Viet truyen ngan mang tinh xa hoi (dang can gap mong dc dien dan giup do)

P

pham_khanh_1995

Vừa bước chân vào cửa lớp, tôi thấy tất cả học viên đang ngồi quây quần bên chiếc laptop nhỏ xinh đặt trên chiếc ghế gỗ cuối phòng. Hướng mắt lên màn hình, tôi nhận ra hình ảnh của các em nhỏ trong dự án Thảo nguyên xanh tươi khởi xướng bởi Phan Ý Ly năm 2007. Những thước phim mộc mạc, gần gũi, với giọng đọc truyền cảm nhưng vẫn còn đôi chút ngọng nghịu đã gửi gắm đến cộng đồng hơn một thông điệp sâu sắc và ý nghĩa từ cuộc sống ở Bãi giữa sông Hồng.

Có lẽ đó cũng là chút duyên hội ngộ khi được gặp lại các em trong hoàn cảnh này. Vài năm trước, tôi có dịp tham gia một lớp học nhỏ dành cho các em với tư cách là tình nguyện viên cho một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam. Ngày đầu tiên tôi được sắp xếp dạy Toán và Tiếng Việt cho hai em Bắc và Hiền. Tâm lý cũng giống như một vài trẻ em lang thang đường phố mà tôi từng được tiếp xúc trước đó, các em có một chút đề phòng và “thử thách” với những người lớn “lạ mặt” mới gặp lần đầu. Trò chuyện thân mật nhưng vẫn giữ khoảng cách vừa đủ để hướng các em tập trung vào bài học, tôi dần dần “làm quen” được với hai người bạn mới của mình. Tôi hỏi các em ước mơ gì, Hiền, một em gái bé nhỏ có đôi mắt trong sáng, thông minh hồn nhiên nói em muốn trở thành họa sĩ. Bắc, em trai duy nhất trong lớp học chia sẻ với một vẻ khiêm tốn, em thích học nhạc và ngoại ngữ. Tôi ngạc nhiên khi thấy em lấy chiếc đàn guitar gỗ cũ kĩ ở góc phòng và chơi bản Romance nổi tiếng, dù vẫn chưa được trau chuốt và chính xác đến từng nốt nhạc. Em nói em học mấy “ngón nghề” này từ một anh tình nguyện viên, nhưng tự mày mò là chính và em không biết nốt nhạc. Cậu bé sau đó vui vẻ lấy quyển vở và chỉ cho tôi xem những bài học tiếng Nhật mà một chị tình nguyện viên nước ngoài khi đến Việt Nam đã dạy cho cậu. Tôi mỉm cười và thầm nghĩ biết đâu một ngày nào đó tôi sẽ gặp lại hai em khi mà những giâc mơ ấy đã phần nào trở thành hiện thực. Ngày thứ hai, tôi lại đến tham gia lớp học cùng một vài tình nguyện viên nước ngoài. Tuy nhiên, đến ngày hôm nay tôi lại cảm nhận một không khí vô cùng khác khi nhìn khuôn mặt ngán ngẩm của cả “giáo viên” lẫn “học sinh”. Các em đang được giao những bài tập toán, tiếng việt khô cứng trong sách giáo khoa đã học trên trường lớp. Và cuối cùng thì cũng tới giây phút ấy, khi những đứa trẻ đứng dậy và quyết liệt “chống trả” việc học bằng chính bản năng của mình, sau đó là lời to tiếng giữa người quản lý, điều phối dự án và những đứa trẻ. Xét trên góc nhìn của “người lớn”, các em có thể là những đứa trẻ lười biếng, hỗn láo và không biết nghe lời và cần phải “răn đe” giáo dục. Nhưng người lớn, có ai hiểu rằng giáo dục thành công hay thất bại phụ thuộc vào cả người học và người dạy. Học trò ngán ngẩm không chịu học thì giáo viên cũng cần xem lại phương pháp dạy học của mình. Bản năng con người thích làm mọi việc theo cảm hứng, thích thì sẽ làm tốt hơn. Và trẻ con thường là những người có phản xạ tự nhiên nhất nên chúng không thường “che đậy” hay “tế nhị” như người lớn. Sự quát nạt chỉ mang tính gò ép, răn đe nhất thời, không thể là một giải pháp lâu dài và dễ đưa giáo dục vào bế tắc.

Điều này được kiểm chứng qua những gì mà Phan Ý Ly đã chia sẻ với các học viên trong lớp học “Phát triển nhân cách qua quá trình sáng tạo”. Vẫn là Bắc, vẫn là Hiền, vẫn là những đứa trẻ ở bãi giữa sông Hồng ấy nhưng chúng mới dễ thương và tuyệt vời làm sao trong bộ phim “Thảo nguyên xanh tươi”. Ai có thể tin rằng mấy đứa trẻ mà họ vẫn nghĩ là “trộm cắp, cướp giật” ở bãi giữa sông Hồng một ngày nào đó lại là đạo diễn, người viết kịch bản và là nhân vật chính trong bộ phim mà họ đang vừa xem vừa lau nước mắt vì cảm động? Ai có thể tin tưởng vào chúng, những đứa trẻ ăn mặc xấu xí, hay đi nhặt nhạnh ở những bãi rác “bẩn thỉu” và giao những chiếc máy quay đắt tiền mà người bình thường cũng chưa chắc đã có được? Ai có thể tin là mấy đứa trẻ “hư đốn, nghịch ngợm, lười học” lại say mê, tìm tòi, sáng tạo nâng niu người bạn wendy – cái tên thân mật mà chúng đã đặt cho chiếc máy quay- như thế? Ai có thể tin rằng những con bé, thằng bé láu cá và tinh ranh ấy lại đang nắm tay nhau chơi bòng bong sô cô la hay hồn nhiên chạy theo con diều no gió trên “thảo nguyên xanh”…

Tôi đã nghe rất nhiều câu hỏi “Tại sao lại có thể…” của học viên dành cho Phan Ý Ly, nhưng thực ra câu trả lời nằm ở một điều đơn giản và rất căn bản, đó chính là sức mạnh lòng tin của chị dành cho một đối tượng cộng đồng đang cần giúp đỡ trong xã hội. Chính sự tin tưởng, cảm thông và tôn trọng đã mang lại cho chị sức mạnh và quyết tâm để vượt qua những giới hạn mà người ta vẫn thường tự đặt ra cho chính mình. Nguyên tắc ấy được áp dụng lên phương pháp giảng dạy cho các em bé ở bãi giữa sông Hồng, từ cách thức tiếp cận, truyền tải kiến thức đến giáo dục dân chủ trong lớp học. Không chỉ học các kĩ năng cần thiết để thực hiện dự án, quan trọng hơn các em đã có cơ hội tiếp cận với phương pháp tư duy tân tiến của giáo dục, đặt học viên làm trung tâm trên nền tảng lắng nghe, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau.

Nhìn chị say sưa chia sẻ và truyền nhiệt huyết của mình tới các học viên, tôi chợt nghĩ nếu như tất cả mọi người trong cộng đồng có cơ hội tiếp cận với “Phát triển nhân cách qua quá trình sáng tạo” thì những câu chuyện đáng “thở dài” như giáo dục hiện nay lẽ nào lại xảy ra ngày một nhiều?

Trở về nhà, tôi vẫn miên man nghĩ về hình ảnh cuối cùng trong lớp học: các học viên ngồi thành vòng tròn, nhắm mắt và nắm chặt tay nhau im lặng trong một phút…
 
Top Bottom