Em gái tham khảo những ý kiến sau nhé:
Làm sao để giảm thiểu tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông
Nguồn: baoquangminh
Vụ tai nạn thảm khốc khiến 4 học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hạ Long) thiệt mạng đang đặt ra vấn đề về việc chấp hành các quy định về ATGT của học sinh. Trước vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo ngành Giáo dục và một số giáo viên, học sinh về giải pháp ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông.
Bà Bùi Thúy Phượng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: “Đây là bài học đắt nhất cho tất cả mọi người”
Ngay sau vụ TNGT thảm khốc khiến 4 học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hạ Long) thiệt mạng, chúng tôi đã đến gia đình từng em để động viên, chia sẻ. Đây là vụ việc thật thương tâm, là bài học đắt nhất cho tất cả mọi người, mọi gia đình. Mặc dù, thời gian qua, Sở đã áp dụng nhiều biện pháp thực hiện ATGT trong trường học như: Đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Giao thông Đường bộ cho học sinh; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để xử lý tình trạng ách tắc giao thông khu vực các cổng trường; dẹp bỏ các tụ điểm hàng quán, các điểm trông giữ xe đạp, xe gắn máy của học sinh ở xung quanh trường học; kiểm tra phát hiện và xử phạt các trường hợp học sinh điều khiển mô tô, xe máy, đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm tới trường…
Trong việc chỉ đạo của Sở, chúng tôi cũng xác định rất rõ, kể cả các trường hợp giáo viên mà vi phạm Luật Giao thông Đường bộ cũng phải xử lý nghiêm và yêu cầu hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm trước ngành nếu để học sinh vi phạm… Bởi các em đang trong độ tuổi thích thể hiện cái tôi của bản thân, nên nếu hiệu trưởng nào chỉ cần buông lỏng quản lý các em trong một thời gian ngắn thôi thì các em sẽ vi phạm ngay, mà nếu một lần làm được mà không bị xử phạt thì các lần khác cũng làm được…
Tuy nhiên, tình trạng học sinh vi phạm TTATGT vẫn diễn ra, tập trung ở các khu đô thị và đặc biệt là ở các trường ngoài công lập. Các trường đều tổ chức cho học sinh ký kết không vi phạm ATGT. Tuy nhiên, không ít trường hợp ký xong, các trường giữ để có bằng chứng chứ chưa thật chú trọng đến việc giáo dục. Trường đã tổ chức trao đổi với phụ huynh, yêu cầu họ ký kết không cho con em đi xe gắn máy, nhưng nhiều phụ huynh lại biện minh cho con em mình với các lý do như nhà xa, không có phương tiện khác, bố mẹ không thể đưa đón…
Để hạn chế tình trạng học sinh vi phạp Luật Giao thông Đường bộ, hạn chế thấp nhất những vụ tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền giải thích cần phải kết hợp với xử phạt thật nghiêm để tăng cường tính răn đe, giáo dục vào phải làm thường xuyên, qua đó tạo ra được sự thay đổi trong nhận thức của học sinh. Đặc biệt là cần có chế tài xử lý người lớn khi con em họ vi phạm, vì theo tôi thấy phần lớn những trường hợp các em vi phạm đều do sự nuông chiều của các bậc phụ huynh đối với con em mình mà ra.
Cô giáo Nguyễn Thị Khuyên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Chúng tôi rất đau lòng về vụ TNGT thương tâm này”
Khi nhận được thông tin về vụ TNGT cùng lúc đã khiến 4 học sinh của trường thiệt mạng khiến chúng tôi thực sự sốc và đau lòng. Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã 2 lần cho học sinh và phụ huynh học sinh ký cam kết về việc thực hiện những quy định về ATGT. Bên cạnh đó, thời gian qua, trường cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, tuy nhiên vẫn còn để xảy ra tình trạng học sinh đi xe máy đến trường, không đội mũ bảo hiểm.
Vụ tai nạn giao thông đáng tiếc này là bài học cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh trong việc quản lý con em mình, nhà trường cũng rút ra bài học đắt giá về việc giáo dục ý thức cho học sinh trong việc chấp hành luật lệ về ATGT.
