anh/chị hãy viết một bài viết khoảng 5-7 trang giấy nói về những ý tưởng sáng kiến của bản thân em góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông hoặc gương người tốt việc tốt trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông hiện nay trên cả nước. có thể viết dàn bài chi tiết. thứ 5 nộp lại cô kiểm tra
ai giúp mình với. đọc đề mà không biết làm. lập dàn bài chi tiết cho mình cũng được ạ
Thế giới bước sang thế kỉ 21, cũng có nghĩa là bước sang kỉ nguyên kĩ thuật số. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mọi thứ phải được hiện đại hoá và hướng đến sự tiện lợi, an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình đó ta vẫn gặp nhiều bất cập. Đặc biệt là trong vấn đề an toàn giao thông. Hàng ngày hàng giờ đều diễn ra các vụ tai nạn giao thông, sự ùn tắc xảy ra thường xuyên,... Thật đáng buồn khi Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỉ lệ mất an toàn giao thông đạt ngưỡng cao trên thế giới.
Có lẽ người dân đã quá quen với khái niệm “an toàn giao thông” nhưng lại có rất ít người hiểu được, chấp hành đúng quy định về an toàn giao thông. Hoặc có những người biết mà làm ngơ đi chỉ vì suy nghĩ “hành động giống mọi người”. An toàn giao thông là cụm từ dùng để đề cập đến các cách thức, biện pháp được sử dụng để ngăn chặn người tham gia giao thông tử vong hoặc bị thương nặng do tai nạn giao thông.
Trên thế giới, tỉ lệ xảy ra mất an toàn giao thông vẫn ngày một tăng. Mỗi quốc gia đều đang không ngừng nỗ lực để giảm thiểu tình trạng này. Vào giai đoạn những năm 1950 - 1960 của thế kỷ XX, ở Thụy Điển diễn ra tình trạng gia tăng nhanh chóng số lượng các phương tiện giao thông cơ giới. Điều đó đã kéo theo hệ lụy là gia tăng tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông, số vụ tai nạn giao thông tăng cao. Trước tình hình đó, Chính phủ Thụy Điển đã thực hiện một loạt các giải pháp. Kết quả là đến ngày nay, Thụy Điển trở thành một trong những nước có mức độ an toàn giao thông đáng ngưỡng mộ. Đó là trên thế giới, còn ở Việt Nam, tình trạng giao thông lại không được như mong đợi. Tình trạng tai nạn giao thông đang diễn biến ngày càng phức tạp và đang ở mức báo động. Mỗi ngày đều có người chết và bị thương vì tai nạn giao thông. Người ta không khỏi rùng mình bởi những con số thiệt hại về người vì tai nạn giao thông: mỗi ngày có khoảng 35 người chết, trong những dịp lễ, Tết, con số đó còn cao hơn nữa, mỗi năm hàng chục ngàn người chết vì tai nạn giao thông. Đây quả là một con số biết nói.
Mất an toàn giao thông dường như đang diễn biến ngày càng phức tạp và đang ở mức báo động. Hậu quả mà nó gây ra cũng ngày càng nghiêm trọng. Tai nạn giao thông để lại tang tóc cho biết bao gia đình, để lại những đứa trẻ không bố mẹ, gây nên cảnh gia đình tan nát. Không những thế, trong một số trường hợp, khi chịu cảnh ùn tắc lâu dài có thể dẫn đến các chứng bệnh về tim mạch, hô hấp. Bởi lẽ, khi tham gia giao thông, xe máy, ô tô là phương tiện được sử dụng nhiều nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc khí thải xả ra nhiều, đặc biệt là những chất gây tổn hại đến sức khoẻ con người.
