Văn 7 Viết bài văn miêu tả một cảnh đẹp mà em gặp trong kì nghĩa hè

Hạt Đậu nhỏ

Học sinh tiến bộ
Thành viên
23 Tháng bảy 2017
959
1,849
214
21
Hà Tĩnh
THPT chuyên Đại học Vinh
có thể tả phong cảnh như núi rừng, biển xanh ,hang động ...
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”
Những cánh đồng lúa rộng mênh mông bát ngát đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam hết sức thanh bình yên ả, đi vào thơ ca nhạc họa của muôn đời. Dịp hè vừa rồi, nhân một chuyến đi thăm quê nội, em đã có dịp ngắm cánh đồng lúa của làng. Cảnh đẹp ấy đã trở thành dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí em.
Như đã thành thông lệ, dịp hè nào cũng vậy, em và cả gia đình lại trở về quê thăm ông bà nội. Trong mắt em, cái gì cũng thật lạ lẫm và mới mẻ. Kìa lũy tre xanh xanh đầu làng, kìa triền đê với những đứa trẻ mục đồng đang thả diều, thổi sáo, và cả con sông quê như dải lụa đào mang phù sa bồi đắp cho đồng lúa thêm tươi tốt. Nhưng ấn tượng nhất với em vẫn là cảnh cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Cánh đồng lúa nằm ở giữa làng, nhìn từ xa tựa như một tấm thảm vàng rực, khồng lồ. Mỗi khi gió thổi qua, tấm thảm ấy lại nhấp nhô từng đợt, những con sóng mải miết nối đuổi nhau đi về phía chân trời. Mới ngày nào lúa còn đang thì con gái, sắc xanh mơn mởn bao trùm khắp không gian, hương lúa lên đòng còn quyện trong gió mới, vậy mà giờ đây, cánh đồng lúa ấy đã đượm một màu vàng trù phú. Hạt thóc là hạt ngọc của trời. Để có được bát cơm dẻo thơm trắng ngần, người nông dân đã phải đổ biết bao mồ hôi và công sức: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Những bông lúa nặng trĩu hạt làm thân cây như oằn xuống, báo hiệu một mùa màng bội thu. Hương lúa chín thoang thoảng dịu dàng bay trong gió, một mùi hương thanh khiết và tươi mới, làm dịu mát tâm hồn con người. Đó cũng là thứ mùi đặc trưng của đất, của hương đồng gió nội vào những ngày hè nắng cháy. Vào sáng sớm, khi đất trời còn đọng hơi sương, cánh đồng lúa im lìm như đang ngủ say, cả không gian chìm trong một màu huyền ảo tựa như chốn bồng lai tiên cảnh. Xa xa, thấp thoáng thấy vài chú trâu đang nhẩn nha gặm cỏ. Dưới ruộng, những chú cò trắng đang bì bõm lội để kiếm tôm, kiếm tép.
Mùa lúa chín cũng là mùa nhộn nhịp, đông vui nhất trong làng. Em rất thích được chứng kiến cảnh mọi người thu hoạch lúa. Lúc trời mới tờ mờ sáng, các bác nông dân đã cùng nhau ra đồng, tiếng cười nói, trò chuyên rôm rả làm náo động cả một vùng. Trên gương mặt họ lấm tấm những giọt mồ hôi nhưng nụ cười lại sáng bừng bao niềm hân hoan, hạnh phúc. Bàn tay gặt lúa khéo léo nhanh thoăn thoắt, chả mấy chốc, những bó lúa được xếp gọn gàng trên xe để kéo về sân phơi. Tiếng cắt lúa, tiếng máy sát làm nên âm thanh rộn ràng của cuộc sống làng quê. Thóc đầy sân phơi tự bao giờ đã là biểu tượng của cuôc sống ấm no, trù phú, mang lại sự bình yên trong tâm hồn mỗi người. Những con đường quê ngày mùa còn ngập tràn sắc vàng của rơm rạ. Mùi rơm ngai ngái đã trở thành nét đặc trưng của những vùng quê đồng bằng Bắc bộ. Tôi thích nhất là được cùng đám trẻ con hàng xóm ra đồng bắt cào cào, châu chấu. Những chú cào cào, châu chấu bụng căng tròn nướng lên ăn còn đọng lại hương thơm và vị béo ngậy nơi đầu lưỡi. Vài chú chim sẻ sà xuống đồng để nhặt những hạt thóc còn vương vãi sau khi gặt.
Được thăm cánh đồng lúa đã trở thành niềm mong đợi và háo hức của tôi mỗi lần về quê. Ngắm nhìn cánh đồng lúa, tôi cảm thấy thật yên bình và thêm phần gắn bó với quê hương mình hơn.
Nguồn: internet
 

