viết tham luận về cách học tốt môn toán

V

vitconxauxi_vodoi

~>Một bài làm tham khảo!Sưu tầm !

KINH NGHIỆM HỌC TỐT BỘ MÔN TOÁN
Kính thưa: Hội nghị học tốt, quý thầy cô giáo cùng các bạn học sinh khối 10 thân mến!
Em tên là Nguyễn Thị Bằng. Hiện là học sinh lớp 10A6, Trường THPT Núi Thành.
Hôm nay em rất vinh dự vì được tham gia hội nghị học tốt và đặc biệt là được tham luận về bộ môn toán trước hội nghị. Dưới đây là một vài ý kiến riêng của em về bộ môn toán cũng như là xin góp ý với hội nghị phương pháp học tập của mình:
Các bạn biết đấy! Đối với nhân loại loài người, môn toán là một môn rất quan trọng. Đây là một bộ môn giúp ích rất nhiều cho cuộc sống. Học toán giúp ta có thể tính toán được các phép tính đơn giản cộng, trừ, nhân, chia, trong cuộc sống hằng ngày; thiết lập các tỉ lệ, tạo nhiều khối hình học từ đó thiết kế nhiều mô hình thú vị hấp dẫn...Chẳng hạn, để tính dân số của một địa phương, một quốc gia, hay gần hơn là số học sinh trong lớp. Gần gũi với việc học của chúng ta hơn một tí, môn toán giúp chúng ta học tốt hơn nhiều môn khác. Các môn hóa, lí, địa, sinh,... đều cần áp dụng các công thức toán học. Nếu không tìm hiểu và tiếp thu các kiến thức về môn toán thì chúng ta không thể học tốt các môn học khác. Và thử đặt câu hỏi rằng: Lúc ấy, làm sao để có được những số liệu thống kê quan trọng? Làm sao có thể thiết kế, xây dựng đươc một ngôi nhà, một công trình có tỉ lệ hợp lí như ý muốn? Làm sao có thể giải các bài toán trong lí học hay hóa học?... Thật là nan giải nếu như chúng ta không học tốt môn toán các bạn ạ!
Vậy làm thế nào để học tốt được môn Toán - một môn không dễ học tí nào, đây? Một câu hỏi khó lại được đặt ra.
Mỗi bạn sẽ có một câu trả lời theo suy nghĩ và cách học của riêng mình. Riêng em, em nghĩ rằng vấn đề đầu tiên cần quan tâm và suy nghĩ lại đó là ý thức và định hướng học tập của chính bản thân chúng ta. Chúng ta ai cũng biết toán là một môn học quan trọng không thể thiếu và đóng vai trò chủ đạo trong các môn của ban khoa học tự nhiên. Một số ít các bạn nhận định sai đã chọn học ban khoa học tự nhiên vì theo đa số đăng kí học ban này, theo sự lựa chọn của bạn và học toán là phải bắt buộc, tự tạo sức ép cho mình mà không có một chút hứng thú nào cả và học một cách gò bó. Và có lẽ đa phần chúng ta cho rằng học toán thì cứng nhắt và không thú vị bằng nhiều môn học khác bởi tính khô khan trong nó. Những con số trừu tượng nối tiếp nhau dài loằng ngoằng, những công thức khó nhớ không thấy được thực tế nhiều đến không đếm nỗi, những định lý khô khan không một chút gợi cảm của văn chương,... làm mất đi niềm vui học tập trong chúng ta. Nhưng chúng lại là những chiếc chìa khóa quý giá giúp ta mở ra những bài toán là những cánh cửa thép vững chắc mà không một thứ gì khác có thể mở ra được. Tất cả những nguyên nhân trên đều làm chúng ta chán nản không còn hứng thú học toán. Do đó, chúng ta phải nhận thức lại một cách đúng đắn. Tự tạo cho mình sự hứng thú và đam mê học tập. Chúng ta nên không ngừng thắc mắc: tại sao lại có những con số, công thức, định lý như vậy? Tính tò mò sẽ giúp chúng ta tạo sự hứng thú hơn trong việc học. Nếu nói rằng toán học khá trừu tượng, phong phú nhiều dạng và không thực tế thì chỉ đúng một nửa thôi các bạn ạ. Toán học khá trừu tượng thì đúng nhưng nó lại rất thực tế chỉ có điều là chúng ta chưa tìm hiểu sâu và chưa nhìn thấy