Mất an toàn giao thông còn dẫn đến tình trạng ùn tắc, mất trật tự xã hội. Hơn nữa, việc mất an toàn giao thông còn làm ảnh hưởng đến xã hội, lợi ích và thu nhập của quốc gia. Đất nước hình chữ S nổi tiếng với nhiều phong cảnh đẹp, vì thế gây thu hút nhiều khách du lịch. Ấy vậy mà nhiều khách du lịch sau khi đến một lần liền không muốn quay lại. Khi được hỏi, họ nói rằng không phải vì cảnh quan không đẹp mà bởi vì tình trạng giao thông ở Việt Nam. Họ sợ hãi mỗi khi phải bước ra đường, cho dù đứng dưới lòng đường hay trên vỉa hè cũng đều có nguy cơ gặp tai nạn giao thông. Quả thực là một vấn nạn đáng buồn.
Vậy nguyên nhân do đâu mà tình trạng giao thông nước ta chưa được cải thiện rõ rệt? Vì sao không thể như Thụy Điển, vực dậy trở thành quốc gia an toàn? Thực ra có rất nhiều nguyên nhân nhưng có thể tóm lại trong một vài nguyên nhân chính. Thứ nhất, đó chính là ý thức người dân. Có thể dễ dàng nhận ra rằng văn hóa tham gia giao thông của người dân chưa cao. Ý thức xã hội nói chung và ý thức tham gia giao thông của người Việt rất thấp so với xã hội văn minh. Điều này đã được các phương tiện truyền thông khai thác và phê phán lâu nay. Rất dễ để bắt gặp hình ảnh người dân tham gia giao thông vượt đèn đỏ, không chịu nhường đường, thấy đèn vàng vẫn bất chấp lao đi.
Hình ảnh những ngã ba, ngã tư luôn chật cứng ô tô, xe máy chậm chạp di chuyển không hàng, không lối trong những giờ cao điểm, những khuôn mặt cáu gắt, mệt mỏi, những tiếng còi xe inh ỏi lẫn khói bụi mù mịt là chuyện xảy ra hàng ngày tại các đô thị lớn. Văn hóa chen lấn, không ai chịu nhường ai chính là nguyên nhân gây ra ách tắc giao thông. Đối với người dân Việt, việc vi phạm an toàn giao thông đã trở thành điều bình thường, là điều có thể chấp nhận được. Chính vì suy nghĩ tiêu cực đó mà nhiều người tự cho mình cái quyền “được” vi phạm. Thậm chí, họ còn không nhường đường cho người già, trẻ em, người tàn tật, thậm chí là xe cứu thương. Bởi vậy mới có những trường hợp xe cứu thương không di chuyển kịp khiến nạn nhân không được cấp cứu kịp thời dẫn đến tử vong. Còn một nguyên nhân quan trọng khác: Uống rượu bia khi tham gia giao thông. Những người tham gia giao thông sau khi uống rượu bia là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng nhiều nhất. Thống kê cho thấy phần lớn các vụ tử vong do TNGT có nguyên nhân từ rượu bia. Những ngày nghỉ, ngày lễ, tỷ lệ tử vong vì tai nạn giao thông luôn cao hơn những ngày bình thường. Có người biết được hậu quả nghiêm trọng của nó nhưng vẫn cố chấp uống bia, rượu. Không những thế, họ còn cố gắng lách luật bằng mọi cách như thấy công an liền quay đầu đi đường khác, phóng xe thật nhanh để không bị bắt, và còn cả trường hợp nói dối rằng mình vừa ăn quả vải – loại quả mà khi vừa ăn xong sẽ khiến hơi thở có nồng độ cồn.... Nhưng chung quy lại ta có thể chỉ ra nguyên nhân sâu xa của vấn đề này. Trước tiên, bởi vì sự thiếu hiểu biết về luật giao thông đường bộ. Mặc dù đã được siết chặt, nhưng công tác đào tạo và cấp bằng lái xe ở Việt Nam vẫn mang nặng tính hình thức, với mục tiêu của người học là có bằng lái xe chứ không phải để hiểu biết luật giao thông đường bộ lẫn kỹ năng lái xe. Và còn do ý thức chung, một cá nhân vi phạm nhưng lại có thể không bị phạt dẫn đến nhiều trường hợp khác.
