"Cảnh khuya"_ Hồ Chí Minh có lẽ đã để lại một ấn tượng khó phai trong lòng người đọc, và điệp ngữ chính là một trong những nét đẹp tạo nên thành công của bài thơ này.
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Khung cảnh thơ mộng, huyền ảo dường như hiện lên thật phong phú, sinh động qua ngòi bút của Người. Trên tầng cao, ánh trăng như hòa quyện với vòm cổ thụ ở tầng trung, bóng cây cổ thụ lại bao trùm lên những khóm hoa dưới mặt đất, cảnh vật quấn quít, giao hòa với nhau. Điệp từ"lồng" xuất hiện tựa như cầu nối, gắn kết các sự vật lại với nhau, xóa đi khoảng cách giữa các tầng không gian, gợi sự đan xen giữa hai mảng sáng - tối, tạo nên một màu huyền ảo, lung linh, quả là "thi trung hữu họa".
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Quả thực, thiên nhiên như đã hòa với con người làm một, cảnh vật như làm nên cho con người, "người chưa ngủ" hay chăng cũng là một thi sĩ, say trước vẻ đẹp của thiên nhiên nhưng không, câu thơ cuối hiện lên như một lời giải thích:
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
Thật bất ngờ, thì ra con người ấy"chưa ngủ" là vì"lo nỗi nước nhà", Bác" trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành" vì nghĩ đến Cách mạng, đến đất nước, điệp ngữ"chưa ngủ" khép lại như một lời khẳng định tâm hồn thi sĩ và chiến sĩ như hòa hợp hình thành nên tâm hồn của Bác - tâm hồn của vị lãnh tụ vĩ đại. Như vậy, có thể thấy, với việc sử dụng biện pháp điệp ngữ tinh tế, thành công, "Cảnh khuya" đã đem đến cho người đọc chiêm ngưỡng một vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên và cũng cho ta hiểu thêm về con người Bác: bình dị mà lớn lao, ôm cả non sông một kiếp người.