Sau vụ việc này, chúng tôi rất mong cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm ATGT, xử lý các điểm trong giữ xe trái phép xung quanh các trường học. Về phía nhà trường thời gian tới sẽ tích cực tuyên truyền giáo dục về Luật Giao thông Đường bộ tới các em học sinh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Cô giáo Hoàng Thị Lý, Phó Hiệu trưởng Trường PTTH Lê Thánh Tông: “Kiên quyết không để học sinh vi phạm giao thông”
Những vụ TNGT do học sinh điều khiển xe gắn máy gây ra thời gian qua, nhất là vụ làm 4 học sinh của Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm thiệt mạng là bài học đắt giá cho gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Qua đây cho thấy, vấn đề xử lý, ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm TTATGT cần được quan tâm, phối hợp thực hiện hiệu quả hơn nữa.
Trường PTTH Lê Thánh Tông thời gian qua cũng đã tích cực tổ chức ký cam kết giữa gia đình, nhà trường và học sinh về không vi phạm các quy định về TTATGT; phối hợp với lực lượng CSGT tổ chức các buổi học ngoại khóa tuyên truyền, giáo dục về Luật Giao thông Đường bộ cho học sinh. Nhà trường cũng thường xuyên thống kê, giám sát và tổ chức cho những em đi học bằng xe đạp điện ký cam kết thực hiện nghiêm việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông... Thế nhưng, tình trạng học sinh đi xe máy đến trường và không đội mũ bảo hiệm khi đi xe đạp điện vẫn còn diễn ra. Với các trường hợp tái phạm, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý. Cụ thể năm 2013 chúng tôi đã quyết định cho 1 học sinh nghỉ học vì vi phạm kỷ luật, đi xe máy tới trường. Tuy nhiên, để công tác tuyên truyền Luật Giao thông Đường bộ, nhất là các quy định cấm học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đạt hiệu quả thì sự vào cuộc của nhà trường thôi chưa đủ mà theo tôi cần có sự vào cuộc cùng phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và toàn xã hội… Qua đó, góp phần kiềm chế và giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc như sự việc vừa qua.
Thầy giáo Hoàng Thế Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Hòn Gai: “Cần sự vào cuộc chặt chẽ của các bậc phụ huynh”
Sự việc 4 học sinh nhà Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đi xe máy bị tai nạn một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh về công tác quản lý, giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ cho học sinh. Là một trường ở trung tâm thành phố, với số lượng học sinh đông, nên bên cạnh nhiệm vụ chính là việc truyền dạy kiến thức cho học sinh thì chúng tôi còn quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, trong đó trọng tâm là tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác tuân thủ TTATGT.
Để việc tuyên truyền pháp luật về giao thông đạt hiệu quả, nhất là quy định về cấm học sinh điều khiển xe máy đến trường, thời gian qua, Ban Giám hiệu nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp như: Thường xuyên phối hợp tổ chức các chương trình ngoại khóa phổ biến Luật Giao thông Đường bộ, giáo dục kỹ năng sống, kết hợp với các khen thưởng, kỷ luật để kịp thời uốn nắn các em… Nhờ vậy mà tình trạng học sinh đến trường bằng xe máy, không đội mũ bảo hiểm đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một số em học sinh vi phạm các quy định cấm học sinh điều khiển xe máy đến trường… Để tiếp tục phát huy những hiệu quả đã đạt được, tránh những vụ TNGT đáng tiếc có thể xảy ra, chúng tôi cũng đã liên lạc chặt chẽ, yêu cầu các phụ huynh giám sát, ký cam kết không cho học sinh đi xe máy tới trường, phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương cùng chung tay vào cuộc.
Cô giáo Đàm Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS và PTTH Văn Lang: “Đề cao cảnh giác và quan tâm đến việc đi lại của con, em mình”
Chúng tôi cảm thấy rất đau lòng khi nghe tin 4 em học sinh nữ bị thiệt mạng do TNGT xảy ra mới đây. Tôi cũng xin chia sẻ nỗi đau mất mát này với gia đình, người thân của các em. Qua đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các bậc phụ huynh và giáo viên các trường cần đề cao cảnh giác, quan tâm đến việc con, em mình khi tham gia giao thông...
