Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu ở dưới:
“Dẫu trôi nổi, dẫu cực khổ thế nào mặc lòng, miễn là có kẻ mang đai đội mũ ngất ngưởng ngồi trên, có kẻ áo rộng khăn đen lúc nhúc lạy dưới, trăm nghìn năm như thế cũng xong! Dân khôn mà chi! Dân ngu mà chi! Dân lợi mà chi! Dân hại mà chi! Dân càng nô lệ, ngôi vua càng lâu dài, bọn quan lại càng phú quý! Chẳng những thế mà thôi, “một người làm quan một nhà có phước”, dầu tham, dầu nhũng, dầu vơ vét, dầu rút tỉa của dân thế nào cũng không ai phẩm bình; dầu lấy của dân mua vườn sắm ruộng, xây nhà làm cửa cũng không ai chê bai. Người ngoài thì khen đắc thời, người nhà thì dựa hơi quan, khiến những kẻ ham mồi phú quý không đua chen vào đám quan trường sao được!”
(Phan Châu Trinh, Về luân lí xã hội ở nước ta, Ngữ văn 11, tập hai,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, trang 86 – 87)
a) Nêu ý chính và xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn văn. (0,5 điểm)
b) Những phương thức biểu đạt nào đã được tác giả sử dụng trong đoạn văn? Dựa vào đâu để khẳng định điều đó? (0,25 điểm)
c) Chỉ ra biện pháp điệp trong đoạn văn và nêu tác dụng của nó. (0,25 điểm)
d) Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề được chí sĩ Phan Châu Trinh đề cập ở trên (viết một đoạn văn không quá 10 câu). (0,5 điểm)
Gợi ý :
a Ý chính của đoạn văn: bày tỏ sự bất bình về tình trạng vô cảm của số đông trước những đau khổ của người dân, trước sự nhũng lạm của bọn quan lại – một sự vô cảm có khả năng tiếp tay cho cái ác.
Phong cách ngôn ngữ của đoạn văn là phong cách chính luận.
b Đoạn văn đã sử dụng hai phương thức biểu đạt chính:
- Phương thức nghị luận: tác giả rất chú ý chỉ ra mối liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng, sự việc, nhằm thuyết phục người đọc tin vào điều ông khẳng định.
- Phương thức biểu cảm: đoạn văn thể hiện rõ tình cảm thống thiết của tác giả khi nói tới sự thối nát của đám quan trường, nỗi khổ của dân chúng và sự vô cảm của các công dân.
c Đoạn văn đã sử dụng thường xuyên biện pháp điệp:
- Điệp từ: dầu, dẫu.
- Điệp cú pháp (điệp mô hình câu): có kẻ… ngất ngưởng ngồi trên, có kẻ… lúc nhúc lạy dưới; dân… mà chi; dầu… cũng không ai…; người ngoài thì…, người nhà thì…
Tác dụng của biện pháp điệp: nhấn mạnh tình trạng thê thảm của hoàn cảnh; bộc lộ nỗi đau và nỗi căm giận của tác giả một cách trực diện, nhằm gây hiệu quả tác động một cách nhanh chóng.
d Đoạn văn phải viết gọn, không quá số câu quy định, các câu phải đúng ngữ pháp, tập trung làm nổi bật một trong các ý: sự thối nát của lũ quan lại, sự đua chen kiếm mồi phú quý của người đời, sự vô cảm trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, có thể bày tỏ suy nghĩ về các vấn đề khác được gợi ra trong đoạn được trích dẫn.