- Tranh Ngũ Hổ :
+) Tranh Ngũ Hổ là bức tranh vẽ năm con Hổ với bố cục cân đối trên mặt giấy. Mỗi con Hổ có một dáng vẻ khác nhau: Con đứng, con ngồi, có con thì cưỡi may lướt gió…Những dáng đó đều toát lên sức sống mãnh liệt của loài chúa sơn lâm.
+) Đây là loại tranh khắc gỗ in trên giấy. Tuy nhiên, cách thức của tranh Hàng Trống là chỉ in bản nét rồi dùng bút lông tô màu. Màu sắc trong tranh Ngũ Hổ lộng lẫy, uy linh. Năm con Hổ với những màu sắc khác biệt, rõ ràng nhưng lại rất uyển chuyển. Trong quá trình tô màu, các nghệ nhân đã vờn chuyển màu để tạo độ đậm, nhạt, sáng, tối khác nhau. Vì vậy, các nhân vật trong tranh không còn là mảng bẹt như các dòng tranh đương thời.
+) Màu sắc tranh Ngũ Hổ là một thế giới hòa sắc, lộng lẫy, uy linh. Tuy nhiên, nó vẫn được khu biệt với năm màu: đen, xanh, đỏ, trắng và vàng. Màu sắc, thế và dáng của Hổ mang ý nghĩa tượng trưng cho ngũ hành.
+) Ngồi uy nghi ở giữa là Hổ màu vàng. Xung quanh là bốn con Hổ với bốn màu sắc khác nhau (đỏ, xanh, trắng, đen). Năm con Hổ trong tranh Hàng Trống được bố trí theo quy luật tương sinh các hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
- Tranh Chợ quê
+) Tranh “Chợ quê” Hàng Trống thuộc đề tài tranh sinh hoạt và thiên nhiên.
+) Tranh miêu tả cảnh hợp chợ của người dân ở một vùng nông thôn sầm uất, nhộn nhịp. Tại đây, có đủ các hàng quán, ngành nghề và các tầng lớp xã hội khác nhau. Đối với những người Việt Nam, những phiên chợ xưa là một phần trong đời sống văn hóa. Chợ quê là một cái gì đó gần gũi đến thân thương, nó đi vào tiềm thức của những người dân quê với những hình ảnh hết sức mộc mạc, thân quen và cũng rất tự nhiên như tâm hồn, bản tính người Việt… Chợ quê chính là nơi lưu giữ những nét văn hóa, tục lệ của người dân nơi đó.
+) Trong tranh “Chợ quê” chúng ta thấy chợ được tọa lạc trên một mảnh đất rộng. Nó được nằm ở vị trí trung tâm của làng. Người mua và người bán thường là người trong làng hoặc làng xung quanh. Người trong chợ có đủ mọi thành phần. Nam nữ, già trẻ, bình dân, thị dân, nông dân, trí thức…sản phẩm bán ở chợ cũng đa dạng, đó đều là “cây nhà, lá vườn”.
+) Tranh “Chợ quê’ cho thấy tính chất mộc bản cổ truyền là nghệ thuật dân gian không có theo luật viễn cận. Hàng hóa đủ thứ cùng người mua, kẻ bán xa gần bằng nhau. Tranh cho ta cảm giác ta đang đứng trước từng gian hàng và hòa mình cùng những người dân đang tham gia buổi chợ.