được tính thực tế của nó mà thôi. Nhiều bạn vì vậy mà có suy nghĩ là mình không thể học được môn học khó này rồi bỏ cuộc. Không được bỏ cuộc giữa đường như vậy, chúng ta cần kiên trì học tốt để hiểu sâu và nhìn được tính thực tế của nó chứ không nên từ bỏ nửa chừng. Chả phải cha ông ta đã có câu "Có công mài sắt có ngày nên kim" là gì. Đặc biệt là vấn đề sa nhãn việc học để chơi game vì nhiều lí do đang báo động hiện nay. Chúng ta cần phải vượt qua những nguyên nhân chủ quan này mà cố gắn học tập tốt môn toán cũng như nhiều môn học khác các bạn ạ. Chúng ta học tốt môn toán còn là để tiếp thu những thành quả nhân loại của các nhà toán học ở nhiều thời đại. Các nhà toán học ấy: An Ka-si, Gioóc-giơ Bun, Ghê-oóc Can-to, Kan-to-rô-vich, Mi-sen Sa-lơ, Lê-ô-na Ơ-le, Py-ta-go,... đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu đi sâu tìm ra nhiều thành quả toán học vô giá làm nền tản cho chúng ta học tập và đặc biệt là đưa nền toán học nhân loại đến đỉnh vinh quang ngời sáng. Thế thì chúng ta - thế hệ trẻ, tương lai của nhân loại - cần phải tự hào kế thừa những thành quả đó và tiếp tục phát triển tìm thêm những điều mới lạ của toán học, đưa nó tới một đỉnh vinh quang cao hơn, tỏa sáng nhiều hơn. Việc chúng ta cần làm này đơn giản hơn việc đặt nền móng cơ sở lý thuyết toán học của các vị tiền bối đi trước rất nhiều thì tại sao chúng ta lại không làm được chứ? "Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền - Đào núi và lấp biển - Quyết chí ắt làm nên", Bác Hồ kính yêu - vị cha già của dân tộc, đã dạy chúng ta như vậy. Để học tốt được toán không phải chỉ cần có trí tuệ là đủ, chúng ta cần phải siêng năng và chăm chỉ học. Một thầy giáo dạy em cấp ở THCS đã từng động viên em rằng: "Trong một trăm người giỏi thì đã có tới chín mươi chín người là nhờ siêng năng, chăm chỉ; còn lại chỉ có một người là thông minh mà thôi em ạ!". Thật vậy, nhân dân ta cũng có câu "Cần cù bù thông minh" là gì. Không có ai là tự nhiên mà giỏi được cả, tất cả nhân tài đều phải qua quá trình rèn luyện, học tập vất vả và gian lao cho dù người đó thông minh đến cỡ nào đi nữa. Như vậy, mỗi chúng ta cần phải ý thức lại bản thân là việc rất quan trọng và cần thiết. Chúng ta phải chăm chỉ hơn, siêng năng hơn.
Để học tốt được môn toán cần phải nắm vững vàng những kiến thức mình đã học. Nếu để bị mất kiến thức căn bản thì sẽ rất khó học. Đa số các bạn chắc hẳn cũng biết chiếc gầu nước phải không nào? Một chiếc gầu lành lặn thì khi kéo dây lên ta sẽ thu được trong gầu một lượng nước. Còn nếu như đó là chiếc gầu bị hổng dù chỉ là hổng một lỗ nhỏ thôi thì khi kéo dây lên chiếc gầu hổng vẫn là chiếc gầu hổng không có giọt nước nào. Công sức kéo dây như đổ sông đổ biển. Và phải vá lỗ hổng ấy rồi bắt đầu lại từ đầu công việc múc nước. Học toán cũng như quá trình múc nước nói trên các bạn ạ. Do vậy mỗi chúng ta phải kiểm tra lại lượng kiến thức mà mình bị hổng và kịp thời bổ sung ngay chỗ hổng ấy.
Vấn đề tiếp theo cần quan tâm đó là phương pháp học tập của bản thân đã ổn hay chưa? Cần học tập tham khảo thêm những phương pháp học tập hay, bổ ích. Cần có kế hoạch học tập toán hợp lí và thực hiện theo kế hoạch đó:
