Tham khảo trong link dưới này nhe. http://tcv.10s.vn/f@rum/viewtopic.php?f=55&t=26
Giá trị nhân đạo sâu sắc của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)
1. Về kỹ năng
- Đây là một bài văn nghị luận văn học, phân tích tác phẩm văn xuôi theo định hướng của đề. Trên cơ sở nắm vững truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, thí sinh cần phân tích rõ giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.
- Bài viết cần có bố cục cân đối, chặt chẽ; dùng từ, đặt câu, diễn đạt đúng và hay; biết chọn lọc dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu, toàn diện chính xác; chữ viết rõ ràng, sạch sẽ.
2. Về kiến thức
* Giới thiệu:
- Vài nét về nhà văn: Tô Hoài là nhà văn hiện thực nổi tiếng từ trước Cách mạng Tháng Tám. Tác phẩm của ông phong phú về đề tài và thể loại, thể hiện vốn hiểu biết đa dạng, lời văn giàu chất tạo hình và lối kể chuyện sinh động. Sau cách mạng ông vẫn viết đều và viết nhiều, đặc biệt thành công về đề tài miền núi.
- Vài nét về tác phẩm và yêu cầu của đề: truyện ngắn Vợ chồng A Phủ in trong tập Truyện Tây Bắc, xuất bản 1953 (tác phẩm được giải nhất giải thưởng Văn nghệ 1954 - 1955). Truyện là kết quả của chuyến Tô Hoài cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc. Vốn sống từ chuyến đi thực tế 8 tháng cùng tình yêu mảnh đất và con người Tây Bắc đã gợi cảm hứng sáng tác cho nhà văn. Truyện miêu tả chân thực, sinh động số phận nô lệ đau thương của Mị và A Phủ - những người dân lao động nghèo Tây Bắc, dưới ách thống trị tàn bạo của bọn cường quyền miền núi trong xã hội thực dân phong kiến cùng sự thức tỉnh vươn ra ánh sáng tự do, giác ngộ cách mạng, đứng lên đấu tranh để giải phóng bản thân, bản làng, đất nước. Từ đó truyện có giá trị nhân đạo sâu sắc.
* Phân tích:
Giá trị nhân đạo của một tác phẩm văn học nói chung thể hiện ở thái độ của nhà văn khi miêu tả hiện thực: quan tâm đến số phận con người và yêu thương con người. Điều này được thể hiện rất sâu sắc trong truyện Vợ chồng A Phủ, ở những điểm sau:
- Lòng yêu thương, xót xa, đồng cảm sâu sắc đối với những thân phận nô lệ đau thương của người lao động nghèo miền núi.
+ Mị: Từ một cô gái trẻ đẹp, tài hoa, yêu đời, hiếu thảo, cần cù... trở thành nạn nhân đau khổ của cha con nhà thống lý Pá Tra, trở thành nạn nhân của cường quyền và thần quyền; bị bóc lột sức lao động, bị cướp đoạt tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc, dần trở thành một cái xác không hồn, tê liệt cả cảm xúc, ý thức.
+ A Phủ: Từ chàng thanh niên khỏe mạnh, tự do chỉ vì dũng cảm dám đánh lại A Sử (cậy thế con quan, phá đám chơi của trai làng) mà bị bắt, bị đánh đập dã man, bị phạt vạ rồi trở thành nô lệ không công, truyền kiếp trong nhà thống lý.
- Tố cáo mạnh mẽ sự tàn bạo của bọn phong kiến miền núi: cha con nhà thống lý nham hiểm, tàn bạo (bắt người, đánh người, trói người cho đến chết, cho vay nặng lãi, lợi dụng hủ tục mê tín dị đoan, dựa vào thực dân...). Bằng mọi cách chúng cột chặt những người dân lao động tự do thành thân phận nô lệ vĩnh viễn.
- Tin tưởng vào sức sống mãnh liệt, sự phản kháng và khả năng đi tới cách mạng của người dân miền núi bị áp bức bóc lột.
Nhân vật Mị và A Phủ đều tiềm ẩn những phẩm chất đó. Đặc biệt là Mị khi mới bị bắt cóc về làm dâu trừ nợ phản ứng quyết liệt, suốt mấy tháng đêm nào cũng khóc, định ăn lá ngón tự tử; mùa xuân nghe tiếng sáo gọi tình yêu theo phong tục của người Mèo, Mị đã thức tỉnh cảm xúc, muốn đi chơi như một người tự do; cởi trói cho A Phủ rồi trốn theo A Phủ để được sống tự do và hạnh phúc; cuối truyện Mị còn can đảm cùng chồng và dân làng chuẩân bị đón cán bộ A Châu và bộ đội lên giải phóng bản làng.
* Đánh giá:
- Truyện được viết ngay khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt, đòi hỏi sự tham gia dốc sức của toàn quân và toàn dân, thì việc viết về số phận đau thương và khát vọng tự do, sự giác ngộ cánh mạng của người dân miền núi càng thể hiện sâu sắc tình yêu thương đồng bào chân thành của tác giả và giá trị nhân đạo của tác phẩm.
- Nội dung nhân đạo sâu sắc của truyện lại được thể hiện qua ngôn ngữ văn xuôi giàu chất thơ, nghệ thuật miêu tả tâm lý và tính cách nhân vật sinh động, lối kể chuyện đậm đà phong vị miền núi Tây Bắc nên càng xúc động với bạn đọc nhiều thế hệ.