Dương Sảng

The Little Angel |Bio Hero
Thành viên
28 Tháng một 2018
2,884
2,779
451
Hà Nội
HMF
I. Mở bài
Giới thiệu về cảnh đẹp mà em định tả:
  • Cảnh đẹp đó là cảnh nào, ở đâu?
  • Nếu đó là một danh lam thắng cảnh nổi tiềng thì em đã đến đó trong dịp nào? Nếu đó là một cảnh đẹp của quê hương thì đó có phải là cảnh tiêu biểu của quê hương em không?
II. Thân bài
  • Nếu đó là danh lam thắng cảnh:
    • Vị trí địa lí của địa danh: Nơi đó nằm ở đâu, tỉnh nào? Là miền biển hay đồi núi, đồng bằng? Có thuận lợi cho việc đi lại không?
    • Cảnh đẹp trên đường đi: cảnh thiên nhiên, con người cũng như sự biến đổi của cảnh vậy.
    • Khung cảnh thiên nhiên nơi đó nhìn khái quát, tổng thể: từ xa đã thấy những ngôi nhà mái đỏ lấp ló dưới những tán cây kề trên biển xanh tít tắp / những hòn đảo lô nhô/ những ngọn núi xanh hùng vĩ,...Suy nghĩ, tình cảm của em về cảnh đẹp đó:đây là vùng biển / khu nghỉ mát đẹp nhất mà em từng đến, đọng lại trong em nhiều cảm xúc...
  • Nếu đó là cảnh đẹp của quê hương em:
    • Tả bao quát khung cảnh thiên nhiên.
    • Tả cụ thể cảnh vật thiên nhiên: hình dáng, màu sắc, sự biến đổi của cảnh vật thiên nhiên (nếu có)
      • Chẳng hạn: những ngọn núi được cây cối tươi xanh tô màu, (tả hình dáng, tư thế ngọn núi, tả cây cối, chim chóc,...) / nước biển ttrong xanh như màu ngọc bích (sự biến đổi của màu sắc nước biển trong ngày theo sự biến đổi của ánh sáng) / đồng lúa rập rờn tươi xanh,( tả những bông lúa trĩu nặng, lá lúa ngả vàng, tiếng chim tu hú...),...
    • Suy nghĩ, tình cảm của em về cảnh đẹp đó: đây là vẻ đẹp bình dị của quê hương mà em gắn bó,...
III. Kết bài
Ý thức trách nhiệm của bản thân đối với việc giữ gìn và phát huy những giá trị của cảnh đẹp đất nước.
Nguồn : vndoc
 

Bé Nai Dễ Thương

Học sinh tiến bộ
Thành viên
9 Tháng sáu 2017
1,687
1,785
284
Điện Biên
♦ Tiên học lễ _ Hậu học văn _ Đập đá quay tay ♦ ( ♥ cần chút sức lực ♥)
Quan Sơn là một khu du lịch nổi tiếng thuộc huyện Mĩ Đức, tỉnh Hà Tây, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 50 km.
Vẻ đẹp của Quan Sơn là vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình thơ mộng: cả một trời núi non trùng diệp, mây trời lô xô, hồ nối hồ, động tiếp động,... mênh mông kì thú.

Quan Sơn có hàng trăm ngọn núi đá xanh ngắt, đủ dáng hình lượn sóng nhấp nhô, với thực vật đa dạng cùng nhiều di tích lịch sử, di tích văn hoá. Nơi đây mang dấu ấn một vùng văn hoá dân tộc, đậm sắc thái lễ hội truyền thống và nếp sống thuần khiết của làng bản Việt Nam.

Bến đò hồ Giang Nội, một trong ba hồ lớn của Quan Sơn là điểm dừng chân đầu tiên của du khách. Đứng trên bến đò, trên bờ hồ, du khách có thể nhìn thấy những dãy núi đá nhọn hoắt, đủ mọi hình thù: voi mẹ voi con, sư tử vồ mồi, tiên ông đánh cờ, quần tiên vũ hội, v..v... tất cả đều soi mình dưới làn nước hồ xanh biếc.