- Ở trường, chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài để tiếp thu tốt kiến thức bài học và cố gắn có thể nhớ những trọng tâm của bài học ngay tại lớp, mạnh dạng phát biểu bài nếu biết, không suy nghĩ rằng câu hỏi này quá dễ không cần phát biểu hoặc sợ sai. Nếu biết mà không góp ý xây dựng bài thì vô tình chúng ta sẽ trở thành những con người ích kỉ, chỉ muốn giữ riêng sự hiểu biết cho mình. Những lần phát biểu đó là cơ hội để mình thêm hiểu bài, mạnh dạng hơn trước đám đông và hơn nữa là được thầy cô góp ý sửa chữa nếu còn thiếu sót cho câu trả lời của mình. Có gì thắc mắc không hiểu thì gặp trực tiếp thầy cô hỏi và nhờ thầy cô giảng lại chỗ đó.
- Ở nhà, sắp xếp thời gian biểu hợp lý, một tuần có 2-3 buổi dành 2 tiếng để học toán: làm các bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập, đọc vài cuốn sách tham khảo ngoài sách giáo khoa và sách bài tập để tham khảo các dạng toán và cách giải khác. Giải các bài toán từ dễ đến khó, những bài khó ngoài sức giải của mình thì giải thử vài lần, nếu không được thì nhờ bạn bè giải được giúp đỡ, nếu không được thì mới đến nhờ thầy cô giúp đỡ.
- Biết lựa những cuốn sách tham khảo hợp lý, nội dung hay, chứ không nên thấy quyển nào thì mua quyển nấy; về nhà thử giải những bài tập trong đó trước, sau đó tham khảo thêm các cách giải khác của sách và từ đó có thể chọn cho mình một cách giải hay.
- Viết những công thức, định lý,... vào những tờ giấy ghi nhớ và dán ở những nơi hay qua lại trong nhà như giá sách, bàn học, đầu giường, đèn học, tủ quần áo, cửa phòng để dễ dàng nhớ lâu những công thức, định lý ấy.
- Có thể sáng tạo thêm những bài thơ, bài hát có sử dụng những con số, công thức hay những định lý khô khan và có thể phổ nhạc cho chúng làm chúng được "mặc những bộ quần áo màu sắc" giúp việc nhớ chúng dễ dàng hơn.
- Tổ chức học nhóm 1-3/ 1 tuần, nhóm học nên chỉ khoảng sáu người trở lại. Học nhóm phải nghiêm túc, không ngồi tám chuyện, cũng không phải một người giải rồi cả nhóm chép vào mà là mỗi thành viên trong nhóm đều phải tự giải sau đó tham khảo cách giải của nhau, những thành viên kém hơn giải không được thì được các bạn giỏi hơn chỉ giảng lại cách giải. Cả nhóm cũng có thể cùng nhau mỗi người một sáng tạo để tìm ra nhiều câu đố vui, nhiều bài thơ, bài hát hay về toán vừa giải trí vừa ôn lại những kiến thức đã học để dễ nhớ hơn. Các thành viên trong nhóm cũng có thể qua quá trình học nhóm tìm ra những điểm yếu, điểm mạnh của nhau; từ đó góp ý cho nhau để tiếp tục phát huy điểm mạnh và khắc phục nhược điểm của mình.
- Sử dụng mạng Internet để tham khảo nhiều bài toán cũng như những cách giải lạ hay. Và chú ý không nên lạm dụng mạng Internet giải trí quá nhiều bằng các trò chơi online để rồi nghiện game, sa nhãn việc học và nhiều hậu quả xấu khác!
- Trang bị đầy đủ những dụng cụ cần thiết cho việc học toán như giấy nháp, compa, thước thẳng, thước êke, thước đo độ, thước parabol, máy tính bỏ túi, ... trong các giờ học cũng như kiểm tra. Đó là những công cụ đắt lực giúp ta tìm ra phương pháp giải các bài toán dễ dàng và chính xác hơn.
- Có sổ tay ghi chép các công thức mới được học để dễ dàng học chúng hơn và kiến thức sẽ được thống kê rõ ràng, dễ dàng tìm kiếm những lúc quên.
Trên đây là kinh nghiệm học tốt môn toán của em - có phù hợp hay không còn tùy thuộc vào cách suy nghĩ và điều kiện của mỗi bạn. Trên tinh thần học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau; mong quý thầy cô và các bạn góp ý thêm.
Cuối cùng em xin chúc hội nghị thành công tốt đẹp!
 
  • Like
Reactions: Tớ Là Ai?
Top Bottom