Văn 9 Viếng lăng Bác

hobao281005@gmail.com

Học sinh
Thành viên
19 Tháng hai 2020
62
11
26
19
Hà Nội
THPT Xuân Mai

Trần Tuyết Khả

Cựu Mod Văn | Cựu phó CN CLB Địa
Thành viên
13 Tháng hai 2018
2,356
6,278
616
21
Hà Nội
Trường THPT Hoài Đức A
Viết đoạn văn tổng phân hợp (khoảng 12-14 câu) trình bày cảm nhận của em về khổ thơ thứ 2 trong bài "Viếng lăng Bác" trong đó có sử dụng 1 câu ghép chính phụ
Đến với "Viếng lăng Bác"- một thi phẩm đặc sắc của Viễn Phương, hẳn người đọc sẽ không thể quên được tình cảm thành kính thiêng liêng và lòng biết ơn vô hạn của tác giả đối với Bác qua khổ thơ thứ hai
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân

Hai câu thơ đầu của khổ thơ sóng đôi, hô ứng nhau với hai hình ảnh "mặt trời". Mặt trời trong câu thơ thứ nhất là hình ảnh tả thực, mặt trời của thiên nhiên vĩnh hằng đem lại ánh sáng cho muôn loài, mặt trời trong câu thứ hai là hình ảnh ẩn dụ đẹp để khẳng định, ca ngợi công lao vĩ đại của Bác đối với nhân dân ta. Bác đã đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho toàn bộ dân tộc Việt Nam. Với câu thơ ấy, tác giả đã bộc lộ rõ thái độ tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc đối với Bác. Trong niềm xúc động tự hào, người con Nam Bộ hoà cùng dòng người thành kính vào lăng viếng Bác, tình cảm chân thành ấy được khắc họa cụ thể qua hai câu thơ tiếp theo. Nhịp thơ chậm, câu thơ có âm điệu kéo dài như diễn tả bước chân của dòng người vô tận đang lặng lẽ đi trong thương nhớ. Ta bắt gặp một hình ảnh ẩn dụ sáng tạo mới lạ, chính xác "tràng hoa" vừa diễn tả thực dòng người ngày ngày vào lăng vừa có ý nghĩa tượng trưng cho cuộc đời của dòng người bất tận ấy đã nở dưới ánh sáng mặt trời "Bác Hồ". Chữ "dâng" chứa đựng bao tình cảm bởi mỗi người đến viếng Bác, ai cũng muốn dâng lên Bác những thành tích tốt đẹp, những bông hoa tươi thắm nảy nở trong sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Hình ảnh "bảy mươi chín mùa xuân" còn mang ý nghĩa tượng trưng: con người bảy mươi chín mùa xuân ấy đã sống cuộc đời đẹp như những mùa xuân, đã làm ra mùa xuân cho đất nước và Bác là mùa xuân bất tử trong lòng dân tộc và nhân loại. Điệp ngữ cách quãng "ngày ngày" đứng ở đầu mỗi ý vừa khẳng định quy luật tự nhiên của tạo hoá vừa khẳng định quy luật trong lòng người. Tóm lại, chỉ với bốn câu thơ, qua các biện pháp nghệ thuật đặc sắc, Viễn Phương đã gieo vào lòng người đọc không chỉ niềm xúc động trước công lao vĩ đại của Bác mà còn trước tình cảm chân thành của nhà thơ.

Phần in đậm: câu ghép chính phụ
 
Top Bottom