Thời gian tới, Ban Giám hiệu nhà trường xác định cần tiếp tục triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ cho học sinh khi tham gia giao thông. Trường cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp với gia đình và chính quyền địa phương để thực hiện tốt quy định cấm học sinh đi xe máy tới trường và phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện. Cùng với đó, trường cũng thống kê, kiểm soát, theo dõi những học sinh hay vi phạm, những học sinh đi xe đạp điện để từ đó có biện pháp quản lý, giáo dục hiệu quả.
Tuy nhiên, để công tác này thật sự hiệu quả, tôi mong sẽ nhận được sự quan tâm phối hợp hơn nữa của gia đình, chính quyền địa phương để cùng chung tay vào cuộc, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất những sự việc TNGT đáng tiếc có thể xảy ra cho học sinh.
Em Mai Tú Anh, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lê Thánh Tông: “Tích cực tuyên truyền, vận động để học sinh chúng em hiểu rõ ý nghĩa của các quy định liên quan đến ANGT”
Chúng em rất buồn trước vụ TNGT làm 4 bạn học sinh thiệt mạng mới đây. Các bạn thật đáng thương nhưng cũng thật đáng trách vì đã không chấp hành nghiêm các quy định về ATGT. Thực tế thời gian qua, bên cạnh những giờ học kiến thức, thời gian qua, chúng em còn thường xuyên được nhà trường tổ chức cho tham gia các hoạt động ngoại khóa có nội dung về ATGT. Thông qua các buổi ngoại khóa này đã giúp chúng em nắm rõ hơn và tự giác chấp hành các quy định cấm học sinh điều kiển xe mô tô, xe gắn máy đến trường và phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện...Bản thân em và nhiều bạn khác trong trường sau khi được tuyên truyền, giải thích đã bảo nhau tự giác chấp hành các quy định này. Nhiều bạn mà em biết trước đấy đã từng đi xe máy đến trường, những khi được tuyên truyền, vận động đã tự giác chuyển sang đi xe đạp và luôn đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện, nhiều bạn còn vận động người thân trong gia đình cùng thực hiện đúng quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện. Tuy nhiên, theo em thấy hiện vẫn còn một số ít bạn chưa tự giác chấp quy định này như: Đi xe máy đến khu vực gần trường sau đó gửi xe ở nhà dân, hay đi xe đạp điện đến gần cổng trường mới đội mũ bảo hiểm...Em mong thời gian tới, nhà trường tiếp tục quan tâm tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa tuyên truyền về TTATGT để vận động các bạn còn vi phạm tự giác chấp hành, cùng đó, các cơ quan chức năng cần xử lý thật cương quyết các trường hợp vi phạm. Có làm được như vậy thì mới tránh được những vụ việc TNGT đáng tiếc như trong thời gian qua.
Nhóm Phóng viên Báo Điện tử
------
Trong những năm vừa qua, tình trạng học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên (HS,SV,TTN) vi phạm Luật Giao thông đường bộ và các quy định về TTATGT diễn ra khá phổ biến. Các lỗi như điều khiển xe gắn máy không có giấy phép; dàn hàng ngang gây ùn tắc giao thông; không thực hiện đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện... vẫn diễn ra thường xuyên. Điều đó đã và đang dẫn đến những hệ luỵ không nhỏ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của chính các em và người dân...
Để giảm thiểu đến mức tối đa tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ và các quy định về TTATGT trong lứa tuổi HS,SV,TTN, trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng cần phải được đề cao hơn nữa. Theo đó, trước hết mỗi gia đình, mỗi bậc phụ huynh phải làm gương cho con em mình bằng cách tự giác chấp hành pháp luật về ATGT; chủ động nhường đường; thân thiện với người đồng hành; không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia; hạn chế sử dụng còi; sẵn sàng giúp đỡ người bị tai nạn giao thông... Không được để những hành vi vi phạm pháp luật, như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe gắn máy... của người lớn làm ảnh hưởng xấu tới ý thức của con em…