lại chùng xuống "mùa", lại ngân " tuyết tan" như hát ý. Nói chung cảnh trong thơ và nhạc trong thơ nghe và hình dung rất rất thích dù mình ko phải fan của bác Tố Hữu, có thời còn ghét nữa.
 
Top Bottom