Có thể nói rằng: đoạn trích Lục Vân Tiên thể hiện quan niệm sâu sắc của tác giả về lối sống ân nghĩa của Vân Tiên nói riêng và con người VN nói chung. Lục Vân Tiên là hình ảnh đẹp, lí tưởng mà Nguyễn Đình Chiểu gửi gắm niềm tin và ước vọng của mình. Vân Tiên là một chàng trai vừa rời trường học bước vào đời, khi “tuổi vừa hai tám”, lòng đầy hăm hở giúp đời. Trên con đường lên kinh đô ứng thí, Lục Vân Tiên bất ngờ chứng kiến cảnh nhân dân dắt dìu nhau chạy trốn, tiếng kêu khóc vang lên thảm thiết. Chàng ân cần hỏi thăm và được biết ở đó bọn cướp Phong Lai đang tung hoành. Thế là Vân Tiên quyết định ra tay cứu giúp.Hình ảnh Lục Vân Tiên xuất hiện ngay từ đầu đoạn trích là hình ảnh của một người anh hùng có đầy đủ tài năng và tấm lòng vị nghĩa, chàng chỉ có một mình, trong tay không có vũ khí mà phải đối đầu với bọn cướp Phong Lai đông người, có đầy đủ vũ khí, vậy mà Vân Tiên không một chút do dự, liều “Bẻ cây làm gậy” xông vào bọn cướp. Hình ảnh Vân Tiên trong trận đánh được miêu tả thật đẹp. Giữa vòng “bốn phía phủ vây bịt bùng”, Vân Tiên “tả đột hữu xung” đánh trả anh dũng ngoan cường không khác gì Triệu Tử Long một mình phá vòng vây của Tào Tháo ở trận Đương Dang (Đương Dương), bảo vệ A Đẩu, con nhỏ của Lưu Bị trong truyện Tam quốc. Sự so sánh liên tưởng này càng làm nổi bật tính cách nghĩa hiệp và cái đức độ của con người “vị nghĩa vong thân” (vì việc nghĩa quên thân mình). Con người ấy không do dự, tính toán thiệt hơn mà đứng ra bảo vệ kẻ yếu trước thế lực bạo tàn và cuối cùng đã chiến thắng. Hành động của Vân Tiên không chỉ là hành động của người anh hùng vị nghĩa mà còn là một con người có tấm lòng từ tâm, nhân hậu, trọng nghĩa khinh tài. Thấy hai cô gái còn chưa hết hãi hùng, Vân Tiên động lòng tìm cách an ủi họ “Ta đã trừ dòng lâu la” và ân cần hỏi han cũng như có thái độ đáng mực của con người luôn giữ nề nếp của lễ giáo phong kiến “khoan khoan ngồi dó chớ ra”. Đến khi Nguyệt Nga chân thành cảm tạ: “Trước xe quân tử tạm ngồi - Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa”, nàng tha thiết mời chàng về nhà để đền ơn đáp nghĩa, nhưng chàng đã từ chối: “làm ơn há để trông người trả ơn”. Vân Tiên cứu người vì việc nghĩa, một hành động vô tư không tính thiệt hơn, không mang sự đền ơn trả nghĩa. Vân Tiên sống vì lí tướng cao đẹp và hành động theo đúng lí tưởng đó: "Nhớ câu kiến ngãi bất vi- Làm người thể ấy cũng phi anh hùng".Đã là người anh hùng thì phải làm việc nghĩa. Đó là quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu. Trong dòng văn học Việt Nam, cũng xuất hiện không ít người suốt đời hành động vì lí tưởng nhân nghĩa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm...Xuất phát từ quan niệm và lí tưởng sống tích cực, Nguyễn Đình Chiểu đã để cho nhân vật của mình hành động theo nghĩa cử của người anh hùng. Nguyễn Đình Chiểu kế thừa và phát huy tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo:"Đem đại nghĩa để thắng hung tàn Lấy chí nhân để thay cường bạo...". Hình ảnh Lục Vân Tiên thể hiện lí tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Đình Chiểu về con người trong cuộc sống đương thời, khi mà chế độ phong kiến khủng hoảng nghiêm trọng, kỉ cương trật tự xã hội lỏng lẻo, đạo đức suy vi, thì hình ảnh Lục Vân Tiên là một vẻ đẹp lí tưởng thể hiện khát vọng của nhân dân hướng tới lẽ công bằng vả những điều tốt đẹp trong cuộc sống.Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả và khắc họa những phẩm chất đẹp đẽ của nhân vật: Lục Vân Tiên tài ba, dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài.Truyện Lục Vân Tiên là một trong những tác phẩm xuất sắc của Nguyền Đình Chiểu có sức sống mạnh mẽ và lâu bền trong nhân dân.