Thú vị nhất là đi chơi hồ bằng thuyền sẽ được ghé vào thăm các ngọn núi Quai Chèo, Trâu Trắng, đồi Voi Phục, đảo Sư Tử,... Du khách cũng có thể dạo chơi khu Đầm Sen, thăm động Ngọc Long, động Sinh,... Cuối xuân đầu hè, hoa sen nở đỏ rực mặt hồ. Cảnh đẹp dân dã “Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng” như ướp hồn người vào hương hoa ngào ngạt. Sau những cơn mưa rào đầu hè, từ trên những triền núi cao, thác nước đổ xuống mặt hồ, tung bọt trắng xoá. Trong ánh hồng bình minh hay trong chiều vàng tím ngắt da trời, có ngắm cảnh lúc đó mới thấy đẹp. Giữa đêm khuya hanh vắng, du khách chợt tỉnh giấc, lắng nghe tiếng thác ào ào trầm trầm, tưởng như tiếng thầm thì của thần núi trong cổ tích đang điều binh khiển tướng ra trận.

Vượt qua núi Đá Trượt, lên đập Tràn Ngái, du khách được hít thở không khí trong lành, tâm hồn lâng lâng như bay lên, mới cảm thấy niềm vui thú thảnh thơi khi đã trút bỏ mọi oi nồng chen chúc chốn phồn hoa kẻ chợ “Phố phường chật hẹp người đông đúc”.(Thơ Trần Tế Xương).

Du khách có thể rủ nhau điền dã, ghé thăm các làng mạc quanh hồ, thăm thung lũng Voi, sân chim của Quan Sơn. Chào mào, sáo sậu, sáo đen, khướu, giang giang, kền kền, hoạ mi, chèo bẻo, le le, chìa vôi, vành khuyên, tăng ló… hàng trăm loài chim, hàng trăm giọng hót. Những đàn chim sâu, chim thiên đường, hoàng yến, bạch yến... với bộ lông rực rỡ, với tiếng hót ríu ran, làm huyên náo cả một vùng trời, vùng núi non. Cò trắng chân cao, mỏ dài, sải cánh rộng, từng tốp hàng trăm con bay xếp hàng hình cánh cung trên bầu trời xanh, hoặc đậu trắng phau trên những lùm cây xanh ven hồ, trông thật đẹp mắt, hiền lành và dễ thương. Có đến đây, ta mới thấm thía câu “đất thơm cò đậu”, mới hiểu vì sao các nhà nông học gọi chim trời là chiến sĩ bảo vệ cây trồng, là người bạn lành của nhà nông.

Quan Sơn chưa có mấy khách sạn hai, ba sao nhưng lại có nhiều chùa. Chùa ánh Sơn toạ lạc ở ngay chân núi Linh Sơn, đứng trầm mặc soi bóng xuống hồ Giang Nội. Cạnh chùa là động Linh Sơn. Động không lớn, không dài như Phong Nha, Kẻ Bàng nhưng có nhiều nhũ đá rủ xuống lung linh huyền ảo. Ta có thể đi thăm chùa Cao, chùa Hàm Yến, ngắm nhìn hàng trăm tượng Phật, mái chùa rêu phong thâm u, tiếng chuông chùa ngân buông như tiếng ngọc gieo vào đĩa vàng lúc hoàng hôn.

Khu du lịch Quan Sơn là nơi nghỉ mát và vui chơi lý tưởng. Ngoài thú vui vãng cảnh, bạn còn có thể cắm trại trong rừng, đi bơi thuyền, đi câu cá, đi leo núi, tắm hồ, hái sen,... Bạn có thể nghe tiếng đàn nai “toác” trong màn sương, nghe tiếng gà rừng “te te” gáy lúc rạng đông, nghe tiếng rùa núi cất tiếng gọi đàn lúc trời sắp mưa.
Nguồn: baikiemtra.com

Bạn có thể thưởng thức một bát canh rau rừng ngọt ngào, một đĩa nộm ngó sen tuyệt vị, một bát hầm bồ câu hạt sen đậm đà, nếm thử măng rừng thơm ngọt. Bạn có thể uống một li rượu cẩm xứ Đoài, thưởng thức đặc sản ba ba, gỏi cá, v..v... Trà móc câu pha với nước suối Linh Sơn, nước khe Trâu Trắng, Quai Chèo,... cái hương vị ấy, các vị vua chúa ngày xưa chưa bao giờ được hưởng.

Đi du lịch Quan Sơn nên đi vào mùa hè, giữa mùa sen nở, để được bồng bềnh trên thuyền giữa trời mây, áo quần, tóc tai, thân mình du khách sẽ được ướp hương sen ngào ngạt. Bồng Lai, Nhược Thuỹ khó mà sánh nổi. Cần chi phải đi Tàu, đi Tây, lặn lội ở quê người, vừa tốn ngoại tệ, vừa lo sóng thần, vừa kinh hoàng chuyện đánh bom khủng bố... “Ta về ta tắm ao ta - Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Hồ, suối, không khí Quan Sơn “không đục” mà mát mẻ, trong lành lắm.
 
Top Bottom