Bên cạnh yếu tố con người, hạ tầng không đảm bảo an toàn cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến tai nạn giao thông. Chất lượng các công trình hạ tầng giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Một phần do quá tải, một phần do công trình kém chất lượng, một phần do sự chắp vá trong quá trình sửa chữa, nâng cấp. Tình trạng sụn lún, sạt lở, bong nứt mặt đường thường xuyên xảy ra trên các tuyến đường có số lượng phương tiện giao thông lớn. Hơn nữa, việc người dân có thói quen lấn chiếm vỉa hè, sử dụng mặt đường làm nơi buôn bán, kinh doanh dẫn đến lòng đường trở nên chật hẹp và che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông. Việc này dẫn đến mất an toàn giao thông cũng như mất vệ sinh nơi công cộng. Những quán ăn xả rác ngay tại nơi buôn bán trở thành hình ảnh xấu khiến người dân ngán ngẩm, du khách sợ hãi…
Để góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông thì mỗi người hãy tự nâng cao ý thức trong việc tham gia giao thông, cũng như vận động mọi người và nhắc nhở chính mình luôn nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông. Có như vậy, số vụ tai nạn giao thông cũng như số người thương vong vì tai nạn giao thông mới có thể nhanh chóng kéo giảm. Để thực hiện được mục tiêu trên, trước tiên mỗi người cần nâng cao hiểu biết của mình về Luật Giao thông đường bộ bằng nhiều cách khác nhau. Đồng thời, ta cần thường xuyên nghe đài, xem báo để hiểu rõ những quy định mới về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trên các đường phố cần có nhiều tấm biển tuyên truyền trực quan về Luật Giao thông đường bộ. Đừng nên xem thường việc đội mũ bảo hiểm hay đội mũ bảo hiểm kém chất lượng khi tham gia giao thông. Và tuyệt đối không vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, sử dụng điện thoại di động khi lái xe, sử dụng còi xe sai quy định, đi bộ không đúng nơi quy định… Tuyệt đối không được lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi kinh doanh buôn bán. Mọi người không được uống rượu bia khi tham gia giao thông. Nếu lỡ uống rượu, bia thì không trực tiếp lái xe mà sử dụng các phương tiện công cộng khác cho an toàn. Biện pháp tiếp theo là cần mạnh dạn đấu tranh với những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ như sẵn sàng tố giác khi phát hiện thanh niên đua xe trái phép, nạn “đinh tặc”… Khi thấy cảnh sát giao thông đối phó với đối tượng vi phạm chống lại người thi hành công vụ thì mọi người cần hỗ trợ, làm như vậy để răn đe người vi phạm sẽ không tái phạm.
Giải pháp nữa đó là tăng cường tuần tra, khám định kì sức khoẻ người lái xe, tăng cường tuần tra, kiểm soát trật tự an ninh giao thông và xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông. Đối với trẻ em, gia đình và nhà trường cần phối hợp giáo dục con em về an toàn giao thông. Người lớn cần phải làm gương để trẻ em học tập và noi theo. Cha mẹ, thầy cô là đối tượng gần gũi với các em học sinh nhất, vì vậy, nếu cha mẹ làm gương tốt sẽ hình thành nên một người có ích cho cộng đồng, xã hội văn minh, tiến bộ. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là lòng nhân ái, hoà hảo, tôn trọng người khác. Trên thực tế, có những người vì nóng nảy, thiếu tôn trọng người khác mà dẫn đến gây gổ, đánh nhau, gây ùn tắc giao thông, mất trật tự an ninh xã hội. Thậm chí còn dẫn đến tai nạn giao thông, gây tử vong.
Việt nam là một đất nước có hệ thống chính trị ổn định nhất trong khu vực và trên thế giới, là một nước chỉ có duy nhất một Đảng Chính trị lãnh đạo, tình trạng khủng bố hầu như không có. Thế nhưng, tình trạng thiệt mạng do tai nạn giao thông thì lại quá nhiều. Bác Hồ đã từng ước mơ đất nước ta có thể “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Để thực hiện ước nguyện ấy việc đầu tiên đó chính là xử lí tình trạng giao thông tồi tệ của nước ta hiện nay. Hãy cùng chung tay xây dựng một đất nước giàu đẹp, văn minh, bạn nhé !